CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Báo cáo và chia sẻ phương hướng của các Ban trong Hệ phái

Sáng nay, ngày 14-6-2020, sau khi TT. Minh Thành trình bày về kế hoạch Ban Tu thư, TT. Giác Hoàng - UV.HĐTS, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Học viện PGVN tại TP.HCM, Phó Thư ký Hệ phái - đã tiếp tục trình bày về các hoạt động của 8 ban chuyển trách đang vận hành Phật sự trong Hệ phái. Thượng tọa chia sẻ tổng quan về 8 ban từ nhân sự cho đến phương hướng hoạt động của các ban và thống kê lại số liệu cũng như tình hình hiện trạng các ban ngày nay. Sau đó thượng tọa nêu lên những ưu điểm và khuyết điểm của từng ban để từ đó xây dựng và kiện toàn cho mỗi ban. 

Cũng trong phần trình bày này, Thượng tọa còn đề cập đến những vấn đề khác của hệ phái như khóa tu, quỹ pháp học ..., để đại chúng ý thức được tinh thần chủ đạo của người khất sĩ nhằm củng cố nội lực cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa khất sĩ. Đồng thời thượng tọa cũng nhấn mạnh đến quỹ pháp học, một phương cách giúp cho thế hệ kế thừa được thuận duyên hơn trong con đường củng cố nội hàm giáo pháp, đầy đủ thắng trí cho con đường hoằng dương chánh pháp sau này. Qua đây thượng tọa cũng nhấn mạnh đến khía cạnh giáo dục của Ban Tu thư. Mong muốn hình thành những giáo trình căn bản của tông môn và định hướng cho thế hệ kế thừa, cũng như biên soạn được quyển Lược sử Phật giáo Khất sĩ Việt Nam và Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ. 

Sau đây là bảng báo cáo của Thượng tọa:

I. BAN TỔ CHỨC KHÓA TU

Ban này do HT. Giác Toàn làm Trưởng ban, và đã có một bản báo cáo khá chi tiết, dựa trên những số liệu do các Giáo đoàn báo cáo và những số liệu đã được đăng tải trên trang: www.daophatkhatsi.vn.

Ban này được xem là ban chủ đạo của Hệ phái, vì các khóa tu được tổ chức nhằm củng cố nội lực của một tu sĩ, gìn giữ bản chất của người tu Khất sĩ giải thoát.

Đứng trước tình thế một số Tăng Ni Khất sĩ tập trung vào các thế sự, thiện sự, có khuynh hướng đánh mất lý tưởng giải thoát, không nắm vững pháp hành (đường lối tu học), cho nên các khóa tu của Hệ phái được mở ra là điều vô cùng quan trọng, nhằm bổ sung và khắc phục những khiếm khuyết này.

Việc tu học hằng ngày là nền tảng cho sự củng cố và hưng thịnh Tăng đoàn trong hiện tại và tương lai.

Hiện nay có một số Tăng sư (chư Ni cũng tương tự) chưa bao giờ tham dự khóa tu Truyền thống, mặc dù khóa tu Truyền thống Khất sĩ đã mở hơn 10 năm qua! Các vị ấy có quá tự phụ chăng khi cho mình không cần học hỏi thêm?

II. BAN TĂNG SỰ

Ban này do HT. Minh Bửu làm Trưởng ban, cũng có một bản báo cáo khá đầy đủ về tình hình Tăng sự của Hệ phái.

Tổng số chư Tăng: 912 vị.                Tổng số chư Ni: 2046 vị.

Số lượng tịnh xá Tăng: 224 ngôi.     Số lượng tịnh xá Ni: 459 ngôi

Như vậy:  Tổng số chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ: 2958 vị.

                 Tịnh xá Hệ phái: 683 ngôi.

Việc truyền giới cũng đang có hướng tiến tới ổn định. Mỗi năm, chúng ta sẽ có phân đàn thọ giới ở một tỉnh/ thành khác nhau.

Vấn đề quan trọng là chư Tăng có chịu khép mình vào khuôn khổ của Giáo pháp Khất sĩ để hành trì hay không là điều rất đáng được quan tâm. Công sức của chư Tôn đức dành nhiều thời gian để lo các thủ tục pháp lý và xây tịnh xá cũng là điều rất đáng được trân trọng, nhưng điều trân trọng hơn mà không ai phủ nhận đó là phẩm chất của Tăng-già.

Hiện nay, có một vài vị Tăng Ni trụ xứ tạo nên sự “khó xử” đối với Phật giáo tỉnh và đối với Phật giáo Khất sĩ chúng ta. Điều này chúng ta phải hạn chế tối đa đến mức có thể.

Vừa qua, ngày 19 âm lịch (10/6/2020) Hòa thượng Huệ Thông giảng tại Pháp viện, chúng con có đề cập và xin thành lập Phân ban Tăng sự Hệ phái. Các vấn đề thuộc về pháp lý liên hệ đến Tăng sự, Hệ phái xin được giải quyết trước, nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất cho Giáo hội, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các vấn đề Tăng sự của Giáo hội. Vì Giáo hội cũng đã thành lập được Phân ban Hướng dẫn Phật tử Khất sĩ thuộc Trung ương GHPGVN và Ban Từ thiện Hệ phái trực thuộc Trung ương GHPGVN.

III. BAN NGHI LỄ

Ban này do HT. Giác Pháp làm Trưởng ban. Ban đã có phiên họp, trình bản báo cáo lên chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và đã được thông qua, bổ sung như sau:

1. Thống nhất về Nghi lễ đám tang

- Đức Phật được thiết trí trước kim quan là đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni.

- Thời gian tổ chức lễ tang đối với một vị giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng tối đa là 5 ngày (bao gồm luôn ngày vừa viên tịch và ngày trà-tỳ). Đối với các vị Tăng Ni giáo phẩm Thượng tọa, Ni sư, Đại đức thì 3-4 ngày.

- Nghi thức đơn giản, trầm mặc, ít tốn kém, kinh tụng ngắn gọn.

- Đối với môn đồ pháp quyến: Không có đeo khăn tang, mà chỉ thọ tâm tang qua miếng vải vàng trước ngực.

- Đối với môn nhân hiếu quyến: Có thể đeo khăn tang vàng.

2. Hạn chế về nhân sự và nghi lễ của Hệ phái còn chưa đủ

Hiện nay nhân sự của Ban này còn quá ít, nên việc soạn thảo các nghi thức đáp ứng nhu cầu xã hội như đối với người mất (Lễ Nhập liệm, Lễ Di quan, Lễ Hạ huyệt), thành hôn, xuất gia, v.v… chưa được đáp ứng, nên cần sự hỗ trợ của các vị Tăng Ni có tâm huyết và năng lực cùng tham gia để soạn thảo các nghi thức.

3. Một số biến thái của Tăng Ni trong nghi lễ

Mỗi Hệ phái, tông môn có nghi lễ đặc thù riêng. Ngay cả trong tông môn, pháp phái ấy cũng có những khoa nghi thích hợp nhất định.

Ví dụ, Hệ phái có Nghi cúng Trai tăng rất phù hợp với xưa và nay, nên được duy trì và phát huy giá trị của nó đúng mực.

Hoặc Nghi lễ Trai đàn chẩn tế rất phù hợp với một số trường hợp trong thời kỳ xưa và nay đối với truyền thống Bắc truyền, nhưng thật khó phù hợp với truyền thống Nghi lễ của Nam truyền và Khất sĩ.

Có nên sử dụng pháp khí thuộc Phật giáo Bắc truyền trong nghi lễ của Phật giáo Khất sĩ hay không cũng là điều quan tâm mà sẽ trao đổi và thống nhất trong các kỳ họp sau.

IV. BAN GIÁO DỤC – TU THƯ

Ban này do TT. Minh Thành làm Trưởng ban. Nhân sự ban này hầu hết đều là các vị có học vị tiến sĩ và thạc sĩ.  

Ban này bản chất là 2 ban độc lập: Giáo dục Tăng Ni và Tu thư (biên soạn, trước tác).

1. Giáo dục Tăng Ni gồm mở trường Trung cấp Phật học, viết sách giáo khoa và định hướng học tập cho Tăng Ni. Ban này cũng có thể được xem là mũi nhọn, vì hướng đến đào tạo đội ngũ kế thừa tri thức, xương minh Phật pháp.

Hiện nay, các vị Tăng Ni Khất sĩ học ở HVPGVN tại TP. HCM chưa được hướng dẫn và định hướng đúng mức bởi các bậc thầy hoặc sư huynh đi trước, mà hoàn toàn theo sở thích hoặc muốn cho qua “ải” 3 năm Học viện của Tăng Ni sinh. Từ đó, dẫn đến tình trạng TNS học các môn mình thích và dễ đậu hơn là học các môn khó mà có tương lai cho bản thân hoặc cho đại cục chung của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Cụ thể là một số Tăng Ni sinh có nguyện vọng đi du học Ấn Độ mà không chịu học khoa Pali và khoa Anh văn Phật pháp tại trường mà học khoa khác có thể dễ đậu hơn, nhưng không phục vụ cho việc du học. Dĩ nhiên, mỗi khoa có những điểm đặc thù riêng và có mục tiêu, giá trị khác nhau. Do đó, các Tăng Ni sinh cần định hướng bởi các vị thầy đi trước.

Tương tự như vậy, hiện nay nhiều Tăng Ni học cấp bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ trong nước và ngoài nước, làm một số đề tài với nội dung rất hẹp, rất khó được sử dụng giảng dạy trong học đường Phật giáo (dù là Trung cấp, Học viện) và không có mục đích sử dụng vào việc gì!

 2. Tu thư

Để chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư (2023), cuốn Lược sử Phật giáo Khất sĩ Việt Nam do chư Tôn đức Giáo phẩm chủ biên cần được ra đời. Cuốn này, TT. Minh Thành đã phác họa được các chương căn bản, nhưng chưa chi tiết hóa nội dung các chương. Sách sẽ giao cho từng Giáo đoàn hoặc cá nhân phụ trách và một số nhân sự cốt cán phụ trách chương đầu tiên và chương thứ hai. Bên cạnh đó, cuốn Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ (từ thời Tổ sư chào đời cho đến cuối năm 2022) cũng là một cuốn sách có thể thực hiện được, góp phần vào nguồn văn học Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

Song song đó, nguồn tư liệu do khóa Bồi dưỡng trụ trì có được sẽ biên tập ít nhất thành 2-3 tập về nguồn giáo pháp Khất sĩ, cũng như mối liên hệ với các truyền thống khác. Cho nên, việc này cũng đòi hỏi sự tận tâm và công sức của nhiều vị có học vị đồng tham gia.

V. BAN HOẰNG PHÁP

Ban này do HT. Giác Minh (GĐ I) làm Trưởng ban. Ban đã bắt đầu nối kết một số vị có năng lực thuyết giảng trong Hệ phái và sẽ cử các vị đến thuyết giảng khi các trú xứ có yêu cầu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là ý niệm, chưa đi vào quỹ đạo hoạt động.

Ban này có trang PHÁP ÂM KHẤT SĨ (www.phapam.daophatkhatsi.vn) do TT. Giác Hoàng thành lập và hiện nay cử Đại đức Minh Thái, Đại đức Minh Anh và một số Sư khác phụ trách. Trang Pháp âm này được thành lập với mục đích sưu tập và biên tập các bài giảng của Giảng sư Hệ phái đưa vào trang này để lưu giữ và tiện cho việc phổ biến. Tuy nhiên, vẫn chưa có người kiểm soát tốt, chắc lọc, bằng cách nghe lại các bài giảng, kiểm tra nhưng đoạn phim chưa đạt chất lượng hoặc hình ảnh không phù hợp để loại ra khỏi trang PHÁP ÂM KHẤT SĨ. Các bài giảng của các vị có thể được lưu giữ trên trang mạng internet, nhưng chúng ta không chịu trách nhiệm tổng hợp, phổ biến các bài giảng này.

VI. BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ

Ban này do HT. Giác Nhân làm Trưởng ban. Phật tử ngày nay tu tập theo rất nhiều pháp môn: Tu thiền quán cảm thọ (Vipassana), thiền Tứ Niệm xứ, Niệm Phật, tụng chú Đại Bi, Lạy sám (ngũ bách danh, vạn Phật). Hệ phái chưa thể hiện rõ nét hành trì theo pháp môn nào là chính, mỗi người hành trì một kiểu. Đề xuất của chúng con là Hệ phái nên chọn pháp môn Thiền Tứ niệm xứ làm pháp môn chủ đạo, còn các pháp môn khác thì tùy nghi.

Ngoài ra, khóa tu dành cho người lớn tuổi, khóa tu tuổi trẻ, khóa tu dành cho doanh nhân, khóa tu dành cho đội Y bác sĩ, khóa tu dành cho giáo viên, khóa tu dành cho thiếu nhi… cần được tổ chức một cách bài bản. Hiện nay, các vị trụ trì hoặc sẽ trụ trì chưa được huấn luyện kỹ năng này, nên không biết tổ chức một khóa tu bắt đầu từ đâu, cũng như chưa xác định được bản chất, đặc thù của mỗi khóa tu.

Hiện nay, Ban Hướng dẫn Phật tử cũng chưa quản lý và thống kê được số lượng Phật tử của Hệ phái và các thanh thiếu niên qua Gia đình Phật tử. Trong xu thế thời đại hội nhập và phát triển, Hệ phái hướng đến đối tượng cư sĩ này, nhằm quản lý và hướng dẫn tu tập cho các mầm non Phật pháp.

Khóa tu “xuất gia gieo duyên” hoặc tụng đọc Tam tạng kinh điển cũng là một sách lược cần được triển khai để phổ cập Phật pháp đến đại đa số quần chúng, nâng cao số lượng Phật tử cũng như chất lượng của một Phật tử.

VII. BAN TỪ THIỆN

Ban này do TT. Minh Lộc làm Trưởng ban. Ban đã có một báo cáo khá chi tiết. Trong thời gian qua, Ban Từ thiện đã làm rất tốt chức năng của mình.

Ban cũng đã nối kết các vị trong Ban của mình khá tốt. Tuy vậy, số lượng các vị trong Ban Từ thiện Hệ phái đang được hoàn thiện, bổ sung thêm nhân sự từ Ni giới HPKS (Tổ đình Ngọc Phương). Đồng thời, Ban cũng đang tăng cường các vị đặc trách tại các vùng, miền để phát huy chức năng quản lý và kết nối.

Mỗi năm, Hệ phái sẽ tổ chức Từ thiện với danh nghĩa Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, mang tầm vóc quy mô gấp 2-3 lần. Mỗi khi làm từ thiện với danh nghĩa Hệ phái, nên vận động nhiều tịnh xá trực thuộc các Giáo đoàn trong Hệ phái tham gia, để tạo nên sức mạnh tập thể.

VIII. BAN VĂN HÓA – TRUYỀN THÔNG

Ban này do TT. Giác Hoàng làm Trưởng ban.  Nội dung có 2 phần: Văn hóa và Truyền thông.

Ban này đã có một bản báo cáo đầy đủ, chi tiết.

1. Văn hóa

- Tham gia với Ban Văn hóa Giáo hội, giới thiệu nền Văn hóa Khất sĩ ngang qua pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ di sản. Hiện nay, chiếc áo giới trắng của Hệ phái Khất sĩ được GHPGVN chính thức công nhận là áo dài Phật tử Khất sĩ, do Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN thẩm định và quản lý. Kiến trúc Hệ phái là một kiến trúc đặc thù cần phải bảo tồn. Ngôn ngữ trong các tịnh xá nên thể hiện bằng thuần Việt. Di sản thì có di sản vật thể và phi vật thể. Hệ phái chúng ta ra đời trên 70 năm, nên chưa có di sản vật thể, mà chỉ có di sản phi vật thể, như tư tưởng tinh hoa của Tổ sư, nghi lễ nhẹ nhàng, ngữ âm giọng điệu trong khi tụng đọc rõ ràng, trầm hùng của Khất sĩ cũng là một loại di sản.

- Tái hoạt động làm báo Đuốc Sen nhằm đăng tải các bài nghiên cứu kinh, luật, luận và Chơn lý, cũng như phổ biến đường lối của Hệ phái. Hiện nay, cơ cấu về Ban Thực hiện Đuốc Sen đã thống nhất.  

- Sẽ tranh thủ thực hiện sách ảnh về các hoạt động Phật sự của các Giáo đoàn (ngang qua tư liệu của Hệ phái đang có khi thực hiện Bảo tháp Hồng Ân.

- Nên sử dụng logo chuẩn của Hệ phái.

2. Truyền thông

- Nâng cao ý thức của Tăng Ni Khất sĩ tham gia truyền thông trên mạng xã hội (Trang mạng, Facebook, zalo). Mỗi thông tin đưa lên mạng xã hội là giới thiệu sinh hoạt tốt đẹp của đạo tràng mình.

- Vận động Tăng Ni trẻ (Cử nhân, Cao đẳng, Trung cấp) tham gia 2 ban này.

- Qua phương tiện zalo và viber, mỗi Giáo đoàn và Hệ phái đã và đang có nhóm zalo để trao đổi công việc, rất là thuận lợi.

Chúng ta nên tận dụng truyền thông thời hiện đại để giới thiệu hình ảnh tốt đẹp của Hệ phái Khất sĩ.  

IX. QUỸ PHÁP HỌC KHẤT SĨ

Năm 2019, Quỹ đã tặng cho Tăng Ni sinh du học nước ngoài và đang học trong nước cấp cử nhân Phật học và thế học là: 1,045,975,000đ (Một tỷ, bốn mươi lăm triệu, chín trăm bảy mươi lăm ngàn đồng)

Số tịnh tài được chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử hỷ cúng trong năm 2019 cấp phát rồi còn lại là 232,479,000 + 8.800 USD. Từ đầu năm 2020 tới giờ, Quỹ đã nhận được 158,100,000đ. Như vậy, hiện đang có: 390,579,000Đ & 8.800USD (Ba trăm chín mươi hai triệu, năm trăm bảy mươi chín ngàn đồng) và 800 USD (tám ngàn tám trăm Dollars Mỹ). Tương đương khoảng sáu trăm triệu đồng.

Năm 2019, Trung tâm Y tế Hợp Nhân (Cô Giác Như Ngọc và cô Như) phát tâm ủng hộ Quỹ chúng ta 300 triệu đồng. Năm nay, cô cũng phát tâm như vậy.

Rất mong sự ủng hộ của chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì và các vị Phật tử mạnh thường quân để Quỹ Pháp học Khất sĩ được thành tựu viên mãn.

X. QUỸ PHẬT SỰ KHẤT SĨ

Quỹ này là quỹ chung của Hệ phái, nhằm: 1) Hỗ trợ các vị Tăng Ni trẻ có tâm huyết, có đạo hạnh xuất sư hành đạo trong bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các vị ở vùng sâu vùng xa, vùng cao; 2) Chi tiêu các Phật sự chung của Hệ phái như hiếu hỷ… 3) Hỗ trợ cho các chuyến từ thiện mang tính Hệ phái (mỗi năm 2-3 lần).  

Được sự tán thành của HT. Giác Hà, Quỹ được thành hình.

Hòa thượng Giác Hà phát tâm ủng hộ 50 triệu đồng.

Thượng tọa Minh Lộc phát tâm ủng hộ 20 triệu đồng.

Tỳ-kheo Giác Minh Tôn phát tâm ủng hộ 10 triệu đồng.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan