Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024
- Ban Thư ký
- | Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024
- | Lượt xem: 1706
BÁO CÁO TỔNG KẾT
KHÓA BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
PL. 2568 - DL. 2024
Ban Thư ký
- Cung kính bái bạch chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội;
- Cung kính bái bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái,
- Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Thường trực Hệ phái;
- Kính bạch quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô;
- Kính thưa đại chúng;
Được sự cho phép của Giáo hội và Chính quyền các cấp, mỗi năm chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ tổ chức khóa Bồi dưỡng Trụ trì vào đầu mùa An cư kiết hạ, nhằm hỗ trợ các vị trụ trì, các vị Tỳ-kheo thấm nhuần giáo pháp đức Thế Tôn, đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang, cách quản trị ngôi tự viện, tịnh xá, góp phần làm cho Phật pháp được quang huy, báo đền ân đức Tam bảo. Đây cũng là cơ hội để chư Tăng Ni trưởng dưỡng đạo tâm, chia sẻ kinh nghiệm tu học và hành đạo cho các vị đồng Phạm hạnh, làm hành trang trên bước đường hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc nhân sanh.
Khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2024, được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP. Thủ Đức - TP. HCM) từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 25 – 31/5/2024), với chủ đề: “Trụ trì với Giới Định Tuệ” được diễn ra thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban Thư ký, chúng con xin kính trình lên chư Tôn đức bản báo cáo khái quát như sau:
I. BAN TỔ CHỨC
* BAN CHỨNG MINH
Trưởng lão HT. Giác Nhường - Phó Pháp chủ GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.
Trưởng lão HT. Giác Giới - Phó Thư ký kiêm Giám luật HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.
Trưởng lão HT. Giác Tường - Ủy viên Thường trực HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.
Trưởng lão HT. Giác Ngộ - Thành viên HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.
* BAN TỔ CHỨC
Trưởng ban: HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.
Phó trưởng ban Thường trực: HT. Giác Pháp - Ủy viên HĐTS, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.
Ban Chủ tọa: HT. Minh Tuyên, HT. Giác Pháp, HT. Minh Bửu, HT. Giác Nhân, HT. Minh Hóa, HT. Giác Điệp.
Ban Thư ký – Văn phòng: TT. Giác Hoàng, TT. Minh Liên, TT. Giác Nhẫn, TT. Giác Nhường, ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Nghi, ĐĐ. Minh Sơn, ĐĐ. Minh Trúc, NS. Hạnh Liên, NS. Sanh Liên, NS. Hòa Liên (GĐ III), SC. Duyên Liên, SC. Hòa Liên (NGHPKS).
Ban Kiểm soát: TT. Giác Nhẫn, TT. Minh Đạo, ĐĐ. Minh Bổn, ĐĐ. Minh Tuế, ĐĐ. Giác Khương, ĐĐ. Minh Toàn, NS. Huệ Liên (NGHPKS), SC. Duyên Liên (NGGĐ I), NS. Hoa Liên và NS. Chánh Liên (NGGĐ III), NS. Hạnh Liên và NS. Hiếu Liên (NGGĐ IV), NS. Sanh Liên (NGGĐ VI).
* BAN GIÁO THỌ, GIẢNG HUẤN
* Cung thỉnh Lãnh đạo Giáo hội PGVN có:
- HT. Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế TƯGH.
- TT. Thích Phước Nguyên - Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 2 TƯGH.
- TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TƯGH, Phó Thường trực Ban TTTT TƯGH.
- TT. Thích Nhật Từ - UVTT HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện PGVN tại TP.HCM, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM.
- Đặc biệt, BTC và đại chúng Tăng Ni thật là diễm phúc lớn lao được cung đón sự quang lâm chứng minh và Ban đạo từ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN vào buổi Bế mạc.
- Cung thỉnh chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái: Trưởng lão HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Minh Tuyên, HT. Giác Pháp, HT. Minh Thành, TT. Giác Hoàng.
Ngoài ra, còn có các vị tham gia trình bày tham luận: TT. Giác Nhường, NT. Hiệp Liên, NT. Tuyết Liên, NS. Phụng Liên, NS. Tuệ Liên, NS. Hiếu Liên, NS. Hải Liên.
* Khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm nay, BTC có mời:
Bà TS. Nguyễn Thị Định - Trưởng phòng Pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ: “Triển khai một số điểm trong Nghị định số 95/2023/NĐ-CP”
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM, chia sẻ về tình hình tổng quan của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo TP.HCM.
Ban Thư ký – Văn phòng: TT. Giác Hoàng, TT. Minh Liên, TT. Giác Nhẫn, TT. Giác Nhường, ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Nghi, ĐĐ. Minh Sơn, ĐĐ. Minh Trúc, NS. Hạnh Liên, NS. Sanh Liên, NS. Hòa Liên (GĐ.III), SC. Duyên Liên, SC. Hòa Liên (NGHPKS).
Ban Kiểm soát: TT. Giác Nhẫn, TT. Minh Đạo, ĐĐ. Minh Bổn, ĐĐ. Minh Tuế, ĐĐ. Giác Khương, ĐĐ. Minh Toàn, NS. Huệ Liên (NGHPKS), SC. Duyên Liên (NG GĐ.I), NS. Hoa Liên và NS. Chánh Liên (NG GĐ.III), NS. Hạnh Liên và NS. Hiếu Liên (NG GĐ.IV), NS. Sanh Liên (NG GĐ.VI).
II. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ THAM DỰ
Về số lượng hành giả tham gia khóa “Bồi dưỡng Trụ trì năm 2024” có: Tổng cộng: 336 vị. Trong đó, chư Tăng: 123 vị; chư Ni: 214 vị.
Cụ thể: Giáo đoàn I: 17 vị. Giáo đoàn II: 10 vị. Giáo đoàn III: 44 vị. Giáo đoàn IV: 25. Giáo đoàn V: 14 vị. Giáo đoàn VI: 13 vị.
Về phía chư Ni. Ni giới Hệ phái Khất sĩ: 91 vị. Ni giới Giáo đoàn I: 25 vị. Ni giới Giáo đoàn III: 34 vị. Ni giới Giáo đoàn IV: 57 vị. Ni giới Giáo đoàn VI: 7 vị.
III. NỘI DUNG GIẢNG DẠY VÀ THẢO LUẬN
- HT. Thích Huệ Thông: Sau khi giới thiệu sơ lược về Hiến chương GHPGVN với những nội dung được tu chỉnh, bổ sung mới nhất, Hòa thượng cho biết: “Khi xử lý bất cứ vấn đề phát sinh nào của Tăng Ni trực thuộc GHPGVN, TƯGH luôn xét mức độ sự việc dựa trên giới luật Phật chế và được bổ sung trong điều kiện mới đã được thu gọn trong Hiến chương Giáo hội. Cần hiểu rằng, Hiến chương phù hợp với tư tưởng giác ngộ và Giáo hội không dùng Hiến chương phủ nhận giới luật Phật”.
- TT. Thích Phước Nguyên: Trình bày về đề tài “Các yếu tố quản trị và lãnh đạo dưới góc nhìn Phật giáo”. Theo Thượng tọa, một người cần có khả năng tự nhận thức để hiểu rõ động lực, giá trị, và mục tiêu của mình để lãnh đạo một cách chân thật, có đạo đức. Đặc biệt, cần kiểm soát được mọi cảm xúc, suy nghĩ để hướng đến mục tiêu cuối cùng, nhất là đối với người xuất gia, cần hết sức kiểm soát thân - khẩu - ý để đảm bảo tính chính trực. Từ sự kiểm soát tốt bản thân ấy, chúng ta tự chủ được suy nghĩ và dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn bất ngờ xảy đến một cách có trí tuệ và từ bi.
- TT. Thích Minh Nhẫn trình bày chủ đề “Sử dụng mạng xã hội tích cực theo tư tưởng đạo đức của Phật giáo và ứng dụng trong công tác hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số”. Thượng tọa cho biết, hình ảnh Tăng Ni hiện nay bị xúc phạm và tổn thương bởi những khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, trong Tăng đoàn vẫn còn một số thành phần chưa thực hành đúng Chánh pháp; tham gia mạng xã hội thiếu tỉnh giác, thiếu kiểm soát.
Thượng tọa nói: “Do đó, mỗi vị trụ trì cần hiểu rõ trách nhiệm của mình trong cách ứng xử, trực tiếp tham gia mạng xã hội, giáo dục và hướng dẫn đệ tử, Phật tử trong việc tham gia mạng xã hội, để chỉnh đốn tư chất tu sĩ của bản thân và cũng là sự góp phần chỉnh đốn, hoàn thiện cho tổng thể Tăng đoàn mình”. Thượng tọa nhấn mạnh, người làm công tác truyền thông Phật giáo cần phải có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ nhất định. “Tăng Ni hay Phật tử khi tham gia công tác truyền thông Phật giáo còn cần am hiểu cơ bản về giáo lý của Đức Phật, truyền thống của từng tông phong, hệ phái để có sự truyền đạt thông tin chính xác nhất trong tinh thần tỉnh giác và từ bi”.
- TT. Thích Nhật Từ trình bày cách tổ chức một khóa tu hiệu quả. Qua đề tài, Thượng tọa cho rằng: “Nếu ngôi chùa chỉ dừng lại ở tính năng tín ngưỡng, dường như chỉ phục vụ được nhu cầu của du khách tham quan thập phương, tức họ chỉ đến không gì khác hơn vì mục đích du lịch. Trong khi chức năng chính của một ngôi chùa, tịnh xá phải là nơi giúp phần nào giải tỏa những nỗi khổ, niềm đau, vượt qua những khúc mắc, khó khăn về tinh thần mà bất cứ ai cũng phải có lúc đối mặt trong đời sống thế tục này. Và để làm được điều đó, tổ chức khóa tu chính là chìa khóa, là cầu nối, giúp nhà chùa kết nối và trợ duyên cho hàng Phật tử tu tập để tự chữa lành”.
Thượng tọa lưu ý, khóa tu còn cần có sự phân loại đối tượng tham dự và xây dựng một chương trình nội dung sinh hoạt phù hợp từng nhóm đối tượng, nhằm đáp ứng được nhu cầu khi đến chùa của từng đối tượng Phật tử. Việc cung thỉnh đội ngũ giảng sư đến thuyết giảng và chủ trì các khóa tu theo đó cũng cần có sự chọn lựa kỹ lưỡng. Cần chú trọng các giảng sư có trình độ chuyên môn cao, kết hợp giữa giảng sư Phật giáo (chư Tôn đức Tăng Ni) và giảng sư thế tục (giáo viên, học giả trí thức…) phù hợp với từng chủ đề và nhóm đối tượng của khóa tu, giúp cho khóa tu trở nên sinh động, gần gũi, khuyến khích được đông đảo thành phần Phật tử đến tham dự.
Kính thưa đại chúng,
Nhằm hỗ trợ các vị trụ trì, các vị Tỳ-kheo thấm nhuần giáo pháp đức Thế Tôn, đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang, và để chư Tăng Ni trưởng dưỡng đạo tâm, chư Tôn đức GPHP cũng đã sách tấn, giáo huấn Tăng Ni trong sơn môn, Hệ phái:
- Trưởng lão HT. Giác Giới trình bày “Quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang về Giới - Định - Tuệ”.
Trưởng lão cho biết tông chỉ và mục đích của PGKS y theo lời dạy của Tổ sư phải đảm bảo 3 điều, gồm tôn chỉ: “Nối truyền Thích-ca chánh pháp”; Mục đích: “Đạt chánh đẳng chánh giác, quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn”; và Đường hướng tu tập: “Giới - Định - Tuệ” hay “Bát Chánh Đạo”.
Trưởng lão Hòa thượng khẳng định: “Khi Tăng chúng ngồi lại cùng nhau, đây là cơ hội tốt nhất để sống chung tu học, nên cần ghi nhớ có hai việc cần làm: Một là, học cho thấy rõ khổ (liễu tri khổ); Hai là, học làm tăng trưởng cái biết về nguyên nhân và sự nguy hiểm của khổ, từ đó viễn ly, nhàm chán, ghê sợ khổ. Với hai sự học này sẽ giúp người tu nâng cao hỷ lạc đưa đến viễn ly khổ não, làm cho Phạm hạnh được trường tồn”.
- HT. Giác Toàn với đề tài “Trụ trì với sứ mạng: Trụ Pháp Vương gia - Trì Như Lai tạng”, giải thích danh từ “Trụ trì” xuất phát từ Phật giáo Bắc tông, theo nghĩa gốc là “trụ lâu ở thế gian để giữ gìn, bảo hộ Phật pháp, về sau chỉ cho vị Tăng làm chủ và quản lý một ngôi chùa”.
Hiểu theo cách khác, đó là vị có khả năng an trụ trong ngôi nhà chánh pháp của Như Lai. Từ sự an trụ này, vị ấy “lấy pháp thân thường trụ của chư Phật Như Lai làm trụ trì Phật bảo, lấy pháp tính thường hằng làm trụ trì Pháp bảo và lấy Tăng hạnh bất diệt của chư Phật Như Lai làm trụ trì Tăng bảo”.
Trong ý nghĩa đó, Hòa thượng nhấn mạnh: “Trụ Pháp vương gia – trì Như Lai tạng” chính là lý tưởng, bản hoài tự giác, giác tha của người tu để tròn xong hạnh nguyện độ sanh và thành tựu phẩm tính giác ngộ trong tự thân. Muốn được như vậy người tu phải lấy Chánh pháp làm chỗ quy hướng, tức thực hành xây dựng cốt lõi tu tập bằng cách dựa trên kinh - luật - luận mà Đức Phật đã dạy, đi đến thực chứng chánh pháp để đạt được trí tuệ giải thoát”.
- HT. Giác Pháp với đề tài “Quá trình đào tạo một tu sĩ Phật giáo”, Hòa thượng nhấn mạnh “Điều quan trọng của một vị trụ trì là làm sao để tiếp Tăng độ chúng, giáo hoá cư gia. Ngoài nỗ lực xây dựng đạo tràng khang trang, ngôi Tam bảo trang nghiêm trong khả năng của mình, vị trụ trì cần đặt việc tiếp Tăng độ chúng làm ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, xây dựng hệ thống Tăng đoàn chính là cách để chúng ta duy trì mạng mạch Phật giáo”.
Trong khuôn khổ chủ đề, Hòa thượng cũng nhắc nhở: “Mỗi Tăng Ni cần ý thức và hiểu rõ rằng, xuất gia không phải là sự chọn lựa như cách chọn một nghề nghiệp, việc xuất gia không phải là kế để mưu sinh qua ngày. Tu sĩ không phải là một nghề nghiệp để hái ra tiền, mà xuất gia là một việc làm thiêng liêng, là sự hy sinh bản thân để phụng sự Chánh pháp, phụng sự nhân sinh, xả bỏ đời sống thế tục để giải nắng dầm mưa, tầm cầu con đường giải thoát khỏi luân hồi cho chính mình và người. Như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy rõ qua Chơn lý, người xuất gia là phải sẵn sàng tư tưởng chịu khổ, chịu thiệt, chứ không phải là bất kỳ sự hưởng thụ vật chất nào đan xen vào”.
- HT. Minh Tuyên đã có thời pháp sách tấn đại chúng khóa học qua chủ đề “Tư tưởng, giáo lý, pháp tu Bồ-tát đạo ngang qua cuộc đời, giáo pháp và đạo nghiệp của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang”.
Hòa thượng cho biết: “Theo Tổ sư, người xuất gia đến tuổi 66 - 72 là tuổi Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, trên 72 tuổi là độ tuổi Như Lai hưu trí Niết-bàn. Đối chiếu theo kinh điển, để được gọi là một Bồ-tát, vị ấy phải có tám đại gồm: đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại trí, đại huệ, đại nguyện, đại hạnh”.
Nhắc lại lời Tổ sư, Hòa thượng cho biết, để đạt được sự chứng ngộ, người xuất gia cần dứt trừ năm ác kiến là thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến, đi đến niềm tin vững chắc vào công lý của vũ trụ, luật nhân quả và có khả năng tu tập, thanh tịnh hóa chính mình. Cần nhận thức rằng ô nhiễm hay thanh tịnh cũng đều bởi chính bản thân mình; vô minh, khổ đau cũng bởi chính mình mà ra; sáng suốt, giải thoát khổ đau cũng ở chính năng lực của bản thân có siêng năng tu học và thực hành giáo pháp hay không.
- HT. Minh Thành qua đề tài “ Đàm đạo về Quan niệm giữ giới trong Chơn lý”, Hòa thượng nhấn mạnh: “Cần phải nhận thức rằng ngoài những giới luật căn bản, cốt lõi, thì thời đại nào có giới luật đó; ngũ uẩn nào và khung thời gian nào thì có giới luật đó. Giới luật khóa sổ và đóng thành khung khi Phật Niết-bàn có giá trị hành trì cao nhất trong giai đoạn ấy; có giá trị làm biểu mẫu và giá trị thiêng liêng cho tất cả mọi thời đại về sau. Đó là lý do mà Chơn lý dạy: ‘Tự ta chế ra giới luật cho ta’ mang tính cập nhật, sát sao với thực tiễn cây đời”.
- TT. Giác Hoàng với đề tài “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay”, Thượng tọa trình bày và đưa ra những nhận định khách quan về “Vấn đề nhiều người quan ngại” và “Các vấn đề được hoan nghênh”. Trong đó, Thượng tọa cho rằng, theo dòng chảy của thời cuộc, một số vị đã tham gia quá nhiều các công tác giáo hội và xã hội, từ đó dẫn đến không còn nhiều thời gian để thiền tập. Thậm chí, một số vị lại thích thú địa vị trụ trì, chức vụ, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng đến phẩm chất truyền thống của Tăng đoàn Khất sĩ do Tổ sư dày công sáng lập. Một số Tăng Ni trẻ được đào tạo ở các trường Phật học nhưng kiến thức Phật học rất yếu, nhất là về kiến thức lịch sử Hệ phái, Giáo đoàn và tư tưởng đường lối của Phật giáo Khất sĩ. Ngoài ra, việc thiếu ý thức trách nhiệm trong định hướng, đào tạo, giáo dưỡng và dẫn dắt thế hệ Tăng Ni Khất sĩ trẻ cũng như ý thức trách nhiệm tu tập, trau dồi bản thân của vị Trụ trì, đang là vấn đề gây nhức nhối trong Tăng đoàn Khất sĩ ngày nay. Qua đó, Thượng tọa có những đề xuất về cách phát triển Tăng đoàn như: Chọn lọc trong việc tuyển chọn nhân sự ở các vị trí chủ chốt của Hệ phái; tăng cường việc thuyết pháp, chia sẻ giáo lý và Chơn lý vào các dịp lễ....
- Cũng trong khóa Bồi dưỡng trụ trì năm nay, BTC cũng nhận được nhiều bài tham luận liên quan đến chủ đề của khóa Bồi dưỡng “Trụ trì với Giới Định Tuệ”. Chư Tăng Ni tham gia trình bày tham luận có: TT. Giác Nhường, với đề tài “Vài điều chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì”; NT. Hiệp Liên, với đề tài “Đức Tổ sư với tinh thần tam vô lậu học trong nếp sống hiện nay”; NT. Tuyết Liên: “Tam vô lậu học được trình bày trong Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang”; NS. Phụng Liên, đề tài “Trăn trở về trách nhiệm hoằng pháp của tu sĩ Phật giáo trong thời đại 4.0”; NS. Tuệ Liên, đề tài “Quan điểm về Giới - Định - Huệ trong Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang”; NS. Hiếu Liên với đề tài “Giới định tuệ trong thiền tập và trong sinh hoạt thường nhật”; NS. Hải Liên, đề tài “Ba môn tu học Giới Định Tuệ”.
Qua các đề tài trên, chư vị đã trình bày nhiều tâm nguyện, lý tưởng phụng sự đạo pháp, kiến thức chuyên môn, những kỹ năng cũng như tâm đức cần có của một vị trụ trì. Nội dung của các bài tham luận và thuyết trình đa dạng. Qua đó, cùng nhau trao đổi và thảo luận, giúp cho hành giả hiểu thêm nhiều vấn đề bổ ích cho vị trụ trong thời hiện đại.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC TRONG KHÓA BỒI DƯỠNG
- Ngày 19/4/Giáp Thìn, tại Văn phòng II T.Ư - Thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực HĐTS đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức cùng chư vị Thánh tử đạo.
Trong khuôn khổ khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2024, dưới sự chủ trì của HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng VNCPHVN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái; chư Tôn đức Tăng Ni đã trang nghiêm thực hiện nghi thức mặt niệm, tưởng nhớ ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cùng chư Thánh tử đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn và Dân tộc độc lập. Tại buổi tưởng niệm, HT. Giác Toàn đã nhắc lại sự hy sinh to lớn của Bồ-tát Thích Quảng Đức với ngọn lửa thiêng hùng tráng, mầu nhiệm, để lại quả tim bất diệt. Sự hy sinh cao cả ấy góp phần hóa giải những bất công, tàn bạo, đưa đến thành công của cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, tự do tín ngưỡng.
- Cũng trong ngày 19/4/Giáp Thìn, chư Tôn đức HPKS đã có buổi tổng kết Đại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang hiện thân vào đời và tặng bằng Tuyên dương Công đức đến những đóng góp thiết thực cho thành công viên mãn của Đại lễ.
Trong lời khai mạc, HT. Giác Pháp phát biểu: “Tuy Đại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày hiện thân vào đời của Tổ sư đã diễn ra gần nửa năm, nhưng Hệ phái chưa có buổi đánh giá tổng kết và tri ân đến toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, mạnh thường quân… đã góp công đức giúp đại lễ thành công viên mãn. Do đó, nhân Khóa BDTT 2024 này, với sự tham dự của đại diện 6 giáo đoàn HPKS, là cơ hội thuận lợi để tổng kết công tác tổ chức cũng như trao bằng tuyên dương công đức đến những đóng góp ấy. Những tấm bằng tuyên dương tuy không có giá trị về mặt vật chất, nhưng có giá trị về tinh thần, thay cho lời tri ân, sự ghi nhận công đức của Ban Thường trực Giáo phẩm HPKS dành cho tâm huyết của quý vị”.
Tại buổi lễ, TT. Giác Hoàng - Chánh Thư ký Ban Thường trực GPHP, đại diện Ban Thư ký báo cáo Tổng kết Đại lễ và chư Tôn đức đã trao bằng Tuyên dương công đức đến đại chúng trong sự hoan hỷ và trang nghiêm, trọng thể.
IV. KẾT LUẬN
Khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2024 diễn ra trong 7 ngày, nhìn chung, các hành giả sau khi tham dự khóa học đều được học hỏi nhiều kiến thức, lý tưởng cũng như những kỹ năng cần có của một vị trụ trì trong thời đại phát triển hiện nay. Đúng như trong lời phát biểu khai mạc của HT. Giác Pháp - Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, trong ngày đầu tiên của khóa: “hằng năm HPKS luôn duy trì việc tổ chức khóa BDTT mỗi đầu các mùa An cư nhằm nâng cao kiến thức, phổ cập các văn kiện, hiến chương, tu sửa của TƯGH liên quan đến Ban Tăng sự T.Ư, nâng cao kỹ năng trụ trì, cũng như chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp giữ các tịnh xá trên mỗi địa phương”.
Khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2024, được khép lại trong tinh thần hòa hợp và hoan hỷ của đại chúng. Mặc dù Ban Tổ chức đã nỗ lực trong công tác tổ chức, nhưng chắc chắn cũng còn có những thiếu sót nhất định. Kính mong chư Tôn đức từ bi hoan hỷ.
Thay lời Ban Thư ký, chúng con kính nguyện trên Đức Trưởng lão Hòa thượng Phó pháp chủ, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, chư Tôn đức Giáo phẩm chứng minh Hệ phái; chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, pháp thể khương an, Đạo thọ miên trường; kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni các Giáo đoàn, chư vị trụ trì và đại chúng sức khỏe dồi dào, đạo lực tăng trưởng, đủ sức gánh vác sứ mạng trọng trách, thiêng liêng “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, thực hiện nguyện ước cao cả tự độ và độ tha, góp phần cho sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt nam nói chung và PGKS nói riêng.
NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
Các bài viết liên quan
- Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024 - Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024 - xem: 1706 lần
- TP.HCM: Hệ phái Khất sĩ bế mạc Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2568 - DL.2024 - Thứ Bảy, 00:26 01-06-2024 - xem: 1679 lần
- TP.HCM: Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 14:10 31-05-2024 - xem: 1747 lần
- TP.HCM: TT.Thích Nhật Từ khẳng định “khóa tu là cầu nối giữa Tăng Ni và tín đồ Phật tử” trong chuyến thăm Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 00:25 31-05-2024 - xem: 1419 lần
- TP.HCM: NS.Tuệ Liên nói về giá trị của việc tu tập Giới - Định - Tuệ tại ngày 6 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 16:41 30-05-2024 - xem: 786 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” - Thứ Năm, 14:04 30-05-2024 - xem: 1614 lần
- TP.HCM: NT.Tuyết Liên & NS.Hiếu Liên trình bày tham luận tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 09:42 30-05-2024 - xem: 605 lần
- TP.HCM: HT.Minh Thành đề cao việc giữ giới tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 21:58 29-05-2024 - xem: 893 lần
- TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 12:12 29-05-2024 - xem: 1122 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 tiếp nhận nhiều bài tham luận ấn tượng - Thứ Ba, 21:54 28-05-2024 - xem: 610 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì nhân Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 15:11 28-05-2024 - xem: 1881 lần
- TP.HCM: HT.Thích Huệ Thông nói về luật sửa đổi bổ sung trong Hiến chương của Giáo hội tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 12:06 28-05-2024 - xem: 982 lần