Tịnh xá sinh thái - phần 2
- TK. Giác Điều
- | Thứ Sáu, 03:41 03-07-2015
- | Lượt xem: 4730
VI. Nhà Sư Khất Sĩ Hướng Đến Đời Sống Nhằm Giảm Nhẹ Dấu Chân Các-bon
1. Khuyến khích khất thực hóa duyên
Khất thực hóa duyên cũng là một phương pháp hữu hiệu nhất để giảm lượng khí CO2 phóng thải ra môi trường. Nhưng điều quan trọng nhất là chỉ dùng đồ ăn do tín thí cúng dường khi khất thực, hạn chế tối đa hay không nên sử dụng thực phẩm được nấu nướng tại tịnh xá khi đã có thức ăn khất thực (nhằm hạn chế đốt các nhiên liệu sinh khối hay nhiên liệu hóa thạch phóng thải ra môi trường) điều này cũng được ghi nhận trong tạng Luật1.
Khuyến khích ăn ngày một bữa hay không sử dụng thức ăn được nấu nướng khi quá ngọ, nhằm tái hiện lại đời sống khất sĩ khi xưa. Phẩm hạnh này được xem như là tối ưu và thượng lưu nhất để giảm tối đa lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phóng thải ra môi trường. Khuyến khích thực hành phẩm hạnh tứ y pháp, một phẩm hạnh tối thượng thanh cao và tuyệt đối toàn hảo trong vấn đề tiêu thụ giảm tối đa dấu chân cácbon.
2. Tiết kiệm hay sử dụng lượng nước thích hợp
Như trên đã đề cập, hiện nay hơn một tỉ người thiếu lượng nước thiếu nước sinh hoạt. Sự thiếu hụt nước, tranh giành khai thác nguồn nước ở các con sông có thể dẫn đến các cuộc xung đột hay chiến tranh2. Vấn đề thiếu nước không chỉ xảy ra trong thời hiện đại mà ngay cả thời đức Phật cũng có vấn nạn này. Có lần đích thân đức Phật trở về thăm quê nhà nhằm hòa giải sự tranh chấp nước từ con sông Rohiṇī để sử dụng nước tưới tiêu giữa dòng họ Sākya (bên nội) và Koliya (bên ngoại). Sau khi hòa giải xong vụ tranh chấp nước, nhân tiện đức Phật thuyết giải một số câu chuyện tiền thân như Phandan, Dadabha, Laṭukila và Rukkhadhamma3.
Lượng nước sử dụng hàng ngày/lít |
|
Xả chậu xí (3 lần) |
18 (3 x 6 lít) |
Dùng bồn tắm |
150 |
Tắm vòi hoa sen |
200 |
Tắm vòi hoa sen loại tiết kiệm nước |
90-120 |
Rửa bát đĩa bằng tay |
18 |
Rửa bát đĩa bằng máy |
60 |
Giặt quần áo bằng máy giặt 2 ngăn |
60 |
Giặt quần áo bằng máy giặt tự động |
260 |
Rửa tay |
5 |
Rửa mặt (2 lần) |
10 (2 x 5) |
Đánh răng (để vòi chảy liên tục) |
5 |
Đánh răng (không để vòi chảy) |
2 |
Rửa xe máy bằng vòi phun |
150 |
Rửa xe máy bằng thùng, xô |
50-60 |
Tưới cây bằng máy phun (trong 1 giờ) |
1000 |
Tưới cây bằng hệ thống nhỏ giọt (1 giờ) |
120 |
Nguồn: M. Brassington (2008), pp. 59-65.
Để sử dụng lượng nước thích hợp cần kiểm tra thường xuyên sự rò rỉ nước để tránh lãng phí nước. Sử dụng máy giặt tốn nước gấp 2 hoặc gấp 3 lần giặt bằng tay. Sự tiêu tốn quá nhiều nước chính là do tưới cây trong khuôn viên tịnh xá (tránh tưới cây vào lúc nắng nóng trong ngày hoặc ngày có gió nhiều, tưới vào gốc và chung quanh gốc cây hơn là tưới lên lá và hoa), những vùng khan hiếm nước nên xây bồn chứa nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt và tưới cây. Hơn hết khi mua các thiết bị nước cần thận trọng và tham khảo loại thiết bị nào tiết kiệm nước hiệu quả nhất. Chúng ta đừng nghĩ rằng nước từ thiên nhiên nên có thể sử dụng bao nhiêu tùy ý. Nhưng không phải vậy, quả địa cầu hay nguồn nước từ thiên nhiên giống như một cái bánh, ta sử dụng quá nhiều nước cũng đồng nghĩa ta đã cắt miếng bánh thật to cho mình rồi, phần còn lại quá nhỏ bé không đủ để san sẻ cho các vùng khô hạn, thiếu nước.
3. Vấn đề dâng y vào ngày lễ Vu Lan
Từ thực tế cho thấy số lượng y dâng cúng quá nhiều nhưng thực tế không thể tiêu thụ hết số lượng ngần ấy, vậy cần phải có sự điều tiết nguồn tịnh tài cho hợp lý. Do vậy vào ngày lễ dâng y cũng cần có một vị trị sự điều tiết số lượng y cần thiết, phần tịnh tài còn lại có thể sử dụng vào việc góp phần phát triển giáo dục cho Hệ phái, mua vật phóng sinh nhằm tạo sự cân bằng đa dạng sinh học để giảm nhẹ thiên tai bệnh tật. Cao hơn hết, trưởng dưỡng tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, tôn trọng quyền sống của tất cả muôn loài.
Như chúng ta biết khi sản xuất ra vải vóc, từ gieo trồng bông vải cho đến hình thành sản phẩm đã tiêu thụ lượng nước và lượng khí phóng thải ra môi trường (tính lượng nước từ tưới tiêu cho đến thành phẩm). Nguồn nước được sử dụng cho sản xuất bông vải và nhà máy dệt, như vậy để có một bộ y cần phải tiêu thụ một lượng nước khá lớn, và trong quá trình canh tác đã sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ v.v... phóng thải lượng khí ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên.
4. Gia tăng khóa tu ngắn ngày
Khuyến khích các Phật tử cần tham gia các khóa tu ngắn, dài để có cơ hội thực tập ăn chay, trưởng dưỡng đạo đức, giảm bớt thói quen tiêu thụ và thực tập sống chung tu học để có thể làm giảm đáng kể lượng phóng thải CO2.
Năm 1972 Chính phủ Bhutan đã thay thế Tổng sản lượng quốc gia (GNP) bằng chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross national happiness/ GNH), và chủ trương ấy được xem như mục tiêu của quốc gia này. Chính phủ nỗ lực giáo dục người dân hướng đến một cuộc sống hạnh phúc nội tại thực sự, chủ trương phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên4 và niềm tin vào Phật pháp. Người dân Bhutan hài lòng với chính mình những gì có được. Họ xem tăng trưởng kinh tế như là phương tiện chứ không phải mục tiêu cần đạt được. Nhờ đó Bhutan đã có những bước tiến khi cung cấp giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí5.
Hạnh phúc chưa hẳn ở thu nhập cao, vì thu nhập càng cao tiêu thụ càng nhiều, tiêu thụ càng nhiều đồng nghĩa lượng phóng thải càng nhiều và dẫn đến thảm họa thiên tai càng dữ dội. Tại Anh quốc, Chính phủ kêu gọi mọi người dân phải có ý thức và trách nhiệm về vấn đề tiêu thụ, và phấn đấu đến năm 2050 lượng khí CO2 phóng thải bình quân đầu người chỉ còn 4.16 tấn/ năm6.
Theo John de Graaf, con đường để đi đến bền vững cần phải cắt giảm thời gian làm việc, thu nhập ít hơn đồng nghĩa người ta sẽ uống bia rượu và hút thuốc ít hơn, đi bộ hay đi xe đạp nhiều hơn, giảm tỉ lệ tử vong và tỉ lệ ô nhiễm do các phương tiện xe cộ. Dầu thu nhập ít nhưng thời gian ấy các công nhân sẽ dành cho gia đình, thời gian nhàn nhã nhiều hơn và sức khỏe được cải thiện. Dữ liệu từ Mạng lưới dấu chân toàn cầu (Global Footprint Network) cho biết: Nếu người dân ở các nước đang phát triển có được mức sống như người Mỹ thì thế giới cần phải có bốn hành tinh nữa mới đủ sức cung ứng cho nhu cầu của họ và hóa giải tất cả các chất phóng thải7.
Giảm bớt thời gian làm việc sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè và phát triển tinh thần. Tăng thời gian làm việc nhiều quá người ta có nguy cơ bệnh tim, cao huyết áp, căng thẳng, cuộc sống vội vã hơn và trầm cảm cùng lo lắng nhiều hơn. Lợi ích của giảm thời gian làm việc: sẽ có ít nhu cầu về các sản phẩm “tiện lợi” như thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói, và như vậy sẽ giảm bớt lượng rác thải nhiều hơn. Nhiều thời gian để họ có thể lựa chọn các phương tiện giao thông như đi xe công cộng hay đi tàu lửa, giảm bớt sử dụng phương tiện máy bay (34% gây ô nhiễm môi trường). Có nhiều thời gian để cân nhắc về thói quen tiêu thụ của mình, giảm bớt tiêu thụ năng lượng nhiên liệu8.
Ngoài ra, còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, thiền hành, ăn uống chánh niệm, tham gia một khóa tu đầy ý nghĩa để điều dưỡng sức khỏe và cũng hỗ trợ sức khỏe cho môi trường thiên nhiên.
5. Vấn đề thực phẩm
Sư trị sự cần khuyến giáo các Phật tử hộ đạo mua hay tiêu thụ các loại sản phẩm cho hợp lý. Bên cạnh đó kiến thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi sinh cần lồng ghép vào các lớp học Phật pháp tại tịnh xá sẽ giúp cho các Phật tử am hiểu thêm về hiện trạng suy biến môi trường như hiện nay.
Một lượng lớn xăng dầu do các trang trại, xe tải (chuyên chở thực phẩm) và lượng xăng dầu được tiêu thụ khá lớn thông qua quá trình sản xuất, gia công đóng gói, cùng chuyên chở đến đại lý phân phối và các tiệm bán lẻ cho người tiêu dùng. Việc vận chuyển hàng hóa giữa các nước tạo ra một lượng khí CO2 khổng lồ, rõ ràng là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn. Trong đó khí N2O (nitrous oxide, 310 lần so với CO2): phát thải từ phân bón, do vậy thực phẩm có tương quan rất lớn đến vấn đề môi trường. Vì lẽ đó cần khuyến khích Phật tử tiêu thụ các hoa quả tại địa phương (nếu địa phương không có, dùng hoa quả phạm vi trong nước), tránh tiêu thụ các loại rau hoa quả nhập nước ngoài (tiêu thụ năng lượng nhiên liệu khá lớn), giảm tối đa mua hàng siêu thị để tránh bớt các loại sản phẩm đóng gói (thải trừ ra môi trường).
Phật tử hộ pháp nên hạn chế lãng phí: mua những thực phẩm cần thiết và vừa đủ; giảm lãng phí và các áp lực cho đất đai. Hoa rau quả đúng mùa tại địa phương: tươi, ít chất độc; dấu chân cácbon rất thấp đối với các loại hoa quả có sẵn tại địa phương. Tránh sử dụng các loại thực phẩm chuyên chở bằng máy bay (các loại nhập khẩu): phương tiện hàng không chiếm tới 34% lượng khí thải. Mua tại các cửa tiệm gần nhà: sản phẩm chuyên chở từ các đại lý lớn đến các cửa tiệm địa phương đã tốn năng lượng nên chúng ta cần giảm bớt sử dụng xe máy để đi xa hơn khi mua thực phẩm.
Mua và ủng hộ thực phẩm hữu cơ (organic foods) nhằm nâng cao ý thức đến vấn đề môi trường toàn cầu, thực phẩm hữu cơ là không sử dụng hoặc hạn chế tối đa dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và diệt nấm, chỉ dùng phân bón làm từ phân của động vật, thực vật thối rữa hoặc khoáng chất thiên nhiên. Thực phẩm hữu cơ có giá trị cho sức khỏe và đảm bảo lượng dinh dưỡng, hàm lượng thặng dư hóa chất ở thực phẩm hữu cơ khá ít và hàm lượng khá cao so với rau quả sử dụng hóa chất. Chất dinh dưỡng trong rau quả tùy thuộc vào giống, thời tiết, mùa thu hoạch, nó còn thay đổi giá trị dinh dưỡng tùy vào quá trình vận chuyển gần xa. Do vậy nên mua các loại thực phẩm tại địa phương.
Thực phẩm hữu cơ (đúng nghĩa) phải hội đủ được bốn nguyên tắc: (1) nguyên tắc sức khỏe: duy trì và cải thiện sức khỏe cho cây trồng, đất, động vật, con người và trái đất; (2) nguyên tắc sinh thái: các loại hình sự sống tồn tại tùy thuộc và hỗ trợ duy trì lẫn nhau; đó là mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát dịch bệch; (3) nguyên tắc công bằng: xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo sự công bằng môi trường và cơ hội cho các loại hình sự sống; (4) nguyên tắc chăm sóc: duy trì thái độ thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi cho thế hệ hiện tại, tương lai và môi trường9. Nhìn chung ở Việt Nam chưa được phổ biến nhiều và chưa được đảm bảo về chất lượng (theo đúng nghĩa) nhưng cũng là bước khởi đầu nhằm nâng cao ý thức để giảm bớt dùng các loại hóa chất tác động đến môi trường.
Nhà sư khất sĩ cần tránh hay hạn chế tối đa sử dụng sữa và các loại sản phẩm chế biến từ sữa. Vì khi nhu cầu sữa gia tăng thì việc nhân giống và lượng bò nuôi càng nhiều, đồng nghĩa với lượng phóng thải nhiều khí methan (CH4) vào bầu khí quyển gia tăng. Nhưng điều quan trọng hơn hết là khi xưởng nuôi lấy sữa, bò con buộc phải tách ly khỏi mẹ nó hoặc ở vùng nuôi tự do bò con bị trói lại không cho nó gần mẹ, cảm giác đói khát sữa hành hạ chúng. Trung bình một năm con bò sản sinh không quá 1.000 lít sữa nhưng do chăn nuôi công nghiệp hiện đại người ta dùng máy vắt chúng từ 6.000 đến 12.000 lít. Để đạt được chỉ tiêu này người ta phải vắt sữa quanh năm, thậm chí khi chúng mang thai.
Một con bò phải đẻ con mỗi năm để có sữa, và con của nó phải tách ly khỏi nó chỉ trong một ngày tuổi và cho ăn để vắt sữa. Sữa bò mẹ được xem như có giá trị hàng hóa quá lớn đến nỗi không thể dành bầu sữa đó cho con bê. Cũng giống như bao con vật khác, bò có bản năng về tình mẫu tử khá mạnh mẽ, khi tách ly con của nó, sự bấn loạn và nỗi buồn khổ cho cả mẹ lẫn con. Bò bị vắt sữa bằng máy hai lần trong ngày nên chúng thường xuyên chịu đau đớn cho chứng viêm vú, vì phải sản sinh ra lượng sữa khá lớn. Người ta thường cho rằng bò sản sinh ra sữa bởi chúng là con bò, và cho ra sữa là công việc và nhiệm vụ của chúng, nhưng bò sản sinh ra sữa chỉ để nuôi con của nó, cũng giống như bao người nữ khác, khi sinh con bầu sữa là để nuôi con chứ không dùng vào mục đích khác. Chúng buộc phải mang thai mỗi năm để có đủ lượng sữa nhằm phục vụ máy vắt sữa. Chúng thường bị thiến và cắt sừng, điều này cũng gây đau đớn về thể xác cho chúng10. Cho nên, người khất sĩ y bát hạn chế sử dụng sữa để tránh làm xói mòn tâm từ bi của mình.
6. Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên
Nhằm giảm bớt thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa phẩm sử dụng hàng ngày là nguyên nhân gây ra các căn bệnh như Parkinson, ung thư và các bệnh liên quan đến não. Chẳng hạn các loại bột màu nhân tạo và chất bảo quản thực phẩm thường sử dụng các con vật để thí nghiệm nhằm kiểm tra mức độ độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người (LD50). Trong quá trình kiểm nghiệm thường khiến cho các con này phải trải qua hàng giờ đau đớn và ói mữa trước khi chết. Do vậy chúng ta cần sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, không cần thiết phải chế tác thêm các loại mới11
7. Ứng dụng và thực hành nguyên tắc 7R
Mỗi người cần thực hành nguyên tắc 7R nhằm mang lại sự cân bằng trong tiêu thụ và giảm thiểu chất phóng thải ra môi trường: (1) giảm sử dụng hay thực hành hạnh thiểu dục tri túc (reduce); (2) tái sử dụng (reuse); (3) sử dụng các sản phẩm tái chế (recycle); (4) không vội vứt bỏ, nên sửa chữa các sản phẩm bị hư (repair); (5) tôn trọng và trân quí thiên nhiên (respect); (6) suy ngẫm hay quán chiếu lại các hành vi hay thói quen sử dụng các loại sản phẩm có hại hay có ích cho môi trường (reflect); (7) có trách nhiệm về mọi hành vi của mình đối với thiên nhiên (responsibility).
VII. Kết Luận
Ổn định khí hậu hay “mưa thuận gió hòa” (phong điều vũ thuận) là một điều phúc lợi cho dân chúng toàn cầu. Ổn định khí hậu không thể thành tựu được nếu chỉ cầu nguyện suông mà phải thực hiện bằng hành động của mỗi cá nhân, những hành vi hàng ngày, chuyển đổi thói quen tiêu thụ quá mức và hướng đến một cuộc sống thiểu dục tri túc để giảm tối đa dấu chân cácbon, đó là lời cầu nguyện hữu hiệu nhất, không và không thể đạt được bằng cầu nguyện suông. Khí hậu của trái đất được san sẻ bởi mọi người sống trên hành tinh này, mỗi quốc gia và mỗi cá nhân đều có trách nhiệm lớn đối với lượng khí phóng thải ra hàng ngày, tự mỗi người nhận thức tầm quan trọng và trách nhiệm của mình đối với các thảm họa thiên nhiên và vấn đề bảo vệ, hay ổn định khí hậu đều nằm trong tầm tay của mỗi cá nhân.
Cần nên nhớ rằng những giải pháp trên không mang tính chất đối phó, đối kháng, đối đầu hay đối trị với những khủng hoảng môi sinh mà con người đang đối mặt, mà ở đây muốn hướng đến cho thế hệ trẻ ý thức và tự ý thức nhằm “chuyển hóa tâm thức”, hay nói khác hơn là chuyển hóa cách nhìn nhận, thay đổi hành vi và thái độ, thay đổi cách sống, thay đổi quan niệm về giá trị của thiên nhiên, xem thiên nhiên và con người như là một bộ phận cấu thành của hệ sinh thái tương quan lẫn nhau, sự sống có mặt là do tất cả làm góp nhặt tạo nên, là cùng khắp, không biên giới, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ chủng loại nào. Đó là năng lực của chánh niệm tỉnh giác “sáng suốt nhận ra” giữa ta và tất cả các chủng loại sinh động vật khác cùng hỗ tương với nhau tạo thành một mạng lưới cộng tồn “không phải một, không phải khác”, hiểu được như thế ta mới có thể “chế ngự và vượt thoát tham ưu ở đời” không ngoài mục đích giảm thiểu các loại hình thiên tai.
Chú thích
1.Vinaya I, pp. 210-01 trans. pp. 287-09.
2. L. P. Pojman (2000). Global Environmental Ethics, p. 264.
3.Jātaka V, 412ff; B. N. Chaudhury (1982). Buddhist Centres in Ancient India, pp. 42-05.
4.David W. Orr (2010). “What is Higher Education for Now?”, in Worldwatch Institute, State of the World 2010: Transforming Cultures from Consumesrism to Sustainability, pp. 81-02.
5.Xem tại http://www.baomoi.com/Bhutan-ngheo-nhung-hanh-phuc/137/6702248.epi [Truy cập ngày 9/9/2012].
6.Năm 2005 lượng khí CO2 phóng thải bình quân đầu người là 10.4 tấn/năm, xem Polly Ghazi & Rachel Lewis (2007). The Low Carbon Diet, p. 57.
7. J. de Graaf (2010). “Reducing Work Time as a Path to Sustainability,” in Worldwatch Institute,Op.Cit., pp.173-177.
8.Loc. Cit.
9.D. Clark (2009). The Rough Guide to Green Living, pp. 187-191.
10. Bodhipaksa (2009). Vegetarianism: A Buddhist View (2nded. & rev.), pp. 16-20.
11. P.Singer (1999). Practical Ethics, p. 65.
Tài Liệu Tham Khảo
Aṅguttara Nikāya (AN), Rev. & eds. R. Morris & A. K. Warder (1961). Vol. I (2nded.); ed. R. Morris (1976). Vol. II (3rded.); ed. Prof. E. Hardy (1976). Vol. III (3rded.), (1958). Vol. IV, V (2nded.); Rev. & ed. C. A. F. Rhys David (1960). Vol. VI (2nd ed.). Indexes, trans. F. L. Woodward (1989-1994). Vols. I, II & V (Reprint), E. M. Hare (1988-1989). Vols. III & IV (Reprint). London: PTS.
Jātakas (The Jātaka or Stories of the Buddha’s Former Births) (Reprint), trans. R. Chalmers, W. H. D. Rouse, R. A. Neil, H. T. Francis & E. B. Cowell (2005). Vols. I-VI. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.
Tổ sư Minh Đăng Quang (1998). Chơn Lý: Luật nghi Khất Sĩ (Riêng Giới Xuất Gia). TP.HCM: NXB TP.HCM.
Vinaya Piṭakaṃ (Vin), ed. H. Oldenberg (1997). Vol. I (4thed.). The Mahāvagga, (1995). Vol. II (5thed.). The Cullavagga (1993). Vol. III (4thed.). The Suttavibhaṅga, First Part. (Pārājika, Saṃghādisesa, Aniyata, Nissagiya), (1993). Vol. IV (4thed.). The Suttavibhaṅga, Second Part. (End of the Mahāvibhaṅga; Bhikkhunīvibhaṅga), (1982). Vol. V (3rded.). The Parivāra, Comp. Y. Ousaka, M. Yamazaki & K. R. Norman (2001). Vol. VI (2nded.). Indexes, trans. I. B. Horner (1971-1993). Vols. I-VI. London: PTS.
Abel, P. D (1996). Water Pollution Biology (2rded.). London: Taylor & Francis Ltd.
Allan, T. (2011). Virtual Water: Tackling the Threat to Our Planet’s Most Precious Resource. London: Palgrave Macmillan.
Aras, G. & Crowther, D. (2009). The Durable Corporation: Strategies for Sustainable Development. England: Gower Publishing Limited.
Archer, D. & Rahmstorf, S. (2010). The Climate Crisis: An Introductory Guide to Climate Change. Cambridge: Cambridge University Press.
Berners-Lee, M. (2010). How Bad are Bananas? The Carbon Footprint of Everything. London: Profile Books Ltd.
Bodhipaksa (2009). Vegetarianism: A Buddhist View (2nded. & rev.). UK: Windhorse Publications Ltd.
Brassington, M. (2008). How to go Carbon Neutral: A Practical Guide to Treading more Lightly upon the Earth. UK: How To Books Ltd.
Burroughs, W. J. (2007). Climate Change: A Multidisciplinary Approach (2nded.). Cambridge: Cambridge University Press.
Catto, M. S. (2011). Environment and Economy. London: Routledge.
Chaudhury, B. N. (1982). Buddhist Centres in Ancient India. Calcutta: Sanskrit College.
Clark, D. (2009). The Rough Guide to Green Living. London: Rough Guides.
FitzRoy, F. R. & Papyrakis, E.(2010). An Introduction to Climate Change: Economics and Policy. London: Earthscan.
Ghazi, P. & Lewis, R. (2007). The Low Carbon Diet. London: Short Books.
Hitchcock, D. & Willard, M. (2006). The Business Guide to Sustainability: Practical Strategies and Tools for Organizations. London: Earthscan.
Hoekstra, A. Y., Chapagain, A. K., Aldaya, M. M. & Mekonnen, M. M. (2011). The Water Footprint Assessment Manual: Setting the Global Standard. London: Earthscan.
Houghton, J.(2004). Global Warming: The Complete Briefing (3rded.). Cambridge: Cambridge University Press.
Lynas, M. (2007). Carbon Calculator. London: HarperCollins Publishers.
McCarthy, D. (2008). Easy Eco Auditing: How to make Your Home and Workplace Planet-Friendly. London: Octopus Publishing Group Ltd.
Pojman, L. P. (2000). Global Environmental Ethics. California: Mayfield Publishing Company.
Singer, P. (1999). Practical Ethics. Cambridge: Cambridge University Press.
Stern, N. (2009). A Blue-Print for A Safer Planet: How to manage Climate Change and create a New Era of Progress and Prosperity. London: The Bodkey Head.
Subrahmanyam, N. S. & Sambamurty, A. V. S. S. (2006). Ecology (2nded.). New Delhi: University of Delhi.
von Ruhland C. (2008). Living with the Planet: Making a Difference in a Time of Climate Change. Chicago: Lion Hudson.
Worldwatch Institute (2010). State of The World 2010: Transforming Cultures from Consumerism to Sustainability. London: Eathscan.
Các bài viết liên quan
- Biến đổi khí hậu – Lời kêu gọi đạo đức đối với sự biến đổi xã hội - Chủ Nhật, 01:21 03-01-2016 - xem: 7514 lần
- Thông điệp Biến đổi Khí hậu Phật giáo gởi đến Tổng thống Hollande - Thứ Bảy, 12:23 12-12-2015 - xem: 8282 lần
- Lời kêu gọi khẩn thiết của Tây Tạng - Thứ Hai, 02:55 07-12-2015 - xem: 5417 lần
- Cầu nguyện cho khí hậu toàn cầu - Thứ Năm, 00:07 03-12-2015 - xem: 4674 lần
- Tuyên bố Biến đổi Khí hậu Phật giáo đến các Lãnh đạo Thế giới - Chủ Nhật, 14:57 01-11-2015 - xem: 4797 lần
- Tịnh xá sinh thái - phần 2 - Thứ Sáu, 03:41 03-07-2015 - xem: 4730 lần
- Tịnh xá sinh thái - phần 1 - Thứ Hai, 00:16 30-03-2015 - xem: 8342 lần
- Vài suy nghĩ về đạo Phật với môi trường - Thứ Sáu, 21:52 11-04-2014 - xem: 4031 lần
- Văn minh đối mặt với thiên nhiên - Thứ Hai, 08:04 05-01-2015 - xem: 3584 lần