CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Ngũ uẩn trong kinh điển Đại thừa và Chơn Lý của Tổ sư

Ngu-uan-Nhu-Lai-TangNhư chúng ta được biết, đức Phật, đấng Cha lành của muôn loại đã khám phá ra và thừa nhận rằng: con người có một khả năng tối thượng và siêu việt. Đó là khả năng trở thành một vị Phật, một bậc hoàn thiện trọn vẹn cả về trí tuệ lẫn lòng từ bi. Ý nghĩa này được nêu rõ trong Kinh Pháp Hoa:

“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Như vậy, trên cương vị một con người, đức Phật đã dạy mọi người làm thế nào để trở thành một con người toàn vẹn. Nguyên lý chủ yếu của tự trở thành này là sự phát triển dần dần của tri thức và trí tuệ, mà chủ đích là sự toàn mãn về nhân cách, lòng từ bi và trí tuệ; sao cho đầy khắp cả không gian vô biên, thời gian vô tận. Bằng lượng từ bi hải hà, đức Thế Tôn muốn tất cả chúng sanh đều thành tựu như Ngài, không còn vô minh, để giác ngộ giải thoát khỏi nhà lửa Tam giới và bước sang cảnh giới thanh tịnh an vui. Chỉ vì căn cơ của chúng sanh không đồng nên phải tùy duyên giáo hóa. Chính lòng từ bi của Phật phổ khắp như ánh sáng chiếu diệu cả muôn phương, nhưng pháp môn dẫn đạo lại chia ra muôn ngàn sai khác. Biết rằng khác, nhưng nếu cố gắng thực hành thì cũng đi đến chỗ đồng, là đồng được giải thoát.

Thật vậy, toàn thể giáo lý của đức Phật đã nói đều là một dòng suối giải thoát chảy khắp cuộc đời và chảy khắp sanh tử, không những đề cập đến nguồn gốc khổ đau của con người mà còn xác định một hướng đi cao cả là chỉ cho nhân loại con đường ra khỏi khổ đau, đồng thời hướng họ tới quả vị giác ngộ tối thượng, hầu xây dựng an vui đích thực cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội và cho cả nhân loại.

Đối với giáo lý “Ngũ Uẩn” cũng vậy, đức Phật định nghĩa khác nhau trong các thời giảng và được lưu lại trong các kinh khác nhau. Như trong Tương Ưng Bộ Kinh III trang 105, đức Phật giảng dạy về Năm uẩn cho các Tỳ-kheo như sau: “Này các Tỳ-kheo, thế nào gọi là sắc? Này các Tỳ-kheo bị thay đổi nên gọi là sắc, bị thay đổi cái gì? bị thay đổi bởi lạnh, nóng, đói, khát, bởi sự xúc chạm với ruồi muỗi, nắng, gió, v.v… bị thay đổi như vậy gọi là sắc. Thế nào là thọ? Được cảm thọ nên gọi là thọ, cảm thọ vui, cảm thọ khổ, cảm thọ không khổ không vui. Thế nào là tưởng? tưởng nghĩa là nhận rõ các màu xanh, vàng đỏ, trắng.v.v…nên gọi là tưởng. Thế nào gọi là hành? Hành nghĩa là làm cho hiện hành các pháp hữu vi, làm cho hiện hành sắc với tính chất của sắc, thọ với tính chất của thọ, tưởng với tính chất của tưởng, hành với tính chất của hành, thức với tính chất của thức. Do đó gọi là hành. Thế nào gọi là thức? thức nghĩa là phân biệt các vị chua, ngọt, đắng, cay, v.v… nên gọi là thức”.

Và trong Kinh Bát–nhã–ba–la-mật, phẩm Thiện Đạt, cuốn III trang 353, đức Phật dạy: “Đại Bồ-tát hành Bát-nhã-ba-la-mật biết rõ sắc tướng, biết sắc tướng sanh diệt và biết sắc như thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Biết sắc rốt ráo không, thành phần của nó phân chia sai khác, hư giả không thiệt như bọt nước không bền không chắc, đó là biết sắc tướng. Biết thọ tướng như bong bóng nước, một khối, một diệt, đó là biết thọ tướng. Biết tưởng tướng như diệm, chẳng thể có được mà vọng tưởng là nước, đó là biết tưởng tướng. Biết thức tướng như nhà ảo thuật, ảo thuật ra bốn binh chủng không có thiệt. Biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu lại, lúc đi không chỗ đến. Đó là biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh diệt, và biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức như là chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng lại, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh. Đó là biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức”.

Theo lý duyên sinh, đức Phật cho biết con người là sự tổng hợp năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó sắc là thân con người hay cái ta sinh lý thuộc yếu tố vật chất, bốn uẩn còn lại là tâm con người hay cái ta tâm lý thuộc yếu tố tinh thần. Tâm và thân thống nhất làm một mối để hình thành con người. Như vậy con người do Ngũ uẩn sinh, là do duyên sinh, thiếu một trong năm uẩn thì không thể là một con người hoàn thiện, thế nên nói vật lý và tâm lý không thể rời nhau mà có được. Những gì duyên sinh đều mang tính lưu chuyển, biến hóa, vận động, và là hiện thân của tính vô thường, vì vô thường nên trong giới vật chất cũng như tinh thần không có một cái gì cố định, muôn vật đều nằm trong một dòng biến dịch không ngừng, nên Kinh nói :

“Cái này có, cái kia có

Cái này không, cái kia không

Cái này sanh, cái kia sanh

Cái này diệt, cái kia diệt ”

Mọi pháp đều nằm trong một hệ thống duyên sinh chằng chịt, đều trải qua bốn giai đoạn: thành, trụ hoại, không. Cuộc đời là một dòng trôi chảy linh động, không dừng ở một phút giây nào, không đứng ở một vị trí nào. Tất cả đều là vô ngã. Thế mà chúng sanh cứ cố giữ gìn bám víu, và cho rằng nó sẽ còn mãi, nguyên vẹn với chúng ta như trong Kinh Xà Dụ thuộc Trung Bộ Kinh, đức Phật nói: “Có kẻ phàm phu thường chấp sắc là của ta, là ta, là tự ngã của ta, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy”.

Chúng sanh thường bị quấy rối hạnh phúc, không được tự tại giải thoát và phát huy được trí tuệ sẵn có của chính mình. Tất cả cũng vì ý niệm “Tôi ” của năm uẩn, và cũng do đó mà có ra lòng tham ái đối với năm uẩn. Họ không biết rằng cái tôi đó chỉ là sự tổng hợp của vật và tâm, không thể tách vật ra khỏi tâm và không có tâm ngoài vật.

“Tâm như người thợ vẽ

Hay vẽ ra ngũ uẩn

Và các pháp thế gian

Tất cả do tâm sinh ”.

                                                        ( Kinh Hoa Nghiêm )

Và để minh chứng giáo lý “Ngũ Uẩn” mà đức Tổ sư đã để lại trong bộ Chơn Lý mang đậm nét giáo lý kinh điển Đại thừa, từ định nghĩa đến phân tích, lý giải dẫn dụ .v.v…. và hướng dẫn cho chúng ta tu tập qua Ngũ uẩn:

Về thuyết ngũ uẩn rất cần cho sự hiểu biết của chúng ta, vì sau khi hiểu biết, ta mới có sự tu tập đúng theo chơn lý, lối tu rất tự nhiên, có thể cải thiện cho đời sống của chúng ta nếu chúng ta nhận ra đời sống còn có ít nhiều khuyết điểm. Ta có tìm hiểu tất sẽ thấy ngũ uẩn có nhiều pháp khác nhau, hầu như tương phản, như thuyết ngũ uẩn của võ trụ vạn vật, kể từ quả địa cầu mới nổi, đất nước cỏ cây thú vật sinh ra, và tiến hóa cho đến lớp người, Trời, Phật… Thuyết ngũ uẩn của một đời người, từ lúc ở trong thai bào đến khi sanh ra, tuần tự theo lớp tuổi của sắc thân tiến hóa… Thuyết ngũ uẩn của con người, từ khởi điểm của vọng thức cho đến lúc có sắc thân, hay từ lúc có thân hình lần lần đến thức trí... Thuyết ngũ uẩn bởi vọng pháp, chấp nhận sắc thọ tưởng hành thức bằng lối mê tríu mà khổ... Thuyết ngũ uẩn chia hai pháp: có và không, thiện và ác, giác và mê, lớn và nhỏ, thân và tâm, chủ và khách... Thuyết lý vốn không cùng, cho nên ngũ uẩn phải bị phân tách ra từng loại pháp môn, nhưng tóm lại cũng không ngoài chơn lý làm cho con người mau giác ngộ. Để khi giác ngộ rồi, con người tìm ra lẽ sống an vui, không còn khổ não với sự vọng lầm, chấp lấy cõi đời là thật, cái thân ta là thật.

Chính nghĩa hai chữ chơn lý, chơn là không vọng tự nhiên, lý là lẽ, lẽ thật tự nhiên. Chơn như tự nhiên là gốc vốn nguyên xưa. Nếu ta đang rối khổ, mà hiểu được lẽ tự nhiên chơn như, là sẽ hết khổ.

Có thiện có chánh cũng đến tự nhiên chơn như, không ác không tà cũng đến tự nhiên chơn như. Kẻ tối trong Niết-bàn cũng yên vui, người sáng trong luân hồi cũng yên vui. Thế là sao cũng được cũng xong, chỉ cần nên biết cái tự nhiên chơn như là đủ.

Tóm lại, chúng sanh sanh ra là bởi ấm, do nhơn duyên chuyền nảy, cái này cái kia sanh cái nọ. Cái có sanh cái có mà thôi, có hiệp có tan. Tứ đại càng lăn thì vạn vật càng hóa, lâu lắm mới được thân người, khó lắm mới có thân người. Ai mà sống đúng chơn lý thì sẽ trọn vui trọn sống, đến Niết-bàn một kiếp một, chẳng sai ngoa.

Vậy chúng ta mau nên phải đến với giác chơn hết”. (Chơn Lý Ngũ Uẩn – Tổ Sư Minh Đăng Quang).

Trong kinh-luận Đại thừa, Luận Đại Trí Độ quyển 44, phẩm 11 Huyễn Học có nói: “Người thấy các huyễn sự sanh tâm chấp đắm, khi nghiệp huyễn diệt rồi thì lại sanh nuối tiếc. Người thọ năm ấm cũng vậy, do nhân duyên huyễn nghiệp đời trước mà có sanh ra năm ấm ở đời nay, thân đời nay thọ năm dục, rồi khởi tham sân si cùng các phiền não kiết sử. Khi vô thường đến hủy hoại thân thể thì huyễn nghiệp ở đời nay lại dẫn sanh thân năm ấm đời sau…. ”.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Kiều Trần Như thứ 25, đức Phật dạy: “Này Kiều Trần Như! sắc ấm là bất tịnh, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát thanh tịnh, sắc là tướng của sanh, lão, bệnh, tử do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải tướng sanh, lão, bệnh, tử. Sắc là nhơn của vô minh, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải nhơn của vô minh, sắc ấm này là nhơn của bốn tướng điên đảo do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát…. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy”.

Càng đi sâu vào Kinh tạng Đại thừa ta càng thấy giá trị nhân bản của Ngũ uẩn, bởi vì sắc thân này tuy là sinh diệt vô thường không thật nhưng trong ấy đều trọn đủ phần chơn như, chẳng phải vì thân ngũ uẩn mà phần chơn như kém khuyết, chẳng phải vì thân ngũ uẩn sanh diệt, vô thường, khổ đau bức bách mà chơn như tiêu hao. Tổ Sư dạy: “Có thiện có chánh cũng đến tự nhiên chơn như, không ác không tà cũng đến tự nhiên chơn như ”.

Trở về với đức Phật, chúng ta thấy Ngài tuy mang thân ngũ uẩn như mọi người nhưng Ngài đã thành Phật, thành bậc giác ngộ hoàn toàn. Nói cách khác cũng ngay nơi thân ngũ uẩn hữu lậu này mà chư Phật, chư Tổ đã chuyển biến thành ngũ uẩn vô lậu hay ngũ phần pháp thân để làm tất cả Phật sự tốt đạo đẹp đời, đem an vui hạnh phúc đến cho mình, cho người và xã hội.

Chúng sanh và Phật đồng một thể chất, một thể tánh, một thể trí chẳng khác gì nhau. Nhưng với người thấy đạo, khi căn trần tiếp xúc biết dùng trí tuệ quán sát để thấy thực tướng các pháp là duyên sanh, vô ngã, không thực thể, vô thường… nên không tham lam, không đuổi bắt cái vô thường, không dựa vào ngã chấp mà thỏa mãn lòng dục, biết rõ ngũ dục, lục trần là hư dối, ảo huyễn. Ngược lại hạng chúng sanh mang tâm phàm phu, mãi dính mắc vào cái thể hẹp hòi nên khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, một bề buông thả chạy theo sáu trần, lệ thuộc ngoại cảnh, quên đi mạng sống của chính mình, phóng tâm theo dòng sanh diệt của ngoại giới rồi ái nhiễm, chấp thủ, mà ái thủ là nhơn của sanh tử, khổ đau nên trong Đại Trí Độ Luận quyển 23, phẩm thứ nhất Mười tưởng nói: “Phật khai thị năm ấm là khổ phải xa lìa. Nếu biết rõ năm ấm là không, liền được thoát khổ. Phàm phu do năm căn tiếp xúc năm trần mà khởi năm thức, rồi cùng ý thức trù lượng, tư duy, phân biệt trần cảnh mới sanh ra ngã tâm, dẫn đến thọ vô lượng khổ”. Do vậy, sống trong thế giới Ta-bà này, nếu chúng ta biết quán chiếu năm uẩn, các pháp gồm tất cả danh tướng đều đồng với tâm là rỗng không vắng lặng, chỉ có danh tướng mà không có thật thể. Thể của các pháp tức tâm chơn như, rỗng không, vắng lặng, chỉ y nơi bản thể chơn như mà tu hành, gạt bỏ những ngã chấp và pháp chấp, buông bỏ ảo ảnh, sống với cái thực, chấp nhận cái thực mà tu, ngũ uẩn là vô ngã, là vô chủ, là không thực thể. Chúng ta biết gạn lọc, biết kiểm tra, biết cải tạo, biết nhận chân được cội nguồn và tự tính của năm uẩn với trí tuệ như thật, và sống hợp với quy luật vận hành của chúng, hợp với lý nhân quả mà tịnh hóa mình. Nhớ lời Phật dạy: “nhơn thân nan đắc” mà điều chỉnh thân tâm, chuyển đổi được thân ngũ uẩn sanh diệt hữu lậu thành ngũ uẩn bất sanh diệt vô lậu, xóa sạch phiền não mê lầm chấp trước để có được con người ngũ uẩn toàn diện tự theo dõi các hành động của mình và tự đánh giá hành động của mình qua từng thời điểm hiện sinh, tự chiến đấu, tự chiến thắng, tự chế ngự mình bằng sự tu tập Tam vô lậu học, Tứ vô lượng tâm, Lục độ và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo… để đi vào hạnh phúc an lạc. Đồng thời phát huy tinh thần lợi tha vô ngã, biến cõi Ta-bà thành tịnh độ an vui.

                                 TX. Ngọc Nguyên, Đức Trọng – Lâm Đồng

                                                  Ngày 24 tháng 4 năm 2015

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan