Tinh thần Truyền đăng tục diệm của Đức Tổ sư
- NT. Yến Liên
- | Thứ Hai, 06:55 27-05-2019
- | Lượt xem: 3842
A. Dẫn nhập
Trong Kinh Makhàdeva, Đức Phật khi chưa giác ngộ, còn là vua Makhàdeva, đã thiết lập truyền thống Tứ Vô Lượng Tâm cho thế hệ con cháu. Truyền thống này không đưa đến “yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn”, mà chỉ đưa đến hưởng thụ Thiên lạc.
Đến khi giác ngộ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã thiết lập truyền thống Bát Thánh Đạo cho các đệ tử. Đức Phật dạy rằng:
– Truyền thống Bát Thánh Đạo mà Ta thiết lập sẽ đưa đến “Yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn”, và Đức Phật đã dặn dò chư Tỳ-kheo: “Truyền thống tốt đẹp này, hãy tiếp tục duy trì. Các ông chớ có thành người tối hậu sau Ta”.
Ngày nay, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang với tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” đã “Tiếp tục duy trì” truyền thống tốt đẹp ấy. Qua quyển Chơn Lý “Bát Chánh Đạo”, Đức Tổ sư đã trình bày, hướng dẫn đời sống của một người Khất sĩ thực hành 8 chi phần một cách rõ ràng. Với tinh thần Truyền đăng tục diệm, Đức Tổ sư đã nối truyền, truyền thống tốt đẹp ấy.
Hôm nay, thế hệ chúng ta, chúng con xin hết lòng quy ngưỡng về với truyền thống này.
Ni trưởng YẾN LIÊN - Giáo phẩm Ni giới GĐ. I, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn, Vĩnh Long
B. Nội dung
Sự thực tập để đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn:
1. Những bài học đầu đời khi là Sa-di
Trong quyển Chơn Lý “Y Bát Chơn Truyền”, Đức Tổ sư đã khẳng định: “Người Khất sĩ chỉ có 3 pháp tu học vắn tắt là Giới - Định - Tuệ” mà Giới - Định - Tuệ là sự thu gọn của Bát chánh đạo. Do vậy người mới xuất gia bước đầu là phải giữ Giới.
Lý tưởng của người xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo - Hạ hóa chúng sanh” là một lý tưởng lớn lao, thế nhưng tất cả sự lớn lao đó phải bắt đầu từ những việc nhỏ, đó là nếp sống của người Sa-di, cũng như một cỗ máy lớn phải được lắp ráp từ những phụ kiện nhỏ.
Những bài học của lớp Sa-di đã được Tổ sư ghi rành chỉ rõ trong quyển Luật Nghi, đó là những phép tắc, oai nghi, giới điều mà người Sa-di phải học thuộc lòng để thực hành. Những khuôn phép đó là để đào tạo một người xuất gia có giới hạnh và cũng là nền tảng tiến lên lớp Tỳ-kheo.
Giới làm tốt đẹp cho thân khẩu, từ cách đi đứng ngồi nằm, v.v… của thập lục hạnh…, bổn phận làm trò đối với thầy…, cách sống với chúng…, từ các công việc làm hàng ngày… như trong môn oai nghi đã dạy…. cùng mười giới Sa-di để viên tròn Sa-di hạnh. Từ sự viên tròn giới hạnh, con bắt gặp lời dạy này của Tổ: “Hằng coi xem sự hành động về thân khẩu ý của mình và ráng tham thiền quán xét cho thấu lẽ đạo”.
Coi xem hành động về thân khẩu ý là điều kiện để tự mình quản lý thân tâm mình và dần làm chủ chính mình, mà đó cũng là để thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
Như trong Kinh Điều Ngự Địa trình bày rằng khi nhà vua muốn bắt con voi ở rừng về để sử dụng, thì đầu tiên phải uốn nắn cho nó đừng nhớ rừng, kế đến có 5 cách huấn luyện cho nó thuần thục không còn tính cách rừng rú, bấy giờ mới có thể sử dụng theo ý muốn của vua.
Cũng vậy người xuất gia khi xa lìa nếp sống phàm phu để trở nên bậc Hiền Thánh, bước đầu cũng phải có 5 tiến trình điều phục tâm. Năm tiến trình điều phục đó là:
1. Thu thúc bởi Giới bổn Patimokkha
2. Thu thúc 6 căn
3. Tiết độ ăn uống
4. Chú tâm cảnh giác
5. Chánh niệm tỉnh giác
2. Lối vào cửa đạo: Niệm – Định – Tuệ
Sau sự huấn luyện bước đầu, chánh niệm tỉnh giác được nuôi dưỡng lớn mạnh. Chính chánh niệm ấy tạo thành năng lực giúp cho sự quản lý trong mọi hành vi cử động của thân, hành động của lời, niệm tưởng sanh khởi của tâm ý được chặc chẽ hơn. Với Niệm thường xuyên như vậy sẽ đưa đến Định tức là không rời đối tượng, kế đến sự rõ biết đối tượng sẽ bén nhạy hơn đó là Tuệ. Như vậy, Niệm - Định - Tuệ sẽ có thường xuyên trong đời sống sinh hoạt, đó gọi là Tu. Sự huấn luyện này không chỉ ở lớp Sa-di hay đến lớp Tỳ-kheo mà là cho đến khi tâm ta thuần thục.
Ví như một việc nhỏ quét nhà cũng là tu, vì lúc quét biết thế nào đúng oai nghi là Niệm - luôn ghi nhớ như vậy là Định - và rõ biết mình làm đúng sai là Tuệ. Như vậy tu không phải làm những gì quá lớn lao, mà chỉ là những việc làm nhỏ nhặt hằng ngày trong mọi công việc hay như mọi hoàn cảnh đều có đủ Niệm - Định - Tuệ.
Đây cũng tức là hằng coi xem sự hành động về thân khẩu ý của mình đã được huấn luyện để làm lắng dịu tham, sân, si. Tiếp tục, chúng ta còn phải bước đến cao hơn nữa để thành tựu viên mãn sự chấm dứt tham, sân, si.
3. Thành tựu viên mãn Giới – Định – Tuệ
Tiếp đến câu dạy của Đức Tổ sư là “ Ráng tham thiền quán xét cho thấu lẽ đạo”. Khi Niệm - Định - Tuệ lớn mạnh nó ngầm chứa Giới – Định – Tuệ, nhưng chỉ là Giới – Định – Tuệ ban đầu. Định này chưa phải chứng thiền của “thiền chỉ”, nhưng có năng lực định sát-na của “thiền quán”. Với nền tảng tâm vắng lặng có thể tiếp nhận được chơn lý Tứ đế.
Kinh Căn Bản Pháp Môn, Đức Phật dạy: “Hãy thân cận bậc Thánh bậc Chân nhân, hãy học hỏi pháp các bậc Thánh bậc Chân nhân, hãy tu tập pháp bậc Thánh bậc Chân nhân, hãy thuần thục pháp các bậc Thánh bậc Chân nhân”, tức phải thường xuyên nghe diệu pháp.
Được nghe diệu pháp từ người khác với như lý tác ý - nghe người khác với tâm suy tư làm cho tuệ phát sanh. Rồi tiếp tục nghe với như lý tác ý, với tâm suy tư, làm cho tuệ được sắc xảo, kế đến tuệ được sắc bén, với tuệ sắc bén cắt nghi thành tựu trí tuệ như thật chứng quả Tu-đà hoàn. Rồi nhờ thấy như vậy, nhờ biết như vậy, tức tiếp tục tuệ tri “Bốn Chân lý” làm cho lậu hoặc tuần tự đoạn trừ đến chứng quả A-la-hán là chấm dứt tham, sân, si trong ba cõi. Như trong môn oai nghi, ở đoạn Đi các chỗ học đạo, Tổ sư dạy: “Nếu tâm được tịnh định, thì trí huệ sẽ sáng thông đắc lần từ loạt quả đạo, theo đường vô lậu Chánh đẳng Chánh giác, mà đắc được Vô sanh quả A-la-hán và nhập Niết-bàn”.
Từ khi được xuất gia bước chân vào đạo, làm người Sa-di học tập các học giới cho đến khi là Tỳ-kheo thì câu: “Hằng coi xem sự hành động về thân khẩu ý của mình và ráng tham thiền quán xét cho thấu lẽ đạo”, là một tiến trình tu tập đưa đến yểm ly, ly tham, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn, một đạo lộ thù thắng để đi đến chấm dứt khổ đau trong ba cõi.
C. Kết luận
Khi xuất gia tu học, sự giáo hóa từ Thầy Bổn sư đã cho ta kiến thức Phật pháp, uốn nắn cho ta thành người có đạo hạnh và hướng dẫn cho ta từng bước đi đến sự giác ngộ. Tích lũy nguồn giáo dưỡng đó để có một lý tưởng vững chắc định hướng cho sự dừng nghỉ của kiếp luân hồi.
Khi còn là Trò, ta đã tiếp nhận những tinh hoa của thế hệ trước; đến khi là Thầy, ta có bổn phận truyền đạt kinh nghiệm lại cho thế hệ đệ tử sau này. Mặc dầu ngày nay chưa đi đến đích cuối, nhưng từng bước chia sẻ những gì ta kinh nghiệm. Như trong Chơn Lý “Hòa Bình” có câu: “Học bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi rút nhiều kinh nghiệm. Dạy là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh mở ra con đường sáng lạng cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo”.
Như vậy, làm sao ta truyền đạt được định hướng và con đường đưa đến định hướng cho hàng đệ tử, sự thực tập những bài học ấy và những bổn phận của người xuất gia sẽ từng bước thành tựu. Trong lúc truyền đạt, làm sao cho phù hợp căn cơ của đệ tử, làm cho người đệ tử thực hành bổn phận trong tinh thần giác ngộ, chớ không phải nô lệ trong bổn phận Thầy Trò, thực hành như thế mới đúng tinh thần giải thoát của người con Phật, tức là lấy pháp làm đạo sư, lấy pháp làm y chỉ, sống và nương tựa với pháp.
Trong bài Kinh Makhàdeva, Đức Phật đã dạy:
– Con đường Bát Thánh đạo mà Đức Phật đã thiết lập: “Hãy tiếp tục duy trì, các ông chớ là người tối hậu sau Ta”.
Thực hành lời dạy ấy để thành tựu lý tưởng Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, là ta đã tiếp nhận được tinh thần Truyền đăng tục diệm mà Đức Tổ sư đã dày công khai vạch.
Các bài viết liên quan
- Ni sư Nguyện Liên: Nghĩ về vấn đề học-tu-dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Năm, 08:05 07-06-2018 - xem: 4526 lần
- Thượng tọa Minh Thành: Cõi Phật và các cõi khác là một hay khác? - Thứ Tư, 23:27 06-06-2018 - xem: 5085 lần
- Hòa thượng Thích Minh Thông: Luật học với vị trụ trì - Thứ Tư, 19:36 06-06-2018 - xem: 5320 lần
- Hòa thượng Giác Pháp: Tu tập Tứ y pháp trong giai đoạn hiện nay - Thứ Tư, 07:49 06-06-2018 - xem: 5896 lần
- Hòa thượng Minh Bửu: Kinh nghiệm trụ trì - Thứ Ba, 22:36 05-06-2018 - xem: 4961 lần
- Hòa thượng Giác Hà: Tâm đức của người trụ trì - Thứ Ba, 17:50 05-06-2018 - xem: 5290 lần
- Khóa Bồi dưỡng trụ trì - ngày thứ tư - Thứ Hai, 22:51 04-06-2018 - xem: 2816 lần
- HT. Thích Thiện Nhơn: Trách nhiệm trụ trì với Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Hai, 13:59 04-06-2018 - xem: 5339 lần
- Vai trò trụ trì trong sự nghiệp hoằng pháp và quản lý tự viện - Chủ Nhật, 17:26 03-06-2018 - xem: 387 lần
- Khóa Bồi dưỡng trụ trì - sáng ngày thứ ba - Chủ Nhật, 16:24 03-06-2018 - xem: 3879 lần
- Tinh thần "Nối truyền Thích-ca Chánh pháp" và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì - Chủ Nhật, 14:25 03-06-2018 - xem: 6511 lần
- Hướng dẫn kỹ năng truyền thông cho Tăng Ni Khất sĩ - Chủ Nhật, 10:34 03-06-2018 - xem: 4567 lần