CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tu hiền niệm Phật

(Bài giảng Khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp 17.11. Đinh Dậu)

1. THẾ NÀO GỌI LÀ “HIỀN”

Tự điển Tiếng Việt giải thích “Hiền” có 2 nghĩa chính: (1) Hiền là không dữ, không có những hành động, những tác động gây hại cho người khác, gây cảm giác dễ chịu, không phải ngại, phải sợ khi tiếp xúc. (2) Trái với ác, Hiền là người tốt, ăn ở phải đạo, hết lòng làm tròn bổn phận của mình đối với người khác…

Như vậy, với cách giải thích của tự điển Tiếng Việt về chữ “Hiền” chưa mang nội hàm bao quát. “Hiền” ở đây được xem là “hiền lành”, mà người hiền lành thì đôi khi dễ bị người khác lợi dụng, lấn áp ức hiếp, hay gặp thiệt thòi trong cuộc sống… Quan niệm “ở hiền gặp lành” trong dân gian không giống với định nghĩa “ở hiền trong Phật giáo”. Chữ “hiền” trong Phật giáo là “hiền trí”, tức là hiền lành nhưng không khờ, không thụ động… cái hiền đi đôi với sự hiểu biết chơn chánh.

2. MỘT SỐ ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI “HIỀN TRÍ”

Người hiền trí là người có đầy đủ trí tuệ để nhận biết đúng sai, phải quấy, biết kiểm soát hành vi nơi thân khẩu ý của  mình. Họ là người luôn tránh xa điều ác, siêng làm việc thiện, biết dùng chánh kiến để bảo vệ cái thiện, chống lại cái sai, cái ác…

Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Người ngu, Đức Phật đã chỉ ra những phẩm chất vốn có của người “hiền trí”:

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác pháp lộ có tội, như pháp chấp nhận.

Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Như lý suy tư, đặt câu hỏi; Như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, liền chấp nhận.

Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ẩn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân”…

3. NGƯỜI TU HỌC PHẬT LÀ PHẢI HIỀN THIỆN

Hằng ngày, các Phật tử phát tâm ăn chay, rồi đi chùa tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tu Bát quan trai, tu một ngày an lạc… thế nhưng các vị tự hỏi lòng mình có thật sự hiền thiện chưa? Hay những lúc gặp những điều chướng tai, gai mắt, gặp những việc bất như ý thì tâm dễ sân si, gặp của quý thì tâm tham dễ khởi. Khi đó, tâm liền móng khởi những tư tưởng xấu quấy ác. Do có những sự việc xảy ra như thế, nên dân gian mới có câu:

Ngoài miệng thì niệm nam mô

Trong bụng thì chứa một bồ dao găm”,

Hay là:

“Sân si nghiệp chướng không chừa

Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?”

Những câu này để chế giễu những người tu ăn chay mà tâm còn dữ quá, chưa hiền diệu. Ấy là chúng ta chưa thật sự tu tập, chưa thật sự niếm một chút hương vị của chánh pháp, chưa có sự thân chứng trong việc tu học nên khi gặp ngoại cảnh chi phối, gặp chướng duyên thì tâm liền phát khởi các bất thiện pháp.

Nếp sống đạo đức của người Phật tử, được mô tả trong kinh Pháp cú (phẩm Phẫn nộ), là nếp sống chuyên phòng hộ và tu tập ba nghiệp, không để cho ba nghiệp rơi vào hành vi ác, bất thiện. Nếp sống đạo đức của người Phật tử là nếp sống biết làm điều gì và không làm điều gì.

Bậc hiền không hại ai

Thân thường được chế ngự

Đạt được cảnh bất tử

Đến đây, không ưu sầu.

(PC.225)

Bậc trí bảo vệ thân

Bảo vệ luôn lời nói

Bảo vệ cả tâm tư

Ba nghiệp khéo bảo vệ.

(PC.234)

Người Phật tử tu tập cần nên kiểm soát thân tâm của mình trong mỗi lúc. Giá trị của người tu không phải nằm ở vẻ đẹp hình thức bên ngoài, mà chính là sự thanh tịnh nơi tâm, sự chế ngự được tham sân, ganh ghét, dối trá… Do đó, bất cứ hành vi nào đem đến sự nhiễm ô, làm ngăn cản con đường tu tập giác ngộ thì người Phật tử cần nên chánh niệm tỉnh giác nhận ra, để từ bỏ chúng.

Không phải nói lưu loát

Không phải sắc mặc đẹp

Thành được người lương thiện

Nếu ganh, tham, dối trá.

Ai cắt được, phá được

Tận gốc nhổ tâm ấy

Người trí ấy diệt sân

Được gọi người hiền thiện.

(PC.262-263)

4. GIỮ GÌN TAM NGHIỆP THUẦN THIỆN, NIỆM PHẬT DỄ NHẤT TÂM

Kinh Pháp Hoa, Phẩm Thí Dụ, Đức Phật dạy: “Ba cõi bất an, giống như ở trong nhà lửa”. Thật vậy, chúng sanh vì nghiệp thức vô minh nên gây tạo các điều bất thiện để rồi trôi lăn khổ đau trong tam giới. Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện dẫn dắt chúng sanh, chỉ cho chúng sanh biết bản chất khổ đau trong kiếp sống và con đường diệt tận khổ đau ấy. Một trong những ý pháp thâm diệu và côt yếu, mà Đức Phật dạy cho chúng đệ tử tu tập đó là “Tịnh hóa Tam nghiệp”.

Trong một lần gia chủ Anathapindika (Cấp-cô-độc) diện kiến Đức Thế Tôn. Sau khi cung kính đảnh lễ, gia chủ được Thế Tôn chỉ dạy pháp tu tập này như sau:

Này gia chủ, khi tâm không phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp cũng không phòng hộ, ý nghiệp cũng không phòng hộ. Với ai thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không phòng hộ, thời thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy. Với ai tam nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp... ý nghiệp bị hủ bại. Với ai tam nghiệp bị hủ bại, sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.

Liền sau đó, Thế Tôn đưa ra ví dụ sinh động dễ hiểu: Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn vụng lợp, thời nóc nhọn không được phòng hộ, rui kèo không được phòng hộ, vách tường không được phòng hộ. Khi ấy, nóc nhọn bị đầy ứ, rỉ nước; các rui kèo, các vách tường bị đầy ứ, rỉ nước; nóc nhọn, rui kèo, vách tường bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm không được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không được phòng hộ, khẩu nghiệp... ý nghiệp... sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện. (Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Chánh giác, Phần Nóc nhọc [lược])

Bài kệ Sấu khẩu mà người mỗi vị xuất gia thầm quán tưởng trước khi súc miệng, chư Tổ cũng đã nhấn mạnh ý pháp sự tịnh hóa tam nghiệp:

“Sấu khẩu liên tâm tịnh, vẫn thủy bách hoa hương, tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”.  

Dịch nghĩa:

Như súc miệng sạch luôn lòng

Như ngậm nước thơm trăm bông

Ba nghiệp hằng thanh tịnh

Đồng Phật vãng Tây phương.

Như vậy, khi các Phật tử tu tập làm cho ba nghiệp hằng trong sạch thì đồng với Phật về cõi Tây phương Tịnh độ. Tây phương Tịnh độ hiện tiền mà chúng ta đã đạt được thì sau khi thân hoại mạng chung, nhất định sẽ được vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà, bởi vì khi ấy tâm của ta và Phật tương ưng, cùng thanh tịnh, trong sáng... Nếu không bỏ ba nghiệp ác mà cố niệm Phật, niệm nhiều câu Phật hiệu A-di-đà, cũng chẳng những không được Phật rước về, mà còn phải chịu khổ đau về sau, do những hành nghiệp bất thiện hiện tại gieo trồng.

Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, khẩu, ý. Tịnh hoá tam nghiệp nghĩa là tu sửa, thanh lọc thân, khẩu, ý bất thiện dần dần trở nên thuần thiện, an lạc. Sự xem xét và phản tỉnh về tam nghiệp là rất quan trọng trong việc tịnh hóa tam nghiệp, bởi vì có xem xét, phản tỉnh người tu mới biết điều gì nên làm (được bậc trí tán thán) và không nên làm (bị người trí chỉ trích). Có như thế, chúng ta mới chặn đứng các điều ác, và khích lệ sự tu tập tăng trưởng điều thiện đã làm. Do vậy, mà Đức Phật đã luôn nhắc nhở người tu tập phải biết dừng bỏ những điều ác bất thiện nơi thân tâm, nhiệt tâm tỉnh giác niệm Phật thì mới đạt được sự nhất tâm bất loạn:

Đệ tử Gotama

Luôn luôn tự tỉnh giác

Bất luận ngày hay đêm

Thường tưởng niệm Phật đà.

(PC.296)

Người siêng năng cần mẫn

Thường thường quán thân niệm

Không làm việc không đáng

Gắng làm việc đáng làm

Người tư niệm tỉnh giác

Lậu hoặc được tiêu trừ.

(PC.293)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: