Báo cáo khóa Bồi dưỡng trụ trì 2019
- Ban Thư ký
- | Thứ Ba, 16:27 28-05-2019
- | Lượt xem: 4546
BÁO CÁO KHÓA BỒI DƯỠNG KINH NGHIỆM TRỤ TRÌ LẦN THỨ 16
HỆ PHÁI KHẤT SĨ
Từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm Kỷ Hợi (22 – 28/5/2019)
Khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì lần thứ 16, PL. 2563 – DL. 2017, được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang, từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm Kỷ Hợi (22 – 28/5/2019), với chủ đề: “Tìm hiểu nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ” được diễn ra trang nghiêm, trọng thể. Thay mặt Ban Thư ký, chúng con xin kính trình lên chư Tôn đức nội dung giảng dạy và một số vấn đề liên hệ đến khóa Bồi dưỡng một cách khái quát như sau:
Đại đức Giác Hoàng đọc bản báo cáo
I. SỐ LƯỢNG THAM DỰ
Tổng số: 412 vị.
Tăng 6 Giáo đoàn: 192 vị. Chư Ni là 220 vị.
Ni giới Tổ đình Ngọc Phương: 80 vị.
Ni giới Giáo đoàn I: 13 vị.
Ni giới Giáo đoàn III: 50 vị.
Ni Giáo đoàn IV: 77 vị.
Nhìn chung, chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng và Ni năm nay tham dự không nhiều, nhất là Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tổ đình Ngọc Phương.
II. NỘI DUNG GIẢNG DẠY
Gồm có 2 chủ đề chính: 1. Tư tưởng, đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang gồm 11 bài tham luận. 2. Vai trò, trách nhiệm của vị trụ trì gồm 11 bài. Đặc biệt có 2 bài thuyết trình của Trung ương Giáo hội và một bài của Ông TS. Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ. Sau đây là tóm tắt theo thời gian từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy.
1. NGÀY THỨ NHẤT (18.4. Kỷ Hợi)
HT. Giác Giới mở đầu khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì với đề tài: Vai trò trụ trì ngang qua chủ đề “Tìm hiểu những nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ”. Hòa thượng đã so sánh nội dung Chơn Lý với nội dung các bài kinh thuộc Kinh tạng Nam truyền như Tiểu kinh Khu rừng sừng bò, Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Kinh Thánh cầu, Đại kinh Bốn mươi, v.v…, Hòa thượng khẳng định rằng những tư tưởng giáo lý và đường lối hành trì do Tổ sư Minh Đăng Quang “nối truyền” là cốt lõi của con đường giải thoát mà hơn 26 thế kỷ trước đức Phật đã chủ trương. Hòa thượng nhắn nhủ đại chúng phải biết khéo nghe và suy tư, tìm hiểu và tự mình hiểu rõ tường tận và miên mật áp dụng Giới – Định – Tuệ để duy trì mạng mạch giáo pháp Khất sĩ, xiển dương đường lối tu học biệt truyền do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập. Đặc biệt, mỗi Tăng Ni Khất sĩ phải ý thức tấn tu Tam vô lậu học để sớm đạt được tri kiến như thật (Nhập lưu) hướng đến giải thoát hoàn toàn.
2. NGÀY THỨ HAI (19.4. Kỷ Hợi)
Phiên buổi sáng
HT. Giác Ngộ chia sẻ với đại chúng những kiến giải, kinh nghiệm tu học của bản thân thông qua bài kệ Pháp trong “Luật Nghi Khất Sĩ”. Hòa thượng phân tích, giảng đường lối tu hành đốn ngộ, ngỏ hầu trực nhận bản thể của vạn hữu, thấu rõ lý nhân duyên, liễu ngộ bản thể “vốn không” của vạn pháp. Hòa thượng cũng nhắc lại lời dạy “giữ tâm không không” của đức Nhị tổ Giác Chánh, qua đó nhắc nhở đại chúng cố gắng thực hành lời dạy này của đức Nhị Tổ.
HT. Giác Nhân chia sẻ với đại chúng Tăng Ni đề tài “Giá trị y bát Khất sĩ qua lời dạy của Tổ sư”. Dựa trên nội dung của Chơn Lý “Y Bát chơn truyền”, Hòa thượng trình bày những quy chuẩn về Y và Bát Khất sĩ do Tổ sư chỉ dạy, qua đó nêu bật những giá trị, nét đặc thù của giáo lý và phương pháp hành trì của Hệ phái. Trong bối cảnh hiện tại, Hòa thượng trình bày những khó khăn phát sinh do điều kiện khách quan như: Do thời duyên, điều kiện xã hội và Phật sự đa đoan tác động đến việc hành trì y bát, qua đó Hòa thượng đề xuất những giải pháp và kêu gọi đại chúng Tăng Ni lưu tâm và tìm ra giải pháp phù hợp. Đặc biệt, Hòa thượng trình bày những ưu tư đối với những Tăng Ni trẻ, có dấu hiệu xa rời Y Bát, lơ là trong hành trì.
Phiên buổi chiều
HT. Giác Toàn chia sẻ đến đại chúng Tăng Ni đề tài “Trách nhiệm của vị trụ trì trong việc định hướng tu tập và hoằng pháp trước thời duyên”. Thông qua buổi chia sẻ, Hòa thượng đã nhắc nhở mỗi vị trụ trì phải lấy tinh thần vô ngã mà ứng xử nội – ngoại, nên hiểu đây là trách nhiệm của người xuất gia chứ không phải chức vụ quyền hành. Đồng thời, luôn tâm niệm điều nhiếp tâm tánh, để tâm yên, trí sáng; nhờ đó đời sống an vui, mọi Phật sự đều dễ thành tựu. Ngoài ra, Hòa thượng cũng nhấn mạnh rằng, vị trụ trì phải có pháp học vững vàng, đồng thời biết lắng nghe, chọn lọc và tiếp thu ý kiến đóng góp. Với sứ mệnh “tục diệm truyền đăng”, Hòa thượng nhấn mạnh đến tâm lượng bao dung, từ bi của vị trụ trì đối với Tăng (Ni) chúng, đệ tử cũng như Phật tử tín đồ hữu duyên. Vị trụ trì phải khéo léo, thiện xảo trong việc giáo dưỡng, nâng đỡ đệ tử xuất gia, Tăng (Ni) chúng nương tựa tu học và cư sĩ Phật tử thăng tiến trong Chánh pháp. Về mặt đối ngoại, vị trụ trì cần nắm rõ Hiến chương, nội quy về Tăng sự cũng như các Ban, Viện khác của Giáo hội; hiểu rõ và nắm vững pháp luật, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo do Nhà nước ban hành.
3. NGÀY THỨ BA (20.4. Kỷ Hợi)
Phiên buổi sáng
ĐĐ. Giác Hoàng trình bày “Báo cáo các hoạt động Phật sự tiêu biểu của Hệ phái Khất sĩ năm 2018 và đầu năm 2019”. Đại đức trình bày sơ lược, đánh giá và nhận định lại những thành quả của Hệ phái trong năm 2018 và đầu năm 2019 như: Tăng sự, các khóa tu Truyền thống Khất sĩ, khóa Bồi dưỡng đạo hạnh, Tưởng niệm Tổ sư, An cư, Bảo tháp Hồng Ân, quỹ Pháp học Khất sĩ, văn hóa - truyền thông - hoằng pháp.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Đại đức trình bày nhiều bất cập còn tồn đọng như: Các khóa tu học vẫn còn có dấu hiệu nặng về hình thức, ý thức tham gia các khóa tu của một bộ phận thành viên các Giáo đoàn còn yếu. Nhìn chung, đại chúng Tăng Ni vẫn còn yếu về pháp học, pháp hành và ngại trình Pháp. Qua đó, mong mỏi chư Tôn đức Tăng Ni lưu tâm và khắc phục.
Liên hệ đến công tác học thuật, văn thư lưu trữ và văn hóa, Đại đức đề xuất:
1. Tái xuất bản Nội san Đuốc Sen
2. Biên tập và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến Hệ phái Khất sĩ
3. Lên kế hoạch biên khảo tác phẩm Lịch sử Hệ phái Khất sĩ.
Để kiện toàn hệ thống tổ chức, và triển khai các công tác Phật tử hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đại đức đề xuất:
1. Tăng cường tính tương thông giữa các nhân sự, các Ban với nhau, cụ thể: (1) Mối quan hệ giữa thầy – trò, (2) Các vị Thư ký của Giáo đoàn với các tịnh xá trong Giáo đoàn, (3) Các vị Thư ký Hệ phái với các vị Giáo phẩm Hệ phái và Giáo hội, (4) Các Ban của Hệ phái với nhau để hỗ trợ cho nhau trong quá trình làm đạo.
2. Cần quan tâm và quản lý tốt hơn nữa về việc bổ nhiệm trụ trì đối với cơ sở tự viện.
3. Cần tăng cường sự quan tâm và quản lý Tăng Ni trẻ đã bước vào các trường Phật học
4. Cần có một cơ chế thông thoáng và quan tâm hơn về việc quản lý các vị vừa mới bước chân vào đạo.
5. Cần sự phát tâm dấn thân tham gia các công tác Phật sự Hệ phái của các Tăng Ni trẻ
6. Triển khai phương thức quản lý Tăng sự mới bằng hệ thống phần mềm quản lý. Sau khi Ban Thư ký gửi biểu mẫu điền thông tin, Ban Thư ký mỗi Giáo đoàn cập nhật danh bộ Tăng Ni đầy đủ thông tin chi tiết, gửi về Ban Thư ký Hệ phái, sau đó nhập liệu và hoàn bị.
NS. Tuyết Liên trình bày đề tài “Pháp phục – Nét đặc thù biệt truyền của Hệ phái Khất sĩ”. Trong 30 phút, Ni sư đã trình bày khái lược về pháp phục thuở Phật sinh tiền và sự chế định về pháp phục của Tổ sư Minh Đăng Quang buổi đầu lập giáo. Kế đến, Ni sư đánh giá quá trình áp dụng và những thay đổi, thậm chí lai tạp, biến tướng về vấn đề pháp phục xuất hiện trong Hệ phái Khất Sĩ trong 70 năm qua. Với những dấu hiệu có thể ảnh hưởng đến truyền thống và nét đẹp giải thoát của pháp phục Khất sĩ, Ni sư trình bày ưu tư, đề xuất giải pháp và tha thiết mong mỏi đại chúng Tăng Ni Khất sĩ ý thức giữ gìn nét đặc thù biệt truyền của Hệ phái.
Phiên buổi chiều
TT. Giác Duyên trình bày đề tài “Kinh nghiệm trụ trì và hoằng pháp nơi vùng sâu vùng xa”. Với kinh nghiệm trụ trì nhiều ngôi tịnh xá, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Thượng tọa đã trình bày những khó khăn, trăn trở trong quá trình hoằng dương Phật pháp ở vùng sâu vùng xa và kinh nghiệm hướng đạo cho đồng bào Phật tử người dân tộc thiểu số. Thượng tọa kêu gọi tinh thần dấn thân phụng sự, chịu khó, nhẫn nại, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật Nhà nước, kiến thức Phật học cùng khả năng thiện xảo trong quá trình hành đạo, đặc biệt là luôn tâm niệm trưởng dưỡng tâm Từ bi để lấy đây làm động lực mang ánh sáng Phật pháp, giáo lý của Tổ sư Minh Đăng Quang đến với đồng bào.
NS. Phục Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Phú - Gia Lai trình bày đề tài “Trách nhiệm tiếp Tăng độ chúng của vị trụ trì trong thời đại hiện nay”. Ni sư nhấn mạnh người trụ trì mang hai sứ mệnh là tế độ chúng xuất gia và tiếp độ Phật tử tại gia. Đối với chúng xuất gia, vị trụ trì phải thông hiểu Phật pháp, nghiêm trì giới luật để làm gương mẫu cho đàn hậu tấn; đồng thời từ bi, khéo léo giáo dưỡng, đào tạo đệ tử; bao dung, nâng đỡ đệ tử vượt qua chướng duyên trên bước đường tu học. Đối với Phật tử tại gia, khéo léo hóa độ để Phật tử cư sĩ có cái nhìn chánh kiến, hiểu rõ nhân quả. Tích cực tổ chức các khóa Bát quan trai, khóa tu niệm Phật, tu thiền, khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên, v.v…
NT. Yến Liên, Giáo phẩm Ni giới Giáo đoàn I, trình bày đề tài “Tinh thần truyền đăng tục diệm của đức Tổ sư”. Ni sư chủ trương rằng, mỗi vị trụ trì với vai trò người Thầy phải có đầy đủ những tiêu chí như: Từ buổi xuất gia nhập đạo, làm Sa-di phải vâng lời Thầy dạy, trọn đạo hầu thầy, nghiêm trì luật nghi, thu thúc 6 căn. Khi bước lên hàng xuất gia thiệt thọ, phải nghiêm trì giới luật tinh tấn, nghiên tầm giáo điển, thực hành tinh chuyên Giới – Định – Tuệ, ý thức đạo quả giác ngộ là mục tiêu tối hậu. Với trách nhiệm “truyền đăng tục diệm”, vị trụ trì phải định hướng và truyền đạt con đường giác ngộ cho đệ tử mình sao cho phù hợp căn cơ của đệ tử, làm cho người đệ tử thực hành bổn phận trong tinh thần giác ngộ, chớ không phải nô lệ trong bổn phận Thầy – Trò, như vậy mới thể hiện đúng tinh thần giải thoát của người con Phật.
4. NGÀY THỨ TƯ (21.4. Kỷ Hợi)
Phiên buổi sáng
HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TW GHPGVN, đáp lời kiền thỉnh của BTC, đã quang lâm Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì năm 2019 và có buổi chia sẻ với đề tài “Khái niệm truyền thống và hiện đại liên hệ đến vai trò của vị trụ trì”. Hòa thượng nhấn mạnh: “Chỉ có một đạo Phật truyền thống trong bối cảnh hiện đại, chứ không có một đạo Phật hiện đại mà lãng quên truyền thống”. Hòa thượng đã triển khai và giải thích chi tiết những điểm liên quan đến trụ trì, quản lý tự viện thuộc từ truyền thống đến hiện đại. Cụ thể, Hòa thượng cũng làm sáng tỏ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai và áp dụng hiệu quả nội dung Hiến chương, cũng như Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN ở cấp Trung ương và BTS các tỉnh (thành), quận (huyện), và đưa ra những phương pháp giải quyết hiệu quả. Hòa thượng cũng chia sẻ, vị trụ trì ngoài trang nghiêm đạo hạnh, kiến thức Phật pháp, cần có tầm nhìn xa, vận dụng khoa học kỹ thuật, theo kịp bước phát triển chung của thời đại để phát triển đạo tràng và hoằng pháp hữu hiệu nhất.
NT. Khiêm Liên trình bày đề tài “Tổ sư Minh Đăng Quang với con thuyền Bát-nhã”. Ni trưởng trình bày tư tưởng Bát-nhã của Tổ sư ở hai cấp độ “chơn đế” và “tục đế”. Ni trưởng phân tích tư tưởng “con thuyền Bát-nhã” của Tổ sư được Ngài thể hiện qua cả ba phương diện giáo hóa gồm: Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo và nhắn nhủ mỗi hành giả Khất sĩ nên lưu tâm và tiếp nhận trọn vẹn những điều giáo hóa này.
NS. Tuệ Liên trình bày đề tài: “Đặc thù kiến trúc tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ”. Trong suốt 30 phút, Ni sư trình bày những nét đặc sắc về kiến trúc ngôi tịnh xá qua các thời kỳ, các triết lý và ý nghĩa biểu tượng như hoa sen, đèn chơn lý, ý nghĩa tên gọi, triết lý ẩn tàng của các đặc điểm kiến trúc, v.v... Nhìn chung, bài thuyết trình có đầu tư về số liệu và hình ảnh; nhưng cũng cần trình bày cụ thể hơn về nét đặc thù kiến trúc của một ngôi tịnh xá. Đây là bài thuyết trình tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp và xây dựng. Nhiều Tăng Ni cho rằng đây là một đề tài nghiên cứu lớn, qua đó đề xuất nên có một cuộc Hội thảo chuyên đề, các vấn đề xoay quanh kiến trúc Hệ phái được nghiên cứu, khảo sát, thảo luận và đưa đến mô hình thống nhất.
Phiên buổi chiều
HT. Giác Pháp chia sẻ với đại chúng đề tài “Trách nhiệm trụ trì trong việc duy trì và phát triển tông phong Hệ phái”. Hòa thượng tha thiết kêu gọi Tăng Ni gìn giữ tinh thần sống chung tu học; giữ gìn nghiêm túc những nét đặc thù về kiến trúc, nghi lễ, thờ phượng, nghi thức hành trì, Y bát và khất thực; gìn giữ sự trong sáng của giáo pháp Khất sĩ, không để cho danh xưng, lợi dưỡng và các khuynh hướng ngoại lai trà trộn vào làm nhẹ thể giáo pháp Khất sĩ. Bên cạnh đó, để phát triển Hệ phái, về phương diện cơ sở, Hòa thượng cho rằng mỗi vị trụ trì cần phát triển nhận thức cá nhân, chú trọng tế độ người xuất gia và giáo dưỡng, đào tạo Tăng tài, phát triển cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tu học của cư gia bá tánh. Về phương diện Hệ phái, Hòa thượng đề xuất vị trụ trì duy trì và phát triển tịnh xá hòa theo đà phát triển chung của cả Hệ phái; nỗ lực cùng Tăng Ni Hệ phái chia sẻ những Phật sự chung, không cục bộ, riêng tư.
NS. Hằng Liên trình bày đến hội chúng “Kinh nghiệm tổ chức khóa tu”. Qua buổi chia sẻ, những thành tựu Ni sư đạt được trong các khóa tu thiền 10 ngày do Ni sư tổ chức, đó là giúp thiền sinh hiểu rõ được ý nghĩa và lợi ích của tu tập chánh niệm và giữ gìn giới pháp. Về mặt tổ chức, Ni sư chủ trương phổ biến và bắt buộc thiền sinh nghiêm túc tuân thủ nội quy ngay từ đầu, để tạo nề nếp, quy củ.
ĐĐ. Giác Nhẫn trình bày đề tài “Phương hướng tham gia Phật sự Giáo hội và hoằng pháp của vị trụ trì”. Đại đức trình bày kinh nghiệm trụ trì ngay tại trú xứ của mình. Với nhiệt tâm của một vị trụ trì trẻ, Đại đức chia sẻ những thành tựu và dự kiến phát triển đạo tràng, hoằng dương Phật pháp trong tương lai gần. Đồng thời, Đại đức cũng chia sẻ về phương hướng hoạt động mà một vị trụ trì cần có. Đại đức đề xuất: Về mặt đối nội, chủ trương đào tạo Tăng tài, tổ chức các khóa tu học cho Phật tử, tôn tạo trang nghiêm tịnh xá… Về mặt đối ngoại, tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội, hoạt động liên tôn, tham gia khối đại đoàn kết, các hoạt động từ thiện xã hội… Đặc biệt, Đại đức phát thảo mô hình vận hành đạo tràng dựa trên hình thức thu nhỏ của các Ban, Viện thuộc TƯ GHPGVN.
5. NGÀY THỨ NĂM (22.4. Kỷ Hợi)
Phiên buổi sáng
Nhận lời mời của Ban Tổ chức, TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ, đã đến thăm và trình bày đề tài “Vai trò của chức sắc, tín đồ Phật giáo trong việc thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo”. Mở đầu buổi chia sẻ, ông đánh giá cao sự phát triển và thành tựu của Hệ phái cả về mặt số lượng Tăng Ni xuất gia, đạo tràng tịnh xá; lẫn chất lượng tu học, hoằng pháp, tuân thủ pháp luật nhà nước, đóng góp cho sự phát triển chung của Giáo hội và Nhà nước. Ông nhấn mạnh vai trò của vị trụ trì (1) là người dẫn dắt tín đồ về tâm linh, đạo đức và trí tuệ, (2) tổ chức các hoạt động Phật sự cho Tăng Ni và Phật tử trên địa bàn sinh hoạt tuân theo Pháp luật Nhà nước và Hiến chương GHPGVN, (3) đoàn kết tôn giáo, đoàn kết khối đại dân tộc nhằm xây dựng quê hương giàu đẹp. Kế đến, ông trình bày và giải thích Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến với đại chúng. Theo ông, Luật Tín ngưỡng tôn giáo (1) khẳng định và mở rộng chủ thể đối tượng tôn giáo, (2) tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức , (3) đơn giản hóa các thủ tục xin phép, đăng ký hoạt động tôn giáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức, trong việc đảm bảo và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
HT. Giác Hà chia sẻ với đại đến đại chúng đề tài “Trách nhiệm của trụ trì đối với Giáo Pháp”. Hòa thượng khẳng định rằng được thân người là khó, nên mỗi Tăng Ni phải ý thức tu tạo các thiện pháp để không uổng phí kiếp người. Thứ đến, được duyên lành xuất gia, mỗi vị phải phân định rõ được ranh giới Đạo – Đời, để thúc liễm thân tâm, lánh xa sự thế, tinh tấn tu hành, để tự thân được tấn hóa và góp phần gìn giữ đạo pháp. Với trọng trách trụ trì, Hòa thượng dạy rằng vị trụ trì phải chuẩn mực, gương mẫu và có trách nhiệm với Tăng chúng; tu học và hành đạo đúng với tông chỉ Hệ phái.
Phiên buổi chiều
TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, đáp lời cung thỉnh của Ban Tổ chức, đã quang lâm và chia sẻ đề tài“Thành tựu của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 và những điểm trọng yếu của Giáo hội”. Thượng tọa tán thán truyền thống tổ chức Khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì diễn ra đầu mùa An cư mỗi năm của Hệ phái, đồng thời đánh giá cao những thành tựu trong các hoạt động Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện, v.v… Kế đến, Thượng tọa chia sẻ về việc thực hiện Hiến chương, chủ trương đường lối của GHPGVN, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trách nhiệm và bổn phận vị trụ trì. Phần còn lại của buổi chia sẻ, Thượng tọa trình bày những thành tựu của kỳ Đại lễ Phật đản LHQ – Vesak 2019 vừa được GHPGVN tổ chức thành công rực rỡ tại Trung tâm Phật giáo chùa Tam Chúc, Hà Nam. Qua đó, Thượng tọa khẳng định mối liên hệ giữa Nhà nước và GHPGHVN và nhắn nhủ rằng Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ là một thành viên GHPGVN, cố gắng phát huy hơn nữa những góp phần xây dựng GHPGVN và Hệ phái Khất sĩ phát triển vững mạnh.
NT. Hiệp Liên, Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III, trình bày đề tài “Nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ qua hình ảnh Y Bát”. Trong bài thuyết trình, Ni trưởng đã trích dẫn Chơn Lý “Y Bát chơn truyền”, qua đó khẳng định Y – Bát chính là biểu tướng của giáo pháp. Ngày nay, Hệ phái Khất sĩ vẫn gìn giữ nếp thực hành y bát một cách nghiêm cẩn, đây là nét đặc thù mà mỗi người học trò Khất sĩ cần phát huy.
6. NGÀY THỨ SÁU (23.4. Kỷ Hợi)
Phiên buổi sáng
TT. Minh Thành chia sẻ đến đại chúng đề tài “Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang”. “Công trình dung hợp” được Thượng tọa trình bày liên quan đến ba phương diện, đó là: (1) Pháp môn Khất thực, (2) Giáo lý Trung đạo, (3) Con đường Bồ-tát. Qua đó, Thượng tọa khẳng định giáo pháp Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập là con đường thực nghiệm - thực chứng. Ở đó, con đường giải thoát (Trung đạo) ngang qua lý Nhân Duyên, được Tổ sư minh giải một cách đặc biệt, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Cuối cùng, với con đường Bồ-tát, đây chính là trí tuệ và nét độc đáo của Tổ sư trong việc ứng dụng triết lý Phật giáo, nhằm làm lợi lạc quần sanh trong bối cảnh và xã hội thời Tổ sư ra đời. Thượng tọa kết luận rằng, “công trình dung hợp” xuất phát từ trí tuệ viên dung của Tổ sư trên hai phương diện thế gian và xuất thế gian.
NS. Chánh Liên đãi lao cho NT. Thông Liên, Trưởng Phân đoàn I, Ni giới GĐ IV, trình bày đề tài “Hạnh trì bình khất thực – Nét truyền thừa đặc thù của Hệ phái Khất sĩ”. Trong bài thuyết trình, Ni trưởng ôn lại hạnh nguyện Khất thực của Phật Tăng xưa và chí nguyện nối truyền pháp hành cao quý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngang qua việc nghiên cứu, Ni trưởng khẳng định những lợi ích thiết thực của pháp khất thực với đời sống tu học. Qua đó, Ni trưởng tha thiết kêu gọi mỗi vị học trò Khất sĩ ý thức và gìn giữ pháp hành cao quý này.
Phiên buổi chiều
TT. Giác Nhuận trình bày đề tài “Tìm hiểu về Chơn lý “Thờ phượng””. Theo Thượng tọa, Tổ sư chỉ rõ rằng, thờ phượng linh cốt, ảnh tượng của Phật, Bồ-tát, các vị Thánh Tăng, hay các hương linh người đã khuất,… chỉ là pháp trợ tu, là phương tiện tiếp độ chúng sanh vào đạo. Đây không phải là pháp cứu cánh để đưa hành giả đến con đường giác ngộ, giải thoát. Con đường giải thoát mà hành giả Khất sĩ phải đi là con đường Giới-Định-Tuệ.
NT. Mai Liên trình bày đề tài “Mô hình tịnh xá – Nét đặc thù của Hệ phái”. Ni trưởng lần lượt trình bày những nghiên cứu về danh xưng, mô hình tổng thể kiến trúc, ý nghĩa tượng trưng của từng chi tiết kiến trúc như chánh điện bát giác, tháp gỗ 13 tầng, cột tứ trụ, bệ ba bậc… Ni trưởng kết luận rằng, mô hình tịnh xá đã được Tổ sư phác họa rất khoa học. Mỗi chi tiết kiến trúc đều dựa trên nền tảng giáo lý mà xây dựng, nhằm nhắc nhở Tăng - Ni, Phật tử Khất sĩ không xa rời Chánh pháp. Bên cạnh đó, với nét đặc thù trong kiến trúc, Hệ phái Khất sĩ đã đóng góp và điểm tô cho nền nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam thêm phong phú.
ĐĐ. Giác Nhường trình bày đề tài “Tăng Ni trẻ với tâm nguyện phụng sự Phật sự Hệ phái và Giáo hội”. Đại đức đã nêu lên thực trạng, các vị Tăng Ni trẻ, sau khi có duyên tham học và hoàn tất các khóa học trong và ngoài nước, chưa mạnh dạn, dấn thân phụng sự; thậm chí tránh né các Phật sự Hệ phái và Giáo hội. Theo Đại đức, được phụng sự Phật sự Hệ phái và Giáo hội là cơ hội để thực hiện nghĩa cử tri ân, báo ân chư Phật, Tổ, Thầy. Thế nên, mỗi vị Tăng Ni trẻ, đặc biệt những vị có học vị và năng lực nên tùy thời duyên cảnh ngộ để tham gia các công việc Phật sự, qua đó học hỏi và đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân trên bước đường tu học và phụng sự.
7. NGÀY THỨ BẢY (24.4. Kỷ Hợi)
Với sự chủ tọa của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, 8 Ban trực thuộc Hệ phái được thảo luận:
Ban Tổ chức Khóa tu do HT. Giác Toàn làm Trưởng ban
Ban Tăng sự do HT. Minh Bửu làm Trưởng ban. ĐĐ. Giác Hoàng, Chánh Thư ký Ban Tăng sự trình bày ý tưởng Quản lý Tăng sự bằng phần mềm quản lý thông tin.
Ban Giáo dục – Tu thư do TT. Minh Thành làm Trưởng ban
TT. Minh Thành vắng mặt vì công tác Phật sự của GHPGVN tại Hải Phòng.
Ban Nghi lễ do HT. Giác Pháp làm Trưởng ban
Hòa thượng trình bày những khó khăn trong việc thống nhất nghi lễ Hệ phái Khất sĩ. Hòa thượng cho rằng cần thống nhất hai bản kinh nhật tụng đang lưu hành hiện nay (1. Tăng sử dụng Nghi Thức Tụng Niệm (do HT. Pháp sư biên soạn từ các bản dịch Kinh Nhật Tụng của HT. Huệ Đăng – Thiên Thai Tông; 2. Ni giới Hệ phái Khất sĩ sử dụng Kinh Tam Bảo do NT. Huỳnh Liên soạn). Và hiện nay Hệ phái vẫn chưa có một nghi thức Tang lễ quy chuẩn và thống nhất dành cho các chư Tôn đức Tăng Ni viên tịch.
Ban Hoằng Pháp do Hòa thượng Giác Minh làm Trưởng ban
Hòa thượng nêu lên những khó khăn của công việc hoằng pháp thời đại 4.0 như: khi kinh sách, pháp thoại được đăng tải trên các trang web, mạng xã hội rất nhiều. Trong khi đó, các vị đang hoạt động hoằng pháp vẫn chưa cập nhật xu hướng xã hội, cũng như lưu tâm đến nội dung, ngôn ngữ và cung cách giảng thuyết. Đồng thời, Hòa thượng nêu lên những thực trạng khi chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ hoằng pháp có xu hướng lệch lạc tông chỉ Hệ phái.
Ban Hướng dẫn Phật tử do HT. Giác Nhân làm Trưởng ban
Hòa thượng phản ánh tình hình hướng dẫn Phật tử một số cơ sở bị lệch hướng tu.
Ban Từ thiện xã hội do TT. Minh Lộc làm Trưởng ban
Thượng tọa trình bày những khó khăn trong việc kết nối các Trưởng ban Từ thiện các Giáo đoàn, các vị Ủy viên Ban Từ thiện Hệ phái. Bên cạnh đó, tinh thần hưởng ứng các hoạt động Từ thiện chung của Hệ phái còn rất yếu kém. Thông tin thống kê về số liệu tịnh tài, hiện vật và thông tin các chuyến từ thiện vẫn còn mập mờ. Đáng buồn là thực tế Hệ phái làm Từ thiện với số lượng và tịnh tài đóng góp rất nhiều, nhưng không thống kê được số liệu cụ thể (hoặc số lượng rất ít) để báo lên Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN.
Ban Văn hóa – Truyền thông do Đại đức Giác Hoàng làm Trưởng ban
Đại đức trình bày nhân sự và thực tế hoạt động của công tác văn hóa và truyền thông Hệ phái trong thời gian vừa qua. Ngoài trang web http://daophatkhatsi.vn, Hệ phái đã thực hiện trang web http://phapam.daophatkhatsi.vn để đăng tải các bài pháp thoại do chư Tôn Đức Tăng Ni giảng sư Hệ phái thuyết giảng. Nhìn chung, các hoạt động truyền thông của Hệ phái tương đối tốt. Đối với công tác văn hóa, Đại đức cho rằng Hệ phái vẫn chưa chú trọng đúng mức đến công tác này. Qua đó, Đại đức đề xuất chư Tôn đức Tăng Ni quan tâm hơn đến công tác văn hóa.
Thảo luận
ĐĐ. Giác Phổ, Thư ký Ban Hoằng pháp, đề xuất ý kiến mời tất cả các Trưởng, Phó và Ủy viên Ban Hoằng pháp họp Ban Hoằng pháp để thống nhất quan điểm và phương thức hoạt động.
SC. Tiến Liên, Ủy viên Ban TTXH, đề xuất nên lập văn phòng đại diện Ban TTXH Hệ phái và thành lập Ban Bảo trợ Tăng Ni Hệ phái làm đạo vùng sâu vùng xa.
TK. Giác Minh Tường đề xuất Ban Hướng dẫn Phật tử cần có sự quan tâm và định hướng hoằng pháp, thu hút tín đồ gồm nhiều đối tượng trong xã hội.
III. CÁC ĐỀ XUẤT
1. Khóa Bồi dưỡng trụ trì là khóa An cư ngắn hạn 7 ngày hằng năm nên như là một khóa An cư ngắn hạn cho những vị tham học tại Pháp viện (cơ sở đăng cai tổ chức). Như vậy, vừa là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trụ trì, bồi dưỡng các kỹ năng mà người trụ trì cần tập huấn, vừa là cơ hội trải nghiệm đời sống tâm linh đúng nghĩa nhất.
2. Tăng cường các bài tham luận từ các Tăng Ni đến tham dự: Các bài tham luận được trình bày không chỉ dành riêng cho những vị đại diện các Giáo đoàn thuyết trình, mà nên là cơ hội cho những Tăng Ni tốt nghiệp từ các trường Phật học trong nước và nước ngoài, thể hiện quan điểm của riêng mình, đồng thời góp phần cho khóa trụ trì thêm phong phú.
3. Nên có thời gian thuyết trình chuyên đề của các Ban: Sang năm, ngoài những bài thuyết trình chính của chư Tôn đức Giáo phẩm Trung ương Giáo hội và một vài vị Tôn trưởng của Hệ phái, thời gian còn lại là chia sẻ kinh nghiệm thực tế trên nền tảng 7 Ban của Hệ phái: Ban Tổ chức khóa tu, Ban Tăng sự, Ban Nghi lễ, Ban Giáo dục – Tu thư, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Từ thiện, Ban Văn hóa – Truyền thông.
4. Ra mắt các Ban trực thuộc Hệ phái: Xin được Ra mắt 8 Ban của Hệ phái để chư vị thành viên của mỗi Ban được danh chánh ngôn thuận thực hiện nhiệm vụ của mình.
5. Thành lập QUỸ ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
Nhằm tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động Hệ phái và lễ lạc khi cần thiết, chư Tôn đức đề nghị thành lập QŨY ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ, để hỗ trợ cho các Phật sự quan trọng của Hệ phái và từ thiện xã hội.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG DIỄN RA TRONG KHÓA BỒI DƯỠNG
1. Khóa học Kỹ năng Phát âm chuẩn
Khóa Kỹ năng phát âm chuẩn được tổ chức từ lúc 18 giờ đến 20 giờ, từ ngày 18 đến 22 tháng 4 âm lịch. Khóa học đã thu hút gần 100 Tăng Ni Hệ phái và Bắc tông cùng đến tham học. Đây là khóa đầu tiên về nghệ thuật phát âm, cầm máy trong các lễ hội, giúp người học nhận ra những lỗi về phát âm, đọc diễn văn, phát biểu trước cử tọa, v.v…
2. Vận động ủng hộ tịnh tài cho Quỹ Pháp học Khất sĩ
Trong 7 ngày khóa Bồi dưỡng trụ trì cũng là thời gian chư Tôn đức Hệ phái ủng hộ, góp thêm cho Quỹ Pháp học Khất sĩ có thêm ngân sách, tịnh tài (có danh sách đính kèm), chuẩn bị cấp phát học bổng cho Tăng Ni Khất sĩ vào tháng 9-10 /2019.
3. Phổ biến và vận động ấn tống Đại tạng kinh Việt Nam
Mỗi tịnh xá nên đặt một bộ Đại tạng kinh là tối thiểu và vận động Phật tử các nơi ủng hộ, đặt mua.
V. KẾT LUẬN
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,
Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni,
Khóa Bồi dưỡng trụ trì PL. 2563 – DL. 2019 nhìn chung tương đối thành công. Nội dung của các bài thuyết trình phần lớn có sự chuẩn bị tương đối chu đáo. Đề tài phong phú, đa dạng. Người nghe có thể học hỏi được nhiều điều mới mẻ từ lý tưởng đến kinh nghiệm thực tiễn, góp phần phát triển ngôi tịnh xá riêng tại trú xứ, đồng thời góp phần xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kính chúc chư Tôn thiền đức Giáo phẩm và toàn thể đại chúng pháp thể khương an, Phật sự viên thành.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA-HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
Các bài viết liên quan
- Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024 - Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024 - xem: 1134 lần
- TP.HCM: Hệ phái Khất sĩ bế mạc Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2568 - DL.2024 - Thứ Bảy, 00:26 01-06-2024 - xem: 1532 lần
- TP.HCM: Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 14:10 31-05-2024 - xem: 1256 lần
- TP.HCM: TT.Thích Nhật Từ khẳng định “khóa tu là cầu nối giữa Tăng Ni và tín đồ Phật tử” trong chuyến thăm Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 00:25 31-05-2024 - xem: 1099 lần
- TP.HCM: NS.Tuệ Liên nói về giá trị của việc tu tập Giới - Định - Tuệ tại ngày 6 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 16:41 30-05-2024 - xem: 547 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” - Thứ Năm, 14:04 30-05-2024 - xem: 1378 lần
- TP.HCM: NT.Tuyết Liên & NS.Hiếu Liên trình bày tham luận tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 09:42 30-05-2024 - xem: 450 lần
- TP.HCM: HT.Minh Thành đề cao việc giữ giới tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 21:58 29-05-2024 - xem: 760 lần
- TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 12:12 29-05-2024 - xem: 879 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 tiếp nhận nhiều bài tham luận ấn tượng - Thứ Ba, 21:54 28-05-2024 - xem: 412 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì nhân Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 15:11 28-05-2024 - xem: 1613 lần
- TP.HCM: HT.Thích Huệ Thông nói về luật sửa đổi bổ sung trong Hiến chương của Giáo hội tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 12:06 28-05-2024 - xem: 712 lần