CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì

Để trình bày trong khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm nay 2020, tôi chọn đề tài: “Học, tu và phụng sự - Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì”. Tôi trình bày đề tài này với sự trải nghiệm của bản thân. Học, tu và phụng sự, tôi xem đây là hạnh nguyện của hàng Thập địa, Bồ-tát và hàng tứ chúng. Tứ chúng gồm có Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, theo tôi thì có thể dùng hai cách “đệ tử đức Thế Tôn” hoặc Tăng Ni đệ tử đức Thế Tôn, hoặc nam nữ cư sĩ đức Thế Tôn. Ở đây, chúng tôi dựa vào di huấn, không phải tự mình sáng tạo (vì mình không tài ba gì để con thể sáng tạo), mà là tự mình đón nhận những lời vàng của đức Thế Tôn và của Tổ sư.

Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu...” (Kinh Trường bộ, số 16)

Câu nói “học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng…” đã nói lên đầy đủ ba yếu tố HỌC, TU, PHỤNG SỰ. Phạm hạnh đây là nếp sống đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho hàng tứ chúng Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ chúng ta. Phạm hạnh nhân có tám, Phạm hạnh quả có mười. Phạm hạnh nhân có tám: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó là nhân để giải thoát. Phạm hạnh này được đức Thế Tôn nhắc nhở trong Kinh Makhādeva thuộc Kinh Trung bộ số 83.

Bài kinh viết rằng, thuở quá khứ, Ngài là vị Pháp vương Makhādeva, sống hưởng thụ dục lạc thế gian. Khi thấy vô thường đến, tóc bắt đầu có sợi bạc, vua liền giao ngôi vị cho hoàng tử, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia tu hành. Nhà vua thiết lập truyền thống xuất gia khi thấy trên đầu có tóc bạc này và dạy lại cho hoàng tử. Nhà vua tu tập, thiết lập bốn Phạm trú với mục đích để được sanh lên Phạm thiên giới sau khi thân hoại mạng chung. Đó là lúc Ngài còn là phàm phu chưa thành Phật cho nên Ngài tâm đắc với pháp môn tu Từ, Bi, Hỷ, Xả và thành tựu trong hạnh tu này.

Và đức Thế Tôn nói tiếp: “Nay Ta là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác, Ta thấy các pháp mà ngày xưa Ta thành tựu là Cứu cánh Phạm thiên giới không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, không phải là mục tiêu tầm cầu của đức Thế Tôn. Nay Ta là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác, pháp mà Ta thiết lập này, pháp này mới đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Pháp đó là Bát Thánh đạo - Thánh chánh kiến, Thánh chánh tư duy, Thánh chánh ngữ, Thánh chánh nghiệp, Thánh chánh mạng, Thánh chánh tinh tấn, Thánh chánh niệm và Thánh chánh định. Pháp do Ta thiết lập này đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Đức Phật nhấn mạnh với các đệ tử: “Pháp do Ta thiết lập này, các ngươi chớ để đoạn diệt, các ngươi chớ là người tối hậu sau ta, để giáo pháp được trường tồn, để giáo pháp được vĩnh cửu.”

Trên đường về Kusinagar, trước khi nhập Niết-bàn, đức Thế Tôn cũng nhắc các Tỳ-kheo rằng: “Pháp do Ta chứng ngộ giảng giải này, các người phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để Phạm hành được trường tồn, vĩnh cửu. Do ý thức lời dạy cực kỳ quan trọng, tôi trích dẫn đoạn kinh này để chia sẻ, cúng dường đến chư Tôn đức Tăng Ni, chư huynh đệ, để cùng nhau tư duy và chiêm nghiệm.

Trong phần chánh, có một vài ý phụ. Trước tiên, tôi nói đến ý nghĩa học tu của Tổ sư. Có hai cách:

1. Học, tu, phụng sự theo thiện pháp. Điều này chúng ta thực tập thường xuyên tuy nào lúc nào cũng chánh niệm để khỏi tu sai.

2. Học, tu, phụng sự theo Thánh pháp. Chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang của chúng ta xiển dường tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” là nhắc chúng ta nhớ lại lời dạy này của đức Thế Tôn. Nếu không khéo, huynh đệ chúng ta sẽ quên lãng hoặc là tự mình tự ti mặc cảm cho rằng mình không làm được. Lúc nào cũng nghĩ “pháp này cao quá, không thể làm được”. Chính cách học tu thứ hai này đã được đức Thích-ca Mâu-ni Phật và đức Tổ sư Minh Đăng Quang tán thán và khích lệ đúng theo tâm nguyện tầm cầu chân lý của đức Thế Tôn đã được đề cập đến trong Kinh Thánh cầu thuộc Kinh Trung bộ. Bài kinh này nhắc đến bài pháp được đức Thế Tôn công bố đầu tiên.

Thế nào là học, tu và phụng sự theo thiện pháp?

Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài còn lưu lại tại cội Bồ-đề một thời gian và khởi lên suy nghĩ rằng pháp mà do Ngài chứng được đi ngược dòng đời, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, hệ lụy, đắm say, nặng nề với dục lạc. Nếu Ngài đem ra công bố thì những chúng sanh này không hiểu được vấn đề. Tuy nhiên, sau khi quán chiếu, Ngài quyết định công bố giáo pháp nhưng Ngài định hướng cho giáo pháp siêu việt này. Việc tầm cầu ra một giáo pháp vi diệu này là cả một quá trình. Ngài ra đi, từ bỏ gia đình khi tuổi có rất trẻ, tóc còn đen nhánh, chứng được pháp khó chứng, mà trong thời gian ngắn đã thành tựu thiền chứng như vậy, đây là điều phi thường ở đức Thế Tôn, thật là bái phục vô cùng. Hai người thầy trước đây là Alara Kalama, Uddaka Ramaputta kính quý đức Thế Tôn, muốn Thế Tôn ở lại cùng tu học và chăm sóc hội chúng. Giờ đây muốn nói pháp này cho họ, Ngài cũng cần phải định hướng một cách đúng đắn, phù hợp.

Điều thiện trong Dục giới, đó là làm việc thiện, mình làm và truyền rộng giúp mọi người thực hành, sau khi thân hoại mạng chung được tái sanh làm người hoặc làm chư Thiên trong cõi Dục giới. Cao hơn nữa là để thành tựu theo pháp của Ngài thì chỉ chứng được thiền Sắc giới hoặc Vô sắc giới. Nếu tu để tìm cầu phước báu, giàu sang, phú quý, vinh hoa hay sanh lên cõi trời đều không lợi ích gì. Như trong Kinh Pháp Hoa viết: “Tam giới vô an, du như hỏa trạch, chúng khổ sung mãn, thậm khả bố úy” 三界無安、猶如火宅、眾苦充滿、甚可怖畏, ba cõi không an, giống như nhà lửa, các khổ đầy ắp, rất đáng sợ hãi. Chúng ta tu, học và phụng sự là theo thiện pháp là vẫn còn trong vòng luân hồi sanh tử, uổng công cha mẹ nuôi dưỡng bỏ đi tu, không báo hiếu song thân, vô chùa để học những pháp này rồi truyền dạy là chưa đủ. Phải hướng đến học, tu và phụng sự theo Thánh pháp mới là báo đáp song thân, thoát khỏi lò lửa. Cho nên, đức Phật từ bỏ pháp từ hai vị đạo sư thời danh là Alara Kalama, Uddaka Ramaputta và tuyên bố: “Ta là kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.” (Kinh Sangārava, thuộc Kinh Trung bộ, số 100).

Ngài nói đúng với tâm nguyện, mục tiêu tầm cầu của Ngài, đó là định hướng. Hạ thấp pháp xuống là phương tiện về sau, trong thời pháp đầu tiên, Ngài không thể nói pháp hạ liệt được. Ngài phải đi tìm người mà trao pháp, không thể nói cho đa số chúng sinh để rồi họ có thể bán rẻ giáo pháp. Vì vậy, Ngài phải chọn pháp khí. Pháp khí theo nghĩa đen là đồ đựng pháp. Vậy ai có thể đón nhận được pháp này?

Ngài nghĩ đến Alara Kalama và một đạo sĩ mà trước đây, Ngài đã tham vấn và thành tựu quả vị cao nhất trong trường phái của ông là tầng thiền Vô sở hữu xứ, tầng thiền thứ 3 của Vô sắc giới. Giới của vị đạo sĩ này có thể an trú được trong thiền chứng này, các dục vọng đều được tịch tịnh, bởi thành tựu Tứ thiền Sắc giới được gọi là chứng đạt trạng thái Hiện tại lạc trú, còn thành tựu Tứ thiền Vô sắc giới chứng đạt được trạng thái Tịch tịnh trú. Hai quả vị này khác nhau. Với vị đạo sĩ này, tâm đã lắng dịu được phiền não, nhờ có giữ giới luật. Phiền não gọi chung cho năm triền cái. Dục đứng đầu năm triền cái này làm che lấp tâm trí, nếu còn để màn vô minh che lấp này, không thể nào nhận chân được chân lý tối thượng. Đạo sĩ Alara Kalama đã lắng được các dục, chứng được thiền Vô sở hữu sứ nhưng chư Thiên đến báo, vị đạo sĩ đã chết trước đây bảy ngày. Ngài quán chiếu biết Alara Kalama đã mất bèn thốt lên: “Thật là thiệt hại lớn cho Alara Kalama”. Tôi đọc đến đoạn này rất cảm xúc. Có thể chúng ta nghe câu kinh “không thể thấy pháp này, không thể nghe pháp này” với tâm bình thường, không khởi lên bất cứ cảm xúc nào, nhưng khi chiêm nghiệm lại, mới thấy rất cảm động.

Cũng vậy, khi nhớ lại lúc Tiên A-tư-đà đoán tướng cho Thái tử Sĩ-đạt-ta, sau khi hoan hỷ tán thán 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, Ông hạ giọng rồi khóc ròng, khiến cho Vua Tịnh Phạn và mọi người hoang mang cực độ, không biết con mình thế nào. Khi được hỏi vì sao cười rồi khóc như vậy, Ngài liền trả lời: “Trong cõi ta-bà tối tăm bị màn vô mình che lấp, nay xuất hiện một vị có mắt, có trí, sẽ thuyết giảng giải giáo lý thượng trí, đây là một niềm hạnh phúc lớn cho đời nên tôi cười. Tôi khóc vì tủi thân nay đã 120 tuổi, không bao lâu nữa thọ mạng đời này chấm dứt, không thể chờ để được nghe pháp của một vị Phật. Một vị có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp này, chắc chắn sau này sẽ làm Chuyển Luân Pháp Vương, hoặc làm bậc Chánh Đẳng Giác. Đặc biệt, vừa đản sanh, Ngài chỉ tay lên trời cũng chứng minh rằng, chắc chắn Ngài sẽ là bậc Thế Tôn, Thầy của Trời người.” Chúng ta hãy nghĩ lại, trong đời này có bao nhiêu người có cái mừng như cái mừng của vị Tiên A-tư-đà? Mừng cho Chánh pháp ra đời xóa tan màn vô minh. Và chúng ta hãy nghĩ xem trong đời này có bao nhiêu người có cái khóc như cái khóc của vị Tiên A-tư-đà? Khóc vì không được nghe giáo pháp nhiệm mầu. Thế rồi, đức Thế Tôn nghĩ đến đạo sĩ Uddaka Ramaputta, vị mà ngày trước Ngài tu tập trong hội chúng và đạt đến cảnh giới thiền Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, nhưng chư Thiên cũng cho biết đạo sĩ đã mất đêm qua. Đức Thế Tôn dùng Sanh tử trí quán chiếu và biết đạo sĩ Uddaka Ramaputta quả thật đã mất. Ngài lại thốt lên: “Thật là thiệt hại lớn cho Uddaka Ramaputta”.

Chúng ta nghe đức Thế Tôn nói không được nghe và thực hành Chánh pháp là một thiệt hại lớn cho tự thân. Đại chúng xuất gia, thọ giới, hiện diện trong hội trường này mà chưa thấy giá trị của Chánh pháp, chưa ngấp nghé thấy Chánh pháp, tôi cho rằng đó là một thiệt hại lớn của tất cả chúng ta.

Để tìm pháp khí, đức Thế Tôn lại nhớ đến năm huynh đệ cùng tu khổ hạnh với Ngài. Ngài cho rằng năm vị này tuy tu khổ hạnh không đúng pháp, nhưng họ có thể lãnh nhận và truyền bá được Chánh pháp của Ngài đã khai ngộ. Bởi vì pháp khổ hạnh tuy không đưa đến chứng quả tối thượng nhưng pháp này có thể chế chỉ, làm lắng dịu các triền cái, dục. Với một người có căn duyên như vậy, có thể nghe được Chánh pháp, nên đức Thế Tôn đã đến Vườn Nai để công bố Chánh pháp lần đầu tiên cho nhóm năm anh em Kiều Trần Như.

Hôm nay, là ngày tôi xuất gia tròn 60 năm 2 tháng 17 ngày, tôi đã học nhiều pháp khác nhưng không ấn tượng sâu bằng bài pháp đầu tiên này. Những pháp về sau, đức Thế Tôn thuyết là ứng cơ, tùy nhân duyên, nghiêp chướng, phiền não… của chúng sanh mà nói.

Một bài kinh khác cũng thật ấn tượng, đó là Kinh Lá rừng Simsapā thuộc Kinh Tương ưng bộ viết rằng Ngài nắm lá cây trong tay và hỏi các Tỳ-kheo:

- Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapā mà Ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapā?

- Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà.

- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra! Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.

- Và này các Tỷ-kheo, điều gì mà Ta nói? “Ðây là Khổ”, này các Tỷ-kheo, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ tập”, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ diệt”, là điều Ta nói. “Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt”, là điều Ta nói. Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết : “Ðây là Khổ tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt”.

Đại chúng hãy suy nghĩ lại, không khéo anh em chúng ta quá lơ là, không tha thiết, không tập trung nỗ lực cho việc học, tu và phụng sự đúng Chánh pháp này, thật là một thiệt hại lớn cho cuộc đời xuất gia cuả chúng ta.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan