CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Không trói buộc: Văn hóa Cho và Nhận trong Phật giáo

Lời người dịch: Tỳ-kheo Thanissaro gốc người Mỹ, xuất gia theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Thái Lan. Ngài là dịch giả của hơn 1.000 bản kinh Phật từ tiếng Pāli sang tiếng Anh phổ biến trong thế giới phương Tây. Vừa là một tu sĩ, vừa là một học giả uy tín về Luật, Ngài còn là tác giả của nhiều đầu sách và bài viết về con đường thể nghiệm giáo pháp, thực hành tâm linh, được xem là cẩm nang tu tập cho những thức giả thời nay. Bài viết Không Trói Buộc: Văn hóa Cho Nhận trong Phật Giáo (No Strings Attached: The Buddha's Culture of Generosity) của Tỳ-kheo Thanissaro phản ánh một hiện tượng văn hóa đang hình thành ở Tây phương. Đó là văn hóa cho nhận (dāna), có nguồn gốc từ Phật giáo và khá phổ biến ở các nước Phật giáo phương Đông. Ở Việt Nam, vốn thấm nhuần văn hóa phương Đông, văn hóa cho nhận được thể hiện chủ yếu qua các hoạt động chia sẻ, cứu trợ, quyên góp, ủng hộ, bố thí và cúng dường. Các hoạt động này là phương tiện giúp cho những người có điều kiện chia sẻ làm được nhiều điều phước thiện và mở rộng tấm lòng nhân ái. Đây cũng là con đường phát huy một truyền thống văn hóa cao đẹp “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt, và cũng là truyền thống văn hóa đặc sắc của Phật giáo. Tuy nhiên, nếu các hoạt động thuộc văn hóa cho nhận này được thực hiện không đúng cách, hay nói chính xác hơn là không như Pháp theo văn hóa Phật giáo, thì chính các hoạt động này không những không thể hiện được giá trị văn hóa Phật giáo mà còn có thể làm tổn thương đến Giáo Pháp. Hơn nữa, hiện nay, các hình thức tặng, biếu, xin, cho, cấp, cúng đang là vấn đề đáng quan tâm trong Phật giáo cũng như ngoài xã hội. Chúng tôi xin dịch và giới thiệu bài viết của Thượng tọa, hy vọng bài viết có thể góp thêm một cái nhìn thiết thực về văn hóa cho nhận của chúng ta trong bối cảnh hiện nay.

 *************

“Thưa Thầy, làm sao con có thể đáp được ơn dạy dỗ của thầy?” Đó là câu hỏi mà các học trò thường hỏi thầy mình. Lời đáp hay nhất mà tôi học được là câu trả lời của thầy tôi, Thiền sư Fuang, mỗi khi Thầy được hỏi như vậy rằng, “bằng cách chuyên tâm tu tập”.

Mỗi lần tôi nghe như vậy, tôi đều cảm động bởi lời dạy ấy cao quý, nhưng đơn giản và nhân từ làm sao. Đó không phải là khuôn sáo. Thầy không bao giờ tìm cách bảo học trò của mình nên bố thí cúng dường. Ngay cả khi tu viện của chúng tôi còn nghèo, Thầy không bao giờ tỏ ra túng thiếu, không bao giờ lạm dụng lòng tri ân và lòng tin của mọi người. Điều này đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi vì trước đây tôi có biết một số Tăng sĩ ở phố thị cũng như những tăng sĩ dân dã ở làng quê thường tranh thủ cơ hội, khéo léo thể hiện nhu cầu vật chất của mình, ngay cả đối với khách vãng lai.

Lần hồi thì tôi biết thêm rằng cung cách của Thiền sư Fuang cũng là cách cư xử phổ biến của quý sư trong truyền thống lâm thiền. Đó là cung cách mà các sư học được từ lời dạy của Đức Phật lúc Ngài sắp nhập Niết-bàn, được ghi lại trong một đoạn kinh Pāli. Đức Phật dạy rằng, với Ngài, lòng cung kính cao nhất dành cho Ngài không phải là lòng cung kính được thể hiện qua vật chất, mà đó phải là lòng cung kính thể hiện qua sự thực hành tâm linh đúng như Pháp. Hay nói cách khác, cách tốt nhất để đáp đền ơn dạy dỗ của thầy là hết lòng sống như Pháp xứng với lòng từ mẫn của thầy khi thầy dạy Pháp. Tôi cũng tự hào khi được dự phần vào truyền thống đó. Nơi ấy, sự giàu có thật sự là nếp sống thanh cao được thể hiện trong cuộc sống. Nơi ấy, như Thiền sư Fuang từng nói, chúng tôi đã không bị “kéo xuống thành những con rối” và việc dạy Pháp Phật là một món quà trong sạch.

Khi trở lại Mỹ, tôi thật buồn khi lần đầu tiên tôi phải nói Pháp sau lễ cúng dường. Đó là bài Pháp thoại về văn hóa cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường thông thường vào cuối mỗi khóa chuyên tu. Ngữ cảnh và thường là cả nội dung của bài pháp thoại loại này khiến cho nó khó có thể được xem là không vụ lợi. Pháp thoại này nhắm đến việc khuyến khích hỗ trợ cho thầy hướng dẫn khóa tu hoặc cho tổ chức tài trợ khóa tu để đảm bảo điều kiện cho các khóa tu tiếp theo, và trách nhiệm này được đặt lên vai của các tu sinh dự khóa. Ngôn ngữ của pháp thoại thường êm tai và khích lệ lắm, nhưng đem đối chiếu với câu trả lời của Thiền sư Fuang, tôi thấy bài pháp thoại thật chẳng còn giá trị và nghĩa lý gì nữa. Nó chẳng ra làm sao cả. Nếu những người tổ chức và thầy hướng dẫn thiền thật sự tin tưởng vào lòng tốt của tu sinh, thì họ đâu cần phải có buổi pháp thoại như vậy làm gì. Tình trạng còn tệ hơn nữa khi bài pháp thoại tiêu biểu về văn hóa cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường – thường đi kèm với lá thư kêu gọi gây quỹ cho trung tâm – lại nhắc đến những gương hạnh cúng dường cho Tăng Ni ở châu Á như là cách thức minh họa cho sự bố thí gây quỹ ở phương Tây. Nhưng khổ nỗi, làm như vậy chỉ để cho người ta học được cái tệ nhất của Tăng Ni thay vì học được điều hay nhất.

Tôi hiểu duyên do của buổi pháp thoại như thế. Ở đây thầy hướng dẫn các khóa tu phần nhiều là cư sĩ, họ vì lý tưởng mà giảng dạy miễn phí, nhưng họ cũng cần phải ăn để sống chứ. Và khác với hàng Tăng sĩ ở châu Á, họ đâu có được thừa hưởng một truyền thống cúng dường lâu đời. Vì vậy, pháp thoại về văn hóa cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường là một phương tiện để tạo dựng văn hóa bố thí mới ở xã hội phương Tây. Nhưng vấn đề là khi những tập quán mới được hình thành trong Phật giáo phương Tây, liệu những bài pháp thoại về cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường có đem được giáo pháp của Đức Phật về bố thí vào xã hội phương Tây đúng như Pháp hay không, hay là làm cho pháp ấy bị biến dạng đi. Cách tốt nhất để trả lời cho vấn đề này là hãy nhìn kỹ lại giáo pháp về bố thí trong ngữ cảnh nguyên thủy của giáo pháp ấy.

Rõ ràng là bố thí cúng dường là một sinh hoạt phát sinh từ buổi ban đầu của Phật giáo. Hẳn là việc bố thí cúng dường đã góp phần duy trì Giáo pháp. Nếu không có truyền thống cúng dường cho các vị du sĩ ở Ấn Độ, thì chưa chắc Đức Phật đã có đủ nhân duyên để tìm ra mối đạo và đạt được Giác ngộ. Tăng đoàn cũng chưa chắc có cơ hội để theo dấu chân Ngài. Trong những ý đạo của bài pháp tiệm tiến mà Đức Phật dạy, bố thí cúng dường thường là pháp đi đầu, lần lần dẫn đến các pháp khác, đưa hành giả đến chỗ thấu hiểu bốn chân lý, từ đó nếm được chất vị Giác ngộ đầu tiên.

Khi dạy các nguyên lý cơ bản về nghiệp, Đức Phật thường bắt đầu bằng câu: “Có phẩm vật được cho”. Điều ít khi được hiểu đúng ở đây là, khi nói ra như vậy, Đức Phật không phải bàn đến ý nghĩa bề mặt của vấn đề, vì đề tài bố thí thực ra là một đề tài có thể gây tranh cãi thời đó. Qua nhiều thế kỷ, hàng Bà-la-môn ở Ấn Độ đã luôn luôn khuyến khích hạnh bố thí – cho đến khi nào họ nhận được vật bố thí mới thôi. Không những thế, thời đó, bố thí cho Bà-la-môn là điều bắt buộc. Những người thuộc các giai cấp khác không lo bố thí cho giai cấp Bà-la-môn được cho là người không biết lo tròn bổn phận xã hội quan trọng nhất của mình. Họ tin rằng, lơ là bổn phận quan trọng này trong đời hiện tại, những người ấy cùng với họ hàng của họ sẽ phải chịu khổ không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau nữa.

Chúng ta có thể suy đoán được rằng thái độ này đã tạo ra sự phản ứng mạnh mẽ. Một số Sa-môn, đạo sĩ thời Đức Phật đã phản bác lại thái độ của Bà-la-môn và nói rằng chẳng có đức hạnh gì trong việc bố thí cả. Thế là sự tranh luận chia thành hai phía. Một bên cho rằng bố thí chẳng có hạnh đức gì vì không có đời sau. Con người chỉ là một mớ các yếu tố sinh vật lý, khi chết, thân thể sẽ trả hết về cho cát bụi (tứ đại) mà thôi. Do vậy, bố thí chẳng có kết quả lâu dài gì. Một bên thì cho rằng chẳng có cái gì gọi là cho ở đây cả, vì mọi thứ trong vũ trụ đều đã được an bài bởi số phận. Nếu một người bố thí cho ai vật gì, đó không phải là thí phẩm quà tặng gì cả, vì người bố thí không có chọn lựa nào khác hơn là phải làm như vậy. Số phận tự nó vận hành như vậy đó.

Chính vì vậy, khi dạy về nghiệp, Đức Phật bắt đầu bằng cách khẳng định rằng, có phẩm vật được cho; Ngài bác bỏ cả hai xu hướng. Bố thí chắc chắn mang lại kết quả cả bây giờ và mai sau và đó là kết quả của sự tự do chọn lựa của người bố thí. Tuy nhiên, khác với Bà-la-môn, Đức Phật bước cao hơn một bực với nguyên tắc tự do. Khi được hỏi nên bố thí ở đâu hay cho ai, Ngài đơn giản đáp rằng: “Ở chỗ tùy tâm”. Hay nói cách khác – ngoài việc đền ơn cha mẹ – không có một chỗ nào chúng ta phải thực hiện bổn phận bố thí cả. Nghĩa là chọn lựa bố thí là một hành động hoàn toàn tự do và vì vậy bố thí là điểm bắt đầu rất hợp lý trên con đường hướng đến tự do hoàn toàn, buông xả hoàn toàn. Đây là lý do tại sao Đức Phật đã tiếp nhận tập tục bố thí như là một cách giảng dạy và thực hành Giáo pháp. Nhưng để duy trì một lúc có cả hai nguyên tắc là có tự do và có kết quả trong việc bố thí, Đức Phật đã thiết lập một văn hóa chia sẻ đặc biệt mang đậm lý tưởng Phật giáo.

Trước hết, Ngài dạy rằng không phải chỉ có bố thí phẩm vật mới được gọi là thí phẩm hay quà tặng. Ngài dạy thêm rằng, thực hành các nguyên tắc đạo đức cũng là một loại thí phẩm. Đó là một món quà, một thí phẩm rất lớn, một thí phẩm bảo vệ tất cả chúng sanh khỏi bị tác hại do những hành động bất thiện gây ra. Giảng dạy Giáo pháp cũng là một thí phẩm. Điều này có nghĩa là việc bố thí, chia sẻ hậu hĩ không phải là đặc quyền của nhà giàu.

Thứ hai, Đức Phật thiết lập một điều lệ nhằm tạo ra một thái độ tốt về việc cúng dường, bố thí, chia sẻ hầu mang lại lợi ích cho cả người cúng dường, bố thí, chia sẻ lẫn người thọ nhận, để đảm bảo việc cúng dường, bố thí, chia sẻ phù hợp với hai nguyên tắc có tự do và có kết quả.

Chúng ta có xu hướng cho rằng điều lệ không bao giờ đi đôi với ‘tự do,’ nhưng nghĩ như vậy là vì chúng ta quên rằng tự do cũng cần có sự bảo vệ, đặc biệt là đối với thái độ muốn được tự do chọn lựa nhưng cảm thấy bất an khi người khác cũng có tự do lựa chọn. Những điều lệ mà Đức Phật thiết lập đều mang tính tự nguyện, Ngài không bao giờ ép người khác thực hành giáo pháp Ngài dạy, nhưng một khi ai đó đã chấp nhận điều lệ thì đòi hỏi cả hai bên (cho và nhận) đều phải tuân thủ những điều lệ đó một cách nghiêm túc và hiệu quả. Chúng ta có thể hiểu rốt ráo các điều lệ này qua ý nghĩa của sáu yếu tố mà Đức Phật chỉ dạy về một phẩm thí lý tưởng như sau:

“Người chia sẻ, bố thí, cúng dường hoan hỷ trước khi chia sẻ, bố thí, cúng dường; tâm phấn khích trong khi chia sẻ, bố thí, cúng dường; và hài lòng sau khi chia sẻ, bố thí, cúng dường. Đây là ba yếu tố thuộc về người chia sẻ, bố thí, cúng dường.

“Người thọ nhận không tham muốn hoặc đang tập giảm bớt tham muốn; không sân giận hoặc đang tập giảm bớt sân giận; và không lầm chấp hoặc đang tập giảm bớt lầm chấp. Đây là ba yếu tố thuộc về người thọ nhận” (Kinh Tăng Chi, mục 6.7).

Mặc dầu đoạn kinh này gợi ý rằng mỗi bên phải có trách nhiệm về các yếu tố thuộc phần mình, Đức Phật nói đến văn hóa ứng xử rộng lượng trên bình diện lớn hơn cho thấy rằng cả hai bên cho và nhận cùng chia trách nhiệm về cả sáu yếu tố, và đặc biệt là ba yếu tố thuộc về người chia sẻ, bố thí, cúng dường. Tinh thần chia sẻ trách nhiệm này thể hiện tốt nhất ở môi trường mà trong đó cả đôi bên đều tin tưởng lẫn nhau.

Đối với người cúng dường, bố thí, chia sẻ, điều này có nghĩa rằng, nếu họ muốn được hoan hỷ, phấn khích và hài lòng với việc cho ra của mình, họ phải thấy phẩm vật được cho không phải là công cụ đổi chác tương ứng với sự phục vụ của cá nhân người thọ nhận. Nếu nhìn như vậy, phẩm vật ấy sẽ biến thành cách trả công, và làm mất đi hoặc phai mờ tấm lòng gởi vào phẩm vật ấy.

Thay vào đó, người cúng dường, bố thí, chia sẻ nên đem lòng quý kính hướng về người thọ nhận, những người đã hoặc đang rèn luyện giữ tâm trong sạch. Họ nên cúng dường, bố thí, trao tặng phẩm vật với lòng quý kính đặng cho hành động cúng dường, bố thí, trao tặng đó làm tăng thêm lòng hoan hỷ mà hành động đó mang lại, và làm cho người thọ nhận trân quý phẩm vật được cúng dường, bố thí, trao tặng đó hơn.

Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về người nhận cũng không kém phần quan trọng. Để đảm bảo rằng người cúng dường bố thí cảm thấy hoan hỷ trước khi cúng dường bố thí, người thọ nhận không được bằng mọi cách, ép hay vòi người cúng dường. Trừ khi bịnh hay trong tình huống người cho thỉnh ý, Tăng Ni không được hỏi xin bất cứ điều gì không phải trong trường hợp cần kíp. Thậm chí Tăng Ni cũng không được phép gợi ý về những gì mình thích được nhận. Khi được hỏi phẩm vật cần dâng cúng ở đâu, một lời khuyên dành cho Tăng Ni là nên noi gương Đức Phật mà đáp rằng “Ở đâu cần phẩm vật ấy, hoặc ở đâu phẩm vật ấy được bảo quản tốt, ở đâu phẩm vật bạn cúng được giữ bền hơn, hoặc ở đâu bạn cảm thấy tùy thích thì cúng.” Lời đáp này chứng tỏ chư Tăng Ni có lòng tin vào sự nhận thức sáng suốt của người cúng dường. Chính lòng tin này là một món quà làm cho tâm của người cúng dường hoan hỷ.

Để bảo đảm rằng người cúng dường cảm thấy phấn khích trong khi cúng, Tăng Ni được dạy là phải để tâm để ý trong khi thọ nhận và phải nhận với lòng quý kính. Để bảo đảm rằng người cúng dường cảm thấy hài lòng sau khi cúng, người thọ nhận nên sống đạm bạc, khéo dùng phẩm thí, và bảo đảm rằng phẩm thí được dùng đúng cách. Hay nói cách khác, người thọ nhận cần chứng tỏ rằng họ đã không phụ niềm tin của người cúng dường. Và dĩ nhiên, họ phải nỗ lực giảm dần tham muốn, sân giận và lầm chấp trong tâm. Trong thực tế, nỗ lực này là động lực căn bản để người thọ nhận hướng đến thành tựu quả vị giác ngộ, để cho phẩm vật cúng dường mang lại phước báu lớn.

Bằng cách chia sẻ trách nhiệm với lòng tin kính như vậy, cả hai bên cùng bảo vệ được sự tự do của người cúng dường, bố thí, chia sẻ. Đồng thời họ cũng cùng nhau nuôi dưỡng các điều kiện không những giúp lòng người được rộng mở mà còn làm cho toàn bộ Giáo pháp ngày càng được lan tỏa.

Tương tự, nguyên tắc có tự do và có kết quả còn làm cơ sở cho các điều lệ mà Đức Phật đã thiết lập đặc biệt để bảo tồn Pháp thí. Ở đây, tinh thần trách nhiệm lại được chia sẻ. Để đảm bảo rằng người thầy dạy Pháp hoan hỷ, phấn khích và hài lòng trong việc giảng dạy, người học cần lắng nghe với lòng tôn kính, cố gắng hiểu được lời dạy, và – một khi người học thấy rằng những gì được dạy thực sự soi sáng họ – hết lòng thực hành lời dạy để mang lại kết quả mong muốn. Cũng như Tăng Ni thọ nhận phẩm vật cúng dường, người nhận và học Pháp cũng có trách nhiệm giữ gìn Giáo pháp cẩn trọng.

Trong khi đó, người thầy dạy Pháp phải bảo đảm không xem việc dạy là hành động ‘trả nợ’. Sự đáp đền ơn cúng dường của mọi người đúng nghĩa hơn hết là nỗ lực chuyển hóa tham lam, sân giận và si mê. Do đó, dạy không phải vì buộc phải dạy; có như vậy thì hành động dạy mới là một món quà trong sạch, món quà tự do. Thêm vào đó, Đức Phật đã dạy rằng dạy Pháp không vì mong cầu lợi dưỡng. Khi người thọ pháp ‘trả phí’ cho việc dạy, người thầy nên từ chối thù lao đó. Đức Phật cũng đã đặt ra cái lệ rằng, hàng xuất gia chỉ nên dạy về phước báu cúng dường sau khi hành động cúng dường được thực hiện, chứ không nên trước, đặng tránh tình trạng làm mất giá trị của Giáo pháp do ‘gạ cúng’ hoặc hiểu nhầm ‘gạ cúng.’ Tất cả những nguyên tắc nói trên đều nhằm đảm bảo cho cả hai bên cho và nhận thận trọng và tương kính nhau nhiều hơn. Vì lẽ đó, ngay cả thời Đức Phật còn tại thế, người ta tìm mọi cách để thể hiện điều này. Theo các chuyện kể về nguyên nhân chế định luật cho hàng xuất gia, các câu chuyện này mô tả những hành vi sai phạm, để từ đó, Đức Phật thiết lập giới luật cho Tăng Ni như được thường kể, có những trường hợp hàng xuất gia bị vướng buộc trong việc bố thí Pháp và hàng cư sĩ thì giựt dây để được những gì họ cần ở hàng xuất gia: vui vẻ lấy lòng để nhận được sự ủng hộ cá nhân. Lòng kiên nhẫn của Đức Phật trong việc thiết lập điều lệ để cắt đứt các sợi dây trói buộc này chứng tỏ Ngài xác quyết nguyên tắc của bố thí Pháp là bất vụ lợi, chứ đây không phải là ý tưởng không có căn cứ. Ngài muốn nguyên tắc này phải thực sự tác động đến cách hành hoạt của mọi người.

Ngài không giải thích cặn kẽ tại sao việc giảng dạy Giáo pháp nên luôn được xem là một pháp thí, một quà tặng, nhưng Ngài có nói rằng nguyên tắc đạo đức suy yếu theo thời gian sẽ làm cho Giáo pháp suy yếu. Trong văn hóa cho nhận, tính tương quan này tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo.

Có một ví dụ rất điển hình được ghi lại trong bộ Apadanas (Tập Kinh Phước Thí).[*] Các học giả cho rằng tập kinh này được thêm vào văn học Phật giáo sau thời Hoàng đế Asoka. Bộ Apadanas bàn về phước báu bố thí và cho thấy rằng các Tăng sĩ soạn thuật bộ Apadanas này rất ân cần thọ nhận sự cúng dường hậu hĩ. Các Tăng sĩ này tin rằng cúng dường một vật dù nhỏ cũng đưa đến quả vị giác ngộ ở đời sau, và nhờ phước cúng dường mà từ đời này cho đến đời sau, người cúng dường luôn được hưởng phước an vui và có thanh thế. Tuy nhiên, để đạt quả vị đặc biệt, cần có sự bố thí cúng dường đặc biệt. Việc cúng dường đặc biệt thường biểu thị cho mong muốn đạt được quả vị tương ứng, ví dụ cúng dường đèn, sẽ được trí tuệ sáng suốt; tuy nhiên, phẩm thí cúng dường được ưa thích ở đây chỉ trị giá tương đương với chi phí sắm sửa các bữa ăn thịnh soạn cho tất cả Tăng sĩ ở tu viện, hoặc ít ra là cho các Tăng sĩ tham gia giảng dạy, trong vòng một tuần.

Rõ ràng các Tăng sĩ soạn tập Apadanas đã buông lung trong lòng tham cầu của mình và ra sức thuyết giảng những gì mà thính chúng ưa nghe. Sự thực là tập kinh này được ghi chép cho hậu thế cho thấy rằng người nghe rất hài lòng với nội dung của kinh. Và như vậy, người dạy và người học thông đồng với nhau dệt nên một văn hóa cho nhận chạy theo lòng tham cầu của mình. Làm như vậy, họ đã làm tổn hại đến Giáo pháp. Nếu bố thí cúng dường thôi cũng có thể đảm bảo quả vị Giác ngộ, thì con đường Thánh gồm tám yếu tố đã bị thay thế bằng con đường bố thí duy nhất đó mất rồi! Nếu con đường dẫn đến Giác ngộ luôn luôn vừa lòng thuận thế kiểu ấy, thì ý nghĩa tinh tấn chân chính ắt đã không còn. Tuy nhiên, một khi những tư tưởng này đã được đưa vào trong truyền thống Phật giáo, chúng được gán cho là có gốc gác và đã ảnh hưởng đến sinh hoạt Phật giáo kể từ đó. Khắp các vùng Phật giáo ở châu Á, người ta có xu hướng cúng dường nhắm đến mong cầu phước báu trong tương lai; và danh sách các phẩm thí được liệt kê trong Apadanas trông giống như một bản sớ với tên các vật cúng được đặt trên bàn thờ ở một số vùng theo Phật giáo châu Á tận đến ngày nay.

Những gì đã làm cho văn hóa cho nhận biến dạng đi cũng đã làm ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ sinh hoạt Phật giáo trong nhiều thế kỷ qua. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự quan tâm đến việc giới thiệu văn hóa cho nhận vào xã hội phương Tây, chúng ta cần phải cẩn trọng để đảm bảo rằng nỗ lực của chúng ta là tuân giữ được các nguyên tắc của văn hóa cho nhận đúng theo truyền thống Phật giáo. Nghĩa là chúng ta không cần phải sử dụng các phương thức gây quỹ hiện đại để khuyến khích các tu sinh hay Phật tử nói chung chia sẻ, bố thí, ủng hộ, cúng dường. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải xem lại nội dung của các pháp thoại về bố thí cúng dường, vì có rất nhiều lý do khiến cho các pháp thoại này không đúng pháp. Kêu gọi tu sinh ủng hộ thầy dạy không thể đem lại hoan hỷ như Pháp trước khi ủng hộ, mà còn trông giống lời ngỏ xin tiền tặng sau khi phục vụ bữa ăn. Nỗ lực bật khóa lòng người tu sinh cốt để họ mở túi tiền ra chứng tỏ sự thiếu niềm tin vào suy nghĩ của người ủng hộ và như thế để lại một ấn tượng rất xấu. Và tất cả nỗ lực kêu gọi bố thí cúng dường nhằm ủng hộ thầy dạy không thể tránh được trường hợp ‘trả công’ phục vụ cho các thầy. Dù các thầy có ý thức về tình trạng ấy hay không, xu hướng này ngầm thúc đẩy họ phải nói với người nghe những gì họ nghĩ là người nghe muốn nghe. Điều này chỉ làm tổn thương Giáo pháp mà thôi.

Cần có một giải pháp lý tưởng để ủng hộ người học và hành Pháp nghiêm túc bất kể họ có tham gia giảng dạy hay không. Bằng cách đó, hoạt động giảng dạy sẽ tự nhiên trở thành tặng phẩm đúng nghĩa. Đồng thời, ngưng các pháp thoại về cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường vào cuối khóa tu, và ngưng đề cập đến truyền thống bố thí trong Phật giáo như là một hình thức gây quỹ là một bước cần thiết để hướng đến văn hóa cho nhận đúng nghĩa, đặng kịp thời phục hoàn lại tinh túy của lời Pháp.

Trong các khóa tu, đề tài cho nhận, chia sẻ, ủng hộ, bố thí, cúng dường nên được bàn đến bình thường như bao đề tài pháp thoại khác, nhằm đưa ra phương pháp ứng dụng Giáo pháp vào cuộc sống hằng ngày một cách hiệu quả nhất. Cuối các khóa tu, hộp ‘phước sương’ có thể đưa ra với ghi chú rằng thầy hướng dẫn khóa tu phục vụ tình nguyện không lương. Chỉ vậy thôi. Không kêu gọi. Không gợi ý. Tu sinh nhạy bén sẽ đủ khả năng tính được 2 + 2 = 4, và họ sẽ hoan hỷ, phấn khích, hài lòng rằng họ được tin tưởng và tự giải bài toán của mình. 


[*] Có lẽ học giả Cao Hữu Đính đã nhầm khi gọi tên tập Apadanas này là “chiến thắng vẻ vang của Đức Phật” (Văn học sử Phật giáo, nxb Thuận Hóa, 1996, tr. 110). Theo giải nghĩa của R. C. Childers (A Dictionary of Pāli Language, 2005, p. 47), Apadanas có thể được hiểu là tập kinh về phước thí (Chú thích của người dịch).

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: