Giá trị của Đức - Tài - Dũng của Phật giáo Khất sĩ đối với xã hội
- Tỳ-kheo-ni Thắm Liên
- | Thứ Ba, 05:18 30-06-2020
- | Lượt xem: 2462
Đạo Phật Khất Sĩ hay Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam được Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ năm 1944, dựa trên nền tảng tinh hoa của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, với chí nguyện: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.
Được truyền thừa tư tưởng đó, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã giúp mọi người trong xã hội thấy được hình ảnh chư Tăng - Ni du hành, khất thực với tâm giải thoát, bước đi tự tại của đức Phật được tái hiện ngay trong những ngày đầu thành lập Hệ phái, và đã đóng góp rất nhiều trong việc hoằng hoá độ sinh.
“Đạo của sống là xin nhau sống chung,
Đạo của biết là xin nhau học chung,
Đạo của linh là xin nhau tu chung.”
(Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang)
Nhưng ngày nay, một số người đã lợi dụng sự tín nhiệm của Phật tử và nhân dân đối với Hệ phái; họ còn mượn hình tướng chư Tăng Ni để lừa tiền bạc, làm ảnh hưởng uy nghiêm của Hệ phái.
Tuy thế, trong bối cảnh như vậy, một lần nữa, Phật giáo Khất sĩ đã khẳng định giá trị của mình đối với toàn dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung ngang qua tinh thần: “Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”, là sự hoà nhập, không chấp pháp. Sự linh động, uyển chuyển để đi đến cái dụng như nhau. Hệ phái đã đặt nền tảng tu tập và hành đạo trên Giới, Định và Huệ để phát huy hết giá trị đạo đức, năng lực (tài) và dũng của Tăng - Ni với xã hội. Giá trị đức, tài và dũng là cao quý; càng cao quý hơn khi dựa vào ba sức mạnh Giới, Định, Huệ mang lại giá trị lớn cho đạo và đời.
Đức, tài và dũng là giá trị vĩnh hằng luôn được tồn tại với thời gian, không gian. Vì ở thời đại nào, đất nước nào cũng rất cần những con người có ba yếu tố đó. Đó là ba giai đoạn hình thành, trưởng thành và phát triển để khẳng định tầm quan trọng của mình với xã hội. Và như một định luật trường tồn, khi những lúc muốn phát huy hết khả năng đó, cần có những yếu tố căn bản như: Môi trường và người khai sáng. Môi trường là các duyên; người khai sáng là người khai thác hết tài năng của các duyên đó, như viên ngọc được mài giũa, càng tăng thêm giá trị của nó.
Chúng ta thử tưởng tượng xem nếu xã hội mà con người thiếu một trong ba giá trị (đức, tài và dũng) thì xã hội ấy sẽ lạc hậu, đói nghèo và hỗn chiến theo hướng “mạnh được yếu thua”. Nên chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp xây dựng giá trị của Phật giáo Khất sĩ đối với xã hội. Bởi Giới, Định và Huệ là con đường, là pháp môn hướng xã hội đến toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ.
Thế nên trong Kinh Pháp bảo đàn, Lục Tổ Huệ Năng có bài rằng:
Phật Pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mích Bồ-đề,
Do như cầu thố giác.
Nghĩa là: Phật pháp ở thế gian,
Không rời thế gian giác,
Rời thế tìm Bồ-đề,
Giống như cầu sừng thỏ.
Vậy muốn hoằng hoá truyền thừa Chánh pháp, người đệ tử Phật nói chung, Phật giáo Khất sĩ nói riêng cần giúp mọi người giữ giới luật (ngũ giới). Giới là bảo hộ, là thiện nghiệp, là từ bi, là tránh được nhân xấu ác, là bố thí vô uý.
Giới là bảo hộ: Là che chở giúp người trì giữ giới không phải hối tiếc khi phạm phải sai lầm. Như giới không sát sinh, ta không đoạt mạng sống của người và vật thì chúng ta không bị tù tội hay bị người khác đánh đập, thậm chí không bị giết hại. Vậy giữ được giới nào tức thì giới đó bảo hộ và che chở cho chúng ta.
Giữ giới là thiện nghiệp: Giới giúp chúng ta tránh được việc làm ác từ thân (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm), khẩu (không nói dối), không uống rượu – thuộc vào giới cấm cả ba thân, khẩu và ý. Vì sao rượu lại liên quan cả ba? Vào thời Ngài Ca-diếp còn tại thế, có người đã uống rượu say rồi không làm chủ đã phạm giới tà dâm với vợ người khác, tiếp theo đã phạm luôn giới sát sinh khi bắt gà làm thịt, đến khi chủ nhà đến hỏi tìm gà thì nói dối. Như vậy, do tâm ý còn si mê nên người ấy đã uống rượu hại thân và khẩu, làm thân, khẩu và ý bị phạm.
Giới là từ bi: Vì thương yêu mạng sống muôn loài nên chúng ta không sát sinh, không đoạt mạng người và vật; vì tôn trọng thành quả, công sức của người khác nên không trộm cắp... Lòng từ vô lượng này chỉ Phật giáo mới có. Chở che, yêu thương thể hiện sự bình đẳng thân mạng và tâm giác.
Giữ giới tránh được nhân xấu: Đồng nghĩa với câu “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Ta không giết người, hại vật thì chúng ta không bị tù tội, đau khổ. Không trộm cắp thì ta được tự do, không ai bắt bớ tra khảo... Như vậy, chúng ta thấy Phật bảo vệ cho ta bằng cách bảo chúng ta giữ 5, 10, 250 hay 348 giới là Phật thương chúng ta, để bảo hộ mọi người vào hàng rào giới luật an toàn nhất. Tránh được nhân xấu ác thì quả sẽ ngọt. Với người không giữ giới, khi quả xấu tới thì họ cầu Phật gia hộ. Phật là bậc Toàn Giác, đâu thể vì sự van xin của người khác mà làm trái với quy luật công lý võ trụ. Phật dạy ta đừng trộm cắp, do tham không nghe, đến khi quả xấu đến rồi bị bắt, bị đánh thì cầu xin Phật hỗ trợ, Phật có giúp được không? Vì mình không chịu tránh nhân kia mà.
Phật dạy chúng ta đừng nói dối nhưng không ai chịu nghe. Con người vẫn tiếp tục nói dối gạt người, lợi mình. Đến khi quả tới, bị đánh bắt mới xin buông tha. Lúc đó, nếu có người can thiệp, ta tri ân lắm. Nhưng Phật, Ngài đã can thiệp chúng ta, từ lúc chỉ là nhân mà ta còn không thành tâm thực hiện, huống nữa là... nói chi đến đáp đền ơn trọng.
Giữ giới là thực hành theo hạnh bố thí vô úy: Chúng ta không sát sinh, không bảo người giết. Không trộm cắp, không bảo người khác trộm cắp. Đó là chỗ không biết mình cho, không có người nhận. Thực hành đến chỗ như nhiên, vô úy, đó là Bồ-tát hạnh.
Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong,
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.
(Kinh Pháp cú, 129)
Thế thì, việc hoằng hóa độ sinh giúp mọi người, mọi nhà biết giữ thế nào cho an lành, giống như vào ngôi nhà có cổng rào cốt thép, trong nhà cửa chắn, vững chắc, thêm hệ thống báo động giúp tâm ta tự tại. Ngôi nhà đó, cổng rào đó là Tam quy ngũ giới và Tăng Ni chính là người chỉ điểm.
Khi chọn đúng nơi chốn, việc còn lại của chúng ta là tiếp tục hướng dẫn người đi sau. Vậy mới là giá trị đạo đức bởi không có đạo đức nào bằng hướng dẫn giúp người từ mê thành giác ngộ.
Đức phải có tài thì đức đó mới hữu dụng. Tài mà không đức sẽ thành người ác. Đức, tài và thêm dũng mới đầy đủ yếu tố, giúp đất nước giàu mạnh. Chỉ có trì giữ giới luật mới sinh định, khi tâm bất động vốn không có niệm gọi là vô sở cầu, vô sở úy đó chính là đỉnh của đúng. Và tâm thanh tịnh, tức nhiên nhìn rõ thật tướng của các pháp đó là huệ.
Nên nói việc hóa độ để tôn vinh giá trị về đức, tài, dũng và để phát huy đến mức tối đa thì không con đường nào thù thắng bằng giới, định và huệ. Chỉ có Giới, Định, Huệ mới biết hết được giá trị đức, tài và dũng, để chúng ta phát huy đúng sở trường một cách tối ưu nhất.
Nên nói giá trị của Phật giáo giúp cho xã hội phát huy hết ưu điểm, nhìn rõ khuyết điểm để trấn tĩnh cho toàn vẹn, cao đẹp hơn.
Đã có ít nhất một lần chúng ta đặt câu hỏi trong cuộc đời rằng nếu không có xã hội thì tôn giáo có giá trị không? Có chứ! Giá trị về lục hòa. Giống như thế giới này toàn là bác sĩ, thì bác sĩ đồng với nhau. Nhưng khi có bệnh nhân thì giá trị của bác sĩ vốn được tôn vinh nay càng tôn vinh hơn nữa. Khi có niệm phân biệt, có bác sĩ giỏi và bác sĩ không giỏi. Nhờ có bệnh nhân mà bác sĩ được sống đúng với vai trò của mình. Giống như thế, nhờ có đời thì tôn giáo mới thượng tôn, được đóng góp, cống hiến và được hy sinh. Đó là giá trị thường hằng mà không tôn giáo nào có được.
Đạo đời gắn kết hòa quyện để trợ duyên cho nhau, như sự đa dạng để cân bằng đời sống. Vậy thì giá trị của họ đều bằng nhau, trong muôn trùng sự tương hợp hữu ích.
(Tỳ-kheo-ni Thắm Liên)
Các bài viết liên quan
- Hòa thượng Giác Toàn: Rằm tháng Giêng 'nên ở nhà giữ tâm an thay vì đi lễ chùa' để phòng dịch - Thứ Sáu, 08:51 26-02-2021 - xem: 2379 lần
- Giá trị của Đức - Tài - Dũng của Phật giáo Khất sĩ đối với xã hội - Thứ Ba, 05:18 30-06-2020 - xem: 2462 lần
- “Thiền tánh không” giúp giảm thiểu cảm xúc tiêu cực - Thứ Ba, 14:49 14-01-2020 - xem: 3115 lần
- Vấn đề phát triển của Ni giới thông qua cơ hội tiếp cận các nguồn nhân lực - Thứ Tư, 05:10 25-05-2016 - xem: 5451 lần
- Đạo Phật và trách nhiệm xã hội - Chủ Nhật, 15:07 01-11-2015 - xem: 5343 lần
- Phật giáo và khủng hoảng thế giới - Thứ Sáu, 22:50 05-06-2015 - xem: 6737 lần
- Sự phân tầng xã hội - Thứ Ba, 23:52 10-03-2015 - xem: 4951 lần
- Trung đạo xưa và nay - Mối quan tâm của giới Phật giáo Nam truyền đối với xã hội - Thứ Bảy, 21:58 21-06-2014 - xem: 3898 lần
- Phải chăng Phật giáo có thể hỗ trợ cho việc kinh doanh của bạn? - Thứ Ba, 21:44 07-01-2014 - xem: 3718 lần
- Giáo lý Tứ Đế và cuộc sống - Thứ Năm, 21:44 02-01-2014 - xem: 7102 lần
- Cậu bé 5 tuổi kể chuyện tiền kiếp - Chủ Nhật, 21:46 15-12-2013 - xem: 4108 lần
- Đạo Phật trong các lĩnh vực sinh hoạt - Thứ Ba, 22:07 19-11-2013 - xem: 4387 lần