CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Điều phục lòng sân giận

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì? Đó là để cho chúng ta biết yêu thương, biết chia sẻ, biết nhường nhịn lẫn nhau, để cho cuộc sống thêm ấm áp, đem lòng từ bi trang trải cho mọi người đươc hạnh phúc. Nhưng thật là khó thay, trong cuộc sống sự cám dỗ của vật chất, chạy đua theo vật chất, xảy ra những cuộc tranh giành lẫn nhau và lòng sân hận muốn trả thù tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta.

Thực tế cuộc sống là như vậy, chúng ta thường hân hoan vui vẻ khi gặp những điều vừa ý đến với mình, nhưng đồng thời cũng phản ứng giận dữ, gay gắt khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng. Ai cũng có lúc gặp phải chuyện không như ý, tùy mức độ mà có những phản ứng khác nhau: giận dữ, đau khổ, thù oán... Dù ở tâm trạng nào đều gây nên sự mất cân bằng tâm lý, có thể dẫn đến hành động bộc phát, gây nên hậu quả khôn lường.

Sân là lòng giận dữ, nỗi bất bình vì không được như ý về điều gì hay vì bị xúc phạm… Còn hận là lòng oán ghét thù hằn giữ lại trong tâm, sau cơn giận dữ, để tìm cơ hội trả thù cho vừa lòng. Biến chứng của lòng sân hận sẽ là lòng căm thù, sự đố kỵ và tai họa chống lại sự sống. Chúng là những nghiệp xấu, tệ hại mà chúng ta phải gánh chịu một kết quả xấu trầm trọng trong những kiếp sống sau này.

Do vì vô minh không có trí tuệ sáng suốt, không nhận chân được đâu là phải, đâu là trái nên không đáng giận mà đã sân lên để gây ra không biết bao đau thương, gia đình tan nát, mất mát chia ly. Có hai vợ chồng chung sống 15 năm, nhờ siêng năng, cần cù mà từ hai bàn tay trắng, vợ chồng có được chiếc ghe làm phương tiện hành nghề mua bán lúa gạo. Cuộc sống cứ êm đềm trôi theo con nước lớn ròng, theo những chuyến buôn đường dài đủ để họ có những buổi cơm đầy, để hai đứa con được cắp sách đến trường...

Rồi lần đó, do chuyến buôn tiện đường nên họ ghé nhà cha mẹ. Sau buổi nhậu với vài người, trong đó có cha và anh vợ, Hoàng xuống ghe dùng cơm. Trong khi chồng đang ăn, chị cằn nhằn mỗi lần nhậu tốn cả trăm ngàn đồng. Ăn xong, Hoàng đốt thuốc hút, không ngờ tàn thuốc trúng vợ. Chị liền la mắng chồng, Hoàng tức giận tát một cái khiến vợ té nhào, rồi bỏ lên mui ghe ngồi, trong cơn tức giận chị đòi về ngoại ở, Hoàng sợ cha mẹ vợ hay biết việc đánh vợ nên không cho vợ về. Thấy vợ tiếp tục la lên, Hoàng dùng nùi giẻ bịt miệng, bịt mũi làm chị ngạt thở tử vong...Chỉ vì không kiềm chế được bản thân, cơn nóng giận bùng phát, vượt tầm kiểm soát mà dẫn đến một cái chết thảm.

Sân hận là hành động như một cái kềm siết chặt những ai rơi vào sự chi phối của sân hận, và được xem là gây tai hại cho người đời. Cho đến thiên chủ Ðế Thích cũng khuyên chớ nên phẫn nộ, vì phẫn nộ nghiền người ác, như núi đá nghiền người. Do vậy, bậc có trí "nhiếp phục giận với không giận".

Trong kinh có dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng. Đối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại[1].

Tâm sân hận của con người thường được ví như hình ảnh của ngọn lửa, chúng tàn phá những khu rừng, thiêu đốt tất cả những gì mà họ đã tạo dựng, tâm giận bùng phát ra bên ngoài thường hung hãn như ngọn lửa lớn. Nguy hiểm nhất là hạng người dễ giận và giận lâu, nó được ví giống như loài rắn độc và hung dữ nên trong kinh cũng có dạy: “Ở đây, này các tỷ kheo: có hạng người rất mau phẫn nộ và phẩn nộ tồn tại lâu dài, ví như loại rắn độc có nọc độc và ác độc[2] và Tâm sân hận cũng được ví như cỏ làm hư hại ruộng vườn

"Cỏ làm hại ruộng vườn,

Sân hận hại người đời,

Bố thí người lìa sân,

Do vậy được quả lớn" [3]

Vì thế, những ai là người học Phật, học giáo lý thánh hiền thì phải nhận chân ra được điều này. Chúng ta phải tu tập làm cho thân khẩu ý phải hiền lành, mỗi ngày phải được tu tập để khi ngoại cảnh tác động vào thì tâm ta vẫn được an lạc.

Muốn đối trị bệnh sân, chúng ta phải giữ giới không sát sanh, không nghĩ, nói những lời ác, và chỉ nghĩ, nói những điều thiện. Việc thứ hai là luyện tập hàng ngày cùng một lúc tính nhẫn nhục và lòng từ bi nên trong kinh Pháp Cú đức Phật đã dạy: “Sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận, chỉ có lòng từ bi mới chiến thắng được hận thù[4].

Ngoài ra chúng ta cũng có thể hạn chế lòng sân hận bằng phương pháp Kham Nhẫn. Vận dụng trí tuệ để hóa giải tất cả những xung đột và mâu thuẫn nội tâm cũng như ngoại cảnh. Chúng chính là nền tảng của sự an tâm, bình tĩnh, tự chủ, tự tại trước mọi biến động trong cuộc đời. Đây chính là bí quyết của việc tu tập kham nhẫn để vượt qua nghịch cảnh, chướng duyên, nhằm đem đến sự an bình, hòa hợp, hạnh phúc và an vui trong đời sống mà mỗi người con phật cần phải thực tập để thành tựu. Người kham nhẫn sẽ được năm lợi ích “Quần chúng ái mộ và ưa thích, không có nhiều người hận thù, không có nhiều người tránh né, khi mạng chung thân tâm không bị mê loạn, được sinh vào cõi thiện thú, thiên giới, cõi đời này[5]


[1] Kinh Tăng Chi I, HT Minh Châu dịch, chương 1, phẩm Đoạn Triền Cái, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr11.

[2] Kinh Tăng Chi II, HT Minh Châu dịch, chương 4, phẩm Mây Mưa, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr24.

[3] Kinh Pháp Cú, Pháp Cú 357

[4] Kinh Pháp Cú, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr18.

[5] Kinh Tăng Chi II, HT Minh Châu dịch, chương 5, phẩm Mắng Nhiếc, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr179.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: