HT. Giác Toàn nói chuyện tại khóa Bồi dưỡng trụ trì
- Tin, ảnh: Hoa Sen Gió, Y Tâm
- | Thứ Năm, 18:18 02-07-2015
- | Lượt xem: 5026
Như đã đưa tin, khóa Bồi dưỡng trụ trì và nâng cao Nghiệp vụ hành chính cho Tăng Ni nhân mùa An cư kiết hạ PL.2559 - DL.2015 do GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức từ ngày 30/06/2015 - 06/07/2015 (15/05 - 21/05 AL), đảm trách thuyết giảng có chư Tôn đức TƯGH và đại diện các ban, ngành nhà nước.
Sáng 01/07/2015 (16/05 AL), tại hội trường trung tâm văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn, hành giả ACKH đã lắng lòng nghe HT. Giác Toàn thuyết giảng về đề tài “Chức năng và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì”. Chúng tôi xin trích dẫn một vài điểm trọng tâm về đề tài này.
Trong kinh Đức Phật thường dạy chúng ta được sinh thân làm người với đầy đủ sáu căn, sáu thức và các chi phần trong thân đã là một hạnh phúc lớn. Thế rồi, lớn lên chúng ta được đi xuất gia làm Tăng Ni lại là một hạnh phúc lớn hơn nữa.
Rồi đến một ngày chúng ta được trưởng thành trong đạo nghiệp tu hành và được sự tin tưởng, tín nhiệm của thầy Tổ giao cho trọng trách trụ trì một ngôi tự viện, một ngôi tịnh xá… thì thiết nghĩ còn có niềm hạnh phúc nào lớn hơn trong cuộc đời tu học của mỗi vị chúng ta? Do vậy, ở đây chúng ta sẽ cùng trao đổi thêm về chức năng và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì.
Chức năng thiêng liêng - Trụ pháp vương gia - Thay mặt Phật làm việc Phật (tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự): quản lý, quán xuyến tốt nhất nơi mình có duyên trụ xứ.
Ngôi nhà “Pháp vương” ở đây chính là ngôi Tam bảo Phật - Pháp - Tăng. Như vậy, về hình thức sự tướng nếu chúng ta muốn cho ngôi nhà “pháp vương” (ngôi nhà “vua pháp”), hay cụ thể hơn là ngôi Tam bảo được bền vững, trường lưu trong đời thì vị thầy trụ trì phải có sứ mạng, trách nhiệm định hình các vị trí trong khuôn viên trụ xứ.
- Chánh điện, tức ngôi Đại hùng Bửu điện thờ Đức Phật.
- Ngôi nhà thờ Tổ, tức ngôi Tổ đường.
- Ngôi Thiền đường hay Giảng đường tùy tính chất, nội dung sinh hoạt tu học tại đạo tràng.
- Ngôi Tàng kinh các hay thư viện (kinh luật luận và sách báo Phật giáo và kiến thức tổng quan xã hội…) được lưu trữ để Tăng Ni, Phật tử vãng lai nghiên cứu, tham khảo tu học.
- Phòng thất chư Tăng Ni trụ xứ và các nhà sinh hoạt khác (nhà trưng bày truyền thống)… tùy yêu cầu thực tế.
- Phòng khách vãng lai, gồm chư Tăng Ni, Phật tử.
Như chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì, hoặc hướng đến trụ trì chúng ta đều hiểu rằng thời đại chúng ta là thế kỷ XXI - thời đại phát triển và hội nhập toàn cầu hóa. Cho nên, khi nhìn vào một ngôi chùa, tự viện, thiền viện, tịnh xá… được xây dựng trang nghiêm, tổ chức ngăn nắp sẽ là môi trường có sức thu hút, cảm hóa khách vãng lai và bá tánh hữu duyên khi có nhân duyên đến với Phật pháp, làm cho ngôi Tam bảo được trụ vững.
Chức năng chủ trì về kiến trúc
Chúng ta biết rằng, Phật giáo vốn xuất phát từ Ấn Độ thế nhưng khi giáo pháp của Đức Phật được hoằng hóa đến quốc độ nào thì tức khắc Phật giáo hội nhập vào văn hóa bản địa, tập quán lâu đời của dân tộc đó. Vì thế, chúng ta thấy Phật giáo ở mỗi quốc gia có một nét kiến trúc độc lập theo truyền thống riêng và nhờ vậy người dân bản xứ rất dễ hòa nhập, gần gũi.
Trang nghiêm mô hình kiến trúc theo truyền thống Bắc tông (gồm cả Thiền tông và Tịnh độ tông)
- Mô hình chữ Đinh (丁). Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình)…
- Mô hình chữ Tam (三). Tiêu biểu là chùa Tây Phương ở Hà Tây, chùa Kim Liên ở Hà Nội…
- Mô hình chữ Công (工). Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình)...
- Các mô hình kiến trúc theo truyền thống sơn môn pháp phái: Thiền tông (thiền viện Trúc Lâm, thiền viện Thường Chiếu…) Tịnh độ tông (chùa Hoằng Pháp,…).
Trang nghiêm mô hình kiến trúc theo truyền thống Nam tông
- Truyền thống Nam tông Kinh (chùa Bửu Quang, chùa Kỳ Viên, chùa Bửu Long, chùa Phổ Minh, chùa Phật Bảo…).
- Truyền thống Nam tông Khmer. Những ngôi chùa tiêu biểu: chùa Chantarangsay (TP.HCM); chùa Xvayton (An Giang); chùa Sanghamangala (Vĩnh Long); chùa Kompong Chrêy, chùa Samrông Ek (Trà Vinh); chùa Kh’Leang, chùa Mahatup (Sóc Trăng); chùa Ratanaransĩ (Kiên Giang);…
Trang nghiêm mô hình kiến trúc theo truyền thống hệ phái biệt truyền Khất sĩ
- Mô hình sơ khởi (chữ nhật)
- Mô hình bát giác: Tịnh xá Ngọc Viên, Tịnh xá Trung Tâm…
Trang nghiêm hình thức thờ phượng và khuôn viên
Thờ Phật tại chánh điện
- Các sơn môn Bắc tông: thờ trí Tam thế Phật.
Thiền tông: tôn trí Đức Phật Bổn Sư Thích Ca.
Tôn trí chư vị Tổ sư tại nhà thờ Tổ
Nhà thờ Cửu huyền Thất tổ, chư linh Phật tử qúa vãng
Các nhà thờ khác theo truyền thống, tập tục sơn môn pháp phái và địa phương
Trang nghiêm khuôn viên Tam bảo tại các tự viện, thiền viện, tịnh xá…
Chức năng chủ trì thực hiện chương trình sinh hoạt tu học tại cơ sở
Thực hiện thời khóa tu tập “quy củ thiền môn” tại trú xứ
- Chương trình “trú dạ lục thời”.
- Lục thời sám hối khoa nghi.
Chủ trì, hướng dẫn Phật tử quy y Tam bảo và các sinh hoạt tụng niệm, tu tập hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm tại đạo tràng.
Có chủ trương lập trường định hướng về việc thu nhận Tăng Ni xuất gia, thời khóa tu tập và tiến tu đạo nghiệp, thọ pháp, thọ giới…v.v.
Sứ mạng truyền trì mạng mạch Phật pháp - Trì Như Lai tạng
Nếu như “Trụ pháp vương gia” là trang nghiêm ngôi nhà Tam bảo, làm cho ngôi nhà chư Phật hiển lộ trong thế gian thì “Trì Như Lai tạng” chính là sự thực hành tạng pháp của chư Phật. Cho nên, khi chúng ta đã trang nghiêm ngôi nhà Tam bảo rồi thì bước nối tiếp là sự tu tập, sự hành trì giáo pháp (tức là tích lũy, tăng trưởng Giới Định Tuệ nơi thân tâm). Lý thuyết dẫn dắt cho sự hành trì chính là Kinh Luật Luận. Kinh luật luận chính là kim chỉ nam cho sự tu tập, hành trì… làm cho tạng pháp của chư Phật - Như Lai tạng hằng hữu trong đời.
Những thời công phu thường nhật
Tùy theo sơn môn pháp phái và nếp quen truyền thống của ngôi chùa, tự viện, thiền viện, tịnh xá… mà hành trì tinh tấn điều đặn, để một ngày đạt đến tâm tánh thuần tịnh, hiển linh… như thiền sư Huyền Quang - Tam tổ Trúc Lâm đã thân chứng và diễn đạt trong bài “Mây núi hoa Yên”.
Phồn hoa rủ bóng không theo
Thiền lâm an trú ẩn nghèo nhàn cư
Sớm khuya Bát nhã đèn từ
Nước ma ha rửa sạch ngu nhiều đời
Lòng thiền vằng vặc trăng soi
Hui hiu thế sự, gió thời gian qua
Bụt hiện tịnh cốc lòng ta
Ngại chi non nước đường xa dặm trời.
Thọ học Kinh Luật Luận
Tùy tình hình thực tế của trú xứ về số lượng tham gia, trình độ Tăng Ni và Phật tử tham dự mà chúng ta tổ chức những khóa học giáo lý cho phù hợp. Có những trú xứ đông Tăng Ni thì có những lớp gia giáo, thầy trụ trì (chư Tôn đức Tăng, hoặc Ni) trực tiếp giáo dưỡng cho Tăng, Ni sinh đệ tử. Nếu số lượng qúa ít thì chúng ta nên gởi thẳng vào các lớp Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng hay Học viện Phật giáo tùy vào trình độ của Tăng Ni sinh.
Tại trú xứ, nhà chùa cần có lớp giáo lý phổ thông cho Phật tử tại gia theo tuổi tác, trình độ từ thấp đến cao. Việc này, nếu chùa ít Phật tử, chúng ta có thể liên kết những tự viện lân cận để tổ chức. Hiện nay, Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương các tỉnh thành đã có những bước kết hợp hướng dẫn rất tốt, tạo nhiều đạo tràng tu học ở nhiều nơi.
Hành trì Giới Định Tuệ
Như chúng ta đã biết, chư Phật, chư Tổ đều phải tinh tấn tu học trong nhiều đời nhiều kiếp mới thành tựu được đạo qủa, chứ không phải một ngày, một tháng, một năm mà có thể đạt được. Do vậy, chúng ta cũng nương vào thực tế khách quan về thành phần, trình độ, số lượng Tăng Ni và Phật tử mà tu tập tại trú xứ mình hoặc liên kết với một số tự viện lân cận để tạo nên sinh khí, nhằm thúc đẩy sự phát triển của Phật pháp mới có đủ nhân lực, năng lực đáp ứng nhu cầu của thời đại toàn cầu hóa, phát triển văn hóa văn minh.
Các bước tiến về văn hóa giáo dục ở xã hội cho chúng ta thấy rõ: có mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học.
Về Phật học cũng vậy, có những lớp ban đầu phổ thông rồi từng bước nâng lên, đi từng bước đến thân chứng.
“Trì Như Lai tạng” chính là sự tinh tấn hành trì, tăng trưởng Giới Định Tuệ để thân chứng Niết bàn Thường, Lạc, Ngã, Tịnh an vui.
Ở Việt Nam ngày nay, thực tế Phật giáo chúng ta có nhiều pháp môn tu nhưng rõ ràng căn bản vẫn là các pháp môn truyền thống Thiền - Tịnh - Mật. Và điều tất nhiên là chúng ta tinh tấn tu tập, hoằng hóa theo truyền thống Tổ Thầy để tăng trưởng, phát triển.
Những giáo huấn của chư thiền đức trụ trì được nêu lại trong “Thiền lâm bảo huấn”
Tử Thiều hỏi Diệu Hỷ: “Thời nay, các nơi trụ trì, cần phải thực hiện điều gì trước?”. Diệu Hỷ nói: “An định Tăng chúng, bất qúa chỉ cần tiền và gạo mà thôi”. Lúc đó có Vạn Am cũng ngồi tại đó liền bảo: “Không phải thế, trụ trì cần phải kế toán của cải thu được của thường trụ. Nếu biết cắt bớt những món chi tiêu lãng phí, chỉ dùng vào việc hợp đạo thì tiền và gạo chẳng thiếu chi, đâu phải là việc đáng lo ngại. Song lẽ, việc của người trụ trì hiện nay chỉ cần có được các hàng nột tử giữ đạo là việc cần thiết trước. Giả sử, người trụ trì có mưu trí tích chứa được lương thực ăn trong mười năm, mà dưới tòa mình không có người nột tử giữ đạo, thì đúng như lời Tiên thánh đã nói: “Ngồi ăn uổng phí của tín thí, ngửa mặt hổ thẹn với Long Thiên, thì trụ trì có bổ ích gì vậy?”. Tử Thiều nói: “Thủ Toạ nói rất xác đáng”. Diệu Hỷ quay lại bảo Vạn Am: “Tất cả mọi việc đều giống như ý ông chăng?”. Vạn Am lặng thinh lui gót. [Khả Am Tập].
Âm Thủ Tọa bảo Vạn Am: “Phàm người trụ trì, ai chẳng muốn gây dựng tùng lâm. Nhưng ít người hay chấn hưng được tông phong. Vì lẽ, người trụ trì quên mất đạo đức, bỏ cả nhân nghĩa, phá hoại pháp đó, noi theo ý riêng mình, mà đưa đến như thế. Nếu người hay thành thật nghĩ đến cảnh điêu tàn của pháp môn thì nên phải chính đính ở chính mình, nhún nhường với người, tuyển chọn người hiền để giúp đỡ, tưởng lệ người túc đức. Xa lánh kẻ tiểu nhân, tiết kiệm nơi bản thân, gia đức tuệ với người, vậy sau, việc tuyển dụng người giữ gìn công việc hay thị giả, phải tìm những người gần bậc lão thành, xa lánh kẻ xiểm nịnh, qúy trọng ở chỗ họ không gây điều chê trách xấu ác, không gây mầm loạn bè đảng thiên tư. Được như thế thì có thể sánh với Mã Tổ, Bách Trượng kịp với Lâm Tế, Đức Sơn”. [Trí Lâm Tập].
Phật Trí bảo Thuỷ Am: “Thực thể của trụ trì có bốn điều: Đạo đức, Ngôn hành, Nhân nghĩa và Lễ pháp. Đạo đức và ngôn hành là gốc của sự giáo hoá, nhân nghĩa và lễ pháp là ngọn của sự giáo hoá. Không có gốc thì chẳng hay đứng được, không có ngọn thời chẳng hay thành được. Bậc Tiên thánh thấy người học đạo không hay tự trị được, nên mới kiến lập tùng lâm để họ có chỗ an trụ, suy cử người trụ trì để thống lĩnh họ, nhưng vì cái tôn của tùng lâm không phải là vì trụ trì, cơm ăn, áo mặc, đồ dùng, thuốc thang đầy đủ, không phải là vì người học đạo, mà đều là vì cái đạo của Phật Tổ. Bởi thế, người khéo trụ trì trước hết phải tôn đạo đức, giữ ngôn hành, người khéo học đạo, tất nhiên phải giữ nhân nghĩa tuân lễ pháp.
Cho nên, nếu trụ trì không có người học đạo thì không thể thành lập. Trụ trì và người học đạo cũng như thân mình và cánh tay, đầu và chân, lớn nhỏ phải thích ứng mà không trái nhau mới có thể cùng nương vào nhau mà làm việc. Nên nói: “Người học đạo thì bảo thủ tùng lâm, tùng lâm thì giữ gìn đạo đức”. Người trụ trì nếu không có đạo đức, thì tùng lâm cũng hầu như tàn phế vậy”. [Thực Lục].
Thiền sư Thiền Lão là danh hiệu để tôn vinh thiền sư, hiện chưa rõ danh tính, quê quán, năm sinh năm mất và pháp hiệu của ngài. Chỉ biết thiền sư thuộc thế hệ thứ 6 của dòng thiền Vô Ngôn Thông, đã từng đến tham học với thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, thầm được tâm yếu, rồi sau đó ẩn tu ở chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc huyện Tiên Du.
Thiền phong của Sư lan khắp, học giả theo học có trên ngàn người, cảnh chùa này trở thành một tùng lâm thịnh vượng. Vào khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034 - 1038) vua Lý Thái Tông thường đến viếng cảnh chùa và đàm đạo với thiền sư. Vua hỏi Sư:
- Hòa thượng trụ trì núi này đã được bao lâu?
Sư đáp: Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu.
(Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?)
(Sống ngày nay biết ngày nay
Nặng lòng chi những tháng ngày đã qua)
Vua hỏi: - Hàng ngày Hòa thượng làm gì ?
Sư đáp: Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
(Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân)
(Mùa xuân trúc biếc hoa vàng
Trăng trong mây trắng vô vàn sắc hương)
Vua lại hỏi:- Có ý chỉ gì ?
Sư đáp:- Lời nhiều sau vô ích.
Vua hoát nhiên lãnh hội.
Kết Luận: Tứ đức Niết bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh
- Quán soi, thẩm thấu thể tính nhân qủa về thế gian pháp
- An tịnh thể tánh Niết bàn của xuất thế gian pháp.
Xin trân trọng chia sẻ những hình ảnh được ghi nhận:
Nguồn: phattuvietnam.net
Các bài viết liên quan
- Báo cáo tổng kết Khóa Bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL. 2568 - DL. 2024 - Thứ Sáu, 11:09 23-08-2024 - xem: 1364 lần
- TP.HCM: Hệ phái Khất sĩ bế mạc Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2568 - DL.2024 - Thứ Bảy, 00:26 01-06-2024 - xem: 1607 lần
- TP.HCM: Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 14:10 31-05-2024 - xem: 1409 lần
- TP.HCM: TT.Thích Nhật Từ khẳng định “khóa tu là cầu nối giữa Tăng Ni và tín đồ Phật tử” trong chuyến thăm Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Sáu, 00:25 31-05-2024 - xem: 1215 lần
- TP.HCM: NS.Tuệ Liên nói về giá trị của việc tu tập Giới - Định - Tuệ tại ngày 6 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 16:41 30-05-2024 - xem: 638 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 ngày thứ 6 thảo luận về “Tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ ngày nay” - Thứ Năm, 14:04 30-05-2024 - xem: 1441 lần
- TP.HCM: NT.Tuyết Liên & NS.Hiếu Liên trình bày tham luận tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Năm, 09:42 30-05-2024 - xem: 520 lần
- TP.HCM: HT.Minh Thành đề cao việc giữ giới tại ngày thứ 5 của Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 21:58 29-05-2024 - xem: 809 lần
- TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Tư, 12:12 29-05-2024 - xem: 972 lần
- TP.HCM: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 tiếp nhận nhiều bài tham luận ấn tượng - Thứ Ba, 21:54 28-05-2024 - xem: 471 lần
- TP.HCM: TT.Giác Nhường chia sẻ với các vị Khất sĩ trẻ khi làm trụ trì nhân Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 15:11 28-05-2024 - xem: 1692 lần
- TP.HCM: HT.Thích Huệ Thông nói về luật sửa đổi bổ sung trong Hiến chương của Giáo hội tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024 - Thứ Ba, 12:06 28-05-2024 - xem: 785 lần