CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: “Quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang về Giới - Định - Tuệ” được thảo luận tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024

Sáng ngày thứ 3 của Khóa BDTT 2024, 27/5/2024 (nhằm 20/4/Giáp Thìn), diễn ra tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chư Tăng Ni HPKS đã được lắng nghe thời pháp thoại và thảo luận quanh chủ đề “Quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang về Giới - Định - Tuệ” do HT.Giác Giới - Phó Thư ký kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh GĐ.I, chủ trì.

Mở đầu thời pháp, HT.Giác Giới cho biết tông chỉ và mục đích của HPKS y theo lời dạy của Tổ sư phải đảm bảo 3 điều sau:

- Tôn chỉ: “Nối truyền Thích-ca chánh pháp”,
- Mục đích: Đạt chánh đẳng chánh giác, quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn.
- Đường hướng tu tập: là Giới - Định - Tuệ hay Bát Chánh Đạo.

Trong đó, các phương pháp giảng dạy được Đức Tổ sư chú trọng, phải hướng đến việc giúp các hành giả thuần thục Giới - Định - Tuệ, như lời Tổ dạy trong Chơn lý rằng: “Người chỉ giữ Giới mà không tu Định - Huệ thì không trọn là người Khất sĩ”. Điều này khế hợp với lời dạy của Đức Phật trong Kinh Pháp cú: “Chỉ khất thực nhà người đâu gọi là Tỷ-kheo”.

Qua đó, Hòa thượng khẳng định, khất thực thôi là chưa đủ, cần phải hành pháp toàn diện, tức thực hành Giới - Định - Tuệ: “Khi Tăng chúng ngồi lại cùng nhau, đây là cơ hội tốt nhất để sống chung tu học, nên cần ghi nhớ có hai việc cần làm: Một là, học cho thấy rõ khổ (liễu tri khổ); Hai là, học làm tăng trưởng cái biết về nguyên nhân và sự nguy hiểm của khổ, từ đó viễn ly, nhàm chán, ghê sợ khổ. Với hai sự học này sẽ giúp người tu nâng cao hỷ lạc đưa đến viễn ly khổ não, làm cho phạm hạnh được trường tồn”.

Nói về con đường đoạn diệt khổ đau, Hòa thượng cho rằng, để diệt khổ, có những hành giả chọn cách sống khổ hạnh, lấy khổ áp chế khổ, mặt khác cũng có người lấy dục lạc để trừ khổ não. Theo Hòa thượng, là người xuất gia, chúng ta cần tìm cầu những pháp lạc cao hơn, đó là thiền lạc, dùng thiền lạc đối trị tất cả những khổ đau trong cõi dục giới.

Hòa thượng khẳng định: “Nếu trong kinh Phật dạy rằng, Niết-bàn là tối thắng an tịnh thì Giới - Định - Tuệ chính là con đường giác ngộ đưa đến sự an tịnh ấy. Muốn đi đến Niết-bàn, đến được bờ giác, tối thắng an tịnh thì phải đoạn tận tham - sân - si. Để đoạn tận được tham - sân - si, trước hết phải nghiêm trì giới luật, ghi nhớ và thực hành miên mật Tứ diệu đế. Bởi như Tổ sư Minh Đăng Quang khẳng định, Tứ y pháp là pháp đứng đầu trong tạng Luật, đây là Chánh pháp. Không chỉ dừng lại đó, người xuất gia còn cần nỗ lực tu học trau dồi giáo lý, tìm hiểu kinh điển, đảm bảo ba yếu tố văn - tư - tu, tức học kết hợp với tư duy thì mới nhận ra con đường chánh đạo dẫn đến bờ giác”.

Đồng thời, trong Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Các vị xuất gia cần hãy luôn luôn quán sát: Đêm ngày trôi qua bên ta và nay ta đã thành người như thế nào?”, qua đó nhắc nhở mỗi vị hành giả phải thường quán sát lại chính mình. Vị Tỳ-kheo để xứng đáng là đệ tử Phật cần tự vấn về “thành tựu các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, bậc Chân nhân hay chưa?”, hoặc tối thiểu là chứng được quả chứng nào hay chưa?

Đức Tổ sư cũng dạy: “Lìa cha mẹ, bỏ nhà cửa đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu-đà-huờn”. Con đường ấy được Đức Tổ sư giới thiệu qua Chơn lý - số 67 nói về Giới, Chơn lý - số 68 nói về Định, Chơn lý - số 69 nói về Tuệ. Từ đây, Hòa thượng chia sẻ mục đích việc học phải đi kèm với thực tu: “Trí huệ là để nuôi chơn như, không chơn như thì cần chi trí huệ, mà không phải là sự cố chấp rằng tài học, trí hay, phiền não luân hồi sanh tử, là cao giỏi”, (Chơn lýHọc để tu”, số 42).

Hòa thượng khẳng định: “Chúng ta không chỉ học một lần mà học đi học lại rất nhiều lần, phải thẩm thấu trong tâm, phải lấy sự tu tập chánh tâm làm cuộc sống của chính mình, là mỗi hơi thở của mình. Ngày nào thiếu chánh tâm, ngày đó xem như ta đã chết. Như lời dạy của Tổ Hoằng Nhẫn: ‘Khi chưa kiến tánh thì tu uổng công vô ích’. Tổ Khánh An thì dạy rằng: ‘Tu không học là tu mù’. Vô ích đây là đối với pháp siêu thế ‘vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ’, chứ thiện pháp thì vẫn có lợi ích. Hoặc HT.Từ Thông có nói: ‘Tiến sĩ không bằng Khất sĩ’. Khất sĩ ở đây được hiểu là Khất sĩ trong Tăng đoàn đức Phật (bố ma, phá ác), chứ không phải nói riêng HPKS. Theo đó, nếu chúng ta tu tập có chánh kiến, thấy rõ con đường đạo thì mới gọi là Khất sĩ theo Phật, theo Tổ sư”.

Bên cạnh đó, để xây dựng một Tăng đoàn đúng theo thời Đức Phật, cũng là báo đáp ân Đức của Tổ sư Minh Đăng Quang - vị Tổ khai sáng HPKS, HT.Giác Giới sách tấn: “Mỗi vị Trụ trì cần ghi nhớ ba yếu tố cơ bản khi đảm nhiệm trọng trách trụ trì: Học, tu và phụng sự trong chánh pháp. Như Đức Thế Tôn dạy: ‘Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu...’ (Kinh Trường bộ, số 16). Như vậy, mỗi vị Trụ trì cần ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc làm gương sáng, giáo dưỡng hàng hậu học, mà bản thân cũng cần chú trọng tự bồi dưỡng oai nghi, đạo hạnh và trí tuệ cho chính mình bằng con đường tu tập Giới - Định - Tuệ mà Tổ sư đã chỉ dạy, không nằm ngoài tư tưởng và lời dạy của Đức Phật”.

 

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan