CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Bhimrao Ambedkar - Người đấu tranh cho công lý, bình đẳng, tự do của giai cấp cùng đinh

Tóm tắt: Trên sở của những điều kiện, tiền đề khác nhau kết hợp với vai trò chủ quan, Bhimrao Ambedkar đã hình thành những quan điểm cơ bản về hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, về quyền bình đẳng. Một mặt, ông chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của nỗi khốn cùng, nghèo đói, lạc hậu về chính trị mặt khác nêu lên quan điểm về xây dựng xã hội Ấn Độ lí tưởng. Qua đó, Bhimrao Ambedkar đưa ra con đường giải thoát khỏi xiềng xích, tìm sự công bằng, bình đẳng cho những người cùng đinh.

Từ khóa: Bhimrao Ambedkar, đấu tranh, công lý, bình đẳng, tự do.

Vào thế kỷ kỷ XX, Tiến Bhimrao Ambedkar là người đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ của xã hội Ấn Độ cũng như đối với Phật giáo Ấn Độ đương đại. Từ cách nhìn bao quát về xã hội Ấn Độ kết hợp với những trải nghiệm đầy đau đớn, tủi nhục của con người xuất thân từ tầng lớp tiện dân (Dalit) đã tạo nên chất liệu chân thực giúp Bhimrao Ambedkar đưa ra những quan điểm về đẳng cấp mang tính nhân văn, cấp tiến. Một trong những vấn đề mà Bhimrao Ambedkar đặt nhiều tâm huyết và đấu tranh đến cùng chính là cất lên tiếng nói đòi sự xóa bỏ bất bình đẳng giữa các tầng lớp đã tồn tại từ lâu trong xã hội Ấn Độ.

Để thấy được những giá trị to lớn trong tư tưởng và những nỗ lực không biết mệt mỏi của Bhimrao Ambedkar trong việc nâng cao vị thế của những con người được đặt bên lề xã hội thì đầu tiên cần khái lược qua những đặc điểm cơ bản nhất về văn hóa, lịch sử đất nước Ấn Độ, những nét chính về cuộc đời của Bhimrao Ambedkar. Xét về mặt địa lý, Ấn Độ khá đặc biệt khi vừa gần Đại Tây Dương, vừa tiếp giáp với biển Ấn Độ Dương đồng thời được dãy Himalaya hùng vĩ che chắn. Nhờ đó, đất nước này gần như là khép kín, được bao bọc, độc lập hoàn toàn với châu Á. Với người Ấn Độ, dãy núi Himalaya có hơn ba mươi ngọn núi cao với chiều dài đến 2.600 km được ví là địa điểm mà các đấng thần linh chọn làm hội tụ, là sự tổng hợp và hòa quyện của bao nhiêu khí thiêng đất trời…

Dòng sông Ganga bắt nguồn từ đỉnh núi này, theo dòng chảy mang đi cả nguyên khí của vũ trụ nên nước của nó được người dân rất trân trọng, vì sự linh thiêng của nó có thể rửa sạch hết những tội lỗi khi con người ngâm mình dưới làn nước này. Phía Bắc có nhiều sông ngòi, còn phía Nam phần lớn là rừng núi và cả sa mạc rộng lớn. Trên lục địa lớn nằm ở phía nam châu Á này tổng hòa đầy đủ những yếu tố địa lý mang tính chất trái ngược nhau hoàn toàn: Có đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ lại có cả chốn sa mạc khô cằn, hạn hán; có chỗ tuyết rơi trắng xóa lại có lúc nắng bức, nóng bỏng. Với yếu tố địa hình phần nào tác động đến đời sống người dân qua đó được phản ánh vào trong các tư tưởng, tạo thành quá trình vận động theo vòng tròn, mang tính chất khép kín của các trường phái triết học của Ấn Độ. Điều ấy sẽ giúp cho người dân nơi đây hình thành cách nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng từ cả hai mặt của sự đối lập nhau. Nhưng đó cũng là nguyên nhân tạo ra sức nặng in hằn lên những giá trị tinh thần, vật chất của cư dân Ấn Độ cổ đại.

Bên cạnh sự ảnh hưởng từ địa lý thì điều kiện về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tôn giáo Ấn Độ cũng là những yếu tố tác động đến sự ra đời những quan điểm chủ yếu ở Bhimrao Ambedkar. Với sự xuất hiện xã hội Ấn Độ cổ đại từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, văn minh sông Ấn được ghi lại theo các tài liệu khảo cổ học là vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III đến đầu thiên niên kỷ thứ II khi đã có sự tồn tại của nhà nước; trình độ về thủ công nghiệp và thương nghiệp đã bước đầu hình thành tương đối. Nhưng nền văn minh này đã sụp đổ vào khoảng thế kỷ XVII trước Công nguyên do thiên tai tàn phá, nhất là do ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt hạ lưu sông Ấn. Mãi đến thế kỷ XV trước Công nguyên, các bộ tộc du mục Arya từ Trung Á tràn qua xâm nhập vào Ấn Độ đã nô dịch, đồng hóa với người Dravida bản địa, để rồi dần dần gắn bó trở thành một phần không thể tách rời của văn minh Ấn Độ truyền thống. Công xã nông thôn tồn tại một cách biệt lập, bị động, thụ động, khép kín, từ đó làm hạn chế lý trí của con người và trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín, của sự phục tùng mê muội.

Từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên đến thế kỷ XVII sau Công nguyên, đất nước Ấn Độ cổ trải qua nhiều biến cố to lớn, gây những xáo trộn nhất định trong lòng đời sống xã hội. Những cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra triền miên với tham vọng thôn tính lẫn nhau ở các vương triều trong nước và cả bên ngoài tiến vào xâm lăng. Người dân sống trong muôn vàn khốn khó, lầm than khi sản xuất đình trệ, chết chóc vây quanh. Chính nhiều yếu tố đó đã tác động kéo theo những cuộc đấu tranh không kém phần gay gắt, quyết liệt giữa các trường phái tư tưởng, giữa các lập trường tư tưởng khác nhau. Và liên tục các hình thái ý thức (tôn giáo, hệ tư tưởng,...) của vương triều này được xây dựng lên và bị thay thế bởi các vương triều khác. Kết quả là cứ sau mỗi lần xâm lăng, tiến quân chinh phạt, thôn tính của các vương triều hùng mạnh chiến thắng là các quốc gia lớn, các vương triều thống nhất ở Ấn Độ được ra đời. Đó là các vương triều Magdha ở thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, vương triều Môrria dưới thời vua Asoca (vào 322 - 298 trước Công nguyên), vương triều Gupta (khoảng 380 - 417 sau Công nguyên), vương quốc Hacsa (620 - 648), vương triều Hồi giáo Đêli (1260 - 1526) và đế quốc Mô Gôn dưới thời vua Acơba (1556 - 1605). Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đạt đến những bước tiến vô cùng quan trọng, sản xuất mở rộng và buôn bán phát triển.

Trong xã hội, có bốn đẳng cấp lớn đó là đẳng cấp Tăng lữ, Bà la môn; thứ hai là đẳng cấp quý tộc tức vương công, tướng lĩnh, võ sĩ; thứ ba là đẳng cấp bình dân tự do gồm thương nhân, thợ thủ công, dân chúng tự do và thứ tư là nô lệ. Ngoài bốn đẳng cấp chính đó có thêm Dalit là những tiện dân, được xếp vào tầng đáy của xã hội, sống bên lề xã hội. Họ không có quyền sống như một con người nên theo quy định không được dự các lễ hội, không được vào các đền thờ,… Sự phân chia đẳng cấp được quy định trong Bộ luật Manu một cách chi tiết và vô cùng khắt khe rằng trẻ thơ, đi tu, quay lại có gia đình, đi tu là những giai đoạn cơ bản của mỗi con người. Những phân chia khắt khe, khắc nghiệt đó đã làm các quan hệ xã hội càng thêm phức tạp, các đẳng cấp khác nhau trong xã hội ngày càng trở nên mâu thuẫn gay gắt cực độ. Trong khắp thành thị và nông thôn cổ đại bùng nổ làn sóng chống đối sự thống trị của đẳng cấp Bà la môn. Sự căng thẳng đó cũng diễn ra giữa chủ nghĩa duy vật, vô thần, chủ nghĩa hoài nghi chống lại uy quyền của kinh Vệ đà, chống các tín điều tôn giáo Bà la môn.

Các tôn giáo chính là Vệ đà giáo, Bà la môn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Jaina, đạo Sích, đạo Hindu, Ấn Độ giáo… Tôn giáo bao trùm, che phủ lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống thực của con người bị khuất lấp từ các tôn giáo khác nhau, họ thiên về chiều sâu tâm linh, thờ cúng để tìm con đường thoát thế tục nhờ các vị thần. Một khi con người mang trong mình quá nhiều dục vọng, bon chen, cạnh tranh khổ sở vì tham lam thì cũng là cơ sở để ra đời nhiều học thuyết lựa chọn con đường giải phóng con người bằng cách diệt dục, chống lại mọi ham muốn. Trong đó, tư tưởng của Phật giáo có sức ảnh hưởng đến lập trường của Bhimrao Ambedkar rất lớn. Ông đã tìm thấy những nét tương đồng, phù hợp khi bàn về đẳng cấp, về những bất công ở xã hội ở những lời dạy của Đức Phật.

Theo Đức Phật, việc con người được sinh ra không quyết định đến sự phân chia địa vị của con người trong xã hội. Vị trí cao thượng hay thấp hèn có nguyên nhân từ hành vi của mỗi người. Nghiệp là khởi nguồn của mọi sự sinh thác luân hồi theo chi phối của nhân duyên, không phải do đẳng cấp. Vì rằng “Mọi người đều có khả năng thành Phật”. Như những con sông về với biển đều phải bỏ tuổi, bỏ tên; cũng vậy, trong Giáo hội của Như Lai có bốn giai cấp Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la. Khi họ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, họ cũng từ bỏ giai cấp, bỏ họ, bỏ tên, bỏ danh vọng, bỏ địa vị, bỏ sự nghiệp, bỏ quê hương, chủng tộc để chỉ còn là những Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, là những Sa-môn Thích tử.

Đức Phật chỉ dựa vào tiêu chí về tu hành, đức hạnh và trí tuệ, chứ không phụ thuộc vào dòng giống nơi mình sinh ra. Mọi người đều bình đẳng, vì mỗi người đều có thể hoàn thành những mục tiêu cao cả. Đức Phật đã bác bỏ quan điểm của Bà la môn, rằng “Vị trí xã hội của con người phụ thuộc vào sự ra đời của họ”, Ngài dạy: “Không phải do sinh ra, người ta trở thành thấp/ Không phải do sinh ra, người ta trở thành cao quý/ Nhưng bằng hành động, một người trở thành thấp/ Và bằng hành động, người ta trở thành cao quý”.”[1]. Đồng thời, Đức Phật chỉ ra rằng con người có thể tự nỗ lực bằng hành động của mình để thay đổi hoàn cảnh của bản thân. Đối tượng giải thoát và cứu rỗi của Phật giáo là tất cả chúng sinh không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, nam, nữ, già, trẻ. Tất cả đều có thể giải thoát, có thể thành Phật. Bản thân Phật cũng không phải là vị Thánh thần mà là một con người đã đạt đến sự giải thoát, đã được giác ngộ. Niết bàn hay trạng thái giải thoát chính là trạng thái đã gạt bỏ được những ràng buộc trần thế, những đau khổ, phiền não do “vô minh”, “tham dục” gây ra. Niết bàn là trạng thái tâm hồn hoàn toàn được giải thoát, tĩnh lặng, trong sáng thanh tịnh, cực lạc siêu không gian, siêu thời gian.

Một khi xuất hiện xã hội có giai cấp, sự phân biệt giai cấp luôn chứa đựng sự bất công, sự áp bức. Những tư tưởng của Phật giáo góp phần bảo vệ những lớp người ở tầng lớp thấp. Chính vì thế, ở tư tưởng của Ambedkar cũng là tiếng nói bảo vệ Phật giáo, bảo vệ những giai cấp cùng đinh. Ambedkar xây dựng tư tưởng của mình chủ yếu dựa trên giáo lý Theravada và có chút ảnh hưởng từ Đại thừa, Mật giáo dưới tên gọi Navayana. Sau quãng thời gian dài, Bhimrao Ambedkar tập trung nghiên cứu đến lịch sử Ấn Độ cùng những bài kinh Phật giáo cho đến năm 1950 ông đã quyết định chọn lựa tìm về với Phật giáo.

Bên cạnh việc tiếp thu những tư tưởng chủ đạo từ Phật giáo, Bhimrao Ambedkar cũng chọn lọc, đón nhận những giá trị tích cực khi bàn về con người của triết học Ấn Độ cổ - trung đại. Sự hình thành, phát triển của triết học Ấn Độ đều tuân theo những quy luật khách quan của lịch sử triết học. Những điểm chính của triết học Ấn Độ cổ - trung đại là sự biểu hiện những quy luật khách quan của lịch sử triết học trong điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia này. Triết học Ấn Độ ra đời từ sớm (cuối thiên niên kỷ thứ II đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên), sau đó dần phát triển mạnh, chia tách ra các nhiều trường phái khác nhau. Triết học Ấn Độ luôn gắn với vấn đề tôn giáo, nên các nhà triết học Ấn Độ cổ - trung đại có thể phân tích một cách tinh tế, sâu sắc mọi góc cạnh của tinh thần. Con người với những niềm hạnh phúc và bất hạnh đều quy định bởi xã hội Ấn Độ cổ - trung đại và được phản ánh trong các quan điểm khác nhau của triết học. Vì thế, tâm là yếu tố giữ vai trò trọng tâm của triết lý nhân sinh, có vai trò quyết định đến tính chất hướng nội trong triết học Ấn Độ.

Trước hết phải hiểu mình thì mới có thể tìm hiểu về thế giới bản thể trụ cái sẵn mỗi con người. Các quan điểm, các trường phái đều hướng đến mục đích giúp con người rũ bỏ, thoát khỏi những khổ đau của trần thế. Cơ sở của quá trình nhận thức là đạo đức, lấy thân tâm thanh tịnh rồi tập trung tư tưởng đi đến trí tuệ. Sự phát triển của triết học Ấn Độ đi theo hướng tuần tự thay đổi về lượng là chủ yếu, tức những nguyên lý nền tảng đã được đặt ra từ thời cổ xưa, về sau chỉ là phát triển, bổ sung, hoàn thiện. Sự vận động, phát triển của triết học Ấn Độ có sự đan xen với tôn giáo nên bên cạnh các quan niệm hiện thực lại có sự hòa trộn các quan niệm huyền thoại. Sự đan xen đó tạo nên sự thâm trầm, uyển chuyển của triết học. Sự hình thành những quan điểm về đẳng cấp, tự do, bình đẳng ngoài việc dựa trên các yếu tố như điều kiện tự nhiên, tiền đề kinh tế - xã hội, tiền đề về mặt lý luận thì còn kết hợp từ nhân tố chủ quan. Với trí tuệ thông minh hơn người, tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học là cơ sở, là nền tảng vững chắc giúp Bhimrao Ambedkar hình thành nên những nội dung cơ bản về hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, cất lên tiếng đòi quyền bình đẳng giữa người với người và giữa giai cấp này với giai cấp khác.

Bhimrao Ramji Ambedkar (1891 - 1956) sinh ra trong gia đình nghèo, thuộc tầng lớp Dalit. Tuổi thơ Bhimrao Ramji Ambedkar gắn bó với vùng đất thuộc miền Trung nước Ấn - nơi cha ông đóng quân phục vụ cho quân đội Anh là khu Mhow (nay là bang Madhya Pradesh). Đó là địa điểm có đông đảo những người Dalit, nhiều gia đình Phật tử nhất cùng chung sống ở Ấn Độ hiện nay. Khi được gửi đến trường tiểu học, Bhimrao Ambedkar và những đứa trẻ cùng đinh khác luôn chịu sự ghẻ lạnh, đối xử nghiệt ngã từ các bạn học cho đến các giáo viên. Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn từ lúc cha ông nghỉ hưu vào năm 1894 rồi mẹ qua đời. Chính lúc này nhờ sự yêu thương, cảm mến cậu học trò thông minh, hiếu học, ông may mắn gặp người thầy Brahmin cho lấy họ mình. Đó là dấu mốc quan trọng giúp cho Ambedkar có thể tiếp tục học hành, làm việc mà không phải gánh chịu những kinh miệt, kỳ thị bởi nguồn gốc xuất thân từ đẳng cấp của mình.

Với quyết tâm học tập không biết mệt mỏi, Bhimrao Ramji Ambedkar thi đậu vào ngành Kinh tế và Chính trị thuộc trường Đại học Bombay. Khi nhận được học bổng của bang Baroda thì năm 1913, ông sang Mỹ du học tại trường Đại học Columbia New York. Về sau, Bhimrao Ramji Ambedkar hoàn thành hoàn thành khóa học từ năm 1913 - 1917, nhận bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ Kinh tế Chính trị cũng của Đại học Columbia. Kế tiếp sau đó đến năm 1923, Bhimrao Ramji Ambedkar trở thành Tiến sĩ về Kinh tế của trường Đại học London. Và ông được bổ nhiệm làm Giáo sư và làm Hiệu trưởng tại Đại học Luật ở Bombay. Khi Ấn Độ độc lập, nội các của Nehru đã mời Bhimrao Ambedkar tham gia với tư cách là Bộ trưởng Luật pháp. Bắt đầu từ ngày 29/8/1947, dưới chức danh Chủ tịch Ủy ban Soạn, ông thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp. Sau quá trình miệt mài nghiên cứu, soạn thảo thì đến tháng 02/1948, bản thảo Hiến pháp được hoàn thành và được Hội đồng Lập hiến thông qua ngày 26/11/1949. Đó là nguyên nhân mà Bhimrao Ambedkar được người dân Ấn Độ gọi ông là “cha đẻ” của Bản Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ.

Dựa trên những nguyên nhân khách quan và yếu tố chủ quan nói trên đã tạo nền tảng cho sự hình thành những quan điểm về đẳng cấp, tự do và bảo vệ phẩm giá con người. Trong đó nguyên nhân trực tiếp, cơ bản nhất vẫn là sự phân tầng đẳng cấp nghiệt ngã của xã hội cùng những trải nghiệm đầy cay đắng của cuộc đời đã là động lực giúp ông sớm hình thành những quan điểm về tự do, công lý, bình đẳng. Theo Bhimrao Ambedkar, nguyên nhân của mọi khổ đau, bất công trong xã hội Ấn Độ là do sự tồn tại lâu đời, bền vững của chế độ Varna của Hindu giáo. Hidu giáo là một trong những tôn giáo xuất hiện sớm đi cùng hệ thống giáo lí đồ sộ với nhiều vị thần khác nhau. Với đời sống tinh thần của người Ấn Độ, Hindu giáo không những chỉ có sức ảnh hưởng như một tôn giáo mà đã gắn bó, liên hệ chặt chẽ dần thâm nhập trở thành thói quen, tập tục văn hóa truyền thống đến các thế hệ của dân tộc này.

(Còn tiếp)

THS. PHAN THỊ AN PHÚ
(Trích Đuốc Sen số 33)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan