CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Thông điệp gửi đến Đại lễ Vesak LHQ 2014 của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO

 THÔNG ĐIỆP GỬI ĐẾN ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2014

Của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO

Nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc - Lần thứ 11 và Hội nghị Phật giáo Quốc tế chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Tổ chức tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình - Việt Nam, từ ngày 7 - 11 tháng 5 năm 2014.

Nhân ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, tôi xin gửi lời chúc mừng trân trọng nhất đến quý Phật tử trên khắp thế giới.

Đây là lần thứ hai Đại lễ Kỷ niệm và Hội nghị Phật giáo Quốc tế được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, tôi xin chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này.

Chủ đề của hội thảo năm nay “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là một chủ đề quan trọng, trong thời điểmhiện nay các quốc gia trên thế giới đang tăng tốc hướng đến năm 2015 và thiết lập một chương trình phát triển mới để thực thi. Đức Thế Tôn đã từng nói: “Ta chưa bao giờ thấy những gì đã làm, Ta chỉ thấy những gì còn lại cần phải làm”. Từ năm 2000, chúng ta đã thấy sự tiến triển đáng kể trong việc giải quyết các nhu cầu cho những người khó khăn nhất thế giới, song sự tiến triển ấy chưa đồng đều và còn phiến diện.

Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều biến chuyển, nên các vấn nạn làm thế nào để sống hòa bình với nhau, làm thế nào để bảo vệ hành tinh xanh, làm thế nào để xây dựng một nền tảng hòa bình vững chắc cần có câu trả lời mang tính tập thể và sáng tạo. Nhiều công nghệ mới đang nối kết các xã hội lại gần nhau hơn nhưng cũng khiến dễ va chạm hơn cùng với việc phát sinh tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói. Những mâu thuẫn hậu quả của hận thù, lo sợ vẫn đang rực lửa trên thế giới. Biên giới của hành tinh đang bị kéo giãn quá mức bởi những phương thức phát triển quá đà. Hơn bao giờ hết, sự phát triển khả thi về lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội phải được xem như là một chương trình nghị sự độc lập.

Để khắc phục những khó khăn thách thức này, những giải pháp về tài chính và kinh tế vẫn không đủ. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ trên ghế nhà trường, ngay trong ý thức của các thanh thiếu niên. Giáo dục là công cụ mạnh nhất để nâng cao chân giá trị nhân loại, khuyến khích sự hiểu biết cảm thông lẫn nhau và xây dựng một nền hòa bình bền vững. Giáo dục là biện pháp hữu hiệu nhất hướng dẫn những phương thức sống tích cực để sống thuận với nhau, thuận với thiên nhiên trên hành tinh này. Giáo dục cũng chính là nền tảng để phát triển những mô hình mới cho sự đoàn kết và công dân toàn cầu, đấy là những vấn đề rất cơ bản trong thế giới ngày nay.

Những mục tiêu này góp phần làm cho chương trình làm việc của UNESCO thành công trong việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục trên khắp năm châu và hướng về Giáo dục Toàn cầu, một khởi xướng tiên phong của Ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Trong tất cả những yếu tố hỗ trợ ấy, những lời dạy của Đức Thế Tôn về tính đồng bộ, từ bi và hòa bình cộng hưởng sâu sắc với tinh thần làm việc của Tổ chức UNESCO, củng cố sự kết hợp đồng nhất giữa trí tuệ và đạo đức và quan điểm chung của chúng ta về một đời sống bình đẳng hơn, an bình hơn cho hết thảy nam nữ trên thế giới. Những giá trị này đã được công nhận khuyến khích lâu nay song hơn bao giờ hết chúng vô cùng phù hợp để đối mặt với những vấn nạn thách thức trong thời đại của chúng ta hiện nay.

Trên tinh thần này, tôi xin chúc cho tất cả quý vị đại biểu tham dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế hôm nay tràn đầy hoan hỷ trong bầu không khí thiêng liêng tuyệt vời của Đại lễ Vesak, nhận được năng lượng an lạc từ giáo pháp của Đức Thế Tôn.   

Irina Bokova

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan