Hồi tưởng lại công ơn của cha mẹ đối với chúng ta
- Thupten Chodron, TT. Minh Thành chuyển ngữ
- | Thứ Hai, 21:44 09-12-2013
- | Lượt xem: 4309
Bước thứ hai là nhớ lại những nghĩa cử và những tấm lòng mà những người khác đã dành cho chúng ta cũng không khác gì bà mẹ của chúng ta. Ðể thực hiện việc này thoạt đầu chúng ta lấy mẫu là người mẹ trong đời này hay bất cứ người nào đã bảo bọc nuôi dưỡng chúng ta thời thơ ấu làm đối tượng tu tập. Dù việc mang thai rất nặng nhọc, không thoải mái nhưng người mẹ của chúng ta đã trải qua đều đó trong 9 tháng. Và rồi bà đã một mình chịu đựng những cơn đau xé ruột để sinh chúng ta ra, bảo bọc khi chúng ta còn đỏ hỏn, bao dung trước những nghịch phá, những cơn giận trẻ con và những nết xấu của chúng ta. Mặc dầu người mẹ có lẽ không muốn đánh đòn hay răn phạt chúng ta nhưng bà phải làm như vậy để dạy chúng ta những bài học đạo đức và cách ứng xử, làm cho chúng ta có thể hòa nhập với xã hội sau này. Bà dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải và muốn rằng chúng ta là người được giáo dục đàng hoàng. Trong tình trạng tài chánh giới hạn cha mẹ cũng đã mua sắm đồ chơi và dắt chúng ta đi chơi nơi này nơi khác.
Một số người không ưng việc hồi tưởng về ơn cha nghĩa mẹ. Những người này có thể cảm thấy rằng họ đâu có yêu cầu cha mẹ sinh họ ra đâu; do lý lẽ đó cha mẹ không có ơn nghĩa gì với họ cả. Thậm chí một số người còn oán trách cha mẹ vì cha mẹ đã đánh đòn nặng tay, không mua sắm cho họ những món mà những đứa trẻ khác có hay tệ hơn nữa là lạm dụng họ.
Nếu chúng ta lâm vào tình trạng này thì chúng ta nên hồi tưởng về những ân nghĩa mà bất cứ người nào đó đã giúp cho chúng ta thời thơ ấu. Kế tiếp chúng ta có thể học những lời dạy của Ðức Phật về phương pháp chế ngự sân hận và phát triển đức tính nhẫn nại, đồng thời ứng dụng những phương pháp này trong mối liên hệ giữa chúng ta và cha mẹ. Ðiều quan trọng là chúng ta phải ghi nhớ rằng dù cho mối quan hệ giữa ta với cha và mẹ có tệ như thế nào đi nữa thì cha mẹ vẫn là những người đã cho chúng ta có được kiếp sống quý giá của ngày hôm nay. Dù động cơ của cha mẹ là gì đi nữa thì cha mẹ cũng đã săn sóc chúng ta theo điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần mà cha mẹ chúng ta có được. Nếu chúng ta nhận thức được như vậy thì chúng ta sẽ tha thứ cho những yếu kém của cha mẹ và tấm lòng của chúng ta sẽ rộng mở đối với hai vị thân sinh.
Mục đích của việc hồi tưởng lại những ân nghĩa của người mẹ không phải là để chúng ta khởi tâm luyến ái đối với người mẹ, vì luyến ái là một tâm thái nhiễu loạn. Mục đích của việc hồi tưởng là để chúng ta nhận ra được tính chất thiêng liêng của tình mẫu tử và phụ tử cùng với những ân đức và đạo nghĩa thâm trọng trong mối quan hệ này. Kế tiếp chúng ta sẽ mở rộng tấm lòng xem trọng ân nghĩa đến với tất cả sinh linh, vì họ đều là những người mẹ của chúng ta trong quá khứ và đã từng làm nhiều ân đức cho chúng ta như người mẹ của chúng ta trong hiện tại. Lòng biết ân này sẽ dẫn chúng ta bước tiếp bước thứ ba: mong được đáp đền ân nghĩa.
Mong được đáp đền ân nghĩa
Một khi chúng ta đã nhận ra những ân nghĩa mà người khác đã làm cho chúng ta thì tất nhiên chúng ta muốn đền đáp. Chúng ta không cảm thấy đó là một phận sự nặng nề trái lại đó là một niềm vui và một mối quan tâm xuất phát tự tấm lòng.
Lòng thương
Từ ý muốn được đáp đền ân nghĩa, chúng ta sẽ nghĩ tới một viễn cảnh trong đó tất cả những người có lòng tốt như vậy đều được hạnh phúc. Ðây chính là lòng thương hay là ý muốn những người từng thi ân đều được hạnh phúc, đều có nguồn hạnh phúc. Vì trước đây chúng ta đã thoát khỏi tâm chấp thủ đối với bạn bè, lòng sân hận đối với kẻ thù, và thái độ lãnh đạm đối với người xa lạ nên lòng thương của chúng ta giờ đây không có tính chất thiên lệch và sẽ trải rộng đến tất cả mọi người một cách bình đẳng. Với một lòng thương không hề có một mảy may chấp thủ, chúng ta sẽ thương yêu người khác đơn giản chỉ vì họ đang hiện hữu. Vị thánh giả Tây Tạng Lạt-ma Tzong Khapa nói:
"Theo quan điểm của tôi thì tất cả mọi người đều bình đẳng vì tất cả đã từng là những người mẹ, những người cha, những người anh chị, những người em trai và em gái, những bạn bè của chúng ta từ vô lượng kiếp. Theo quan điểm ấy thì tất cả mọi người cũng đều nên được đối xử một cách bình đẳng vì tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và tránh xa đau khổ. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng giữ tấm lòng thương yêu tất cả mọi sinh linh một cách bình đẳng."
Tâm từ ái
Khi chúng ta nghĩ về những rối khổ, bế tắc và đau đớn mà những người khác đang gánh chịu thì chúng ta sẽ phát khởi lòng từ ái: mong muốn những người khác được thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi ngọn nguồn của đau khổ. Từ ái khác xa với lòng thương hại và những loại tình cảm có tính chất chiếu cố khác. Lòng từ ái luôn đi kèm với nhận thức rằng chúng ta và những người khác là bình đẳng về phương diện mong cầu hạnh phúc và mong muốn thoát khỏi cảnh khổ. Lòng từ ái khiến cho chúng ta có thể giúp đỡ cho tha nhân một cách dễ dàng như giúp đỡ cho chính mình.
Quyết tâm hay phát đại nguyện
Khi có một tấm lòng từ ái sâu sắc thì chúng ta bước tới bước thứ sáu: nhận trách nhiệm đem lại hạnh phúc cho tha nhân và giải tỏa những nỗi đau khổ cho mọi người. Trước đây chúng ta muốn tha nhân được hạnh phúc và thoát khỏi cảnh khổ thì bây giờ chúng ta hạ quyết tâm hay phát đại nguyện bắt tay vào việc đó.
Tâm xả thân bố thí hay tâm Bồ đề
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đưa người khác đến bến bờ hạnh phúc trong khi chính bản thân của chúng ta đang u mê rối khổ? Một người đang chết chìm thì không thể cứu vớt được người khác; cũng vậy, một người đang lụy trong vòng sinh tử luân hồi thì không thể nào dạy bảo cho người khác một cách rành mạch, hữu hiệu và có sức thuyết phục về con đường thoát ra cảnh hệ lụy được. Ðể hướng dẫn người khác chúng ta phải biết được những nghiệp căn, tính khí và điều người đó hứng khởi. Chúng ta cũng phải biết toàn bộ giáo pháp để có thể truyền đạt những giáo lý thích hợp nhất theo từng đối tượng.
Như vậy để thực hiện mong muốn đưa người khác thoát khỏi cảnh khổ và đến bến bờ hạnh phúc, chúng ta cần phải có tâm từ ái viên mãn, trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Vì chỉ có Ðấng Ðại Giác là có đầy đủ những phẩm tính này nên chúng ta phải đạt được sự đại giác ngộ để làm lợi lạc cho tha nhân một cách hữu hiệu nhất.
Các bài viết liên quan
- Niềm tin và trí tuệ - Thứ Ba, 15:07 22-01-2019 - xem: 10685 lần
- Phát triển lòng từ - Chủ Nhật, 14:07 20-01-2019 - xem: 9090 lần
- Sống với chữ "Tùy duyên" - Thứ Bảy, 10:06 19-01-2019 - xem: 10135 lần
- Nguồn mạch tâm linh - Thứ Năm, 07:05 10-01-2019 - xem: 8621 lần
- Sám hối thế nào cho đúng - Thứ Tư, 14:23 02-01-2019 - xem: 10346 lần
- Lợi ích của tri túc - Thứ Hai, 08:23 31-12-2018 - xem: 9998 lần
- Tu hiền niệm Phật - Thứ Tư, 12:17 26-12-2018 - xem: 7149 lần
- Vượt qua mê tín - Thứ Năm, 21:44 15-02-2018 - xem: 12333 lần
- Khi chúng tôi yêu thích thiền hành - Chủ Nhật, 08:54 19-11-2017 - xem: 10520 lần
- Trí tuệ cho hôm nay - Thứ Sáu, 08:16 06-10-2017 - xem: 8158 lần
- Sống tỉnh thức - Chủ Nhật, 09:51 07-05-2017 - xem: 9652 lần
- Vai trò của tri thức và sáng tạo trong quá trình thành đạo của Đức Phật - Thứ Năm, 00:32 30-03-2017 - xem: 12149 lần