Tầm quan trọng của Giới Luật trong đời sống tu tập
- TN. Trí Thông
- | Thứ Hai, 22:22 19-01-2015
- | Lượt xem: 9666
Tất cả giới luật Đức Thế Tôn chế định đều là những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho sự giải thoát khổ đau, cắt đứt mọi tham ái ràng buộc. Thế nên, giới luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tu tập giải thoát. Hành trì giới luật là làm theo những lời Đức Phật dạy, luôn sống với sự chế ngự của giới bổn như Đức Phật từng khuyến cáo: “Này các Tỳ-kheo, ta khuyến cáo các người hướng đến Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc phải làm hơn nữa? Thân mạng của chúng ta phải được thanh tịnh, phải hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác…”.
Lại nữa, Đức Thế Tôn dạy: “Nhơn giới sanh định, nhơn định phát tuệ”, muốn cầu được trí tuệ tất phải tu thiền định và trước hết phải giữ gìn giới luật. Nếu giới luật mà khuyết thì thiền định sẽ khó thành. Thiền định không thành thì trí tuệ cũng không do đâu mà phát sinh. Bởi thế, Tam vô lậu học là pháp môn căn bản của người học Phật, cũng như chiếc đỉnh ba chân, thiếu một chân thì không thể đứng được. Cũng vậy, trên đường đi đến giải thoát, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên sẽ khó thành tựu được đạo quả.
Trong đời sống tu tập của mỗi hành giả, giới luật được xem là thức ăn, nước uống để bổ dưỡng cho pháp thân. Giới luật như tròng con mắt của chính mình, hãy thận trọng giữ gìn, nên Đức Thế Tôn luôn nhắc nhở rằng: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Như trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có câu:
“Giới như đèn sáng lớn,
Soi sáng đêm tối tăm,
Giới như gương báu sáng,
Chiếu rọi tất cả pháp”.
Trải qua nhiều thời kỳ, có nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, nhưng giới luật vẫn là vấn đề đầu tiên. Vì nó có thể đem lại sự hưng thịnh hay suy vi cho cộng đồng Tăng chúng, quyết định cho sự tồn vong của Phật giáo. Vấn đề đặt ra không chỉ giải minh trên bình diện lý luận văn chương, mà thực sự chúng ta phải tư duy, xác quyết và trắc nghiệm để mỗi thành viên Tăng hay Ni trong tự viện, tịnh xá, tịnh thất… từng bước hoàn thiện nhân cách phẩm hạnh cho chính bản thân mình, nhằm đem lại đời sống an lạc hiện tại, giải thoát trong tương lai.
Là tu sĩ, việc “thượng cầu hạ hóa” đưa đạo vào đời là hoài bão, song việc dụng tâm giữ gìn phạm hạnh không bị đồng hóa bởi thế tục là điều luôn canh cánh bên lòng. Hai chữ “tùy duyên” được chúng ta thực hiện sao cho có ý nghĩa tích cực: “tùy thuận chúng sanh, dĩ văn tải đạo” đừng để nó bị biểu thị theo nghĩa “phan duyên trần cảnh, ô nhiễm thân tâm”.
Tuy nhiên, với một xã hội hiện đại hóa, văn minh và phát triển, thì chúng ta cũng dùng chút phương tiện giáo hóa thế gian, mới hòa nhập vào cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội một cách hợp lý và trí tuệ.
Nhưng với hình thức nào, phương tiện ra sao, nền tảng căn bản của người xuất gia nhất định không thể phương tiện được, nói rõ hơn những gì thuộc về giới tánh, giới thể đều không thể phương tiện được. Người xuất gia có quyền hòa nhập vào cuộc đời bởi vì “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nhưng không cho nó hòa tan một cách dễ dàng. Chúng ta không nên phương tiện quá mức khiến mình bị thế tục hóa lúc nào không hay.
Với người xuất gia trẻ thời nay có đầy đủ khả năng làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển mạnh, song bên cạnh đó cũng không ít thành phần tham gia phá hoại làm cho Phật pháp ngày một suy vi. Mặc dù Phật giáo chú trọng về tâm, về tánh, không đặt nặng về tướng lắm, nhưng một con sâu làm rầu nồi canh, một chút phân nhỏ có thể làm ô uế căn nhà rộng, do đó ta không thể xem thường được.
Nhiều người xuất gia trẻ thời nay dễ rơi vào trường hợp này, nhưng họ không hề hay biết vì cho rằng phương tiện hóa. Hy vọng rằng họ sẽ sớm tỉnh thức, cho dù hành vi đó trong giới điều của Phật không có, nhưng nó rất nguy hiểm cho Phật giáo chúng ta.
Sống trong một cộng đồng, thường thường việc gì được cho là tốt đẹp thì tập trung phát triển mạnh, điều đó cũng xảy ra không ít phiền toái. Phật giáo đang phát triển trên khắp năm châu bốn bể, nhưng chúng ta đừng sớm hãnh diện và chủ quan mà phải nỗ lực, phấn đấu để bảo vệ Phật pháp ngày càng trong sáng và lành mạnh hơn, vì Phật giáo là đạo trí tuệ, đạo bình đẳng, là đạo sống cho nhân loại, không để cho một vết nhơ làm nhòa cả trang giấy trắng.
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy rằng: “Ma vương ngoại đạo, không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt”, hoặc một câu khác rất có ý nghĩa mà chư Tôn đức Tăng Ni thường trưng dẫn: “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử mà thôi”.
Tóm lại, là người con Phật phải đặt mục tiêu trí tuệ lên hàng đầu. Học thôi chưa đủ mà phải có thực nghiệm. Bằng phương pháp hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân, như thế mới đủ trí lực, đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm hạ, đủ bất khuất để dấn thân trong sứ mạng: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, cho đuốc trí tuệ luôn tỏa sáng.
Lại nữa mỗi hành giả tu tập phải ý thức được rằng giới luật là mạng mạch, là nhịp đập con tim, là không khí, là thức ăn, nước uống cho đời sống hằng ngày. Nếu ai không khéo nỗ lực hành trì một cách nghiêm túc, e rằng đã không đem lại hạnh phúc an lạc, mà ngược lại nó sẽ trở thành sự trói buộc cho chính bản thân mình mà còn ảnh hưởng cho đạo pháp và dân tộc.
Còn nếu ai khéo hộ trì giới luật, xem giới luật là thầy dẫn đường đi trong đêm tối vô minh, người đó sẽ ngày một thăng hoa trong đời sống của tâm linh, sớm cải thiện được mọi hành vi xấu ác, làm cho phẩm hạnh và giá trị đạo đức tăng trưởng một cách trọn vẹn. Bởi đạo đức của một con người theo định nghĩa đều nằm trong giới luật Phật giáo mà ra. Do vậy, nếu một con người, một xã hội, một quốc gia… biết áp dụng giới luật vào đời sống hằng ngày thì điều chắc chắn con người đó, xã hội đó, sẽ không còn cảnh đầu rơi máu đổ, ân oán hận thù xảy ra trong cuộc sống.
Các bài viết liên quan
- Niềm tin và trí tuệ - Thứ Ba, 15:07 22-01-2019 - xem: 10400 lần
- Phát triển lòng từ - Chủ Nhật, 14:07 20-01-2019 - xem: 8929 lần
- Sống với chữ "Tùy duyên" - Thứ Bảy, 10:06 19-01-2019 - xem: 9992 lần
- Nguồn mạch tâm linh - Thứ Năm, 07:05 10-01-2019 - xem: 8465 lần
- Sám hối thế nào cho đúng - Thứ Tư, 14:23 02-01-2019 - xem: 10165 lần
- Lợi ích của tri túc - Thứ Hai, 08:23 31-12-2018 - xem: 9787 lần
- Tu hiền niệm Phật - Thứ Tư, 12:17 26-12-2018 - xem: 6994 lần
- Vượt qua mê tín - Thứ Năm, 21:44 15-02-2018 - xem: 12137 lần
- Khi chúng tôi yêu thích thiền hành - Chủ Nhật, 08:54 19-11-2017 - xem: 10303 lần
- Trí tuệ cho hôm nay - Thứ Sáu, 08:16 06-10-2017 - xem: 8030 lần
- Sống tỉnh thức - Chủ Nhật, 09:51 07-05-2017 - xem: 9444 lần
- Vai trò của tri thức và sáng tạo trong quá trình thành đạo của Đức Phật - Thứ Năm, 00:32 30-03-2017 - xem: 11899 lần