CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tu tập, năng lực quản trị và hoằng hóa của một vị trụ trì

HTTriQuang a

Hôm nay, tại giảng đường này, tôi vô cùng hoan hỷ và nhớ lại cũng nơi này, trước đây là một bãi rác thành phố, bây giờ đã biến thành một ngôi chùa lớn, khuôn viên xung quanh rộng thoáng xinh đẹp. Thế nên mới biết, rác rưởi dơ bẩn không hề đáng ngại, nó đều có thể biến đổi trở nên tốt đẹp. Cũng thế, cuộc đời, đức Phật ví như nhà lửa, song chúng ta cũng có thể biến nó thành cõi bình an. Nhà lửa không đáng sợ, điều quan trọng là chúng ta có phương pháp chìa khóa để biến đổi nó.

Từ con người mang thân tứ đại ô uế này, chúng ta hãy làm cho nó trở thành năm phần pháp thân, tức tịnh hóa thân và tâm. Đức Phật sinh ra từ một con người nhưng chuyển hóa thành bậc Sa-môn thanh tịnh, tam nghiệp thuần khiết. Chúng sinh vì nghiệp chướng phiền não sinh vào cõi Ta-bà không có chọn lựa song hữu duyên gặp được giáo pháp, tinh cần học hiểu và thực hành hạnh của chư Phật, Tổ Thầy cũng trở nên bậc hiền nhân. Hãy nhìn xem khúc gỗ mục vô dụng kia, không thể tạc tượng Phật cũng không thể sử dụng được gì. Chúng ta không thể làm gỗ mục, không lõi chắc. Trong thân tướng tứ đại vô thường này, chúng ta huân tập hàm chứa một phẩm chất đạo hạnh cao đẹp mang lợi lạc ý nghĩa cho cuộc đời và mọi người. Nhớ lại tấm gương Tôn giả Bàn-đặc tu hành, đức Phật chỉ dạy Tôn giả quét bụi cho sạch, nhưng chẳng phải quét bụi bên ngoài mà là làm sạch bụi trong tâm. Khi Ngài hiểu rõ và chuyên tâm thực tập lời dạy của Phật, liền thành tựu quả vị A-la-hán.

Chúng ta hãy học theo hạnh Phật, chuyển hóa dần dần từ thô đến tế, từ việc nhỏ đến việc lớn. Hãy tập bỏ đi tánh tham ăn, ngủ nhiều, nói nhiều chuyến hóa thành ăn ít, ngủ ít, nói ít để dụng công tu học giáo pháp, công phu liên tục tịnh hóa thân tâm. Người có dụng công tu tập, oai nghi trang nghiêm, tâm tính thuần hậu. Người khoác cà-sa của hàng Sa-môn mà không huân tập sửa đổi, thân thường giải đãi, lời nói không chánh niệm, ý thường vọng tưởng rối ren, không thể nào được gọi là bậc Sa-môn chân chánh.

Đức Phật dạy: “Phá một phần vô minh phiền não, một phần giải thoát sẽ hiện ra”. Các vị trụ trì hãy là những vị Sa-môn chân chánh, thường tự nhắc nhở tự thân để làm tròn sứ mạng và đi đúng trên con đường Chánh pháp. Lại nữa, người trụ trì, đệ tử Phật hãy thường gần gũi thầy hiền bạn tốt để được khuyên nhắc tu hành pháp chánh, chuyển hóa nghiệp lực phiền não. Cũng như người bệnh thân cận thầy thuốc, uống thuốc đều đặn, bệnh mới mong khỏi. Thân bệnh không đáng ngại chỉ có tâm bệnh mới thật nguy nan cần được chăm sóc, điều trị đúng mức.

Người tu tập cần thường xuyên nhìn lại chính mình để tự chuyển hóa nghiệp lực. Nếu sau một thời gian tu tập, mọi người xung quanh không muốn tiếp xúc với mình, không có thiện cảm với mình, chúng ta hãy nhìn lại chính mình xem đã thực sự biết tu tập đúng đắn chưa. Cũng thế, nếu mình nhìn ai cũng thấy chuyện xấu của họ, không hoan hỷ hài lòng với ai cả, không tiếp xúc với ai cả, đó chính là chúng ta chưa chuyển hóa phiền não nơi chính mình.

Trong đời sống tu tập, việc siêng năng công quả cũng là một pháp lập công bồi đức, trang nghiêm tự thân. Nếu vị Sa-môn giải đãi, dã dượi, thật vô cùng nguy hiểm. Ngược lại, người có ý chí dấn thân với tinh thần vô vụ lợi, sẵn sàng chịu khổ hy sinh cho người, mới được đại chúng tôn trọng tán thán, chư thiên hoan hỷ hộ trì.

Hãy chọn người xuất gia với phương châm “tiếp dẫn hậu lại – báo Phật ân đức”. Vị trụ trì nên cân nhắc việc tu hành không chú trọng vào số lượng mà là chất lượng tu tập. Lại nữa, hãy giúp chuyển hóa cho những người bệnh hoạn bởi người bệnh hoạn lòng chất chứa ưu tư phiền não tràn đầy không thể tu tập, không thể làm việc lớn, còn khiến kẻ ngoại đạo chê cười. Đạo pháp còn có những kẻ như thế làm sao Phật pháp xương minh.

Cầu chúc chư vị trụ trì có một mùa an cư an lành trong chánh pháp.

HT. Thích Trí Quảng (Phó Pháp chủ GHPGVN)

SC. Liên Hoa (phiên tả)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan