Thao thức của thế hệ trẻ về “Kinh tụng” của Hệ phái Khất sĩ trong thời đại mới
- ĐĐ. Minh Điệp
- | Thứ Bảy, 10:58 13-06-2020
- | Lượt xem: 2406
I. DẪN NHẬP
Dưới ánh hào quang tu chứng của đức Phật Thích-ca Mâu-ni và chư vị Thánh Tăng biết bao thế hệ con người ở mọi quốc độ hữu duyên đều được thấm nhuần niềm an lạc từ sự thực hành và thẩm thấu giáo pháp. Ánh hào quang ấy được bừng sáng tại đất nước Việt Nam từ sự chứng ngộ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang gần ngót 80 năm. Từ khi vào đời giáo hoá chúng sanh, hình ảnh mộc mạc thanh bần với đôi chân trần, với mảnh y bá nạp và chiếc bình bát đất, đức Tổ sư đã làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thoát tục ngày nào khi Phật còn tại thế. Dẫu rằng không ai chứng kiến nếp sống thời đức Phật cổ xưa nhưng những hình ảnh mà đức Tổ sư thực hành cũng đủ khơi gợi nguồn mạch tâm linh giải thoát như một minh chứng cho sự nối truyền Thích-ca Chánh pháp tại đất nước con rồng cháu tiên này.
Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, từ Đạo Phật Khất Sĩ nay đổi tên thành Hệ phái Khất sĩ trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tông môn chúng ta đạt được những cột mốc đáng kể. Không chỉ phát triển về số lượng tịnh xá, Tăng Ni xuất gia hay Phật tử quy y mà trên mặt tu tập, hình thức sinh hoạt, bồi dưỡng Tăng Ni tài đức đều phát triển mạnh mẽ. Nếu lớp chư Tôn đức đại đệ tử Tổ sư là cội gốc của hạnh tu Tứ Y Pháp “không không trong sạch” làm thạch trụ tòng lâm thì lớp Tăng Ni thế hệ trẻ lại những bông hoa kế thừa đạo hạnh và trí tuệ thoát trần.
Sông núi vươn dài tiếp núi sông,
Lớp lớp Tăng Ni giống Lạc Hồng,
Có người bảo Phật bên xứ Ấn,
Nhưng Phật trời Nam cũng một dòng.
Ngày nay, Hệ phái Khất sĩ được tổ chức khuôn mẫu theo sự lãnh đạo sáng suốt của hàng Giáo phẩm Hệ phái đến tinh thần phụng sự tận tình của chư Tôn đức Tăng Ni trẻ. Với các hoạch định nghị sự, chúng ta đạt được nhiều thành công từ các phiên họp định kỳ đến các khoá An cư kiết hạ, khoá tu Truyền thống Khất sĩ và khoá Bồi dưỡng Đạo hạnh dành cho cho Sa-di, tập sự. Trong đó, khoá Bồi dưỡng Trụ trì là một nét độc đáo quy tụ tất cả chư Tôn đức Tăng Ni từ niên cao lạp trưởng đến hàng hậu học sơ cơ để chia sẻ kinh nghiệm tu hành và trao giồi kiến giải theo chủ đề từng năm.
Nhận thấy chủ đề về “Nghi lễ của Hệ phái từ xưa đến nay” ít được quan tâm vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan vì vấn đề nghi lễ liên quan đến nghi thức thuộc các phạm trù tâm linh hoặc các cách thức lễ nghi trong khuôn khổ một ngôi đạo tràng đến nghi lễ chung cho Giáo đoàn đến Hệ phái nên trách nhiệm này thuộc về Ban Nghi lễ. Do đó, người viết xin khiêm hạ kính viết đề tài: Thao thức của thế hệ trẻ về “Kinh tụng” của Hệ phái trong thời đại mới. Đề tài tham luận này thực tế không phân tích hay lạm bàn về nghi lễ mà chỉ nói lên thao thức, suy tư về một bản kinh tụng được biên soạn để trì tụng trong hai thời công phu và làm tài sản cho thế hệ hôm nay.
Ngần bao nhiêu năm sinh hoạt trong lòng Giáo hội, nhìn lại Pháp bảo của tông môn Khất sĩ là bộ Chơn lý và quyển Nghi thức Tụng niệm. Ngoài ra, còn có một số quyển khác được biên soạn và trước tác như Tứ kệ Tĩnh tâm – PS. Giác Nhiên, Tinh hoa bí yếu – NT. Huỳnh Liên và một số tác phẩm khác. Như vậy, số lượng Pháp bảo của riêng Hệ phái khá khiêm tốn. Đặc biệt là bản kinh tụng để hành trì chỉ tập trung vào quyển Nghi thức Tụng niệm và một số bài kệ tụng, bên hàng Ni giới còn có các kệ tụng riêng. Do đó, việc trì tụng kinh điển chúng ta phải sử dụng các bản kinh từ Phật giáo Bắc tông như Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng, Kinh Lương hoàng sám… một số đạo tràng còn trì tụng kinh tạng Nikāya bản Việt dịch. Gần đây, xuất hiện một số quyển nghi thức do TT. TS. Thích Nhật Từ biên soạn như: Kinh tụng hàng ngày, Kinh Tụng cho Phật tử, Kinh Tụng cho người mới bắt đầu… cũng được một số ngôi tịnh xá tụng niệm.
Để tạo một nét mới trong quá trình phát triển của Hệ phái trong thời hội nhập, tham luận này trình bày niềm suy tư về bản kinh tụng cần được biên soạn trong tương lai gần. Trên lập trường học thuật, tham luận phân tích một số luận điểm về quyển Nghi thức Tụng niệm hiện hành của Hệ phái. Bài viết này có sử dụng một số đoạn trong các bài tham luận của TT. TS. Thích Nhật Từ từ hai bài: Ý nghĩa của kinh và tụng kinh và Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam. Ngoài ra, người viết cũng tham khảo một số nguồn tài liệu được đăng tải trên sách báo và internet khác để làm phong thêm nguồn trích dẫn cũng như sáng tỏ luận điểm của mình.
Với lòng nhiệt huyết của hàng Tăng sinh trẻ và sự chân thành cống hiến khả năng tri thức về bản kinh tụng riêng của Hệ phái, chúng con thành kính phụng viết tham luận này kính trình chư Tôn đức chứng minh. Và chúng con thành tâm đón nhận mọi sự chỉ dạy, đóng góp ý kiến từ toàn thể đại chúng Tăng Ni để tham luận được mở rộng, đầy đủ kiến giải và truyền tải được thông tin cần thiết mà nhiệm vụ một bài tham luận cần phải có.
II. NỘI DUNG
1. Khát quát chung
1. 1. Kinh tạng Phật giáo
Những lời của đức Phật nói ra, ban đầu được gọi là giáo pháp (Dhamma), bao gồm ba phương diện, đó là: Giáo lý (Pariyatti), Thực hành (Patipatti) và Chứng ngộ (Pativedha). Phần Giáo lý còn được gọi là “Pháp học”. Phần pháp Thực hành còn gọi là “Pháp hành”, và phần pháp Chứng ngộ còn được gọi là “Pháp giác ngộ” hay “Pháp thành”.
Toàn bộ giáo pháp được lưu giữ lại trong kinh điển được gọi là Tam tạng kinh (Tipiṭaka). Những dịch giả dịch Tam tạng kinh qua Anh ngữ đã ước lượng Tam tạng kinh lớn hơn khoảng mười một lần so với toàn bộ kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Tam tạng kinh chứa đựng những lời dạy của đức Phật do chính đức Phật nói ra hơn 45 năm, từ sau khi bậc Giác Ngộ thành đạo cho đến khi Bát-niết-bàn.
Tipiṭaka trong tiếng Pāli có nghĩa là “Ba cái rỗ” (Ti = ba, Piṭaka = cái rỗ). Nó không chỉ mang ý nghĩa là vật chứa đựng mà mang ý nghĩa ‘truyền thừa’ hay chuyền tay cho nhau, giống những người thợ chuyền những rỗ đất hay cát từ người này đến người kia theo một hàng dài cho đến cuối cùng để sử dụng, cũng giống như những cái rỗ chứa giáo pháp được chuyền tay, truyền thụ qua nhiều thế kỷ từ người Thầy cho đến những học trò. (Ở Việt Nam, chúng ta dùng theo cách gọi của người Trung Hoa, gọi là Tam tạng kinh, tức là ba cái ‘kho’ chứa kinh điển).
“Ba rỗ kinh” hay Ba tạng kinh đó là: Luật tạng (Vinaya Piṭaka), bao gồm những luật lệ và quy định của Tăng đoàn tu sĩ (Tăng và Ni); Kinh tạng (Sutta Piṭaka), chứa đựng những bài thuyết giảng giáo pháp của đức Phật truyền dạy cho những cá nhân một người hay cho những nhóm người thuộc đủ mọi tầng lớp trong suốt thời gian tại thế sau khi đắc đạo của Người; và Vi Diệu Pháp tạng (Abhidhamma Piṭaka), giảng dạy bốn vấn đề tột cùng, rốt ráo: Tâm (Citta), những yếu tố thuộc Tâm hay Danh (Cetasika), Sắc (Rūpa, tức vật chất) và Niết-bàn (Nibbāna).[1]
Theo Phật Quang đại từ điển (HT. Quảng Độ dịch), kinh có âm Phạm: Sūtra, Hán âm: Tu-đa-la, Tố-đát-lãm, Tô-at-la. Hán dịch: Khế kinh, Chính kinh, Quán kinh. Tất cả giáo pháp do đức Phật giảng nói được ghi chép, giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Là một trong ba tạng Thánh điển của Phật giáo, một trong chín, hoặc mười hai thể tài kinh.[2]
Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh trong tiếng Sanskrit viết là sūtra, và trong tiếng Pāli viết là sutta, chỉ có nghĩa đen là sợi dây hay những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, kinh là những lời dạy của Phật hay các vị Thánh đệ tử của Phật được thể hiện dưới dạng thức của một bài pháp thoại. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ kinh còn ám chỉ cho các thể loại văn học Phật giáo và ba kho tàng văn học Phật giáo thường được biết đến qua thuật ngữ “Tam tạng” (Sanskrit: Tripiṭaka, Pāli: Tipiṭaka). Trong một số ngữ cảnh nhất định, kinh được ám chỉ cho phần pháp thoại (Sutta) hay kinh tạng (Sutta piṭaka), một trong ba kho tàng văn học Phật giáo. Nói đúng hơn, nó bao gồm những lời dạy của Chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị Thánh đệ tử của Ngài giảng dạy, dù được biểu thị dưới dạng ngôn ngữ truyền miệng hay văn tự.
Các vị Thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị Tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo tín ngưỡng bấy giờ. Các đối thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy được xem là các pháp thoại, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy.
Như vậy khái niệm “kinh” chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại mang tính đối thoại của đức Phật với chúng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh Tăng đối với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản.
1.2. Ý nghĩa của tụng kinh
Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.” Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Bản thân của sự tụng kinh vốn không có phước báu nào cả, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào lời kinh để tìm ra ý đạo ẩn chứa trong đó. Các hình thức và thói quen tụng kinh như một cái máy lập, rõ ràng không mang lại kết quả thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ, công sức mà không có ích lợi gì cả. Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Ðọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích. Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh. Ðây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển. Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi Chánh pháp của Phật để ứng dụng Chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.
Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết. Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh. Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.
Tụng kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kết tường như ý. Tụng kinh cũng không phải là sự mua bán hay trao đổi về sức khỏe, tài sản, giàu sang và phước báu. Tụng kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hành lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm về nội dung kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong mỗi chúng ta. Tụng kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy[3].
2. Văn bản kinh tụng hiện hành của Hệ phái Khất sĩ
2.1. Quyển Nghi thức Tụng niệm
Hiện nay, Nghi thức Tụng niệm được xem là văn bản được trì tụng chính trong Hệ phái Khất sĩ dùng chung cho lưỡng bộ Tăng Ni. Ngoài văn bản này, một số bài kệ tụng trong Luật nghi Khất sĩ – Tổ sư Minh Đăng Quang, Tứ kệ Tĩnh tâm – Pháp sư Giác Nhiên và Tinh hoa bí yếu – NT. Huỳnh Liên cũng được trì tụng. Tuy nhiên, văn bản thông dụng nhất vẫn là Nghi thức Tụng niệm.
Trên phương diện khách quan chúng ta hãy nhìn nhận một cách khoa học và thẳng thắn trên niềm hoan hỷ và đóng góp xây dựng cho di sản chung của Hệ phái về văn bản này.
“Nghi thức” được dịch từ tiếng Anh, nghĩa là một chuỗi các hoạt động liên quan đến cử chỉ, lời nói, hành động hoặc đối tượng, được thực hiện ở một nơi, được sắp xếp theo thứ tự và theo một trình tự được thiết lập. Các nghi lễ có thể được quy định bởi các truyền thống của một cộng đồng, bao gồm cả một cộng đồng tôn giáo.
“Nghi thức Tụng niệm” chỉ chung cho các nghi thức thuộc bất kỳ hệ phái Phật giáo nào. Tùy theo từng ngữ cảnh, khái niệm này có thể chỉ cho nghi thức của Bắc tông, hoặc của Khất sĩ, hoặc của Nguyên thủy. Quyển Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ chỉ chung cho các nghi thức tụng niệm của hệ phái Khất sĩ, bao gồm quyển Kinh Tam bảo và Kinh Xưng tụng Tam bảo do NT. Huỳnh Liên soạn, được Ni giới Hệ phái Khất sĩ sử dụng tại các tịnh xá dành cho Ni giới.[4]
2.2. Cấu trúc quyển Nghi thức Tụng niệm
Quyển Nghi thức Tụng niệm hiện hành gồm năm nghi thức: Nghi thức cúng dường, Nghi cúng Cửu huyền, Nghi thức Cầu an, Nghi thức Cầu siêu và Nghi thức Sám hối. Bên trong năm Nghi thức này chứa đựng sáu bài kinh tụng: Hồng danh Bửu sám – Nghi thức Sám hối; Kinh Phổ môn – Nghi thức Cầu an; Kinh A-di-đà, Kinh Vu lan bồn, Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân và Kinh Vô ngã tướng – Nghi thức Cầu siêu. Ngoài ra, một số bài kệ nhưng được biên soạn mang chữ kinh như: Kinh Cúng Cửu huyền, Kinh Cầu an, Kinh Cầu nguyện, Kinh Phổ nguyện, Kinh Cầu phước cầu lộc, Kinh Cầu cầu thọ, Kinh Cầu siêu, Kinh Từ bi, Kinh An vị Phật, và Kinh Phóng sanh.
Mỗi nghi thức khi trì tụng đều được hướng dẫn theo ba phần chính: Phần khai kinh: Gồm các bài kệ dâng hương, lễ Tam bảo đến khai kinh kệ. Phần chánh tụng: Gồm 6 bài kinh kể trên và các bài kệ tụng khác. Phần Hồi hướng: Tuỳ theo từng loại nghi thức mà phần hồi hướng này có sự dài ngắn khác biệt.
Tuy nhiên phần khai kinh và phần hồi hướng không sử dụng các câu thần chú và thường được biên tập cô đọng, ngắn gọn.
Trong phần liệt kê năm nghi thức và sáu chánh kinh, chúng ta thấy rằng quyển Nghi thức Tụng niệm hiện hành được biên tập theo các nguồn sẵn có từ nghi thức của các Hệ phái Phật giáo đương thời. Trong đó, các bài kinh: Kinh Phổ môn, Kinh A-di-đà, Kinh Vu lan bồn, Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân sử dụng bản dịch của HT. Thích Huệ Đăng. Kinh Vô ngã tướng và các bài kệ tụng mang tên kinh được biên soạn và trước tác bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát.
2.3. Một vài nhận xét đáng quan tâm
Năm 2014, TT. TS. Thích Nhật Từ viết bài Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam, bài viết ngày 02 tháng 3 năm 2014, đăng trên website: thuvienhoasen.org. Cuối bài nghiên cứu này, Thượng toạ có những lời nhận xét chân tình, trong đó có 2 nhận xét đáng quan tâm như sau:
- Trong NTKS[5] chưa có sự phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm “Kinh” và “Kệ”. Khuynh hướng đồng hóa khái niệm “Kệ” với “Kinh” xuất hiện trong NTKS, chẳng hạn, Kinh cúng cửu huyền, Kinh cầu an, Kinh cầu nguyện, Kinh phổ nguyện, Kinh cầu phước cầu lộc, Kinh cầu cầu thọ, Kinh cầu siêu, Kinh từ bi, Kinh an vị Phật, và Kinh phóng sinh. “Kinh” vốn chỉ cho những lời Phật dạy, trong khi “Kệ” là những bài thơ đạo của Tăng sĩ diễn giải về triết lý Phật nói chung, hoặc một khái niệm Phật học nói riêng. Do đó, trong các trường hợp nêu trên, nên đổi chữ “Kinh” thành chữ “Kệ” thì thích hợp hơn, giúp cho người đọc tụng dễ phân biệt đâu là lời Kinh Phật dạy và đâu là thi kệ của người biên soạn nghi thức, hoặc được người biên soạn tuyển chọn, đưa vào.
- Các chính kinh trong NTKS chỉ gồm 6 bài như Kinh Phổ Môn, Kinh A-di-đà, Kinh Vu-lan-bồn, Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân và Kinh Vô ngãtướng, trong đó năm bài kinh đầu thiên về Tịnh Độ tông, trong khi bài cuối cùng giới thiệu triết lý vô ngã. Đây là khuynh hướng chung của các NTBT[6] từ trước đến nay, ngoài trừ, Nghi thức Làng Mai đại toàn và các nghi thức do Chùa Giác Ngộ xuất bản. Các bài kinh về triết học, các bài kinh về đạo đức, các kinh về xã hội và các kinh về thiền chưa được giới thiệu trong NTKS. Đây là các Kinh nên được bổ sung nhằm giúp cho giới thọ trì, đọc, tụng có thể hiểu hệ thống và toàn diện lời dạy minh triết của Phật.[7]
Qua hai nhận xét trên chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại về bản kinh tụng của Hệ phái. Nếu chỉ dựa vào quyển Nghi thức Tụng niệm dĩ nhiên vẫn đủ dùng cho Nghi thức tụng kinh hai buối sớm tối cho Hệ phái. Nhưng văn bản này vẫn còn tồn đọng một số nghi vấn lớn đặt ra thách thức và cơ hội cho Tăng Ni tài đức tốt nghiệp từ các hệ tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân. Thách thức ở chỗ liệu chúng ta có dám nhìn nhận mặt thiếu sót của văn bản, cơ hội ở chỗ liệu chúng ta có dám biên soạn một bản kinh tụng mới cho Hệ phái trong giai đoạn mới hay không?
2.4. Một vài vấn đề đáng suy gẫm
Vấn đề 1: Một văn bản vay mượn?
Hai từ “vay mượn” có thể tạo nên sự tranh cãi trái chiều trong cộng đồng Tăng Ni. Tuy nhiên, vay mượn vẫn cứ là vay mượn.
Qua bài nghiên cứu của TT.TS. Nhật Từ, việc so sánh đối chiếu những nét tương đồng và dị biệt trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ so với nghi thức của các Hệ phái Phật giáo đương thời, hầu như chúng ta chỉ có đóng góp thêm những bài kệ tụng. Những phần khai kinh, hồi hướng và đặc biệt là những bài kinh tụng chính đều biên tập lại từ các văn bản sẵn có.
Trên phương diện lịch sử, bối cảnh thời đại cách đây mấy chục năm phương tiện truy cập không phát triển hiện đại như ngày nay nên việc biên soạnmột quyển nghi thức cho Hệ phái quả là một nỗ lực phi thường và là một thành tựu tuyệt vời. Nhờ quyển Nghi thức Tụng niệm này mà hai thời công phu được hành trì xuyên suốt tại các đạo tràng tịnh xá trong cả nước. Ngoài văn bản này, kinh tụng được hành trì còn có các bộ kinh Đại thừa lớn như Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim cang, Kinh Địa Tạng, Kinh Lương hoàng sám, Kinh Từ bi thuỷ sám… Một số đạo tràng còn trì tụng cả kinh bộ Nikāya và kinh bộ A-hàm.
Tất cả đều là di sản trên của Phật giáo Việt Nam, bất kỳ Hệ phái Phật giáo nào cũng có quyền thọ trì. Nhưng ở góc độ Hệ phái, chúng ta vẫn chưa biên soạn được một quyển kinh tụng chính thức riêng cho tông môn Khất sĩ.
Vấn đề 2: Pháp tu hay nghi thức?
Đối với Hệ phái, bộ Chơn lý được xem là kinh điển do đức Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp và trước tác. Sau nhiều lần tái bản, bộ Chơn lý hiện hành được lưu truyền đến từng vị Tăng, vị Ni . Tuy nhiên, ngôn ngữ trong bộ Chơn lý không phải là ngôn ngữ kinh tụng nên không ai trì tụng như một kinh chính thống. Mỗi người chỉ có thể nghiên cứu hoặc học thuộc lòng làm bài học tu tập cho bản thân mình. Chỉ trong các khoá tu hoặc đại lễ lớn, một số vị phát tâm học thuộc và trùng tụng mà thôi.
Trở lại với Nghi thức Tụng niệm, ngoài việc trì tụng trong hai thời công phu, quyển này còn được sử dụng trong các đám trai tăng, cầu siêu, cầu an, chúc thọ, phóng sanh, lễ dâng y, lễ an vị Phật… Bốn bài kinh được trì tụng nhiều nhất là Kinh Phổ môn, Kinh Vu lan bồn, Kinh A-di-đà và Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân. Hồng danh Bửu sám chỉ tụng vào hai đêm sám hối của mỗi tháng. Trong năm kinh này đã có ba bài kinh mục đích cầu siêu, một bài kinh mục đích cầu an.
Như vậy, trái hẳn với ý nghĩa của tụng kinh là ôn nhắc lại Phật dạy để chiêm nghiệm nghĩa lý mà áp dụng hành trì, Nghi thức Tụng niệm đặt nặng nghi lễ cúng bái, tế tự là nhiều. Chúng ta có thể liệt kê pháp tu trong những bài kinh như sau: Kinh Phổ môn phân tích về công hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm và công năng của câu niệm danh hiệu Bồ-tát này. Kinh A-di-đà giới thiệu về cõi Phật Di-đà và công năng câu niệm danh hiệu Phật cầu vãng sanh. Kinh Vu lan bồn nói về công hạnh Ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ và pháp cúng dường ngày Tự tứ. Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân nói lên công ơn cha mẹ và khuyên người báo hiếu. Duy chỉ có Kinh Vô ngã tướng mang triết lý vô ngã rất thâm sâu nhưng lại cô đọng trong thể thơ năm chữ không thể truyền tải hết giá trị tuyệt diệu của bản kinh gốc.
Kinh điển Phật giáo còn vô vàn triết lý về nhân sinh, nhân quả, vô vàn pháp tu, vô vàn minh triết. Những minh triết căn bản nhất về Giới Định Tuệ, Tứ Thánh đế, Bát Chánh đạo, Tứ Vô lượng tâm, các pháp hành trì thiền tập chỉ quán đều vô cùng quan trọng cho đời sống tu hành. Những nội dung này lại không thấy trong quyển Nghi thức Tụng niệm. Do đó, văn bản Nghi thức Tụng niệm này đóng vai trò thực hiện nghi lễ là chính.
3. Biên soạn bản kinh tụng mới
3.1. Kinh tụng trong vấn đề thời đại
Phật giáo, nhất là Phật giáo trên con đường truyền bá và hội nhập luôn gắn liền với hai yếu tố căn bản: Khế lý và khế cơ. Khế lý là nhấn mạnh về tính tư tướng. Khế cơ là nhấn mạnh về tính lịch sử. Nhờ khế lý, tư tưởng luôn phong phú, thâm diệu mà mình vẫn là mình. Do khế cơ nên mọi hình thái sinh hoạt, thể hiện, truyền bá luôn đa dạng, gắn bó mà không hề mất gốc.[8]
Dù chúng ta quyết định thế nào về việc đạt được mục đích có một điều mà chúng ta không thể thoát khỏi, chúng ta không thể chối bỏ sự kiện tất cả những phát triển hiện đại không mang lại điều gì ngoài sự bất an và sự đấu tranh không ngừng nghỉ của con người, Phật giáo đã cống hiến một số phương pháp rất đơn giản và rất hữu hiệu để hóa giải những điều đó. Vì vậy, Phật giáo có một vai trò quan trọng trong đời sống của xã hội, một vai trò mà trong đó những người Phật tử, tham dự một phần quan trọng vào đời sống xã hội. Bổn phận củanhững tín độ Phật giáo là chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết của mình với càng nhiều người càng tốt để cuối cùng tất cả chúng ta thấy được bức thông điệp của đức Phật dành cho chúng sinh tiếp tục đến với loài người trên khắp năm châu bốn bể.[9]
Một trong những phương tiện truyền đạo hữu hiệu gắn liền với từng sơn môn pháp phái đó chính là tôn chỉ hành đạo và nghi lễ hành trì. Nếu tôn chỉ hành đạo lấy sự tu chứng và xiển dương Chánh pháp của các bậc Tổ sư thì nghi lễ hành trì là bộ mặt khơi nguồn tín tâm cho hàng Phật tử ngoài xã hội. Trên lập trường tu hành, mỗi Hệ phái có lập trường lập giáo riêng nhưng cũng lấy Tam tạng Kinh điển làm nòng cốt chính. Trên lập trường truyền bá đạo, mỗi vị Tổ sư hoặc chư tiền bối hữu công với kinh nghiệm tu tập và trí tuệ uyên thâm đã biên soạn và trước tác những bộ nghi thức bày bản được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng. Một trong những nghi thức quan trọng đó chính là nghi thức tụng niệm trong hai thời công phu sáng tối.
Hệ phái Khất sĩ lấy Tứ Y pháp làm lẽ sống trong sạch, lấy Giới Định Tuệ làm pháp tu căn bản và tư tưởng tu thiền thấm nhuần nơi mỗi Tăng Ni. Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, nhìn lại chẳng đường đi qua ai ai cũng không khỏi tự hào. Dựa trên báo cáo của Ban Thư ký Hệ phái, hàng năm số lượng tịnh xá mới thành lập, số lượng Tăng Ni xuất gia và số lượng Phật tử quy y tăng dần. Trên niềm hoan hỷ này, chúng ta cần phải nhìn nhận lại nghi thức tụng niệm của Hệ phái từ xưa đến nay như thế nào, mặt ưu khuyết điểm… để thực hiện biên soạn một nghi thức dùng chung cho lưỡng bộ Tăng Ni.
Bên cạnh biên soạn nghi thức đó, việc biên soạn kinh tụng cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, nền tảng giáo lý của chúng ta nằm trong bộ Chơn lý do đức Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác. Bản kinh tụng lại là quyển Nghi thức Tụng niệm, mà mọi người quen miệng gọi là Kinh Nghi thức. Việc truyền tải giáo lý từ bộ Chơn lý rất hiếm được quan tâm vì phần đông Tăng Ni Hệ phái nghĩ rằng giáo lý này khó hiểu, khó thuyết. Cho nên, việcdiễn dịch giáo lý phải sử dụng từ các nguồn kinh tạng Nikāya, A-hàm hay các kinh Đại thừa khác. Do đó, khi tìm hiểu về giáo lý Đạo Phật Khất Sĩ thường ngộ nhận giáo lý của chúng ta chỉ nằm trong quyển Nghi thức Tụng niệm mà thôi.
Trước bối cảnh thời đại mới, nhất là thời kỳ hội nhập phương tiện nghiên cứu ngày càng phát triển đa dạng, chúng ta cần phải cập nhật và làm tăng thêm tính phong phú đa dạng trong phương tiện truyền bá Chánh pháp. Một trong những phương tiện thiện xảo truyền bá Chánh pháp chính là thực hiện thêm bản kinh tụng mới.\
3.2. Những mảng kinh văn có thể biên soạn
Hiện nay, trong Phật giáo Việt Nam các quyển nghi thức tụng niệm được biên soạn vô cùng đa dạng về chủng loại, phong phú về số lượng với những ngôn ngữ Hán – Việt, Pāli – Việt, Anh – Việt, thuần Việt… Các bản kinh có thể trì tụng cũng được biên soạn phong phú không kém. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các văn bản này trong việc thọ trì không có gì trở ngại.
Tuy nhiên, để làm phong phú cho di sản của Hệ phái, chúng ta cần mạnh dạn biên tập những văn bản kinh tụng mới. Những mảng kinh văn có thể biên soạn có thể chia ra hai nguồn chính:
- Nguồn kinh văn Nam truyền: Tham khảo những bài kinh căn bản và quan trọng từ Nikāya và A-hàm (khoảng 50 bài).
- Nguồn kinh văn Bắc truyền: tham khảo những kinh văn ngắn như Tứ thập nhị chương, Kinh Di giáo, Kinh Dược Sư…
Học hỏi từ những văn bản Kinh Tụng hàng ngày, Kinh Tụng cho Phật tử tại gia, Kinh Tụng cho người mới bắt đầu và một số Kinh Dược Sư, Kinh A-di-đà, Kinh Phổ môn, Sám hối Lục căn… do TT. TS. Thích Nhật Từ biên soạn, chúng ta có thể tích luỹ kinh nghiệm cho việc biên soạn của mình.
3.3. Giọng điệu và ca từ đại chúng
Với thành tựu của quyển Nghi thức Tụng niệm được mọi người công nhận là sử dụng tính chất thơ ca và ngôn ngữ thuần Việt nên mọi người dễ đọc, dễ tụng, dễ thuộc và dễ hiểu. Nhờ vậy, việc truyền bá Chánh pháp trở nên rộng rãi trong quần chúng, mọi tầng lớp đều có thể đón nhận.
Do đó, biên tập kinh tụng mới chúng ta nên sử dụng theo phương pháp này. Quan trọng là trải qua thời gian, ngôn ngữ người Việt Nam ngày càng hiện đại, chúng ta không thể sử dụng các từ ngữ xưa cũ, lỗi thời. Ngoài việc so sánh bản biên dịch với bản gốc, việc trau chuốt từ ngữ, lối hành văn, luật bằng trắc, tiểu đối, tứ thơ… cần phải được chú trọng. Nói một cách cụ thể, việc biên tập kinh tụng mới nên chuyển dịch hoàn toàn dưới dạng thể thơ. Ba dạng thơ phổ biến nhất để chuyển dịch là lục bát, song thất lục bát và ngũ ngôn trường thiên (thơ năm chữ).
Việc biên soạn kinh tụng khác với biên soạn nghi thức, tuy nhiên phải nhờ nghi thức kinh tụng mới có thể được trì tụng hữu hiệu và bày bản. Hai việc biên soạn này cần phải phối hợp nhịp nhàng.
3.4. Nhiệm vụ khả thi hay bất khả thi?
Với số lượng tốt nghiệp rất đông đảo từ các học vị Tiến sĩ, Phó tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Tăng Ni thế hệ trẻ có đủ năng lực trong công tác này. Tuy nhiên, không thể nhìn trên số lượng bằng cấp mà chủ quan vì việc chuyển dịch kinh điển sang dạng thơ kệ đòi hỏi phải có khả năng sáng tác thơ văn, khả năng thấu cảm ngữ điệu, ca từ…
Người làm thơ là người làm nghệ thuật. Chuyển dịch kinh văn sang thể thơ cũng là một dạng sáng tạo nghệ thuật vô cùng thâm thuý và điêu luyện. Do đó, nhiệm vụ biên soạn bản kinh tụng dưới thức thơ kệ cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Thực tế trong văn đàn thơ ca từ xưa đến nay có Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên, HT. Giác Huệ và một số vị nổi bậc khác. Hiện tại, thì có HT. Giác Toàn với bút danh Trần Quê Hương, TT. Minh Thành với bút danh Tiểu Viên. Ngoài ra chưa thấy một vị nào trong thế hệ trẻ có những sáng tác mang tính đột phá được công nhận trên văn đàn văn học Phật giáo nói riêng hay văn học Việt Nam nói chung. Dĩ nhiên, năng lực sáng tác hay cảm hứng thơ ca không chỉ nằm trên những tác phẩm được xuất bản. Trong nội bộ chúng ta vẫn ẩn tàng nhiều tài năng thi phú do không đủ duyên ra mắt tác phẩm hoặc không có cơ hội thể hiện.
Trở lại với việc biên soạn kinh tụng dưới dạng thơ ca, đây là nhiệm vụ tương đối khó nếu không muốn nói là không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với năng lực và lòng nhiệt huyết của thế hệ trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc này nằm trong tầm tay. Việc khó ở đây là khâu tuyển tập những bài kinh từ nguồn kinh văn Nikāya và A-hàm. Nếu tuyển chọn được khoảng 50 đến 100 bài kinh từ hai nguồn đó, sau đó tóm tắt một cách rõ ràng nội dung chính bám sát nội dung kinh gốc với những từ ngữ được chắt lọc cẩn thận, cắt gọt những chi tiết nhỏ nhặt, giữ lại tinh tuý lời Phật dạy là có thể chuyển dịch sang thơ ca.
Vì vấn đề chuyển dịch nằm ở cảm hứng sáng tác thơ ca của từng cá nhân, nên mỗi cá nhân tự cảm nhận về những bài kinh mà mình hữu duyên. Từ đó, nghiền ngẫm nghĩa lý và tự mình sáng tạo. Khi đã hoàn thành thi phẩm, chúng ta có thể cùng ngồi lại so sánh, đối chiếu so với kinh văn và đánh giá tác phẩm một cách khách quan trên phương diện nghệ thuật câu từ hay và ý thơ tao nhã.
4. Giới thiệu hai bản kinh chuyển dịch thơ ca
4.1. Kinh Tư lượng (Tóm tắt)
Người giảng: Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (Mahāmoggalāna). Đối tượng: Hội chúng Tỳ-kheo. Địa điểm: Núi Sumsumāragira, rừng Bhesakalā, vườn Lộc Uyển. Bản kinh tương đương trong Trung A-hàm kinh là Tỳ-kheo thỉnh kinh (89).
1. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cho rằng những vị có thỉnh nguyện các vị Tỳ-kheo nói với mình, nhưng các vị ấy có 16 ác hạnh/ tánh xấu (bất thiện pháp) sau đây thì các vị Tỳ-kheo (đồng Phạm hạnh) nghĩ rằng vị Tỳ-kheo kia không đáng nói đến, không đáng được giáo huấn và không nên đặt lòng tin.
Mười sáu ác hạnh / tánh xấu gồm: có ác dục, khen mình chê người, phẫn nộ, hiềm hận, cố chấp, thốt lời giận dữ, chống đối, chỉ trích, chất vấn, nói lãng/ nói tránh né, không giải thích, hư ngụy và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo/ lường gạt, ngoan mê và quá mạn/ ngã mạn, chấp trước thế tục/ cố chấp tư kiến/ tánh khó hành xả.
2. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cho rằng nếu một vị Tỳ-kheo không có những đức tánh trên, khiến người kia trở thành dễ nói, kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được nghe giảng dạy thì các vị Tỳ-kheo (đồng Phạm hạnh) nghĩ rằng vị Tỳ-kheo ấy đáng được nói đến, đáng được giáo huấn, nên đặt lòng tin vào vị ấy. Với 16 đức tính ngược lại với 16 tánh cách vừa nêu.
3. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên dạy rằng các vị Tỳ-kheo cần phải tự xét rằng các vị Tỳ- kheo với 16 ác hạnh nêu trên bị các vị đồng Phạm hạnh không ưa thích, vậy nên bản thân ta cũng không nên có các ác hạnh nêu trên.
4. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên dạy rằng các vị Tỳ-kheo cần phải quán sát (tự xét) rằng, nếu bản thân vị ấy có 1 trong 16 ác, bất thiện pháp ấy nên tự thân tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy. Nếu vị ấy tự xét thấy bản thân vị ấy không có, vị ấy sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.
5. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sử dụng hình ảnh con người sử dụng chiếc gương, bát nước... để tự soi mặt mình, để tự thấy sự nhơ bẩn hay trong sạch của mặt mình trong gương, trong bát nước để tinh tấn đoạn trừ hay sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên.
Dịch thơ:
KINH TỰ MÌNH SOI SÁNG THÂN TÂM
Tôn giả Mục-kiền-liên
Một thời an trú tại
Núi Sum-su-ma-ra
Rừng Bhe-sa-ka-la.
Khi ấy tại Lộc Uyển
Có các vị Tỳ-kheo
Đến Tôn giả thỉnh nguyện
Nghe pháp để hành trì.
Tôn giả Mục-kiền-liên
Nêu mười sáu ác pháp
Cần phải được đoạn trừ
Và thường xuyên quán xét.
Ai có ác pháp này
Không đáng được nói đến
Không đáng được giáo huấn
Không đáng đặt lòng tin.
Thứ nhất có ác dục
Là tâm không tự chủ
Khi tiếp xúc cảnh trần
Lòng đắm say dục vọng.
Thứ hai tự khen mình
Tự thấy mình hay giỏi
Ỷ lại vào tài năng
Đi chê bai người khác.
Thứ ba tâm phẫn nộ
Lửa sân hận cháy bùng
Tăng trưởng thêm hiềm hận
Là ác pháp thứ tư.
Thứ năm sa cố chấp
Tánh ngang bướng vọng tình
Không nghe lời khuyên nhắc
Ngoan cố mãi phát sinh.
Thứ sáu thốt những lời
Chứa đầy câu giận dữ
Thứ bảy luôn chống đối
Với đại chúng, chư Tăng.
Kèm theo trong khẩu nghiệp
Chỉ trích là thứ tám
Cùng ác pháp thứ chín
Là chất vấn mọi người.
Do tật xấu như vậy
Việc thật nói lãng đi
Nói những lời tránh né
Là ác pháp thứ mười.
Không giải thích những điều
Làm sai và làm trái
Cứ cho mình là đúng
Là ác pháp mười một.
Ác pháp thứ mười hai
Hư ngụy là tâm xấu
Với tâm tư uế trược
Làm não hại mọi người.
Ác pháp thứ mười ba
Tật đố lòng ganh tỵ
Hơn thua trong cuộc sống
Xan tham của cúng dường.
Lừa đảo để tìm vui
Lường gạt để hưởng lợi
Phật tử hay Tăng sư
Là ác pháp mười bốn.
Ngoan mê gồm mê muội
Kèm theo sự ngoan cố
Ngã mạn thêm quá mạn
Là ác pháp mười lăm.
Chấp trước việc thế tục
Cố chấp vào tư kiến
Tánh khó hành khó xả
Là ác pháp sau cùng.
Tôn giả Mục-kiền-liên
Dạy người tu cần phải
Tu mười sáu pháp lành
Để tiến vào đạo quả:
Không sa vào ác dục
Không khen mình chê người
Không phẫn nộ, hiềm hận
Không cố chấp, ác lời.
Không chống đối, chỉ trích
Không chất vấn, biện minh
Biết giải thích lỗi lầm
Không hư ngụy, não hại.
Không tật đố, xan tham
Không lừa đảo, lường gạt
Không ngoan mê, ngã mạn
Không chấp trước, khó hành.
Tôn giả Mục-kiền-liên
Dùng hình ảnh chiếc gương
Và dùng một bát nước
Dạy người tu soi mình.
Tự thấy sự bẩn nhơ
Hay trong sạch trên mặt
Hiện lên qua chiếc gương
Hiện rõ trong bát nước.
Từ đó hãy đoạn trừ
Mười sáu bất thiện pháp
Sống bằng tâm hoan hỷ
Ngày đêm thiện pháp tu.
Tôn giả Mục-kiền-liên
Khéo thuyết giảng như vậy
Chư Tỳ-kheo hỷ hoan
Tín thọ lời Ngài dạy.
4.2. KINH MẶT TRĂNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Tăng-ca-la đến chỗ Phật, cùng đức Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, làm sao để có thể biết người nam bất thiện?”
Phật bảo Bà-la-môn: “Giống như trăng.”
Bà-la-môn lại hỏi: “Làm sao để có thể biết người nam thiện?
Phật bảo Bà-la-môn: “Giống như trăng.”
Bà-la-môn bạch Phật: “Thế nào là người nam bất thiện giống như trăng?”
Phật bảo Bà-la-môn: “Như trăng cuối tháng, ánh sáng mất, màu sắc cũng mất, sở hệ cũng mất, ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến không còn xuất hiện. Cũng vậy, có người đối với Như Lai mà tín tâm tịch tĩnh, thọ trì tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, nhường bớt phần mình để bố thí, chánh kiến chân thật; nhưng sau đó lại thoái thất, tín tâm thanh tịnh đối với Như Lai, đối với sự trì giới, bố thí, nghe nhiều, chánh kiến chân thật ngay thẳng; đối với sự bố thí, trì giới, đa văn, chánh kiến, tất cả đều bị đánh mất; ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến trong khoảnh khắc tất cả đều bị quên mất. Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu người thiện nam nào, mà không thân quen gần gũi thiện tri thức, không thường xuyên nghe pháp, không suy nghĩ chân chánh, thân làm các hành vi ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về những điều ác, thì vì những nhân duyên ác đã tạo ra này, nên khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào trong đường ác, địa ngục. Như vậy, này Bà-la-môn, người nam bất thiện được ví như trăng.”
Bà-la-môn bạch Phật: “Thế nào là người thiện nam được ví như trăng?”
Phật bảo Bà-la-môn: “Như trăng đầu tháng, ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng. Cũng vậy, người thiện nam đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm thanh tịnh, cho đến, chánh kiến chân thật, chân tịnh càng tươi sáng, giới tăng, thí tăng, đa văn tăng, tuệ tăng, ngày đêm càng lúc càng tăng. Rồi vào lúc khác, gần gũi thiện tri thức, nghe thuyết Chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, thân làm các việc lành, miệng nói những lời lành, ý nghĩ những điều lành; nhờ vào những nhân duyên này mà khi thân hoại mạng chung sẽ được hóa sanh lên cõi trời. Này Bà-la-môn, vì vậy cho nên người nam thiện được ví như trăng.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Như trăng trong không bợn,
Chu du khắp hư không;
Trong tất cả tinh tú,
Ánh trăng sáng hơn hết.
Tịnh tín cũng như vậy,
Giới, văn, rộng bố thí,
Lìa bỏn sẻn trong đời,
Bố thí này sáng ngời.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Tăng-ca-la nghe những gì đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy cáo lui.
(Tạp A-hàm kinh, quyển 4, Hán dịch: Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la. Việt dịch: Thích Ðức Thắng. Hiệu đính & chú thích: HT. Tuệ Sỹ).
Dịch thơ:
KINH ÁNH TRĂNG THIỆN ÁC
Một thuở nọ tại thành Xá-vệ
Đức Như Lai hiện thế độ sanh
Kỳ Viên tịnh xá an lành
Chư Tăng cư ngụ phụng hành pháp âm
Cấp Cô Độc phát tâm tạo dựng
Lập đạo tràng với những cốc am
Vườn xoài che bóng già-lam
Kỳ-đà Thái tử hiệp làm tròn xong.
Một sớm mai trong lòng tha thiết
Tăng-già-la muốn biết đạo vàng
Chỉnh tề y phục nghiêm trang
Vào ngôi tịnh xá hân hoan vô cùng.
Với tâm niệm tôn sùng đạo cả
Đem hoa tươi một dạ cúng dường
Hoa thơm tỏa ngát mùi hương
Dâng lên Tam bảo xin thương chứng lòng.
Tâm đức Phật mênh mông vô lượng
Cho chúng sanh thọ hưởng phước điền
Hoa này giữa chốn thiêng liêng
Nên Ngài thọ lãnh tạo duyên cho người.
Tăng-già-la dâng lời thưa hỏi:
“Bạch Thế Tôn! Sống ở cõi trần
Làm sao để biết biệt phân
Người nam bất thiện mà hằng lánh xa?”
Đức Thế Tôn nhu hòa phương tiện
Bèn trả lời: “Trăng hiện đêm khuya
Con người như thể trăng kia
Người nam bất thiện chẳng lìa ánh trăng”.
Tăng-già-la ân cần hỏi tiếp:
“Còn người nam thiện nghiệp tác thành
Cũng là trong kiếp nhân sanh
Làm sao phân biệt người lành thiện chân?”
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Người ấy
Cũng như trăng ta thấy giữa trời
Người làm việc thiện đầy vơi
Như trăng sáng khắp cõi đời mà thôi”.
Bà-la-môn bồi hồi kinh ngạc
Chẳng hiểu lời thiện ác như trăng
Chắp tay bạch Phật lời rằng:
“Sao người bất thiện như trăng hỡi Ngài?”
Đức Thế Tôn mở bày kim khẩu
Thuyết bằng lời từ mẫu khoan dung:
“Như trăng cuối tháng mịt mùng
Ánh sáng, màu sắc không trung mất dần
Cả sở hệ lần lần nhòa nhạt
Ngày đêm càng thắm thoát giảm tiêu
Ánh trăng khuyết bóng một chiều
Không còn xuất hiện gây nhiều tối tăm.
Cũng như vậy với tâm tịch tĩnh
Có những người phụng tín Như Lai
Thọ trì tịnh giới thanh trai
Nghe nhiều, khéo học những ngày dụng công
Bớt phần mình phát lòng bố thí
Chánh kiến sanh, thật trí trên đời
Nhưng rồi thoái thất người ơi!
Tín tâm thanh tịnh một giờ mất đi
Với tất cả những gì lãnh thọ
Những pháp lành đều bỏ mòn hao
Đa văn, trì giới, trí cao
Ngày đêm quên mất pháp nào còn đâu.
Bà-la-môn lại hầu phải biết
Người thiện nam đúng thiệt tánh phàm
Không gần Tam bảo già-lam
Không ưa nghe pháp, không gần thiện tri
Pháp chân chánh nghĩ suy chẳng hiểu
Tam nghiệp gây theo kiểu ác tà
Bởi do nghiệp ác tạo ra
Con đường địa ngục phải sa trả đền.
Trong cuộc sống vì quên nhân quả
Khi mạng chung tất cả đổ dồn
Cuộc đời khuất bóng hoàng hôn
Như trăng cuối tháng thần hồn tối đen”.
Tăng-già-la một phen hiểu thấu
Lại bạch thêm: “Nhân hậu thiện lành
Một đời tam nghiệp tịnh thanh
Sao người nam thiện cũng thành như trăng?”
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nam tử
Hãy nhìn xem ví thử trăng vàng
Trong ngày đầu tháng hân hoan
Ánh sáng, màu sắc ngày càng tươi trong
Đến ngày rằm hư không tỏa chiếu
Trăng sáng ngời muôn điệu bừng soi
Người nam thiện tử ở đời
Tín tâm thanh tịnh theo lời Như Lai
Nơi pháp luật miệt mài tin tưởng
Chánh kiến sanh nuôi dưỡng cõi lòng
Tịnh chân ngày một sáng trong
Bố thí, trì giới luôn mong giữ gìn
Nhờ đa văn tuệ sinh viên mãn
Công đức tu năm tháng tăng dần
Thiện tri lại biết cận thân
Nghe lời Chánh pháp thường hằng tư duy,
Nơi tam nghiệp hành vi tạo tác
Luôn soi tâm dứt ác làm lành
Nhờ vào thiện nghiệp phát sanh
Mạng chung thiên giới hóa thành an nhiên
Nhờ gần Phật nhân duyên gieo tạo
Người thiện nam dễ bảo, hiền từ
Trọn đời phước báu còn dư
Sáng ngời đạo hạnh cũng như trăng vàng”.
Vì lợi ích cho đàn hậu thế
Đức Thế Tôn dùng kệ thuyết rằng:
“Giữa hư không trăng sáng
Hơn tinh tú muôn phần
Chu du khắp các cõi
Trăng không bợn chút trần.
Cũng vậy, lòng tịnh tín
Chánh kiến, giới, đa văn
Trong đời lìa bỏn xẻn
Trăng bố thí sáng ngần”.
Phật nói xong muôn phần pháp nhũ
Bà-la-môn hiểu đủ nguồn cơn
Việc lành, việc ác như chơn
Thành tâm đảnh lễ tri ơn thật lòng
Nhớ lời dạy mênh mông nghĩa lý
Tại chỗ ngồi hoan hỷ đứng lên
Ghi lòng tạc dạ không quên
Giữ gìn bài pháp làm nền tu thân
Rồi trở gót nhẹ chân dời bước
Rời vườn cây tâm được nhẹ nhàng.
Vầng dương hơi ấm chứa chan
Kinh thành Xá-vệ, Phật đang độ đời.
III. KẾT LUẬN
Có những bông hoa chỉ đẹp buổi sớm mai rồi chóng tàn khi nắng xế, có chuyến xe về ga tấp nập một ngày hè rồi lại đăng trình lặng lẽ bánh độc hành về muôn lối cũ, có những cuộc đời chỉ thăng hoa một khoảnh khắc rồi cũng im lìm trong gác nhỏ quạnh hiu, nhưng có những tấm gương sẽ sống mãi trong sử xanh bởi đạo đức cao vời vì biết hy sinh cho sanh chúng. Những tấm gương ấy đã được sách sử lưu truyền từ cổ đại đến nay và vượt ra ngoại mọi biên cương cách ngăn của văn hoá, chủng tộc cho đến ngôn ngữ. Đó chính là cuộc đời của đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni và biết bao chư vị Thánh Tăng đức hạnh. Đối với tông môn Khất sĩ, tấm gương bất diệt sống mãi muôn đời trong tâm thức của mỗi vị Tăng Ni chính là đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Dẫu rằng Tổ sư đã vắng bóng hơn nửa thế kỷ, nhưng công hạnh tu hành và trí tuệ chứng ngộ trên những trang Chơn lý sẽ không bao giờ phai nhạt.
Hằng năm, trước khi bắt đầu mùa An cư, chư Tôn đức lãnh đạo luôn tổ chức khoá Bồi dưỡng Trụ trì ngoài việc sách tấn, trao đổi kinh nghiệm tu học và hành đạo ra còn là dịp để ôn nhắc lại lời Tổ dạy để kính nhớ công ơn người khai sơn phá thạch. Để kế thừa và phát huy gia tài pháp bảo cao quý đó, đề tài “Thao thức của thế hệ trẻ về “Kinh tụng” của Hệ phái trong thời đại mới” nói lên niềm thao thức, ưu tư về một bản kinh tụng riêng của Hệ phái trong bối cảnh hiện nay. Trong thời hội nhập, ngoài việc tu hành cho tự thân ra, chúng ta cần truyền bá đạo pháp bằng nhiều phương tiện hữu hiệu. Hiện nay, Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN đã tiến hành kế hoạch thống nhất tất cả các nét văn hoá cho ba Hệ phái chính của Giáo hội. Một trong những nội dung thống nhất đó chính là thống nhất về nghi lễ và ngôn ngữ. Bản kinh tụng sẽ là một nội dung quan trọng mang tính đặc thù của Hệ phái và cần được quan tâm một cách thiết thực.
Trong tương lai gần, để đầu tư biên soạn và chuyển dịch từng bài kinh không phải là chuyện dễ dàng, tuy nhiên nếu chúng ta đoàn kết một lòng và chung bầu nhiệt huyết thì việc biên soạn kinh tụng vẫn có thể hoàn thành trong nay mai. Qua bài tham luận này, chúng con rất mong nhận được sự chứng minh, gia hộ và ủng hộ từ hàng Giáo phẩm đến đại chúng Tăng Ni về việc biên soạn Kinh tụng cho Hệ phái.
Việc làm thiết thực này cũng là thể hiện khả năng của thế hệ trẻ sau khi đã tốt nghiệp các học vị được xem là cao nhất trong sự nghiệp học vấn. Thế hệ trẻ cần phải tham gia đóng góp tài năng và trí tuệ của mình để không cô phụ công ơn chư Tôn đức dưỡng nuôi và không lãng phí đi thời gian bao nhiêu năm học tập, nghiên cứu của mình.
Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.
CHÚ THÍCH
______________________________________________________________________________
[1] Lê Kim Kha (dịch), Giáo trình Phật học (Buddhism Course - Chan Khoon San), Nxb. Phương Đông, 2011.
[2] HT. Quảng Độ (dịch), Phật Quang đại từ điển, p. 2645.
[3] TT. TS. Thích Nhật Từ, Ý nghĩa của kinh và tụng kinh, đăng trên website: www.budsas.org/ truy cập ngày 7/6/2020.
[4] Sđd
[5] Trong bài nghiên cứu, phần dẫn nhập, TT. TS. Nhật Từ sử dụng các khái niệm mặc định, trong đó Ngài tạm gọi quyển Nghi thức Tụng niệm là Nghi thức Khất sĩ, viết tắt là NTKS. Như vậy, từ viết tắt NTKS là chỉ cho quyển Nghi Thức Tụng Niệm của Hệ phái Khất Sĩ.
[6] NTBT, viết tắt của Nghi thức Bắc tông.
[7] TT. TS. Thích Nhật Từ, Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam, bài viết ngày 02 tháng 3 năm 2014, đăng trên website: www. thuvienhoasen.org/ truy cập ngày 07/6/2020.
[8] Nhiều tác giả, Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, 2018.
[9] Sđd.
THAM KHẢO
______________________________________________________________________________
- Kinh Trung bộ - HT. Minh Châu dịch.
- Kinh Tạp A-hàm - Thích Đức Thắng dịch.
- Chơn lý - Tổ sư Minh Đăng Quang.
- Luật nghi Khất sĩ - Tổ sư Minh Đăng Quang.
- Nghi thức Tụng niệm - Hệ phái Khất sĩ.
- Phật học Phổ thông - HT. Thiện Hoa.
- Phật học Cơ bản - Ban Hoằng pháp TW.
- Giáo Trình Phật Học - Phạm Kim Khánh dịch.
- Đức Phật Và Phật Pháp - Phạm Kim Khánh dịch.
- Phật Quang Đại Từ Điển - HT. Quảng Độ dịch.
- Huệ Quang Đại Từ Điển - Viện Nghiện cứu Phật học.
- Từ Điển Phật Học - Đoàn Trung Còn.
- Phật Giáo Trong Thời Đại Chúng Ta - Nhiều tác giả.
- Tham luận, Ý nghĩa của kinh và tụng kinh và Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam - TT. TS. Thích Nhật Từ
Và một số websites: www. daophatngaynay.com, www. giacngoonline.com, www. daophatkhatsi.net, www. thuvienhoasen.com, www, hoalinhthoai.com, www. tinhxalocuyen.net, www. phatgiao.org, www. nigioikhatsi.net, www. anhnhiendang.com…
Các bài viết liên quan
- Báo cáo Tổng kết Khóa Bồi dưỡng Kinh nghiệm Trụ trì lần thứ 17, PL. 2564 - DL. 2020 - Hệ phái Khất sĩ - Thứ Ba, 12:18 07-07-2020 - xem: 3521 lần
- Báo cáo Quỹ Pháp học Khất sĩ 2020 - Thứ Bảy, 12:42 20-06-2020 - xem: 3606 lần
- Báo cáo Ban Tổ chức khóa tu của Hệ phái Khất sĩ - Thứ Bảy, 12:37 20-06-2020 - xem: 3821 lần
- Báo cáo của Ban Văn hóa – Truyền thông Hệ phái Khất sĩ - Thứ Sáu, 18:23 19-06-2020 - xem: 3751 lần
- Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020 - Thứ Tư, 20:16 17-06-2020 - xem: 4480 lần
- Học, tu và phụng sự: Ba yếu tố căn bản của vị trụ trì - Thứ Ba, 19:59 16-06-2020 - xem: 4461 lần
- Bế mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì, PL. 2564 – DL. 2020 - Thứ Ba, 05:12 16-06-2020 - xem: 4346 lần
- HT. Giác Toàn: Thăm đại chúng buổi cuối cùng trong khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2020 - Thứ Ba, 11:30 16-06-2020 - xem: 4031 lần
- Trách nhiệm của người Thầy trong thời đại mới - Thứ Hai, 16:18 15-06-2020 - xem: 4520 lần
- Báo cáo và chia sẻ phương hướng của các Ban trong Hệ phái - Thứ Hai, 14:45 15-06-2020 - xem: 3796 lần
- Cách tổ chức khóa thiền Vipassana - Thứ Hai, 11:53 15-06-2020 - xem: 6182 lần
- Báo cáo và chia sẻ về công việc sắp tới của Ban tu thư - Thứ Hai, 11:05 15-06-2020 - xem: 3975 lần