Các thuật ngữ trong bài kệ Quán Tưởng Đức Phật
- Hoàng Thiên hỏi; TK. Giác Hoàng trả lời
- | Thứ Bảy, 21:43 18-01-2014
- | Lượt xem: 11018
Kính bạch quý Thầy Cô,
Xin quý Thầy Cô vui lòng cho biết ý nghĩa của thuật ngữ “Lưới đế châu” và các thuật ngữ khác trong bài kệ “Quán Tưởng.”
Bản tiếng Việt :
Phật và chúng sinh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.
Lưới Đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.
Trước bảo toạ thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.
Bản Hán Việt:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Ngã thử đạo tràng như Đế châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung.
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
Xin đa tạ và kính chúc quý Thầy Cô thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường.
Trân trọng,
Hoàng Thiên.
*******
Xin chào Phật tử Hoàng Thiên,
Quý Thầy lần lượt giải thích các thuật ngữ trong bài kệ sau:
Năng lễ: chỉ cho người đảnh lễ, tức là người đang đảnh lễ Phật hoặc chư Bồ-tát. Bản tiếng Việt dịch ý là chúng sanh.
Sở lễ: chỉ cho đối tượng được đảnh lễ, tức là chư Phật và chư đai Bồ-tát. Bản dịch Việt dịch ý là Phật.
Tánh không tịch: dịch là tánh rỗng lặng. Tâm không vướng mắc các pháp, nên gọi là tâm không; không loạn động điên đảo nên gọi là Tịch. Ý ở đây muốn nói, bản giác thanh tịnh của đức Phật và tất cả chúng sanh đều như nhau, đều trong sạch và không vướng mắc.
Cảm ứng đạo giao: Tâm của người lễ và chư Phật giao thoa với nhau, không có gì làm trở ngại khi con người có tâm với đạo.
Nan tư nghì: nghĩa là khó suy nghĩ cho cùng tận, nên dịch là “không thể nghĩ bàn”.
Ngã thử đạo tràng: Dịch sát văn là “Đạo tràng này của ta”.
Như đế châu: Như lưới châu của Đế-thích. Trong một số sách ghi lại, lưới châu trên cung trời Đế-thích rất đẹp, nên cổ đức đã dùng hình ảnh Lưới Châu của cung trời Đế-thích để ví với sự trang nghiêm thanh tịnh của đạo tràng.
Thập phương chư Phật: mười phương chư Phật.
Ảnh hiện trung: hình ảnh của chư Phật hiện trong đó.
Ngã thân: thân ta
Chư Phật tiền: trước chư Phật
Đầu diện tiếp túc: đầu mặt cúi sát chân của mình
Quy mạng lễ: hết lòng xin đảnh lễ
Dịch sát nghĩa bài kệ trên: Người đảnh lễ và đối tượng được lễ bản tánh đều vắng lặng, không vướng mắc. Sự cảm ứng của đạo không thể nghĩ bàn. Đạo tràng của chúng ta như lưới Châu của cung trời Đế-thích, mười phương chư Phật đều ảnh hiện trong đó, thân của người hành lễ cũng đang ảnh hiện trong đó, đầu mặt của người hành lễ cúi xuống với tất cả tâm thành xin đảnh lễ chư Phật.
Hoà thượng Thích Thiện Siêu dịch sang tiếng Việt có một vài câu hơi thoát, nhưng cực kỳ hay. Theo ý Thầy, bản dịch Việt này còn hay hơn nguyên tác tiếng Hán nữa.
Chúc Phật tử an vui và tinh tấn đảnh lễ chư Phật để củng cố niềm tin với chánh Pháp và tăng trưởng công đức lành.
Các bài viết liên quan
- Trở về đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh - Chủ Nhật, 10:03 22-02-2015 - xem: 7638 lần
- Ba câu hỏi liên quan đến bùa chú Lỗ Ban và Năm Ông - Thứ Sáu, 21:52 24-01-2014 - xem: 323803 lần
- Các thuật ngữ trong bài kệ Quán Tưởng Đức Phật - Thứ Bảy, 21:43 18-01-2014 - xem: 11018 lần
- Làm các hạnh lành, tâm nguyện có được viên mãn không? - Thứ Sáu, 21:46 10-01-2014 - xem: 6927 lần
- Vài câu hỏi Phật học - Thứ Bảy, 21:44 04-01-2014 - xem: 6459 lần
- Câu chuyện cổ tích về tiền thân của Bồ-Tát Quán Thế Âm - Thứ Bảy, 23:45 05-04-2014 - xem: 9073 lần
- Một khi đã giác ngộ, giải thoát rồi, có còn bị nhiễm ô nữa hay không? - Thứ Sáu, 21:15 27-12-2013 - xem: 5968 lần
- Cúng dường người không phạm hạnh có phước không? - Thứ Sáu, 21:55 20-12-2013 - xem: 6787 lần
- Đức Phật sinh ngày tháng năm nào? - Thứ Bảy, 22:03 14-12-2013 - xem: 8284 lần
- Phật có cấm người tu hai pháp môn không? - Thứ Bảy, 21:39 07-12-2013 - xem: 8246 lần
- Duyên Khởi nào đức Thế Tôn thuyết “Tứ Nhiếp Pháp”? - Thứ Sáu, 21:53 06-12-2013 - xem: 7726 lần
- Tọa cụ và bồ đoàn khác nhau như thế nào? - Thứ Bảy, 22:08 30-11-2013 - xem: 10852 lần