CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác Phật sự 2015 của GHPGVN

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM         
         HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ     

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

__________________

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2016

BÁO CÁO TÓM TẮT
TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHẬT SỰ NĂM 2015
CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đặc điểm tình hình công tác Phật sự năm 2015 của GHPGVN, là năm mà Tăng Ni, Phật tử cùng với các tầng lớp nhân dân cả nước thực hiện nhiều Phật sự ích Đạo, lợi Đời lập thành tích chào mừng 70 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCNVN, 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 2015, cũng là năm mà Giáo hội có sự thay đổi trong công tác nhân sự thế hệ lãnh đạo. Đồng thời cũng là năm mà các Ban, Viện TƯ, BTS các cấp và Tăng Ni, Phật tử các chùa, tự viện trong cả nước chủ động phát huy sáng tạo, tích cực phấn đấu thực hiện nghị quyết Hội nghị kỳ 3 khóa VII và hoàn thành phương hướng hoạt động Phật sự năm 2015 mà Hội nghị kỳ 3 khóa VII đã đề ra.

Phật sự nổi bật nhất trong năm 2015 là được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu, GHPGVN đã thành lập tổ chức GHPGVN tại Lai Châu, lễ công bố thành lập và ra mắt được tổ chức vào ngày 26-27/3/2015 tại thành phố Lai Châu. Như vậy là Giáo hội đã hoàn thành việc thành lập tổ chức của mình ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước sau 7 nhiệm kỳ.

Năm 2015 cũng được đánh dấu bằng các hoạt động hội thảo hoằng pháp tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Phật giáo vùng Mekong, vùng miền Đông Nam bộ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng duyên hải Bắc Bộ tại Quảng Ninh. Hội trại thanh niên sinh viên được tổ chức vừa rộng khắp, vừa quy mô như tại Học viện Phật giáo Sóc Sơn, tại Cần Thơ, Thanh Hóa…Hoạt động quốc tế nổi bật là tham gia đoàn Tổng bí thư đi thăm Mỹ và đối thoại với các tôn giáo Hoa Kỳ, thăm hữu nghị GHLMPG Lào, tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới tại Vô Tích, Trung Quốc.

Đồng thời trong năm qua Giáo hội cũng tiến hành ký kết 2 văn bản phối hợp công tác:Trung ương GHPGVN và Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp về tuyên truyền giáo dục, đoàn kết, tập hợp thanh niên và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, giai đoạn 2015-2019 tại Trung ương Hội LHTN Việt Nam.Ký kết hành động: Các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực hành chính Giáo hội, Ban Thư ký của HĐTSGHPGVN tiếp tục có những hoạt động đổi mới như tổ chức các phiên giao ban: tại VP1, Thường trực HĐTS khu vực phía Bắc họp giao ban có sự tham dự của các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố; Tại VP2 đã tổ chức các hội nghị giao ban theo cụm giữa Ban Thường trực HĐTS, VPTWGH với Ban Thường trực BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố để kịp thời nắm bắtthực tế các Phật sự cần xử lý giải quyết, các Phật sự cần triển khai qua đó nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành của Giáo hội.

Ban Thường trực HĐTS đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt giáo hội cho các tỉnh thành phía Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau vào 23/5/2015 tại VP2. Các tỉnh thành phía Bắc từ Lạng Sơn đến Quảng Bình tại chùa Quán Sứ vào 15/10/2015.

Hoạt động của 2 VP nhịp nhàng và có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các Thông điệp, Thông tư, hướng dẫn các Phật sự của Ban Thường trực HĐTS đến các Ban, Viện và BTSGHPGVN các tỉnh, thành phố với hơn 700 lượt văn bản được phát hành. Qua đó trong năm 2015, các Ban, Viện của HĐTS và các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố toàn Giáo hội đã đạt được những thành tựu Phật sự khả quan trên các lĩnh vực chuyên môn như sau:

1. Công tác Tăng sự: Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc tính đến 31/12/2015 với số lượng khoảng 49.493 Tăng Ni (tăng lên 2336 vị so với năm 2014 là 47.237 Tăng Ni), trong đó Bắc tông: 36.625 vị ( tăng lên 563 vị, 2014: 36.062 vị), Nam tông Kinh: 824 vị (tăng lên 19 vị, 2014: 805 vị,), Nam tông Khmer: 8.690 vị (tăng lên 1658 vị, 2014: 7.032 vị,), Khất sĩ: 3.354 vị ( tăng lên 96 vị, 2014: 3.258 vị). Số lượng chùa và tự viện có 17.376 ngôi (tăng 98 ngôi so với năm 2014:17.287 ngôi), và có hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyêntại các cơ sở tự viện với số lượng tăng lên hàng năm qua các khóa truyền thụ Tam quy ngũ giới ở hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh mới thành lập ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, cùng với hơn 50 triệu những người yêu mến đạo Phật trong cả nước.

Phật sự nổi bật của Ban Tăng sự TƯ năm 2015 được đánh dấu bằng việc tổ chức Hội nghị Tăng sự toàn quốc vào ngày 26-27/6/2015 tại Phòng họp Quốc tế chùa Bái Đính , Ninh Bình. Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị được nghe Báo cáo tổng hợp Tăng sự hiện nay cũng như các tham luận của Ban Tăng sự các tỉnh, thành phố và các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự. Với tinh thần Tăng sự là cốt lõi, là nền tảng của tổ chức Giáo hội; Giới luật là sự trường tồn của Đạo,các đại biểu đã nhìn thẳng vào thực trạng vấn đề Tăng sự và Hội nghị đã đưa ra Nghị quyết với 9 điểm chính nhằm tăng cường công tác quản lý Tăng Ni, tự viện. Trong thời gian qua một số BTS tỉnh, thành phố đã triển khai nghị quyết hội nghị tăng sự và tăng cường công tác quản lý Tăng Ni. Ban Tăng sự Trung ương đã ban hành những thông tư hướng dẫn trong công tác Tăng sự như Thông tư hướng dẫn thống kê Tăng Ni, tự viện; Thông tư hướng dẫn thành lập Ban công tác kiểm Tăng; Hướng dẫn tấn phong giáo phẩm; Thông tư về việc đăng ký hoạt động của các Đạo tràng…

Năm 2015 Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã chấp thuận cho các tỉnh tổ chức Đại giới đàn với tổng số 6.191 Tăng Nithụ giới gấp 2 lần so với năm 2014. Trong đó các tỉnh: tỉnh Long An 1.042 giới tử; tỉnh Phú Yên 130 giới tử; Tp. Cần Thơ 413 giới tử; tỉnh Đồng Nai 1.300 giới tử; Tp. Hà Nội 251 giới tử; Lạng sơn 02 giới tử; Nghệ An 25 giới tử; Hải Dương 28 giới tử; Hậu Giang 504 giới tử; Gia Lai 245 giới tử; Bình Thuận 442 giới tử; Tp. Hồ Chí Minh 1.009 giới tử; Quảng Nam 300 giới tử; Bắc Giang 8 giới tử; Quảng Ninh 232 giới tử; Quảng Trị 243 giới tử; Khánh Hòa 144 giới tử; Kiên Giang tổ chức 04 đại giới đàn Phật giáo Nam tông Khmer với 116 vị thọ giới Tỳ kheo.

Thực hiện duyệt cấp 2328 giấy Chứng nhận Tăng Ni, 5.564 Chứng điệp thụ giới, cấp 2.332 chứng điệp An cư kiết hạ cho Tăng Ni an cư. Bổ nhiệm trụ trì 410 cơ sở tự viện, thực hiện công nhận 84 tự viện mới thành lập tham gia vào tổ chức Giáo hội.

Về công tác an cư kiết hạ, Ban Tăng sự Trung ương đã có Thông bạch số 109/TB/HĐTS ngày 26/3/2015, hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức An cư Kiết hạ PL. 2559.Cả nước có 58 đơn vị BTS các tỉnh, thành phố đã tổ chức an cư kiết hạ cho 30.140 Tăng Ni an cư (trong đó 28.263 Tăng Ni an cư tập trung, 1.877 Tăng Ni an cư tại chỗ). Các tỉnh chưa tổ chức an cư là các tỉnh miền núi phía Bắc: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

Phân ban Ni giới TƯ hoạt động rất có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực Phật sự, đóng vai trò quan trọng trong thành tựu Phật sự chung của Giáo hội, nhất là công tác từ thiện xã hội. Đến 31/12/2015 đã có 41 BTS tỉnh, thành phố đã thành lập Phân ban Ni giới cấp tỉnh. Hoạt động đối ngoại của Ni giới năm 2015 là tham dự Hội nghị Sakyadhita 14 tại Indonesia.

2. Công tác giáo dục đào tạo Tăng Ni:Trong năm 2015, Ban GDTN TW đã thực hiện một số công tác như thăm viếng và làm việc với Ban Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni các tỉnh thành, Ban Giám hiệu các Trường Trung cấp Phật học và Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại phía Bắc từ ngày 07 - 09/5/2015 ; các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, và miền Đông Nam bộ từ 08 – 15/9/2015 ; các tỉnh miền Tây Nam bộ từ 04 – 10/1/2016.

Tiếp tục tiến hành việc biên soạn sách giáo khóa theo chương trình cải cách 03 năm. Bộ sách Giáo khoa Phật học căn bản đã thẩm định, đang trong quá trình in ấn và sớm phân phát cho các Trường Trung cấp Phật học trong cả nước.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có 309 TNS đang theo học, đồng thời phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp Hán Nôm với 100 TNS.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế có 62 TNS đã tốt nghiệp cử nhân khóa VI (2011 - 2015) , 195 TNS đang học khóa VII (2013 - 2017) năm thứ 2; 265 TNS khóa VIII (2015 - 2019). Cơ sở mới của Học viện PG Huế đang được xây dựng tại phường An Tây, Tp. Huế.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM đã cấp phát bằng tốt nghiệp cho 355 TNS khóa IX(2011 – 2015) nhận bằng cử nhân Phật học và 118 cử nhân hệ đào tạo từ xa. Hiện đang đào tạo 492 TNS khóa X (2013 -2017), 413 TNS khóa XI (2015 - 2019) và 114 TNS học văn bằng 2; Hệ Đào tạo từ xa có 02 khóa, 287 vị Khóa III, 470 vị khóa IV. Học viện liên kết với Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh mở khóa Sư phạm Giáo dục Mần non khóa I (2015 - 2019) tại Học viện. Khóa học có 97 học viên Ni sinh, và sinh viên.

Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ có 29 tăng sinh đã tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa II (2011 - 2015).đang giảng dạy Khóa III và Khóa IV.

Hệ Cao đẳng Phật học hiện đang có 1.111 TNS đang theo học tại các trường: Hà Nội, Tp.HCM, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Nai.

Hệ thống các trường Trung cấp Phật học trong cả nước hiện có 4.811 Tăng Ni sinh đang theo học. Và có khoảng trên 2.500 Tăng Ni đang theo học các lớp Sơ cấp Phật học.

Nghiên cứu sinh du học tại nước ngoài: từ trước tính đến 31/12/2015,Giáo hội đã cho phép và giới thiệu 260 tăng ni đang du học ở nước ngoài : Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ…v.v… đến nay đã có khoảng 115 tăng ni sinh đã tốt nghiệp về nước phục vụ công tác Giáo hội.

3. Công tác hoằng pháp: Thành tựu nổi bật trong công tác hoằng pháp là việc tổ chức lễ hội và hội thảo hoằng pháp tại các vùng miền khác nhau như: hoằng pháp miền núi, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc trong Lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban tại Điện Biên ngày 27-29/3/2015; Hội thảo 05 tỉnh Tây nguyên tại Đak Lak ngày 18 – 20/7/2015; vùng miền Đông Nam bộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 05-07/12/2015 với chủ đề "Sứ mạng hoằng pháp: Hội nhập và Phát triển”; Vùng Duyên hải Bắc bộ với hội thảo "Phật giáo Trúc Lâm: Hội tụ và lan tỏa” ngày 10-12/12/2015 tại Quảng Ninh.

Nhiều lớp bồi dưỡng giảng sư cao cấp và trung cấp với 296 giảng sinh theo học tập huấn tạo nguồn nhân lực cho công tác hoằng pháp, tìm ra phương thức hoằng pháp phù hợp với từng đối tượng, vùng miền với nhiều hình thức khác nhau; thành lập, thăm viếng, thuyết giảng và nâng cao hiệu quả sinh hoạt của các Đạo tràng, các Câu lạc bộ phật tử, đa dạng hóa hình thức hoằng pháp: tập hợp thanh niên, sinh viên của các trường Cao đẳng, ĐH với các hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn giới trẻ, tổ chức các lớp thi giáo lý, kết hợp giảng giáo lý với các lễ hội, với công tác từ thiện của Ban từ thiện xã hội, với các câu lạc bộ phật tử của Ban hướng dẫn Phật tử, với Ban Phật giáo quốc tế: hoằng pháp châu Âu và các nước: Nga, Séc, Ucraina, Ba Lan, Đức, Úc, Mỹ…

Khu vực phía Bắc, Ban Hoằng Pháp Tp. Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh… đã nỗ lực hoạt động thuyết giảng cho các Phật tử tại các giảng đường và khóa an cư kiết hạ. Chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp phối hợp cùng các vị trụ trì tổ chức khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật, trì Chú Đại Bi, mỗi giảng đường có từ 200 đến trên 1.500 Phật tử tham dự thính pháp, tu tập.

Tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có 977 đạo tràng, 351 lượt giảng sư thuyết giảng, có 17.795 thời giảng, 257.492.200 lượt Phật tử tu tập và thính pháp. các Đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát Quan trai, các lớp giáo lý tại địa phương tương đối đồng bộ và đều khắp, tạo nên tinh thần say mê học Phật trong các giới Cư sĩ, Phật tử tại gia, như: Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai… mỗi điểm giảng trung bình có từ 300 đến 2.000;có tỉnh nhân mùa Phật đản kết hợp việc thuyết pháp và văn nghệ đã thu hút 10.000 Phật tử thính pháp như tỉnh Bình Dương, tỉnh Khánh Hòa.

Trong năm qua, Ban Hoằng Pháp đã tổ chức chương trình tập huấn hoằng pháo viên Phật tử: tại Hội thảo hoằng pháp Tây nguyên cho 700 Phật tử; tại Kiên Giang cho 1.000 Phật tử; tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho 1.200 Phật tử.

Với phương châm: Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài, hoạt động của Ban Hoằng pháp trong năm qua sôi nổi nhất trong các hoạt động chuyên ngành của Giáo hội.

4. Công tác hướng dẫn Phật tử:Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử trong năm 2015 đậm nét với hình ảnh tận tâm chăm lo công tác hướng dẫn Phật tử của Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS; Trưởng ban HDPTTW đã dẫn đầu đoàn Ban HDPTTW đi thăm và làm việc với Ban HDPT các tỉnh, thành phố từ đó nắm bắt tình hình thực tế và các kiến nghị của các tỉnh, thành phố để định hướng chỉ đạo công tác hướng dẫn Phật tử.

Công tác hướng dẫn Phật tử ngày càng được đa dạng và làm phong phú hình thức sinh hoạt của Phật tử. Sinh hoạt của Gia đình Phật tử vẫn là một nhu cầu cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của Phật tử (hiện nay có 1.061 đơn vị GĐPT: 74.065 huynh trưởng và đoàn sinh), theo sơ bộ tổng hợp hiện có khoảng 3.192 các Đạo tràng Phật tử với hàng triệu Phật tử thường xuyên tu tập: Đạo tràng Bát Quan trai, Đạo tràng tu thiền, Đạo tràng niêm Phật, Đạo tràng Tịnh độ, Phật thất, Đạo tràng Dược sư, Đại bi, Pháp Hoa…, hình thức Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt rất sôi động và có hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại của thời đại kỹ thuật số vào công tác hoằng pháp phù hợp với giới trẻ. Ban Hướng dẫn Phật tử đặc biệt chú trọng đến nhiều tầng lớp, thành phần của xã hội, trong đó tập trung đến lớp thanh thiếu niên và đội ngũ trí thức. Hàng trăm nghìn Phật tử đã tham gia các khó tu do các BTS, Ban HDPT, Ban Hoằng Pháp tổ chức cho thấy nhu cầu tu tập và được hướng dẫn tu tập là rất cao trong xã hội và đòi hỏi Giáo hội phải quan tâm đáp ứng.

Ban HDPT đã tổ chức nhiều các hội trại sinh hoạt tại hầu hết các tỉnh thành phố, đặc biệt tại Thanh Hóa tổ chức Hội trại Phật giáo với tuổi trẻ lần thứ VII với 1500 trại sinh tham dự, tại Hà Nội chùa Bằng tổ chức khóa tu Con về bên Phật và các buổi chia sẻ Phật pháp của sinh viên có từ 500 - 1000 khóa sinh tham dự, tại Cần thơ tổ chức hội trại Tuổi trẻ Phật giáo lần thứ X chủ đề: Niềm tin và Hội nhập tại Trúc Lâm Phương Nam với 1500 khóa sinh từ 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tham dự…; tại Học viện Phật giáo Sóc Sơn diễn ra hội trại thanh niên sinh viên với 2500 sinh viên tham dự…khắp cả nước có hàng chục nghìn thanh thiếu niên đã tham dự các khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên Phật tử và học sinh đã trở thành một nét đặc sắc đáp ứng nhu cầu giáo dục hè cho các cháu học sinh, và đặc biệt là các hội thi giáo lý, các khóa truyền quy y cho các đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và các vùng miền núi, hải đảo. Phong trào tiếp sức mùa thi được tổ chức tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra là phong trào hiến máu nhân đạo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn…đã được Ban HDPT các tỉnh, thành phố tổ chức tốt.

5. Công tác nghi lễ: Hưởng ứng và thực hiện tinh thần nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư TƯ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số: 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng trị sự TƯ GHPGVN đã có văn bản số: 34/CV-HĐTS ngày 12/2/2015 về việc hướng dẫn phát huy truyền thống văn hóa trong lễ hội tại các Tự viện gửi cho Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, hướng dẫn các chùa, tự viện trong cả nước thực hiện tổ chức lễ hội, nghi lễ trong dịp Tết nguyên đán trang nghiêm, văn minh, tiết kiệm, phát huy tốt đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

Thành tích của Ban Nghi lễ năm 2015 được nhìn nhận trong sự cố gắng của Ban nghi lễ các tỉnh thành đã tích cực góp phần vào trang nghiêm các Đàn giới được tổ chức, các nghi lễ khai pháp, tạ pháp tại các Hạ trường, lễ quy y...

Nhìn chung, Đại Lễ Phật đản được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng như tại các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đều tổ chức trang nghiêm trọng thể. Văn phòng TWGH và BTS GHPGVN TP. Hà Nội tổ chức trọng thể lễ Phật đản tại trụ sở GH và tại Hoàng thành Thăng Long; BTS GHPGVN TP. HCM tổ chức long trọng tuần lễ Phật đản tại Việt Nam Phật quốc tự.

Tại Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố và Tự viện đã trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công, chư Tôn Thiền đức Trưởng lão các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, chư Tôn đức Giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Tôn đức Tăng Ni viên tịch trang nghiêm long trọng, thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật.

Đại lễ tưởng niệm 707 năm ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được TWGHPGVN và BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức trọng thể, trang nghiêm tại Non thiêng Yên Tử. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều chùa và Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang lớn với nghi thức quốc gia thể hiện tấm lòng tri ân những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

6. Công tác văn hóa:Năm 2015 là năm Ban Văn hóa đã có nhiều hoạt động Phật sự tích cực như việc chủ động, chủ trì và bước đầu triển khai các dự án lớn: Pháp phục; Kiến trúc; Ngôn ngữ; Di sản Phật giáo trong sự nỗ lực đi tìm những nét bản sắc đặc trưng truyền thống của Phật giáo Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay.Dự án số hóa các ngôi chùa danh lam cổ tự. Tổ chức triển lãm: Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam tại chùa Yên Phú, Tp. Hà Nội; chùa Quan Âm thành phố Đà Nẵng đã khánh thành Bảo tàng Phật giáo là nỗ lực cá nhân của TT trụ trì chùa góp phần vào thành tích chung trong lĩnh vực văn hóa Phật giáo.

Ban Văn hóa cũng đã chủ động phối hợp với các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức các lễ hội văn hóa Phật giáo rất thành công: tại tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ hội Phật giáo Mùa Hoa Ban, hội thảo khoa học chủ đề "Sinh hoạt tôn giáo trong các cộng đồng dân tộc vùng cao miền núi Tây Bắc”; tại tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Phật giáo Hương Sen Xứ Nghệ kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 và kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư và VPTWGH xây dựng và đóng góp nhiều tiết mục nghệ thuật Phật giáo trong dịp kỷ niệm Ngày Phật giáo Quốc tế (8/4/2015) tại chùa Quán Sứ - Hà Nội; Tham gia công tác tổ chức chương trình nghệ thuật "Nâng bước trẻ thơ” tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559.

Phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức tọa đàm giới thiệu bộ Từđiển Phật học Tuệ Quang Việt-Hán-Phạn-Anh do tác giả Nguyên Hiển - Trần Tiễn Huyến chủ biên.Tổ chức tọa đàm khoa học giới thiệu công trình nghiên cứu tỷ giảo lần đầu tiên công bố của Giáo sư – Tiến sĩ Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, về tư tưởng Phật giáo và triết học phương Tây hiện đại qua tác phẩm: "Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze”.

Thực hiện hai ấn phẩm Văn hóa Phật giáo Việt Nam số mùa Xuân 2015 với chuyên đề "Ẩm thực và thái độ của người Phật tử; số mùa Hạ - Kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 với chuyên đề "Chùa và du lịch”. Ban Văn hóa đã cố vấn và giúp đỡ nhà hát cải lương TƯ dàn dựng thành công vở cải lương Vua Phật nói về Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hội thảo: Thiền phái Tào Động và di tích Nhẫm Dương tại Hải Dương đánh giá vai trò truyền thống văn hóa sơn môn, hệ phái trong việc phát triển Giáo hội ở thời kỳ hội nhập.

Các chùa, Ban văn hóa các tỉnh, và BTS GHPGVN tỉnh, thành phố đã khánh thành nhiều ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo Việt Nam như: Đại Tuệ (Nghệ An); Khánh Quang (Thanh Hóa); Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang); Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng); Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc); Tân Thanh (Lạng Sơn)...Các công trình đang được xây dựng: Việt Nam Quốc Tự-Trung tâm hành chánh văn hóa tâm linh mới của TPHCM; khu di tích danh thắng Tây Yên tử: Ngọa vân – Đông Triều...

7. Hoạt động của Ban Kinh tế Tài chính: Tiếp tục bổ sung một số cư sĩ tham gia Ban KTTCTW; Ủng hộ kinh phí 2 tỷ 600 triệu đồng cho các Hội nghị, hội thảo, hỗ trợ hoạt động của VPTWGH và hỗ trợ kinh phí tiến hành thủ tục giải phóng mặt bằng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ.

8. Công tác từ thiện xã hội: Là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo Tăng Ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với 50 cơ sở tại: Tp. Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tây Ninh, Kiên Giang, Trà Vinh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Nam…

Giáo hội hiện có trên 150 cơ sởTuệ Tĩnh đường , các trung tâm khám chữa bệnh đông y và bệnh viện tây y: Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Gia Lai, Tp.Hà Nội, Điện Biên…

Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiễn sỹ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của tổ quốc…kết quả công tác từ thiện xã hội năm 2015 là 1.172.484.761.000 đồng trong đó Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước đạt 336 tỷ đồng; các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre đạt trên 40 tỷ đồng; Tiền Giang, Trà Vinh, đạt từ trên 30 tỷ đồng, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp đạt trên 20 tỷ đồng; Cần Thơ, Bình Phước, Tp Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đak Lak, Cà Mau, Kon Tum, Hà Nội, Bình Định đạt trên 10 tỷ đồng; Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nam Định, Đak Nông, Hà Giang, Phú Yên, Gia Lai, Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Bình, Nghệ An, Hậu Giang, Hải Dương, Hà Nam, Lạng Sơn đạt từ 1-9 tỷ đồng, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Bình, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Hưng Yên đạt dưới 1 tỷ đồng.

Ủng hộ nhân dân Nepal trong thảm họa động đất tại vùng Kathmandu 630.000, Đô la Mỹ (BTS GHPGVN các tỉnh 100 ngàn Đô la Mỹ, BTS GHPGVN TPHCM 350 ngàn Đô la Mỹ, Hệ phái Khất sỹ 180 ngàn Đô la Mỹ). Ủng hộ LMPG Lào xây dựng trường Trung cấp Phật giáo tại Thủ đô Viêng Chăn: 100 ngàn Đô la Mỹ.

Trước thảm họa lũ xảy ra vào 8/2015 tại Quảng Ninh, Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc, Giáo hội đã có thông bạch kêu gọi vận động cứu trợ được gần 1 tỷ đồng. Ban Thường trực HĐTS và VP2 đã trao 700 xuất quà (500 ngàn đồng/xuất), 02 bộ máy vi tính và 01 căn nhà tình nghĩa cho tỉnh Lào Cai.

Giáo hội đã cử đoàn đi thăm, khảo sát các cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người già cô đơn không nơi nương tựa để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường sự quản lý và chăm sóc được tốt hơn, tránh để xảy ra các tình trạng không đáng có ở các cơ sở của Giáo hội. Trên cơ sở đó Giáo hội cũng đã hướng dẫn các chùa, tự viện hiện đang tham gia nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn kê khai và đăng ký với chính quyền địa phương và tiến tới thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội.

9. Công tác đối ngoại Phật giáo quốc tế:

Trong năm 2015, hoạt động đối ngoại quốc tế nổi bật là HT Chủ tịch HĐTS và phái đoàn GHPGVN tham dự cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và làm việc với lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ đã góp phần làm nên thành công của chuyến thăm ngoại giao lịch sử. Nhận lời mời của thủ tướng Thái Lan, HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ đã cùng với các lãnh đạo các Giáo hội quốc tế dự lễ trà tỳ Đức Tăng thống Thái Lan. HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS dẫn đầu đoàn GHPGVN thăm chính thức và dự lễ trà tỳ Cố HT Chủ tịch LMPG Lào. Giáo hội cũng đã cử nhiều đoàn tham gia các hội nghị, diễn đàn Phật giáo thế giới tại Ấn Độ, Trung Quốc, dự Vesak 2015 tại Thái Lan…Phân ban Ni giới đi tham dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 14 tại Yogyakarta, Indonesia.

GHPGVN đã tiếp đón các đoàn quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội, tại VP1 tiếp và làm việc với Tổ chức xã hội nhân văn Quốc tế, tiếp đón phái đoàn Phật giáo Ấn Độ, t iếp đón Bà Preeti Saran - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam; Đại sứ Srilanka tại VN bà Hasanthi; tiếp các tham tán ĐSQ Canada, Hoa Kỳ đến làm việc với Giáo hội. Tại VP2 tiếp phái đoàn Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương Quốc Campuchia Min Khin, đoàn Phật giáo Nhật Bản do HT. Yoshimizu Daichiđến thăm chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hộ,tiếp đón đoàn đại diện Phật giáo Úc châu và đoàn Phật giáo Thái Lan, tiếp và làm việc với đoàn Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM, tham gia hội thảo: Kỹ năng hòa giải và xung đột do Ban Tôn giáo Chính phủ và Viện liên kết toàn cầu Mỹ (IGE) từ 26-27/3/2015 tại Tp.HCM. Tiếp Trưởng dòng truyền thừa Drukpa ngài Gyal wang Drukpa đến thăm, chào lãnh đạo GHPGVN.

10. Hoạt động Ban Pháp chế

Với chức năng chuyên ngành Pháp chế, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự, Tăng Ni, Tự viện.

Ban Pháp chế TƯ đã thực hiện một số công tác như:Tổ chức phiên họp Thường trực Ban Pháp chế Trung ương để triển khai công tác tổ chức triển khai các hoạt động của Ban cũng như chia sẻ kinh nghiệm về công tác Pháp chế với hoạt động Phật giáo địa phương.

Tham dự Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2015 tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự; Hội nghị giao ban tại 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội; Tham dự Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2015 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; tham gia các kỳ giao ban giữa văn phòng TƯ GH và BTS các tỉnh, thành phố; tham gia thành lập Ban công tác kiểm Tăng v.v…

11. Hoạt động Ban Kiểm soát

Ban Kiểm soát Trung ương đã tham dự các Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội, Hội nghị Ban Tăng sự Trung ương; tham gia các phiên họp giao ban của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội với các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố. Tham gia Ban công tác kiểm Tăng, tham mưu và góp ý, đôn đốc các hoạt động Phật sự của Giáo hội v.v…

12. Ban Thông tin Truyền thông

Nét nổi bật trong công tác Phật sự năm 2015 của Ban TTTT T.Ư là sự kiện tổ chức khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông toàn quốc lần đầu tiên tại Quảng Ninh với sự tham dự của 250 học viênhọc tập các Chuyên đề "Truyền thông và những tác động của truyền thông tới dư luận xã hội; Chuyên đề các tôn giáo tại Việt Nam; Chuyên đề Truyền thông & những đặc thù trong truyền thông Phật giáo”.

Phân Ban TTTT Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức lớp nghiệp vụ báo chí truyền thông Phật giáo từ ngày 11 – 20/06/2015 tại chùa Candaransi Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của chư tăng phụ trách thông tin truyền thông tại 14 tỉnh thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt.

Nhiều sự kiện khủng liên quan đến cơ sở Tự viện, Tăng Ni được đăng tải trên các nhật báo, báo điện tử hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình, Ban Thông tin truyền thông đã có những cuộc trao đổi, những phản ánh, đề nghị quý báo, quý đài sử dụng từ đúng mực, tránh việc câu khách, giật gân ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành và có những định hướng để các báo thực hiện tác nghiệp.

Tiếp tục củng cố nhân sự Ban TTTT TƯ và các tỉnh, thành phố. Tích cực phối hợp với các báo, tạp chí Phật giáo của các Ban, Viện, các trang báo mạnh của Ban TTTT, của các Ban, Viện và BTSGHPGVN các tỉnh, thành phố trong việc truyền thông các sự kiện của Giáo hội và tham gia hoằng truyền chính pháp.

13. Hoạt động của Viện và Phân viện NCPHVN

Trong năm 2015, các Trung tâm của Viện nghiên cứu Phật học: Trung tâm Phật học Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Thiền Phật giáo Nam tông, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phật học, Trung tâm Nghiên cứu Pali học, Ban phiên dịch Anh ngữ đã và đang phiên dịch, ấn hành các bản Kinh, các tác phẩm nghiên cứu Phật học, sưu tập, biên soạn đề cương đề tài nghiên cứu v.v… đáp ứng nhu cầu đọc, tụng, tìm hiểu của Tăng Ni, Phật tử, các nhà học giả trong và ngoài nước.

Tham dự, hỗ trợ và đóng góp bài cho Hội thảo Khoa học: Phật giáo Nguyên thủy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa; Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập; Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc; Phật giáo và Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại; tọa đàm khoa học "Nhân chứng 1963”, hội thảo khoa học quốc tế về Phật giáo tiểu vùng Mê Kong vv…

Phân viện nghiên cứu Phật học phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản đều đặn 2 tháng một kỳ, góp phần phát huy tính trong sáng và tích cực của giáo lý Đạo Phật, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử cũng như các nhà Nghiên cứu Phật học. Phối hợp với ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo du lịch tâm linh trong bối cảnh hiện nay vào 12/2015 tại Bắc Ninh.

14. Kết luận và đánh giá chung:

Mặt ưu:

Trên cơ sở chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017), nghị quyết Hội nghị kỳ 3 khóa VII, và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2015, Hội đồng Trị sự đã bám sát các mặt công tác Phật sự bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo Pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước. Qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu những công tác Phật sự và đạt thành quả nổi bật như sau:

- Đã và đang triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội VII GHPGVN; hướng dẫn triển khai thực hiện Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ V; Triển khai Nghị quyết Hội kỳ 3 Trung ương Giáo hội, Nghị quyết Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.

- Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương đã được củng cố và tăng cường nhân sự hợp lý, quan hệ chặt chẽ, giải quyết kịp thời những Phật sự cần thiết và hoạt động đồng bộ.Tổ chức thành công các buổi họp giao ban giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành.

- Đã thành lập được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu, nâng tổng số Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh trong toàn Giáo hội là 63/63 đơn vị hành chánh tỉnh, thành phố.

- Công tác trọng tâm của năm 2015 là Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử đạt thành tựu tốt.

- Tổ chức thành công nhiều Hội nghị, Hội thảo và các lễ hội Phật giáo trên các lĩnh vực Hoằng Pháp, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu Phật học...

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng tăng thêm uy tín và sự hiểu biết đối với Tăng Ni, Phật tử trong nước cũng như cộng đồng thế giới thông qua các hoạt động đối ngoại, Phật giáo quốc tế tham dự Hội nghị, Hội thảo quốc tế của GHPGVN.

Hạn chế:

- Do nhiều yếu tố khách quan, nên một số chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội, Ban, Viện được đề ra nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả cao.

- Chưa thực hiện được Nghị quyết Hội nghị kỳ 3 đối với các Phật sự: Xây dựng Bảo tháp tôn thờ Tháp Đồng thau trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Học viện Phật giáo VN tại TpHCM cơ sở Lê Minh Xuân; Chưa thực hiện được dự án cùng với Ban Tôn giáo Chính phủ thiết kế, tôn tạo Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa ra Trường Sa; Việc giúp đỡ Phật sự xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tiến độ còn chậm, chưa tiến triển.

- Chưa hoàn thành việc cấp con dấu mới cho một số Phân ban, các chùa, tự viện ở một số tỉnh.

- Chưa hoàn thành kế hoạch thành lập Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tại Lào và bổ nhiệm trụ trì chùa Bàng Long, Viêng Chăn.

- Việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của Tăng Ni, Phật tử tại một vài Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành còn chưa thực sự tốt, chưa đạt được kết quả. Một số Tăng Ni đã vi phạm, thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt đời sống làm ảnh hưởng đến Đạo và hình ảnh GHPGVN. Việc giải quyết vấn nạn giả Sư chưa thực sự tiến triển và chưa có biện pháp cụ thể, hữu hiệu.

Tóm lại, với những thành tựu đạt được, Giáo hội quyết tâm giải quyết những tồn đọng, khó khăn và hạn chế đã nêu với sự nỗ lực của toàn Giáo hội. Phát huy tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước với sự giúp đỡ chân tình của các cơ quan chức năng lãnh đạo Trung ương và địa phương, nhất định công tác Phật sự năm 2016 của Giáo hội sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thiện chương trình hoạt động Phật sự mà Giáo hội đã đề ra tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

BAN THƯ KÝ
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan