Hạnh trì bình khất thực - Nét truyền thừa và đặc thù của HPKS
- NT. Thông Liên
- | Thứ Ba, 05:58 28-05-2019
- | Lượt xem: 2669
Lời nói đầu
Sau khi tỏ ngộ ý pháp ‘thuyền Bát-nhã’ tại đầu gành Mũi Nai, Tổ sư Minh Đăng Quang, với phương châm ‘Nối truyền Thích-ca Chánh pháp’, bắt đầu du phương hoằng hóa từ những miền quê xa xôi hẻo lánh đến các khu thị thành như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa..., đâu đâu cũng in dấu chân hóa độ của Tổ sư. Hình ảnh nhà Sư khất thực với bình bát đất trên tay, tấm y bá nạp đắp hở một bờ vai, điềm đạm bước chân trần trên các nẻo đường đã gây sự chú ý cho nhiều người.
“Đầu tiên trên bước lữ hành,
lẻ loi chỉ có một mình đường xa,
nhưng lần lượt trải qua các xứ…”
Với đạo phong khả kính, Ngài được nhiều người mến mộ, cầu xin quy y thọ giới xuất gia làm Khất sĩ. Kể từ đó, đoàn Du Tăng Khất sĩ ngày ngày ôm bát hóa duyên trở thành pháp hành căn bản và là nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ.
‘Hạnh trì bình khất thực’ không phải là một chủ đề mới, nội dung này đã được chư Tôn đức trong Hệ phái, cũng như các học giả, các nhà nghiên cứu nói đến rất nhiều. Vì vậy, trong phạm vi tham luận này, người viết sẽ không đi sâu vào việc phân tích, giải thích, mà chỉ trình bày tóm tắt nguồn gốc của hạnh trì bình khất thực cũng như sự tiếp nối và truyền thừa của Tổ sư. Mục đích chính của tham luận là mong sao hình ảnh khất thực của Phật Tăng xưa mỗi sớm mai có mặt trên các nẻo đường của đất Sài Thành cũng như các tỉnh thành khắp cả nước.
NS. Chánh Liên đọc bài thuyết trình thay NT. Thông Liên
Giải thích từ ‘Khất thực’
‘Khất thực’ hay ‘đi khất thực’ được dịch từ tiếng Pāli là Piṇḍācāra. Đây là một danh từ kép do hai từ: ‘Piṇḍa’ và ‘cāra’ kết hợp thành. Trong đó, ‘piṇḍa’ có nghĩa là miếng hay vắt thực phẩm (vì thức ăn đặt bát cho chư Tăng, Ni thường chỉ chút ít, gọn nhẹ, nên từ ‘piṇḍa’ được dùng để gọi chung những thức ăn cúng dường đến những vị xuất gia đi khất thực); ‘cāra’ có nghĩa là hành động, sự tiến hành, đi hay đang đi. Do vậy, Piṇḍācāra có nghĩa là ‘khất thực’ hay ‘đi khất thực’.[1]
‘Khất thực’ là một thuật ngữ Phật học chỉ cho việc đi hóa duyên của Đức Phật cùng Tăng đoàn đệ tử xuất gia của Ngài. Pháp hành này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho vị Khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường, là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh đoàn du Tăng Khất sĩ. Tuy nhiên, danh từ này có thể bị hiểu lầm như là hành động đi ‘xin ăn’ của những người nghèo khó, cơ nhỡ. Để tránh sự hiểu lầm này, Tổ sư trong Chơn Lý “Khất Sĩ” giải thích: “Khất có nghĩa là xin. Xin có hai thứ: Xin vật chất để nuôi thân và xin tinh thần để nuôi trí”.[2] Tổ sư nói thêm: “Khất thực hóa duyên là độ chúng, chỉ rành nẻo lối đến Tây phương… Chính sự xin Pháp bảo để ăn, xin lòng tốt của người để sống, xin vật thiện để dùng, cái xin ấy mới ích lợi cho đời hơn hết”.[3]
Khởi thủy của hạnh trì bình khất thực trong Phật giáo
Theo sử sách, ngay những ngày đầu rời kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, Thái tử Tất-đạt-đa đã gia nhập vào hội chúng của hai vị đạo sĩ lừng danh thời bấy giờ là Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Những tháng ngày lưu trú tại đây, Thái tử đã bắt đầu khất thực hóa duyên. Rồi sau ngày thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, Đức Phật cùng chư vị Thánh Tăng đệ tử vẫn hành hạnh trì bình khất thực. Bàn bạc trong tạng Kinh, có rất nhiều bài kinh thuật lại như sau: “Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y mang bát đi vào thành Xá-vệ để khất thực”.[4]
Pháp khất thực được Đức Phật xem là pháp hành quan trọng trong đời sống của vị du Tăng Khất sĩ, đặc biệt là vào dịp Ngài trở lại thành Ca-tỳ-la-vệ hai năm sau ngày giác ngộ. Sáng hôm ấy, Đức Phật dẫn đầu Tăng đoàn đi khất thực trên chính quê hương của Ngài. Hình ảnh đức Thế Tôn dung dị trong chiếc y phấn tảo, tay ôm bình bát, đầu trần chân đất hoá duyên trên đường phố đã đến tai Vua Tịnh Phạn. Với lòng tự tôn của bậc Đế vương, vua Tịnh Phạn cảm thấy xấu hổ nên vội vàng đi gặp Đức Phật. Khi đến nơi, nhà Vua được Đức Phật đáp lại: “Phụ vương theo chân mạng đế vương nên sống trong đền đài cung điện, tận hưởng lạc thú ở thế gian. Nhưng Như Lai theo hạnh của chư Phật, ba đời chư Phật luôn giữ hạnh trì bình khất thực. Hạnh trì bình khất thực mang lại lợi lạc và phước báo cho nhiều người, cả người cho và người nhận”.[5] Noi gương đức Từ Phụ Bổn Sư, Tăng chúng đệ tử Phật, đặc biệt là chư Tăng các nước theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Myanmar, Thái Lan, Lào…, mỗi sớm mai vẫn giữ hạnh trì bình khất thực nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội cúng dường, gieo duyên lành với Tam Bảo.
Tổ sư truyền thừa pháp hành của chư Phật
Trong Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”,[6] Tổ sư có nhắc đến câu chuyện Đức Phật cùng với Tăng đoàn về lại thành Ca-tỳ-la-vệ và đi khất thực ngay nơi quê hương Ngài. Qua đây cho thấy, pháp khất thực không phải do Tổ sư tự chế ra, mà là truyền thống của chư Phật ba đời, là pháp hành của chư Phật trong quá khứ. Tổ sư xác định: “Chư Phật ba đời đều là Khất sĩ, nếu không làm du Tăng Khất sĩ để xin ăn tu học thì dễ gì đạt đến đạo quả Vô thượng sĩ ngày mai”.[7]
Theo Tổ sư, xin có ba bậc: Xin bằng thân, xin bằng trí và xin bằng tâm. Trong ba bậc này, chỉ có Khất sĩ là người xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho, chớ không hề ép buộc.[8]
Pháp hành này được chư Tăng các nước Phật giáo Nam Tông thực hành. Tuy nhiên, khi được Tổ sư áp dụng, hạnh trì bình khất thực đã trở thành pháp hành nổi bật và là nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ tại đồng bằng Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Theo lời dạy của Tổ sư, khất thực không phải vì thiếu ăn, mục đích chính là nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội gieo duyên lành với Tam Bảo. Tổ sư khẳng định: “Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy. Mỗi ngày đi xin một lần, lập một công đức dẫn đạo ban hành, dìu dắt chúng sanh, đền ơn chư Phật lưu truyền Chánh pháp”.[9] Hành trì bình khất thực đem lại nhiều an lạc, lợi ích cho người cúng dường và người nhận vật cúng dường, vì
“Pháp khất thực dạy người bố thí,
Cùng dạy mình chân lý không tham,
Bao giờ dứt tánh mê ham,
Muôn ngàn Phật sự việc làm đều xong”.[10]
Thật vậy, hạnh khất thực giúp vị Khất sĩ dứt trừ tâm tham sân si và tánh tự cao ngã mạn. Hằng ngày tay ôm bình bát hoá duyên từ nhà này sang nhà khác không phân biệt tôn giáo, giai cấp, địa vị xã hội, mà chỉ một lòng thực hành theo lời Phật dạy. Tùy lòng hảo tâm bố thí của thí chủ, dở ngon, nhiều ít, vị Khất sĩ luôn vui lòng thọ nhận, không khen cũng không chê, không khó chịu bực mình. Nếu gặp phải người chê bai, chỉ trích, vị Khất sĩ cũng hoan hỷ chấp nhận với tâm từ, tâm bi. Do vậy mà các tâm bất thiện không có cơ hội phát sanh, tánh tự cao, ngã mạn cũng được mài dũa dần dần. Vả lại, khất thực không phải là hành động hèn kém xúc phạm đến phẩm giá con người, mà là sự bài trừ, đem chỗ dư bù vào chỗ thiếu, trao đổi chan hoà cho nhau, xin ăn để học đạo rồi truyền bá giáo lý trong khắp chúng sanh, đó là sống theo chơn lý của vũ trụ. Trong ý nghĩa này, có thể nói Tăng Ni Khất sĩ du hóa khắp nơi, vừa khất thực gieo duyên, vừa lập lại thăng bằng trong xã hội, đồng thời nhắc nhở những người con Phật luôn nhớ đến lời Thế Tôn đã dạy “ba đời chư Phật đều trì bình khất thực, hạnh khất thực mang lại phước báo cho nhiều người, cho người cúng dường và người thọ nhận”.
Lợi ích của hạnh trì bình khất thực
Thoạt nhìn qua hình ảnh Tăng đoàn khất thực, nhiều người cho rằng đây là hành động tiêu cực vì chỉ đi nhận phẩm vật của người khác như cách nhìn của người phương Tây. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào bản chất của pháp hành trì này chúng ta sẽ thấy được những giá trị cao sâu thâm thúy. Bởi lẽ, sẽ không phải là hạnh trì bình khất thực nếu như vị Khất sĩ chỉ đi để nhận phẩm vật với tâm mong muốn mà không vì mục đích tu tập. Với tâm mong cầu thì chắc chắn vị ấy sẽ có tâm ưa thích với những cao lương mỹ vị, những món ngon vật lạ và cũng sẽ có tâm không thích với những món ăn nhàm chán. Đây là mầm móng của tham và sân. Nếu đi khất thực với tâm niệm như vậy thì không phải là pháp hành trì của vị Khất sĩ. Ngược lại, vị Khất sĩ đầu đội trời chân đạp đất là biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người nên phẩm vật dù ngon hay dỡ, nhiều hay ít cũng không hề có tâm tham, tâm sân. Có thể nói đây là một nghệ thuật sống, một phương pháp thực tập mà Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài đã áp dụng hơn 2.500 năm trước.
Theo Tổ sư, một vị Khất sĩ hành hạnh trì bình khất thực có ít nhất chín điều lợi ích, đó là: Xin để răn lòng tội lỗi; xin để đền nghiệp cũ, mau hết vốn lời; xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh; xin để làm gương nhân quả cho chúng sanh ngừa tránh; xin để đừng phạm tội lỗi mới; xin để có thời giờ rảnh rang tu học; xin để có duyên giáo hóa chúng sanh; xin để không tự cao dốt nát danh lợi sắc tài; và xin để giải thoát phiền não, un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng.[11]
Về phía thí chủ cúng dường, trong Kinh Tương Ưng, Đức Phật dạy rằng Tăng chúng đệ tử Phật là những người đã thành tựu bốn Đạo và bốn Quả, Giới Định Tuệ đã tròn đủ, thí chủ cúng dường cho hội chúng Tỳ-kheo ấy sẽ được công đức lớn, quả báo lớn.[12]
Trong Kinh Tăng Chi, nhân cơ hội nữ cư sĩ Suppavāsā cúng dường vật thực đến Đức Phật và Tăng đoàn, Đức Phật dạy rằng cúng dường thức ăn là cúng dường bốn sự cho những người nhận. Thế nào là bốn? Đó là cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, và cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc cõi trời hay cõi người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia phần dung sắc, thuộc cõi trời hay cõi người. Sau khi cho an lạc, người cho được chia phần an lạc, hoặc thuộc cõi trời, hoặc thuộc cõi người. Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc cõi trời, hay cõi người.[13] Đây là bốn phần phước báo thí chủ có được khi cúng dường vật thực đến các vị Khất sĩ.
Lời dạy của Đức Phật và Tổ sư cho thấy, khái niệm ‘xin’ không tách rời khỏi khái niệm ‘cho’, khái niệm ‘học’ cũng không tách rời khỏi khái niệm ‘dạy’, vì người Khất sĩ vừa xin cũng có nghĩa là vừa cho, xin vật chất cho lại tinh thần, cả người cho và người nhận đều có những phần phước báo tương xứng; vừa học cũng có nghĩa là vừa dạy, theo chủ trương – học từ nơi tất cả chúng sanh, dạy lại tất cả chúng sanh, tùy theo nhân duyên hoàn cảnh.
Nên làm sống lại pháp hành của chư Phật và Tổ sư
Ở Việt Nam, vào thập niên 40-50, những ngày Tổ sư mới khai sơn mở đạo, đoàn du Tăng Khất sĩ ngày ngày vẫn ôm bát hóa duyên và chính pháp môn này đã giúp những vị Khất sĩ trên bước đường hành đạo đẩy mạnh được bánh xe Chánh pháp đến những địa phương mà trước đó giáo pháp của Đức Phật còn là một điều đó rất xa lạ và mơ hồ đối với cư dân. Hệ phái Khất sĩ với hạnh trì bình khất thực đã tạo nên nét đặc thù riêng, thu hút được số đông cư gia bá tánh lúc bấy giờ.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, mọi người dường như lúc nào cũng vội vã để theo kịp với thời đại, một số thì bị cuốn hút theo cơn lốc của vật chất, của công nghệ thông tin. Thêm vào đó là nạn giả Tăng, Ni đi khất thực. Thế nên, hình ảnh của vị Khất sĩ ‘một bình bát đất du hành khắp nơi’ dường như cũng mất dần theo năm tháng. Những năm gần đây, trong các dịp lễ lớn như Tự tứ và Lễ Tổ, cũng như trong các khóa tu của Hệ phái, chư Tôn đức Hệ phái cũng đã cố gắng duy trì hình ảnh trì bình khất thực mà Tổ sư đã dày công thực hành từ những ngày mới khai sơn lập phái. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong một buổi sớm mai nào đó mà thôi.
Hình ảnh vị Khất sĩ mỗi ngày ôm bát khất thực tạo cơ hội cho mọi người gieo duyên lành với Phật Pháp. Người không có thời gian đi chùa, trên đường đến công sở gặp chư Tăng, Ni đi khất thực cũng có thể cúng dường được; người nghèo khó tự ti không có lễ vật xứng đáng đến chùa, sáng ra thấy chư Tăng, Ni đi khất thực ngang nhà chỉ cần một chén cơm, một cái bánh, trái chuối… cũng có thể cúng dường, tạo phước. Tăng Ni đi khất thực là cơ hội giúp mọi người biết và hiểu Phật Pháp. Bài học thân giáo tuy đơn sơ, giản dị những rất hữu ích trong việc góp phần hoằng dương Phật Pháp.
Ngày xưa, vào thời Phật cũng đã có những người lợi dụng chiếc y của đạo để tìm miếng cơm manh áo, nhưng Đức Phật và Tăng chúng ngày ngày vẫn ôm bát hóa duyên. Tổ sư trong Chơn Lý “Luật Nghi Khất Sĩ” nhằm giúp cho những vị Khất sĩ thực hành đúng pháp khi đi khất thực và giúp cho cư gia bá tánh phân biệt được đâu là vị Khất sĩ chơn chánh và đâu là người hành khất ăn xin. Tổ sư đã lập ra bảng nội quy gồm có 26 điều lệ, chia thành các nhóm chủ yếu như sau:
Về thời gian: Phải đi trong buổi sáng và về trước giờ ngọ;
Về địa điểm: Không được vào chợ, phải đi trong xóm làng;
Về số lượng: Phải đi từ hai vị trở lên, không được đi một mình;
Về cách đi: Đi một hàng trước sau theo hạ lạp, vị trước cách vị sau khoảng 2 mét, mắt nhìn xuống đất phía trước mặt, không được chống gậy, che dù; những vật được nhận là thức ăn đã nấu chín, không nhận tiền, vàng, bạc, gạo thóc…
Qua bảng nội quy này, có thể nói Tổ sư đã rất cẩn trọng trong việc đi khất thực; và cũng qua đây có thể dễ dàng giúp cư gia bá tánh phân biệt được thật giả.
Với những ý đã trình bày ở trên, chúng con kính mong chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái từ bi hoan hỷ kiến nghị với Giáo hội và các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp cụ thể, tạo điều kiện cho Tăng, Ni Khất sĩ có thể tiếp tục hành hạnh trì hạnh khất thực đúng Chánh pháp, đúng theo quy cách Tổ sư chỉ dạy và đúng với pháp luật quy định.
Mong sao hình ảnh vị Khất sĩ với bình bát trên tay, với tấm y giải thoát ngày ngày hiện hữu trên khắp nẻo đường từ thôn quê đến thành thị. Một vị hay hai vị Khất sĩ có thể không ảnh hưởng gì, nhưng nếu một đoàn thể Khất sĩ trong màu y giải thoát ngày ngày hiện hữu giữa những rộn ràng của cuộc sống đời thường thì dù cho ai đó không biết đạo, không hiểu đạo, một ngày nào đó họ cũng sẽ cảm thấy hoan hỷ, sẽ khởi tín tâm. Hoan hỷ, tín tâm là những thiện pháp; pháp thiện tăng thì pháp ác sẽ giảm dần. Điều này cũng góp phần tạo nên một xã hội an bình và hạnh phúc.
Kết luận
Hạnh trì bình khất thực của Phật giáo nói chung và Hệ phái Khất sĩ nói riêng, dù được nhìn nhận dưới góc độ nào đi chăng nữa, thì sự có mặt của nó trong những tháng năm qua vẫn là nét văn hóa tín ngưỡng tôn giáo làm đẹp thêm cuộc sống vốn lắm nỗi thăng trầm bất an. Qua lời dạy của Tổ sư, hạnh trì bình khất thực được khái quát hóa thành mối quan hệ ‘xin’ và ‘cho’ như đã đề cập ở trên. Việc ‘xin’ và ‘cho’ này phát xuất từ nguyên lý chia sẻ chan hòa trong cuộc sống. Vì vậy hình ảnh của người Khất sĩ đi khất thực là một biểu trưng tốt đẹp của nguyên lý chia sẻ chan hòa về vật chất cũng như tinh thần. Nếu một xã hội hay một cộng đồng trong đó việc chia sẻ chan hòa được giáo dục, phổ cập và khích lệ, được xem là một nếp nghĩ, nếp sống văn hóa, được đông đảo quần chúng chấp nhận và thực hành thì xã hội hay cộng đồng đó chắc chắn sẽ thuần hòa, đạo đức hơn, mối quan hệ giữa người với người sẽ đầm ấm an vui hơn. Đời sống trì bình khất thực của chư Tăng Ni tại Myanmar là một minh chứng cụ thể, sự hiện diện của chư Tăng Ni đã giúp cho tâm tánh của người dân hiền lành, chất phát, hết lòng kính tin và hộ trì Phật Pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
HT. Minh Châu dịch. Kinh Tăng Chi. https://www.budsas.org/.
HT. Minh Châu dịch. Kinh Trung Bộ, tập I. https://www.budsas.org/.
HT. Minh Châu dịch. Kinh Trung Bộ, tập III. https://www.budsas.org/.
HT. Minh Châu dịch. Kinh Tương Ưng. https://www.budsas.org/.
Pāli-English Chinese Japanese Dictionary, version 1.9.3.0, bảng điện tử.
Phạm Kim Khánh dịch. Đức Phật và Phật Pháp. Thành hội PG TP.HCM, 1989.
Tổ sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý “Luật Nghi Khất Sĩ”. Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2004.
Tổ sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý, tập I. Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2004.
Tổ sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý, tập III. Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2004.
[1] Pāli-English Chinese Japanese Dictionary, version 1.9.3.0, bảng điện tử.
[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập I, tr. 278.
[3] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập I, tr. 212, 279.
[4] HT. Minh Châu dịch, Kinh Thánh Cầu (Trung Bộ 26); Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Trung Bộ 26), https://www.budsas.org/.
[5] Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, tr. 138-139.
[6] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập III, tr. 406.
[7] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập III, tr. 380.
[8] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập I, tr. 282.
[9] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập I, tr. 274.
[10] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập III, tr. 380.
[11] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập I, tr. 282.
[12] HT. Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng (Tập I, chương 11, Tương Ưng Sakka), https://www.budsas.org/.
[13] HT. Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi (Chương Bốn pháp, phẩm VI, Kinh No. 57), https://www.budsas.org/.
Các bài viết liên quan
- Báo cáo Tổng kết Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì lần thứ 17, PL. 2564 - DL. 2020 - Hệ phái Khất sĩ - Thứ Ba, 12:18 07-07-2020 - xem: 3331 lần
- Báo cáo Quỹ Pháp học Khất sĩ 2020 - Thứ Bảy, 12:42 20-06-2020 - xem: 3394 lần
- Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ - Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020 - xem: 3605 lần
- Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ - Thứ Sáu, 18:23 19-06-2020 - xem: 3533 lần
- Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020 - Thứ Tư, 20:16 17-06-2020 - xem: 4233 lần
- Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì - Thứ Ba, 19:59 16-06-2020 - xem: 4090 lần
- Bế mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì, PL. 2564 – DL. 2020 - Thứ Ba, 05:12 16-06-2020 - xem: 4134 lần
- HT. Giác Toàn: Thăm đại chúng buổi cuối cùng trong khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2020 - Thứ Ba, 11:30 16-06-2020 - xem: 3814 lần
- Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới - Thứ Hai, 16:18 15-06-2020 - xem: 4279 lần
- Báo cáo và chia sẻ phương hướng của các Ban trong Hệ phái - Thứ Hai, 14:45 15-06-2020 - xem: 3579 lần
- Cách tổ chức khóa thiền Vipassana - Thứ Hai, 11:53 15-06-2020 - xem: 5820 lần
- Báo cáo và chia sẻ về công việc sắp tới của Ban tu thư - Thứ Hai, 11:05 15-06-2020 - xem: 3756 lần