CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Cảm nhận của thế hệ Tăng trẻ về hội thảo khoa học - 50 năm phong trào Phật giáo Việt Nam (1963-2013)

Có thể nói cho đến giai đoạn lịch sử hiện nay, lịch sử Việt Nam đã làm mới mốc son lịch sử giai đoạn năm 1963 – năm mà phong trào Phật giáo Việt Nam hào hùng đứng lên đòi quyền bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội, phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm mà đỉnh cao là ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Sự kiện này càng làm nổi bật khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, tín đồ Phật giáo nói riêng.

Được hòa mình trong dòng người, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các học giả, giảng viên trong và ngoài Phật giáo kể cả trong nước và quốc tế tham dự hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo Miền Nam (1963 – 2013) diễn ra tại khu du lịch Phương Nam – Bình Dương do Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM và ĐHKHXH & NV phối hợp tổ chức, tôi như được tường tận hiện thực sống động qua thước phim dài bằng những nhân chứng sống cùng những nghiên cứu xác thật về lịch sử năm mươi năm qua mà nhất là sự kiện năm 1963.

Với những tư liệu mới, những cách tiếp cận mới từ nhiều phương diện khác nhau, các học giả, nhà nghiên cứu đã không chỉ mang lại cái nhìn tổng quan, những nhận thức mà còn là những trải nghiệm, thể hiện những cảm xúc về một giai đoạn hào hùng của Phật giáo Việt Nam. 
Cụ thể như tham luận Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963 - nhìn từ hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Mỹ; Cộng đồng quốc tế với Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963; Cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam chống Mỹ-Diệm và xu hướng nhập thế trong bối cảnh hiện nay; Vai trò của quần chúng nhân dân trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963; Tác động của phong trào đấu tranh Phật giáo ở miền Nam Việt Nam năm 1963 đến quan hệ Mỹ-Diệm...
Các nhà khoa học, nghiên cứu đều khẳng định, chính phong trào Phật giáo năm 1963 ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm suy yếu và bị lật đổ. Phật giáo Việt Nam thoát khỏi một cơn pháp nạn, tiếp tục truyền thống nhập thế hành đạo cứu đời, tiếp tục hòa mình vào làn sóng đấu tranh chung của dân tộc trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam Việt Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ mới.

Chỉ gói gọn trong bảy tiếng đồng hồ, qua hai hội trường với nhiều phiên báo cáo tham luận do các chủ tọa đoàn hướng dẫn, hội thảo trở nên thiêng liêng và càng thiêng liêng hơn khi chúng ta bắt gặp nhiều nhân chứng sống hiện hữu tại hội thảo: HT. TS. Thích Trí Quảng – Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều nhà nghiên cứu khác lần lượt mô tả thực trạng pháp nạn Phật giáo và tín đồ đã quên mình cho Đạo pháp, Dân tộc năm 1963. Ngọn lửa thiêng và trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần Phật giáo nước nhà: Dù bị các thế lực thù địch, hiềm kích tôn giáo hay cố tình dìm “chết” Phật giáo thì Phật giáo vẫn cứ mạnh mẽ vươn lên như tinh thần Bi – Trí – Dũng trong nhà Phật.

Từ lời chia sẻ của nhà nghiên cứu Tịnh Minh, người nghe không khỏi xúc động và tự hào trước hình ảnh Tăng Ni biểu tình trong thời điểm bất bạo động bấy giờ. Quý Ngài đã bất chấp đau thương bản thân, bất chấp sự dày vò của thế lực, thể hiện quyền tự chủ về phía mình. Đặc biệt vai trò phụ nữ trong công cuộc đấu tranh này (theo như lời của nhà nghiên cứu) thì các chị, các mẹ,… như nước vỡ bờ vùng lên. Không những thế, phong trào lan rộng khắp tỉnh thành trong nước như Miền Bắc, Huế, Khánh Hòa, cho đến các tỉnh miền Nam và miền Tây Nam Bộ. Những hình ảnh tiếp nối tinh thần bất khuất của Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu như: Ni sư Thích Nữ Diệu Không tại Huế (ngươi đầu tiên phát nguyện tự thiêu), Ni sư Thích Nữ Diệu Quang, Ni sư Thích Nữ Thông Thuận, Đào Thị Yến Phi… tại Khánh Hòa tự thiêu,…dù ở độ tuổi nào, xuân xanh hay già nua, các Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam vẫn kiên trung dấn thân vị Đạo, vì sự trường tồn và phát triển nền Phật giáo nước nhà. Từ đây ta càng khâm phục hơn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua bao đời trong chiến tranh chống ngoại xâm, từ hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, nữ đô đốc Bùi Thị Xuân, …và nhiều nhiều tầng lớp phụ nữ lúc bấy giờ cũng chỉ tay không, nhưng với tinh thần và ý chí quật khởi đã góp không nhỏ công sức vào trang sử vẻ vang chống ngoại xâm. Qua bao mưa bom bão đạn, pháp nạn năm 1963, năm lịch sử Phật giáo nước nhà đã ghi dấu ấn lịch sử và nêu cao ý chí “vị pháp quên thân” để cho đóa HOA SEN LINH MẦU trong ngôi nhà Phật giáo được sáng tỏa hơn, thăng hoa hơn.

Bài học mà thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và Tăng Ni sinh kế lai cho mạng mạch Phật Giáo hiện tại và tương lai từ phong trào đấu tranh của 50 năm phong trào Phật giáo Miền Nam (1963 – 2013) là đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam cận đại, cảnh tỉnh và soi sáng thế gian lầm lạc, đồng thời khẳng định vị trí không thể thay thế của Phật giáo trong lòng đất nước, dân tộc Việt Nam. 

Chúng ta sẽ làm gì trên hành trình tu học hiện nay để làm rạng danh tông môn Tổ Thầy và đáp đền công ơn của những anh linh chư liệt vị Thánh tử Đạo đã hy sinh vì Đạo Pháp – Dân tộc? Như lời PGS. TS. Nguyễn Công Lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, hội thảo lần này góp phần rút ra nhiều ý nghĩa, bài học bổ ích để từ đó định hướng Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay của nước ta.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan