Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo
- TK. Giác Chinh
- | Thứ Năm, 14:49 04-07-2013
- | Lượt xem: 13513
1. Khái niệm về Bản thể luận
Bản thể luận hay còn gọi là Bản thể học là bộ môn nghiên cứu triết học về bản chất của con người và sự tồn tại của sự sống và thế giới. Tức là, khái niệm về loại hình nghi vấn có liên quan đến bản chất, sự hình thành, tồn tại, và thực tại được nhận biết như thế nào?
Bản thể luận đề cập đến sự hiện hữu và mối quan hệ của các vấn đề trên diễn ra và xác định chúng như thế nào? Chúng được phân cấp hoặc nhóm lại ra làm sao? Sự giống và khác nhau giữa tồn tại và thực tại như thế nào? v.v… Đó là các vấn đề của Bản thể luận đề cầp đến và nghiên cứu, giải thích chúng theo một quy luật logic, khoa học bằng những phạm trù biểu thị bản chất.
Phật giáo đề cập đến đặc tính Vô thường là bản chất của tất cả sự vật hiện tượng dù thuộc vật lý hay thuộc tâm lý. Như vậy, Bản thể luận của Học thuyết chủ nghĩa xã hội Phật giáo được xác định như thế nào khi mà tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định?
Với nguyên lý hệ thuộc (điều kiện, nhân duyên), và tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định, chính là bản chất của Bản thể luận Phật giáo.
2. Cách tiếp cận Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo
Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo có câu trả lời cho luận đề cơ bản của bản thể luận là: “Cái gì tồn tại?”
Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo tuy không chủ trương siêu hình học là yếu tố nòng cốt trong học thuyết của mình, nhưng có bộ môn nghiên cứu về sự tồn tại và hình thành thông qua phạm trù “phương tiện” và “trình hiện” (呈 現, Appearance). Từ đó, Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo nghiên cứu về thực tại và bản chất của sự tồn tại. Xác định các mối quan hệ của phạm trù tồn tại để xác định yếu tố thực thể và các kiểu thực thể bên trong khuôn khổ trình hiện của tồn tại, và nhận biết chúng tồn tại như thế nào.
Phạm trù Không tính (śūnyatā), Tự tính (svabhāva) là cặp phạm trù chủ chốt được dùng để chỉ cho bản thể thật sự trong Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo, giải quyết luận đề cơ bản của bản thể luận.
Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo lý giải Không tính là nhằm nói về thể tính của con người và lúc này được sử dụng như một tính từ (śūnya); Khi sử dụng Không tính như một danh từ (śūnyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có định tính. Từ hai yếu tố đó, Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng đều chỉ là những dạng trình hiện, chúng xuất phát từ tính Không, là không. Vì vậy, Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo xác định tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật.
Trong khi đó, Tự tính tuy chúng xuất phát từ tính Không, là không; nhưng vì trong tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật vì vậy tính Không được xem là cái chung nhất của tất cả mọi hiện tượng. Điều đó không có nghĩa là sự vật không có thật, chúng hiện diện nhưng chúng chỉ là dạng xuất hiện của tính Không.
Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo cắt nghĩa bản thể luận bằng Không tính, mọi sự vật đều trống rỗng, chúng chỉ dựa lên nhau (Điều kiện hoặc gọi là Duyên khởi) mà có. Thể tính của toàn thế giới là Không, nó là “cái tĩnh lặng của thiên hình vạn trạng”. Tính Không là thể tính của mọi khái niệm, kể cả khái niệm “tính Không”. Vì vậy, Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo xác định bản thể thông qua ba chức năng:
i. Nguồn gốc của tất cả mọi sinh thành của sự vật hiện tượng;
ii. Của sự hoại diệt của chúng;
iii. Đồng thời tạo cho chúng điều kiện thoát khỏi sự lang thang và trôi nổi[1].
Ba chức năng đó chính là chức năng của cặp phạm trù Không tính và Tự tính để xác định bản thể luận. Vì vậy, Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo xác định bản thể luận chính là tính nhất thể của vạn vật, là sự thống nhất với cái nhất thể tuyệt đối; đó chính là sự bình đẳng của tất cả, là thực tại tối cao.
Tuy thế, Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo khẳng định rằng: Người ta cần phải tránh quan điểm hư vô dễ có khi luận về tính Không như đã phân tích và đề cập ở trên để rồi ngộ nhận đó là bản thể luận, đó là sự sai lầm nghiêm trọng. Phải hiểu là sự vật không phải là không có, chúng có nhưng chỉ là những dạng xuất hiện, là những trình hiện, phương tiện của một thể tính. Kể cả tư tưởng cũng là trình hiện của thể tính đó nên không thể dùng tư tưởng để tiếp cận ngược lại nó. Vì vậy, tiếp cận tính Không trên cơ sở của sự hệ thuộc, không có tự tính chính là nội dung của các phép biện chứng cho thể tính tuyệt đối, tối thượng, không bị hạn lượng của nhị nguyên, vì chúng được biểu hiện theo dạng biểu thức.
Trong truyền thống Kim Cương thừa đề cập đến yếu tố này chính là phép quán huyễn thân và cực quang, là đỉnh cao của nhận thức của sự tồn tại.
Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác. Chúng không có tự ngã, lại càng không có cơ sở tự tồn hoặc cở sở tồn tại do Thượng đế ban cho.
3. Kết luận
Phật giáo nhấn mạnh đến hai yếu tố căn bản đó là hướng thiện và quy tắc đạo đức trong cuộc sống nhằm phát triển nhận thức, trí tuệ chân như, đó là phương tiện để giải thoát con người khỏi vòng luân hồi. Phật giáo, ngoài ý nghĩa là tôn giáo tỉnh thức, giác ngộ, thì còn là một hệ thống triết học hoàn thiện.
Như đã đề cập, cốt lõi của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo là Vô thường, Vô ngã và Duyên khởi. Chính cốt lõi này cùng với quá trình phát triển khái niệm Tính Không đã hình thành nên hệ thống triết học hoàn chỉnh, xác định và giải quyết được luận đề căn bản trong Bản thể luận.
Vì vậy, sự tồn tại trong bản thể luận Phật giáo chính là quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả của tất cả sự vật hiện tượng. Bản chất của sự tồn tại thế giới và sự sống chính là một dòng chuyển biến liên tục (vô thường), không do một thần linh hay Thượng đế nào sáng tạo ra, và chúng không tồn tại vĩnh hằng. Mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo một quá trình của sự hệ thuộc vào sự sinh ra, tụ lại, biến đổi và cuối cùng là hoại diệt theo một quy luật Nhân quả nhất định. Mỗi tác động dưới một điều kiện nhất định thì sẽ tạo thành một kết quả tương ứng. Khi nhận thức rõ bản chất này, còn người sẽ hình thành nên một nhận thức tích cực trong đời sống. Đó chính là nhận thức của sự chấm dứt hành động bất thiện, chấm dứt một ý niệm xấu hoặc một hành động xấu và ác.
[1] Đứng về khái niệm triết lý gọi là sự vô định, không lối thoát, v.v… Điều này trong Phật giáo gọi là Sự Luân hồi, đó chính là sự bấp bênh, trôi nổi trong cái vòng lẩn quẩn.
Các bài viết liên quan
- Phương pháp tiếp cận Phật giáo về vấn đề phát triển kinh tế bền vững - Thứ Năm, 14:15 16-05-2019 - xem: 4669 lần
- Một cách tiếp cận Chánh niệm và sự lãnh đạo có Chánh niệm (bản tiếng Anh) - Thứ Tư, 09:40 08-05-2019 - xem: 2855 lần
- Một cách tiếp cận Chánh niệm và sự lãnh đạo có Chánh niệm - Thứ Tư, 09:28 08-05-2019 - xem: 3727 lần
- Tóm tắt bài tham luận của GS. Morny Joy - Thứ Ba, 10:03 11-07-2017 - xem: 4323 lần
- Những giá trị nền tảng của Triết học Phật giáo - Thứ Hai, 07:17 10-07-2017 - xem: 8241 lần
- Giới thiệu sơ lược về Đại chánh tân tu Đại tạng kinh - Thứ Hai, 08:30 21-11-2016 - xem: 4587 lần
- Giới thiệu tác phẩm Milinda-tika - Thứ Tư, 22:15 30-10-2013 - xem: 4453 lần
- Hữu thể theo các nhà tuyệt đối luận - phần 2 - Thứ Năm, 22:24 26-09-2013 - xem: 3280 lần
- Không tông và Hữu tông - Thứ Tư, 22:15 18-09-2013 - xem: 4206 lần
- Hữu thể theo những nhà tuyệt đối luận-phần 1 - Thứ Bảy, 22:25 07-09-2013 - xem: 3085 lần
- Bản thể luận của Học thuyết Chủ nghĩa xã hội Phật giáo - Thứ Năm, 14:49 04-07-2013 - xem: 13513 lần
- Phương thức nhận thức trong Nhận Thức Luận Phật giáo - Chủ Nhật, 01:00 31-03-2013 - xem: 8084 lần