CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vai trò của trường phái Sarvāstivāda ở Afghanistan

Phật giáo du nhập đến Afghanistan rất sớm, sớm hơn những nước hiện nay Phật giáo đang thịnh và được nói là đã tiếp nhận Phật giáo sớm nhất. Thông điệp của đức Phật đã được mang đến Afghanistan ngay từ thời Phật còn tại thế thông qua Tapassu và Bhallika, hai vị đại đệ tử cư sĩ đầu tiên, có quê hương ở tại Ballika (nay là Balkh). Sự kiện này đã được xác thực nhờ sử ký của Ngài Huyền Trang. Chính ngài Huyền Trang đã chứng kiến hai ngôi tháp cho rằng là đã được 2 vị này xây để tôn thờ tóc và móng của Đức Phật gần thị trấn này. Ngài Huyền Trang đã đảnh lễ hai ngôi tháp đó khi du hành qua Ấn Độ. Bhallika viếng thăm Vương Xá (Rājagṛha) lần thứ hai, gia nhập Tăng đoàn và trở thành vị Tỳ-kheo do chính đức Phật chứng minh, sau đó tôn giả đã trở về quê hương và xây dựng ngôi tịnh xá tại Balhk (hay còn gọi là Bhallika) này. Bhallika đã chứng quả A-la-hán, và một số bài kệ (gāthā) trong Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā) được nói là do tôn giả trước tác. Balk hay là Ballika là trung tâm trọng yếu của Phật giáo vào lúc đó. Thời gian trôi qua, khi ngài Huyền Trang viếng thăm nơi này vào thế kỷ thứ VII TL thì trung tâm trọng yếu này đã phát triển lớn mạnh đến nỗi được mọi người gọi là "Tiểu Vương Xá " (Little Rājagṛaha). Ngài Huyền Trang có đề cập đến tên của tịnh xá này là "Nava-Vihāra", nằm ở ngoại ô thị trấn Bhallika. Ngay tên gọi Nava-Vihāra" đã gợi cho ta một ngôi tịnh xá đã hiện hữu lâu đời ở Ballika (Nava có nghĩa là mới, tân), không có cái nào khác hơn khi Ngài Huyền Trang đến đó. Chúng ta có thể đoán rằng, tịnh xá cũ chính là Tịnh xá Bhallika (Bhallika-vihāra) đã đổ nát theo thời gian vì lúc bấy giờ các vật liệu xây dựng không được tốt. Sau đó một tịnh xá mới được xây dựng phía ngoài thị trấn và được gọi "Nava-Vihāra."

Trong thực tế, Phật giáo như một tôn giáo được truyền đến Afghanistan chỉ sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại Vesali, một thế kỷ sau khi đức Phật nhập vô dư niết-bàn, thông qua các vị Tăng thuộc Đại Chúng Bộ (Mahāsaṁghika) - các vị tách khỏi Phật giáo Nguyên Thuỷ (Early Theravāda) hay còn gọi là "Phật giáo Thượng Toạ Bộ Pāḷi" (Pāḷi Theravāda) đã đến Udyāna (hay còn gọi là Uḍḍiyāna)[1], thuộc phần cực Đông của đất nước này. Họ đã đến đây thành lập cơ sở chính yếu cho trường phái của họ. Người ta nói rằng, một nhóm khác của trường phái này ở lại Ấn Độ và cư trú tại Mathurā. Nhưng các cuộc giao lưu thường xuyên vẫn duy trì liên tục giữa hai nhóm này qua nhiều thế kỷ. Bằng chứng rõ ràng là các chữ điêu khắc trên đá tại Mathurā được phát hiện vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước TL. Udyāna hay Uḍḍiyāna vẫn được duy trì như một trung tâm lớn của Hậu kỳ Thượng Toạ Bộ (Later Theravāda) hay các trường phái Thượng Toạ Bộ Sanskrit (Sanskrit Theravāda) hầu như xuyên xuốt toàn bộ lịch sử Phật giáo ở Afghanistan cho đến khi các bộ phái này mất tích khoảng thế kỷ thứ X TL. Không còn nghi ngờ gì nữa, Udyāna là trung tâm đầu tiên của trường phái Đại Chúng Bộ, sau này nó phát triển thành trung tâm chính thức của trường phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) ngay từ thời kỳ đầu.

Nước Udyāna (hay Uḍḍiyāna) có hai phần. Phần phía Tây được biết như xứ Nagara hay Nagarahāra (nay là Nagaravihāra), trong khi đó phía Đông vẫn giữ tên cũ là Udyāna. Sự kiện này được ghi rất rõ trong sử ký của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang, và các sử ký của người Tây Tạng. Phía Đông của nước này trải dài cho tới bờ sông phía Tây của dòng Indus (Tín Độ), vượt khỏi biên giới của đất nước Gandhāra. Trường phái Đại Chúng Bộ (Mahāsaṁghika) và trường phái Hữu Bộ (Sarvāstivāda) đã thành lập các trung tâm song song với nhau trong các vùng của đất nước này ở Nagarahāra hay trong thung lũng Wat. Thủ phủ của đất này có cùng tên là Nagara (hay còn gọi là Nagaravihāra) hay Udyānapur. Naga hay Nagarahāra là một từ xuất phát từ thuật ngữ Nagaravihāra mà tôi đã trình bày trong một bài khác. Nhưng chắc chắn rằng Nagaravihāra là một trong những trung tâm nổi tiếng nhất ở Afghanistan từ buổi đầu. Điều đáng quan tâm lưu ý là cho tới ngày nay một tỉnh của đất nước này cũng được gọi là Ningarahāra, dựa theo tên cổ mặc dù thủ đô hiện nay của khu vực này là được gọi là Jalalabad, vì nó bị Jaluddin Akbar, một vị vua Hồi giáo của Ấn Độ đã đổi tên xứ sở này theo tên của ông. Nếu ai viếng thăm Allalabad, vô số di tích của Phật giáo dưới các hình thức khác nhau như chùa tháp, hang động, tu viện đổ nát, các thánh tượng, v.v… rải rác khắp thị trấn này. Có một địa điểm gọi là Hadda, cách 7 km phía Nam của Jalalabab có rất nhiều chùa chiền tự viện bằng đá gạch. Những nhà khảo cổ học người Pháp đã đếm được khoảng 40 ngôi tháp lớn toạ lạc cách địa điểm trên khoảng một dặm rưỡi. Địa điểm này hầu như được các nhà hành hương viếng thăm, vì nơi đây cũng là nơi tôn trí xá lợi xương sọ của Đức Phật. Cả ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đều viếng thăm nơi này để đảnh lễ xá-lợi của Đức Phật. Một hộp đựng xá-lợi của Đức Phật với một câu được khắc ghi trên ấy đã được phát hiện ở đây.[2]

Nagarahāra được duy trì như một trung tâm của Sarvāstivāda và của Đại Chúng Bộ. Suốt thời gian của Đại đế Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka) thuộc triều đại Kusana thuộc thế kỷ thứ nhất TL, Nagarahāra phát triển rất mạnh về văn hoá và tôn giáo, vì nhiều xá-lợi đã được tôn trí trong các tháp và các tự viện. Tại Bimrana, cách Jalalabad không xa, một hộp đựng xá-lợi của Đức Phật có khắc chữ trên đó đã được tìm thấy. Hộp đựng này đề cập đến tên của Đại đế Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka), như là "vua công đức" của Phật giáo. Một sự kiện nổi bật, đó là, vua Kaniṣka là vị vua ủng hộ nhiệt tình Phật giáo,[3] đặc biệt ủng hộ cho trường phái Sarvāstivāda. Có lẽ suốt thời gian cai trị của ông, Nagarahāra và Hadda và các nơi khác xung quanh thị trấn Jalalabad được phát triển như là các trung tâm của trường phái này.

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể đề cập đến thủ đô Sư Tử, nổi tiếng hệ thống chữ viết Kharoṣṭhī và ngôn ngữ Prakrit. Bản văn này không đề cập đến năm tháng nào, nhưng các học giả đã cho là khoảng năm 10 - 25 TL.[4] Văn bản này đề cập đến một vị Tỳ-kheo tên là Bhuddhila, được nói là nguyên quán ở Nagara. Buddhila được ghi nhận là người theo trường phái Sarvāstivāda. Cũng ngay trong bản văn này, tên của nước Sakastan (tức là Seistan) cũng được đề cập, tặng phẩm xá-lợi của Đức Phật được nói là đã ban cho toàn quốc Sakastan để tỏ lòng tôn trọng. Đất nước Sakastan không có nước nào khác hơn là Seistan hiện nay, một phần của nước này, nay trực thuộc lãnh thổ của Afghanistan và của Iran, mặc dù lúc đầu nó là vùng Baluchistan độc lập. Ở đây, cũng rất lý thú khi đề cập đến các bia ký đuợc ông Aurel Stein phát hiện trong một ngôi làng gọi là Tor Dherai ở Baluchistan, cực Đông của tỉnh Kandharkhi. Trên các bia ký này, khi tất cả các mảnh được sắp xếp lại với nhau, nó có thể được xem như kỷ vật tượng trưng trong Tịnh xá Yola- Mīla-Sthāhī-Vihāra cho tứ phuơng Tăng để cung đón các bậc Thầy của Sarvāstivāda.[5] Trong vùng này giữa Jalalabad ở phía Đông và Seistan hoặc Sakastan ở Tây Nam, trường phái Sarvāstivāda có nhiều trung tâm phát triển rực rỡ vào đầu thế kỷ thứ nhất TL.

Có lẽ không đúng chỗ khi đề cập ở đây đến một số văn bản thuộc giai đoạn này được tìm thấy trong vùng Gandhāra, hiện nay là Peshawar và các huyện lân cận ở Pakistan. Các bản văn này được tìm thấy ở vùng Zeda,[6] Kurram[7] và Kaman.[8] Chúng ta biết rằng Gandhāra là nước láng giềng ở phía Đông của nước Udyāna xưa, cắt ngang bởi dòng Indus. Dường như toàn bộ phía Bắc của tiểu lục địa Ấn là cứ điểm của chư Tăng thuộc trường phái Sarvāstivāda. Các vị này thành lập các trung tâm chẳng bao lâu sau trường phái Đại Chúng Bộ. N. Dutt cho rằng "suốt triều đại Aśoka, người ta không tìm thấy dấu vết trường phái Sarvāstivāda ở Pāṭaliputra thuộc Magadha, mà nó lại được di chuyển lên phía Bắc. Họ thành lập hai trung tâm, một là ở Kasmira dưới sự lãnh đạo của tôn giả Madhyāntika (Mạc-điền-địa) và một trung tâm khác tại Mathurā dưới sự lãnh đạo của tôn giả Upagupta (Ưu-ba-cúc-đa). Tôn giả Madhyāntika là đệ tử của tôn giả Ānanda, trong khi đó Upagupta là đệ tử của tôn giả 'Sāṇavāsa (Thương-na-hoà-tu), mà 'Sāṇavāsa cũng là đệ tử của tôn giả Ānanda. Do đó, các vị theo Sarvāstivāda có thể tôn thờ Ngài Ānanda như là vị Tổ sư.[9] Từ các cứ điểm này, họ truyền đến các vùng phía Bắc của Gandhāra, Afghanistan và Baluchistan.

Khi ngài Huyền Trang viếng thăm Afghanistan, Ngài chú ý đến nhiều trung tâm của trường phái này như Balkh gần Bamiyan, Kapisa, Gaz và Udyāna. Ngài đề cập rằng cách Bamiyan khoảng mười hoặc mười hai dặm, có một tu viện an trí thượng y (Saṅghātī) cửu điều của đệ tam Tổ 'Sāṇakavāsa (Thương-na-hoà-tu) màu đỏ sậm được làm bằng tơ lụa dệt từ loại cây Sānaka.[10] Tổ 'Saṇakavāsa được đề cập trong các văn bản Pāḷi như là tôn giả Sambhūta Sāṅavāsī, vị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kỳ kiết tập Kinh điển lần hai.[11] Tôn giả được nói là đã đi tới Kipin,[12] một nơi được đồng hoá với Kapisa, hiện nay Begram gần Charikar ở Afghanistan. Tại nơi này có rất nhiều di chỉ do các nhà khảo cổ học người Pháp khai quật ở các vùng và các tịnh xá mà tôn giả Saṇavāsī ở một thời gian, nhưng sau này Ngài trở về Mathurā, và thị tịch tại đây.[13]

Ngài Huyền Trang trước khi đến Balkh đã viếng thăm Kuci ở Trung Á, tại nơi này có khoảng 10 Tịnh xá, trên 1000 vị Tăng và là những người theo trường phái Sarvāstivāda.[14] Khi Ngài đến Balkh, ở đó khoảng 100 Tịnh xá và hơn 8000 vị Tăng thuộc "Tiểu Thừa." Tuy nhiên, Ngài không đề cập chính xác đến tên của các trường phái Tiểu Thừa cư trú tại đây; nhưng rất có thể một số Tịnh xá có lẽ thuộc chư Tăng thuộc Sarvāstivāda. Từ Balkh Ngài đi đến nơi gọi là Kie (Ka)-chih (hiện nay là Gaz hoặc là Darah) khoảng 100 dặm về phía Nam của Balkh, tại nơi này có khoảng 10 Tịnh xá với 800 Tăng đều thuộc trường phái Sarvāstivāda.[15] Balk hay Balhīka xưa kia dường như là trung tâm của các trường phái Hậu kỳ Thượng Toạ Bộ (Later Theravāda) của Phật giáo kể cả Sarvāstivāda.

Khi Ngài Huyền Trang đến Kapisa, Ngài ở lại trong một tịnh xá do triều đại nhà Hán xây dựng. Ngài trải qua mùa an cư (vassāvasa) tại đó. Ngài đề cập đến tên của một số vị Tăng trí thức quan trọng mà Ngài đã cùng với các vị ấy bàn luận về triết học và giáo lý. Ngài nói rằng, trong ngôi chùa Shotorak có một vị quán thông Tam Tạng tên là Manojñaghoṣa và một vị sư tên là Āryavaṁsa của trường phái Sarvāstivāda và cũng có một vị sư thuộc trường phái Hoá Địa Bộ (Mahīśāsaka) tên là Guṇabhadra (Cầu-na-bạt-đà-la). Các vị sư này được nổi tiếng như là các thượng thủ của tu viện.[16] Tất cả chúng ta biết rằng Kapisa là thủ đô phía Tây của Kaniṣna và tu viện Shotorak nơi ngài Huyền Trang ở lại do vua Kaniṣka xây dựng cho con tin Thái tử của Trung Hoa thuộc triều đại nhà Hán. Trên thực tế, nhờ sự ủng hộ của vua Kaniṣka cho trường phái Sarvāstivāda mà tu viện Shotorak đã thịnh đạt thành một trung tâm của trường phái này trong nhiều thế kỷ sau và nó được dành cho các nhà sư lỗi lạc thường trú ngụ.

Ngài Pháp Hiển không viếng thăm nhiều nơi ở Afghanistan, Ngài chỉ đến Hadda và Nagarahāra để đảnh lễ Thánh tích ở đó. Tại Hadda, có khoảng 500 vị sư trú ngụ trong các tu viện này và tất cả họ thuộc Tiểu Thừa (Hinayāna).[17] Ngài cũng có đề cập đến một tu viện ở thung lũng Swat thuộc Udyāna, nơi cư trú của chư Tăng tuy thuộc trường phái Đại Thừa (Mahāyāna) nhưng lại tuân thủ các giới luật theo truyền thống của Tiểu Thừa (Hīnayāna) kể cả luật của Sarvāstivāda. Sử ký của Ngài Pháp Hiển đề cập đến chư Tăng thuộc các chi nhánh của cả Đại Thừa và Tiểu Thừa cư ngụ trong các tu viện khác nhau ở Udyāna, bao gồm cả Sarvāstivāda vào thế kỷ thứ V TL. Nhưng có lẽ ở Nagarahāra, Hadda và một số nơi khác trong vùng, nhiều tu viện thuộc Sarvāstivāda cũng đã hưng thịnh suốt thời kỳ này.

Khi chúng ta khảo sát Phật giáo ở Afghanistan, điều gây ấn tượng nhất đối với chúng ta là phần lớn các trường phái thuộc Hậu kỳ Thượng Toạ Bộ cực thịnh qua nhiều thời đại. Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) có lẽ không hưng thịnh ở đây lắm, và Phật giáo Tiền Đại Thừa (Early Mahāyanā Buddhism) không thể cắm rễ trên mảnh đất này dù rằng phái đoàn truyền giáo đặc biệt do ngài Mahārakkhita được phái đến sau Đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức vào thời Đại đế Aśoka. Trong số các trường phái thuộc Hậu kỳ Thượng Toạ Bộ, thì Đại Chúng Bộ và Sarvāstivāda đi hàng đầu ở nước này. Lịch sử Phật giáo ở Afghanistan vẫn còn trong mù mịt, nhưng các thánh tích Phật giáo rải rác ở khắp lãnh thổ Afghanistan đã nói lên sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đất nước này, một trong những nơi có tầm quan trọng bậc nhất như các pho tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan và các thánh tượng tuyệt hảo được phối hợp của hai nền nghệ thuật Hy Lạp và Ấn Độ tại Hadda. Các pho tượng này vẫn còn nói lên câu chuyện huy hoàng ban sơ của mảnh đất Phật giáo vĩ đại này.


 


* Bài này nguyên tác bằng tiếng Anh: Role of Sarvāstivāda in Afghanistan, được đăng trong Tạp chí Buddhist Studies, tập XV, Delhi, tháng 3 năm 1991. Bài này được viết khi chính quyền Taliban chưa phá huỷ hai pho tượng Phật khổng lồ tại trung phần Bamiyan, cũng như tất cả các Thánh tượng Bồ-tát, Thánh tăng và mọi di tích lịch sử còn sót lại trên mảnh đất Afghanistan này. Bài đã được đăng trên www.daophatngaynay.com

>> Dị bộ tông luân luận - một luận thư không thể thiếu trong nghiên cứu Phật học


[1] Phiên âm Hán Việt: Vu Điền.

[2] Konow, Stein, C. 1.1., Vol. II, p. 157-158.

[3] Ibid, p. 50 ff.

[4] Sirca, D. C. Select Inscriptions, p. 112; Konow, Stein, C.I.I., Vol.11, p.48.

[5] C.I.I, Vol. II, p.176.

[6] Ibid, p. 145.

[7] Ibid, p. 155.

[8] Luder's list, No. 918-919.

[9] Dutt, N. Buddhist Sects in India.

[10] Watters, T. On the Travel of Yuan Chwang, p. 120.

[11] Cf. Malalasekera, G. P. Dictionary of Pali Proper Names, Vol. II, p. 1063.

[12] Trong các kinh cổ Hán văn phiên âm là Kế Tân.

[13] Cf. Watter T. Op.cit. p.121.

[14] Ibid. p. 108.

[15] Beal, S., Life of Hiuen-tsang, p.56.

[16] Legge, J., Travels of Fa-hien, pp. 28 -29.

[17]  Waters, T. On the Travels of Yuan Chuang, p. 114. ; Beal, S, Records of Buddhist Kingdoms, p. 49; Beal S. Life of Hiuen-tsang, p. 54.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan