Phát biểu của HT. Thích Giác Toàn trong phiên khai mạc Hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN
- HT. Thích Giác Toàn
- | Thứ Năm, 10:07 04-11-2021
- | Lượt xem: 2432
PHÁT BIỂU CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
(Trong phiên khai mạc Hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN)
Hội thảo: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đồng tổ chức vào ngày 4-11-2021 là sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2021). Hội thảo đã thu hút số lượng lớn những bài tham luận của những nhà nghiên cứu, học giả, tăng ni và cư sĩ với hàng trăm bài đóng góp theo 4 chủ đề lớn: Phật giáo và vai trò Hộ quốc an dân, Phật giáo và An sinh xã hội, Văn hóa Phật giáo và Phong trào Chấn hưng Phật giáo.
Vai trò hộ quốc an dân của GHPGVN là tất yếu, kết tinh và kế thừa từ nền minh triết tâm linh siêu vượt khỏi những hạn cuộc, xuất thế hay nhập thế đối với Phật giáo chỉ là hai mặt của một tinh thần bất di bất dịch: Hộ quốc an dân. Trong vai trò là một lực lượng xã hội, lực lượng tư tưởng, đạo đức và văn hóa, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc. Cách nay bốn mươi năm, ngay ngày đầu thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Chiếc cầu nối giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và dân tộc đã được minh định và xác lập chính sách đồng hành: "Đạo Pháp và Dân tộc". Không chỉ là cầu nối mà còn là mạch lạc tư duy trao đổi qua lại giữa hai thực thể Giáo hội và dân tộc. Nhờ đó mà Phật giáo và dân tộc phát huy được tinh hoa ở mức cao nhất, đồng hành với nhau ở mức cao nhất và hộ quốc an dân ở mức cao nhất.
Hộ quốc cần phải có an dân mới tròn nghĩa. An dân gồm những phương diện như văn hóa, xã hội, nhân tâm. Sự nghiệp bảo vệ và nâng cao văn hóa, góp phần gắn kết xã hội, ổn cố nhân tâm, để tuyệt đại đa số người dân tăng dần cảm thức an toàn và thoải mái, hạnh phúc và tin yêu cuộc sống, phấn chấn và hết lòng góp phần công sức, đều là những công việc trường kỳ của trường kỳ và là tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ và vững chắc của cả một dân tộc mà không bị tha hóa hay nhạt nhòa bản sắc.
Được cả thế giới xem là một tôn giáo của hòa bình nên Phật giáo đã tự nhận lấy trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp hòa giải hòa hợp ở tầm thế giới. Trong phạm vi của đất nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã và đang góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hướng đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Công tác An sinh xã hội của Giáo hội dần dần nâng cấp về chất lượng và tính hệ thống. Chất lượng mà tôi muốn nói không chỉ là chuyện san sẻ đúng phẩm vật hay dịch vụ và đúng đối tượng cần phẩm vật hay dịch vụ ấy, chất lượng còn có nghĩa là san sẻ phương tiện để người dân yếu thế có thể sử dụng lâu dài để nâng cao độ tự chủ kinh tế. Chất lượng không chỉ là chuyện thể hiện cách cho như thế nào để người nhận không cảm thấy tủi thân mà chỉ cảm thấy sự thương yêu, chất lượng còn có nghĩa là không chỉ cho vật chất mà còn chia sẻ những lời minh triết, soi sáng chứa đựng trong đó lòng từ ái vô lượng và trí tuệ vô biên của giáo pháp.
Tính hệ thống mà tôi muốn nói ở đây không chỉ là hệ thống chiều dọc và chiều ngang của bộ máy hành chánh nhân sự mà Giáo hội đã tổ chức rất sớm mà còn là phương thức, công thức và lộ trình khoa học trong việc triển khai kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn, còn là các quy phạm và các quy chuẩn để công việc An sinh xã hội thực hiện theo khuôn khổ giới luật nhà Phật và hệ thống luật pháp quốc gia có liên quan. Giáo hội đã có những điển hình của công tác An sinh xã hội ở cao nguyên như trường hợp của Phật giáo Kon Tum, ở đồng bằng như trường hợp Trung bộ và ở vùng châu thổ Nam bộ, nơi mà đồng bào dân tộc Khmer sinh sống dưới sự dẫn đạo của Phật giáo Nam tông Khmer. Đó là những điển hình mà Giáo hội cần khích lệ, tuyên dương và yểm trợ. An dân còn là công việc xây dựng nếp sống xã hội. Cụ thể là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tiến tới xây dựng quê hương Việt Nam ngang tầm thời đại. Đó là chủ trương đúng đắn của nhà nước mà những người con nhà Phật dù ở vị trí nào cũng cần tham gia vận động, thực hành hạnh Bồ tát, phát huy đầy đủ bốn tâm vô lượng, từ bi hỷ xả.
Nói đến văn hóa Việt Nam một cách có chiều sâu thì không thể không nói đến văn hóa Phật giáo và ngược lại. Ban tổ chức hội thảo tập trung vào 5 mảng chính: (1) Đóng góp của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam; (2) Văn hóa Phật giáo xây dựng đạo đức xã hội; (2) Kiến trúc thờ tự, lễ hội và nghi lễ; (4) Văn hóa Phật giáo Nam tông và hệ phái; (5) Hội nhập và phát triển. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy, vai trò và những nét đặc trương của văn hóa Phật giáo được trình bày. Trong đó chùa chiền, tượng thờ, văn bia, nghi lễ, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện ra rõ nét nhờ những ánh nhìn văn hóa và bảo tồn văn hóa. Đạo đức, lối sống, hiếu đạo, hôn nhân gia đình và gắn kết xã hội là những đóng góp đa tầng của nền văn hóa thanh thoát, trầm mặc và nhân văn của nhà Phật. Một mảng văn hóa quan trọng là văn hóa Nam tông Khmer và hệ phái được bàn đến nói lên sự đa dạng phong phú và sức sáng tạo của nền văn hóa Phật giáo.
Thời đại toàn cầu hóa, hầu như không có gì là bất biến, văn hóa được xem là nét riêng bền bỉ nhất của một dân tộc, nói lên cái hồn cái cốt của dân tộc đó. Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và sẽ tiếp tục góp phần đáng kể vào cái hồn cái cốt ấy.
Cách nay trên dưới 100 năm phong trào tìm thuộc địa, khai thác lao động và tài nguyên nở rộ. Trong thời kỳ ấy người dân Việt Nam rơi vào khủng hoảng đa tầng và đa diện. Không chỉ khủng hoảng về mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các định chế dân sự, tổng thể người Việt nói chung còn khủng hoảng về phương diện tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có tập tục ngàn đời thờ cúng ông bà và anh linh các anh hùng dân tộc. Phật giáo chia sẻ chung một số phận với dân tộc, ở một vài khía cạnh thậm chí còn nặng nề hơn vì là đối tượng mà “Chính nghĩa khai hóa” nhắm đến. Phật giáo phải hành động. Chấn hưng Phật giáo không chỉ là lựa chọn mà là một lựa chọn duy nhất để sống còn. Phật giáo Việt Nam đã đáp ứng tốt yêu cầu ấy với sự năng động bất-từ-lao-quyện của chư tiền hiền, đơn cử là Hòa thượng Thiền sư Khánh Hòa và chư tôn thiền đức đương vi thiền chủ các sơn môn. Chư tôn thiền đức Ni và giới Phật tử cũng chung lòng chung sức. Thành tựu mang tầm chiến lược vĩ mô là sự ra đời của những tổ chức Phật giáo với biên độ bao phủ vượt ngoài sơn môn tông phái, đơn cử là sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Về phương diện quảng bá giáo lý thiện lành của nhà Phật, những điều đạo đức lễ nghĩa, những nếp tư duy minh triết thanh lương và thông tin về những hoạt động của giới Phật giáo nhất là việc thúc đẩy công cuộc Chấn hưng Phật giáo thì những cơ quan truyền thông và nhân sự truyền thông đóng góp đáng kể. Cụ thể là tờ báo Pháp Âm (1929), tờ báo Phật hóa tân thanh niên và tờ Đuốc Tuệ ở miền Bắc cùng khá nhiều tờ báo Phật giáo khác tạo hiệu ứng trong giới thiền môn và trong lòng công chúng thúc đẩy cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo.
Thú vị, song song với mảng truyền thông Phật giáo có tính chân phương sau này lại còn có một mảng thi ca Phật giáo làm gia tăng thêm phần mỹ cảm cho dòng ngôn thuyết nhà Phật, cụ thể những bài văn uyển trên tạp chí Từ Bi Âm, những bài pháp uyển trên tạp chí Duy Tâm và những bài thi lâm trên tạp chí Viên Âm.
Sau Tổng hội Phật là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là tổ chức kế thừa một phần đáng kể từ phong trào chấn hưng Phật giáo khắp ba miền đất nước. Với sức mạnh nền tảng từ phong trào chấn hưng và sự chung sức chung lòng của các tổ chức thành viên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đáp ứng tốt nhiệm vụ mà thời đại đặt ra.
Trong các phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 07/11/1981 không chỉ là một tất yếu lịch sử, còn là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Phật tử thuộc 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, bao gồm GHPGVNTN. Chính vì thế, có thể xem GHPGVN là chủ thể kế thừa lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam với lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp, đoàn kết, trang nghiêm giáo hội, vì mục đích xây dựng hòa bình, công bằng xã hội nhằm phục vụ Tổ quốc và nhân loại.
Kính chúc hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” được thành công.
Kính chúc Chư tôn đức và quý vị thân khỏe, tâm an, thắng duyên đầy đủ, nhiệt huyết dấn thân phụng sự.
Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật.
Hòa thượng Thích Giác Toàn
- Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
- Phó ban Chỉ đạo Hội thảo
Các bài viết liên quan
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX - Thứ Năm, 19:29 16-03-2023 - xem: 813 lần
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 - Thứ Ba, 20:46 29-11-2022 - xem: 1041 lần
- Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 của Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN - Thứ Hai, 21:02 02-05-2022 - xem: 1979 lần
- Diễn văn Phật đản Phật lịch 2566 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Thứ Hai, 20:43 02-05-2022 - xem: 1936 lần
- Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2566 - Thứ Năm, 07:27 31-03-2022 - xem: 2035 lần
- Thông bạch: Về việc Hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 - Thứ Năm, 07:21 31-03-2022 - xem: 2103 lần
- Phát biểu của HT. Giác Toàn trong phiên bế mạc Hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - Thứ Năm, 19:27 04-11-2021 - xem: 2522 lần
- Phát biểu của HT. Thích Giác Toàn trong phiên khai mạc Hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - Thứ Năm, 10:07 04-11-2021 - xem: 2432 lần
- Thông điệp nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh - Thứ Năm, 06:21 04-11-2021 - xem: 1990 lần
- Diễn văn khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Thứ Năm, 06:17 04-11-2021 - xem: 2194 lần
- Trung ương GHPGVN yêu cầu các chùa thiết lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do Covid-19 - Thứ Hai, 17:12 09-08-2021 - xem: 2453 lần
- Thông điệp Đại lễ Phật đản PL.2565 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Ba, 09:46 18-05-2021 - xem: 2873 lần