CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Các điều kiện để tấn đàn thọ giới Sa-di & Tỳ-kheo của Hệ phái Khất sĩ

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Thưa các Giới tử,

Thọ giới là sự kiện trọng đại của người xuất gia, khẳng định sự tự nguyện thọ lãnh của giới tử đối với các phép tắc uy nghi mà mình sẽ sống một cách đầy đủ nhất. Thọ giới cũng là bước đầu khẳng định vị ấy cam kết bước đi trên con đường tự do, giải thoát và phụng sự một cách kiên cường, vững chãi nhất. Dựa trên căn tánh và môi trường của người xuất gia hiện nay, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái trong các phiên họp đã thống nhất một số quy định như sau:

1. THỌ GIỚI SA-DI / SA-DI-NI

1.1. Điều kiện căn bản

- Các căn không bị khuyết tật, không bị các bệnh truyền nhiễm (không rơi vào một trong 13 già-nạn của một vị xuất gia).

-  Thời gian từ ngày xuống tóc đến ngày thọ giới: Trung bình 18 tháng (trừ một số trường hợp đặc biệt, có thể được nhanh hơn hoặc bị lâu hơn do thầy Bổn sư và Tăng đoàn xét duyệt).

- Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp Trung học Cơ sở (Theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, ngoại trừ các vị trên 35 tuổi).

- Giới hạnh tương đối, được thầy Bổn sư giới thiệu lên Giáo đoàn.

1.2. Các bài vở phải học thuộc lòng:

1) Nghi thức cúng ngọ (bao gồm bài Kinh Phước Thí, Cầu nguyện Trai Tăng).

2) Một số bài kệ trong Luật nghi Khất sĩ: Pháp, Thân, Khẩu, Ý, Giới, Nhẫn, Huệ.

 3) Một số bài kinh và kệ trong Nghi thức Tụng niệm (Xưng tụng Tam Bảo, Kinh Cầu an, Kinh Cầu siêu, Bát-nhã tâm kinh… Lễ thí phát, Nhớ ơn Phật, Thuyền trí huệ, Chúc mừng Chánh pháp, Cầu nguyện hòa bình, Nguyện về cõi Phật, Khuyên đừng giết thú).  

4) Mười giới tập sự Sa-di (tương đương với Sa-di trong Phật giáo Bắc truyền).

5) Bài học Sa-di (Môn Oai nghi).

6) Những câu chú nguyện (Tương đương với Tỳ-ni nhật dụng trong Phật giáo Bắc truyền).

7) Giáo lý cơ bản (2 cuốn đầu của bộ Phật học phổ thông), Lịch sử Tổ sư và Đức Thầy khai lập giáo đoàn.

(Đối với Giáo đoàn III, các Tập sự ít nhất phải tham dự 2 khóa Bồi dưỡng đạo hạnh do Giáo đoàn tổ chức và 1 khóa do Hệ phái tổ chức). Việc này được kiểm tra gắt gao ngang qua Sổ Bồi dưỡng đạo hạnh.

2. THỌ GIỚI TỲ-KHEO

2.1. Điều kiện căn bản

- Không bị rơi vào một trong 13 già-nạn như Luật định (hạn chế tối đa mẫu người có khuynh hướng đồng tính luyến ái).

- Có đầy đủ giới hạnh mà một vị Thầy nhận xét là có thể tu tập các pháp Thượng nhân, đảm đương các Phật sự do Thầy giao phó.

- Sau 3 năm thọ giới Sa-di.

- Đã Tốt nghiệp Phổ thông trung học.

2.2. Các pháp phải học thông hiểu rành

            1) Các bài vở của Sa-di phải thuộc lòng (sẽ được dò lại toàn bộ những gì Sa-di phải học)

            2) Tám bài kệ tụng văn uyển: Vô thường, Đường đời, Thời gian qua, Giấc mộng tàn, Ánh sáng, Tinh tấn, Thiền định, Giải thoát.

            3) 30 câu Kinh Pháp Cú (do Hòa thượng Minh Châu dịch).

            4) Kệ giới

            5) Luật Khất sĩ

            6)  Diệt lòng ham muốn

            7) 250 giới Tỳ-kheo (cả phần dẫn nhập và kệ tụng sau khi tụng giới).

            8) 114 điều răn của Tổ sư Minh Đăng Quang

            9) Giáo lý căn bản (4 quyển đầu Phật học phổ thông)

            10) Lịch sử Tổ - Thầy (Hệ phái nói chung).

            11) Pháp học Sa-di 1 (Các pháp số căn bản), Pháp học Sa-di 2 (Định), Pháp học Sa-di 3 (Niết-bàn).  Phần này tuy không bắt buộc học thuộc lòng, nhưng yêu cầu phải nắm vững. 

* Lưu ý: Các giới tử phải có giấy giới thiệu bằng văn bản và đóng mộc của Giáo đoàn, gởi trước về Ban Thư ký Giới đàn (Ban Thư ký Hệ phái) trước mùng 1 tháng 7 âm lịch.  

3. THỌ GIỚI THỨC-XOA-MA-NA

- Thời gian: 3 năm sau khi thọ Sa-di-ni giới.

- Các điều kiện như một vị Tỳ-kheo ở trên.

- Các bài vở phải học thuộc được gia giảm (vì còn cơ hội 2 năm nữa mới thọ Tỳ-kheo-ni chính thức).

4. THỌ GIỚI TỲ-KHEO-NI

- Thời gian: Sau 2 năm thọ Thức-xoa-ma-na giới. 

- Các điều kiện giống như Tỳ-kheo.

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Kính thưa các giới tử,

Trên đây là các quy định do chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã thống nhất thông qua. Rất mong các giới tử vì giới thân huệ mạng và lộ trình tu tiến, nên chuyên tâm học Kinh, Luật, Sử như yêu cầu, làm nền tảng về sau cho sự phát triển Định – Huệ, và cũng là điều kiện để hoằng dương Phật pháp, phổ hóa nhân sinh.

TM. BAN THƯ KÝ HỆ PHÁI  

Tỳ-kheo Giác Hoàng

Kính thông tri. 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan