CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Thượng tọa Minh Thành: Cõi Phật và các cõi khác là một hay khác?

Sáng ngày 6-6, Thượng tọa Minh Thành, UVTT HĐTS kiêm Phó Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN, Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký HPKS đến với khóa Bồi dưỡng trụ trì qua đề tài: “Cõi Phật và các cõi khác là một hay khác?”

Với sở học uyên bác của mình, Thượng tọa Minh Thành đã trình bày đề tài của mình rất mô phạm và lôi cuốn. Khởi phát từ nội dung những phạm trù giáo lý mà Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì đưa ra, đồng thời, Thượng tọa muốn thể hiện quan điểm về đề tài nghiên cứu ngang qua tác phẩm “Đọc Chơn lý - Trăng soi nẻo về”  - các bài viết nghiên cứu trong Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Qua đó thấy rằng Chơn lý của Tổ sư càng đọc càng nhiều sáng tỏ những điều những lần đọc trước chưa nhận ra, nhờ đó, tư tưởng của Tổ sư dần thấm vào tâm hồn của mỗi người đọc.

Thượng tọa lần lượt trình bài 4 nội dung để nói lên tầm quan trọng của đề tài phân tích về cõi Phật qua 4 luận cứ như sau

1. Ngang qua kinh tạng Nikaya: là Cõi Phật mà đức Phât Cồ-đàm tức là cảnh Phật của các vị A-la-hán. Quá trình chứng được quả vị A-la-hán tức là bước vào cảnh giới của cõi Phật được đề cập trong kinh điển Nikaya, đặc biệt là 2 tác phẩm: Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh điển Pali của Bhikkhu BodhiTrung bộ kinh. Qua đó, Thượng tọa giảng sư đưa ra các hình ảnh cõi Phật đạt được qua sự chứng đắc tuần tự 4 quả Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Đồng thời đó cũng là tiến trình lần lượt chứng đắc từ sơ thiền đến tứ thiền và chứng được Tam minh.

2. Cõi Phật trong Chơn lý tương ứng tư tưởng Hoa Nghiêm. Bộ Chơn lý của Tổ sư cũng chứa đựng những mảng ý tưởng mang bóng dáng của tư tưởng giáo lý Hoa nghiêm, thường gọi là Hoa tạng thế giới. Trong Chơn lý Công lý vũ trụ, Tổ sư khẳng định: “Công lý sanh ra giáo lý, giáo lý có hai, để đem lại công lý là một, nên gọi rằng giáo lý là pháp thế gian tương đối để đêm đến lại sự giác ngộ là công lý pháp Phật tuyệt đối…. vậy nên gọi cõi đời là cõi Phật”. Cõi Phật và cõi đời lồng vào nhau, Phật đã thành, Phật đang thành, Phật sẽ thành Phật hết. Cõi trần đây cũng chính là cõi Phật đã thành, đang thành, sẽ thành.

3. Cõi Phật trong Chơn lý tương ứng với giáo khoa Phật giáo. Chơn lý Công lý võ trụ, Tổ sư dạy: “Đợi đến chừng đắc quả rồi, mới đem đạo lý giáo hóa cho cả chúng sanh chung, một thời nói pháp cho cả vạn ngàn người nghe, một lời thốt ra để mãi trong thế gian, ghi sâu trong sách sử, triệu kiếp quý giá hơn kim cương, một câu giảng dạy cứu khắp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn thiên đưa về cõi Phật”. Như vậy, theo Chơn lý thì cõi Phật so với các cõi khác là khác chứ không phải là một.

4. Cõi Phật trong Chơn lý tương ứng giáo lý Quán Thế Âm. Tổ sư dạy: “Như Phật Thích-ca xưa khi đắc quả A-la-hán rồi thì đi giáo hóa cho khắp chúng sanh mà đền ơn xưa nghĩa cũ, khi thì vào địa ngục giải cứu chỉ dạy… ngạ quỷ… làm thú… thọ thần, cõi người…, sanh lên trời giáo hóa chư thiên, sau khi kiếp chót đền trả công ơn của chúng sanh rồi, trong tâm mới được yên vui nhẹ nghiệp mà vào cảnh vắng lặng Niết bàn”. Đây là ví dụ điển hình cho tư tưởng hóa thân, hóa hiện thân tướng khác nhau của Bồ-tát Quán Thế Âm để cứu độ muôn loài chúng sanh.

Nhận định trong phần kết luận, Thượng tọa cho rằng cõi Phật khi đã nắm chắc về mặt nhận thức thì có thể triển khai, biểu hiện trên nhiều khía cạnh như văn chương, thi ca, họa vẽ, điêu khắc… để thấy rằng cõi Phật không chỉ là lý tưởng mà một hành giả chân thành hướng đến, không chỉ là cảnh giới siêu nhiên trác tuyệt mà còn là cảnh giới đầy sắc màu hiện thực và sinh động vô cùng.

Giảng đường Minh Đăng Quang

>> Nghe toàn bộ bài pháp tại đây

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan