CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: HT. Giác Pháp nói về “Tâm đức của vị Trụ trì” tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023 Ngày thứ ba

Sáng ngày 07/06 (nhằm ngày 20/04 Quý Mão), Khóa bồi dưỡng Trụ trì PL.2567 – DL.2023 đã bước vào ngày làm việc thứ ba, với buổi thuyết giảng chủ đề “Tâm đức của vị Trụ trì”.

Buổi thuyết giảng ngày thứ ba do HT. Giác Pháp - UV HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó BTS GHPGVN  TP.HCM, Tri sự trưởng Giáo đoàn V, chủ trì thuyết giảng đến chư Tôn đức Tăng Ni trong Khóa bồi dưỡng Trụ trì. 

Mở đầu buổi thuyết giảng, HT. Giác Pháp nhấn mạnh: “Trụ trì là người thay mặt cho Giáo hội, Hệ phái, Tăng đoàn có trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, tiếp Tăng độ chúng, giáo hóa cư gia và thực hiện các mối quan hệ với các tổ chức trong xã hội. Vì vậy trách nhiệm của vị trụ trì rất lớn. Ngoài trình độ, kiến thức ra, người trụ trì cần có một yếu tố cực kỳ quan trọng để thừa hành Phật sự đó là “Tâm đức của vị trụ trì”, nếu thiếu yếu tố này, dù cho tài giỏi đến đâu vẫn không thể làm cho ngôi đạo tràng mình đang quản lý nói riêng, đạo pháp nói chung được quang huy, hưng thạnh”.

Theo Hòa thượng, để có thể trở thành một vị trụ trì, trước hết cần xét đến hai yếu tố: “Đạo hạnh của người xuất gia” và “Tâm đức của vị trụ trì”. Hơn ai hết, người trụ trì cần xác định và thực hiện nghiêm túc năm đức của người xuất gia:

  • Phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố.
  • Hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố.
  • Cát ái từ thân, vô thích mạc cố.
  • Uỷ khí thân mạng, tôn sùng đạo cố.
  • Chí cầu Đại thừa, vị độ nhân cố.

Xét đến khía cạnh “tâm – đức”, Hòa thượng nêu rõ hai điểm chính yếu, đó là “tế độ người xuất gia” và “cảm hóa hàng cư sĩ tại gia”. Trong đó, việc tế độ người xuất gia được đặt lên hàng đầu trong công tác hoằng pháp lợi sanh, bởi lẽ chỉ có người xuất gia lìa bỏ gia đình, không còn bị gia đình ràng buộc mới có thể rảnh rang lo việc hoằng pháp lợi sanh, chỉ có người xuất gia mới có khả năng thành tựu đạo quả, tiếp nối một cách rạng rỡ giòng giống chư Phật (tam thế chư Phật bất thuyết tại gia thành đạo).

Do đó, theo Hòa thượng, người Trụ trì cần thể hiện nếp sống hòa đồng, thương yêu chăm sóc đệ tử, hướng dẫn và hết lòng dìu dắt người đệ tử, hàng hậu học, Đó cũng là sự xiển dương, củng cố và phát triển cho Tăng đoàn vậy.

Sau mới kể đến cảm hóa hàng cư sĩ tại gia, đây là hai chúng trong tứ chúng của đức Phật, một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hàng đệ tử Phật. Hòa thượng chỉ rõ, cảm hóa hàng cư sĩ tại gia cũng như là tế độ người xuất gia vậy, phải bằng tất cả tấm lòng và có phương pháp. Không tham cầu tín đồ cho đông, phải ra sức giáo dưỡng, tạo điều kiện để họ tu tập, không lợi dụng.

Khép lại buổi thuyết giảng chủ đề “Tâm đức của vị trụ trì”, HT. Giác Pháp một lần nữa nhấn mạnh: “Người trụ trì có trách nhiệm phải thể hiện tốt chức năng của ngôi đạo tràng tịnh xá là “hoằng pháp lợi sanh”, phải lấy việc tiếp Tăng độ chúng, cảm hóa hàng cư sĩ tại gia làm trách nhiệm hàng đầu, không thể lơ là xem nhẹ hoặc ích kỷ tư lợi. Người trụ trì có tâm đức là người sống vì đạo pháp, vì chúng sanh, không sống cho riêng mình”.

 

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan