CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

TP.HCM: TT.Thích Phước Nguyên đề cao yếu tố “làm chủ bản thân” trong quản trị và lãnh đạo tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2024

Sáng 29/5/2024 (nhằm 22/4/Giáp Thìn), TT.Thích Phước Nguyên - Phó Tổng Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH đã có chuyến thăm và chia sẻ cùng chư Tôn đức Tăng Ni tại Khóa BDTT 2024 - Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), với chủ đề “Các yếu tố quản trị và lãnh đạo” dưới góc nhìn Phật giáo.

Tại buổi chia sẻ, TT.Thích Phước Nguyên đã giải thích các khái niệm về quản trị, quản trị hành chính, lãnh đạo, điều hành Phật sự, yếu tố của quản trị và ứng dụng quản trị trong đời sống tu tập. Thượng tọa nêu bật 4 yếu tố quan trọng trong quản trị, đó là: hoạch định kế hoạch, tổ chức nhân sự, trình độ lãnh đạo và hệ thống tuân thủ. Trong đó, quản trị cuộc đời, hay quản trị, làm chủ bản thân, là yếu tố quan trọng nhất để lãnh đạo và quản trị theo quan niệm Phật giáo.

Thượng tọa khẳng định, việc quản trị cuộc đời không chỉ là quản lý các khía cạnh vật chất bên ngoài, mà đối với người xuất gia, còn cần phải phát triển tâm linh, cũng như các khía cạnh đạo đức bên trong. Để quản lý tốt cuộc đời, Thượng tọa đề xuất 4 yếu tố chính:

1. Làm chủ bản thân

Một người cần có khả năng tự nhận thức để hiểu rõ động lực, giá trị, và mục tiêu của mình để lãnh đạo một cách chân thật, có đạo đức. Đặc biệt, cần kiểm soát được mọi cảm xúc, suy nghĩ để hướng đến mục tiêu cuối cùng, nhất là đối với người xuất gia, cần hết sức kiểm soát thân - khẩu - ý để đảm bảo tính chính trực. Từ sự kiểm soát tốt bản thân ấy, chúng ta tự chủ được suy nghĩ và dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn bất ngờ xảy đến một cách có trí tuệ và từ bi. Sự rèn luyện tự chủ thân - khẩu - ý không chỉ giúp người xuất gia phát triển về năng lực quản trị và lãnh đạo một tổ chức, mặt khác còn đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trên con đường tu tập tự thân.

2. Khả năng nhận thức

Phật giáo khuyến khích việc phát triển trí tuệ thông qua học tập và thiền định, giúp nâng cao tỉnh thức. Sự tỉnh thức là yếu tố quan trọng giúp nhà lãnh đạo có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt mà không bị chi phối bởi cảm xúc hay mong muốn cá nhân. Theo đó, mỗi người tu tập cần nhận thức chính mình với những ưu - khuyết điểm, đi đến quá trình phân tích, chấp nhận và khắc phục ưu - khuyết điểm ấy.

3. Đức tính trung thực

Đức tính trung thực là điều tiên quyết phải có của người con Phật. Trung thực không chỉ là không nói dối mà còn bao gồm việc sống chân thật, minh bạch và ngay thẳng, thể hiện qua lời nói, việc làm và cả trong suy nghĩ. Rõ ràng, đức tính trung thực trung thực giúp con người tạo dựng lòng tin, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và dẫn đến sự thanh thản trong tâm hồn. Đối với người xuất gia, giữ vững đức tính trug thực cũng hỗ trợ trong việc giải thoát khỏi khổ đau và đạt đến giác ngộ.

4. Đức tính khiêm tốn

Quản trị cuộc đời cũng bao gồm việc tạo ra lợi ích cho mọi người xung quanh, chứ không chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Theo đó, để luôn tạo ra được lợi ích chung, người lãnh đạo là tu sĩ Phật giáo cần có lòng bao dung, tinh thần biết ơn (tri ân - báo ân), có khả năng lắng nghe và cảm thông với người khác, đặc biệt là cần trau dồi khả năng nhận lỗi về mình. Một vị trụ trì khi lãnh đạo cơ sở của mình với lòng tri ân báo ân sẽ có một thái độ tích cực và khuyến khích tinh thần phụng sự tốt từ những người theo sau. Sự khiêm tốn cũng sẽ giúp người xuất gia biết gạt bỏ bản ngã, không tự mãn và luôn tìm cách học hỏi để ngày một phát triển hơn.

TT.Thích Phước Nguyên khẳng định, mỗi Tăng Ni Trụ trì đều cần phải có năng lực quản trị thì mọi việc mới vận hành viên mãn. Trong đó, quản trị cuộc đời là việc mà mỗi cá nhân Tăng Ni cần phải làm để điều chỉnh và định hướng con đường tu tập của mình theo chánh pháp. Ở đây, người xuất gia phải tiên quyết giữ gìn giới hạnh, áp dụng những giáo lý của Đức Phật vào đời sống tu học để trưởng dưỡng đạo tâm, nhằm đạt được sự an lạc và giải thoát, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nơi mà các giá trị Phật giáo như từ bi, trí tuệ và hòa bình được tôn trọng và phát huy​.

 

*****

Dịp này, đại diện Ban Tôn giáo TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Trưởng ban, cũng đã có chuyến thăm và chia sẻ về tình hình tổng quan của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo TP.HCM nói riêng, trong khuôn khổ Khóa BDTT 2024 sáng 29/5/2024. Nêu rõ những định nghĩa về tôn giáo, ông Giang khẳng định tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, bao gồm việc giáo dục về pháp luật và lịch sử Việt Nam tại các cơ sở tôn giáo, nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của tín đồ Phật giáo đối với đất nước và xã hội. Đặc biệt, ông đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng Phật giáo trong việc chung tay cùng chính quyền các cấp chăm lo đời sống người dân qua các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, góp phần thiết thực lan tỏa những giá trị tích cực, đề cao triết lý từ bi và hỷ xả của đạo Phật.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan