CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Sự tiếp cận Phật giáo của các học giả Anh quốc

DẪN NHẬP

Chân lý của cuộc sống cũng như những sự bí mật, chúng luôn ẩn khuấtnằm sâu bên trong giáo lý của các tôn giáo, nhưkêu gọi sự tìm tòi, khám phá của người có chí nguyện sưu tầm và học hỏi. Đối với những ai có sự kiên trì, bền chí tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự giải thoát bằng tất cả tâm hồn với một ý chí mãnh liệt thì những tấm màn bí mật kia sẽ có ngày được từ từ hé mở; và giáo lý của Phật giáo cũng vậy, đó chính là nơi dung nạp, tìm ẩn mọi chân lý thiết thực của cuộc sống, đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội, dù trong bất cứ thời đại nào đi chăng nữa. Có thể ai cũng biết, Phật giáo được sinh ra từ đất Ấn, vị Giáo chủ khai sáng ra đạo Phật chính là đức Phật Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni, Ngài chính là hiện thân của tất cả những phẩm hạnh cao quý, tốt đẹp nhất trên cuộc đời này, cũng là tấm gương hoàn hảo nhất mà nhân loại đã từng chứng kiến. Mặc dù Phật giáo bị lụi tàn ngay trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó, vì nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên ngọn lửa giáo lý vi diệu của đạo Phật không những không bị dập tắt mà còn được nhen nhúm và lan rộng, không những chỉ ở Châu Á mà còn truyền sang các nước văn minh Châu Âu, nơi mà giáo lý của các tôn giáo khó có thể chen chân ngự trị trong lĩnh vực đời sống tinh thần của người dân các nước này, nhưng Phật giáo đã làm được điều đó. Có thể nói điểm tựa và làm tảng cho Phật giáo Châu Âu hiện hữu chính là Phật giáo Anh quốc, do nhờ sự tiếp cận, khám phá giáo lý nhà Phật của các học giả người Anh nên phần nào đã góp phần đưa đến một cái nhìn mới, cận cảnh hơn về một nền văn hóa, văn minh đạo đức tâm linh thật đặc sắc, dù chúng đã tồn tại hàng ngàn năm trong Phật giáo ở khu vực Châu Á. Sự khám phá này giúp cho thế giới văn minh phương Tây hiểu rõ hơn về giá trị của cuộc sống, đạo đức cũng như con người.

Nhận thấy sự đóng góp vĩ đại của các học giả người Anh, những người đã mang ánh sáng tuệ giác nhà Phật đến với thế giới phương Tây, đồng thời đánh tan đi sự nhận thức sai lầm, lệch lạc mà bấy lâu nay các học giả phương Tây vẫn ngầm hiểu về tôn giáo ở Châu Á. Chính vì vậy mà trong bài viết này người viết đã chọn đề tài “Sự tiếp cận Phật giáo của các học giả Anh quốc” để làm nội dung viết bài, với mong muốn chỉ ra những đóng góp to lớn, góp phần làm thay đổi nhận thức của thế giới về Phật giáo, một tôn giáo hiện hữu ở Châu Á đã gần 26 thế kỷ qua. Dẫu biết, một tay chẳng tạo thành tiếng vang và điều làm nên thành công của Phật giáo ở phương Tây là dựa vào nhiều yếu tố, cũng như dựa vào rất nhiều triết gia, học giả đã làm cho nhiều người biết đến ánh sáng Phật pháp. Tuy nhiên, vì trình độ nhận thức của người viết còn non kém, nghiên cứu chưa sâu dày nên trong phạm vi bài này chỉ trình bày 6 vị học giả tiêu biểu như: Edwin Arnold; T.W. Rhys davids; Ananda Metteyya; I.B. Horner; Christmas Humphreys; Dr. Edward Conze, những nhân vật đã góp phần làm thay đổi cục diện tôn giáo toàn cầu mà chúng ta thấy hiện nay.

NỘI DUNG

I. Khái quát đời sống văn hóa, xã hội - tôn giáo trước khi Phật giáo xuất hiện ở Anh quốc.

Trước khi Phật giáo du nhập vào Anh quốc, chúng ta biết nước Anh là một nước quân chủ lập hiến, nằm ở phía Tây bắc Châu Âu, thuộc nước có khí hậu ôn hòa với nhiệt độ vào mùa đông không dưới 0oC, mùa hè không nóng quá 32oC, xung quanh đất nước này phần lớn toàn là các hòn đảo. Dân số gồm có 59 triệu người (năm 1994), 61 triệu người theo thống kê 2008, và 63 triệu người vào năm 2010, sinh sống trên diện tích 244.046km2. Sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, ngôn ngữ này ngày nay cũng được hàng triệu người trên toàn thế giới sử dụng. Mặc dù khối liên minh Châu Âu gồm 49 nước cùng sử dụng đồng tiền chung là Euro, nhưng đặc biệt Anh quốc không sử dụng đồng tiền chung này mà sử dụng đồng bảng Anh của riêng mình. Về mặt kinh tế tài chánh: có thể nói Anh quốc là một trong các cường quốc đứng đầu về sự phát triển. Nói về ngành giáo dục của nước này thì đa số các học giả đều công nhận phương pháp giáo dục của vương quốc Anh đã ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục của rất nhiều nước trên thế giới, ở đây họ dạy cho sinh viên phương pháp suy nghĩ chứ không dạy cho họ nghĩ cái gì? Phương pháp giáo dục không phải là quá trình thu thập thông tin một chiều, mà luôn khuyến khích người học hãy đọc nhiều tài liệu để đào sâu vào các công trình đó. Bên cạnh đó các lĩnh vực như âm nhạc, lễ hội, kiến trúc vẫn không ngừng phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, đất nước này có nhiều lễ hội rất nổi tiếng trên thế giới như lễ Carnival tháng 8; lễ Divali tháng 10; lễ Giáng sinh, Phục sinh v.v..tôn giáo trước khi Phật giáo đến có thể nói rằng Kito giáo và Do Thái giáo là hai tôn giáo lớn phát triển nhất ở đất nước này, trong đó Thiên Chúa giáo đóng vai trò là Quốc giáo và chi phối mọi mặt về đời sống tinh thần của người dân phương Tây nói chung và người dân Anh quốc nói riêng.

Chúng ta biết rằng Phật giáo là một tôn giáo lớn có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó được truyền sang vùng Tây bắc Ấn, nơi có sự giao lưu với Châu Âu. Lịch sử đã ghi lại “vào thế kỷ III trước TL, hoàng đế Asoka, một ông vua Phật tử vĩ đại nhất thế giới, đã gửi nhiều đoàn truyền giáo đến vùng Tây bắc và các lãnh thổ tự trị như Xiri; Ai cập; Macedonia; Cyrene và Epirus. Tuy chưa có bằng chứng về những mật sứ truyền giáo để lại nơi họ đã lưu trú, nhưng con đường tơ lụa băng qua Bactria đến Châu Âu , đã khẳng định được mối giao lưu giữa Đông và Tây trong những ngày đầu”[1]. Gần đây, các phong trào nghiên cứu về Phật học của Tây phương đang trở nên rất rầm rộ, giáo lý này mang lại lợi ích gì mà có sức cuốn hút đến như vậy, trong khi Kitô giáo và Do Thái giáo vẫn đang phát triển và đứng vững. Làm thế nào Phật giáo đến được và bám chắc rễ trên mảnh đất văn minh này? Chúng ta cần phải tìm hiểu sự ảnh hưởng của các triết gia, học giả, những nhà khoa học, những giáo sĩ đến Phật giáo, họ đã làm những gì để cho một tôn giáo non trẻ, mới mẻ đã an toàn ẩn mình và phát triển.

II. Ảnh hưởng của các triết gia, học giả, những nhà khoa học, những giáo sĩ đến Phật giáo Anh quốc

Ai cũng biết rằng Tây phương có nhiều nhà khoa học vĩ đại, trong số này có nhiều người nghiên cứu Phật giáo phần lớn do sự tò mò, đam mê, nói chung họ đến Phật giáo nhiều hình thức khác nhau. Hầu hết những nhà khoa học này có mục đích chung là tìm hiểu Phật giáo, và phát hiện những gì mà Phật giáo giúp ích cho họ, và từ đó họ đem giới thiệu cho nhân loại, để giúp cho nhân loại có đời sống ổn định về tinh thần mà người Tây phương đang tìm kiếm.

Người ta chỉ biết rằng Phật giáo có mặt ở nước Anh rất sớm, có thể ngay từ thời nước Anh bắt đầu xâm chiếm Ấn Độ. Người Anh đã đến Ấn Độ trực tiếp bằng con đường cai trị nên tự nhiên tiếp cận với đạo Phật, sau đó họ đã nghiên cứu và thực hành theo lời giảng dạy của đức Phật, trong sự khám phá tìm tòi chân lýcác giá trị cao quý hạnh phúc của con người. Hoặc các học giả, các nhà trí thức Anh quốc trong khi làm công tác bảo hộ tại Ấn đã tiếp cận đạo Phật bằng các nguồn tài liệu do tự mình khám phá ra rồi đem về nước lý giải, diễn dịch để giao lưu văn hoá đối chiếu với các công trình nghiên cứu của các nước khác. Điều này có thể kiểm chứng qua thực tế cuộc sống. Với đạo Phật ở phương Đông, Phật giáo được tiếp cận đầu tiên là quần chúng, dân lao động và ảnh hưởng rất sâu đậm, nhiều hơn là giới trí thức thông qua sự tín ngưỡng tôn giáo thuần tuý, hoặc thực hiện một giai trình thực hiện tâm linh vốn luôn ấp ủ người phương Đông đi tìm chân lý giá trị hạnh phúc đích thực. Trong khi đó, ở phương Tây thì lại trái ngược so với phương Đông, nơi đây Phật giáo thường được tiếp cận đầu tiên là ở giới học giả nghiên cứu và các tầng lớp trí thức trong các tổ chức, hội đoàn, các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học nổi tiếng và sau đó ảnh hưởng trở lại gia đình, quần chúng, xã hội.Một điểm khác cần phải chú ý, đó là khoảng giai đoạn từ thế kỷ 18 trở đi thì các học giả theo trường phái Kinh điển và các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đã có sự quan tâm đặc biệt đến các loại hình triết lý phương Đông, mà trọng điểm là giáo lý minh triết của đạo Phật, và triết học Phật giáo đã nhận được sự quan tâm nồng hậu từ giới hàn lâm học thuật của các học giả phương Tây. Và dù đến từ các ngành nghề hay các chức vụ, cấp bậc khác nhau trong xã hội nhưng hơn 20 học giả tiêu biểu của Anh quốc đều nhận định Phật giáo: ngoài ý nghĩa là một tôn giáo tỉnh thức, giác ngộ thì còn là một hệ thống triết học hoàn thiện. Cốt lõi triết học của Phật giáo là Ngũ uẩn, Vô thường, Vô ngã và Duyên khởi…, nó là những học thuyết triết học hoàn chỉnh, từ lý thuyết đến ứng dụng thực tế, từ trong những hoàn cảnh cụ thể cho đến các vấn đề về bản chất của tất cả sự vật hiện tượng, dù thuộc vật lý hay thuộc tâm lý, triết học Phật giáo đều có cách giải thích một cách xác đáng và phù hợp với giới hàn lâm học thuật triết học phương Tây. Các học giả triết gia phương Tây nói chung và của Anh quốc nói riêng, từ kinh nghiệm học thuật của mình đã đi đến nhận định về mối quan hệ của bản thể trong triết học Phật giáo, từ đó góp phần hình thành nên một hệ thống triết học Phật giáo hoàn chỉnh, xác định và giải quyết được các vấn đề cơ bản mà triết học đề ra. Sự đóng góp tuy âm thầm nhưng thật vĩ đại của giới trí thức học giả, giáo sĩ người Anh đã không những nâng cao địa vị cho Phật giáo mà còn mở ra cho thế giới một kho tàng chân lý vô tận mà thế giới đã và đang tìm hiểu thông qua giáo lý đạo Phật. Vì thế mà Giáo sư Eliot đã nhận định rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự cứu rỗi, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của một đấng thiêng liêng nào hay các thần linh nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được”[2].

Minh chứng cho khía cạnh này, phải kể đến các triết gia tiêu biểu với quá trình nghiên cứu, tìm tòi khám phá dưới nhãn quan khoa học, và kiểm chứng bằng thực nghiệm đã tìm thấy được chân lý tối thượng để giải quyết vấn đề hạnh phúc của con người thông qua lời Phật dạy về một số vấn đề gì đó, họ không bao giờ phủ nhận và bắt đầu tiếp cận đạo Phật với một niềm tin chắc chắn. Dĩ nhiên, các học giả ấy được biết đến và được xem như những người có công đã làm thay đổi cách nhìn nhận của người phương Tâyvề Phật giáo.

III. Sự tiếp cận Phật giáo của các học giả Anh quốc

Sự đóng góp to lớn về các công trình trước tác, dịch thuật, truyền tải giáo lý Phật giáo của các học giả người Anh cho sự tồn tại và phát triển tôn giáo này ở các nước Tây Âu thì thật khó có thể liệt kê và trình bày cặn kẻ những công việc thầm lặng của họ. Tuy nhiên phần trình bày dưới đây người viết chỉ xin được giới thiệu 6 nhà học giả tiêu biểu bao gồm chư Tăng lẫn các triết gia cư sĩ. Họ đã đưa ra cái nhìn, nhận định bàn về Phật giáo như thế nào? Cũng như sẽ làm gì với nhận định của mình, và Phật giáo đã làm gì thay đổi thái độ từ cái nhìn của người Tây phương. Để từ đó Phật giáo đã phát triển, cắm sâu vào lòng của người dân trên mảnh đất này.

Nhắc tới những người có công trong việc phát triển Phật giáo Anh quốc thì đầu tiên chúng ta không thể không nhắc đến nhà học giả Edwin Arnold sống ở miền Đông nam nước Anh. Ông sinh 10/07/1832, là con út trong một gia đình gồm có 12 anh em. Thuở nhỏ sống với cha và gia đình ở nông trại Southchurch Wick, Arnorld yêu thiên nhiên và biển cả. Tuy dở toán nhưng lại rất giỏi về văn chương, và biết ít nhất là 19 thứ tiếng. Arnold chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo sau khi tìm đọc một số sách Phật của các học giả Phật tử bấy giờ, từ đó “Arnold bắt đầu chấm dứt việc đi săn bắn các loài vật, chim muông, vốn là thú vui của ông khi còn thanh niên[3]. Điều này cho thấy giáo lý Phật giáo đã ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ và đời sống sinh hoạt của ông. Sau khi tốt nghiệp đại học,Ông được mời ở lại trường làm giáo sư giảng dạy, tuy nhiên đến năm 25 tuổi Ông cùng vợ con đến miền tây Ấn Độ để giữ chức viện trưởng đại học Deccan, và thời gian ở tại đây “đã giúp ông rất nhiều trong sự phát triển tinh thần, văn chương cũng như lòng tôn kính các đạo giáo Đông Phương mà chúng đã ảnh hưởng sâu xa đến văn nghiệp sau này của ông”[4]. Có thể vì vậy mà những áng văn chương của ông đóng góp cho Phật giáo trở nên vô giá, không gì diễn tả được.

Nhắc tới Edwin Arnold thì chúng ta không thể không đề cập tới một thi phẩm vô giá của ông, chính tác phẩm này đã khuấy động phong trào tìm hiểu Phật giáo và làm cho nó trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Đó chính là thi phẩm “The light of Asia” (Ánh sáng Á châu), được xuất bản đầu tiên 1879, đây được xem là “món quà pháp bảo quý báu đã góp phần to lớn cho sự truyền bá Phật giáo tại các nước Tây phương[5]. Tác phẩm này đã diễn tả thật đầy đủ và chi tiết về toàn bộ cuộc đời của đức Phật bằng những vần thơ xúc tích, dễ hiểu, dễ tiếp cận, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất thế giới và được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Tác phẩm này đã dấy lên từng hồi chuông rầm rộ, và vì thế mà “Phật tử khắp nơi trên thế giới đã ca tụng xem ông như một nhà vô địch truyền bá đạo Phật lúc bấy giờ”. Bởi lẽ sự xuất hiện của Ðức Phật qua tác phẩm của Arnold lại trùng khớp với thời kỳ chống đạo Ki Tô đang diễn ra tại Anh, đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự quyết định trở về với Phật giáo của người Anh và Phật giáo đã có một chỗ đứng vững chắc trong nền văn hóa của dân tộc Anh. Cũng có thể nói thi phẩm “Ánh sáng Á châu” đã tạo nên một nền móng khá vững chắc, để từ đây Phật giáo có điều kiện bám rễ sâu hơn vào lòng đất Anh quốc. Không những chỉ có những đóng góp cho thành công của Phật giáo Anh quốc mà bên cạnh đó Arnold còn đi nhiều nơi trên thế giới để giảng dạy Phật pháp, giành lại nhiều quyền lợi cho Phật giáo.

Vị học giả thứ hai chúng ta cũng cần phải kể đến đó chính là T.W.Rhys Davids (1843- 1922), ông sinh ngày 12/05/1843 tại Anh quốc, là con của mục sư T.W. Davids, ông theo học Phạn ngữ với giáo sư Stenzler tại đại học Breslau ở Đức, sau khi tốt nghiệp được giữ chức Dân sự tại Tích Lan, nhân cơ hội được đề cử giữ chức thẩm phán tại Tích Lan để xét xử vụ kiện liên can đến một ngôi chùa làng, dính líu đến giới luật của Phật giáo, qua các văn kiện trình bày viết bằng thứ ngôn ngữ mà bấy giờ tòa án không ai đọc được, vì thế mà Rhys Davids quyết tâm nghiên cứu thứ tiếng xa lạ này. Sau khi thôi việc giáo sư, Ông đã đứng ra thành lập Hội phiên dịch Kinh tạng Pali tại Luân Đôn, ông giữ chức chủ tịch, cùng tham gia với ông có rất nhiều học giả cả Đông lẫn Tây phương, từ đây các công tác chú giải, dịch thuật ra Anh ngữ đối với các kinh luận thuộc Phật giáo Pali được hình thành và phát triển.

Theo giáo sư Rhys Davids: “Với tôi, không có một tài liệu nào trong tất cả lịch sử dài đằng đẵng của Phật giáo qua nhiều thế kỷ mà các tín đồ Phật giáo tuy trong thời gian dài tột bực như vậy mà có một sự ngược đãi nào của người Phật tử đối với những người có niềm tin khác”. Đạo Phật không muốn tranh chấp với các tôn giáo khác, bởichỉ có tình thương và tâm bình mới dẹp dược sự tranh chấp, vì “tâm bình thế giới bình” đó là lời đức Phật dạy cho tín đồ và Thánh địa, đến chỗ linh thiêng hay nơi thờ phụng lớn để cầu hoà bình mà trong lòng những lễ cầu xin đó luôn chứa đầy những độc tôn, mưu tính, tham lam, tranh chấp, khinh mạn v.v … thì đó chỉ là hình thức bề ngoài, lừa dối, không bao giờ hoà bình cả. Việc phiên dịch kinh tạng Pali sang Anh ngữ của ông quả là một công trình vĩ đại có sự đóng góp to lớn trong việc truyền bá, phát triển Phật giáo tại Tây phương, vì thế mà các học giả Phật tử châuÂu đã so sánh công trình này “chẳng khác gì những công tác phiên dịch Tam tạng Kinh Đại thừa Phật giáo từ Phạn ngữ ra Hán tạng và Tây tạng của những đại pháp sư, học giả Trung hoa, Tây tạng danh tiếng đã làm trong quá khứ[6].

Làm nên Phật giáo Anh quốc không chỉ có dựa vào những cư sĩ là những học giả nổi tiếng, mà quan trọng nhất vẫn là dựa vào chư Tăng xuất gia, vì Phật giáo muốn bén rễ thật sự trên những quốc gia mới du nhập thì điều cần thiết là phải có chính người dân bản địa xuất gia tu học dẫn dắt truyền đạt giáo lý thì hiệu quả mang lại mới có thể gọi là vô giá. VàAnanda Metteyya (1872-1923) là người đã làm được điều đó. Sinh ra và lớn lên tại Anh quốc, ngay từ nhỏ Đại đức đã chối bỏ không chịu theo đạo Thiên Chúa, tôn giáo mà thân mẫu ông rất ngưỡng mộ. Năm 1890 nhờ đọc thi phẩm nổi tiếng của Adwin Arnold “Ánh sáng Á châu”, ông bắt đầu biết đến Phật giáo như một triết lý nhiệm mầu, mở ra trước mắt ông một khung trời chân lý mới lạ, từ đó ông đã bắt đầu tìm đọc nghiên cứu các kinh sách Phật giáo hiện đang phát hành tại Anh bấy giờ.

Năm 1898 ông qua Tích Lan, tại đây ông tìm học Phật pháp với các nhà sư và học giả Phật tử danh tiếng. Năm 1901 lần đầu tiên giảng về “Tứ diệu đế”, sau đó ông quyết định xuất gia. Và việc làm đầu tiên trong ngày lễ xuất gia tại Miến Điện là ông đã phát biểu như sau: “Sau khi trở thành Tăng sĩ, việc làm trước nhất mà tôi đã dành hết thì giờ và hi sinh cuộc sống của tôi để theo đuổi, thực hiện là tìm cách truyền bá Phật giáo, chân lý của đạo Từ bi tại các nước Tây phương và thành lập tại đó một giáo hội của Tăng già[7]. Đúng như lời phát nguyện, Đại đức đã liên tục thực hiện các chương trình hoằng pháp tại Tây Âu, bằng cách liên lạc, tiếp xúc với nhiều học giả Phật tử tại Anh, Đức Hoa kỳ. Có lẽ khác với những tôn giáo dựa trên đức tin không kiểm nghiệm được, Phật giáo đặt nền tảng trên sự hiểu biết thực chứng. Có lẽ chính điều này đã làm cho nhiều học giả phương Tây nghĩ sai về đạo Phật, rằng đây là một hệ thống giáo thuyết thuần lý mà người ta có thể hiểu được một cách trọn vẹn với những nguyên tắc thuần lý lẽ. Trong khi đó, theo Phật giáo“hiểu” có nghĩa là thẩm thấu, là nhìn thấu suốt vào thực tính của thực tại, và luôn luôn là kết quả thực chứng trực tiếp của bản thân. Và hơn hết, ngài Ananda Metteyya đã nhận ra được chân lý đích thực ấy, ứng dụng vào cuộc sống tu tập đem lại lợi lạc cho số đông dân chúng Anh quốc lúc bấy giờ.

Bên cạnh những học giả trứ danh kể trên chúng ta cũng không thể phủ nhận công đóng góp to lớn của nữ học giả tài ba là bà I. B. Horner (1896-1981). Hiện nay sự hiện diện của phụ nữ trong các cộng đồng Phật giáo thế giới rất là nhiều. Những phụ nữ này không chỉ tham gia với tư cách là những tín đồ hay thí chủ mà còn là các tu sĩ và thầy dạy. Tuy nhiên vào thời đại của nữ học giả I. B. Horner thì đó quả là điều không dễ dàng, bởi sự non trẻ, mới mẻ của Phật giáo thời kỳ đầu. Khi được hỏi lý do tại sao bà thích tìm hiểu giáo lý đức Phật, I.B. Horner đã trả lời:

Tôi thích nghiên cứu Phật Giáo và Thánh ngữ Pali, vì bà ngoại tôi có một người bà con và người này là bạn của giáo sư T. W. Rhys Davids và cô C.A. Foley (1858-1942), sau này trở thành vợ của ông ta. Lễ đám hỏi của ông bà Rhys Davids đã được tổ chức trong khu vườn ngôi nhà của người bà con đó. Tôi thường được nghe bà ngoại tôi và người bà con của bà trao đổi, thảo luận về Phật giáo. Lúc tôi 12 tuổi, nhiều lần tôi có dịp học hỏi, tìm hiểu về giáo lý đức Phật với ông bà Rhys Davids, là những học giả uyên thâm về Phật giáo. Cho nên, có thể nói, tôi đã sinh ra trong môi trường được thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo[8]. Và khi được hỏi rằng I. B. Horner có phải là Phật tử hay không, bà ta đã trả lời: “Tôi chấp nhận phần lớn giáo lý của đức Phật”. Tất cả những câu trả lời trên của nữ học giả tài ba này đã cho thấy thái độ am tường về đạo Phật của bà không gì có thể chối cãi được. Và như chúng ta đã thấy, người phụ nữ bị đè nén, kỳ thị, và luôn phải chịu đựng những thiệt thòi, là hậu quả của những khía cạnh chậm tiến, bất công của một số xã hội Đông phương. Chúng ta không thể dùng triết lý Phật giáo để biện bạch hay chấp nhận tệ trạng này. Tuy nhiên đối với bà I. B. Horner, bà đã không chấp nhận nuôi dưỡng những hình ảnh tiêu cực về người phụ nữ. Trái lại, bà tiếp tục tìm hiểu, giải thích quan điểm Phật giáo về phụ nữ và tạo điều kiện để thực hiện quan điểm này trong đời sống. Thông qua những trước tác, bà đã trình bày rất rõ ràng vai trò đích thực mà người phụ nữ trong Phật giáo đáng có được. Họ tham gia tích cực vào nhiều phạm vi sinh hoạt. Sự đóng góp của họ nằm trên mọi lãnh vực từ học thuật, tu tập cho đến các hoạt động xã hội. Họ không ngừng khai phá lại, xác định lại vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo. Họ không hài lòng chỉ làm những người đi theo, mà còn can đảm nhận cả vai trò lãnh đạo. Họ đã đem lại những thay đổi cho nhiều thái độ và lối suy nghĩ tiêu cực.

Không chỉ dừng lại ở bà I. B. Horner, Luật sư Christmas Humphreys (1901- 1983), cũng là một trong những người gây ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của Phật giáo. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình phần lớn đều hành nghề luật sư, và ông cũng không ngoại lệ. Ông vốn là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo, thế nhưng sau cái chết đột ngột của anh mình đã khiến cho ông nghi ngờ tất cả những lời dạy trong Thánh kinh, vì thế Ông quyết tâm tìm tòi nghiên cứu chân lý ở các tôn giáo khác. Ông đến với Phật giáo một cách hết sức tình cờ ngang qua tác phẩm “Buddha and the Gospel of Buddhism” (Đức Phật và Triết Lý Phật Giáo) ra đời năm 1961 tại Anh của tác giả Ananda Comaraswamy, nội dung sách này giới thiệu sơ lược về giáo lý đạo Phật, ngang qua đó tác giả đã so sánh giữa Phật giáo với Bà-la-môn và Thiên Chúa giáo. Ông bắt đầu nghiền ngẫm, nghiên cứu và thấy thích thú với tôn giáo này, từ đó Ông tìm hiểu sâu hơn về giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Vô thường, Vô ngã cũng như các thuyết về Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi trong Phật giáo, Ông tin rằng cái chết của anh mình là do nghiệp lực, đồng thời Ông cũng hiểu được chết không có nghĩa là hết, điều này khiến Ông cảm thấy rất an lạc. Vì thế Ông ra sức truyền bá Phật giáo bằng cách thành lập nhiều hiệp hội Phật giáo như xây dựng trung tâm Phật giáo của hội Thông Thiên Học, đồng thời cho ra đời nhiều ấn phẩm vô cùng giá trị để truyền bá giáo lý Phật giáo lúc bấy giờ. Các tác phẩm của ông có thể kể đến như: “What is Buddhism?”(Phật giáo là gì? Xuất bản năm 1928); “Studies in the Middle way” (Nghiên cứu về trung đạo, xuất bản năm 1940); hay “Karma and Rebirth” (Nghiệp báo và Luân hồi, xuất bản năm 1943) v.v..có thể thấy Christmas Humphreys ngoài việc truyền bá Chánh pháp ra Ông còn góp phần thay đổi nhận thức về Phật giáo cho thế hệ trẻ, vì đối với Ông “Phật giáo là một tôn giáo, nhưng Phật giáo không lấy ‘niềm tin’ làm mục đích cho sự giáo dục, mà Phật giáo lấy giác ngộ (sự hiểu biết) làm mục đích”.

IV. Sự tác động của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người dân Anh quốc

Có thể thấyPhật giáo là một tôn giáo vĩ đại nhất của thế giới, ý thức và chân thực dựa trên căn bản một hệ thống phân tích hợp lý về những khó khăn của đời sống, và cách thức giải quyết những khó khăn ấy”. Với chủ trương không trốn chạy mà phải đối diện với mọi sự việc để giải quyết khó khăn, bằng tinh thần khoan dungđộ lượng để đưa đến kết quả tốt đẹp, vì thế Phật giáo được xem là một hệ thống nhân từ. Khi Phật giáo đã định hình trong lòng thế giới phương Tây, đối với người dân Anh quốc, họ xem việc đến Phật giáo để tiếp cận những giá trị về tâm linh lẫn muốn trở thành một Phật tử là một chuyến hành trình chuyển hóa nhận thức. Công chúng nơi này quan tâm đến các giá trị của Phật giáo là do khả năng chuyển hóa và triệt tiêu được những thứ đau buồn, khổ đau và lòng oán thù một cách hữu hiệu, và còn nhắn bảo với họ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài hay cho người khác. Trong cuộc sống, trong mỗi tư duy, trong từng xúc cảmvà mỗi hành động của mình thì đều do bản thân làm chủ. Nhận thấy được giá trị thiết thực mà Phật giáo mang lại, đó chính là dạy đời sống không bằng luật lệ mà bằng nguyên lý, một đời sống cao đẹp và kết quả là Phật giáo là một tôn giáo khoan dung, một hệ thống nhân từ nhất từ trước đến nay. Từ chỗ thái độ khoan dung, hoà nhã, đó là một Phật giáo chủ trương bình đẳng với mọi người, không phân biệt giai cấp, tinh thần bất bạo động, với những lý do trên Phật giáo du nhập tới đâu cũng được tiếp nhận một cách thân thiện.

C. KẾT LUẬN

Phật giáo được người phương Tây nhận định, ngoài ý nghĩa là một tôn giáo tỉnh thức – giác ngộ thì còn là một hệ thống triết học hoàn chỉnh, điều này không thể phủ nhận được, bởi lẽ chính công chúng và văn hóa cộng đồng đã đồng thuận chấp nhận và tự nguyện thực hành các giáo lý Vô thường, Duyên khởi, Từ bi, Nhân quả v.v…lại là một minh chứng sống động cho việc tại sao Phật giáo có mặt ở phương Tây. Phật giáo có một tính cách siêu quốc gia và quốc tế, và giáo lý của Phật giáo giải thích về tâm linh, không có gì hoặc không có gì trói buộc nó với bất cứ một mảnh đất hay bất cứ một quốc gia, một chủng tộc hay một bộ lạc nào. Phật giáo du nhập vào Tây phương cho đến hôm nay, trải qua mấy thế kỷ, đã ẩn mình, hình thành, từng bước ổn định và phát triển. Sự thành tựu của Phật giáo Tây phương đến nay có nhiều đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học…Họ đã không ngại khó khăn cũng như hết lòng ủng hộ Phật giáo. Họ đã có những năm tìm hiểu, tu tập và thực hành giáo lý nhà Phật để đem lại sự lợi ích của bản thân, và từ đó họ đã đi truyền đạo đến với mọi người Tây phương. Sự đóng góp thầm lặng ấy đã mở ra một chân trời mới cho thế giới, mang lại ánh sáng mới cho nhân loại, chân lý bất diệt ấy do Phật giáo đem đến, chỉ có thể trải nghiệm, thực hành thì hạnh phúc đích thực sẽ mãi nằm trong tầm tay của nhân loại.


[1] Thích nguyên Tạng, Phật Giáo Khắp Thế Giới, Nxb Phương Đông, 2006, tr.13

[2] Thích Tâm Quang(dịch), Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 63.

[3] HT Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mĩ, Nxb Phương Đông, 2010, tr.14

[4] HT Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mĩ, Nxb Phương Đông- 2010, tr.15

[5] Sđd, tr.16

[6] HT Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mĩ, Nxb Phương Đông, 2010. tr .40

[7] HT Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mĩ, Nxb Phương Đông- 2010, tr. 74

[8] Sđd, tr.96TKN.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan