CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Hòa thượng Giác Pháp: Tu tập Tứ y pháp trong giai đoạn hiện nay

Phiên làm việc buổi chiều ngày 5/6/2018, HT. Giác Pháp - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN TP. HCM; Phó ban kiêm Chánh Thư ký Hệ phái trao đổi với Tăng Ni trụ trì ngang qua đề tài “Nghiên cứu quan điểm Tứ y pháp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang”.

Với hội chúng là những vị đang đảm nhiệm hoặc sắp đảm nhiệm trong tương lai, ít nhiều cũng đã thấm thấu Giáo pháp của đức Phật và Tổ sư, Hòa thượng chủ giảng gợi lên vấn đề và cùng bàn thảo để tìm ra giải pháp tốt nhất, ứng dụng lời dạy của Tổ sư vào thực tiễn hành trì và đáp ứng trọng trách tại trú xứ.

Để thay đổi không khí và làm cho vấn đề trở nên sôi động, Hòa thượng đã rời pháp tòa xuống dưới hội chúng để vấn đáp với nhiều vị Tăng Ni qua câu hỏi: “Khi các vị thọ Cụ túc giới thì được truyền trao Tứ y pháp, vậy quý vị đã từng ứng dụng và thực hành Tứ y pháp hay chưa?”.

Tứ y pháp hay còn gọi là Tứ y Chánh pháp, Tứ Thánh dụng, đây là 4 pháp mà mỗi vị xuất gia phải thực hiện trong suốt quá trình tu tập. Tổ sư khẳng định rằng Tứ y Pháp tức là con đường Trung đạo, là chủng tử của bậc Thánh, cho nên còn gọi Tứ y pháp là Chánh pháp.

Tứ y pháp là bốn pháp đặc biệt của Đạo Phật và cũng là vấn đề quyết định đến sinh tồn của con người: thức ăn, y phục, chỗ ở và thuốc men. Trong Luật nghi Khất sĩ, đức Tổ sư dạy Tứ y pháp là:

1. Nhà sư Khất sĩ chỉ ăn đồ cho mà thôi, nhưng ngày cúng hội thuyết pháp được ăn tại chùa;

2. Nhà sư Khất sĩ phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải cũ thì được nhận;

3. Nhà sư Khất sĩ chỉ ngủ dưới gốc cây mà thôi nhưng ai cúng lều cốc bằng lá, một cửa thì được ở;

4. Nhà sư Khất sĩ chỉ dùng phấn uế của bò mà làm thuốc trong khi đau mà thôi, nhưng có ai cúng dầu, đường, thuốc thì được dùng.”

Sau khi hóa độ năm anh em Kiều-trần-như thành lập cho đến khi Tăng đoàn lên đến 1.250 vị Tỳ kheo, đức Phật cũng phải đối diện đến 4 vấn đề căn bản để duy trì đời sống của chúng đệ tử. Nên Phật khuyên chư đệ tử tránh hai cực đoan cần phải nên từ bỏ: Khổ hạnh ép xác và sống dung dưỡng. Đức Tổ sư cũng đã dạy trong Chơn lý  "Y bát chơn truyền" có 4 pháp cần phải từ bỏ đối với một người tu ở núi rừng: nhịn đói không ăn, lõa lồ không mặc đậy, mưa nắng phơi ngoài trời, đau liều mạng không uống thuốc; và 4 pháp cần phải tránh đối với các vị tu hành tại nơi phố thị: ăn nhiều bữa lựa món ngon, mặc se sua chưng diện, ở nhà ngói lầu đài, không đau uống thuốc bổ dưỡng.

Tổng hợp các câu trả lời, Hòa thượng nhấn mạnh mục tiêu của thực hành Tứ y pháp mà đức Phật và Tổ sư khi truyền dạy là để không bị dính mắc, cột trói, ràng buộc trong 4 vấn đề ăn, mặc, ở, bịnh của người xuất gia Khất sĩ. Do vậy, tùy theo thời duyên cảnh ngộ mà chư Tăng Ni Khất sĩ nên hiểu và ứng dụng Tứ y pháp vượt ra ngoài ngôn tự mà cần phải nắm rõ tôn chỉ, mục đích nào khi đức Phật và Tổ sư truyền dạy Tứ y pháp. Hòa thượng khuyến nhủ chư vị Tỳ kheo hiện nay nên tránh tự mình chế biến thức ăn để thỏa mãn khẩu vị, chọn may y áo để chưng diện, xây dựng chỗ ở cao rộng, tốn kém để khoe khoang; không đau bệnh mà tìm thuốc bổ dưỡng để sử dụng.

Mục tiêu của mỗi vị người xuất gia ít nhất phải đạt được đó là chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn, tức là đoạn được 3 hạ phần kiết sử: thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Đồng quan điểm đó, Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng “làm Khất sĩ Thanh Văn tức không mê lầm bổn ngã”, vậy khi còn chấp cái thân, cái ý của mình thì khó tiến vào hàng Thánh. Vậy sau khi thọ Tứ y pháp xong, những vị nào có thể thực hiện đúng như lời dạy là rất tốt (nhưng tuyệt đối không được chấp vào sự hành trì đó) còn nếu vì thời duyên cảnh ngộ mà không hành trì theo đúng được thì phải hiểu và giải quyết 4 vấn đề trên một cách đúng Pháp để không bị mê lầm, trói buộc trong đời sống tu tập hằng ngày. Được như vậy, hành giả mới có nền tảng vững vàng cho sự chuyên tâm, tinh cần, miên mật trong hành trì Giáo pháp của bản thân và giải quyết các phận sự liên quan đến vai trò của người trụ trì.

Trao đổi cùng chư Tăng Ni trẻ

>> Nghe toàn bộ bài pháp tại đây

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan