CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Kiến lập an vui

Hạnh phúc an vui là điều gì đó mà ai ai cũng mong muốn, tìm cầu và làm mọi cách để đạt được chúng, nhưng có mấy ai đạt ước nguyện ấy! Phải chăng hạnh phúc quá cao vời hay chúng vượt quá tầm tay của mọi người…? Điều này tùy vào cảm nhận của từng cá nhân, bởi có người cho rằng hạnh phúc là đầy đủ về phương tiện sống; và có người đòi hỏi cao hơn như là có quyền lực, có quyền sinh sát trong tay, hay có một mái ấm gia đình với sự giàu sang, phú quý, v.v… nhưng cũng có những người quan niệm đơn giản hơn, họ chẳng đặt nặng vấn đề vật chất, miễn sao tinh thần thanh thản, không lo âu, sầu não là đã hạnh phúc rồi! Thực tế cho thấy rất nhiều người có đầy đủ mọi thứ từ vật chất cho đến quyền lực nhưng vẫn lo âu khổ não, ăn không ngon ngủ không yên… Vì sao lại nghịch lý như vậy? Tất cả đều do lòng tham không biết đủ, có một muốn được hai và cứ như thế tăng dần theo cấp số nhân hay lo sợ ngày mai mình mất sạch chẳng còn gì địa vị, tài sản… thì làm sao mà có được hạnh phúc chân thật? Nhưng ngược lại, một số người có nhận thức đúng đắn, tin tưởng vào những hành động của mình nên họ có cuộc sống thảnh thơi an lành cùng chứng nghiệm đời sống hạnh phúc. Chính vì vậy mà người viết muốn chia sẻ và giúp cho mọi người thấy được một trong những con đường dẫn đến hạnh phúc chân thật của cuộc sống; đó là hai chữ TínNhẫn.

Nói đến tín, nhẫn đã làm cho người viết nhớ lại câu chuyện mà tình cờ bắt gặp. Một hôm có duyên sự, ghé lại thăm người anh và chứng kiến vị Thầy đã tặng cho người em gái của mình một món quà nhân ngày cưới sắp đến mà Thầy không thể tham dự được. Món quà này thật đơn giản chỉ là hai bức tranh chữ tínnhẫn. Tuy chúng được viết theo lối thư pháp bằng chữ Hán rất đẹp nhưng cũng khiến cho người viết lấy làm ngạc nhiên. Ngạc nhiên ở đây chính là ngày quan trọng nhất trong đời của người em gái mà lại tặng hai bức tranh chữ, chứ không phải là một món quà gì đó có giá trị về kinh tế. Lấy làm thắc mắc nên đã hỏi Thầy về ý nghĩa của món quà đầy thú vị này. Lúc đó Thầy chỉ nói đơn giản: chỉ có ánh sáng trí tuệ mới đủ độ sáng, soi lối dẫn đường cho đời sống hạnh phúc nên hãy cho phương châm sống với nhận thức đúng đắn (tức là cần câu) chứ cho vật chất dù là trân bảo đi nữa (nghĩa là con cá) cũng sẽ cạn, sẽ hết trong một ngày không xa, còn nhận thức sẽ đi theo cả cuộc đời và giúp cho đời sống trở nên hạnh phúc hơn mà không ai có thể đánh cắp hoặc lấy chúng đi được.

Quả thật như vậy, nhận thức đúng đắn hay trí tuệ đóng một vai trò trọng yếu trong con đường hướng đến thành công của cuộc sống. Chính vì vậy mà ngài Pháp Xứng - một trong những nhà minh triết lớn của tư tưởng triết học Duy thức và Nhân minh, sống ở thế kỷ thứ VII - đã nói: Tất cả mọi hành động thành công của con người đều bắt đầu bằng nhận thức đúng đắn”. Và trong minh triết về những lời giáo huấncủa đức Phật Thích-ca cũng khẳng định chỉ có trí tuệ mới đủ năng lực hướng dẫn nhân loại thoát ra khỏi bóng tối khổ đau. Điều này được minh chứng trong nền giáo lý Phật-đà như Chánh kiến tức là cái thấy, nhận thức đúng đắn chân chánh đứng đầu trong Bát chánh đạo, hay như Trạch pháp nghĩa là biết phân biệt, thẩm sát được chân ngụy, hay nói một cách dễ hiểu là nhận chân được đâu là lối sống đúng đắn dẫn đến chân hạnh phúc, đâu là con đường đưa đến khổ đau mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Tuệ giác, hay là sự hiểu biết sâu sắc về những điều kiện bên trong tự thân cho đến những điều kiện bên ngoài cuộc sống; và anh chàng Trạch pháp này lại dẫn đầu Thất giác chi - bảy chi phần dẫn đến giác ngộ… Đồng thời chúng được bàn bạc khắp nơi trong giáo pháp.

Quay lại vấn đề của chúng ta, mọi người có thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao hai chữ giản đơn ấy lại được gọi là nghệ thuật làm cho cuộc sống được hạnh phúc hay không? Chính người viết khi mới tiếp nhận cũng chưa từng nghĩ rằng chúng lại có giá trị cao đẹp như vậy trong cuộc sống, nhưng khi nghe được những lời gợi ý và chiêm nghiệm lại mới bừng tỉnh như người trong mộng tỉnh dậy. Lúc đó mới nhận ra đây chính là hai chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc.

Chiếc chìa khóa Tín có nghĩa là niềm tin. Tin vào cuộc sống, tin vào bản thân mình có thể hoàn thành tốt mọi công việc, tin vào chân lý… nhưng chung quy cũng không đi ra ngoài hai vấn đề, đó là tin theo khuynh hướng thường nhật của cuộc sống và tin vào con đường tâm linh.

Đối với cuộc sống thường nhật thì niềm tin đóng vai trò bản lề then chốt để xây dựng đời sống hạnh phúc. Nếu như con cái mà không có lòng tin nơi cha mẹ thì làm sao có thể thực hành nếp sống theo sự dạy bảo của cha mẹ được. Bởi không có lòng tin nơi phụ mẫu thì đâu có được cái tâm kính trọng đấng sanh thành mà hiếu thảo, từ đó dễ dàng gây ra những đổ vỡ về mối quan hệ thâm tình cố nhục…. Anh chị em mà không tin tưởng lẫn nhau thì sự đoàn kết trong gia đình sẽ bị phá vỡ, dễ dẫn đến cảnh anh em tương tàn. Vợ chồng mà không tin nhau thì làm sao mà tháo gỡ những khúc mắc cho nhau. Những điều này được minh chứng rải rác khắp trong các mặt báo từ báo giấy cho đến báo điện tử… Và hệ quả tất yếu là dẫn đến khổ đau.

Và con đường sự nghiệp cũng như thế, nếu không tin tưởng nơi công việc của mình, không tin vào năng lực của bản thân thì mình mãi chỉ là người thất bại. Thiếu sự tự tin thì lấy gì làm điểm tựa cho hành động. Chữ Tín ở đây còn có nghĩa là biết giữ lời hứa. Khi mình không biết giữ lời hứa thì làm sao tạo được uy tín trong con đường làm ăn. Không được mọi người tin tưởng thì đâu có ai trợ duyên, hợp tác làm ăn với mình kia chứ. Đã không có sự hợp tác thì chắc chắn rằng sự nghiệp kinh doanh hay bất cứ lĩnh vực nào mình tham gia đều đi đến sự thất bại mà thôi.

Bên cạnh khuynh hướng thường nhật ở trên thì chữ Tín còn có khía cạnh tâm linh. Tùy theo góc độ, khía cạnh quan sát mà có sự khác biệt nhau. Như một số triết học tôn giáo thiết lập niềm tin theo quan điểm: Thượng đế tạo ra muôn vật và chúng ta tin vào Thượng Đế để được ban ân, sẽ được về với Đấng Toàn Năng sau khi chết… nên họ đã phó thác sanh mạng mình cho một quyền năng nào đó, không tự làm chủ được đời sống của mình. Vì lẽ đó, trong bài này người viết mới đề cập về cách nhận thức của Chánh kiến cùng Trạch pháp ở trên để thấy được giá trị niềm tin trong Phật giáo khác với các tôn giáo khác ở điểm: niềm tin phải cùng song hành với trí tuệ. Và ở đây người viết chỉ trình bày chữ Tín theo quan điểm của Phật giáo.

Đối với Phật giáo thì chữ tín có vai trò rất quan trọng nên trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có nói: Niềm tin là mẹ đẻ của các công đức lành. Đôi khi một số chỗ lại nói niềm tin là mẹ đẻ của chư Phật. Chắc mọi người cảm thấy khó hiểu lắm? Bởi đức Phật từng tuyên bố rằng: chư Phật là bậc Vô Thượng Sư, tự mình chứng ngộ, không thầy chỉ dạy mà sao ở đây lại nói niềm tin là mẹ?

Quả thật, chư Phật là những bậc Vô Thượng Sư và do chính sức tu tập cùng nghị lực mãnh liệt nên các ngài đã vượt qua mọi ma chướng: từ bên ngoài cho đến ma quân phiền não với các tướng lĩnh tham sân si bên trong. Để đạt được thành quả này đòi hỏi các Ngài phải có sự tin tưởng nơi bản thân, có khả năng thấy và thành đạt được con đường giải thoát khổ đau. Đồng thời các Ngài cũng tin tưởng vào pháp thiền định mà mình đang thực tập là đúng, có khả năng dẫn đến đạo quả vô thượng bồ đề. Chính niềm tin bất thoái chuyển như vậy nên mới đủ duyên để dẫn đến sự chứng ngộ Phật quả. Niềm tin và con đường thiền định ở đây chính là Pháp mà trong kinh điển hay đề cập, nên đức Từ Phụ từng khẳng định: Pháp là mẹ của chư Phật trong ba đời. Ở vài nơi khác, Đức Thế Tôn cũng khẳng định giá trị của chữ Tín, như trong Thất Thánh Tài (bảy tài sản quý giá nhất của người tu: tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài) thì chữ tín đứng đầu. Tín cũng đứng đầu trong nhóm năm sức mạnh quyền năng dẫn đến giác ngộ (ngũ lực: tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực) hay như trong phẩm Cát Tường thứ 39 của Kinh Pháp Cú đức Phật cũng có dạy:

Ư thị Phật mẫn thương

Vị thuyết chân hữu yếu

tín lạc chánh pháp

Thị vi tối cát tường

Nghĩa là ngay lúc đó Phật vì lòng bi xót mà nói lên những điều chân thật và thiết yếu, đó là có niềm tinsự an lạc trong chánh pháp. Đây chính là điềm lành tối thượng. Qua đó chúng ta có thể thấy được trong cái nhìn nhà Phật: chữ tín luôn luôn song hành cùng trí tuệ, dù trong bất kỳ pháp môn nào, chứ không phải là tin sao cũng được.

Và một điều quan trọng hơn dù ở khía cạnh thường nhật của cuộc sống hay ở mặt tâm linh thì chữ tín đều có sự hỗ trợ đắc lực của yếu tố nhẫn, nghĩa là sự kiên định trong công việc cũng như đời sống. Nếu các bạn có lòng tin nơi bản thân, có sự tin tưởng đối với mọi người trong gia đình… nhưng lại thiếu đi chìa khóa nhẫn thì con đường hạnh phúc, thành công cũng sẽ khó mà đạt được. Cho nên đức Thế Tôn cũng có dạy một đoạn khác trong phẩm Cát Tường rằng:

Sở văn thường dục nhẫn 

Nhạo dục kiến sa môn

Mỗi giảng tiếp thính thọ

Thị vi tối cát tường. 

Nghĩa là biết nhẫn nhục khi nghe điều bất như ý, có hạnh phúc mỗi khi được gặp người xuất gia, mỗi khi nghe pháp hết lòng tiếp nhận để hành trì, đó là điềm lành lớn nhất. Chính cái chỗ nhẫn nhịn được những điều bất như ý, mới có thể giải quyết mọi việc một cách êm ấm mà không gây ra sự chia rẽ mất đoàn kết và đánh mất đi tình thương trong gia đình cùng với các quan hệ xã hội. Khi mà tình thương không mất thì hạnh phúc, thành công sẽ phát sinh. Chẳng hạn như hạt giống gieo xuống đất mà có đầy đủ các duyên hỗ trợ như đất xốp, độ ẩm vừa đủ, v.v... thì hạt giống dễ dàng nảy mầm. Nhưng khi đã nảy mầm rồi mà chúng ta còn hỗ trợ các duyên giúp chúng tăng trưởng như ánh sáng, phân bón, chăm sóc, v.v... thì cái mầm này sẽ phát triển tươi tốt, và ngược lại, thiếu các duyên hỗ trợ thì khó mà nảy mầm cùng phát triển. Tương tự như vậy, khi chúng ta có niềm tin cộng với tính kiên trì, nhẫn nại thì hạt giống hạnh phúc, thành công mới có được môi trường thuận lợi để phát triển, và ngược lại, thiếu chữ nhẫn nghĩa là ta đã cô lập những yếu tố hỗ trợ và dẫn đến sự hủy hoại đi mầm sống hạnh phúc. Cho nên hai chữ này phải đi song hành cùng nhau mới tạo nên diệu dụng của cuộc sống.

Giờ đây hạnh phúc hay khổ đau chỉ là do chính ta quyết định bằng nhận thức của mình thông qua con đường hành động. Hành động theo phương pháp sống đẹp sẽ tạo nên đời sống hạnh phúc, bằng ngược lại, sẽ đưa đến cuộc sống khổ đau. Cho nên nhận thức là căn bản, là gốc rễ để hình thành đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Chính vì vậy Đại sư Atisha đã nói: “Nếu rễ cây đã độc thì cành lá cũng độc, nếu rễ cây có dược tính thì cành lá cũng có dược tính. Tương tự nếu gốc rễ đã tham sân si thì bất cứ điều gì người ta làm cũng đều bất thiện”. Chúng ta phải biết kiến lập cho mình một nền tảng căn bản đạo đức để soi đường cho đời sống hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Và hai chữtín, nhẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho nền tảng đạo đức ấy. Chính giá trị như vậy nên chúng được gọi là nghệ thuật kiến lập hạnh phúc, giúp cho mọi người thấy được con đường chuyển hóa khổ đau để đạt đến hạnh phúc thật sự trong cuộc sống này.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: