Nguyện tiêu tam chướng
- Liên Hiếu
- | Thứ Tư, 23:35 18-11-2015
- | Lượt xem: 7217
Dựa vào sách vở của chư vị tiền bối để lại cùng hiện tại ngày nay, có thể khẳng định rằng mục đích của những người con Phật, dù theo bất cứ trường phái Phật giáo nào, đều mong muốn dứt trừ các chướng duyên, thoát khổ sanh tử, chứng đắc Niết-bàn. Tâm nguyện này được thể hiện rõ nét trong các Kinh điển và được lặp đi lặp lại vào mỗi thời kinh sáng tối, đó là “nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu…”. Thật vậy, chỉ khi nào Tam chướng được tiêu trừ thì phiền não mới dứt sạch, thiện căn được tăng trưởng và Phật quả mới sớm viên thành.
Thông thường Tam chướng được hiểu là:Phiền não chướng, Nghiệp chướng và Báo chướng. Trong Du-già Đại Giáo Vương Kinh, Tam chướng được liệt kê là Ngã mạng chướng, Tật đố chướng và Tham dục chướng. Nói về Phiền não chướng, Kinh Khổng Mục Chướng lại phân thành 3 loại: Bì phiền não chướng (phiền não thô thiển như da ở ngoài thân), Nhục phiền não chướng (phiền não có chút vi tế như thịt trong da), và Tâm phiền não chướng (phiền não đã thâm nhập vào nội tâm).
Theo Kinh tạng Pāli, Tam chướng được dịch từ chữ Pāli là ‘Tayo kiñcana’. Từ điển ngôn ngữ Pāli giải thích: ‘tayo’ nghĩa là ‘số ba’, và ‘kiñcana’ là ‘chướng ngại trên con đường đạo hay là chướng ngại trên con đường hoàn thiện các ba-la-mật’. Theo Từ điển Phật học, ngài Nyanatiloka định nghĩa: “Kiñcana là những pháp bất thiện cản trở ý chí của con người”. Thế nên, Tam chướng đôi khi còn được gọi là bất thiện căn, tiếng Pāli là akusala. ‘A’ nghĩa là ‘không’ và ‘kusala’ là thiện, là đáng khen, là tốt, là đạo đức. Như vậy, akusala nghĩa là bất thiện, là đáng trách, là trái với đạo đức, và tất cả các bất thiện pháp đều là lỗi lầm và đưa đến khổ đau. Vậy Tam chướng là gì? Trong Trường Bộ Kinh (Dīgha-nikāya), Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikāya), Chuyện tiền thân (Jātaka) và một số Kinh tạng Pāli, đức Phật liệt kê ba điều ấy là: tham (raga/lobha), sân (dosa), và si (moha). Chính ba chướng ngại này là nguyên nhân của tất cả mọi khổ đau và khiến cho chúng sanh mãi chìm đắm trong vòng luân hồi sanh tử vô tận. Hậu quả do ba chướng ngại này gây ra gọi là phiền não, và chỉ có trí tuệ mới thấu triệt được thật tướng của các pháp, mới có thể tiêu diệt được tam chướng và dứt trừ được phiền não.
1. Tham chướng (lobha / rāga)
Tham nói đủ là tâm tham hay là tâm bắt nguồn từ căn tham (lobhamūla-citta), tùy thuộc vào căn tham mà tâm sanh khởi. Tham có nhiều dạng như tham tiền tài, sắc đẹp, tham danh vọng, địa vị, tham ăn, tham ngủ, lại có tham thô và tham tế. Dưới hình thức thô tướng, tham biểu lộ ra ngoài bằng nhiều cử chỉ hay hành động khác nhau, khiến cho người khác có thể thấy được, như trộm cắp, rượu chè, tà hạnh, v.v. Dưới hình thức vi tế, tham trở thành một tiềm thức ngủ ngầm trong tâm thức của mọi chúng sinh, thường được gọi là thùy miên. Thường rất khó có thể nhận biết được tiềm năng vi tế của tham tâm. Chính vì thế nên tham vi tế đã tạo ra những cản trở, những chướng duyên cho tiến trình giác ngộ giải thoát. Như câu chuyện Tỳ-kheo Tissa do tham đắm, dính mắc vào tấm y nên sau khi chết tái sanh thành con rận sống trong chiếc y đó. Khi nghe chư Tăng định đem tấm y ấy ra chia cho Tăng chúng, Tỳ-kheo Tissa lúc bấy giờ là con rận đang sống nơi tấm y đã la hoảng: “Các thầy đang tước đoạt tài sản của tôi”. Đức Phật với thiên nhĩ thông và nghe được những gì Tỳ-kheo Tissa đã nói nên dạy thầy A-nan đến bảo chúng Tăng hãy dời việc chia y vào bảy ngày sau, và đức Phật đã thuyết một thời pháp cho con rận Tissa nghe, bởi đức Phật biết được nếu con rận vì quá tham đắm vào chiếc y mà chống lại hành động của chư Tăng thì sẽ bị đọa địa ngục. Sau thời pháp, con rận Tissa bỏ được tâm dính mắc và tái sanh lên cõi trời Đâu-suất. Nhân câu chuyện này, đức Phật dạy chúng Tăng: “Tham ái thật là vấn đề lo lắng lớn của chúng sanh trên quả đất, như gỉ sét phát sanh từ sắt, trở lại ăn mòn sắt, tham ái phát sanh từ chúng sanh và đưa chúng sanh xuống địa ngục”. Chính tâm tham là nhân đưa đến sanh tử luân hồi, là Tập đế (Samudaya-sacca) trong Tứ Diệu Đế, nên tham ái càng nhiều thì khổ não thêm nhiều. Vì lý do này nên trong 12 tâm bất thiện, tham được xếp đầu tiên, trước tâm sân và tâm si. Tuy nhiên cần có sự phân biệt rõ ràng, tham ở đây là tham ái hay tham dục, tiếng Pāli là ‘lobha’, đây là nhân đưa đến tái sanh. Nhưng ước muốn được học hỏi giáo pháp, muốn thành tựu đạo quả Niết-bàn, muốn có tài sản để giúp đỡ những người thiếu may mắn, những người cơ nhỡ…, thì không thể gọi là tham, mà đó là ước nguyện, tiếng Pāli là ‘chanda’.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với đối tượng, như khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, v.v, nếu đối tượng đó được ưa thích thì lập tức tâm chúng ta có sự luyến ái hay bám víu vào đối tượng, tức tâm tham sanh. Ngược lại, nếu là những cảnh hay những đối tượng trái ý nghịch lòng, không đáng nhìn, không đáng nghe thì tâm bất toại nguyện sanh, tức tâm sân sanh. Qua đây, có thể thấy tâm tham sanh khởi là do chúng ta tiếp xúc với các đối tượng ưa thích hay các đối tượng vừa ý, vừa lòng. Nên trong cuộc sống hằng ngày nếu chúng ta không biết chánh niệm, không biết kiểm soát các căn khi tiếp xúc với các đối tượng thì thường là chúng ta chỉ sống với tâm tham hoặc tâm sân. Theo Vi Diệu Pháp, tất cả tâm bắt nguồn từ căn tham đều có bản chất giống nhau là tham ái, nhưng chúng được chia thành 8 loại là do nơi 3 yếu tố: do nơi cảm thọ, do các pháp liên hệ, và do cá nhân tự phát hay do sự tác động từ bên ngoài. Theo cảm thọ, tâm tham được chia thành 2 nhóm: 4 tâm phát sanh cùng thọ hỷ và 4 tâm phát sanh cùng thọ xả. Về các pháp liên hệ cũng được chia thành 2 nhóm: 4 tâm liên hệ với tà kiến và 4 tâm không liên hệ với tà kiến. Về yếu tố thứ ba, có 4 tâm tham là do cá nhân tự phát, không do ai, không do nguyên nhân nào xúi giục hay thúc đẩy, và có 4 tâm tham là do sự tác động từ bên ngoài tức là có sự xúi giục. Chính do ba yếu tố mà tâm tham được chia thành 8 loại.
Ví như một cục đá, dù nhỏ thế nào khi thả xuống nước cũng sẽ bị chìm ngay lập tức. Cũng vậy, tâm tham dù rất nhỏ, rất vi tế cũng có thể đưa đến tái sanh vào bốn cõi khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Trong kinh đức Phật đã kể rất nhiều trường hợp do sự dính mắc, tham ái vào tài sản, vợ chồng, con cái,.. mà sau khi chết phải sanh vào những khổ cảnh. Muốn diệt trừ những thô tướng của tham tâm, chúng ta cần phải biết ‘thiểu dục tri túc’ (ít muốn và biết đủ). Trong Kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Người muốn thoát khỏi sự khổ não phải thực hành pháp tri túc. Hễ biết đủ thì dù nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, người biết đủ tuy nghèo mà giàu”.
Ngoài ra, chúng ta cần phải giữ giới và thực hành hạnh cúng dường, bố thí. Khi giữ giới không trộm cắp, không tà hạnh, chúng ta đã ngăn ngừa không để cho tâm tham bộc phát ra ngoài bằng cử chỉ hay thái độ thô thiển. Xa hơn, chúng ta tập cúng dường, bố thí là để phát triển tâm từ bi rộng lượng, biết nghĩ, biết hy sinh vì người khác. Khi cúng dường, bố thí thì chúng ta không những chỉ cho ra một vật gì đó mà còn loại trừ được tâm tham ái, dính mắc vào vật đó. Muốn cho việc cúng dường, bố thí được thành tựu trọn vẹn thì cần phải có hai yếu tố: lễ vật hay tặng phẩm mình chuẩn bị cúng dường, bố thí và thiện tâm. Thiện tâm được chia làm 3 giai đoạn: trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm. Trong 3 giai đoạn này nếu chúng ta duy trì được tâm hoan hỷ liên tục thì phước báo sẽ trọn vẹn. Đối với tham vi tế, chúng ta cần phải hành thiền để thấy được đặc tính của các pháp, biết rõ tất cả các pháp trên thế gian này luôn sanh diệt trong từng sát na, khi hiểu và tự thân kinh nghiệm được những điều này thì tâm chúng ta sẽ nhẹ dần, không dính mắc vào nhà cửa, vợ con, vào tài, sắc, địa vị, danh vọng. Trong Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, Cổ Đức có viết:
“Tham dục càng nhiều,
Khổ não thêm nhiều.
Nhọc nhằn sanh tử bao nhiêu,
Bởi do tham dục mà chiêu khổ này.
Bớt lòng tham dục chẳng gây,
Thân tâm tự tại vui này ai hơn”.
2. Sân chướng (dosa)
Sân hận hay giận dữ là một trạng thái tâm lý rất thông thường của con người. Sống trên đời này hầu như ai cũng có ít nhất một lần đã nổi giận khi đối diện với một người hay một sự việc nào đó mà mình không vừa lòng, không vừa ý. Đối với phần đông, sân hận là một trạng thái tâm lý rất bình thường, nếu có chuyện không vừa lòng thì mình bực tức, mình nổi sân. Nhưng theo lời Phật dạy, sân hận là một trong ba nhân tố độc hại nhất đưa đến sanh tử luân hồi. Cũng như tham, sân nếu nói đủ là tâm bắt nguồn từ căn sân hay tùy thuộc vào căn sân mà tâm sanh khởi, tiếng Pāli là ‘dosamūla-citta’. Theo ngôn ngữ học Pāli, từ ‘dosa’ xuất nguyên từ căn ‘dus’ nghĩa là không bằng lòng, không vui, bất mãn, bất toại nguyện. Nên bất cứ khi nào tâm sân sanh khởi thì không có an vui, chỉ có sự buồn bực, sự bất toại nguyện, bất như ý mà thôi. Nói rộng ra không phải chỉ khi bực mình hay giận giữ mới gọi là sân, khi người ta khóc, trong một vài trường hợp tâm đó cũng chính là tâm sân.
Tâm sân bao gồm tất cả các mức độ của sự sân hận hay ác ý, từ sự giận dữ thô tháo cho đến vi tế. Dưới hình thức thô tướng, sân bộc lộ ra ngoài bằng những hành động, lời nói hay sắc diện khiến cho người khác có thể thấy được, như nét mặt xám lại hay tái đi, tim đập mạnh gấp, bắp thịt co lại và hiếu động,…Vì thế, lúc nóng giận người ta thường hay cãi vã, đánh đập, phá phách. Sân vi tế ngấm ngầm tiềm tàng trong tâm thức, khó nhận biết được. Do sân vi tế nên đôi lúc không biết vì nguyên cớ gì mà chúng ta cảm thấy chán nản buồn bực. Những cảm xúc này xuất hiện yếu ớt đến nỗi chúng ta chỉ có thể cảm nhận được một cách mơ hồ hay có khi không thể nhận biết được. Tuy nhiên, đó là hình thức vi tế của tâm sân và cho đến khi đắc quả A-la-hán mới có thể diệt trừ được.
Có người cho rằng họ sân là vì có người chọc tức họ, có người làm cho họ giận. Thực sự, đây chỉ là một lý do để biện minh mà thôi. Nguồn gốc của sân hận là ở bên trong chúng ta chứ không phải bên ngoài, đó là cái ảo tưởng về bản ngã trong tâm chúng ta. Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara-nikāya), đức Phật dạy: đối với một người không có tu tập thường có 9 lý do làm cho tâm sân sanh khởi. Đó là (i) anh ta hại tôi, (ii) anh ta đang hại tôi, (iii) anh ta sẽ hại tôi, (iv) anh ta đã hại những người thân của tôi, (v) anh ta đang hại những người thân của tôi, (vi) anh ta sẽ hại những người thân của tôi, (vii) anh ta làm lợi cho những người tôi ghét, (viii) anh ta đang làm lợi cho những người tôi ghét, và (ix) anh ta sẽ làm lợi cho những người tôi ghét. Thế nên sân hận khởi lên từ chính bản ngã của chúng ta chứ không phải từ bên ngoài. Nếu như có ai đó giúp đỡ, tâng bốc, làm thoả mãn cái bản ngã thì chúng ta cảm thấy hài lòng. Ngược lại, chúng ta không thích bất cứ ai xúc phạm hay hạ bệ cái bản ngã của mình. Bản ngã không thích điều đó nên nó phản ứng lại bằng cách sân hận hay giận dữ. Khi nào chúng ta không còn thấy có mình, không còn thấy có bản ngã thì sẽ không còn có vấn đề gì cả. Nếu hiểu được như vậy, chúng ta sẽ sống bình an dù có bị công kích. Bởi chúng ta biết rằng không một ai hay một điều gì mà người khác nói hay làm có thể làm thay đổi giá trị hay nhân cách của chúng ta được. Chúng ta chính là người tạo nên nhân cách, tạo nên những nghiệp thiện hay ác cho chính mình, chính chúng ta là người nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi thiện ác của mình.
Sân hận tước mất đi niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên và hoà hợp. Đôi khi do thiếu kiềm chế, sân hận có thể dẫn đến tội lỗi, khiến chúng ta phải ăn năn hối tiếc, và đôi khi chúng ta làm tổn thương đến lòng tự trọng của người khác. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật dạy: “Lửa tham ghê lắm ai ơi! Hận sân cũng vậy, đốt người, đốt ta”. Trong Kinh Sân Hận, thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dạy có 7 điều bất lợi xảy ra cho người hay sân hận, đó là (i) có nét mặt xấu xí, (ii) ngủ không yên giấc, (iii) không có hạnh phúc, (iv) dù có thành công cũng không có danh tiếng, (v) bà con, bạn bè thân hữu xa lánh, (vi) luôn bị lửa sân đốt cháy trong lòng, và (vii) khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cảnh khổ. Muốn đối trị thô tướng của sân tâm, chúng ta cần phải giữ giới, tu tập hạnh nhẫn nhục và từ bi. Nhẫn nhục không phải là sự nhịn nhục bởi một áp lực từ bên ngoài, mà là một thái độ tri thức phát xuất từ nơi tâm để cố gắng giữ bình tĩnh, thản nhiên trước những lời thách đố, chỉ trích mắng nhiếc hay đánh đập của kẻ khác. Đức Phật Tỳ-bà-thi có dạy rằng: “Nhịn nhường là giới đầu tiên, kìa chư Phật vẫn nhắc khuyên ta hoài, kẻ mong lìa bỏ trần ai, mà còn phiền giận thật ngoài chữ tu”.
Để dứt trừ tâm sân hận vi tế, phương pháp hữu hiệu nhất là hành thiền với đề mục tâm từ. Tức là ban rải tâm mát mẻ trong lành, hiền hòa đến với kẻ khác, nguyện cho kẻ khác được an vui, ngay với những kẻ thù nghịch của chúng ta cũng được hạnh phúc. Đức Phật đã dạy chúng ta một chân lý không thể chối cãi được là sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận, chỉ có lòng từ bi mới chiến thắng được hận thù. Qua lời dạy của đức Phật, có thể khẳng định rằng từ bi là liều thuốc tốt nhất để đối trị tâm sân hận.Tâm từ là tình thương không chiếm hữu mà chỉ muốn giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư của chính mình cho hạnh phúc và sự an vui của tất cả chúng sanh. Mong cho tất cả chúng sanh thoát khỏi mọi sự thù hận, oan trái, thân không bịnh tật, tâm không phiền não, hàng ngày luôn được an vui hạnh phúc, không bị buồn khổ hay hiểm nguy làm tổn hại. Tâm từ không lựa chọn hay chối bỏ một đối tượng nào. Nếu chúng ta chỉ thương yêu những người thân, những bạn bè thường gần gũi với mình mà xa lánh những người xấu, tức là chúng ta chưa thực hành được tâm từ. Thực hành tâm từ sẽ làm giảm đi tâm giận dữ và rốt ráo có thể diệt tận gốc rễ của sân hận.
Tha thứ cũng là một liều thuốc công hiệu để diệt trừ tâm sân hận. Tha thứ có nghĩa là chúng ta quyết định bỏ đi tất cả sự oán giận, sự cãi vã hơn thua, bỏ đi sự ganh ghét, sự cay nghiệt và lòng khao khát muốn trả thù. Chúng ta có thể tha thứ thật sự khi chúng ta nghĩ rằng người khác xúc phạm đến chúng ta cũng bởi họ gặp những hoàn cảnh bức bách, cũng như bị các phiền não trong tâm sai sử. Nếu chúng ta nổi giận với họ thì chính chúng ta cũng đánh mất đi sự bình an trong tâm hồn mình. Chúng ta tha thứ để chúng ta thoát khỏi những phiền não của chính mình và giảm bớt đau khổ cho người khác. Đức Phật dạy chúng ta hãy nghĩ tất cả những người nam như cha, như anh hay em chúng ta, và xem tất cả những người nữ như mẹ, như chị hay em chúng ta, khi nghĩ rằng tất cả mọi người trên thế gian này đều là cha mẹ anh em của mình trong vô lượng kiếp như vậy thì chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ hơn.
Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, chúng ta đều đã có những kinh nghiệm riêng về sức tàn phá của tâm sân hận. Nó có sức huỷ hoại hơn bất cứ một thứ vũ khí nào, nó làm cho chúng ta trở nên cáu gắt, căng thẳng và đau khổ, và khi sân hận có mặt thì hạnh phúc không thể hiện diện trong tâm. Mục đích của người học Phật là mong cầu hạnh phúc và loại bỏ khổ đau, thế nên chúng ta cố gắng tu tập để diệt trừ tâm sân hận. Nếu chúng ta muốn thế giới này trở nên nhân ái hơn, trước hết chúng ta phải đến với người bằng lòng nhân ái, nếu chúng ta muốn mọi người bớt bạo động thì trước hết chúng ta phải an hoà và trầm tĩnh. Sự thật này đã được đức Phật nhắc đến trong Kinh Pháp Cú:
“Nếu ai lấy oán báo thù,
Oan oan tương báo, thiên thu hằng sầu.
Từ tâm định luật nhiệm mầu,
Lấy ân báo oán, còn đâu oán thù”.
3. Si chướng (moha)
Si hay vô minh là tâm bắt nguồn từ căn si, tùy thuộc vào căn si mà tâm sanh khởi (mohamūla-citta). Si có đặc tính là che đậy hay giấu đi bản chất thật của sự vật, nên do si mà con người không thể phân biện được giữa điều tốt và điều xấu, thiện pháp và ác pháp, không thể thấy được sự vật như chúng thật sự là. Si hay vô minh là sự không hiểu biết, tuy nhiên không hiểu hay không biết một vấn đề mà mình chưa được học hỏi đến, không biết những nơi mà mình chưa đặt chân đến, không nhớ được những tên mà mình chưa được nghe,… thì không thể gọi là vô minh. Những điều không biết trên chỉ là sự thiếu hiểu biết về những kiến thức thông thường mà thôi, hay chỉ là sự vắng bóng của sự nhận thức, vắng bóng sự cảm nhận về một tri giác mà từ trước đến giờ mình chưa được học hỏi, chưa được thâu nhận. Nên chúng không thể gọi là vô minh và chúng cũng không phải là những trạng thái tâm bất thiện. Ngay cả các bậc A-la-hán vẫn có những điều không biết như thế, huống chi là phàm phu chúng ta. Như trường hợp ngài Xá-lợi-phất, vị Thánh Tăng được Phật tán dương là bậc trí tuệ đệ nhất trong hàng Thánh Tăng đệ tử Phật, cũng đã dạy một đề mục hành thiền không thích hợp cho một vị Tỳ-kheo trẻ, vị này đã mất bốn tháng tu tập nhưng không có kết quả. Cuối cùng nhờ đức Phật chỉ dạy, vị Tỳ-kheo trẻ ấy đã thành tựu được đạo quả A-la-hán.
Si có hai loại: Si còn ngủ ngầm trong tâm thức hay còn gọi là Căn bản vô minh (anusaya-moha) và Si đã sanh khởi hay còn gọi là Chi mạc vô minh (pariyutthana-moha). Si còn ngủ ngầm được ví nhưchất độc có sẵn trong cây khiến cho cây sanh ra trái độc. Cũng vậy, nơi thân tâm con người có sẵn yếu tố che mờ tâm trí làm cho chúng ta không thấy, không hiểu biết được Chánh pháp. Yếu tố đó được gọi là Căn bản vô minh. Chính vì sức phủ tàng của căn bản vô minh đã khiến cho chúng ta không có đủ khả năng thấu triệt được ba đặc tánh chánh yếu của các pháp là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), không hiểu được lý nhiệm mầu của Tứ diệu đế và Mười hai nhân duyên.Phàm phu với kiến thức còn hạn chế khó có thể nhận chân được vô minh tiềm ẩn này, nhận ra chúng đã khó huống chi là diệt trừ. Ngay cả các vị đã đắc 3 Thánh quả đầu là Tu-đà-huờn (Sotapanna), Tư-đà-hàm (Sakadagami), A-na-hàm (Anagami), cũng chỉ có thể làm cho căn bản vô minh ngày càng mỏng, càng yếu đi chứ vẫn chưa dứt trừ được. Chỉ khi nào chứng đắc được đạo quả A-la-hán (Arahant) thì căn bản vô minh mới hoàn toàn bị tận diệt.
Si đã sanh khởi hay Chi mạc vô minh là vô minh đã khởi lên cùng với tâm thức. Nói cách khác đó là môt tâm thức xấu, chẳng lành mạnh đang sanh khởi. Vì bản chất che đậy của Chi mạc vô minh nên chúng ta khó thấy được những tác hại hay hậu quả xấu mà chúng ta phải gánh chịu trong hiện tại và cả trong tương lai. Ngay cả với bậc có đức hạnh và siêng năng tu tập đôi khi cũng không thấy được sự tác hại của loại vô minh nầy khi nó khởi lên, nên có lúc cũng vướng phải các hành vi bất thiện như câu chuyện của Bồ-tát Haritaca. Sau khi rời bỏ cuộc sống thế gian, buông bỏ sản nghiệp để trở thành một tu sĩ ẩn cư, Bồ-tát Haritaca đã chứng đắc được thần thông. Ngày nọ do mưa dầm trên núi Hi-mã-lạp-sơn, Bồ-tát đã quay về thành Ba-la-nại (Baranasi) và trú trong công viên của vua. Vua xứ Ba-la-nại vốn là bạn cũ của ẩn sĩ, người thường thực hành các hạnh Ba-la-mật (Parami). Khi gặp lại ẩn sĩ, vua rất kính mến, mời vào ở trong vườn thượng uyển và cung cấp đầy đủ tứ vật dụng, mỗi buổi sáng nhà vua đích thân dâng vật thực cúng dường ẩn sĩ. Một hôm có phiến loạn, vua dẫn quân đi đánh dẹp. Trước khi đi, vua đã nhiều lần căn dặn hoàng hậu đừng quên cúng dường vị ẩn sĩ. Hoàng hậu vâng theo lời vua, sáng hôm ấy, sau khi chuẩn bị xong hoàng hậu nằm trên ghế chờ đến giờ cúng dường. Vị ẩn sĩ thi triển thần thông bay trên không đến bên cửa sổ hoàng cung. Khi nghe tiếng áo phất qua của ẩn sĩ, hoàng hậu vội vàng ngồi dậy và chẳng may y phục của bà bị tụt rơi xuống. Trông thấy cảnh hoàng hậu bị thoát y, Căn bản vô minh ngủ ngầm trong tâm thức của vị ẩn sĩ liền trổi dậy trở thành Chi mạc vô minh, khiến cho vị ẩn sĩ phạm vào tội dâm. Qua đây có thể thấy do bị che lấp bởi màn đen dầy đặc của vô minh, vị ẩn sĩ đã không thấy được hậu quả xấu ác của hành động ngay trong hiện tại và cả về tương lai. Thiền định và thần thông mà vị ấy đã chứng đắc được suốt một đời tu luyện cũng không đủ sức phá tan màn vô minh đó; trái lại vô minh đã khiến cho các thần thông ấy biến đi mất. Nhưng vị ẩn sĩ ấy do đã thuần thục các pháp Ba-la-mật nên sau khi học được bài học cay đắng đó, vị ấy vô cùng hối hận và sám hối trước mặt vua. Vị ấy nghĩ: “Tôi đã làm một việc xấu ác vì sống quá gần với dân chúng”, nên vị ấy quay về Hi-mã-lạp-sơn nỗ lực hành thiền và chứng đắc các thần thông.
Dưới hình thức thô, si hiển hiện qua hành động và lời nói của những người không có trí. Những người này thường bảo thủ ý kiến của mình, bướng bỉnh, thành kiến, cố chấp, lãnh hội chậm, và có vẻ mặt đần độn si mê. Ý kiến của họ thường là tà kiến, trái với chân lý. Dưới hình thức vi tế, si được hiểu là không nhận chân được thực tướng của vạn hữu. Nó vừa là động lực vừa là hậu thuẫn cho tham và sân phát triển. Lòng tham ái bám víu trong dục lạc, lòng tham ái muốn được hiện hữu và lòng tham ái cho rằng ‘chết là hết’ đều là hiện thân của vô minh. Nói cách khác, do si mê hay vô minh nên sanh khởi tâm tham và sân, tâm tham và tâm sân không bao giờ sanh khởi một mình mà luôn luôn có tâm si đi cùng, chúng năng động mạnh mẽ là nhờ có tâm si, tâm si luôn ủng hộ cho tâm tham và tâm sân. Dù tâm si luôn đi cùng với tham và sân nhưng chức năng của nó chỉ là phụ thuộc, chỉ đi cùng với tham và sân nên khó mà phát hiện được tâm si trong lúc người ta tham hay sân.
Theo Vi Diệu Pháp, si liên hệ với hai tâm sở là nghi ngờ (vicikicchā) và trạo cử (uddhacca). Các nhà chú giải đưa ra hai cách giải thích theo từ nguyên của từ ‘vicikicchā’: (i) ‘vicikicchā’ nghĩa là sự khó chịu do những suy nghĩ khó hiểu, phức tạp, hay người ta không thể quyết định được điều gì cả, người ta bị giao động, khi người ta cố gắng tìm cái gì đó thì họ sẽ bị bối rối và lúng túng. Thật chất, đây là sự do dự, thiếu quả quyết, giống như người ta đang đứng trên con đường có hai hướng rẽ nên không thể quyết định là sẽ đi hướng nào ; (ii) ‘vicikicchā’ là không có phương pháp phù hợp với kiến thức, nên khi có nghi ngờ thì sẽ không có sự hiểu biết đúng đắn, không có kiến thức. Cả hai cách giải thích đều cho thấy rằng vicikicchā (nghi) là sự không hiểu biết, sự nghi ngờ hay lờ mờ do dự. Theo giáo lý là nghi ngờ về Phật, về Pháp, về Tăng, nghi ngờ pháp hành, nghi ngờ Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, . . . Khi si liên hệ với trạo cử, do trạo cử là sự giao động hay sự kích động của tâm trên đối tượng nên tâm không thấy được đối tượng rõ ràng, không tập trung trên đối tượng này và cũng không tập trung trên đối tượng kia.
Dù liên hệ với nghi hay trạo cử, tâm si cũng chỉ có một cảm thọ là thọ xả (upekkha) hay cảm thọ trung tính, không vui không buồn. Thế nên, khi tâm si sanh khởi dù đối tượng đáng ưa thích hiện hữu, nó cũng không kinh nghiệm hay không biết đó là đối tượng đáng ưa thích, và như vậy thọ hỷ không sanh; và khi đối tượng trái ý nghịch lòng hiện hữu nó cũng không biết hay không kinh nghiệm được đó là đối tượng không đáng ưa thích, nên thọ ưu cũng không sanh khởi. Hơn thế nữa, khi tâm bị ám ảnh hay bị che mờ bởi nghi ngờ và trạo cử, nó cũng không có khả năng để quyết định hay đánh giá đối tượng đó, và như vậy không thể liên hệ với thọ hỷ hay thọ ưu. Hai tâm si không mạnh như những tâm tham và tâm sân, chúng là những tâm đần độn mê mờ, vì chúng đần độn mê mờ nên chúng không thể đánh giá được đối tượng như những tâm khác.
Phương pháp đối trị thô tướng của tâm si là cải thiện kiến thức bằng cách học hỏi, rèn luyện tri thức và tư duy. Một người nhờ biết học hỏi, biết lắng nghe, biết suy tư về đạo lý có thể cải thiện tri kiến của mình và loại bỏ dần những thô tướng của si tâm. Đối với si vi tế, chúng ta phải tu tập theo phương pháp Thiền định (Samatha) và Thiền quán (Vipassanā). Thiền định giúp cho tâm thanh tịnh, định tỉnh mở đường cho Thiền quán phát triển, giúp hành giả thấy được thực tướng của các pháp như chúng thực sự là, đó là vô thường, khổ và vô ngã.
Tóm lại, tham, sân và si, đúng như tên gọi của chúng - Tam chướng, đã ngăn trở chúng sanh trên tiến trình giải thoát. Muốn diệt trừ tận gốc ba pháp bất thiện này, hành giả phải hành thiền. Đức Phật dạy: “Thiền quán Tứ niệm xứ là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh, là con đường duy nhất đưa chúng sanh vượt bờ mê đến bến giác”. Đặc tính của tâm chúng ta chỉ là nhận biết đối tượng mà thôi, nó không có tốt hay xấu, thiện hay bất thiện, nhưng nó trở nên tốt hay xấu, thiện hay bất thiện là do các tâm sở liên hệ với nó. Giống như nước không có màu, nước trở nên xanh, vàng, đỏ, . . . là do người ta dùng bột màu bỏ vào nước, nếu không nhuộm màu thì nước tự nhiên trong. Thế nên, các Bậc Tổ Sư thường dạy chúng ta quay về với “chân tâm thường trú, với thể tánh tịnh minh” của mình. Hay như Lục tổ Huệ Năng nói với Thầy Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay lúc đó chính là bản lai diện mục của Thầy Huệ Minh đó”. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cũng xác định: “Trong nhà đã có báu nên không cần tìm kiếm, khi đối cảnh mà không có tâm phân biệt thì không cần hỏi chi về thiền”. Tâm càng phân biệt, càng phản ứng thì càng phiền não, và tham sân si theo đó mà tăng trưởng. Do vậy, hành giả nên hoan hỷ chấp nhận và chăm chỉ thực hành giáo pháp, đây chính là con đường ngắn nhất để đi đến sự giác ngộ giải thoát.
Các bài viết liên quan
- Niềm tin và trí tuệ - Thứ Ba, 15:07 22-01-2019 - xem: 10122 lần
- Phát triển lòng từ - Chủ Nhật, 14:07 20-01-2019 - xem: 8732 lần
- Sống với chữ "Tùy duyên" - Thứ Bảy, 10:06 19-01-2019 - xem: 9712 lần
- Nguồn mạch tâm linh - Thứ Năm, 07:05 10-01-2019 - xem: 8292 lần
- Sám hối thế nào cho đúng - Thứ Tư, 14:23 02-01-2019 - xem: 9965 lần
- Lợi ích của tri túc - Thứ Hai, 08:23 31-12-2018 - xem: 9516 lần
- Tu hiền niệm Phật - Thứ Tư, 12:17 26-12-2018 - xem: 6837 lần
- Vượt qua mê tín - Thứ Năm, 21:44 15-02-2018 - xem: 11967 lần
- Khi chúng tôi yêu thích thiền hành - Chủ Nhật, 08:54 19-11-2017 - xem: 10080 lần
- Trí tuệ cho hôm nay - Thứ Sáu, 08:16 06-10-2017 - xem: 7825 lần
- Sống tỉnh thức - Chủ Nhật, 09:51 07-05-2017 - xem: 9234 lần
- Vai trò của tri thức và sáng tạo trong quá trình thành đạo của Đức Phật - Thứ Năm, 00:32 30-03-2017 - xem: 11627 lần