CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Nhân chia sẻ "Phương pháp Giáo dục hàng Cư sĩ tại gia"

Sáng nay, ngày 12/6/2020, tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì do Hệ khái Khất sĩ tổ chức, HT. Giác Nhân, Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Phân ban Hướng dẫn Phật tử Khất sĩ, đã đến và chia sẻ chủ đề: "Phương pháp Giáo dục hàng Cư sĩ tại gia".
Nhập đề, Hòa thượng đã dẫn chứng những câu chuyện thời đức Phật còn tại thế. Cư sĩ Phật tử là một trong bốn chúng của đức Phật, có nhiệm vụ hộ trì Tam bảo. Thời đức Phật có một số vị trưởng giả hộ trì Phật pháp tiêu biểu như: "Trưởng giả Cấp Cô Độc, nữ tín chủ Visakha đã hộ trì cho đức Phật và Tăng đoàn suốt chặng đường truyền bá Chánh pháp".
Sự kính tin Tam bảo đối với đạo Phật đã trải qua nhiều thế hệ, là do hiểu biết Phật pháp một cách chín chắn, nhận định sâu sắc về giá trị đạo đức trong nền tảng giáo pháp của đức Phật đã đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sanh.
Thực tế, theo nhận định của Hòa thuợng, ngày nay giới cư sĩ Phật tử noi theo gương của các bậc đàn anh, đàn chị phát tâm ủng hộ, cúng dường, những Phật tử là doanh nghiệp, doanh nhân, đã tôn tạo chùa chiền, Thánh tích Phật giáo, v.v... Có thể nói, ngày nay giới cư sĩ đã ủng hộ tích cực cho công cuộc truyền bá Chánh pháp bằng nhiều hình thức góp phần làm cho chánh pháp đạo Phật rạng rở trong cuộc đời.

Theo kinh nghiệm của Hòa thuợng, người trụ trì hãy xây dựng niềm tin kiên cố cho Phật tử thông qua thân - khẩu - ý. Muốn giáo dục tốt cho hàng cư sĩ tại gia, trước hết phải chỉnh đốn phạm hạnh của hàng xuất gia. Hãy làm gương cho người khác thông qua oai nghi, phong thái, kinh nghiệm vững vàng với nội tâm sâu sắc, và hiểu rõ phương pháp giáo dục để hóa giải các vấn đề trong thực tế.
Đồng thời, vị trụ trì phải biết thường xuyên tổ chức khóa tu, mở lớp giáo lý, tổ chức pháp đàm, thảo luận trực tiếp để Phật tử có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về nhận thức Phật giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bên cạnh vấn đề nan giải của Phật tử, người trụ trì phải hướng thượng, tùy duyên hóa độ chúng sanh, không cố chấp độc đoán, nên lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người. 
Quan trọng hướng dẫn Phật tử có chánh tín, không mê tín dị đoan, hiểu giáo lý căn bản, làm nên tảng cho tự thân, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, tìm được an lạc cho tự thân và nhiều người chung quanh.
Riêng cư sĩ, căn cơ trình độ khác nhau, kiến thức chênh lệch, can cường khó độ, họ áp dụng nhiều pháp môn nhưng không tác dụng, giúp Phật tử hóa giải được nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, bản thân trụ trì phải giữ gìn truyền thống, không dùng tha lực nhiều quá, giúp Phật tử tin sâu luật nhân quả, ứng dụng pháp môn nhuần nhuyễn để làm tăng trưởng lòng tôn kính Tam bảo. 
Cuối buổi giảng, Hòa thượng nhấn mạnh phương pháp giáo dục hàng cư sĩ phải đáp ứng đủ kỹ năng ở mọi lãnh vực, hướng dẫn rộng rãi cho nhiều lứa tuổi, cho nhiều thành phần đối tượng được tham dự, để niềm tin Tam bảo của hàng cư gia bá tánh luôn được kiên cố.

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HÀNG CƯ SĨ TẠI GIA

                                                       HT. Thích Giác Nhân

(Đề cương sinh hoạt trong khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2020)

             A. Dẫn nhập

Cư sĩ Phật tử là một trong bốn chúng của đức Phật, có nhiệm vụ hộ trì Tam bảo. Do vậy, từ thuở sanh tiền, đức Phật đã xác định vai trò của hàng cư sĩ tại gia trong việc hộ trì và hoằng dương Chánh pháp, tiêu biểu như: Trưởng giả Cấp Cô Độc, nữ tín chủ Visakha là những cư sĩ Phật tử chánh tín, có công rất lớn, đã giúp đức Phật suốt chặng đường truyền bá Chánh pháp. Những tấm gương quý báu của giới cư sĩ thuở Phật còn tại thế vẫn còn in đậm nét trong tâm hồn của người con Phật. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, khoảng thập niên 1960, cũng đã có những tấm gương của hàng cư sĩ Phật tử hộ trì và bảo vệ Phật pháp như: Quách thị Trang, Nhất Chi Mai, v.v… đã anh dũng đem thân mình thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh bảo vệ Phật pháp. Tuy hành động ở quá khứ và hiện tại có khác nhau, nhưng chung quy cũng đều là bảo vệ và phát huy Phật pháp. Do đâu có những Phật tử thuần thành tiếp nối nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác? Phải chăng do hiểu biết Phật pháp một cách chín chắn, nhận định sâu sắc về chân giá trị đạo đức trong nền tảng giáo pháp của đức Phật, đem lại an vui hạnh phúc cho vạn loại chúng sanh, mới dám xả thân hy sinh để bảo vệ Chánh pháp. Ngày nay giới cư sĩ Phật tử đã và đang noi theo tấm gương quí báu của các bậc đàn anh đàn chị phát tâm ủng hộ cúng dường trong các công việc Phật sự trọng đại cùa giáo hội, có những Phật tử là doanh nghiệp, doanh nhân dám bỏ ra hàng tỷ để tôn tạo chùa chiền, thánh tích Phật giaó v.v… có thể nói ngày nay giới cư sĩ đã ủng hộ tích cực cho công cuộc truyền bá Chánh pháp bằng nhiều hình thức góp phần làm cho Chánh pháp đạo Phật rạng rở trong cuộc đời.

B. Nội dung

1. Xây dựng niềm tin kiên cố cho Phật tử

a) Đối với tự thân

Muốn giáo dục tốt cho hàng cư sĩ tại gia, trước hết phải chỉnh đốn Phạm hạnh của hàng xuất gia. Vì cư sĩ tại gia thường chú trọng đời sống Phạm hạnh thanh tịnh của hàng xuất gia,

                - Rèn luyện thân giáo, khẩu giáo, ý giáo.

   - Thường xuyên giảng giải kinh pháp cho Phật tử tu học.

   - Có ý chí hướng thượng, biết trách nhiệm trụ trì.

b) Đối với cư sĩ

Người Phật tử tại gia có trách nhiệm hộ trì chư Tăng Ni bằng phương tiện vật chất, chư Tăng Ni có trách nhiệm đáp lại bằng việc dạy dỗ cho Phật tử tu học, theo phương châm: “Người cho vật chất, kẻ trả tinh thần”, gắn kết trách nhiệm lẫn nhau để duy trì và phát huy Chánh pháp.

   - Phải tôn kính ngôi Tam bảo.

               - Thông hiểu Phật pháp cơ bản.

   - Tin sâu nhân quả.

               - Tùy thời nghe pháp, cúng dường.

2. Những điều nên tránh

            a) Đối với tự thân

Ngoài việc thúc liễm thân tâm tu tập, hằng ngày chư Tăng Ni còn phải thực hành pháp trì bình khất thực để gián tiếp giáo hóa chúng sanh, về phần mình tập diệt lòng tham, đồng thời gián tiếp dạy người biết chia sẻ, bố thí ban rải tình thương đến tha nhân, không phân biệt chủng tộc.                   

   - Không buông lung phẩm hạnh.

               - Không chú trọng lối sống thực dụng.

               - Không đánh mất chí hướng ban đầu.

            b) Đối với cư sĩ

   Cư sĩ Phật tử là người sống tại gia, có gia đình, có mối tương quan ngoài xã hội, cần chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức cho họ.

               - Không để Phật tử tin vào thần quyền, mê tín dị đoan.

               - Không thường xuyên vận động cúng dường.

               - Không nên làm Phật tử bất mãn bỏ đạo.

B) Kết luận

Tóm lại, phương pháp giáo dục hàng cư sĩ tại gia trong việc tu học và hộ trì Phật pháp trong hiện tại cũng như tương lai, cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức Phật pháp phù hợp cho từng lứa tuổi, và thành phần trong xã hội, được như vậy chẳng những làm cho Phật pháp hưng thạnh mà còn góp phần xây dựng xã hội an bình và hạnh phúc cho nhân sinh.

            Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan