Giới thiệu sơ lược về Đại chánh tân tu Đại tạng kinh
- NS. Tuệ Liên
- | Thứ Hai, 08:30 21-11-2016
- | Lượt xem: 7165
CẤU TRÚC ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, gọi tắt là Đại Chánh Tạng, là bộ Đại Tạng Kinh hiện nay được giới học thuật nghiên cứu hoan nghênh ưa thích nhất.
Đại Chánh Tạng được bắt đầu biên tập trong thời gian niên hiệu Đại Chánh (Nhật Bổn) năm thứ 11 cho đến niên hiệu Thiệu Hòa năm thứ 9 (năm 1922 đến 1934) / (1912 - 1925) vì thế còn có tên là Đại Nhật Bổn Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, do vị học giả Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjiroo, 1866-1945), Độ Biên Hải Húc (Watanabe Kaikyoku, 1872-1933) chủ biên, Thiếu Dã Huyền Diệu (1883-1939) chủ nhiệm biên tập hiệu đính, cùng với sự đóng góp tích cực của rất nhiều nhà học giả Phật giáo.
Bộ Đại tạng Kinh này từ khi ra đời đến nay đã hơn 80 năm, đã trở thành một loại thông hành nhất trong giới học thuật Phật giáo. Sự ảnh hưởng của nó rất lớn, tỷ suất sử dụng rất cao, có thể nói những bộ Đại Tạng Kinh đời trước đều không thể sánh bằng.
Nhưng mà, đối với sự ưu khuyết điểm vẫn còn có nhiều cách nhìn khác nhau, đánh giá bộ Đại tạng Kinh này như thế nào vẫn là vấn đề giới học thuật vô cùng quan tâm chú ý.
1) Duyên khởi và tôn chỉ biên tập
1.1 Duyên khởi
Thời cận đại, một số học giả Phật giáo Nhật Bổn như Nam Điều Văn Hùng (1849-1927), Cao Nam Thuận Thứ Lang (1866-1945), Độ Biên Hải Húc (1872-1933), Hoạch Nguyên Vân Lai (1869 –1937) lần lượt du học các nước Tây phương như Anh, Đức. Dưới sự chỉ đạo của các vị học giả Tây phương, các vị này nghiên cứu học tập Phạm văn, Pali, Tạng văn, đồng thời triển khai việc chỉnh lý và nghiên cứu văn hiến Hán văn Phật giáo.
Nam Điều Văn Hùng ở đại học Oxford nước Anh theo học với Mạch Khắc Tư Mâu Lặc ( 麥克斯·繆勒 , Friedrich Max Muller, 1823-1900), học tập Phạm văn và nghiên cứu nguyên điển Phạm văn cùng các kinh điển Hán văn của Phật giáo. Luận văn tiến sĩ của ông là “Nhật Bổn Chân Tông Nam Điều Vân Hùng dịch bổ Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo mục lục”, là một tác phẩm có tánh đại biểu.
Cao Nam Thuận Thứ Lang theo học với tiến sĩ Mục Lặc (穆勒 , Muller) ở trường đại học Oxford, nghiên cứu Phạm văn và so sánh tôn giáo học, trong thời gian du học đã dịch những Kinh sách Hán văn như “Quán Vô Lượng Thọ Kinh”, “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp truyện” thành tiếng Anh. Sau khi về nước, đã từng đảm nhiệm giảng sư, giáo sư trường đại học Đông Kinh, hiệu trưởng trường đại học Đông Dương, bồi dưỡng một số học giả Phật giáo nổi tiếng như Thiếu Dã Huyền Diệu, Mộc Thôn Thái Hiền…
Độ Biên Hải Húc, Hoạch Nguyên Vân Lai… du học nước Đức, sau khi trở về nước giảng dạy Phật học tại các trường tôn giáo. Dưới sự cổ động thúc đẩy của nhóm học giả Phật giáo này, cùng với sự ảnh hưởng tư tưởng học thuật Tây Phương do họ đem về, đầu thế kỷ 20, sự nghiên cứu Phật giáo ở Nhật Bổn, đặc biệt là sự chỉnh lý và nghiên cứu văn hiến Phật giáo xuất hiện một thời kỳ phồn vinh chưa bao giờ có.
Sự biên tập, hiệu đính bộ Đại Chánh Tạng được triển khai trong hoàn cảnh lịch sử như thế.
Nhật Bổn thời đó tuy bảo tồn rất nhiều “bảo tạng” Đại Tạng Kinh nhưng phần nhiều được tôn thờ ở trên những lầu gác cao trong những ngôi chùa danh tiếng, là đối tượng sùng bái lễ lạy của tín đồ. Những bảo tạng này tuy cũng có thể nhìn thấy chiêm ngưỡng, nhưng vì số lượng nó quá lớn, muốn lợi dụng nó để triển khai việc nghiên cứu thật không phải là việc dễ dàng; mà thời Minh Trị (1865-1919) thường thấy là bộ “Súc khắc tạng”,”Vạn tự tạng” do người Nhật Bổn biên soạn, ấn hành, nhưng ấn bản này vô cùng khó kiếm, ngàn vàng không dễ mua được, mà phương pháp biên soạn cũ kỹ, khó mà thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu của giới học thuật hiện đại. Vì tình huống hiện thực như thế khiến cho giới học giả Phật giáo sanh ra nguyện vọng tha thiết là biên tập, ấn hành một bộ Đại Tạng Kinh mới, đầy đủ. Vì thế, Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc là những người khai sáng, hướng dẫn học trò tổ chức thành “Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội” vào tháng 7, tháng 8 niên hiệu Đại Chánh thứ 11 (năm 1922) bắt đầu triển khai công tác biên soạn Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.
1.2 Tôn chỉ biên tập
Về tôn chỉ biên tập của Đại Chánh Tạng, Ban Biên tập đã đưa ra 5 tiêu chí trong lời “San hành thú chỉ”:
a) Nghiêm mật bác thiệp hiệu đính: tức là hiệu đính một cách chặt chẽ, rộng rãi, sưu tập tất cả những bản viết tay cổ xưa từ Lục Triều vừa phát hiện, bao gồm các bản Kinh viết tay được bảo tồn ở các nước Anh, Pháp, Đức, và bản viết tay Thiên Bình Cổ tả kinh ở Chánh Thương viện và các bản viết tay trong các tự viện ở Nhật Bổn, tiến hành đối chiếu hiệu đính một cách chặt chẽ tỉ mỉ để sửa chữa những sự sai sót, lầm lẫn trong các bản Kinh.
b) Biên soạn thanh tân châu mật: tức trên cơ sở nghiên cứu học thuật hiện đại, bỏ đi sự phân loại và phương pháp sắp xếp không khoa học của các bộ Đại tạng kinh đời trước, sắp xếp lại mục lục, khiến cho hệ thống tổ chức bộ Đại tạng kinh tân biên này càng thêm rõ ràng trong sáng, đồng thời tăng gia thêm những quyển kinh sách thất truyền, quý hiếm vừa mới phát hiện, khiến cho nội dung bộ Đại tạng kinh này như gấm thêm hoa.
c) Phạm Hán đối chiếu: tức phàm là Phạm ngữ, Pali cùng với các nguyên bổn, đều phải đối chiếu cho chính xác rõ ràng, bất luận là tên kinh, tên phẩm, hoặc tên người, tên địa phương trong kinh điển, v.v… đều phụ chú nguyên ngữ, để làm rõ nguồn gốc của từ ngữ, tiện việc nghiên cứu duyệt đọc.
d) Chế định sách dẫn (hướng dẫn tra cứu) nội dung của kinh điển cùng với bảng đối chiếu các bộ Đại tạng kinh và phụ lục thêm mục lục các bản viết tay cùng với bản Phạm văn hiện tồn, để dễ dàng nghiên cứu.
e) Tiện lợi: Bộ Đại tạng kinh mới này tiện lợi đem đi, giá cả thấp, giúp ích cho sự lưu truyền rộng rãi thánh điển.
Có thể nói Ban Biên tập của bộ Đại Chánh Tạng đã theo những tiêu chuẩn này triển khai công tác biên soạn của họ. Khoảng từ tháng tư Đại Chánh năm thứ 12 bắt đầu duyệt kinh, hiệu đính kinh điển ở Duyệt Kinh đình chùa Ma Tân Thượng, tháng 4 năm sau xuất bản tập thứ nhất A Hàm bộ, cho đến tháng 11 Thiệu Hòa năm thứ 9 hoàn thành “Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục” tập thứ ba mới ngừng. Công tác biên tập Đại Chánh Tạng đã trải qua 13 năm, cuối cùng đã thực hiện nguyện vọng và mục tiêu mong muốn đạt đến của Ban Biên tập.
1.3 Đặc điểm
Đại Tạng Kinh có những đặc điểm quan trọng sau :
- Về phương diện sắp xếp bộ quyển: Sáng tạo phương pháp phân loại, sắp xếp thứ tự trước sau y cứ theo lịch sử phát triển kinh điển. Phương pháp phân loại mới này rất phù hợp quan điểm của các nhà học giả thời nay đối với sự lịch sử phát triển kinh điển.
- Về phương diện khảo đính: Y cứ bản “Cao Ly tạng”, tham khảo và so sánh các bản Đại Tạng Kinh Nhật Bổn, các bản Đại Tạng Kinh Trung Quốc (các bản khắc đời Tống, Minh, Nguyên), cùng với các bản kinh được sưu tập cất giữ trong Thư viện Đại học và liệt kê bản khảo đính ở dưới mỗi trang sách.
- Ngoài việc nghiêm mật khảo đính còn đối chiếu với bản Pali, Phạn ngữ. Dòng khảo đính dưới mỗi trang còn chú thêm các danh từ Pali, Phạn ngữ. Ngoài ra còn có dấu chấm câu, đây cũng là một trong những đặc sắc của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh không giống với các bản khác.
Đại Chánh Tạng do vì thu thập kinh điển đầy đủ, khảo đính rõ ràng cẩn thận, cách sắp xếp bộ quyển cũng phù hợp với yêu cầu của giới học thuật vì thế trở thành bộ Đại Tạng Kinh thông dụng nhất của các nhà học giả nghiên cứu Phật giáo. Các tác phẩm học thuật dẫn dụng Kinh điển Phật giáo, đều dùng Đại Chánh Tạng làm y cứ, và ghi rõ số quyển, số trang. Do đó có thể thấy được tính chất quan trọng của bộ Đại Tạng Kinh này.
2) Sự phân loại đặc sắc và nội dung phong phú
Toàn bộ Đại Tạng chia làm 3 phần: Chánh tạng 55 tập, Tục tạng 30 tập, Biệt quyển 15 tập (đồ hoạ 12 tập, tổng mục lục 3 tập), tổng cộng 100 tập. Thu thập Kinh Luật Luận và các trước tác soạn thuật của Trung Quốc, Nhật Bổn nhiều hơn các loại Đại Tạng Kinh từ trước đến nay, gồm có 3493 bộ, 13520 quyển.
Toàn tạng có tất cả 100 tập, thu thập tất cả kinh điển Hán văn Phật giáo, bao gồm đồ tượng (tranh, hình ảnh), tổng mục lục, tổng cộng gồm có 3493 bộ, 13520 quyển, trong đó thu thập Đại Tạng Kinh Phật giáo Hán văn lịch đại Trung Quốc gồm có 55 tập (từ tập 1 đến tập 55), đó là phần chánh tạng của Đại Chánh Tạng; Phật giáo Nhật Bổn trước thuật 29 tập ( tập 56 đến tập 84), những bản Kinh viết tay Đôn Hoàng và những kinh điển cổ xưa đã thất truyền (cổ dật) mới phát hiện gồm một tập (gọi là Cổ Dật Bộ, Nghi Tợ bộ, tập 85) đó là phần tục tạng của Đại Chánh Tạng; phần đồ tượng có 12 tập, “Thiệu Hoà Pháp Bảo tổng mục lục” 3 tập. Đại Chánh Tạng thật là một bộ Đại Tạng Kinh Hán văn hoàn toàn mới, bất luận là sự sắp đặt mục lục, thu thập nội dung, hiệu đính cho đến sắp xếp sách dẫn đều có nhiều thành tựu sáng tạo.
2.1 Sự phân loại và sắp xếp thứ tự của Đại Chánh Tạng
Chánh tạng 55 tập, chia làm 2 phần: Phần kinh điển phiên dịch gồm có 32 tập (từ tập 1 đến tập 32) chia thành 16 bộ :
1. A Hàm bộ
2. Bổn Duyên bộ
3. Bát Nhã bộ
4. Pháp Hoa bộ
5. Hoa Nghiêm bộ
6. Bảo Tích bộ
7. Niết Bàn bộ
8. Đại Tập bộ
9. Kinh Tập bộ
10. Mật Giáo bộ
11. Luật bộ
12.Thích Kinh luận bộ
13.Tỳ Đàm bộ
14.Trung Quán bộ
15. Du già bộ
16. Luận Tập bộ
Phần trước tác soạn thuật của các bậc Cao Tăng cổ đức Trung Quốc còn gọi là Tạp tạng, gồm 23 tập (từ tập 33 đến tập 55) chia thành 8 bộ:
1. Kinh sớ bộ
2. Luật sớ bộ
3. Luận sớ bộ
4. Chư tông bộ
5. Sử truyện bộ
6. Sự hối bộ
7.Ngoại giáo bộ
8. Mục lục bộ
Cộng 2276 bộ, 9042 quyển.
Chánh tạng nếu phân chia theo Kinh Luật Luận thì A Hàm bộ, Bổn Duyên bộ, Bát Nhã bộ, Pháp Hoa bộ, Hoa Nghiêm bộ, Bảo Tích bộ, Niết Bàn bộ, Đại Tập bộ, Tập Kinh bộ, Mật Giáo bộ thuộc về Kinh tạng. Luật bộ như Di-sa-tắc bộ, Ma-ha-tăng-kỳ bộ, Đàm-vô-đức bộ, Tát-bà-đa bộ, Giải thuyết giới kinh (Ca-diếp-di bộ), Bồ-tát giới v.v... thuộc Luật tạng. Thích kinh luận bộ, Tỳ đàm bộ, Trung quán bộ, Du-già bộ, Luận tập bộ thuộc Luận tạng. Kinh sớ bộ, Luật sớ bộ, Luận sớ bộ, Chư tông bộ, Sử truyện bộ, Sự hối bộ, Ngoại giáo bộ và Mục lục bộ thuộc Tạp tạng.
Tục tạng gồm 30 tập (từ tập 56 đến tập 85), chia thành 7 bộ:
1. Tục Kinh sớ bộ
2. Tục luật sớ bộ
3. Tục luận sớ bộ
4. Tục chư tông bộ
5. Tất-đàm bộ
6. Cổ-dật Bộ
7. Nghi tợ bộ
Trong đó ngoài 2 bộ Cổ dật bộ, Nghi tợ bộ thu thập kinh điển Đôn Hoàng ra, các phần còn lại đều là các trước tác của Nhật Bổn.
Đồ tượng bộ gồm 12 tập, chuyên thu thập các loại hình tượng Phật nổi tiếng lưu truyền qua các triều đại ở Nhật Bổn, và tượng Kim Cang, tượng Minh Vương Mật tông, cùng với các loại họa đồ Mạn-đà-la. Tổng cộng có 367 bộ, 1345 quyển.
Ở trên tổng cộng tất cả là 31 bộ.
Tổng mục lục 3 tập thu thập mục lục các bản Đại Tạng Kinh các triều đại Trung Quốc và mục lục Tạng kinh các bản khắc, bản viết tay ở các tự viện Nhật Bổn, cùng với tổng mục lục, bảng chỉ dẫn Đại Chánh Tạng, mục lục người dịch, v.v… tất cả 77 loại.
Cách phân chia của Đại Chánh Tạng đã làm thay đổi truyền thống lịch sử sắp xếp phân loại Đại Tạng Kinh Hán văn Phật giáo, cách sắp xếp này không chia thành kinh điển Đại thừa, kinh điển Nguyên thủy, mà y theo sự ra đời và lưu truyền thời gian trước sau mà sắp xếp thứ tự, sắp A Hàm bộ đứng đầu, thứ đến là Bổn Duyên bộ, nội dung chủ yếu là những câu chuyện bổn sanh, bổn sự của Đức Phật; sau đó là Kinh luật luận và các trước tác của Phật giáo Trung Quốc, các trước tác của Phật giáo Nhật Bổn. Đại Chánh Tạng theo thứ tự đó mà hội tập các loại kinh điển Phật giáo.
Các phân loại này trong tất cả mục lục Đại Tạng Kinh và mục lục kinh điển Phật giáo lịch đại không thấy bất cứ y cứ nào để tham chiếu, đây là cách phân loại hoàn toàn mới, sáng tạo độc đáo của Đại Chánh Tạng.
2.2 Nội dung sưu tập
Đại Chánh Tạng về mặt nội dung sưu tập kinh điển Phật giáo đối với các bộ Đại Tạng Kinh trước cũng có sự đột phá. Đại Chánh Tạng không những về trình độ tương đương thâu tóm tất cả nội dung kinh điển mà các bộ Đại Tạng Kinh trước đã thu thập, còn thu thập một cách rộng rãi những quyển Kinh đã thất truyền từ đời Đường Tống trở về đây, là các tác phẩm quan trọng của chư Tổ Tịnh Độ tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông, Thiên Thai tông, Tam Luận tông … lần lượt được phát hiện tại các nước Triều Tiên, Nhật Bổn; còn thu thập khoảng 200 loại Kinh viết tay vừa mới được phát hiện ở thế kỷ 20 ở Đôn Hoàng và các địa phương khác. Thống kê sơ lược, các bộ kinh điển được phiên dịch và các trước thuật Phật giáo Trung Quốc mà các bộ Đại Tạng Kinh trước đời Thanh không có ghi chép, mà được sưu tập trong bộ Đại Chánh Tạng (không bao hàm các bộ Kinh chép tay Đôn Hoàng) khoảng hơn 400 loại, trong đó các kinh điển phiên dịch khoảng 215 loại (bao hàm biệt bổn) trước thuật Phật giáo Trung Quốc khoảng 220 loại (bao hàm biệt bổn). Đặc biệt là các trước thuật Trung Quốc đã từng phát sanh ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Tác giả của những tác phẩm này phần đông là những bậc nhất đại Tôn Sư khai sáng tông phái thành Tổ. Trong đó có 22 loại trước thuật của ngài Kiết Tạng là người khai sáng Tam Luận tông: Đại Phẩm Du Ý, Pháp Hoa Huyền luận, Pháp Hoa Nghĩa sớ, Nhân Vương Bát Nhã Kinh sớ, Thắng Man Bảo Khố, Trung Quán Luận sớ, Thập Nhị Môn luận sớ, Bách Luận sớ, Tam Luận Huyền Nghĩa, Đại thừa Huyền luận, Nhị Đế Nghĩa…
Ngài Khuy Cơ, đệ tử của ngài Huyền Trang, người khai sáng Pháp Tướng tông Trung Quốc, có 8 loại: Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán, Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán Thuật, A Di Đà Kinh Sớ, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh sớ, Kim Cang Bát Nhã Luận Hội Thích, Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Ký, Biên Trung Biên Luận Thuật Ký, Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy.
Tam Tổ Pháp Tạng, người khai sáng Tông Hoa Nghiêm Trung Quốc, có 14 loại: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, Hoa Nghiêm Kinh Văn Nghĩa Cương Mục, Đại thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Sách Lâm, Hoa Nghiêm Kinh Vấn Đáp, Hoa Nghiêm Kinh Nghĩa Hải Bách Môn, Hoa Nghiêm Kinh Quan Mạch Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Phát Bồ Đề Chương…
Ngài Đạo Tuyên, người khai sáng Nam Sơn Luật tông có rất nhiều trước tác luật học mà không được đưa vào trong các bộ Đại tạng Kinh xưa mà được thu thập vào bộ Đại Chánh Tạng tám loại: Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ Kinh, Tịnh Tâm Giới Quán Pháp, Thích Môn Chương Phục Nghi, Lượng Xử Khinh Trọng Nghi, Thích Môn Quy Kính Nghi, Giáo Giới Tân Học Tỳ Kheo Hành Hộ Luật Nghi, Luật Tướng Cảm Thông Truyện, Trung Thiên Trúc Xá Vệ Quốc Kỳ Hoàn Tự Đồ Kinh.
Các trước tác của Tổ Sư Tịnh Độ Tông Trung Quốc có một số không được đưa vào các bộ Đại Tạng Kinh đời trước mà được đưa vào bộ Đại Chánh Tạng như: Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa của Ngài Đàm Loan đời Bắc Nguỵ, An Lạc Tập của Ngài Đạo Xuyết đời Đường, Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn, Chuyển Kinh Hành Đạo Nguyện Vãng Sanh Tịnh Độ Pháp Sự Tán, Y Quán Kinh Đẳng Minh Bát Châu Tam Muội Hành Đạo Vãng Sanh Tán, Vãng Sanh Lễ Tán Kệ của Ngài Thiện Đạo đời Đường…
Trên đây là những trước tác của các vị Tổ Sư các tông phái Phật giáo Trung Quốc, là những văn hiến quan trọng để nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc, các tác phẩm này vì được đưa vào bộ Đại Chánh Tạng mà lưu truyền cho người đời sau, ý nghĩa của việc này thật vô cùng sâu sắc. Đồng thời trong các kinh điển còn lại ở Đôn Hoàng đã bảo tồn một số kinh điển quan trọng của Thiền tông trong thời kỳ đầu, những văn hiến Thiền tông này được đưa vào Đại Chánh Tạng, khi bộ Đại Chánh Tạng ra đời, đã làm dấy lên phong trào nghiên cứu Thiền tông của giới học giả Phật giáo 2 nước Trung Hoa - Nhật Bổn, khiến cho sự nghiên cứu Thiền tông trở thành một vấn đề nghiên cứu nóng bỏng của Phật giáo Trung Quốc từ cận đại đến đương đại. Đại Chánh Tạng đã đưa vào một số Kinh sách quan trọng của Thiền tông được tìm thấy ở Đôn Hoàng, chủ yếu gồm có: Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Thiệu Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh, Lịch Đại Pháp Bảo Ký, Quán Tâm Luận, Đại thừa Vô Sanh Phương Tiện Môn, Đại thừa Bắc Tông Luận, Lăng Già Sư Tư Ký, Truyền Pháp Bảo Ký, Nam Thiên Trúc Quốc Bồ Đề Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn.
Ngoài ra trong các trước tác của Phật giáo Trung Quốc, Đại Chánh Tạng còn thu thập hơn 30 loại thuộc Sử Truyền bộ, các loại này cũng không được đưa vào các bộ Đại Tạng Kinh đời trước: Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng, Hoằng Tán Pháp Hoa Truyện, Pháp Hoa Truyện Ký, Thiên Thai Cửu Tổ Truyện, Vãng Sanh Tịnh Độ Truyện, Hoa Nghiêm Kinh Truyện Ký, Lạc Dương Già Lam Ký,…
2.3 Hiệu đính Đại Chánh Tạng
Bộ phận chủ thể chánh tạng của Đại Chánh Tạng lấy bộ Đại tạng Kinh Cao Ly làm gốc, những Kinh sách mà Tạng Cao Ly không đưa vào thì lấy các bộ Đại Tạng Kinh khác do Nhật Bổn thu thập làm gốc, tỷ suất sử dụng tương đối cao là bộ Đại Tạng Kinh đời Minh tức Gia Hưng Tạng và Tục Tạng, tức bộ Đại Nhật Bổn Tục Tạng Kinh, ngoài ra còn dùng các bộ Đại Tạng Kinh khác của trường tôn giáo và các tự viện Nhật Bổn thu thập bảo tồn làm gốc, thường dùng là bổn của đại học tôn giáo, bổn của đại học Đại Cốc, bổn của đại học Long Cốc, bổn Báo Ân Tạng chùa Tăng Thượng, bổn Đông Đại Tự, bổn Dược Sư Tự,…
Các bộ Đại Tạng Kinh cơ bản mà bộ Đại Chánh Tạng hiệu đính là ba loại Tống, Nguyên, Minh. Tống tức là bổn Tư Phúc Tạng được khắc ở đời Tống, Nguyên tức là bổn Phổ Ninh Tạng được khắc ở thời Nguyên, Minh tức là bổn Gia Hưng Tạng được in ở đời Minh. Ngoài ra, Đại Chánh Tạng còn sưu tập những bổn được in ấn và viết tay có giá trị hiệu đính được thu tàng ở các miền trên đất nước Nhật Bổn làm bổn gốc hiệu đính. Ngoài các bổn đã nói ở trên còn có Chánh Thương Viện Thánh Ngữ Tạng (Thiên Bình Tả Kinh), Cung Nội Tỉnh Đồ Thư Liêu bổn (bổn của đời Tống), Đại Đức Tự bổn, Vạn Đức Tự bổn, Thạch Sơn Tự bổn, Đề Hồ Tự bổn, Nhân Hoà Tự Tạng bổn, Chung Thông Bắc Chiết Thị Tạng bổn, Cửu Nguyên Văn Khố bổn, Sâm Điền Thanh Thái Lang Thị Tạng, Đông Kinh Đế Thất Bác Vật Quán bổn, Tây Phúc Tự bổn, Kim Cang Tạng, Cao Dã Bản bổn, Đôn Hoàng bổn,… cùng với các bản gốc Pali, Phạm văn. Đại Chánh Tạng sử dụng phương pháp hiệu đính là lấy bản gốc và bản hiệu đính từng chữ đối chiếu so sánh, chỉ khảo đính chỗ khác nhau mà không phán đoán, dùng hình thức chú chân để phụ lục phía dưới mỗi trang Kinh.
Trước bộ Đại Chánh Tạng, các bộ Đại Tạng Kinh đời trước trong quá trình biên tập sửa chữa đều có trình tự khảo đính, nhưng không lưu lại kết quả hiệu đính.
Đại Chánh Tạng lần đầu tiên lấy tư tưởng học thuật hiện đại làm chỉ đạo, áp dụng phương pháp căn bản hiện đại khảo đính học, trên cơ sở thu thập tất cả các bộ Đại Tạng Kinh xưa nay, đối chiếu cùng một loại Kinh mà nhiều văn bản, lưu lại kết quả hiệu đính, đó là sự cống hiến rất lớn của Đại Chánh Tạng, cung cấp tài liệu trân quý để nghiên cứu Phật giáo .
2.4 Mục lục và sách dẫn
Sự biên soạn tinh tế của Đại Chánh Tạng còn biểu hiện ở mục lục và sách dẫn, đó là Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục, một phần của Đại Chánh Tạng.
Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục gồm có 3 tập. Tập thứ nhất ghi chép mục lục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tổng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Nhất Lãm, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Kham Đồng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Trước Dịch mục lục (phụ lục Ấn Độ chư luận sư trước tác mục lục) Đại Chánh Tân Tu Đại tạng Kinh sách dẫn mục lục, và mục lục 15 bộ Đại Tạng Kinh do các tự viện và thư viện Nhật Bổn thâu tàng như Cung Nội Tỉnh Đồ Thư Liêu Nhất Thiết mục lục, Đông Tự Kinh Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục, Nam Thiền Tự Kinh Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục, Chánh Thương Viện Ngự Vật Thánh Ngữ Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục… trong đó đáng được xem trọng là mục lục của Tư Phúc Tạng, mục lục của Tích Sa Tạng, mục lục của Đôn Hoàng Bổn Cổ Dật Kinh Luận Chương Sớ và Cổ Tả Kinh …
Tập thứ 2: Thu thập 18 loại mục lục, bao gồm Cao Ly Tạng Mục Lục, Chí Nguyên Lục, Cổ Ninh Tạng mục lục, Minh Bắc Tạng mục lục, Long Tạng mục lục, Minh Nam Tạng mục lục, Tạng Bản Kinh Trực Hoa Nhất mục lục (Gia Hưng Tạng mục lục), Thiên Hải Tạng (do Nhật Bổn biên soạn), Súc Khắc Đại Tạng Kinh, Hoàng Bích Tạng, Vạn Tự Tạng, Đại Nhật Bổn Tục Tạng Kinh, bộ Đại Chánh Đại Tạng Kinh Cương Mục Chỉ Yếu Lục…
Tập 3: Thu thập 39 bộ mục lục sách dẫn, trong có 5 loại mục lục sách dẫn Tục Tạng Đại Chánh Tạng là Tục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Tổng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Toàn Lãm, Tục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Kham Đồng mục lục…; và các mục lục do các tự viện lớn ở Nhật Bổn thâu tàng như Đại Nhật Bổn Phật Giáo Toàn Thư Tổng mục lục, Hồ Châu Tư Khê Viên Giác Thiền Viện Tân Điêu Đại Tạng Kinh mục lục, Phúc Châu Đông Thiền Đại Tạng Kinh mục lục (Sùng Ninh Tạng mục lục), Thiền Lâm Tự Nhập Tạng mục lục, … cùng với Duyệt Tạng Tri Tân, Đại Tạng Nhất Lãm Tập, Đại Tạng Chiết Bổn Khảo, Ngự Chế Đại Tạng Kinh Tự Bạt Tập.
Nhìn chung nội dung ba tập Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục, có thể nói đây chính là thành quả rộng lớn trong quá trình biên soạn hiệu đính Đại Chánh Tạng. Nó là thành quả kết tinh tâm huyết hơn mười năm của Ban Biên tập hiệu đính. Tất cả thành tựu quan trọng của bộ Đại Chánh Tạng đều thể hiện tập trung ở trong 3 tập mục lục này. Trong đó, quan trọng nhất là “Kham Đồng mục lục”. Bộ mục lục này y theo thứ tự sưu tập kinh điển của Đại Chánh Tạng, trước lục tên của mỗi loại kinh điển, quyển số, dịch âm của Nhật văn, Phạm văn, Pali văn, Tạng văn, tên riêng hoặc là tên gọi tắc của Kinh, tên người dịch, người trước tác, và niên đại người dịch, người trước tác, hàm hiệu, bản gốc, bản hiệu đính, tên phẩm, hoặc nội dung cương mục, các bản dịch khác, các bản chú sớ trong các bản Đại Tạng Kinh. Từ quyển “Kham Đồng mục lục”, chúng ta có thể nhìn thấy sự dụng công rất lớn của Ban Biên tập khi thu thập, chỉnh lý và nghiên cứu Phật điển, cũng phản ánh toàn quá trình biên tập của Đại Chánh Tạng. Kham Đồng mục lục là một loại sách công cụ dùng để tra cứu Phật điển Hán văn có trình độ học thuật rất cao, cũng là bộ ký lục lịch sử bất hủ biên tập hiệu đính Đại Chánh Tạng. Nội dung khác của tổng mục lục ở đây chúng ta không giới thiệu nhiều, nhưng có thể nói rằng, mỗi loại mục lục sách dẫn này đều là tài liệu quý báu để nghiên cứu Phật giáo.
2.5 Mười hai tập đồ tượng (hình ảnh, tranh)
Với số lượng 12 tập, Đại Chánh Tạng đã sưu tập các loại đồ tượng Phật giáo gồm có 367 bộ 1345 quyển. Những đồ tượng này đều là những tác phẩm thâu tàn trân quý của các tự viện lớn ở Nhật Bổn, nội dung không những bao gồm tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Thiên Vương, các loại họa đồ Mạn Đà La, còn bao gồm dụng cụ của tăng sĩ, đạo cụ nghi quỹ, thủ ấn, hương dược và các hình tượng Tổ Sư… như hình Phật A Di Đà và Dược Sư 8 vị đại Bồ tát, ngũ phương Chư Tôn, Di Lặc Bồ tát, Bát Đại Minh Vương, Tứ Thiên vương, nhị thập bát bộ và thập nhị thần tướng, hình các đàn tràng, khiết ấn, nghi quỹ, ấn đồ, Đại Đường Cà Sa, Tam bảo vật cụ, Tam quốc Tổ Sư, Lục tổ, Cao tổ, hương dược, chân Phật. Trong lịch sử biên tập Đại tạng Kinh Phật giáo việc đem đồ tượng Phật giáo đưa vào Đại tạng Kinh đây là lần đầu tiên. Đây lại là một cống hiến mang tính đột phá của Đại Chánh Tạng. Những tập đồ tượng này không những là kho tàng tài liệu quý báu để nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo mà còn đối với việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo nhất là nghiên cứu nghi quỹ Phật giáo có giá trị rất quý.
2.6 Xếp in và chấm câu
Để thực hiện tôn chỉ của Ban Biên tập là “làm cho thánh điển được lưu truyền rộng rãi”, bộ Đại Chánh Tạng này đã sử dụng phương pháp dùng bản chì chữ nhỏ, khiến cho dung lượng của mỗi quyển sách tăng thêm rất lớn; đồng thời Ban Biên tập cũng bỏ ra rất nhiều công phu để chấm câu Kinh văn. Đây là một phương diện đặc sắc quan trọng của Đại Chánh Tạng. Cũng vì như thế, tuy Đại Chánh Tạng chỉ có 100 tập nhưng nội dung vô cùng phong phú. Ý nghĩa chấm câu trong Kinh không thể xem thường, đã cung cấp sự tiện lợi cho đại đa số người duyệt đọc Kinh sách, cũng chính vì thế khiến cho Đại Chánh Tạng trở thành một bộ Đại tạng Kinh có tỷ suất sử dụng cao nhất.
Tóm lại, Đại Chánh Tạng là một bộ Đại Tạng Kinh có sự biên soạn tinh tế, nội dung phong phú, là thành quả trọng đại nhất của giới học thuật nghiên cứu Phật giáo Nhật Bổn thời cận đại, có địa vị cao trong lịch sử biên soạn Đại Tạng Kinh.
3) Khuyết điểm của Đại Chánh Tạng
Các bản Đại tạng Kinh xưa kia đều có khuyết điểm hoặc thiếu sót, Đại Chánh Tạng cũng không phải là một bộ Đại Tạng Kinh thập toàn thập mỹ. Đó là do nhiều nguyên nhân tạo thành.
Một là hơn 2000 năm đã dần dần hình thành số lượng kinh điển Phật giáo Hán văn rộng lớn, nội dung vô cùng phức tạp. Như điển tịch Tam Tạng Hán dịch, phán đoán thời đại ra đời và thuộc tánh, đã từng khiến cho các nhà mục lục học Phật giáo nhiều đời bỏ hết tâm trí vào, và cũng vì như thế đã nảy sanh rất nhiều quan điểm khác nhau, hình thành những lý luận phán giáo khác nhau. Cũng vì thế xuất hiện sự phân loại và sắp xếp kinh điển Phật giáo không giống nhau.
Hai là mỗi bộ Đại tạng Kinh được biên tập vào một thời đại riêng biệt nào đó, do vì bối cảnh lịch sử khách quan, khiến cho nội dung thu thập của mỗi bộ Đại tạng Kinh đều phản ảnh đặc sắc của thời đại, biểu hiện tánh cục hạn tương đối.
Ba là các bộ Đại Tạng Kinh Hán văn Phật giáo được biên tập ở nhiều quốc gia và địa phương khác nhau, sự sai khác của quốc gia và địa phương cũng ảnh hưởng một trình độ nào đó về chất lượng biên tập.
Bộ Đại Chánh Tạng được biên tập ở niên đại 20 đến niên đại 30 của thế kỷ 20 ở Nhật Bổn, dù giới Phật giáo Nhật Bổn đã vận dụng hết tất cả nỗ lực lớn nhất của họ, điều động giới Phật giáo Nhật Bổn, dường như toàn bộ năng lượng (nghe nói nhân viên tham dự việc này 450.000 người, kinh phí 2.800.000 đồng tiền Nhật). Do các nguyên nhân ở trên, khiến cho bộ Đại Chánh Tạng không thể hoàn mỹ. Sự thành tựu của Đại Chánh Tạng không ai có thể phủ nhận nhưng sự thiếu sót của nó cũng không thể nào che đậy.
3.1 Sự bỏ sót các trước tác Phật giáo Trung Quốc
Sự bỏ sót đối với các trước tác Phật giáo Trung Quốc là một khuyết điểm rõ ràng. Như học giả Đài Loan Lam Cát Phú đã nói trong tác phẩm “Phật giáo Sử Khoa học” của mình: “Trong 100 tập, chỉ thu thập trước tác Trung Quốc (không gồm các kinh điển phiên dịch) khoảng 24 tập, mà thu thập tác phẩm Nhật Bổn khoảng 42 tập (từ tập 56 đến tập 84 là 29 tập), với 12 tập đồ tượng cùng với tác phẩm Nhật Bổn trong Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục). Tuy người Nhật Bổn có ý tuyên dương văn hóa Phật giáo nước họ, chúng ta có thể lý giải. Nhưng nhìn từ sự thật khách quan, số lượng tác phẩm Trung Quốc chỉ có hơn một nửa tác phẩm Nhật Bổn. Dù thế nào đi nữa, đương nhiên đó không phải là phương hướng biên tập cân bằng”.
Đương nhiên tạo thành tình huống như thế ắt sẽ có nguyên nhân về những phương diện khác, như có rất nhiều bổn Đại Tạng Kinh Hán văn quan trọng mà khi biên tập Đại Chánh Tạng, Ban Biên tập không cách nào có được, như Phòng Sơn Thạch Kinh, Triệu Thành Kim Tạng, Tích Sa Tạng, và Long Tạng đời Thanh, vì thế rất nhiều tác phẩm Phật giáo Trung Quốc có đưa vào trong những bộ Đại Tạng Kinh này nhưng lại không thể đưa vào bộ Đại Chánh Tạng.
Đại Chánh Tạng thu thập tác phẩm Phật giáo Trung Quốc (từ tập 33 đến tập 55, không bao gồm tập 85 và các mục lục trước tác của tăng sĩ Trung Quốc trong Thiệu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục) gồm có 512 loại mà Đại Chánh Tạng không đưa các tác phẩm Phật giáo Trung Quốc vào hơn 150 loại, số lượng gần một phần 3 tác phẩm Trung Quốc được đưa vào trong Đại Chánh Tạng, trong đó có những tác phẩm có giá trị như sau:
Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (Ngài Huyền Ưng – đời Đường soạn), Thiên Ánh Quảng Đăng Luật, Tứ Phần Luật, Hàm Chú Giới Bổn Sớ, Truyền Đăng Bảo Ân Tập, Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, Đại Minh Tam Tãng Pháp Số, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Đại Phương Quảng Viên Giác Kinh Đại Sớ, Ngũ Đăng Hội Nguyên…
Mà phần Tục Tạng của các bộ Đại tạng Kinh các đời chủ yếu là chỉ tục tạng của Gia Hưng Tạng, đã thu thập tác phẩm Trung Quốc mà Đại Chánh Tạng không thu thập hơn 400 loại, những tác phẩm này phần đông là chương sớ và ngữ lục của Thiền tông, nhưng không ít tác phẩm nổi tiếng như Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện, Hàn Sơn Thi, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Hộ Pháp Lục, Chánh Pháp Nhãn Tạng, Lâm Giang Lục, Thạch Môn Văn Tự Thiền, La Hồ Dã Lục, Chỉ Nguyệt Lục, Trúc Song Tùy Bút…
Đại Chánh Tạng tại sao không thu thập, các bộ sách trước tác này? Các bộ sách này không quan trọng sao? Không phải như vậy, trong đó nhất định có nguyên nhân mà ông Lam Cát Phú đã nói, và cũng như phần này đã nói là tánh cục hạn thời đại và tánh sai biệt của đất nước tạo thành. Điểm này có thể nói là khuyết điểm chủ yếu của Đại Chánh Tạng.
3.2 Sự phân loại không hợp lý
Như trên đã nói, Đại Chánh Tạng đã khai sáng một hệ thống phân loại toàn mới, tức là đem những kinh điển Hán văn chia làm 31 bộ. Phương pháp phân loại này đã phá bỏ phương pháp phân loại truyền thống. Nhưng sự phân loại của Đại Chánh Tạng không phải hoàn toàn hợp lý, vẫn có những chỗ cần phải bàn bạc lại. Như ông Châu Thúc Ca là nhà học giả Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc, trong tác phẩm của mình “Bàn về phương pháp phân loại kinh điển Đại thừa trong Hán văn Đại tạng kinh” đã nói: “Kinh và Luận có sai khác, Kinh Đại thừa và Tiểu thừa có phân biệt, không thể lẫn lộn, nhưng Bổn Duyên bộ trong Đại Chánh Tạng đã làm lẫn lộn Kinh và Luận, Kinh điển Đại thừa và kinh điển Tiểu thừa. Bộ này cần phải chỉnh lý chia lại cho rõ ràng. Trong Kinh Tập Bộ thì kinh điển Đại thừa và kinh điển Tiểu thừa cũng lẫn lộn với nhau”.
Trong Kinh Tập Bộ sưu tập 433 loại kinh điển, nội dung vô cùng phức tạp, có một số kinh điển Đại thừa đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với tư tưởng Phật giáo Trung Quốc như Kinh Duy Ma, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Kim Quang Minh, Kinh Vu Lan Bồn; lại có các kinh điển của Tịnh Độ như Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh; lại có những kinh thuộc về Thiền Số như Phật Thuyết Đại An Ban Thủ Yết Kinh, lại có những kinh nói về tư tưởng Như Lai Tạng như Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh, cùng với những kinh điển mà xưa nay các bộ Đại Tạng Kinh khác xếp vào Kinh Tiểu thừa như Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh. Trong số kinh điển nhiều như vậy lẫn lộn kinh Đại thừa và kinh Tiểu thừa, không có một giới định rõ ràng, chính xác, đây cũng là một khuyết điểm của Đại Chánh Tạng.
3.3 Hiệu đính và chấm câu
Một trong những tôn chỉ của Đại Chánh Tạng là nghiêm mật bác thiệp hiệu đính. Đại Chánh Tạng về phương diện hiệu đính đích xác đã bỏ ra rất nhiều công phu, dùng 3 bộ Đại tạng Kinh Tống, Nguyên, Minh làm bản hiệu đính căn bổn, và sưu tập một số bản in, bản viết tay, Phạm văn, Pali văn để làm bản tham khảo hiệu đính. Nhưng mà các bản Pali, Phạm văn số lượng có hạn, khởi tác dụng cho việc hiệu đính không phải rõ ràng lắm. Vấn đề ở đây là rất nhiều bộ Đại Tạng Kinh Hán văn mà Đại Chánh Tạng có điều kiện lợi dụng nhưng không lợi dụng như Phúc Châu Sùng Ninh Tạng được bảo tồn ở Nhật Bổn, Vĩnh Lạc Nam Tạng, Vĩnh Lạc Bắc Tạng đời Minh được bảo tồn tương đối nhiều, Long Tạng đời Thanh,Triệu Thành Kim Tạng, Phòng Sơn Thạch Kinh. Nhiều bộ Đại Tạng Kinh quan trọng không thành bổn gốc hiệu đính của Đại Chánh Tạng khiến cho thành quả của hiệu đính giảm đi phần đặc sắc.
Căn cứ danh sách nhân viên biên tập được phụ lục ở mỗi quyển Đại Chánh Tạng, người tham gia biên tập hiệu đính tuy có các nhà học giả Phật giáo nổi tiếng, nhưng đại đa số là thầy giáo và học sinh trong các trường Phật giáo ở Nhật Bổn. Do vì họ không giỏi Hán ngữ và tri thức Phật giáo còn khiếm khuyết, khiến cho việc chấm câu Kinh văn không đúng và sự sai sót khi xếp in rất nhiều.
Tóm lại Đại Chánh Tạng đã có rất nhiều thành tựu khiến cho giới học thuật thán phục nhưng do vì sự cục hạn của thời đại và sự khác biệt của đất nước khiến cho sự sai sót, khuyết điểm không thể tránh khỏi.
Các bài viết liên quan
- Phương pháp tiếp cận Phật giáo về vấn đề phát triển kinh tế bền vững - Thứ Năm, 14:15 16-05-2019 - xem: 6073 lần
- Một cách tiếp cận Chánh niệm và sự lãnh đạo có Chánh niệm (bản tiếng Anh) - Thứ Tư, 09:40 08-05-2019 - xem: 3976 lần
- Một cách tiếp cận Chánh niệm và sự lãnh đạo có Chánh niệm - Thứ Tư, 09:28 08-05-2019 - xem: 4317 lần
- Tóm tắt bài tham luận của GS. Morny Joy - Thứ Ba, 10:03 11-07-2017 - xem: 4793 lần
- Những giá trị nền tảng của Triết học Phật giáo - Thứ Hai, 07:17 10-07-2017 - xem: 10150 lần
- Giới thiệu sơ lược về Đại chánh tân tu Đại tạng kinh - Thứ Hai, 08:30 21-11-2016 - xem: 7165 lần
- Giới thiệu tác phẩm Milinda-tika - Thứ Tư, 22:15 30-10-2013 - xem: 7853 lần
- Hữu thể theo các nhà tuyệt đối luận - phần 2 - Thứ Năm, 22:24 26-09-2013 - xem: 4297 lần
- Không tông và Hữu tông - Thứ Tư, 22:15 18-09-2013 - xem: 5052 lần
- Hữu thể theo những nhà tuyệt đối luận-phần 1 - Thứ Bảy, 22:25 07-09-2013 - xem: 4044 lần
- Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo - Thứ Năm, 14:49 04-07-2013 - xem: 14767 lần
- Phương thức nhận thức trong Nhận Thức Luận Phật giáo - Chủ Nhật, 01:00 31-03-2013 - xem: 9664 lần