Đạo Phật và trách nhiệm xã hội
- Jack Kornfield, Thường Huyễn chuyển ngữ
- | Chủ Nhật, 15:07 01-11-2015
- | Lượt xem: 5344
Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong khi chúng ta thực tập giáo pháp đó là làm thế nào kết hợp hài hòa giữa việc tu, trách nhiệm và phụng sự, dựa trên nền tảng vô tham, buông xả, hiểu rõ tánh rỗng không tuyệt đối của các pháp hữu vi. Phải chăng các tiêu chuẩn hướng dẫn cho chúng ta bố thí, phụng sự, và chăm sóc tha nhân khác với những tiêu chuẩn hướng dẫn cho chúng ta quay về quán chiếu tự thân trên hành trình giải thoát, giác ngộ? Để xem xét vấn đề này, chúng ta cần phải phân biệt được giữa 4 đặc tính trọng tâm của việc tu tập, đó là từ, bi, hỷ, xả, và những gì được xem như là “kẻ thù kề cận”. Kẻ thù kề cận có thể dường như là rất gần với những đặc tính này và thậm chí có thể chúng ta còn có sự nhầm lẫn, nhưng trên cơ bản chúng không hề giống nhau.
Kẻ thù kề cận của từ đó là tham chấp. Tham chấp giả dạng như từ. Nó bảo: “Tôi yêu người này miễn là anh ấy hay cô ấy không thay đổi. Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn cũng yêu tôi. Tôi yêu nếu điều đó thuận với ý muốn của tôi”. Đấy hoàn toàn không phải là từ mà đó là tham chấp và tham chấp rất khác với từ. Từ đi kèm với lòng tôn kính, cảm kích; còn tham chấp gắn liền với chấp chặt, đòi hỏi, nhu cầu và mục tiêu sở hữu cho được. Tham ái dâng tặng tình yêu với một số người nào đó; nó độc quyền. Từ trong ý của Đức Phật đó là metta, đó là tình thương đại đồng, tình thương không phân biệt ngay cả với những người có thể bạn không thuận, không thích. Có thể chúng ta không tha thứ cho hành vi của họ nhưng bây giờ chúng ta tập tha thứ. Từ là một công cụ có năng lực rất mạnh chuyển hóa mọi tình cảnh. Nó không phải là sự mặc nhận thụ động. Như đức Phật dạy: “Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù ”. Tình thương bao trùm tất cả chúng sinh không có ngoại lệ và loại trừ tâm ý xấu xa.
Kẻ thù gần của bi chính là sự tiếc thương. Thay vì lòng bi rộng mở thì cái tâm tiếc thương lại bảo: “Ồ người nghèo ấy khổ sở quá!”. Tâm tiếc thương thiết lập sự ngăn cách giữa tự thân và người khác, cảm giác khoảng cách, xa rời nỗi khổ của người khác. Mặt khác, lòng bi nhận ra nỗi khổ của người khác như là một phản chiếu nỗi khổ của chính mình: “Tôi hiểu điều đó, tôi cũng đau khổ như thế. Đó là một phần của cuộc sống”. Tâm bi là chia sẻ nỗi khổ với mọi người.
Một kẻ thù cận kề khác của bi là sầu muộn. Tâm bi không sầu muộn. Bi không phải là trạng thái chìm ngập hay đồng nhất với nỗi khổ của người khác dẫn đến sầu muộn theo. Bi là trái tim sẵn lòng đón nhận chia sẻ nỗi đau của riêng mình hay của mọi người nhưng không đau buồn, oán giận hay ác cảm. Đó là mong muốn làm nỗi đau tan biến. Bi bao trùm những trải nghiệm đau thương, và loại bỏ ác niệm trong tâm.
Đặc tính thứ ba là hỷ, đó là khả năng cảm nhận hoan hỷ trong hạnh phúc của người khác. Kẻ thù kề cận của hỷ chính là sự thờ ơ, không sáng suốt hay nhẫn tâm. Chúng lẳng lặng xuất hiện nếu chúng ta bảo: “Tôi không dính mắc. Tôi không quan tâm những gì xảy ra bởi vì tất cả đều là phù du”. Chúng ta cảm thấy có chút nhẹ nhõm, thanh thản bởi vì chúng ta đã rút ra khỏi kinh nghiệm và năng lực của cuộc sống. Nhưng hỷ thật sự không phải là sự rút lui, nó hội nhập nhưng vẫn giữ được trạng thái thăng bằng với mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nó dang rộng ôm lấy cõi đời với tâm điềm tĩnh và quân bình, thấy rõ bản chất của tất cả sự vật. Xả bao trùm đối với tất cả mọi đối tượng đáng yêu hay không đáng yêu, thuận thảo hay bất đồng, niềm vui hay nỗi đau; nó chấm dứt sự bám víu và ghét bỏ.
Mặc dù tất cả mọi thứ là trống rỗng, song chúng ta vẫn trân quý thực tại. Như Thiền sư Dogen dạy: “Hoa rơi rụng cùng với niềm lưu luyến của chúng ta và cỏ dại mọc lên cùng với tâm ghét hận của chúng ta”. Hiểu thật sâu sắc rằng tất cả đều bị đóng khung, rằng thế giới hiện tượng này đều mong manh, không có thực, chúng ta hãy sống trọn vẹn trong hiện tại và hài hòa với thế giới này.
Tất cả những cách sống như tham chấp, tiếc nuối, so sánh và thờ ơ đều là quay lưng lại với cuộc sống không sợ hãi. Tâm linh không phải là từ bỏ hay lẩn tránh cuộc đời. Nhìn rõ thế giới với nhãn quan sâu sắc hơn nhận thấy thế giới không lấy tự ngã làm trung tâm, một nhãn quan thấy rõ mối liên kết cơ bản của cuộc sống ngang qua những quan điểm nhị nguyên. Đó là sự khám phá ra sự tự do ngay nơi thân và tâm của chúng ta.
Đức Phật dạy về Bát chánh đạo trong đó Chánh tư duy hay Nguyện vọng chân chánh gồm có 3 khía cạnh. Thứ nhất là tu tập tâm không còn tham ái, loại trừ kinh nghiệm tạm thời, và phát triển ý niệm bằng lòng với hiện tại. Thứ hai là tu tập tâm không còn niệm xấu và sân hận, có nghĩa là tu tập tâm từ bi, khoan dung. Thứ ba là tu tập tâm không còn niệm ác, có nghĩa là nuôi dưỡng năng lượng từ ái tích cực trong chúng ta. Với ý niệm của Nguyện vọng chân chánh, chúng ta có thể vận dụng tất cả các tình huống khác nhau mà chúng ta đối mặt như bàn đạp. Đấy là sợi dây liên kết tất cả khoảnh khắc trong nhiều đời sống của chúng ta. Mỗi khoảnh khắc đều trở nên một cơ hội.
Trong khi còn ở Ấn Độ, tôi đã nói chuyện với Vimala Thaker về vấn đề thiền định và hoạt động trên thế giới. Vimala đã làm việc nhiều năm trong các dự án phát triển và phân phối nhà đất nông thôn và trong khoảng thời gian đó sau nhiều năm học hỏi và thực hành những lời dạy của Krishnamurti, kết quả là cô bắt đầu dạy thiền và dành nhiều năm để làm công việc này. Mới đây, cô đã trở lại với công việc phát triển để giúp đỡ những người nghèo đói, vô gia cư, thời gian dành cho việc giảng dạy ít hơn so với trước đó. Tôi hỏi tại sao cô quyết định trở lại với loại hình công việc của nhiều năm trước. Cô trả lời: "Thưa ông, tôi là một người yêu cuộc sống, và vì là một người yêu cuộc sống, tôi không thể nào không làm những công việc của cuộc sống. Nếu có người đang đói, cần thức ăn, trách nhiệm của tôi là giúp họ được ăn. Nếu có người khao khát chân lý, trách nhiệm của tôi là giúp họ tìm thấy chân lý. Đối với tôi, không hề có sự phân biệt”.
Người Suds có câu nói: “Con ca ngợi thánh Allah và xin hãy buộc lạc đà vào cột trụ”. Cầu nguyện nhưng cũng biết chắc chắn rằng bạn đang cần gì trong thế giới này. Thiền định là để chứng tỏ sự hiểu biết của bạn về kinh nghiệm tâm linh. Giữ thăng bằng trong sự hiểu tỏ tường về sự trống rỗng với tâm từ bi và không phạm sai lầm để hướng dẫn đời sống của bạn.
Nhìn thấy sự trống rỗng có nghĩa là thấy rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống giống như những bong bóng nước trong dòng suối nước chảy mạnh, cũng giống như trò chơi của ánh sáng và bóng tối, cũng giống như một giấc mơ. Điều đó còn có nghĩa là hiểu biết hành tinh nhỏ bé này đang được treo lơ lửng trong không gian bao la giữa hàng triệu triệu, hàng tỷ tỷ ngôi sao và thiên hà, rằng tất cả lịch sử của nhân loại giống như một giây đem so với hàng tỷ năm của lịch sử trái đất, và rằng tất cả sẽ sớm qua đi và không ai biết được sẽ về đâu. Thực trạng này giúp chúng ta buông xả những điều dường như là then chốt trong các khó khăn trở ngại của chúng ta và sống trong đời với cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Không khuyết điểm có nghĩa là chúng ta phải nhận ra cuộc sống quý giá như thế nào, mặc dù nó chỉ phù du, thoáng qua và sự ảnh hưởng của từng hành động lời nói của chúng ta đến với tất cả chúng sinh xung quanh to tát như thế nào. Trong vũ trụ này, không có gì là vụn vặt cả, và về bản thân, chúng ta cần tôn trọng sự thật này và hành động có trách nhiệm phù hợp với nó.
Người ta có thể làm một việc hết sức ý nghĩa và giản dị là để bản thân thực tập thiền định. Phải chăng thế giới đang cần nhiều hơn về thuốc men, năng lượng, các công trình kiến trúc và thực phẩm? Không thực sự. Chúng ta đã có đủ những nguồn ấy rồi. Còn đói nghèo, bệnh tật là bởi vì còn vô minh, thành kiến và sợ hãi, bởi vì chúng ta chú trọng vật chất, tạo ra chiến tranh qua các ranh giới địa lý tưởng tượng và hành động như thể nhóm người này hoàn toàn khác với những nhóm người khác trên hành tinh này. Những gì thế giớicần không phải là có dầu nhiều hơn, mà chính là cần tình thương và lòng khoan dung hơn, cần tử tế và hiểu nhau hơn. Điều cơ bản nhất mà chúng ta có thể làm là giúp cho chiến tranh chấm dứt, giúp cho thế giới khổ đau này được thật sự thoát ra khỏi tham lam và sợ hãi, không còn quan điểm dị biệt chia rẽ trong tâm của chúng ta và giúp cho mọi người cũng đều làm được như vậy. Thế thì, đời sống tâm linh không phải là một đặc ân mà chính là một trách nhiệm căn bản.
Tuy nhiên cũng còn có một lập luận có ý nghĩa nữa đó là mình toàn tâm phụng sự cho cuộc đời. Tôi đề cập đến những sự kiện gần đây, cụ thể là chuyện kinh khiếp diễn ra ở Cam-pu-chia, bạo lực ở Trung Mỹ, nạn đói ở châu Phi, trong những hoàn cảnh này, nỗi khổ khốc liệt vượt khỏi sự nhận thức của nhân loại. Chỉ nói riêng ở Ấn Độ, có 350 triệu người sống trong nghèo nào, mức thu nhập mỗi ngày làm việc chỉ được một bữa ăn. Có lần tôi gặp một người đàn ông, 64 tuổi ở Calcutta, kiếm sống bằng nghề kéo xe rick-shaw. Ông đã làm công việc này trong suốt 40 năm nay để nuôi 10 người sống nhờ vào thu nhập của ông. Năm trước ông bị bệnh 10 ngày, tiền dành dụm chỉ dùng trong vòng 1 tuần là hết và họ không có gì để ăn cả. Làm sao chúng ta có thể nghĩ điều này xảy ra? Mỗi phút có 40 trẻ em bị chết đói, trong khi mỗi phút con người ta chi 25 triệu đô-la cho vũ khí. Chúng ta phải có trách nhiệm. Chúng ta không thể giữ lại hay quay đi. Chúng ta phải đối mặt trước những song đề nan giải thương tâm này. Chúng ta nên đưa năng lượng của mình đến nơi nào? Nếu chúng ta quyết định thiền định, thậm chí việc chọn một phương pháp thực tập thiền cũng có thể làm cho mình phân vân.
Điểm khởi đầu là nhìn thẳng vào đau khổ, cả nỗi khổ cuộc đời và nỗi khổ trong thân tâm mỗi chúng ta. Đây là bắt đầu thực tập lời dạy của Đức Phật và cũng là bắt đầu cho nhận thức của tự thân đối với vấn đề hòa bình thế giới. Ngay thời điểm này, trên hành tinh của chúng ta, có hàng trăm triệu người đang đói khát hoặc bị thiếu dinh dưỡng. Hàng trăm triệu người quá nghèo khó không đủ hoặc ngay cả không có chỗ ở và quần áo, hoặc họ đang mắc bệnh mà chúng ta biết căn bệnh của họ có thể chữa nhưng họ không có đủ điều kiện để chữa trị hay dùng thuốc.
Đối với chúng ta việc bắt đầu nhìn thẳng vào hoàn cảnh không phải là một chuyện của nghi lễ hay tôn giáo. Chúng ta có nhiệm vụ là đi sâu vào nỗi khổ niềm đau đang có mặt ở hiện tại trong thế giới này và nhìn vào mối quan hệ cá nhân và tập thể với nó, làm chứng nhân cho nó, chấp nhận nó thay vì chạy trốn. Đau khổ thật tuyệt vời mà chúng ta không thích, chúng ta đóng kín tâm mình. Chúng ta khép chặt đôi mắt và con tim.
Hãy nhìn thẳng vào mọi trải nghiệm nơi tự thân là những gì được yêu cầu đối với chúng ta nếu chúng ta muốn làm điều gì đó, nếu chúng ta muốn làm một cuộc thay đổi, nếu chúng ta muốn tạo sự khác biệt. Chúng ta cần phải nhìn thế giới một cách trung thực, không nao núng, trực diện và sau đó nhìn lại chính mình sẽ thấy rằng nỗi buồn không chỉ có ở bên ngoài mà còn có bên trong chúng ta. Đó là nỗi sợ hãi, thành kiến, thù hận, tham muốn, rối loạn thần kinh và lo âu trong chúng ta. Đó là nỗi buồn của riêng mình. Chúng ta nhìn thẳng vào chứ không phải chạy trốn nó. Hãy nhìn thẳng vào nỗi khổ trong tự thân, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta có thể nối kết và lắng nghe được tiếng nói trái tim mình.
Trong tâm mỗi chúng ta đang có mặt một tiềm năng rất lớn đó là chân lý thực tại, sự trải nghiệm toàn diện, vượt ra ngoài cái vỏ của bản ngã. Vấn đề là chúng ta quá bận rộn và đánh mất suy nghĩ của riêng mình, mất kết nối với bản tánh chân thật của riêng mình. Nếu quán chiếu thật kỹ, chúng ta khám phá ra rằng ngang qua thiền định, tính hoàn thiện nơi mỗi chúng ta tự xuất hiện, nhận biết và thể hiện một cách tự nhiên và quá trình diễn biến này rất rõ ràng và ngay trước mắt. Cho dù là bên trong hay bên ngoài, nó có sức mạnh rất lớn ảnh hưởng đến thế giới.
Tôi dành phần lớn thời gian của mình để giảng dạy thiền tập. Một vài năm trước đây, khi hàng ngàn người Cam-pu-chia vượt biên phải đối diện với nạn đói và bệnh tật tại các trại tị nạn ở Thái Lan, có một động lực thôi thúc tôi: “Tôi phải đến đó” và tôi lên đường. Tôi hiểu phong tục người dân xứ này và nói được vài tiếng địa phương. Sau khi ở đó cố gắng giúp đỡ họ trong một thời gian ngắn, tôi quay lại đất nước này để hướng dẫn những khóa thiền cho các thiền sinh thực hành nhiều năm. Tôi không quan tâm nhiều khoảng thời gian tôi nên hay không nên đến phụ giúp tại các trại tị nạn. Tôi cảm thấy rằng tôi cần phải làm việc ấy và tôi đi, tôi phục vụ. Đó là việc làm trước mắt và phải đích thân làm.
Con đường tâm linh không hiến tặng cho chúng ta một công thức cố định sẵn sàng cho mọi người làm theo. Nó không phải là một sự bắt chước. Chúng ta không thể là Mẹ Teresa, Thánh Gandhi hay Đức Phật được. Chúng ta phải là chúng ta. Chúng ta phải khám phá ra và kết nối với bản chất thật duy nhất nơi chính mình. Chúng ta phải học cách lắng nghe và tin tưởng nơi tự thân mình.
Có hai lực lượng lớn trên thế giới. Một là lực lượng giết chóc. Những người này không e sợ giết cả dân tộc mình, họ tạo ra chiến tranh và kiểm soát nhiều hoạt động thế giới. Họ có một sức mạnh dữ dội mới không hề sợ đối với việc giết chóc. Một nguồn sức mạnh khác trên thế giới, đó là sức mạnh thật sự, sức mạnh này có mặt ở những người không sợ chết. Những người này đã tiếp xúc được nguồn sống thật sự trong họ. Họ quán chiếu nơi chính họ thật sâu sắc, họ hiểu, nhận ra được và chấp nhận sự chết và biết mình đã từng chết. Họ có tầm nhìn vượt qua khỏi sự phân cách của cái vỏ tự ngã và họ mang đến cho sự sống sự can đảm, sự quan tâm làm tình thương và chân lý khởi sinh. Đây là một nguồn năng lượng có thể bắt gặp năng lượng của những ai không sợ giết.
Đây là sức mạnh của Thánh Gandhi, còn gọi là satygraha, sức mạnh chân lý, là sức mạnh mà Ông đã chứng minh trong đời sống của chính mình. Khi Ấn Độ bị chia cắt, hàng triệu người trở thành người tỵ nạn. Hồi giáo và Ấn giáo di chuyển từ nước này sang nước khác. Đất nước lâm vào cảnh bạo lực và bạo loạn kinh khủng. Hàng chục ngàn binh lính chuyển đến miền Tây Pakistan để cố gắng dập tắt bạo lực kinh hoàng trong khi Gandhi đi về miền Đông Pakistan. Ông đi bộ từ làng này đến làng khác kêu gọi mọi người ngăn chặn đổ máu. Sau đó, ông nhịn ăn. Ông tuyên bố, ông sẽkhông ăn cho đến khi nào bạo động và điên rồ chấm dứt cho dù ông có ởđói chết. Và cuộc bạo động đã chấm dứt. Họ chấm dứt bởi vì sức mạnh của tình thương, bởi vì ngài Gandhi đã quan tâm đến một điều – điều đó là chân lý, là sự sống hay bất cứ điều gì bạn muốn, đó là điều lớn hơn nhiều so với một cá nhân Gandhi. Đấy là bản chất của việc thực tập tâm linh của chúng ta, bất cứ ở hình thức nào. Sống phù hợp với chân lý quan trọng hơn là sống hay chết. Hiểu được điều này chính là nguồn gốc của sức mạnh và năng lượng diệu kỳ và phải được thể hiện ngang qua từ, bi, hỷ và xả.
Một trong những kinh nghiệm tinh tế trong chuyến đi Ấn Độ của tôi là đã đến thành phố linh thiêng có tên gọi là Banares năm bên bờ sông Hằng. Dọc theo sông là những lối tam cấp để mọi người xuống tắm theo nghi thức tẩy uế, rửa tội, nhiều chỗ để hỏa thiêu người chết. Tôi đã nghe nói về những nơi hỏa thiêu người như thế này trong nhiều năm về trước và đã luôn nghĩ rằng nếu có thể đến đó ắt sẽ gặt hái một kinh nghiệm rất to lớn. Tôi lấy thuyền nhỏ và chèo ngược lên đến khu vực hỏa thiêu, lúc ấy có 12 chỗ hỏa thiêu lửa đang cháy rừng rực. Cứ khoảng mỗi nửa tiếng đống hồ, một xác chết được đưa vào thiêu, mọi người xung quanh tụng vang câu kinh “Rama Nama Satya Hei”, sự thật thì đây chỉ là tên của một vị thần. Tôi rất ngạc nhiên. Chuyện hỏa thiêu ấy không có gì khủng khiếp cả. Nó thật thanh bình, yên lặng và rất lành mạnh. Mọi người đều dường như có một nhận thức rằng sự sống và cái chết là một phần của quá trình bình thường tự nhiên và vì vậy không cần phải sợ chết.
Có một niềm an lạc sâu lắng hiện hữu khi chúng ta dừng lại việc từ chối những nỗi khổ đau trong đời sống và thay vào đó hãy cho phép tâm mình rộng mở chấp nhận tất cả mọi trải nghiệm của sống và chết, hạnh phúc và đau khổ, tối và sáng. Ngay cả khi đối mặt với nỗi khổ lớn nhất trong đời, vẫn đang hiện hữu đó niềm an lạc này, không phải nó đến từ việc lánh xa khổ đau và tìm cầu hạnh phúc, mà là từ năng lực thiền tập, mở rộng tâm mình nhận chân chân lý. Thực tập tâm linh bắt đầu từ sự cho phép chính mình đối diện với nỗi buồn, sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng của chính bản thân mình để làm chết đi của những ý niệm của cái tôi cho rằng mọi việc nên như thế nào và để yêu thương cũng như nhận chân sự thật của các pháp như chúng đang hiện hữu.
Lấy điều này làm nền tảng, chúng ta có thể nhận ra được nguồn gốc của đau khổ xảy ra trong đời sống của chúng ta và thế giới xung quanh. Chúng ta có thể nhận chân các yếu tố của tham, sân và si, chúng tạo ra một cảm giác ngăn cách. Nếu nhìn trực diện, chúng ta có thể nhận ra và thừa nhận rằng đau khổ chấm dứt bởi vì sự chấm dứt này, một sự nhận thức rõ ràng về tính duy nhất của sáng và tối, lên và xuống, đau khổ và hoan hỷ. Chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả các pháp không ràng buộc nhau cũng không tách rời nhau.
Chúng ta cần phải quán chiếu rằng chúng ta đã tạo ra và làm cho tách rời như thế nào. Làm thế nào chúng ta khiến cho thế giới này “Tôi muốn điều này, tôi muốn trở thành thế kia, điều này sẽ giúp tôi ổn, điều này sẽ giúp cho tôi sức mạnh?” Chủng tộc, quốc tịch, tuổi tác, tôn giáo tất cả những điều này làm nên sự tách biệt. Hãy nhìn lại chính bạn và nhận ra cái gì là “chúng ta” và đối với bạn “chúng” là gì. Khi có một ý niệm “chúng ta”, thời cũng có ý niệm “thứ khác”. Khi từ bỏ ý niệm này, chúng ta có thể từ bỏ ý niệm rằng sức mạnh có được do nhiều người cộng lại hay sức mạnh có được từ việc giết nhiều người. Từ bỏ được ý niệm này là chúng ta từ bỏ được loại tình thương mang tính nhu nhược, mềm yếu.
Trong truyền thống Thiền có câu chuyện về vị Tăng người Trung Quốc tu thiền nhiều năm. Tâm Sư rất sáng suốt và thanh tịnh nhưng thực sự Sư chưa đạt đến trình độ đoạn diệt hết sự phân biệt cái “Ta” và “người khác’. Sư chưa đạt tới cội nguồn của sự thanh tịnh, an lạc tuyệt đối. Thế nên, Sư đến đảnh lễ vị Thầy là một Thiền sư và thưa: “Xin Thầy cho phép con lên núi tu? Con đã tu học ở đây nhiều năm nhưng không có sự tiến bộ như con mong muốn mà chỉ biết được bản chất thật nơi tự thân và của thế giới này”. Vị Thầy thấy Sư tu đã đến lúc chín muồi nên cho phép Sư rời tu viện.
Sư rời tu viện, mang theo bát, vài vật dụng tùy thân và băng qua nhiều thôn trấn hướng về vùng rừng núi. Sư qua khỏi ngôi làng sau cùng và lần theo lối mòn nhỏ hiện ra trước mặt. Khi ấy có một ông già vác bỏ củi lớn trên lưng đang đi xuống. Ông già ấy chính là hóa thân Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, vị được cho rằng thường xuất hiện giúp cho những hành giả vào thời điểm sắp chứng ngộ và được mô tả là cầm thanh gươm trí tuệ chặt đứt mọi tham ái, vô minh, sự phân biệt. Vị Tăng chào ông lão và ông lão hỏi Sư: “Này anh bạn, anh đang đi đâu vậy?” Vị Tăng thuật lại câu chuyện. “Con đã tu tập trong nhiều năm và bây giờ điều mà con tha thiết muốn là đạt được chỗ cốt lõi để biết được bản chất thật sự. Thưa cụ, hãy nói cho con biết, cụ có biết gì về sự chứng ngộ này không?” Cụ già thong thả đặt bó củi trên lưng xuống, khi bó củi vừa chạm đất, vị Tăng liền chứng ngộ.
Đó là khát vọng và cũng chính là nhiệm vụ của chúng ta. Hãy để nó xuống, hãy buông xuống tất cả những chấp thủ, chỉ trích, đồng nhất mình, quan điểm và ý niệm “Ta”, “của Ta”. Vị Tăng vừa mới đạt ngộ chăm chú nhìn cụ già lần nữa. Sư hỏi: “Vậy bây giờ làm gì đây?” Cụ già cúi xuống ôm bó củi vác lại trên lưng và đi xuống làng.
Chúng ta muốn đặt nó xuống một cách triệt để cũng có nghĩa là phải biết nó bắt đầu từ đâu. Để thấy rõ nỗi buồn, khổ não, niềm đau, để thấy những điều ấy, tất cả chúng ta đều phải ở trong đó để thấy sinh và tử. Nếu chúng ta sợ chết và sợ khổ và không muốn nhìn thấy nó, thế thì chúng ta không thể đặt nó xuống. Chúng ta sẽ đẩy nó ra chỗ này và sẽ níu lấy nó chỗ kia mà thôi. Khi chúng ta nhận thức được bản chất của cuộc sống một cách trực tiếp rõ ràng, chúng ta sẽ có thể đặt nó xuống. Một khi đặt được nó xuống và với lòng từ bi và trí tuệ, chúng ta có thể nhặt nó lên một lần nữa. Khi đó chúng ta có thể hành động một cách hiệu quả, thậm chí là tốt đẹp hơn mà không còn tâm niệm cay đắng hay tự mãn. Chúng ta có thể được thúc đấy bởi ý niệm vị tha, buông xả, và kiên định để sống an lành trong cuộc đời.
Nhiều năm trước, tôi có tham dự một hội nghị và nghe Mad Bear, một dược sĩ trong liên minh Iriquois thuyết trình. Anh nói: “Đối với bài thuyết trình này, tôi mong muốn tất cả chúng ta bắt đầu đi ra ngoài”, và tất cả chúng tôi bước ra ngoài. Anh dắt chúng tôi đến một khoảng trống và bảo tất cả đứng yên lặng trong một vòng tròn. Chúng tôi đứng yên lặng trong một không gian thoáng đãng, bao quanh là những cánh đồng lúa trải dài đến tận chân trời. Sau đó, Mad Bear bắt đầu đọc một bài cầu nguyện biết ơn. Anh bắt đầu cảm ơn từ những con giun đất đã làm cho đất xốp để hoa màu lên tốt. Anh cảm ơn cây cỏ đã bao phủ trái đất để bụi không bị tung bay, làm tấm thảm êm dưới chân, để cho mắt thấy màu xanh và vẻ đẹp của cuộc sống. Anh cảm ơn gió mang mưa đến là sạch bầu không khí, cho chúng ta hơi thở trong lành kết nối với tất cả chúng sinh. Anh cứ nói như thế gần một giờ đồng hồ và khi lắng nghe, chúng tôi cảm nhận được làn gió thổi nhẹ lên mặt, cảm nhận được mặt đất dưới chân, và chúng thấy cỏ và mây trời, tất cả trong một sự kết nối, biết ơn và yêu thương.
Đấy là tinh thần của việc thực tập chánh niệm. Hãy tập biết yêu thương nhưng không để kẻ thù bên cạnh là tham chấp đi theo, thay vào đó là một thiện hạnh tốt đẹp hơn nhiều truyền thêm sự tỉnh thức, giúp chúng ta mở rộng lòng và đón nhận chân lý thực tại mỗi phút giây, để cảm nhận sự nối kết thân tình của chúng ta với tất cả muôn vật và thấy rõ sự hoàn thiện của cuộc sống. Cho dù chúng ta đang tọa thiền hay đang ngồi ở một nơi nào đó mà có chánh niệm, đó là thực tập tâm linh trong mọi thời điểm.
(Nguyên tác The Buddhist path and social responsibility,
Revision, Vol. 16, No. 2, mùa thu năm 1993, pp. 83-86)
Nguồn: Trung tâm Phật học, Đại học Quốc gia Đài Loan,
http://ccbs.ntu.edu.tw/FULLTEXT/cf_eng.htm
Các bài viết liên quan
- Hòa thượng Giác Toàn: Rằm tháng Giêng 'nên ở nhà giữ tâm an thay vì đi lễ chùa' để phòng dịch - Thứ Sáu, 08:51 26-02-2021 - xem: 2380 lần
- Giá trị của Đức - Tài - Dũng của Phật giáo Khất sĩ đối với xã hội - Thứ Ba, 05:18 30-06-2020 - xem: 2463 lần
- “Thiền tánh không” giúp giảm thiểu cảm xúc tiêu cực - Thứ Ba, 14:49 14-01-2020 - xem: 3116 lần
- Vấn đề phát triển của Ni giới thông qua cơ hội tiếp cận các nguồn nhân lực - Thứ Tư, 05:10 25-05-2016 - xem: 5451 lần
- Đạo Phật và trách nhiệm xã hội - Chủ Nhật, 15:07 01-11-2015 - xem: 5344 lần
- Phật giáo và khủng hoảng thế giới - Thứ Sáu, 22:50 05-06-2015 - xem: 6738 lần
- Sự phân tầng xã hội - Thứ Ba, 23:52 10-03-2015 - xem: 4951 lần
- Trung đạo xưa và nay - Mối quan tâm của giới Phật giáo Nam truyền đối với xã hội - Thứ Bảy, 21:58 21-06-2014 - xem: 3898 lần
- Phải chăng Phật giáo có thể hỗ trợ cho việc kinh doanh của bạn? - Thứ Ba, 21:44 07-01-2014 - xem: 3718 lần
- Giáo lý Tứ Đế và cuộc sống - Thứ Năm, 21:44 02-01-2014 - xem: 7102 lần
- Cậu bé 5 tuổi kể chuyện tiền kiếp - Chủ Nhật, 21:46 15-12-2013 - xem: 4108 lần
- Đạo Phật trong các lĩnh vực sinh hoạt - Thứ Ba, 22:07 19-11-2013 - xem: 4387 lần