Chân thiện mỹ
- HT. Bhikkhu Bodhi, Liên Trí (dịch)
- | Thứ Năm, 08:25 07-01-2016
- | Lượt xem: 5309
Mưu cầu hạnh phúc
Tất cả chúng sanh, từ trong bản chất, luôn tìm cách thoát khỏi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng, mục đích này không dễ gì đạt được vì người mong ước hạnh phúc không có nghĩa là tự động biết cách đi tìm hạnh phúc. Nếu kiến thức về các phương thức đi tìm hạnh phúc tự động xuất hiện cùng với lòng mong cầu hạnh phúc, ai trong chúng ta cũng có khả năng tự mình đạt đến hạnh phúc hoàn thiện thì có lẽ không cần sự có mặt của Đức Phật trên cuộc đời này.
Chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Phật vì rằng, một cách tự nhiên, chúng ta mong ước tránh khổ và có được hạnh phúc nhưng chúng ta không có khái niệm rõ ràng về con đường có thể làm thỏa mãn những mong ước của mình. Như vậy căn bản của vấn đề là chúng ta cần có tri thức, có hiểu biết rõ ràng. Mặc dù chúng ta tự tin vào khả năng hiểu biết của mình, thật ra đầu óc chúng ta không thể là công cụ đáng tin cậy của tri thức, mà nó còn chịu sự bóp méo một cách tự nhiên làm ngăn cản chúng ta đạt được tri thức cần thiết. Sự bóp méo này cản trở hiểu biết của mình để rồi chúng ta không biết những gì cần phải tránh để vượt qua khổ đau và những gì chúng ta cần phải làm để có được hạnh phúc và bình an thật sự.
Sự thiếu hiểu biết rõ ràng này trong kinh Phật gọi là vô minh hay mê mờ (avijjaa). Vì vô minh, chúng ta trở thành nạn nhân của tham ái, của ham muốn thường trực, và như thế, theo thói quen, chúng ta đắm mình vào các hành vi với những niềm vui giả tạm, nhưng cuối cùng thì cũng đưa đến không hài lòng và khổ đau. Có những hành vi đưa đẩy chúng ta đến chỗ khó khăn, đau khổ và nhiều thử thách. Những hành động này, ta những tưởng sẽ đem lại hạnh phúc lâu dài. Thế nhưng, chúng xung đột với khuynh hướng tự nhiên của mình, bởi vì cần đến nỗ lực, tranh đấu và thay đổi từ bên trong, chúng ta mới không bị chúng lôi cuốn. Tóm lại, chúng ta vốn quen thể hiện hành vi theo những cách quen thuộc nhằm đạt được những niềm vui tạm bợ cho dù cuối cùng phải chuốc lấy khổ đau. Chúng ta cũng có xu hướng xa lánh những hành vi thiện và làm mới, mặc dù nếu hiểu chúng một cách sâu sắc, chúng ta biết rằng cuối cùng những hành vi này sẽ đem đến lợi ích cho mình.
Nhiều người đồng hóa hạnh phúc với đam mê dục lạc. Họ cho rằng hạnh phúc đến từ những cuộc chơi đắm mình trong dục lạc của hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon và xúc chạm. Vì thế, họ đổ dồn năng lượng đề tìm kiếm những phương tiện thỏa mãn dục lạc. Một số người khác không quan tâm quá nhiều đến những thú vui do sự giàu sang đem lại mà họ đam mê chính sự giàu sang. Với những người này, chỉ cần giàu có là đủ. Họ đánh giá bản thân mình và người khác với thước đo là mức lương, số tiền có được trong ngân hàng và của cải đang nắm giữ. Họ dành thời gian để tìm cầu ngày càng nhiều hơn nữa, tích lũy nhiều của cải hơn nữa và càng lúc càng giàu hơn. Thỉnh thoảng, họ tạm dừng lại để hưởng thụ những niềm vui do sự giàu có đem lại.
Có người dành trọn thời gian mình oó để tìm cầu quyền lực. Họ muốn có địa vị cao để có thể thống trị người khác. Họ đồng hóa hạnh phúc với địa vị và quyền lực chính trị xã hội mà họ có được. Có người không quá coi trọng sự giàu sang và địa vị xã hội bằng sự an toàn cá nhân. Họ không có khuynh hướng leo lên chiếc thang địa vị xã hội mà an phận mình ở nấc thang thấp hơn: họ hài lòng với một vị trí khiêm tốn nhưng ổn định trong tầng lớp lao động trung lưu tương xứng với mức sống chung. Họ có thể sở hữu một ngôi nhà xinh xắn ở ngoại ô, chồng hoặc vợ đẹp và những đứa con ngoan theo học ở một ngôi trường tốt. Những thứ họ có trong cuộc sống dường như đẹp như một cuốn truyện tranh, nhưng thật ra họ vẫn thiếu một thứ, đó là: ý nghĩa tận cùng để tìm thấy chân giá trị của mình trong kiếp sống này.
Nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng cuộc sống những người đắm say vào tìm cầu mục đích thế gian, dù đó là dục lạc, sự sở hữu tài sản, giàu có, quyền lực hay sự an toàn, chúng ta sẽ thấy rằng thật ra trong tâm họ có rất ít niềm hạnh phúc và hài lòng thật sự. Hạnh phúc tránh xa họ vì họ nghĩ rằng hạnh phúc là đáp ứng theo tiếng gọi của tham ái. Họ không hiểu rằng bản thân tham ái là không thể thỏa mãn. Như vậy, ngay khi đạt được một điều gì đó mà mình ham muốn, thay vì hài lòng với điều đó thì người ta lại bị ám ảnh vì một ham muốn khác. Ham muốn này xúi giục con người tìm cầu dục lạc mới, giàu có hơn và địa vị quyền lực cao hơn. Như vậy, tìm cầu sự thành công ở đời đưa đẩy con người trong vòng lẩn quẩn, ham muốn đưa đến hài lòng và hài lòng đưa đến ham muốn khác.
Để thấy rằng điều này là đúng, chúng ta cần xem xét đời sống những người thuộc thành phần thượng lưu trong xã hội. Những người này hầu như có tất cả mọi thứ họ mong muốn: giàu có của cải, địa vị và quyền lực xã hội cao; tất cả những xa hoa mà chúng ta có thể mơ nghĩ đến, họ đều có đủ. Mặc dù những người này tạo nên sự ganh tỵ trong mắt người khác, chúng ta thấy họ không thật sự có được sự thanh thản trong tâm hồn. Nếu đến nhà họ, chúng ta thấy nhà to cửa lớn, phòng ốc dãy ngang dãy dọc, đồ nội thất sang trọng, trang trí đẹp đẽ. Họ có kẻ hầu người hạ, kẻ nấu ăn, người phục vụ, hưởng thụ thức ăn ngon và tận hưởng mọi thứ cao cấp khác. Thế nhưng nếu bạn bước vào nhà tắm và nhìn vào hộp thuốc gia đình, bạn sẽ thấy có thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc kích thích, đủ các thuốc tác động tâm thần để giúp họ vượt qua những lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống đời thường.
Những sự phản chiếu này thuyết phục chúng ta rằng hạnh phúc chân thật không thể có được từ những thành công ở đời hay sở hữu nhiều của cải vật chất, mà chỉ có được bằng chất lượng bên trong tâm trí mình: nghĩa là hạnh phúc không đo bằng những gì chúng ta có, mà những gì chúng ta là. Chân hạnh phúc chỉ có thể đến từ tâm an tịnh chứ không phải phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện vật chất. Tất nhiên, để sống hạnh phúc, chúng ta cũng cần đến sự an toàn về vật chất ở một mức độ nào đó. Con người ta bị đói khát và bệnh tật thúc bách và không thể dễ dàng tìm thấy hạnh phúc trong nghèo đói. Tuy nhiên, sự an toàn về vật chất chỉ là nền tảng, là điểm xuất phát để từ đó, tâm trí phát triển nhằm đem lại hạnh phúc và bình an thật sự.
Lời dạy Đức Phật, theo mô hình truyền thống, tập trung bàn về toàn bộ vòng luân hồi là khổ. Những lời dạy của Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng hạnh phúc tối thượng là hạnh phúc được tìm thấy khi ra khỏi ‘vòng quay’ này, bằng sự chứng ngộ chân lý tối thượng, Niết Bàn, đưa đến giải thoát khỏi vòng tái sanh. Tuy nhiên, Đức Phật cũng nói đến nhiều loại hạnh phúc có thể đạt được ngay bây giờ và ở đây, trong kiếp sống hiện tại này. Như vậy, tôi muốn xem xét hạnh phúc chân thật theo Phật pháp là gì mà không cần đem các yếu tố như nghiệp, tái sanh và Niết Bàn của mô hình truyền thống để diễn tả sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Tôi không có ý định cho rằng chúng ta nên đặt những lời dạy của Đức Phật sang một bên, vì những lời dạy này rất cần thiết để có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về chánh pháp. Toàn bộ lộ trình đưa đến giải thoát, đã được Đức Phật trình bày một cách có hệ thống, đặt cơ sở trên nền tảng triết lý này. Nếu cố gắng từ bỏ hoặc hợp lý hóa những lời dạy này là làm cho những lời dạy ấy trở thành một phiên bản khác mất đi phần cốt lõi. Tuy nhiên, chính Đức Phật cũng dạy rằng, chúng ta nên kiểm chứng giáo lý dựa trên kinh nghiệm bản thân. Do vậy, tôi muốn bắt đầu với những gì chúng ta thấy rõ ràng ngay trước mắt, những điều chúng ta có thể thấy bằng kinh nghiệm cá nhân để tự mình thấy được ý nghĩa của hạnh phúc và sự an tịnh nội tâm. Xem những loại hạnh phúc có thể nhận thấy được như là nền tảng căn bản để từ đó chúng ta có niềm tin tưởng vào các phương diện khác của giáo pháp vốn tồn tại ngoài tầm nhận thức của con người.
Tiếp đó, tôi sẽ tìm hiểu khái niệm ‘hạnh phúc’, phân tích những thành tố của hạnh phúc và những gì cần làm để có được hạnh phúc. Để làm điều này, tôi sẽ dựa trên ba thành tố tạo nên sự tối thiện theo truyền thống triết học phương tây và làm sáng tỏ vấn đề là làm thế nào để các yếu tố này được thành tựu qua lời dạy của Đức Phật. Ba khái niệm này là: Chân, Thiện và Mỹ; nhưng tôi sẽ tìm hiểu ba yếu tố này theo một thứ tự khác hơn, đó là: Thiện, Mỹ và Chân.
Mỗi một khái niệm bao quát một phương diện về giá trị nhân sinh, đó là: đạo đức, thẩm mỹ và kiến thức. Thiện là đỉnh cao về phương diện đạo đức. Đây chính là nền tảng cho các hành động đúng và tâm thái bên trong thúc đẩy hành động đúng. Giá trị trong lãnh vực đạo đức được xác định trên nền tảng lý do thực tế. Để quyết định nên hành động thế nào trong một tình huống cụ thể nào đó trong cuộc sống, chúng ta y cứ vào một loại phản chiếu cụ thể nào đó như là một nguyên tắc để điều chỉnh hành vi của mình. Nói cách khác, để thực hiện yếu tố ‘Thiện’, với các tình huống đòi hỏi phải phản ứng, chúng ta phản ứng theo những cách có đạo đức.
Mỹ là giá trị cao nhất về mặt thẩm mỹ. Từ ‘thẩm mỹ’ thường được dùng để đánh giá các công trình nghệ thuật, nhưng ở đây, tôi dùng từ này với nghĩa rộng hơn để chỉ cho cái Đẹp trong những gì mình trải nghiệm. Nghệ thuật được coi là thuộc phương diện thẩm mỹ vì các công trình nghệ thuật vĩ đại làm cho chúng ta khởi lên ý niệm về sự cao thượng, một sự nhận thức về vẻ đẹp siêu thoát. Nhưng chúng ta cũng có nhận thức về cái Đẹp khi nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên ngoạn mục, khi ngưỡng mộ những nhân cách lớn và phát triển tâm mình đến các trạng thái tâm cao thượng. Với hầu hết mọi người, khi suy ngẫm về nghệ thuật, tâm hồn có cảm xúc thăng hoa bay bổng mà trong đời sống thường nhật, họ không thể nào có được trạng thái này. Như vậy, đối với hầu hết tất cả chúng ta, nghệ thuật là phương tiện chủ yếu để đánh thức sự cảm nhận về một điều kỳ diệu và cao thượng. Nhưng chống đối cái Đẹp cũng có thể đưa đến sự dữ dội hơn, và với những tiềm năng lớn hơn để thành tựu tâm linh, bằng sự chuyển hóa tâm thức trực tiếp vào khả năng cảm nhận và thẩm mỹ.
Chân là mục tiêu tối thượng về phương diện tìm kiếm tri thức. Mục đích trên hết của khoa học là khám phá ra chân lý về thế giới. Mặc dù những khám phá khoa học có giá trị ứng dụng thực tế, khoa học không tin cậy hoàn toàn vào kỹ thuật. Kiến thức thuộc lý thuyết phần lớn tự bản thân nó được xem là tốt. ‘Khoa học thuần túy’ đòi hỏi sự hiểu biết toàn diện và chi tiết về thế giới, khơi dậy sự nhiệt tình và thúc đẩy nhiều nghiên cứu khoa học ngay cả khi những ứng dụng kỹ thuật chưa chắc đã thật có. Kiến thức có được nhờ phương pháp khoa học luôn đồng hành cùng chúng ta. Nó không thể tách rời các lãnh vực không hề có biểu hiện của sự hoàn thiện; nó liên tục chịu sự điều chỉnh và mở rộng. Dường như nó luôn luôn hoạt động trên bề mặt của các sự vật. Lòng khát khao lãnh hội kiến thức của chúng ta có thể thỏa mãn bằng một lãnh vực Chân có thể đem lại cho ta kiến thức hoàn hảo, một tri thức thâm nhập vào mức độ sâu thẳm nhất của thực tại.
Tóm lại, nhu cầu về chân hạnh phúc phải bao gồm ba đặc điểm: Hành động Thiện lành về phương diện đạo đức, hoặc ứng dụng những giá trị đạo đức vào trong cuộc sống thường ngày; suy ngẫm về cái Đẹp, trải nghiệm các cảm giác phấn chấn cho chúng ta ý niệm về sự cao thượng, thấu hiểu Sự thật, kiến thức cho ta sự hài lòng và hoàn thiện về đời sống tâm linh.
THIỆN
Theo lời dạy Đức Phật, điều kiện cần cho chân hạnh phúc là Thiện ở mọi mức độ, đó là đạo đức chân thật hay đức hạnh (sila). Điều thiện như vậy phải được thực hiện bằng hành vi đạo đức. Để có hạnh phúc thật sự, chúng ta cần phải trải nghiệm chân hạnh phúc trong đời sống của mình và phải sống có đức hạnh. Điều này có nghĩa là chúng ta phải theo hành vi tiêu chuẩn trong đó chúng ta cần nghĩ đến lợi ích của người khác trong lời nói và việc làm của mình. Một đời sống đạo đức là đời sống trong đó chúng ta vượt lên trên nhu cầu cá nhân và xem sự quan tâm đến người khác là yếu tố quyết định hành động của mình.
Trong các kinh điển Phật giáo, đạo đức thường được nhóm vào nhiều tụ giới. Theo Đức Phật, nền tảng đạo đức không nằm trong một nhóm giới đặc biệt nào, mà nằm trong nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng trong các mối quan hệ với những chúng sanh khác, đặc biệt là với con người. Nguyên tắc này hướng dẫn cách sử dụng chính bản thân mình như là một tiêu chuẩn để quyết định cách chúng ta hành động trong mối liên hệ với người khác. Khi chúng ta phải liên hệ với người khác trong các tình huống cụ thể, chúng ta cần bước ra khỏi vỏ bọc cá nhân và đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử. Nếu ta cảm thấy ta nên hành xử với người khác theo cách thế này, trước tiên, ta phải hình dung, mình sẽ cảm thấy thế nào nếu người khác hành xử với mình theo cách như vậy. Nguyên tắc này có tác dụng giúp ta thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác, không hành động chỉ vì bản năng nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình thôi thúc.
Trên nguyên tắc căn bản này, Đức Phật thiết lập các quy điều đạo đức căn bản trong giáo pháp của Ngài. Như vậy, Năm nguyên tắc căn bản (pañcasiila) được thiết lập nhằm áp dụng cách sử dụng bản thân mình như là tiêu chuẩn để hành xử trong hầu hết các tình huống ở khía cạnh đạo đức. Bằng cách xem xét cảm xúc của chính mình, chúng ta tuân giữ các nguyên tắc không giết hại, không sử dụng vật dụng của người khác một cách trái phép, không đam mê tà hạnh và không nói dối. Trên cơ sở của bốn nguyên tắc này, Đức Phật thêm vào nguyên tắc thứ năm, đó là không uống các chất có men gây say, như vậy hoàn chỉnh Năm nguyên tắc sống. Nguyên tắc thứ năm này được thêm vào, không phải vì sử dụng chất gây men trực tiếp nguy hại đến người khác, nhưng vì một người khi đam mê trong các chất gây men, khả năng kềm chế mình sống đúng lương tâm sẽ bị yếu đi và như vậy, sẽ có khuynh hướng vi phạm các nguyên tắc đạo đức kia.
Thực hành nếp sống đạo đức bằng cách tuân giữ năm nguyên tắc đạo đức trên sẽ đưa chúng ta đến một loại hạnh phúc mà Đức Phật gọi là hạnh phúc không lỗi lầm (anavajjasukha). Khi người ta có hành vi vô đạo đức, vì mục đích ích kỷ, họ có thể được lợi lạc bằng nhiều cách và bề ngoài trông có vẻ họ thành công, hạnh phúc và toại nguyện; đến mức nhiều người có thể ganh tỵ với họ về điều này. Thế nhưng một người khi làm điều gì trái với các nguyên tắc đạo đức căn bản, sâu thẳm trong tâm, họ có cảm giác bất an, một cảm nhận – dù rõ ràng hay mờ nhạt, rằng họ đã gây nên đau khổ cho người khác. Cảm nhận này đem đến tâm lý giày vò buồn khổ và chính tâm lý này ngăn cản và họ không thể tìm thấy hạnh phúc đích thực, bất luận họ có vẻ thành công nhìn ở bề ngoài.
Để thấy điều này, hãy tưởng tượng một tên trùm khét tiếng có của cải giàu có vì cầm đầu một đường dây buôn bán ma túy, anh ta trừ khử những người chống đối và hối lộ quan chức. Anh ta lượn lờ trên phố trong chiếc xe sang trọng bóng nhoáng, có tài xế riêng, mặc đồ hợp gu thời trang nhất, có một người phụ nữ với vẻ đẹp quyến rũ bên cạnh, trải qua các kỳ nghỉ tại những khu nghỉ mát sang trọng đắt đỏ nhất. Chúng ta có thể đặt vấn đề rằng “liệu anh ta có được hạnh phúc nội tại không khi biết rằng sự thành công của anh ta được xây trên đau khổ của biết bao người?” Rõ ràng câu trả lời cho vấn đề này phải là ‘không’.
Tuy nhiên, khi kềm chế các khuynh hướng ích kỷ cho bản thân mình và điều chỉnh hành vi với sự dẫn lối của đạo đức, chúng ta có thể thành tựu được sự trong sáng và thanh tịnh của tâm xuất phát từ sự nhận thức rằng chúng ta không có chủ tâm làm hại bất kỳ chúng sanh nào. Bằng cách giảm bớt đi những ham muốn ích kỷ và kềm chế những hành động có thể làm tổn thương đến người khác, chúng ta có được hạnh phúc không lỗi lầm, có được niềm vui và bình an từ lương tâm trong sáng. Hạnh phúc như vậy sanh khởi vì chúng ta nhận ra rằng chúng ta không giáng khổ đau lên bất cứ một sanh linh nào. Chúng ta không gây nên sợ hãi cho bất cứ chúng sanh nào khác, và như vậy chúng ta đã cho họ ‘món quà không sợ hãi’ (abhayadaana). Với sự hiện diện của chúng ta, tất cả các loài chúng sanh khác đều cảm thấy an ổn: an ổn về cuộc sống, an ổn về của cải vật chất họ có được, an ổn trong các mối quan hệ cá nhân, an ổn trong truyền thông. Đây là phương diện đầu tiên về hành vi đạo đức: tránh giáng nguy hiểm và khổ đau lên người khác.
Thế nhưng chỉ tuân giữ các nguyên tắc trên thì chưa đủ. Để thực hiện được điều Thiện, chúng ta cũng cần trau giồi các đặc tính bên trong của tâm tương ứng với các nguyên tắc đạo đức này. Như vậy, những đặc tính tích cực chúng ta nuôi dưỡng, ngầm nằm trong các nguyên tắc đạo đức không gây hại, là: có tâm từ bi với người khác, trung thực, tôn trọng quyền hôn nhân của người khác, chân thực trong lời nói, giữ tâm điềm đạm. Những điều này tương ứng với Năm nguyên tắc đạo đức căn bản trong Đạo Phật. Nếu chúng ta thực hiện hai phương diện của đạo đức: không làm các điều ác và trau giồi thái độ tâm thiện lành rồi hiện thực hóa nguyên tắc Thiện, chúng ta đã áp dụng nền tảng đầu tiên của chân hạnh phúc vào trong cuộc sống hằng ngày của mình.
MỸ
Theo Đức Phật, Thiện hay sự trong sạch về đạo đức là nền tảng, một nền tảng không thể tách rời của chân hạnh phúc. Thế nhưng, để có hạnh phúc thật sự, chỉ một yếu tố Thiện thì không đủ. Để tìm được hạnh phúc bền vững hơn và ở cung bậc sâu hơn, chứ không chỉ thông qua đạo đức thiện lành, chúng ta phải bước thêm một bước nữa. Điều này đưa chúng ta đến thành tố tiếp theo của hạnh phúc, thành tố mà tôi gọi là ‘Mỹ’. Tôi không dùng từ này để chỉ vẻ đẹp cơ thể, hoặc chỉ cho khuôn mặt đẹp hay thân hình dễ thương, mà tôi muốn nói đến vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn. Trong lời Đức Phật dạy, dấu hiệu chân xác nhất để chỉ cho cái đẹp là vẻ đẹp của tâm. Chính vì vậy mà A-tỳ-đạt-ma (abhidhamma) dùng các thuật từ sobhana cittas (tâm tịnh hảo) và sobhana cetasikas (tâm sở tịnh hảo) để chỉ cho các trạng thái tâm đẹp và các yếu tố tâm đẹp. Trên con đường đi đến hạnh phúc và bình an, chúng ta cần khơi dậy các đặc tính đẹp này.
Để phát triển các trạng thái tâm đẹp và ý thức đẹp, chúng ta bắt đầu với các đặc tính căn bản làm nền tảng cho đạo đức. Các đặc tính này vốn có trong cá các trạng thái tâm đạo đức, và như vậy tâm đạo đức là bệ phóng để chúng ta vươn đến cái Mỹ. Mỹ đúng nghĩa không thể có được bằng các trạng thái tâm không thiện. Tuy nhiên, để đi được xa hơn trên con đường Mỹ, chúng ta cần có chủ tâm thanh lọc các trạng thái tâm về phương diện đạo đức để vươn đến đỉnh cao hơn không phải chỉ nhờ tuân giữ các giới điều về đạo đức mà được. Trong quá trình này, các đặc tính của tâm mở rộng ra, trở thành sức mạnh, cao quý và thánh thiện. Người thực hành đi vào toàn bộ phong cảnh mới lạ trong thế giới quan Phật giáo, không thể cảm nhận bằng kinh nghiệm thông thường (kaamadhaatu) mà chúng ta sử dụng hằng ngày, nhưng ở cảnh giới thanh tịnh (ruupadhaatu) chỉ có thể đạt được qua các tầng thiền.
Đức Phật dạy nhiều cách để phát triển tâm đẹp, bao gồm cả các phương pháp thực hành thiền trên các đĩa nhiều màu sắc gọi kasinas, chánh niệm trên hơi thở, tư duy về Tam bảo – Phật, pháp và tăng và nhiều đề mục khác. Một nhóm các đề mục thiền định thường được đề cập trong kinh điển là phát triển bốn thái độ cao thượng gọi là ‘phạm trú’ (brahma-vihaara): từ, bi, hỷ và xả. Các thái độ này cần được phát triển đến mức không có giới hạn, đối với tất cả chúng sanh không có sự phân biệt nào. Các yếu tố này được xem là các đặc tính tự nhiên của một chúng sanh ở cõi trời Phạm thiên, và như thế thực hành thiền định là phát triển tâm để an trú tâm ở cảnh giới phạm thiên.
Yếu tố đầu tiên là phát triển tâm từ, mettaa, và tôi sẽ giải thích phương pháp phát triển tâm từ ở đây. Đặc điểm của tâm từ là mong muốn sự an vui và hạnh phúc đến cho người khác và lòng mong muốn này phát triển rộng khắp bao trùm tất cả chúng sanh. Đặc tính này, một cách tự nhiên, ngầm chứa các nguyên tắc đạo đức, thế nhưng ở giai đoạn thực tập này, chúng ta không chỉ quan tâm đến sự an lạc và hạnh phúc của người khác, xem đó là nền tảng để hành động. Chúng ta cần thực tập tâm từ để làm tâm mình thanh tịnh, làm cho tâm tỏa sáng, đẹp và cao thượng. Như vậy chúng ta thực hành tâm từ như là một cách trau luyện có chủ tâm trong thiền định.
Để thực hành tâm từ, chúng ta chia con người ra thành bốn nhóm: bản thân mình, rồi đến một người thân, một người bình thường và cuối cùng là một người thù ghét. Người thực hành trước hết nghĩ về chính bản thân mình, mong muốn mình được an lạc và hạnh phúc, nghĩ rằng “mong tôi khỏe mạnh, mong tôi được hạnh phúc, mong tôi thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau.” Bạn lấy mình làm ví dụ cho người muốn an lạc và hạnh phúc, và bạn sử dụng mình như là trạm để phát tán cảm giác yêu thương đến người khác. Bắt đầu với mong muốn bản thân mình an lạc và hạnh phúc, chúng ta sẽ hiểu người khác cũng mong muốn an lạc và hạnh phúc như thế nào, như vậy chúng ta học cách mở rộng tâm mong muốn an lạc hạnh phúc cho người khác.
Chúng ta có thể trải lòng thương một cách tự nhiên, ấm áp, sinh động đối với bản thân mình. Để điều này được thực hành dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu với hình ảnh bản thân mà mình nhận thấy được. Hãy xem mình như thể đang soi gương, mỉm cười hạnh phúc, làm cho hình ảnh của mình thấm nhuần tư tưởng “mong tôi khỏe mạnh, mong tôi được hạnh phúc, mong tôi thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau”. Khi thực hành đạt đến một mức độ nào đó đủ khả năng làm cho tình thương lan tỏa khắp người, tức là lúc bạn cảm nhận có một tia tình thương ấm áp đi ra khỏi tâm và thấm nhuần thân thể mình, bạn có thể hướng tâm thương yêu đến những người khác theo từng nhóm chúng ta chia ra ở trên.
Bắt đầu trải tâm từ đến một người thân, một người mà bạn xem là một người bạn thật sự. Tuy nhiên, bạn không nên chọn người có quan hệ tình cảm quá thiết thân với bạn, như chồng hay vợ, bạn gái hay bạn trai, cũng không nên chọn con của bạn. Trong những trường hợp này, sự gắn bó tình cảm có thể ngụy trang và tưởng đó là tâm từ và làm chệch hướng thực hành thiền định. Thay vào đó, bạn nên chọn một người như một thầy/cô giáo khả kính hoặc một người bạn thân, người mà mình có ảnh hưởng và tôn trọng, nhưng không cột vào mối quan hệ tình cảm.
Hãy mời người thân thiện này vào trong tâm bạn, và rồi tạo ra, củng cố và phát triển lòng mong muốn sự an lạc và hạnh phúc đến với người bạn mình. Khi bạn thành công trong việc làm cho lòng thương yêu lan tỏa rộng đến bạn mình, từ sâu thẳm trong lòng, bạn mong muốn bạn của mình được an lạc và hạnh phúc.
Tiếp đó, bạn nên chọn một người không thân không sơ để thực hành. Đó có thể là người mình gặp lướt qua trên đường mỗi ngày, hay người đưa thư, hay người bán hàng ở chợ, hay người tài xế xe buýt mà mình đi trên đó đến nơi làm việc mỗi ngày; một người nào đó chúng ta thấy thường xuyên đủ để biết mặt, nhưng người này và mình không có mối quan hệ cá nhân nào. Mình cần có thái độ hoàn toàn trung tính với người này: không thân thiện cũng không thù ghét.
Bạn cứ xem người này là một con người, như bản thân mình vậy. Cất bước trên con đường thiền định, bạn cần quán chiếu rằng “ví như bản thân tôi muốn an lạc và hạnh phúc, người này cũng muốn an lạc và hạnh phúc.” Nói một cách hình tượng, bạn đem tâm bạn ra khỏi thân thể rồi đặt vào bên trong lớp da của người khác. Bạn thử cảm nhận thế giới qua con mắt của người không thân không sơ. Ý tôi không phải nói rằng bạn nên làm việc này với năng lực thần thông luyện được, hay có khả năng đọc được tâm ý người khác mà bạn nên dùng trí tưởng tượng của mình để cảm nhận điều này sẽ như thế nào với người mà mình xem là trung tính. Điều này cho phép bạn cảm nhận rằng người mà được gọi là ‘trung tính’ không phải là một người vô danh, mà là một con người giống như mình, cũng có ham muốn giống như mình là mạnh khỏe và hạnh phúc, cũng có điều không thích giống mình là chịu khổ đau.
Sau khi tưởng tượng đổi vai đồng hóa cá nhân mình với người kia, bạn trở về lại với chính con người mình, để rồi khởi tâm nghĩ rằng “cầu mong người này khỏe mạnh, mong người ấy được hạnh phúc, mong người thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau.” Bạn tiếp tục làm cho tâm niệm yêu thương này lan tỏa khắp người không thân không sơ ấy với tia mong muốn ấm áp và rực rỡ rằng người ấy được an lạc và hạnh phúc.
Khi bạn đã thực hành thành công với người không thân không sơ, đối tượng bạn chọn tiếp theo là một người mình xem là kẻ thù: một người mình căm ghét, một người mà hễ thấy mặt họ là mình nổi giận lên. Bạn đặt mình vào vị trí người này, và thử cảm nhận thế giới từ quan điểm của người đó. Bạn sử dụng cùng phương pháp ‘hoán đổi nhân thân’ như tôi đã giải thích trong trường hợp người không thân không sơ. Thế rồi, khi tâm bạn trở nên nhẹ nhàng, nhu nhuyến với những quán chiếu như vậy, bạn trải lòng thương yêu đến người mình ghét.
Trải lòng thương đến một người thù hận thường là rất khó, vì lý do này, Đức Phật dạy nhiều phương pháp khác nhau để bỏ đi những ác cảm đối với những người như vậy. Nếu chúng ta khéo áp dụng những phương pháp này, với sự cân bằng hợp lý giữa kiên nhẫn và nỗ lực, rốt cuộc chúng ta cũng vượt qua được những ác cảm đối với người oán hận. Tiếp đến, bạn có thể trải tâm mong muốn hạnh phúc thật sự đến với người này, cho dù người ấy, tạm thời vẫn còn ích kỷ và độc ác. Bạn nên duy trì sự nỗ lực của mình cho đến khi bạn nhận thấy bạn có sự quan tâm sâu sắc và thật lòng đến an lạc và hạnh phúc của người mình oán ghét. Thế rồi bạn trải tâm yêu thương đến người đó, tiếp tục làm như vậy cho đến khi nào bạn cảm thấy người thù ghét đó như một người bạn.
Như vậy, một người học trải tâm thương yêu đến bản thân mình, rồi đến một người thân, một người không thân không sơ và một người kẻ thù. Qua thực hành, chúng ta sẽ đạt đến một mức độ là có thể trải lòng yêu thương đến tất cả mọi người một cách bình đẳng, không khác biệt, không phân biệt. Kinh điển Phật giáo gọi giai đoạn này là ‘phá vỡ các giới hạn’ vì người ấy không còn dựng lên bất cứ một giới hạn nào giữa mình và người, hoặc giữa những người bạn, những người không thân không sơ và kẻ thù.
Sau khi củng cố giai đoạn không phân biệt giữa những người khác nhau bằng cách thực hành như vậy, tiếp đến, chúng ta bắt đầu mở rộng lòng thương càng lúc càng rộng cho đến khi lòng yêu thương ấy ôm ấp tất cả chúng sanh. Chúng ta trải lòng thương đến tất cả mọi người nơi tỉnh thành mình ở, rồi quốc gia, châu lục mình ở, rồi trải đến các châu lục khác rồi đến toàn thế giới, tất cả những người với các màu da trắng, nâu, đen và vàng; nam, nữ và trẻ em, không giới hạn, rồi chúng ta trải tâm đến khắp chúng sanh, trong tất cả các cảnh giới sống.
Trong bài kinh ‘Tâm từ’ nổi tiếng, Đức Phật dạy rằng, như người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình, dù có nguy hiểm đến tính mạng, cũng như vậy, một người tu tập tâm từ trải lòng thương đến tất cả chúng sanh. Bằng cách này, một người chuyển hóa lòng thương yêu từ giai đoạn không phân biệt thành lòng thương yêu thật sự rộng khắp, đó là thể hiện đặc tính ôm ấp tất cả của tâm.
Sự phát triển lòng thương yêu này đem lại vẻ đẹp tâm hồn và chính vẻ đẹp tâm hồn là một trong những yếu tố đưa đến chân hạnh phúc và bình an. Khổ đau, không hài lòng và không toại nguyện sinh khởi từ tâm ô nhiễm, gọi là kilesas. Khi chúng ta phát triển thiền định về tâm từ, đặc tính thiện lành của tình yêu thương thuần tịnh sẽ mở rộng cho đến khi nó trở thành không giới hạn, xua tan bóng tối của nhiễm ô. Khi nhiễm ô được xua đuổi, nhiều đặc tính thanh tịnh và tuyệt vời của tâm như: niềm tin, chánh niệm, an tịnh, định tĩnh và xả ly đơm hoa kết trái. Những đặc tính thanh tịnh này sẽ song hành cùng niềm vui, hạnh phúc và bình an ngay cả trong những điều kiện ngoại cảnh khó khăn. Ngay cả khi người khác đối xử với mình rất cay nghiệt, ngay cả khi sống trong môi trường khó khăn nghiệt ngã, chúng ta vẫn giữ tâm an lạc và hạnh phúc. Do đó, thành phần thứ hai của hạnh phúc là Mỹ, cái đẹp của tâm, và một cách trau giồi cái đẹp của tâm rất hiệu quả là thông qua thiền định về tâm từ vô lượng (mettaa-bhaavanaa).
Khi tâm trở nên ổn định và trong sáng, hành giả học cách duy trì sự chú ý trên một đối tượng, bằng sự nỗ lực của tâm, người ấy tiến vào các tầng thiền cao hơn gọi là định (samaadhi). Với sự thực hành liên tục, nếu nội lực vững chãi, hành giả có khả năng đạt được những trạng thái tâm cao thượng gọi là thể nhập thiền quán. Có bốn trạng thái như vậy, với các đặc tính là tối lạc, tối thượng và an tịnh và trạng thái chứng đạt này làm cho tâm thức phấn chấn và đạt đến các bậc thiền cao thượng hơn hẳn những gì thuộc về kinh nghiệm giác quan. Các trạng thái này là đỉnh cao của tâm thức đẹp và dấu hiệu chỉ cho sự chứng đạt hoàn toàn về cái Đẹp là kinh nghiệm sống. Bàn luận đầy đủ về các vấn đề này cần một cuộc thảo luận chi tiết, nhưng những gì vừa trình bày cũng đủ để nói rằng thực hành thiền định về tâm từ giúp cho hành giả chuẩn bị tâm cho sự chứng ngộ.
CHÂN
Bây giờ chúng ta đề cập đến yếu tố thứ ba của hạnh phúc, đó là Chơn, hay rõ ràng hơn là thấu hiểu chân lý. Đức Phật dạy rằng ngay cả khi một người nào đó có đạo đức thuần thục, tâm định tĩnh, người ấy vẫn không thể đạt đến hạnh phúc và an lạc cao nhất. Các tầng thiền chứng đạt được đưa đến hạnh phúc và an lạc không thể diễn tả được, thấm nhuần tâm với ánh sáng, nâng hành giả lên cảnh giới của bậc thánh, nhưng họ vẫn không hoàn toàn giải quyết được những vấn đề khổ đau. Trạng thái hạnh phúc và an lạc hành giả đạt được là không hoàn chỉnh, không hoàn hảo và không ổn định. Để đạt được hạnh phúc và an lạc cao nhất, hành giả phải bước thêm một bước nữa. Điều mà hành giả cần chính là trí tuệ, sự nhận thức trực tiếp chân lý.
Nhận chân được sự thật trở nên rất cần thiết để có được chân hạnh phúc vì chỉ có trí tuệ có khả năng cắt đứt tận gốc nhiễm ô, và đó là trí tuệ nhận chân được sự thật. Sự phát triển tâm từ tạm thời ngăn cản những ô nhiễm trong tâm, không cho chúng lan tỏa tâm thức và ám ảnh tâm tưởng. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta có thể trải nghiệm bình an và thanh tịnh bằng cách phát triển tâm từ và các đặc tính tương tự như vậy, các nhiễm ô vẫn tiếp tục tồn tại ở tận đáy dưới nền của tâm thức. Nếu không cần mẫn, những ô nhiễm này đợi có cơ hội là khởi lên thâm nhập vào tâm thức, gây nên khổ sở buồn đau.
Theo Đức Phật, gốc rễ sâu thẳm nhất nằm dưới các ô nhiễm là vô minh. Bao lâu vô minh còn thì nhiễm ô cũng tiếp tục đeo bám, mặc dù nằm trong trạng thái tĩnh hơn là hoạt động. Để giữ tâm hoàn toàn không lọt vào sự mưu toan của nhiễm ô, chúng ta cần phải đoạn tận vô minh. Khi vô minh được diệt trừ, tất cả các nhiễm ô theo đó mà không còn, vĩnh viễn mất đi, không thể khác được.
Vô minh, theo Đức Phật, nghĩa là không hiểu biết sự vật như chúng đang là, đó là không hiểu biết bản chất thật của các hiện tượng vốn ăn sâu vào kinh nghiệm cá nhân mình. Mỗi một chúng ta trong thế giới, nói một cách rốt ráo, đều do ‘năm uẩn’ – sắc, thọ, tưởng, hành và thức tạo thành. Thế giới này là ‘tất cả’ các căn, trần và các thức tương ứng. Công cụ chúng ta cần sử dụng để đoạn trừ vô minh là trí tuệ. Do đó, trí tuệ là hiểu biết đúng đắn về thế giới của mình: năm uẩn, sáu căn và các loại thức.
Trí tuệ này không phải chỉ do tri thức khái niệm mà có, mà phải là trí tuệ trực giác. Trí tuệ này không thể có được qua sự thể hiện khách quan, hay đứng lùi lại và tách rời chúng ta với kinh nghiệm, mà đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm cá nhân của người “nhìn từ bên trong” mà ở đó, chúng ta vẫn giữ sự thể nghiệm chủ quan của mình nhưng không đồng hóa với nó. Quan điểm này không có thể chỉ đạt được nhờ vào sự rèn luyện có bài bản. Để đạt được trí tuệ có khả năng cắt đứt tận gốc khổ đau, một người cần thâm nhập vào giai đoạn tu tập thiền định gọi là sự phát triển tuệ quán. Tuệ quán nghĩa là hiểu trực tiếp bản chất như thật của thân và tâm, bằng kinh nghiệm, và đó chính là những gì mà thực hành thiền quán hướng đến. Đầu tiên, chúng ta phát triển khả năng định, để duy trì liên tục sự chú tâm, bằng cách tập trung tâm về một điểm qua sự thực hành thiền tâm từ, quán kasinas, hay chánh niệm hơi thở. Kế đến, chúng ta sử dụng tâm định tĩnh, tập trung và nhất tâm, để khám phá ra bản chất của chứng nghiệm trong từng sát na.
Yếu tố căn bản làm cho tuệ sanh khởi là niệm: chú tâm cẩn thận và kỹ lưỡng vào những gì đang diễn ra với ta và bên trong chúng ta trong từng ý tưởng tương tục. Chánh niệm không phải là can thiệp vào nội dung của sự chứng nghiệm. Nó đơn giản là quan sát những gì đang diễn ra ngay tại một thời điểm như nó thật sự đang diễn ra. Khi chúng ta quán sát những gì chính mình trải nghiệm với tâm tập trung, tâm bình tĩnh, quan sát mọi vật với sự chú tâm thuần túy, chúng ta có thể hiểu được bản chất thật của tất cả các sự vật do duyên mà thành, vì bản chất của tất cả sự tồn tại do duyên đều nằm trong thân và tâm mình. Bên trong thân và tâm, bên trong khối ngũ uẩn này, chúng ta thấy biết bản chất của toàn thế giới.
Khi đi sâu vào tỉnh thức, khi chú tâm vào năm uẩn, chúng ta thấy rằng tất cả đều có ba đặc tính, đó là vô thường, hiện tượng khởi lên và diệt mất vô số lần trong một sát na. Chúng phải chịu sự chi phối của khổ; và chúng không có một thực thể thường còn có thể xác định có một cái ngã. Ba đặc tính này hiện hữu trong tất cả các sự vật hiện tượng duyên sinh. Chúng là bản chất chân thật của tất cả các hành của tất cả các sự vật hiện tượng hình thành do nguyên nhân và điều kiện. Chúng ta có thể quan sát rằng mọi sự vật hiện tượng mình thể nghiệm đều có sinh, có diệt và do đó, chúng ta biết vạn vật ở mọi nơi đều bị hủy diệt; cái gì có bắt đầu là có kết thúc. Chúng ta có thể quan sát bất cứ phương diện nào trong sự thể nghiệm của mình, một khi lung lay và sụp đổ đều đưa chúng ta đến khổ đau, và chúng ta do đó biết rằng không có gì trong thế giới do điều kiện mà thành này đáng cho chúng ta bám víu, vì bám víu là khổ. Chúng ta có thể thấy tất cả các yếu tố tạo nên con người chúng ta, năm uẩn của chính chúng ta là không thường còn, bản chất bên trong là không, và do đó, chúng ta biết tất cả hiện tượng ở mọi nơi đều không có thực thể hay cái ngã. Trí tuệ có được bằng kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân mở ra cánh cửa cho trí tuệ rộng khắp. Bằng cách hiểu được bản chất của thực tại bên trong hợp thể ngũ uẩn của chính mình, chúng ta biết chắc chắn về toàn bộ thế giới duyên sinh không bị giới hạn của thời gian và không gian.
Nhưng chân lý trong thế giới duyên sinh, theo đúng nghĩa của từ này, vẫn không phải là chân lý tuyệt đối. Đó vẫn là chân lý được xác định trên những điều kiện đã đặt ra, được hình thành và bị hư hoại, và như vậy đó là chân lý chưa toàn diện. Thật ra, những gì chúng ta biết chỉ là một nửa chân lý, một nửa còn lại cần phải khám phá. Đức Phật dạy “trước tiên hãy đến với tuệ quán về bản chất thật của các sự vật hiện tượng, sau đó đến với trí tuệ Niết Bàn” (Tương ưng bộ kinh 12:70). Khi quán chiếu năm uẩn, tâm trở nên an tịnh, định tĩnh, đạt đến trạng thái thuần tịnh từ đó có thể quan sát thấy rõ ràng ba đặc tính gắn chặt trên các thành tố tạo thành tất cả các sự vật hiện tượng. Khi tuệ quán đạt đến mức bao quát tổng thể, nó vượt qua các giới hạn của thế giới duyên sinh, rồi tâm phá vỡ thế giới hiện tượng duyên sinh để tiến đến thế giới không do duyên sinh. Bằng sự thể nhập vào thế giới không do duyên sinh, hành giả có thể bước ra khỏi giới hạn của thế giới đó, bước vào phạm vi không do duyên sinh, chân lý tối thượng. Và chân lý tối thượng này được Đức Phật gọi là Niết Bàn, giải thoát khỏi mọi khổ đau: “đây là trí tuệ tối thượng, trí tuệ về sự đoạn tận tất cả mọi khổ đau. Sự giải thoát của vị ấy, y cứ trên chân lý, không có dao động. Nhờ đó, phân biệt rõ ràng được những gì lỗi lầm là có bản chất lỗi lầm, những gì không lỗi lầm là có bản chất không lỗi lầm, đó là Niết Bàn. Người nào chứng đạt được trạng thái này, có được nền tảng tối thượng của chân lý. Đây chính là trí tuệ tối thượng, Niết Bàn, có bản chất không lỗi lầm. (Trung bộ kinh 140).
Thể đồng nhất gồm ba yếu tố
Điều quan trọng cần lưu ý là cho đến khi nào Chân chưa được thấu đạt đầy đủ và thấm nhuần, sự thành tựu về Thiện và Mỹ mới được trọn vẹn và ổn định. Khi Chân chưa được thành tựu, chúng ta cần phải luôn nỗ lực tinh cần thực hành Thiện cao thượng, một yếu tố đức hạnh. Chúng ta thường bị lôi cuốn vượt qua các nguyên tắc đạo đức, và nếu quyết định của mình đi chệch hướng đạo đức, rất có thể chúng ta đã giao phó lương tâm mình cho gió mây mặc cho bản năng dắt dẫn. Như vậy, Thiện không trực tiếp tạo nên sự thể nghiệm Chân mà thấm nhuần dần dần theo hướng ngược lại. Đức Phật dạy rằng, đây chỉ là bước đầu tiên để đạt đến Chân lý tối thượng, đạt được quả ‘Nhập dòng’, nhờ vào tuân giữ Năm nguyên tắc đạo đức căn bản mà không thể xâm phạm được; và chỉ có bậc A la hán hay giải thoát mới có thể diệt trừ các khuynh hướng bất thiện sâu thẳm vốn làm nguồn để các hành động bất thiện sinh khởi. Như vậy, sự thể nghiệm Chân là cần thiết để thành tựu Thiện một cách an toàn, ổn định và hoàn hảo.
Mỹ cũng tương tự như vậy. Tâm đẹp, đạt được nhờ trau giồi các đức tính cao thượng như từ và bi, cần phải thận trọng giữ cho đẹp. Như người làm vườn khéo léo, nếu chúng ta không tưới nước, nhổ cỏ và xén cành mỗi ngày, khu vườn sẽ trở nên hoang dại, lộn xộn và xấu xí. Sự tĩnh lặng, an lạc và tỏa sáng của tâm định tĩnh là những kết quả xứng đáng do sự nỗ lực không ngừng, và chúng ta không thể xem thường các kết quả này. Nếu không thận trọng lưu ý, các nhiễm ô bùng vỡ trở lại thông qua bề mặt ý thức, làm lệch lạc tư tưởng và ngăn ngại cảm xúc của mình. Với sự chứng đạt các tầng thiền, chúng ta có thể tận hưởng an lạc trong nhiều a tăng kỳ, nhưng an lạc ấy cũng có thể bị dao động. Vắng mặt Chân, sự thành tựu ấy của chúng ta sẽ bị giảm đi, mất dần và không còn nữa. Chỉ có qua sự chứng đạt Chân lý, các nhiễm ô bị “cắt tận gốc, không có cơ sở để tồn tại, đoạn diệt, không có khả năng sanh khởi ở tương lai.” Như vậy, chỉ khi nào thông qua sự chứng đạt Chân lý, Mỹ mới được thành tựu và tồn tại lâu dài.
Trên cơ sở này, chúng ta thấy rằng trong ba yếu tố tạo thành hạnh phúc chân thật – Thiện, Mỹ và Chân – Chân đứng một mình nó trên một cấp độ khác, không cùng cấp độ với hai yếu tố kia. Chân là nền tảng trên đó Thiện và Mỹ được ổn định, là đỉnh cao trên đó hai yếu tố kia có thể bao trùm đến tận cùng các giới hạn. Chân giữ Thiện và Mỹ trong tâm để cho chúng không bao giờ bị mất, đồng thời nó cũng hoàn thiện chính bản thân để phát huy nội lực đến mức hoàn hảo.
Tóm lại, khi phân tích kỹ khái niệm hạnh phúc, chúng ta thấy nó gồm ba yếu tố: Thiện, Mỹ và Chân; hoặc thanh tịnh về đạo đức, đẹp về tâm hồn và thể nghiệm chân lý. Chúng ta bắt đầu thực hành yếu tố Thiện trong cuộc sống của mình bằng cách tuân giữa các giới điều, các nguyên tắc đã được thiết lập về hành vi đạo đức. Thế rồi lấy Thiện làm nền tảng, chúng ta nỗ lực thành tựu Mỹ. Chúng ta phát triển tâm đẹp thông qua một trong các bài thực hành về sự phát triển tâm đưa đến sự thanh tịnh tâm, trong số này, tôi chỉ thảo luận một cách, đó là thực hành tâm từ. Thế rồi, khi tâm trở nên thanh tịnh, an lành và tỏa sáng nhờ vào thiền định, chúng ta sẽ nỗ lực để thể nghiệm Chân. Chúng ta sử dụng tâm định tĩnh để tìm hiểu bản chất những thể nghiệm của chính mình. Đầu tiên, chúng ta nhận ra bản chất của thực tại do duyên sinh được thể hiện qua ‘năm uẩn’ của thân và tâm ta, và rồi chúng ta thể nghiệm thực tại không do duyên sinh, Niết Bàn, chân lý tối thượng. Sự thể nghiệm Niết Bàn đưa đến sự hoàn thiện ba yếu tố Thiện, Mỹ và Chân mà ta hướng đến, hòa hợp thành một thể gồm có ba phương diện không thể tách rời làm cho đời sống chúng ta an lành, hòa hợp và đạt được hạnh phúc tối thượng mà Đức Phật gọi là tâm giải thoát bất động.
Nguồn: http://hang-nhu.blogspot.com
Các bài viết liên quan
- Nương tựa chính mình - Thứ Tư, 09:41 03-07-2013 - xem: 4195 lần
- Thành tựu Sa-môn hạnh - Chủ Nhật, 11:31 30-06-2013 - xem: 5351 lần
- Nghiệp chướng hôn trầm, ham mê ngủ nghỉ - Thứ Bảy, 08:47 29-06-2013 - xem: 15974 lần
- Sống để làm gì? - Thứ Ba, 12:36 25-06-2013 - xem: 4983 lần
- Hai ngày sinh nhật - Thứ Bảy, 11:39 22-06-2013 - xem: 3767 lần
- Ý nghĩa cuộc sống - Thứ Sáu, 15:27 21-06-2013 - xem: 5998 lần
- Khổ và vui - Thứ Bảy, 12:31 08-06-2013 - xem: 3513 lần
- Sống một mình an lạc - Thứ Hai, 14:55 27-05-2013 - xem: 4547 lần
- Đức Thế Tôn và hạnh vô úy - Thứ Hai, 15:23 20-05-2013 - xem: 7512 lần
- Khổ đau vì cố chấp - Thứ Tư, 15:11 15-05-2013 - xem: 6934 lần
- Niềm tin nơi Đức Phật - Thứ Hai, 08:02 13-05-2013 - xem: 6596 lần
- Yêu Phật Pháp - Thứ Sáu, 15:20 03-05-2013 - xem: 4390 lần