Chiến công đích thực
- Liên Anh
- | Thứ Năm, 22:14 21-11-2013
- | Lượt xem: 4179
Có một điều mà có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng sở dĩ xã hội có những vấn đề như bất công, tham nhũng, trộm cướp, không an ninh, bất ổn, bệnh tật, nghèo khó, v.v... căn nguyên là do con người còn vô minh, bị các phiền não như tham, sân, si chi phối. Khi từng cá nhân biết tự chuyển hóa tâm thức, giảm trừ hay tận diệt được vô minh và các phiền não thì xã hội sẽ bớt dần thành viên tác tạo những vấn đề khó khăn và thêm dần thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng.
Trong những bài Pháp dạy cho hàng đệ tử lúc sinh tiền, đức Phật đã đưa ra những phương thức chuyển hóa vừa mang tính triệt để cho từng cá nhân, vừa mang tính phổ cập cho quảng đại quần chúng nhân sinh, chẳng hạn: Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nhiếp pháp, Lục độ, v.v… không phải chỉ mang lại đời sống an lạc và giải thoát cho cá nhân không thôi, mà còn đem lại sự ổn định trật tự, an ninh, tinh thần tích cực dấn thân cho xã hội. Đặc biệt, giáo nghĩa Lục độ là nền tảng xây dựng Bồ tát đạo – con đường vị tha toàn diện, lấy việc cứu độ khổ ách chúng sinh làm bản nguyện để qua đó tu tập và khai mở tâm đại từ bi, đồng thời phát huy diệu dụng của trí tuệ Bát-nhã, thành tựu mục đích tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Theo Đức Phật, con người cần phải kiên trì chiến đấu không ngừng với những đạo quân ma vương vô hình nguy hiểm, để an trụ tâm, hàng phục tâm; phải tự nỗ lực khắc phục những tánh hư tật xấu, để xây dựng một nhân cách hoàn thiện, từ bỏ cái ta chấp giữ và bảo thủ nó, tránh xa lòng ích kỷ nhỏ nhen, luôn nghĩ đến làm lợi ích cho tha nhân, diệt lòng kiêu căng ngã mạn, đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê, đoạn trừ tất cả những phiền não quấy rối thân tâm, làm cho chúng không tái sanh trong tương lai. Đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân ngoài trận tuyến, không bằng chiến thắng chính lòng mình. Tự chiến thắng lòng mình ấy là chiến công oanh liệt nhất”(Kinh Pháp Cú).
“Nỗi khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng và cái khổ của việc uống nước đồng sôi, nuốt hòn sắt nóng cũng chưa phải là khổ. Chỉ có vô minh không tìm thấy lối đi mới thực sự là khổ” (trích Phật ngôn). “ Đối với ta, chết trong chiến đấu chống lại dục vọng còn thập phần danh dự hơn là sống đời mù quáng thấp hèn”. (Lời Đức Phật Thích Ca).
Trước tiên, chúng ta cần tự cật vấn tấm thân ngũ uẩn giả hợp của chính mình. Hãy tư duy về nó trong mỗi lúc, và quán xét cho cùng tột lẽ thật về cuộc đời mình mới mong thấu đạt đến số phận của bản ngã phàm phu. Nó vốn là rào cản, là sợi dây chướng ngại vô hình bấy lâu buộc thắt, cột trói tâm trí mình trong ảo não, muộn phiền, trong bóng tối vô minh. Nhưng việc trừng trị, hàng phục giặc nội tâm ở cách xa ta, quá tầm tay với không phải là dễ. Vì vậy chúng ta cần phải có phương án, kế hoạch tối ưu.
Sự hình thành lực lượng cũng như căn cứ địa và bản doanh kiên cố của lũ giặc, ta nên hình dung tương đối như thế nào cho dễ hiểu? Trước hết, nên biết rằng quốc gia của chúng chính là đế quốc đen Địa Ngục. Tướng soái thực dân được đề cử chỉ huy căn cứ địch trên lãnh thổ thuộc địa là tên vô lại Vô Minh. Dưới quyền của y có ba phó tướng soái là Tham, Sân, Si mù quáng điên rồ; các binh sĩ háo thắng được phân chia thành sáu binh đoàn do các tên tướng lĩnh cực kỳ phóng túng cầm đầu là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Ngoài chức năng cầm đầu một binh đoàn, riêng tướng giặc Ý lăng xăng còn kiêm nhiệm thêm chức vụ tổng tham mưu binh lực giặc với số tinh binh hùng hậu là tám vạn bốn ngàn lính phiền não, thêm vào đó là lực lượng phiến quân đông vô số kể, chuyên gây bạo loạn trong quần chúng nhân dân do chúng câu kết, móc nối những phần tử cực đoan côn đồ từ nhiều vùng cư dân bản địa sẵn sàng làm tay sai, a tòng liều chết theo bọn chúng với chừng ấy lực lượng như vậy đã từng bao phen làm mưa làm gió, gieo rắc biết bao đau thương, bao nỗi kinh hoàng, tai ương, khốn lụy (xôn xao dư luận) nơi lãnh địa của tiểu quốc có tên là thiểu trí ngu muội với những đồn bót, vọng gác SI MÊ kiên cố lại thêm sự trang bị những vũ khí u tối, càn bướng, giận hờn, nóng nảy tối tân hiện đại, lại được sự bao bọc che chắn bởi những tường thành Hắc Ám, những giao thông hào xuẩn đục, những hàng rào kẽm gai quá khích tạo thành tuyến phòng thủ nghiệp chướng nặng nề được xem như bất khả xâm phạm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nên biết rằng giặc nội tâm là loại giặc tinh quái ranh ma, trớ trêu lại hay trở chứng bất thường.
Để đối phó hữu hiệu với bọn giặc nanh vuốt ấy, bộ chỉ huy quân sự của chính phủ cần phải nên ban bố lệnh giới nghiêm thật nghiêm ngặt, tuyệt đối trong những giờ giấc ăn không ngồi rồi, không cho hạng thường dân ngồi lê đôi mách, nói hành, tật đố đi rong trên những nẻo đường tà vạy, gian xảo, những vị trí quân sự chiến lược Tịch Mặc, Trang Nghiêm và phải cảnh giác ma mãnh, xảo ngôn, ỷ ngữ. Phải lập nhiều chốt kiểm soát tịnh khẩu, những vị trí quân sự chiến lược tịch mặc, trang nghiêm và phải cảnh giác tối đa, không được lơ là đối với bọn gián điệp tạp niệm, phóng giật, bởi bọn chúng có thể phá vỡ kế hoạch trong vòng chỉ một phút giây khinh suất.
Chủ trương của chính phủ bị đô hộ là giáo hóa được giặc khiến chúng phải thần phục, đầu hàng và chỉ có việc là tước đoạt vũ khí, khí tài của chúng nhưng nếu cần là cũng có thể truy sát ngay đối thủ mù quáng, càn bậy, lếu rộn, láo khoét một cách chính xác trong những tình thế nguy kịch đầy vẻ man trá sượng sùng.
Để đạt được thắng lợi một cách triệt để như thế, vua TÂM (chủ nhân ông) nên cử vị tướng tài ba có tên là TRÍ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA làm đại nguyên soái để thống lĩnh ba quân xung trận theo chiến thuật thầm lặng tiến công địch.
“Những người đức hạnh xưa nay
Đều là chiến sĩ dạn dày gian nan
Chiến công thầm lặng nơi tâm
Vượt bao thử thách vô vàn chông gai”.
Do tiềm lực của địch chủ yếu gồm có sáu binh đoàn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, vì vậy vua TÂM cần nên lập ra kế hoạch tác chiến, phân công cụ thể theo sách lược đã được hoạch định một cách cẩn thận. Các binh đoàn tinh nhuệ để tác chiến không thể thiếu như: MẬT HẠNH, MẬT NGUYỆN, MẬT CHÚ, MẬT NIỆM, MẬT ĐỊNH với sự cầm quân của sáu vị tướng lĩnh (LỤC ĐỘ BA LA MẬT) xuất chúng nhằm để đối trị với LỤC TẶC (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
- Vua TÂM, do sau khi thiền quán, định tĩnh mới vỡ lẽ ra rằng cái gì thuộc về THẤY thảy đều là ảo ảnh không thực có, không thể cho là có của mình, tạm cho là có của mình cũng chỉ trong nhất thời. Vậy nên hãy đem cho chúng đi hết thảy mà không hề tiếc nuối, tuyệt đối không gìn lại chút gì mảy may kể cả tấm thân tứ đại giả hợp này. Nếu đã cho ai một vật gì mà còn nghĩ tưởng tiếc nuối, lưu luyến thì đích thực là bọn giặc THAM vẫn còn lẫn khuất trong tâm chưa muốn dời chân lui bước. Như vậy ta phải làm sao, bằng cách nào để tống khứ bọn chúng? Điều này buộc hành giả phải tự mình quyết liệt gột rửa, tẩy xóa trần tâm lầm chấp mê muội của chính mình. Lại nữa, trong việc bố thí nếu còn có ý định nêu danh tánh, số lượng vật chất hoặc kể lể thành tích, thì không thể cho là BA LA MẬT được! Người được gọi là có hành vi bố thí ba-la-mật phải là người có tâm niệm bố thí không tính toán so đo chi cả, thậm chí không hề tiếc rẻ đến thân mạng của chính mình để nhằm mục đích cứu nguy, giúp cho người, cho đời. Bố thí ba-la-mật còn có thể là việc bố thí mà ngoài mình ra không nhất thiết là phải có người khác biết đến việc này. Đó là phần hành của vị tướng lĩnh BỐ THÍ BA LA MẬT.
- Điều gì thuộc về NGHE, thảy đều không cho là có thật, hoặc nếu tạm cho rằng có thật cũng đều nên bỏ qua ngoài tai mà không hề giữ lại chút âm thanh mảy may nào hết. Nếu nghe điều gì để rồi sanh tâm hoan hỷ hay oán hờn, hoặc đem việc nghe ngóng để trần tình bộc bạch cho người khác cùng được biết, như vậy rất dễ dàng bị địch phát hiện và trở nên bất lợi. Thế nên mặc dù nghe lời thanh, tiếng tục, lời nịnh hót, tiếng chê bai, việc bốn phương thiên hạ, việc trên trời dưới đất, việc dựng chuyện tầm phào, việc đặt điều vu khống v.v… cũng không đối hoài bận tâm vướng mắc. Đó là phần hành của vị tướng lĩnh TRÌ GIỚI BA LA MẬT.
- Bất kể mùi vị gì do MŨI ngửi thảy đều là hư dối, chẳng khác làn hương thoảng qua trước gió, có đó rồi không đó. Mùi gì cũng không giữ nơi khứu giác được lâu dài. Vả chăng giữ lại mùi vị để mà làm gì dẫu cho là mùi thơm vang lừng của muôn loại hương hoa tỏa ra choáng ngợp cả bầu trời cũng chỉ trong phút chốc rồi tan biến theo làn gió mà thôi. Do biết được vậy nên không có chút mảy may tríu mến làm gì. Đó là phần hành của vị tướng lĩnh NHẪN NHỤC BA LA MẬT.
- LƯỠI dầu có nếm phải bất kỳ vị gì chăng nữa cũng coi như chỉ trong giây phút phù du, có đó rồi lại không. Bởi vị gì, cho dù ngon ngọt đến đâu chẳng qua chỉ là sự lầm chấp say mê nơi đầu lưỡi. Đây cũng là một trong những tên giặc háo hức hết sức nguy hiểm. Bởi vì nó lầm tưởng rằng chính nó đem lại sự thỏa thích, thú vị, đam mê, khoái trá cho sự ham muốn của xác thân. Ngờ đâu lắm phen nó đã gây biết bao khốn lụy, đau thương đến tâm trí phàm phu tục tử. Đó là phần hành đối phó của vị tướng lĩnh TINH TẤN BA LA MẬT.
- Tấm thân người ví như là chiếc áo, dẫu cho có đủ thứ hình dạng phong phú, chất liệu tốt đẹp, màu sắc sặc sỡ thì theo dòng thời gian gió bụi cũng sẽ phải nhạt nhòa, nhàu cũ, rồi rách rưới. Thế thôi! Tấm thân người nào có bền chắc gì đâu, một khi rủi ro chợt đến sẽ mất mạng tức thì. Có đến hàng vạn nguyên nhân khác nhau dẫn đến mạng vong. Lẽ đó nhà Phật cho rằng ngọn lửa vô thường đang đốt cháy cả thế gian là vậy. Mới thấy đó thoạt liền mất đó. Áo tuy còn mới nhưng gặp lửa liền cháy ra tro, khác nào lá tuy còn xanh nhưng gặp cơn giông bão cũng sớm vội lìa cành. Thân vốn dĩ không thật có. Nó rất đỗi mong manh, đâu bền chắc chi đâu mà mơ tưởng vọng cầu, muốn ham, say đắm. Hễ càng đắm lại càng say, mà một khi mãi lo tô bồi, dồi trau, sức ướp nó, lại không dè khiến bi lụy, quỵ ngã, có khi chết mất cả tâm lẫn trí. Nếu ta xem thân là trọng, thì lắm khi quên mất bản tâm bởi vì cứ phó mặc cho bao vật chất nó cai trị mình, thì còn gì là lý trí sáng suốt nữa. Suốt đời cứ làm thân nô lệ theo dục lạc rù quến, lôi kéo vào hầm sâu vô minh tối đen và nhơ nhớp. Chiếc áo lâu ngày rồi cũng cũ rách. Tấm thân theo dòng thời gian rồi cũng già nua bệnh hoạn và chết chóc. Tiếc thay, cả một đời vất vả gian lao cũng để rồi chỉ trong một giây phút là mai một như công Dã Tràng xe cát. Ngẫm ra thật uổng phí biết dường bao! Tấm THÂN dẫu cho có cảm nhận nóng lạnh, mượt mà mềm mại qua xúc giác va chạm như thế nào cũng coi như mảnh hình hài giả tạm vô thường, có đó liền không đó, không nên có chút mảy may lấy làm tríu mến. Đó là phần hành của vị tướng lĩnh THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT.
- Trong số sáu tên giặc MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý phải nói rằng đáng ngại nhất là tên giặc Ý cuồng si. Tại sao như thế? Bởi vì Ý vốn phóng đãng, thay đổi thất thường khi vầy khi khác, không thể nào lường trước được. Ý có thể làm khuynh đảo nhiều sự kiện từ nhỏ cho đến lớn của biết bao công việc, công trình. Ngoài ra Ý còn có thể làm thay đổi cả khuynh hướng, trào lưu, chế độ, thế hệ. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, thậm chí là hằng giây. Ý có thể thay đổi một cách đột ngột, bất ngờ cả cuộc đời người. Trong đời sống, nếu không có biện pháp khống chế, trị liệu ắt Ý dễ sinh ra biến động liên miên, thường thì rất nên tai hại. Ý có thể muốn tột cùng rồi lại cũng chê chán đến tột cùng. Ý dễ bị nhiễm bụi trần lao đen đúa, do nhiều năm tháng lặn hụp trong vũng bùn lầy tăm tối vô minh, nên Ý không còn chủ động được chính nó. Thế tất nó sẽ bị dẫn dắt, kéo lôi vào nẻo vạy đường tà có khi bị thúc thủ co ngoe hết đường lui tới. Nếu cho rằng Ý là ta thì điều này rõ là mù quáng quá, bởi Ý, xét cho cùng thì nó đâu có phải là TA, vì cái TA cũng vẫn còn chưa có nữa kia! Ấy vậy mà có lắm người cứ mãi để cho Ý tác oai tác quái chế ngự mình và phải phục tùng vâng theo lệnh dắt lôi của nó mà không có ngờ đến việc Ý vốn bị mê mờ đắm đuối trôi lăn trong dòng chảy tháng năm u tối trong chốn phong trần cát bụi rất đổi phù du. Chính giặc Ý nó làm cho tắt nghẽn, mất phương hướng siêu vượt của con người trên nẻo đường luân hồi sanh tử. Ý phàm phu luôn vọng động vốn hai chiều phản diện nhau, lúc buồn lúc vui, khi ưa khi ghét, khi mừng khi giận, khi muốn khi không, v.v… chẳng khác nào con ngựa chứng lại không có dây cương hàm thiếc chạy rong ruổi tứ tung chợt thế này chợt thế kia vốn không thực có. Lẽ đó, không nên có chút mảy may bận bịu, dính mắc làm gì. Đó là phần hành của vị tướng lĩnh TRÍ TUỆ BA LA MẬT.
Pháp tu ba-la-mật chính là diệu pháp phương tiện đưa hành giả đến bờ giác ngạn. Người tu đạt ngộ phải là người có đức hạnh trang nghiêm, mà muốn vậy tự mình phải nghiêm mật dồi trau không cho sơ hở tẩu lậu ra ngoài. Hành giả nên thường quán tưởng xem xét soi rọi tâm trí mình trong mỗi lúc. Nên kiểm soát kiểm tra các ý tưởng lăng xăng, rộn nhọc, khiến chúng ngưng bặt cuồng vọng và làm chủ được tâm mình một cách trọn vẹn. Có thế mới cho là bậc lương đống, trượng phu, mới xứng danh là Thích tử.
Để dành lại độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho đất nước mình, nhiệm vụ của sáu vị tướng lĩnh LỤC ĐỘ BA LA MẬT thầm lặng tiến công quyết chiến quyết thắng nhằm trừ khử, tẩy chay, khiến hàng phục đối với các tên tướng giặc THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC, KHỨU GIÁC, VỊ GIÁC, XÚC GIÁC và tên giặc Ý đầu sỏ (có thể tạm gọi là ẢO GIÁC) mà chủ trương của vua Tâm là tránh việc sát thủ và cũng chỉ cốt làm sao để chuyển hóa thái độ tư cách của bọn giặc nhằm xóa bỏ hận thù, khiến thù thành bạn, hay nói một cách khác, thù tức cũng là bạn (PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ).
Kẻ giặc cho đến lúc quy hàng còn cần sự trợ giúp những món ăn tinh thần (thuyết giảng đạo lý) những thức uống mát mẻ (mưa pháp xối chan) để chúng có cơ hội quay đầu về nơi bến giác(tự do tự tại).
Binh pháp từ xưa đã khẳng định rằng: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết rõ tiềm năng và hiểu rõ tâm lý ý đồ của địch, thậm chí là phải đi guốc vào bụng địch, biết thấu tim đen của địch mới chắc chắn nắm được phần thắng lợi hoàn toàn. Chẳng hạn như phải biết khi nào đánh theo chiến thuật du kích (nghe ngóng qua thông tin, truyền thông qua báo đài), khi nào áp dụng chiến thuật biển người (mục kích, mắt thấy, tai nghe), khi nào cần điều động đến lực lượng pháo binh (thần chú Thủ Lăng Nghiêm) để công phá các hầm bí mật trì trệ, lầm tưởng,… hay có khi phải dùng đến hơi ngạt khói cay (Kinh Kim Cang) hoặc dùng bộc phá hay bom mìn hạng nặng (Bát Nhã Tâm Kinh) để công phá những lô cốt sắt giải đãi, biếng lười, những công sự bê tông chấp nê, hạn hẹp lâu đời.
Nhìn lại xã hội qua các chặng đường lịch sử và qua những bài pháp mang thông điệp của đức Phật, chúng ta rút ra nhận xét rằng nếu muốn đem lại hòa bình an lạc cho nhân loại, niềm an lạc này phải được xây dựng từ mỗi cá nhân. Mỗi con người phải tự nỗ lực khắc phục những thói hư tật xấu để tự xây dựng một nhân cách toàn diện. Việc lánh xa cuộc đời không hẳn là không có những tư tưởng tích cực. Ngược lại, người tu sĩ cần nhập thế với tinh thần “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, dùng phương pháp thích hợp để giảng dạy. Đức Phật dạy: “Hãy tích cực hoạt động để tạo an lành cho kẻ khác” (Kinh Ni Dà Ta - Tiểu Bộ).
Đạo Phật vốn tiềm ẩn những yếu tố tích cực hoạt động nhập thế vào cuộc đời như lời Lục Tổ Huệ Năng:
“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Do như cầu thố giác”
Qua đó, chúng ta xác nhận rằng đạo Phật rất thiết thực và quan hệ mật thiết với xã hội loài người, không làm chính trị hay tranh đấu với bất kỳ ai, sống không vị kỷ mà đầy lòng vị tha, quên mình vì mọi người, coi nhẹ quyền lợi, đặt quyền lợi chung lên trên, bỏ đi chủ nghĩa cá nhân để hòa mình vào tập thể, không còn mắc kẹt vào lưới chấp thủ, thương ghét, chọn lựa… không còn tư tưởng đấu tranh để bảo vệ những sở hữu cá nhân, để hài hòa với đời sống mọi người, và đáp ứng nhu cầu thiết thực đến cuộc đời, sống một đời có ý nghĩa là đem nguồn an lạc cho mình, cho người, cho xã hội, cho đất nước. Những người đệ tử Phật chỉ âm thầm giữ mật hạnh trau dồi thân tâm, chiến đấu với những thử thách, nghịch cảnh diễn ra trong cuộc đời và trong chính tự tâm hồn của mình để dẹp tan lũ giặc lòng phiền não, tham ái, từ muôn kiếp vô minh để tìm lấy an lạc hạnh phúc chân thật vĩnh cửu Niết-bàn tịch mặc và để ngay trong đời sống hiện tại thể hiện tấm gương từ bi, bình đẳng, trí tuệ cho nhân loại với thông điệp kêu gọi hòa bình bằng tinh thần bất bạo động; có chăng, chúng ta phải cần biết ứng biến để đối phó, dập tắt ngay hỏa lực nguy hiểm của lũ giặc lòng của chính ta theo tình thế mỗi lúc mỗi nơi sao cho phù hợp với binh pháp, chiến lược đã được dày công hoạch định. Đó là kho tàng Pháp bảo của đức Phật để lại để buổi hoàng hôn tím tái VÔ TRI VÔ THỨC của mỗi chúng ta không phải bị chìm lĩm, lọt thỏm vào bóng đêm đen đủi VÔ MINH, mịt mờ, tăm tối…
Và, nếu chúng ta hiểu được rằng:
Từ bi, bác ái, vị tha,
Là nền tảng của những nhà từ tâm.
Thong dong, tĩnh lặng, thâm trầm,
Tâm buông, ý xả cao thanh diệu dàng.
(Trích: “Trái Tim Quảng Đức”, Hàn Linh Giang)
Thì thế tất sẽ hoàn toàn thắng được lũ giặc lòng và đạt đến mục đích tối hậu là thõng tay đi vào cõi chân không, bất tử muôn đời.
Các bài viết liên quan
- Niềm tin và trí tuệ - Thứ Ba, 15:07 22-01-2019 - xem: 7873 lần
- Phát triển lòng từ - Chủ Nhật, 14:07 20-01-2019 - xem: 7131 lần
- Sống với chữ "Tùy duyên" - Thứ Bảy, 10:06 19-01-2019 - xem: 7465 lần
- Nguồn mạch tâm linh - Thứ Năm, 07:05 10-01-2019 - xem: 6852 lần
- Sám hối thế nào cho đúng - Thứ Tư, 14:23 02-01-2019 - xem: 7789 lần
- Lợi ích của tri túc - Thứ Hai, 08:23 31-12-2018 - xem: 7690 lần
- Tu hiền niệm Phật - Thứ Tư, 12:17 26-12-2018 - xem: 5520 lần
- Vượt qua mê tín - Thứ Năm, 21:44 15-02-2018 - xem: 8701 lần
- Khi chúng tôi yêu thích thiền hành - Chủ Nhật, 08:54 19-11-2017 - xem: 8461 lần
- Trí tuệ cho hôm nay - Thứ Sáu, 08:16 06-10-2017 - xem: 6462 lần
- Sống tỉnh thức - Chủ Nhật, 09:51 07-05-2017 - xem: 7875 lần
- Vai trò của tri thức và sáng tạo trong quá trình thành đạo của Đức Phật - Thứ Năm, 00:32 30-03-2017 - xem: 7846 lần