CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vai trò trách nhiệm của vị trụ trì trong thời hội nhập và phát triển

I. KHÁI LƯỢC DANH XƯNG VÀ Ý NGHĨA CỦA TRỤ TRÌ

Trụ trì (主持), cũng gọi là Trụ trì chức. Danh xưng này là một thuật ngữ, buổi đầu vốn có hàm nghĩa trụ lâu ở thế gian để giữ gìn, bảo hộ Phật pháp. Vì thế, trong Kinh Viên Giác nói rằng: “Nhất thiết Như Lai quang nghiêm trụ trì” để giải thích hàm nghĩa đó; còn chỉ tạp danh thì về sau chỉ cho vị Tăng làm chủ và quản lý một ngôi già lam, tự viện nào đó.

Phật Quang đại từ điển1 giải thích nguồn gốc danh xưng của vị trụ trì thời xưa gọi là Duy Na, Tự chủ; từ đời Tống về sau, danh từ Trụ trì mới được sử dụng rộng rãi trong thiền lâm. Phật giáo truyền vào Trung Quốc khoảng 400 năm thì tổ Bồ-đề-đạt-ma đến nước này, lại truyền 8 đời mới đến Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, đều lấy đạo pháp truyền thụ nhau… chưa có tên gọi chức vụ trụ trì. Mãi cho đến đời Đường, thiền phong dần dần hưng thịnh, đồ chúng mỗi ngày một tăng. Trên từ vua quan vương công, dưới đến Nho Lão bách tính đều đến hỏi đạo. Nếu không tôn sùng cương vị của người lãnh đạo thì sư pháp không nghiêm, do đó mới tôn phụng thầy mình làm trụ trì mà gọi tôn trọng là Trưởng lão, về sau gọi là Phương trượng, như xưa kia bên Tây Trúc đã gọi tôn kính ngài Xá-lợi-phất và ngài Tu-bồ-đề do tuổi tác của các ngài lớn mà đạo đức lại cao vậy. Lại xây cất tăng đường rộng lớn để đồ chúng của trụ trì cư trú mà tu tập.

Buổi đầu lập đạo, đức Tổ sư luôn hướng dẫn Đoàn Du Tăng đi các nơi hoằng hoá, không một ngày dừng bước xao lãng, khi thì dùng thân giáo trì bình khất thực, khi thì dạy đạo chư đệ tử xuất gia, khi thì thuyết pháp khuyến tu bá tánh cư gia. Tổ sư chủ trương du phương hành đạo, không ở một chỗ, nên danh từ trụ trì thuở đó không được đề cập đến. Ngài dạy rằng: “Thuở xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả; các Ngài đi, đi mãi không ở trụ một chỗ; tịnh xá người ta cất ra để thỉnh Phật Tăng đến nghỉ chơn và dạy đạo; tịnh xá làm bằng cây lá sơ sài, gồm cả một khu vườn rộng, cốc am, nhà giảng; nhà giảng là nhà mát trống rộng để che mưa nắng, trong khi giảng đạo tạm thời, khi nào các Ngài đi thì bỏ hết, vì Tăng chúng luôn luôn theo Phật…”. (Chơn lý “Tông giáo”)

Như vậy, chúng ta thấy rằng chức vụ Trụ trì là danh từ của Phật giáo Bắc tông, buổi đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Trải qua quá trình phát triển, để có sự thống nhất trong quản lý tự viện ở Trung Hoa cũng như các nước trong khu vực phụ cận nên danh từ Trụ trì đã dần xuất hiện, làm cơ sở điều hành Phật sự. Trụ trì tức là Trụ Pháp Vương gia, Trì Như Lai tạng, là hạnh tu của một vị xuất gia giải thoát. Bởi vì “Trụ Pháp Vương gia” (ở nhà của đấng Pháp Vương), chỉ cho cõi nước của chư Phật. Pháp vương là tiếng tôn xưng đức Phật, cho nên cõi nước của Phật trụ được gọi là Pháp vương gia. Về sau từ ngữ Pháp vương gia cũng được sử dụng để chỉ cho các chùa viện của chúng tăng. Chư Tăng là đệ tử Đức Phật, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, cho nên chùa, viện là nơi chư Tăng cư trú cũng được gọi là Pháp

vương gia. “Trì Như Lai Tạng”, chính là giữ gìn ngôi nhà Tam bảo ở thế gian thông qua hai hình thức là thông suốt tạng pháp bí yếu của Như Lai và giáo hoá làm lợi ích cho chúng sanh.

Việc thể nghiệm, thân chứng pháp Phật trong công phu tu tập của vị trụ trì chính là nền tảng căn bản, là chìa khoá đưa đạo vào đời, hướng cư gia bá tánh đến với đạo pháp bằng niềm tin, trí tuệ và lòng từ bi. Quan trọng hơn hết là vị trụ trì tại một cơ sở Phật giáo phải tu tập, hành đạo như thế nào để cho bá tánh cư gia khi nhìn vào sẽ thấy được nơi đó là nhà của Phật, nơi đó sẽ có những phẩm chất cao quý mà thế gian không có được, nên họ sẽ tìm đến học hỏi và tu tập. Đó là điều mà mỗi vị trụ trì cần lưu tâm suy gẫm để kiến tạo ngôi đạo tràng của mình trở thành điểm tựa “bóng mát tâm linh” cho chúng sanh nương tựa tu học.

II. VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA VỊ TRỤ TRÌ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC, ĐỊNH HƯỚNG TU TẬP TRONG MỘT TỰ VIỆN

1. Tổ chức quản lý tự viện theo Sắc tu Bách Trượng thanh quy

Tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy, do Tổ Bách Trượng – Hoài Hải biên soạn vào đời Đường, nhằm mục đích định hướng sinh hoạt tu học cho chúng Tăng tại các tự viện. Tác phẩm này được xem là kim chỉ nam trong đời sống sinh hoạt của người xuất gia. Trong một ngôi già lam tự viện, các việc hành trì chủ yếu trong một ngày của vị trụ trì gọi là “Trụ trì nhật dụng”. Căn cứ theo Chương Trụ trì trong tác phẩm này thì vị trụ trì cần phải đảm trách những quy tắc hành sự hằng ngày như sau:

  1. Thượng đường: Nói pháp cho đại chúng nghe tại Pháp đường.
  2. Tham vấn buổi chiều: Nói pháp chỉ dạy đại chúng ở Pháp đường vào lúc buổi chiều.
  3. Tiểu tham: Tuỳ lúc, tuỳ chỗ mà nói pháp chỉ dạy.
  4. Phổ thuyết: Là chỗ dựa cho đại chúng về phương diện tâm linh, nhóm họp đại chúng trong toàn chùa để nói pháp khai thị.
  5. Nhập thất: Chúng tăng đến thất của sư gia để tham học, vấn đạo.
  6. Cáo hương: Nói pháp mở bày cho chúng tăng đến tham vấn tu học.
  7. Niệm tụng: Hướng dẫn đại chúng tụng niệm, xưng tán danh hiệu của mười đức Phật.
  8. Tuần liêu: Đi kiểm tra sinh hoạt, thăm hỏi đời sống của Tăng chúng tại các liêu, phòng ốc trong tùng lâm, tự viện.
  9. Túc chúng: Xem xét và xử phạt chúng tăng vi phạm thanh quy già lam. Ở mục này trình bày rõ những điều chế định Thanh qui có bốn lợi ích: Thứ nhất: Không làm ô uế đại chúng thanh tịnh, khiết bạch. Thứ hai: Không phá hủy hình tượng tăng lữ, duy trì chế độ của Phật. Thứ ba: Không phiền đến quan lại, công môn, giảm bớt làm phiền hà kiện tụng. Thứ tư: Giữ kín chuyện xấu trong chùa, không để tiết lộ ra ngoài, duy hộ danh dự của Tông môn.
  10. Huấn đồng hành: Dạy bảo các Sa-di, Tập sự (chú điệu).
  1. Đối hành giả huấn thị: Đáp lời thỉnh cầu của hành giả mà dạy bảo, nhắc nhở, khuyến tấn người tu hành.
  2. Nghinh đãi tôn túc: Tiếp đón các bậc tôn túc, trưởng lão đến thăm.
  3. Thí chủ thỉnh thăng toà trai tăng: Thí chủ thỉnh trụ trì thăng toà chứng minh nhân buổi cúng trai…2

Tổng quan mà nói, chức trách của vị trụ trì ở một ngôi già lam tự viện gồm ba việc lớn là thuyết pháp, an chúng và trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết điều hành các Phật sự liên hệ v.v…

2.  Trụ trì là người giữ gìn, thân chứng giáo pháp của Như Lai

Ngoài ra, trong Chương Trụ trì cũng đề cập vai trò của vị trụ trì chính là người giữ gìn giáo pháp của chư Phật, được Đại sư Minh Giáo khẳng định như sau:“Giáo pháp là trụ trì. Tại sao thế? Bởi vì trụ trì là nương người mà giữ pháp, khiến cho Phật pháp mãi trụ vững chứ không bị sụp đổ, tan hoại. Này, giới, định, tuệ là công cụ trì pháp (giữ pháp); còn tăng chúng, ruộng vườn, các vật dụng là tư tài để trì pháp. Pháp ấy là đạo của bậc đại Thánh (Phật). Tư tài và khí cụ đợi người xứng đáng để sử dụng tốt công cụ ấy, không sử dụng tốt tư tài là không được đâu! Chỉ sử dụng tốt tư tài mà không sử dụng tốt công cụ thì cũng không thể được, nếu sử dụng tốt cả hai thì có thể trì (giữ) để trụ dài lâu vậy. Khi xưa chức trụ trì ở Linh Sơn do đại Ca-diếp nắm giữ trọn, trụ trì Trúc Lâm lấy ngay thân mình để chủ động mọi thứ, cho nên giáo pháp của Thánh nhân (Phật) mới thịnh hành. Giáo pháp của Thánh nhân (Phật) còn mãi. Thánh nhân vắng bóng trong đời đã lâu, chúng ta kiêu hãnh nên dùng từ trụ trì mà đặt tên cho vậy…”3.

Trong ý nghĩa rộng hơn, vị trụ trì cần tu tập theo tinh thần trong Kinh Pháp Hoa: “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toà Như Lai… Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với trong tất cả chúng sanh, y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là nhứt thiết pháp không4. An trụ trong ba pháp này, vị trụ trì sẽ có thể tuỳ duyên nói pháp không bị chướng ngại, từng bước dìu dắt, cảm hoá cư sĩ tại gia hướng về đạo pháp một cách dễ dàng. Nâng cao lên một bước, vị trụ trì thể hiện tinh thần tu tập, thông đạt ý pháp “Trụ Pháp Vương gia – Trì Như Lai tạng” an trú trong cảnh giới nhất như, chơn như của Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; tức bốn phẩm hạnh cao thượng của Như Lai được thuyết giảng trong Kinh Đại bát Niết-bàn.

3.  Thiết lập thời khoá tu học tại trú xứ mà mình có duyên trụ trì

Chơn lý – Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư đưa ra thời khoá tu học “trú dạ lục thời”, hướng Tăng Ni an trú trong thời khắc biểu cõi Niết-bàn tịch tĩnh để tu tập và hoá độ chúng sanh như sau: 5 – 6 giờ: thiền định; 8 – 9 giờ: khất thực; 11 – 12 giờ: thọ thực; 15 – 16 giờ: thuyết pháp; 18 – 19 giờ: hành thiền định; 24 – 01 giờ: thiền định. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, do ảnh hưởng thời duyên chúng ta có thể uyển chuyển thời khoá tu tập sao cho phù hợp căn cơ trình độ và tình tình thực tế tại mỗi đạo tràng. Điều đó thể hiện tinh thần “Tuỳ duyên bất biến – Bất biến tuỳ duyên” của vị trụ trì

luôn gắn kết giáo pháp của Chư Phật và Tổ Thầy, lấy Giới – Định – Tuệ làm nền tảng căn bản định hướng trong thời khoá tu học để dần dần nhiếp phục, chuyển hoá và đoạn trừ Tham – Sân – Si phiền não nhiễm ô trong tâm thức. Tuy nhiên, tại mỗi đạo tràng tịnh xá, vị trụ trì cần thiết lập thời khoá tu học căn bản cho Tăng Ni trụ xứ và Phật tử hữu duyên tham dự vào các ngày Chủ nhật, Rằm và Ba mươi mỗi tháng. Đặc biệt, các truyền thống cúng hội của Hệ phái, vị trụ trì cần nên quan tâm gìn giữ, góp phần bảo tồn các nét đẹp văn hoá truyền thống của Tổ Thầy.

4. Quan tâm chăm sóc đời sống sinh hoạt của chúng Tăng

Vai trò của vị trụ trì tại một ngôi đạo tràng rất quan trọng. Trụ trì chẳng những là vị sống đúng theo pháp của Phật, theo Hiến chương Giáo hội, nội quy Ban Tăng sự Trung ương và luật pháp thế gian mà còn hướng dẫn Tăng chúng, và Phật tử mà mình có duyên hoá độ sống đúng theo tinh thần này, nhằm lan toả các giá trị đạo đức, trí tuệ, đem đến sự an vui cho mọi người. Xã hội phát triển, Giáo hội khuyến khích Tăng Ni sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông hoằng pháp, một số Tăng Ni trẻ đã dễ duôi, lạm dụng phương tiện truyền thông này trong sự thiếu tỉnh giác, đăng hình ảnh và có những phát ngôn phản cảm… khiến dư luận quan tâm về oai nghi đạo hạnh của người xuất gia. Điều đó phần nào khiến cho Phật giáo mất đi hình ảnh tốt đẹp vốn có trong suy nghĩ của tín đồ, Phật tử. Hiện nay, trong suy nghĩ và tư duy của một bộ phận tín đồ, những người có cảm tình với Phật giáo cho rằng đi tu giờ giống như một “nghề”. Điều đó xuất phát từ những vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử, tư cách đạo đức và những biểu hiện thiếu uy nghi, nghiêm túc chạy theo xu hướng vật chất của một số Tăng Ni trẻ.

Do vậy, vị trụ trì cần phải hết sức lưu tâm vấn đề này, cần dành thời gian kết nối quan tâm đệ tử nhiều hơn, để biết được tâm tư nguyện vọng của đệ tử, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, thiếu đúng đắn gây ảnh hưởng đến hình ảnh chuẩn mực của Tăng đoàn, của Giáo hội và Hệ phái; khuyên răn giáo dưỡng đệ tử hãy khép mình trong khuôn khổ giới luật và giáo pháp, để có những ứng xử phù hợp với phẩm chất, đạo hạnh của người tu trong mọi hoàn cảnh, như lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp cú: “Tỳ-kheo nào an trú trong lạc viên Chánh pháp, mến pháp và tùy pháp, tư duy nhớ tưởng pháp, thì sẽ không bị thối chuyển”5.

III. VỊ TRỤ TRÌ CẦN TỈNH GIÁC TRƯỚC MÔI TRƯỜNG SỐNG VĂN MINH, HỘI NHẬP VÀ SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA XÃ HỘI

Từ đầu năm đến nay, cả thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta đã và đang trải qua cơn đại dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, Chính quyền các cấp, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì, Phật tử tại các cơ sở tự viện trong cả nước đã tích cực đóng góp, ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần đem lại thành công của Việt Nam trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện cấm túc nơi tự viện trong mùa dịch và thực hiện các khoá lễ cầu nguyện quốc thới dân an, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ đã thể hiện được vai trò trách nhiệm của vị trụ trì đối với cơ sở thờ tự, thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của Giáo hội, cũng như chỉ thị của Thủ tướng. Điều đó cho thấy sự gắn kết của vị trụ trì với tổ chức Giáo hội, Hệ phái và tuân thủ theo sưhướng dẫn của Nhà nước.

Là đệ tử Phật, chúng ta nghĩ gì về đại dịch qua lời Phật dạy. Chúng ta cần thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến con người bị bệnh dịch và diệt vong nhưng trong đó Đức Phật có nói đến sự tha hoá đạo đức, sống không đúng với Chánh pháp, sống thất niệm, buông lung phóng dật, không có giới định tuệ, chạy theo các dục là nguyên nhân dẫn đến sức khoẻ, tuổi thọ con người bị suy giảm và diệt vong. Đức Phật trong nhiều bản kinh đã dạy rằng bản chất của thế giới duyên khởi là vô thường, khổ, vô ngã. Do vậy, người đệ tử Phật cần phải quán chiếu suy gẫm lời dạy này, phải khéo chế ngự tâm, chớ để phóng dật, bởi vì tâm là chủ của năm căn:“Nếu buông thả tâm, tất cả việc lành sẽ bị huỷ hoại mất, chế ngự tâm rồi, không việc gì không xong”6.

“Tâm tịnh quốc độ tịnh, Tâm bình thế giới bình”. Muốn giữ tâm được an tịnh, chúng ta cần phải an cư, tránh bớt ngoại duyên, tập trung thiền quán, ban rãi tâm từ bi đến với chúng sanh. Cho nên, trong mùa an cư là thời điểm thích hợp nhất, là cơ hội để chúng ta ở yên một chỗ mà an tịnh thân tâm, thực hành hạnh của một vị Tỳ-kheo, Sa-môn Khất sĩ như lời Đức Phật dạy:“Thế nào gọi là đạo hạnh của Sa-môn? Chẳng phải chẳng là Sa-môn? Nếu có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà tiến… Sự tật đố ấy của Sa-môn, sự dua nịnh của Sa-môn, sự trá nguỵ của Sa-môn, sự tà vạy của Sa-môn dẫn đến chỗ dữ đều đã bị dứt sạch, rồi học hạnh của Sa-môn. Vị ấy như vậy không phải không là Sa-môn. Đó là đạo hạnh của Sa-môn, không phải không là Sa-môn”7.

Chơn lý “Xứ thiên đường”, đức Tổ sư đã chỉ ra sự liên thông của các loại vi trùng nơi tự thân của mỗi người đã và đang tác động đến môi trường sống, thông qua sáu căn của con người khi đối diện, tiếp xúc với ngoại duyên trần cảnh: “Chúng ta đây, mỗi người đều có thân thể. Thân thể ấy tức là một khối vi trùng: vi trùng thấy,

vi trùng nghe, vi trùng hưởi, vi trùng nếm, vi trùng rờ, vi trùng tưởng, vi trùng nữ, vi trùng nam, vi trùng đen, vi trùng trắng v.v… đủ thứ vi trùng đang tranh đấu. Ví như

vi trùng đi thắng, thì nó lôi chưn đi; vi trùng nói thắng, nó bắt nói; vi trùng nữ thắng là người nam móng dục tâm, biến thành nữ; vi trùng nam thắng là người nữ móng dục tâm, biến thành nam; vi trùng tham sân si làm cho ham muốn, giận hờn, mê muội… Các vi trùng ấy cũng gọi là giác trùng vì cả thảy đều có giác tánh, là biết.

Như thế thì thân thể vi trùng phối hợp của chúng ta đây, vốn không có cái ta chủ tể và không bền vững, bởi sự tranh đấu của vi trùng. Chúng ta đang ăn uống vi trùng, đi đứng trên vi trùng, không cái có nào chẳng phải là vi trùng sống hay giác trùng cả. Cái sức mạnh của chúng nó kêu là linh, các pháp của chúng nó gọi là thần. Thế nên trong võ trụ hay trong mỗi thể đều có ba cái: sống, biết, linh là chủ tể. Ba cái ấy làm ta, chớ xác thân không phải có thật. Cả thảy các thứ vi trùng trong thân, chỉ có vi trùng tư tưởng là mạnh nhất thường thắng phục các vi trùng kia, nó là mẹ sanh các vi trùng mống dục. Nhưng bền dài sống dai hơn hết là vi trùng chơn như, tự nhiên, không vọng động. Vi trùng này yên vui, trầm tĩnh, thanh nhàn, khỏe khoắn lắm. Vi trùng này mà thắng được thì chúng sanh tức là Phật vậy”.

IV. KẾT LUẬN

3. Người giữ cương vị trụ trì là người đang thực hành hạnh tu Bồ-tát

Khi đảm nhận vai trò trụ trì, thì ở vị trí này dù muốn hay không vị ấy cũng phải đối diện với nhiều áp lực, nhiều thử thách trong quá trình tu tập và hành đạo. Sự an lạc của Tăng chúng, của tín đồ Phật tử; sự tín nhiệm của Giáo hội, Hệ phái, và các cấp chính quyền tại địa phương tất cả đều có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, hành động dấn thân phụng sự của vị trụ trì. Hơn ai hết, vị trụ trì phải là vị có đời sống phạm hạnh, mẫu mực trong mọi hành vi ứng xử “thân hành, khẩu hành, ý hành và mạng hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết8. Bởi vì chỉ cần vị trụ trì có một hành động ứng xử không đúng đắn, một lời nói thiếu trí tuệ và lòng từ bi khi tiếp xúc đối đãi với mọi người xung quanh sẽ dẫn đến nhiều bất an, phiền luỵ cho tự thân và tha nhân, nguy hại hơn là làm giảm, mất tín tâm của hàng Phật tử đối với Tăng bảo. “Tỳ-kheo biết thuần hóa ngôn ngữ, khôn khéo mà tịch tịnh, thì khi diễn bày pháp nghĩa, lời lẽ rất hòa ái, rõ ràng”9. Hiểu được sứ mạng của mình, thường xuyên quán sát, nhiếp phục thân khẩu ý an tịnh, vị trụ trì sẽ thăng tiến trên lộ trình tu tập, và dễ dàng cảm hoá đem lại sự an lạc, hạnh phúc mọi người.

3. Trụ trì cần trang bị kiến thức, quản lý tự viện đúng theo phương châm của Giáo hội, Hệ phái

Những gì là tinh hoa, truyền thống đặc thù của từng sơn môn, hệ phái, vị trụ trì cần phải am tường để bảo tồn giữ gìn; cần tránh những chủ kiến cá nhân mang tính “sáng tạo”, do sự thiếu hiểu biết trong việc hoạch định kiến trúc xây dựng. Đối với các vị tân trụ trì còn thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành Phật sự thì cần phải tham vấn ý kiến của chư tôn đức giáo phẩm để tư lượng, cân nhắc, định hướng việc tu học tại đạo tràng sao cho phù hợp với tông chỉ của Tổ Thầy. Đặc biệt, đã là trụ trì thì phải thể hiện tinh thần dấn thân phục sự đạo pháp như lời ngài Mật Am dạy trong Thiền lâm bảo huấn: “Trụ trì có ba điều không: Không sợ bận rộn, không tìm cầu nhàn rỗi, không phân phải trái biện minh. Người trụ trì một khi thấu suốt được ba điều này thì không bị ngoại vật làm mê hoặc”10.

3. Mỗi vị trụ trì cần nên gắng tâm giữ gìn cơ nghiệp của Tổ Thầy, giữ gìn hạnh nguyện nối truyền Chánh pháp của chư Phật

Chơn lý “Hoà bình”, Tổ sư giáo huấn chúng ta phải y cứ theo lời Đức Phật dạy trong kinh điển, ngày nào chúng đệ tử Phật còn tôn trọng, gìn giữ giới pháp, lấy giới luật làm thầy thì Chánh pháp của Đức Phật còn lưu trụ ở đời: “Chúng ta hãy ngó ngay đức Phật Thích-ca Mưu-ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành trong sạch, mà hiệp hòa bình đẳng nơi giới luật Phật, để nên đạo Phật với Tăng-già, chung cùng cả thế giới chư Tăng sư ‘ăn chay và khất thực’ y nhau xưa nay như một, mới không còn tội lỗi với Phật và chúng sanh kia. Thế tức là ai ai cũng đều tu học cả Tam thừa, hay Phật thừa trọn đủ thì mới mong Chánh pháp đặng sống đời; sống bằng lập đạo cứu đời, đời người mới sẽ tôn lưu Phật pháp”.

 

PV.Minh Đăng Quang, 19/4 Nhuần/Canh Tý – 2020

Sa-môn Giác Toàn                  

_______________________________________________________________

  1. Sa-môn Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang đại từ điển, Nxb Phương Đông, tr.7114.
  2. Thiền sư Đức Huy trùng biên; Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Việt dịch (2008), Sắc tu Bách Trượng thanh quy, Nxb. Phương Đông, tr.164-228 (trích lược).
  3. Sđd, tr.403.
  4. HT.Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Pháp sư thứ 10.
  5. HT.Thích Thiện Siêu dịch, Kinh Pháp Cú, Phẩm Tỳ-kheo, câu 364.
  6. Kinh Di Giáo, Phần 3 - Chế tâm [lược].
  7. Kinh Trung A Hàm, “Kinh Mã Ấp II”, Phẩm 15, Kinh số 183 [lược].
  8. Kinh Trung A Hàm, “Kinh Mã Ấp I”, Phẩm 15, Kinh số 182.
  9. HT.Thích Thiện Siêu dịch, Kinh Pháp Cú, Phẩm Tỳ-kheo, câu 363.
  10. HT.Thích Thanh Kiểm dịch (2001), Thiền lâm bảo huấn, Nxb. Tôn giáo, tr.477

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan