Nét đặc thù của Khất sĩ qua mô hình kiến trúc tịnh xá
- NT. Mai Liên
- | Thứ Ba, 04:46 28-05-2019
- | Lượt xem: 5491
I. KHÁI QUÁT
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1946, xuất hiện ở miền Nam nước Việt, với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” như ngọn đuốc thiêng soi sáng con đường tâm linh cho những ai hữu duyên tiếp nhận giáo pháp Phật-đà.
Với nền tảng giáo lý hướng thiện, tin sâu nhân quả, khuyên người ăn chay, làm lành lánh dữ đã tạo được niềm tin sâu sắc và dần dần đi vào lòng người một cách tự nhiên. Bằng tâm nguyện nối truyền và thắp sáng Chánh pháp của Đức Như Lai, Tổ sư đã xác lập lại con đường giải thoát mọi khổ đau mà Đức Phật đã vạch ra, nâng cao hơn về mặt hành trì, tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát, và khéo léo dung hợp tinh hoa hai truyền thống Phật giáo Nam, Bắc truyền, nên đã có rất nhiều người tìm hiểu, học hỏi từ giáo phái mới mang nhiều nét đặc thù này. Bởi do hạnh nguyện vĩ đại của bậc Bồ-tát trí tuệ siêu tuyệt nên Đức Tổ sư đã thành lập Tăng đoàn có đời sống sinh hoạt tu học mang những sắc thái đặc thù mà các giáo phái khác chưa từng có; về các mặt: Du phương khất thực; Nghi lễ thuần khiết; Kinh điển được Việt hóa; Mô hình kiến trúc ngôi tịnh xá; Hoằng pháp theo văn hóa bản địa; Pháp phục của hàng xuất gia và cư sĩ… tất cả đều có nét đặc thù riêng biệt mang tính sáng tạo.
Trong giới hạn của bài viết, xin được trình bày nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ qua mô hình kiến trúc ngôi tịnh xá.
II. NỘI DUNG
1. Giới thiệu danh xưng và mô hình ngôi tịnh xá
a) Danh xưng
Hầu hết những nơi thờ tự của Hệ phái Khất sĩ đều mang tên là tịnh xá. Danh từ này dịch từ tiếng Phạn “vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch; là nơi ở của các vị Sa-môn, Bà-la-môn đang tu tập để giải thoát, giác ngộ, không phân biệt đó là truyền thống nào. Khi xưa Đức Phật cũng dùng chữ “tinh xá” để đặt tên, như Tinh xá Kỳ Hoàn, Tinh xá Trúc Lâm… (chữ Tinh và chữ Tịnh đồng nghĩa). Nói tóm lại, tịnh xá là nơi vắng vẻ, thanh tịnh, yên lặng, trú xứ dành cho chư Tăng tu hành, tham thiền, nhập định.
Danh hiệu các ngôi tịnh xá thường có hai chữ. Chữ Ngọc đứng đầu để ẩn dụ rằng các ngôi đạo tràng tịnh xá là nơi hoằng hóa đạo đức, lợi lạc quần sanh, có giá trị như là những viên ngọc quý trong thế gian. Còn chữ thứ hai, thường là dùng tên địa phương của khu vực đó để đặt.
b) Tổng thể ngôi tịnh xá
Khi kiến lập cơ sở hạ tầng cho Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang đã phác họa mô hình tịnh xá như sau:
… Tại chỗ trụ: Trong đó có nhà tịnh xá, xây tháp thờ Pháp của chư Phật quá khứ. Tháp phải mười ba từng (vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sanh tiến lên từ nấc), tháp phải mở trống bốn cửa. Nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp bề cao ba thước, chưn rộng vuông một thước tám. Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước. Có nhà độ cơm nghỉ mát bề ngang tám thước, bề dài mười sáu thước (ba cái này gọi là nhà Tam Bảo), và có nhà thờ riêng cho cư gia, bề dài tám thước, bề ngang bốn thước.
Phía trước, bên trái có nhà thiện nam, bên mặt có nhà tín nữ. Phía sau, bên mặt có cốc nghỉ chơn cho Ni lưu, bên trái có cốc của Tăng. Có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối, có cây cao bóng mát gió thanh, xa nhà bá tánh trăm thước, trống trải giữa trời, không trồng bông trái. Xa núi, xa chợ, cảnh giữa vườn rừng, đó mới là nơi thiền định đáng làm chỗ trụ. Đất rộng trăm thước, không thú dữ, xa tôn giáo, tránh binh gia, gần xóm người hiền, tránh xa trộm cướp, chẳng cận đường đi, không xây tường gạch, nóc ngói, chỉ cất dùng cây, ván, lá. Cốc phải lót sàng, xa mồ mả trăm thước. Nhà tiêu hướng Đông-Nam, nhà tắm phía Tây-Bắc, nhà bếp để hờ nấu nước, thuốc, phương Đông-Bắc. Chỗ để đồ vật Giáo hội tại Tây-Nam. Mặt tiền Tam Bảo ngay phía Tây, lưng trở lại Đông; thiện nam phương Nam, tín nữ phương Bắc. Có cốc Tăng ở. Chung quanh có hàng rào cao hai thước làm ranh. Thiện nam, tín nữ, Ni lưu chẳng được nghỉ đêm trong khuôn chùa cổng rào, sáng 7 giờ mở ra, chiều 5 giờ đóng lại, để yên cho các sư tu tịnh.
Trong mô hình này có những điểm đặc biệt sau:
- Tịnh xá luôn là nơi lý tưởng để chư Tăng Ni tham thiền nhập định.
- Chánh điện luôn ở chính giữa, là trung tâm điểm của một ngôi tịnh xá.
- Nơi tháp cao nhất chính là nơi thờ tôn tượng Đức Phật Bổn Sư.
- Tịnh xá là nơi rộng mở đối với mọi người, nên bốn hướng đều có bốn cửa và luôn luôn mở rộng.
- Nối theo sau chánh điện là nhà thờ Cửu huyền Thất tổ. Có thể được xây nối liền hoặc có khoảng sân hình chữ nhật ở chính giữa tùy theo khuôn viên tịnh xá. Mô hình này rất tiện cho các Phật tử tới lui lễ bái chư Phật, sau đó thăm viếng ông bà cha mẹ quá vãng. Phía sau bảo tháp thờ Phật là nơi tôn trí di ảnh Đức Tổ sư để tứ chúng tưởng niệm từ khi Ngài vắng bóng đến nay, sau lưng vách thờ Tổ là nơi thờ Cửu huyền (có nơi nhà thờ Cửu huyền Thất tổ được xây riêng chỗ khác không liền theo chánh điện)
- Có chỗ riêng biệt cho chư Tăng, chư Ni, thiện nam và tín nữ. Điều này cũng cho thấy ý tưởng của Tổ sư khi đưa ra mô hình đạo tràng, chư Tăng Ni và thiện nam tín nữ phải ở riêng và mỗi người đều có phận sự riêng.
- Riêng về mô hình ngôi chánh điện: Nhìn từ ngoài vào trong, chánh điện có hình bát giác; cổ lầu tứ giác; trong lòng chánh điện là bốn cột lớn; bệ thờ Phật xây ba bậc; tôn tượng Đức Phật ngồi trong tháp gỗ có mười ba tầng; trên đỉnh chánh điện là hoa sen và ngọn đèn Chơn lý.
2. Ý nghĩa mô hình kiến trúc
Phân tích sâu về mô hình ngôi tịnh xá, chúng ta mới thấy được tính triết học về con số và biểu tượng về pháp của Tổ sư rất cao siêu. Đây cũng là điểm độc đáo của Hệ phái. Chánh điện luôn là mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát chánh đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế; bốn cột lớn trong lòng chánh điện tượng trưng cho Tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam và cận sự nữ; bệ thờ Phật xây ba bậc mang ý nghĩa là Tam Bảo hay cũng là Tam Vô lậu học; tháp gỗ trên chánh điện trang nghiêm thờ tôn tượng Đức Phật có mười ba tầng tượng trưng cho mười ba nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sanh hữu tình; bốn cửa để trống. Trên đỉnh chánh điện là Hoa sen và Ngọn đèn Chơn Lý biểu trưng cho sự thanh tịnh cao khiết và ánh sáng chơn lý sẽ soi sáng cho muôn loài chúng sanh.
Có một vài trường hợp đặc biệt với chánh điện mô hình chữ nhật, tượng trưng cho nhất thể hoặc là thuyền Bát-nhã; và bệ thờ cũng nhất quán có ba bậc tượng trưng cho Tam Bảo.
3. Nhận định tâm ý sâu sắc - trí tuệ của Tổ sư qua kiến trúc mô hình ngôi Tịnh xá
* Biểu tượng hình bát giác tượng trưng cho Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Trong Chơn Lý “Nhập Định”, Tổ sư có dạy:“Muốn vui sống có ta thì phải định, muốn có định và biết định thì phải tầm tõi quán xét thấy cho rõ lẽ thật là chánh kiến. Có CHÁNH KIẾN thấy rõ lẽ chánh mới phát sanh được những điều suy gẫm về lẽ chánh chơn như mà thấu rõ đạo lý các pháp. Có thấu đạo lý do CHÁNH TƯ DUY mới năng nói lời chơn chánh. Từ nơi CHÁNH NGỮ mới có thật hành CHÁNH NGHIỆP, là việc làm đúng theo đạo lý. Có làm việc phải mới được nuôi thân mạng bằng cách trong sạch thiện lành, hưởng sự yên vui. Có được CHÁNH MẠNG mới biết mừng vui siêng năng giữ đạo đi tới. Nhờ CHÁNH TINH TẤN mới không có thì giờ xao lãng vọng động ác tà, bấy giờ tâm mới trong sạch, ý ngó ngay vào một chỗ chơn như không vọng động, niệm tưởng không lìa xa một chỗ phải. Nhờ CHÁNH NIỆM giữ ý nơi một điều lành, nơi một chỗ một, thì ý mới định. Ý định là thân khẩu phải định, thân khẩu ý đều định gọi là tâm định, định tại nơi lẽ chánh, chỗ thiện lành sáng suốt, kêu gọi CHÁNH ĐỊNH là sự yên lặng, nín nghỉ hưu trí. Niết-bàn là nơi rốt ráo quyết định, là cảnh giới nhứt định”.
Trong Kinh Nikaya, Đức Phật cũng có dạy: “Này Subhadda, bất cứ trong một giáo pháp nào mà không có Bát chánh đạo làm gốc thì chẳng mong gì có đạo quả Thánh nhơn, tất cả bốn bậc Thánh đều không có. Này Subhadda, bất cứ trong một giáo pháp nào mà Bát chánh đạo làm căn bổn thì đạo quả Thánh nhơn, tất cả bốn bậc Thánh vẫn có luôn”. Cho nên, Bát chánh đạo có thể nói là cẩm nang quý báu mà Đức Phật đã trao cho hàng đệ tử, chỉ cần nỗ lực thực hành áp dụng tám bước này vào đời sống thì hiện tại sẽ được hạnh phúc an lạc và là con đường trung đạo duy nhất đưa chúng sanh đến quả vị giải thoát Niết-bàn.
* Cổ lầu tứ giác tượng trưng pháp Tứ diệu đế, là bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết sau khi thành đạo cho năm anh em Kiều Trần Như; gồm Khổ đế là chỉ bày sự thật của cuộc đời; Tập đế là nguyên nhân đưa đến khổ; Diệt đế là quả vị chứng đắc khi đoạn tận khổ đau; và Đạo đế là con đường tu tập để đoạn tận khổ đau. Ngoài ra, Ngài còn đề cập đến Tứ quả Thinh văn (Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán), nhắc nhở hàng tứ chúng muốn thoát ra khỏi khổ đau phải biết nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ để đạt quả vị chứng đắc A-la-hán.
* Bốn cột lớn trong lòng chánh điện tượng trưng cho Tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam và cận sự nữ; trong đó Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni là hai chúng xuất gia có sứ mạng truyền bá Chánh pháp dẫn dắt người tại gia cư sĩ tu tập; còn thiện nam, tín nữ là hai chúng tại gia có bổn phận ngoại hộ cúng dường lo phần hộ trì Tam Bảo. Bốn chúng này phải đồng tu và hỗ trợ lẫn nhau để giữ gìn mạng mạch, xương minh Chánh pháp. Lại nữa dưới mỗi trụ có hoa sen với ý nghĩa tứ chúng tu tập dựa trên nền tảng ba nghiệp thanh tịnh như hoa sen thì mới chống đỡ được ngôi nhà Phật pháp.
* Ba bậc của bệ thờ Phật chỉ cho Tam Bảo, là ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng để chúng sanh nương tựa hướng đến đời sống thiện lương đạo đức, nhờ đó được an vui bớt khổ trong cõi đời ngũ trược ác thế này. Ba bậc này cũng chỉ cho Tam Vô lậu học: Giới - Định - Tuệ, là pháp môn căn bản mà ba đời chư Phật nương theo tu tập để đạt được Vô thượng Bồ-đề.
* Tháp gỗ thờ tôn tượng Đức Phật có mười ba tầng, tượng trưng cho mười ba nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sanh hữu tình từ thấp lên cao, từ lục phàm đến Tứ Thánh và Tam Tôn. Lục phàm là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn, thiên; Tứ Thánh là Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và Tam Tôn là Duyên giác, Bồ-tát và Phật. Tháp thờ Đức Phật có bốn cửa luôn để trống hàm ý Đức Tổ sư muốn tứ chúng hãy mở rộng lòng từ, bi, hỷ, xả đến với tất cả chúng sanh, từ đó mới có thể hóa độ chúng sanh quay về với đạo Phật.
* Trên đỉnh chánh điện là Hoa sen và Ngọn đèn Chơn Lý mang ý nghĩa vô cùng cao quý: Tổ sư chọn hoa sen và ngọn đèn Chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối cho người hữu duyên (ngọn đèn Chơn lý). Đó là sứ mạng thiêng liêng của người đệ tử Phật trong ý nghĩa phụng thờ Chánh pháp cao quý nhất. Cho nên hoa sen và ngọn đèn Chơn lý được chọn làm biểu tượng để đắp trên nóc các ngôi tịnh xá, nơi cao nhất của ngôi chánh điện.
Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn Chơn lý (hay ngọn đuốc) nói lên hạnh nguyện độ sanh của chư Phật và cũng là ý hướng của Tổ sư. Hoa sen xin nhận dưỡng chất từ đất bùn và nước, ngọn đuốc xin nhận ánh sáng từ mặt trời. Cái xin nhận đó cũng mang ý nghĩa là sự học hỏi. Sen mọc từ trong đất bùn, vươn lên khỏi mặt nước và trổ hoa, tỏa hương khoe sắc cho đời mà không bị bùn làm ô nhiễm.
Ngọn đuốc đem ánh sáng soi rọi vào nơi tăm tối, cho chúng sanh bừng sáng đạo tâm. Sen một khi vượt thoát khỏi bùn và tỏa hương ngào ngạt, ngọn đuốc rực sáng là lúc người Khất sĩ đem cái hiểu, cái tu dạy lại cho đời trong tinh thần vô nhiễm, từ đó đem lại sự bình an, lợi lạc cho chúng sanh. Triết lý xin rồi lại cho, học rồi lại dạy là tư tưởng chủ đạo của Đức Tổ sư và là sự hành trì xuyên suốt của mỗi người Khất sĩ được gói gọn qua hình tượng thâm thúy này. Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đuốc (đèn Chơn lý) chính là lý tưởng, hoài bão của Đức Tổ sư muốn tạo nên một quốc độ thanh tịnh, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người ngay ở thế gian này. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn Chơn lý hiến tặng cho đời. Biểu tượng này là một di sản quý giá mà chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ được thừa hưởng, giữ gìn và phát huy, qua ý nghĩa: “Xin để rồi cho, học để rồi dạy”, sống trong vô nhiễm, tỏa sáng cho đời là mục đích hướng đến của mỗi một người con trong giáo pháp Khất sĩ.
III. KẾT LUẬN
Tìm hiểu về những nét đặc thù của Hệ phái do Đức Tổ sư sáng tạo về các phương diện trong đời sống tu tập của Tăng đoàn Khất sĩ, cho thấy Tổ sư là bậc siêu phàm hy hữu.
Ngay từ buổi đầu lập đạo, Tổ sư đã xác lập tông chỉ và chí nguyện tu học, hành trì Chánh pháp theo gương hạnh Phật Tăng xưa: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Từ suối nguồn tâm linh này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, phát triển thành một Hệ phái Phật giáo đặc thù, phù hợp với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Khi nghiên cứu để dung hòa giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, Tổ sư đã khéo léo giữ lại những gì đáng giữ và uyển chuyển thay đổi những gì có thể, để thích ứng với thời đại đất nước và con người. Từ đó phát minh thành những nét đặc thù mới mẻ biệt truyền của Hệ phái mang tính khế lý, khế cơ, khế thời.
Qua mô hình tịnh xá được trình bày trên, cho thấy Tổ sư phác họa rất khoa học. Mỗi phần kiến trúc đều dựa trên nền tảng giáo lý mà xây dựng nên mô hình mang tính cách muốn nhắc nhở hàng đệ tử không xa rời Chánh pháp Đức Như lai. Hình dáng ngôi chánh điện bát giác, thờ duy nhất tôn tượng Đức Bổn Sư, nhìn vào rất thoáng, không bị ảnh hưởng theo lối của Trung hoa có rồng phụng và thờ phượng rườm rà. Có thể nói, kiến trúc đặc thù của Hệ phái Khất sĩ đã đóng góp điểm tô cho nền nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam thêm phong phú. Chính những điểm đặc thù mà Tổ sư sáng tạo đã làm cho Phật giáo Khất sĩ ngày càng phát triển và có thể sánh vai cùng với các truyền thống lớn của Phật giáo.
Chúng con, hàng đệ tử hậu học thấp thỏi xin cúi đầu cung kính đảnh lễ, vô vàn cảm niệm ân đức của Tổ sư đã dày công khai mở Đạo Phật Khất Sĩ, phát minh xây dựng ngôi đạo tràng Tam bảo uy nghiêm cho hàng đệ tử có nơi tu học vững vàng và để lại cho hậu thế một kho tàng Pháp bảo quý giá, một hướng đi sáng ngời chân lý Phật-đà. Mãi mãi chúng con sẽ vẫn tôn thờ và phát nguyện y theo đường lối Tổ đã vạch ra, nỗ lực tinh tiến tu học hành đạo làm lợi ích cho nhân sinh, cùng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.
Các bài viết liên quan
- Pháp từ của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Thứ Ba, 14:07 16-05-2017 - xem: 2752 lần
- Trách nhiệm của vị trụ trì trong việc định hướng tu tập và hoằng hóa trước thời duyên - Thứ Hai, 03:11 15-05-2017 - xem: 2981 lần
- HPKS: Kiện toàn và ra mắt Ban Thông tin Truyền thông - Chủ Nhật, 15:57 14-05-2017 - xem: 2596 lần
- Ngày thứ 2 - khóa Bồi dưỡng trụ trì - Chủ Nhật, 12:41 14-05-2017 - xem: 2538 lần
- Khai mạc khóa Bồi dưỡng trụ trì năm 2017 - Thứ Bảy, 04:55 13-05-2017 - xem: 2708 lần
- Trụ trì không phải là chức vụ mà là trách nhiệm thiêng liêng - Thứ Sáu, 09:01 10-06-2016 - xem: 2540 lần
- Thao thức về văn hóa PGVN - Thứ Ba, 03:28 21-06-2016 - xem: 2473 lần
- Tâm chất của vị trụ trì - Thứ Hai, 03:14 20-06-2016 - xem: 2816 lần
- Đạo làm trụ trì - Chủ Nhật, 03:06 19-06-2016 - xem: 2559 lần
- GHPGVN 35 năm một chặng đường phát triển - Thứ Sáu, 22:28 17-06-2016 - xem: 2186 lần
- Lời tâm huyết đối với vị trụ trì - Thứ Sáu, 02:33 10-06-2016 - xem: 2494 lần
- Suy nghĩ về phẩm chất căn bản của một vị trụ trì trước thời duyên - Thứ Năm, 00:22 09-06-2016 - xem: 3436 lần