CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Hai hạng người học pháp trong kinh Ví Dụ Con Rắn

Kinh, Luật và Luận là một nhu cầu thiết yếu đối với những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu và thực tập những lời dạy của đức Phật, nhằm mang lại niềm hạnh phúc an lạc nội tâm. Và phải học như thế nào? Tu như thế nào?...là điều mà chúng ta cần phải thấu hiểu, thẩm thấu chúng. Đơn giản một bài kinh chúng ta có thể nhận thấy được vấn đề này như trong kinh Ví Dụ Con Rắn đức Phật dạy có hai hạng người học pháp:

1. Hạng người ngu si không biết cách tiêu hóa giáo pháp

 2. Hạng người trí biết cách thẩm thấu giáo pháp

 Người ngu si học pháp đưa người này đến khổ đau. Nên đức Phật dạy: “Chư Tỷ-kheo, ở đây có một số người ngu si học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa không được trí tuệ quán sát, nên không trở thành rõ ràng. Họ học các pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nắm giữ sai lạc các pháp”[1].

Hạng người này khi nghe kinh học pháp nhưng không thẩm thấu được ý nghĩa các pháp, không có trí huệ quán sát, không có tư duy chơn chánh, chẳng khác chi người ngu si thiếu trí. Hạng người ngu này học pháp với mục tiêu trau chuốt ngôn ngữ để tranh cãi hơn thua, hý luận nhằm giúp cho mình cho nổi bậc giữa đám đông và nuôi dưỡng tự ngã của mình. Chính tinh thần học pháp như vậy nên họ đã không thực hiện được mục đích an lạc, hạnh phúc chân thật của cuộc sống và làm chủ hải đảo tự thân. Bởi họ đã nắm giữ pháp một cách sai lạc nên đưa đến khổ đau. Cho nên đức Phật gọi hạng người như vậy gọi là hạng người ngu si thiếu trí.

Hạng người thứ hai là hạng người biết học kinh pháp, những lời dạy của đức Phật một cách khéo léo, không nắm giữ sai lạc, người này hiểu rõ ràng ý nghĩa của chúng như đức Phật dạy:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một số Thiện nam tử học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa được trí tuệ quán sát, nên trở thành rõ ràng. Họ học pháp không vì lợi ích muốn chỉ trích người khác, không vì lợi ích muốn khoái khẩu biện luận, và họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì khéo nắm giữ, nên đưa họ đến hạnh phúc, an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ các pháp”[2].

Hạng người trí này biết cách học pháp. Cho nên khi họ nghe và học kinh, ứng ngữ, giải thuyết… sau khi học pháp này, họ quán sát ý nghĩa với tâm sáng suốt, không chấp thủ nhằm chuyển hóa tam nghiệp thân khẩu ý và biến chúng thành nguồn sống như mạch máu của chính mình. Chính vì người thiện nam tử này học pháp với tuệ tri, nên họ không có tâm chỉ trích người khác, không có tâm tranh cãi, đấu đá…. Người này chỉ học pháp, hành trì và tu tập một cách chân chánh. Họ học và tiếp xúc với những lời dạy của đức Phật như thật tuệ tri.

Tóm lại khi tiếp xúc với những lời dạy của đức Phật, chúng ta cần phải có cái nhìn khéo léo để chuyển hóa tham sân si, những cấu uế não phiền trong tâm thức của chính mình. Đồng thời hầu hết các lời dạy của Ngài đều nhắm vào mục đích giúp cho con người chuyển hóa bất thiện pháp. Và bài kinh Ví Dụ Con Rắn đã giúp cho con người nhận thức rõ phương pháp học và hành trì pháp. Hay nói cách khác Ngài dạy cho người đời cách học quán sát các pháp với tuệ tri, tỉnh thức để thoát khỏi các lậu hoặc, nhằm đạt được chân hạnh phúc.



[1] Kinh Trung Bộ, Tập I - Kinh Ví Dụ Con Rắn, HT. Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003, tr.303.

[2] Như trên, Tr. 304.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: