CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Quá trình hoằng pháp của Hệ phái Khất sĩ

Sáng hôm nay, ngày 10 tháng 6 năm 2020 (ngày 19-4 âl nhuần, năm Canh Tý) là ngày thứ hai của khóa BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ, lần thứ 19, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Xa lộ Hà Nội, Q. 2, TP. HCM). Hòa thượng Giác Ngộ - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, đã hoan hỷ quang lâm thăm viếng và chia sẻ với đại chúng quá trình hoằng pháp của Hệ phái Khất sĩ, từ khi đức Tổ sư vắng bóng cho đến ngày hôm nay.

Đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh nên chính sách của đất nước cũng thay đổi liên tục trên mọi lãnh vực. Đối với các Tăng sĩ của Hệ phái, mặc dù đức Tổ sư xiển dương “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” nhưng tùy theo thời duyên cũng có một số thay đổi, vì vậy chúng ta cũng tùy theo duyên thay đổi mà tu tập, hành đạo. Ngày nay, nhân duyên lành hội đủ, Pháp viện Minh Đăng Quang trang nghiêm, rộng lớn được hình thành, Tăng Ni Khất sĩ từ các Giáo đoàn câu hội về cùng tu học, trao đổi kinh nghiệm tu hành và làm đạo. Đây là niềm hoan hỷ chung cho tứ chúng Hệ phái.

Hòa thượng nói: "Mặc dù được tu tập ở nơi Pháp viện Minh Đăng Quang tiện nghi, hiện đại như thế này, nhưng nhìn lại 66 năm trôi qua, những đệ tử đương thời của đức Tổ sư chỉ còn lại vài vị, hầu hết các vị đều đã về với Tổ Thầy. Tất cả các vị đang hiện diện nơi đây phần lớn là hàng hậu học, nên Giác Ngộ rất hoan hỷ được thay lời cho thế hệ đi trước gặp gỡ, chia sẻ với đại chúng những kinh nghiệm tu học trải qua nhiều giai đoạn."

Hòa thượng nhớ lại, từ năm 1957, chư Trưởng lão hướng dẫn các đoàn du Tăng lần lượt ra miền Trung hành đạo. Năm 1958, đoàn Ni giới của Ni trưởng Huỳnh Liên cũng hành đạo ra miền Trung. Lúc bấy giờ, sự xuất hiện của Tăng Ni Khất sĩ đã khơi dậy niềm tin Tam bảo cho bá tánh và có rất nhiều người trở thành thiện nam tín nữ, có vị còn từ bỏ gia đình, gia nhập Tăng đoàn, sống đời không nhà, giải thoát. Năm 1959, Hòa thượng lại có duyên trở lại miền Trung. Thời gian đó, việc hành đạo của chư Tăng Khất sĩ phải đối diện với rất nhiều thử thách, khó khăn. Tuy nhiên, không có khổ thì không có giác ngộ. Đó là một bài học lớn cho người tu tập. Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên đã chỉ ra nỗi khổ của sanh lão bệnh tử. Và Ngài cũng chỉ ra nguyên nhân của nỗi khổ này chính là tham ái. Đoạn trừ được tham ái này, nỗ lực tu hành trên nền tảng trên Giới Định Tuệ, sẽ lần lượt chứng được các quả vị, từ quả Tu-đà-hoàn, đến quả Tư-đà hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Đạo Phật Khất Sĩ với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, đi lại con đường của đức Phật đã đi năm xưa. Chúng ta ngày nay nhận thức được cuộc đời là ảo mộng, nhận thức được giáo pháp mình đã và đang tu học, hãy noi gương chư Tổ Thầy mà tinh tấn, đừng thối chí nản lòng.

Hòa thượng kể lại những điều được nghe từ Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên về những ngày sau cùng, trước khi đức Tổ sư vắng bóng, năm 1954. Như bài kệ viết:

“…Người thương ta đếm số ngàn,

Người mà ta mến cũng tràn khắp nơi,

Nhưng ta có thể tách rời,

Cam lòng ly biệt những người yêu thương…”

Đức Tổ sư vắng bóng trong niềm kính thương của tứ chúng. Ngài biết rõ những gì sẽ diễn ra sau này nên đã thầm lặng sắp xếp trước mọi việc. Thời gian đó, chư Tăng có thưa hỏi lịch trình hành đạo của Ngài như thế nào, Ngài đều không trả lời. Sau đó ít lâu, Ngài quyết định tấn phong Nhị Tổ Giác Chánh lên Thượng tọa, làm Chứng minh Đạo sư điều hành tất cả Phật sự, công việc của Tăng đoàn và lãnh đạo đoàn du Tăng đi hành đạo. Ngài cũng bổ nhiệm Trưởng lão Giác Như làm Tri sự điều hành công việc của các miền Tịnh xá, sắp xếp cho chư Tăng Ni tu học, hành đạo các nơi.

Sau khi đức Tổ sư vắng bóng, năm 1956 và 1957 các Trưởng lão dẫn đoàn đi hành đạo ra miền Trung và độ khá nhiều vị xuất gia, trong đó có Hòa thượng Giác Ngộ. Những ngôi đạo tràng đầu tiên như Tịnh xá Ngọc Nhơn (Quy Nhơn – Bình Định), Tịnh xá Ngọc Cát (Phan Thiết), sau này đều trở thành Tổ đình của Giáo đoàn II và Giáo đoàn III. Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh và Trưởng lão Giác An độ Tăng chúng và lập đoàn ở miền Trung. Các vị khác đều về lại Sài Gòn và miền Tây. Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên về lại Sài Gòn thành lập Giáo đoàn IV năm 1959. Trưởng lão Giác Lý trong trong giai đoạn này tu tịnh tại Thất Sơn. Đên năm 1960, Ngài mới chính thức thành lập Giáo đoàn V.  

Hơn 70 phút, Hòa thượng gợi lại đôi nét trong giai đoạn buổi đầu của Hệ phái. Hình ảnh của chư Đức Thầy dõng mãnh, kiên định, tinh tấn vượt qua khó khăn để đem mối đạo của Tổ sư khai vẹt đến với nhân sinh từ miền Trung, đến khắp miền Tây, từ miền cao nguyên về đồng bằng, duyên hải cát trắng. Bài học lịch sử này nhờ Hòa thượng kể lại tô đậm thêm công lao thành lập Hệ phái của quý Ngài.

Đời sống Khất sĩ lúc bấy giờ như hạc nội mây ngàn, đúng nghĩa của một vị Khất sĩ:

“Một bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem người thế

Mây trắng hỏi đường qua”.

Chư Tổ Thầy, với bình bát đất, y bạc sương nắng, đôi chân trần, ý chí kiên định, tinh tấn tu tập, và hạnh nguyện độ sinh không mỏi mệt làm nên một Hệ phái Khất sĩ phát triển như ngày nay

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan