CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Khất sĩ hiện nay

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Quý Ni trưởng, Ni Sư trong hàng Giáo phẩm,

Kính thưa toàn thể hội chúng,

NTKhiem

Đề tài “Giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng – Ni Khất sĩ hiện nay” là quá lớn so với thính chúng trong hội trường, chỉ thích hợp cho hàng giáo phẩm có vai trò lãnh đạo. Nhưng Ban tổ chức đã ưu ái, thể hiện tinh thần bình đẳng, muốn mọi cử tọa đều có quyền tham gia đóng góp ý kiến. Tinh thần “Tôn trọng ý dân” ấy đáng được tán thán. Do vậy, dầu đúng, dầu sai chúng con cũng xin mạo muội nói ra thiển ý của mình để gọi là “Tâm lĩnh đặc ân” mà hàng giáo phẩm đã ban cho.

Kính bạch chư Tôn đức,

Đạo Phật Khất Sĩ ra đời vào những năm 45 – 54 của thế kỷ 20 tại miền Nam nước Việt đã là một giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ do Tổ Sư Minh Đăng Quang sáng lập, là cuộc cách mạng Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ 20. Đoàn du Tăng Khất Sĩ Việt Nam đã dựng lại nếp sống Tăng đoàn dưới thời Phật Thích Ca còn tại thế một cách thành công rất ấn tượng như nhà thơ Trụ Vũ miêu tả:

“Bờ ao, vách miễu, mái đình,

Sen thiêng thị hiện anh linh nhụy vàng.

Hương lừng khắp cõi nhơn gian,

Xóm thôn dậy pháp âm tràn sóng vui.

Như hướng dương theo mặt trời,

Một người đi cả vạn người theo chân.

Nền móng đạo đắp xây lần,

Tăng già Khất Sĩ truyền chân Phật thừa” …

(Thơ Trụ Vũ)

NTKhiem 2

Kính bạch chư Tôn đức,

Thực trạng Khất Sĩ Việt Nam hiện nay, tuy bề nổi trông có vẻ huy hoàng, rực rỡ, nhưng chiều sâu đã “cải lương” rất nhiều, từ cách sinh hoạt đa dạng của Tăng đoàn, cách sống của chư Tăng, Ni, hình thức y phục cho đến hình thức kiến tạo Tịnh xá đã ít nhiều biến dạng. Nhất là về Giới luật Khất Sĩ. Từ ngày Tăng, Ni trẻ cắp sách đến trường thì Giới luật không còn nghiêm túc nữa, nhất là giới ăn chiều, cất giữ tiền bạc, đi xe máy, mang giày dép đẹp sang, sử dụng điện thư, điện thoại di động … Chẳng những rập khuôn theo Phật giáo phát triển mà còn có khuynh hướng “thế tục hóa”. Sự mở rộng về mặt hình thức của Hệ phái cũng là sự giảm dần phẩm chất Khất Sĩ, một hiện tượng đáng buồn!

Khất Sĩ từ trước đã có đường lối quang minh, chánh trực do Tổ Sư Minh Đăng Quang khai vạch. Ngài đã giải quyết “thực trạng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ một cách hiệu quả”. Chỉ trong vòng chưa đầy mười năm mà Đạo Phật Khất Sĩ đã có mặt khắp đồng bằng Sông Cửu Long và lan rộng đến miền Đông Nam Bộ:

“Đạo mầu bén rễ nơi nơi,

Phú Lâm, Chợ Lớn, sen tươi mọi miền”.

(Thơ Trụ Vũ)

Gót chân của đoàn du Tăng Khất Sĩ đi đến đâu, Tịnh xá bát giác mọc lên đến đó:

“Đình Cây Gõ, tự Kỳ Viên

Kính dâng lên Đấng Tôn nghiêm trụ trì

Mùa thuyết pháp hội quy y

Khắp nơi thiện tín trỗi về dâng hương”.

Và:                 

“Bây giờ Tịnh xá trăm ngôi,

Như trăm nhánh ngọc tươi chồi vô ưu”.

(Thơ Trụ Vũ)

Nhưng rồi, Tổ đã ra đi. Các bậc đệ tử lớn của Tổ, thay thế Tổ lèo lái con thuyền Giáo hội ngót hơn nửa thế ký nay, và đã trải qua bao thời cuộc thăng trầm, các Ngài đã vững tay lái, chèo chống con thuyền Giáo hội cho đến ngày nay – Đầu thế kỷ hai mươi mốt. Các Ngài như nhìn thấy xu thế đi lên của Phật giáo và tiên đoán được rằng lượn sóng càng lên cao càng tỏa rộng thì trung tâm của nó càng hết trớn, hình thức tuy bóng láng nhưng nội dung đã bị sùng đục!

Do vậy các Ngài lập tức đề xướng phục hồi truyền thống, tổ chức những khóa tu Giới - Định - Tuệ để bồi dưỡng cho Tăng Ni Khất Sĩ không quên cội nguồn, hầu duy trì nếp “sống chung tu học” mà Tổ đã dày công khai mở. Khôi phục lại truyền thống Giới, Định, Tuệ là giải pháp tối ưu, không còn giải pháp nào hay hơn nữa. Vấn đề ở đây là chúng ta có nghiêm túc thực thi theo chủ trương, phương hướng mà Hệ phái đã đề ra hay không? Không chỉ là một giải pháp tối ưu, việc khôi phục truyền thống Giới - Định - Tuệ phải là một trong những cương lĩnh mang tính cốt lõi cần được duy trì một cách bền bỉ dài lâu trong pháp hành của Giáo hội. Bởi theo thế thường, cái xấu dễ lây lan hơn cái tốt. Cũng như leo núi, đi lên khó hơn là tuột dốc. Tâm tham của con người vừa nguy hiểm, vừa ngoan cố. Nó xảo trá, quỷ quyệt, luồn lách, tìm mọi cách để che dấu cái NGÃ sâu kín của nó. Không tu thiền Tứ Niệm Xứ, nhất là niệm tâm thì khó mà phát hiện được mặt nạ sâu kín của Ngã ái, chỉ có Bát Chánh Đạo của nhà Phật mới đủ sức triệt tiêu tâm tham vi tế này. Đối với một số Tăng Ni trẻ, họ coi thiền Tứ Niệm Xứ như là một loại xa xí phẩm. Công phu nếu có, họ chỉ niệm Phật A Di Đà để khi chết được vãng sanh Cực lạc. Và hiện tại họ tham gia vào các Phật sự của Giáo hội rất là “nhập thế”.

Giới trẻ là vậy, còn giới có bề dày ở chùa và hiện tại họ là trụ trì, sư phụ thì sao? Do không thành công về Giới - Định - Tuệ, họ xoay qua dùng thủ thuật thu hút sự chú ý của hàng cư sĩ tại gia: Coi tay, xem tướng, cúng sao, giải hạn, xây nhà, sửa cửa, đào giếng, xây lò, thờ ông Táo v.v… Thật ra, số tu sĩ này không nhiều, nhưng hiện thực vẫn có đó, họ thường vắng mặt trong các khóa tu truyền thống. Họ cũng có mặt trong các công tác từ thiện xã hội và những lễ hội có tính cách tôn giáo, nhưng bởi từ động cơ nhiễm ô - thủ lợi - mà những “Phật sự” ấy đã biến thành “ma sự” – Kinh “Chuyển Pháp Luân”, Đức Phật gọi đây là “Tà mạng”. Tổ Sư Minh Đăng Quang thì nói: “Học thì họ học chánh pháp, mà hành thì họ hành tà pháp” (Chơn lý “Chánh Pháp” trang 310).

Thật vậy, tâm tham là độc tố vô cùng ngoan cố và Giới - Định - Tuệ của nhà Phật là linh dược, đủ quyền năng trừ khử tham, sân, si. Giới luật của nhà Phật là cây móc sắt để câu con rắn độc tham, sân, si liệng ra thật xa (Kinh Di Giáo). Luật nghi Khất Sĩ như viên thuốc thần, nhưng muốn dùng thuốc một cách hiệu quả trước nhất phải nghiên cứu căn bệnh thuộc loại vi trùng nào, thì sau đó áp dụng thuốc mới đạt hiệu quả. Cũng tương tự như thế, hiện trạng Tăng, Ni Khất Sĩ đang lâm vào tình trạng nào? Sa lầy vào hầm hố ngũ dục nào? Rồi từ từ chúng ta sẽ tháo gỡ từng khâu một. Một mặt chúng ta phải có hiếu tâm, trân trọng, quý kính giáo pháp Tổ Thầy, phục hồi truyền thống Khất Sĩ, dựng lại nếp sống thanh bần giải thoát của Tổ, làm trong sạch hóa hàng ngũ xuất gia. Phải biết: “Đường nào đưa đến Niết Bàn; đường nào đưa đến thế gian tội tình” (Thơ Ni trưởng Huỳnh Liên) mà phân định lập trường dứt khoát.

Dạy cư sĩ lấy đạo lý nhân quả làm pháp tu căn bản. Dạy hàng xuất gia lấy lý tưởng giác ngộ, giải thoát làm mục tiêu, đừng tham lam “bắt cá hai tay” mà mất hết “cả chì lẫn chài”, thì Đạo, Đời đều hỏng. Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản, là kim chỉ nam cho người tu đoạn tận phiền não, chấm dứt luân hồi. Nhờ thấy được bốn sự thật căn bản này mà Thái tử Sĩ Đạt Ta mới thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Cũng nhờ y cứ vào bốn sự thật này mà 1.250 vị Tỳ khưu được chứng quả vô sanh. Và cũng nhờ thâm tín Tứ Diệu Đế mà thiện nam Cấp Cô Độc và tín nữ ViSàkha được dự vào dòng Thánh Tu Đà Hoàn. Chúng ta ngày nay cũng tu theo đạo Phật, gọi Phật là Bổn Sư thì tại sao chúng ta không nghiêm túc thực hành giáo lý Tứ Diệu Đế? Bởi vì Đạo Đế là độc đạo dẫn đến Niết Bàn. Đức Phật đã khẳng định: “Ngoài Bát Chánh Đạo ra không có Sa môn” (Kinh Niết Bàn). NT. Huỳnh Liên nói:

“Dẫu bề nào cũng một kiếp công phu

Tu dồi luyện phẩm tu cho đáng giá”.

(Thơ NTHL)

Lập đạo, hành đạo là phải tùy duyên. Dẫu cho NHÂN sẵn mà DUYÊN chưa sẵn thì Phật sự cũng khó thành công được. Đã nói là tùy duyên thì không có chi phải bức xúc. Tích cực (tinh tấn) là một việc mà thành công lại là việc khác. Nếu đủ chánh niệm thì công việc tự độ độ tha sẽ nhẹ nhàng. Nếu chúng ta có địa chỉ chính xác và nắm sẵn bản đồ trong tay thì sớm muộn gì chúng ta cũng đến được Bảo Sở, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Đức Phật mà còn có 3 điều không làm được huống nữa là chúng ta. Ba điều đó là:

1. Không thể gánh vác được nghiệp lực của chúng sanh.

2. Không độ được những người vô duyên.

3. Không thể độ hết chúng sanh được.

Tóm lại:

Khôi phục lại truyền thống Giới - Định - Tuệ là giải pháp tối ưu đối với thực trạng Tăng Ni Khất Sĩ hiện nay, không còn giải pháp nào hay hơn nữa. Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết tâm thực hành hay không?

Lo cho đạo pháp, cho giáo pháp Tổ Thầy là điều đáng quý, nhưng lo cho đạo nghiệp của chính mình còn đáng quý hơn. Đức Bổn Sư Thích Ca cũng vậy, trước khi đi ra gánh vác công việc thế gian, Ngài gánh vác công việc của bản thân Ngài trước. Sau khi thành công về mặt “tự độ”, Ngài mới ra đi “phất cao ngọn cờ chánh pháp” và động viên hàng đệ tử chứng quả của Ngài cũng ra đi, làm lợi ích cho chư thiên và loài người.

Xin mạo muội cống hiến một vài ý nhỏ, ngưỡng mong chư tôn túc lượng thứ.

Cầu hồng ân Tam Bảo chứng minh, gia hộ cho các bậc Thầy Hiền đầy đủ sức khỏe, đầy đủ Bi Trí để soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ lớp hậu lai vững tiến trên con đường giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan