CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Nguồn mạch tâm linh

1. Tâm linh là gì?

Theo Phật giáo, con người được hình thành từ năm uẩn. Ngũ uẩn là hợp thể của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, là một kết hợp giữa tâm lý và vật lý để tạo nên một chúng sanh (con người). Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật cũng tuyên bố: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa...” Do vậy, Phật giáo không chấp nhận có linh hồn bất tử, sau khi chết linh hồn sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian… tùy theo nhân duyên, nghiệp quả chúng sanh gieo tạo trong quá khứ hoặc hiện tại mà sau khi mạng chúng được tái sanh vào các cảnh giới tương ứng.

Đối với Phật giáo, con người có thể giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập tự thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý. Do vậy, nguồn mạch tâm linh theo Phật giáo phải được hiểu là cuộc hành trình tu tập quay về bên trong để chuyển hóa nội tâm, đoạn trừ khổ đau, chứng nghiệm được niềm an vui hạnh phúc ở đời này và đời sau; hay nói cách khác đó là con đường tự nỗ lực tu tập để thân chứng quả vị giác ngộ, giải thoát.

2. Những nghịch lý của con người trong xã hội hiện đại và nhu cầu tìm về con đường tâm linh Phật giáo

Càng ngày chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tính cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn;

Chúng ta ngày càng ít cười vô tư hơn, dễ nổi nóng, dậy rất muộn, xem tivi quá nhiều và ngày càng trở nên kém tế nhị đi.

Của cải ngày càng nhiều, nhưng giá trị chúng ta ngày một giảm; chúng ta nói rất nhiều, yêu thương quá ít và nói dối quá thường xuyên.

Chúng ta học cách kiếm sống, nhưng không học cách sống, có nhiều năm để sống, nhưng không biết cách tạo cho cuộc sống dài hơn.

Chúng ta đã học cách trở nên vội vã, nhưng không học cách chờ đợi, lương tháng ngày càng cao, nhưng đạo lý thì vơi đi nhiều.

Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng không thắng được cõi lòng.

Chúng ta thu nhập cao hơn nhưng đạo đức lại suy đồi hơn.

Thời đại của sự hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong thì trống rỗng …

(Nguồn Internet)

Có thể chúng ta đã từng biết hoặc đọc được những điều nghịch lý trong xã hội hiện đại vừa nêu trên nhưng đôi khi trước những cái thường tình trong cuộc sống đó mà chúng ta lại dễ dàng chấp nhận nó như một hệ quả tất yếu. Trong thực tế thì còn rất nhiều những sự nghịch lý như vậy, vấn đề là chúng ta phải suy nghĩ và tìm cách sửa đối thái độ sống của mình cho phù hợp với các giá trị nhân bản (Ngũ giới, Thập thiện nghiệp đạo), không suy thoái đạo đức trước những trào lưu, những biến động vá xu hướng mới trong thế giới văn minh vật chất; đồng thời giáo dục cho người ta tự nhận biết mình và cuộc đời, quay vào bên trong để thân chứng nội tâm, để tiến dần đến mục đích tối hậu: hạnh phúc tuyệt đối của cứu cánh Niết bàn.

3. Con người trong xã hội hiện đại cần thực tập các giá trị tâm linh của Phật giáo để thiết lập đời sống hạnh phúc thật

* Hạt minh châu trong chéo áo

Chúng ta cứ mải miết rong ruổi theo cảnh trần bên ngoài mà quên đi bổn tâm của mình. Ta cứ chạy theo ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy mà quên ngừng lại một chút để nhìn lại mình đang đứng ở đâu bên bến bờ sanh tử. Chính vì thế mà chúng ta cam chịu làm chúng sanh đau khổ mãi. Chỉ cần quay vào bên để nhận chân ra cội nguồn tâm linh nơi chính mình, và sử dụng được cội nguồn tâm linh ấy thì nhất định chúng ta sẽ được an vui, giải thoát.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm thứ tám “Ngũ bá đệ tử thọ ký” nhắc đến câu chuyện: “Có anh chàng say rượu đến ngủ nhờ nhà người bạn. Người này có việc phải đi, liền đem châu báu cột trong áo gã say rồi lên đường. Tỉnh dậy, gã vẫn không hề hay biết, lê thân đi khắp nơi kiếm ăn, kiếm mặc hết sức khổ cực. Sau người bạn gặp lại, không ngờ anh bạn say kia vẫn chẳng hề hay biết kho tàng vô giá được tặng nên mãi phải sống kiếp tha phương cầu thực”.

Viên minh châu ấy dụ cho Phật tánh vậy, mỗi người đều có, nhưng do chưa nhận chân được nó nên mới có những kẻ vô minh và người mất trí. Gã say đó được ví tất cả chúng sinh, lúc nào cũng mơ màng, có sẵn hạt ngọc trí tuệ trong tay, có sẵn khả năng giải thoát mà không hề hay biết. Lúc nào cũng cam phận thấp hèn, bằng lòng với quả vị nhỏ bé, được chút an vui của thế gian đã cho là đủ. Nay nghe Phật dạy mới hết sức vui mừng vì có khả năng thành tựu Phật huệ, phát nguyện tìm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

3.1. Tu tập chuyển hóa phiền não, thực tập hạnh “thiểu dục tri túc”

Nếu chúng ta không kiểm soát được ham muốn của mình, không có điểm dừng thì sẽ tự gây hại cho bản thân và xã hội. Phật dạy: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa”. Có nghĩa là: người mong muốn nhiều, cầu lợi nhiều thì khổ não cũng nhiều.”

“Này các Tỳ-kheo! Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục lạc, hạ tiện, đê hè, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung đạo do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. (Tương Ưng Bộ kinh).

3.2. Đừng chạy theo danh vọng và tầm cầu tài sản vì đó thì thuộc tính của tâm tham dục

Tăng Chi bộ kinh, Chương 1, Phẩm Làm bạn với thiện, Đức Phật dạy:

“Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng tài sản, Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ”.

“Ít có giá trị, này các Tỳ kheo, là những tăng trưởng này, tức là tăng trưởng danh vọng. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, đó là trí tuệ. Do vậy hãy học tập như sau, tôi sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ” .

3.3. Phòng hộ tâm: Đưa tâm trở về an trú nơi thân

Quốc sư Viên Chứng đã từng nói với vua Trần Thái Tông khi vua muốn bỏ ngôi vị để lên núi Yên Tử xuất gia: “Sơn bản vô Phật. Duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị vi chân Phật” (Nghĩa là: Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, thì đó là ông Phật thật). Cốt lõi của sự nghiệp tu hành chỉ là làm cho tâm bình lặng.

Ngoài ra, trong kinh Pháp Cú, Đức Phật cũng khẳng định khả năng của con người có thể phòng hộ tâm, điều phục tâm:

Phàm phu ngũ dục xoay vần

Tham đắm xao động phong trần phù du

Ai người tỉnh ngộ điều nhu

Gìn giữ tâm tánh dưỡng tu an lành”.

(PC.35)

Phàm phu ngũ dục xoay quanh

Che lấp u ẩn biến sanh mê tình

Người trí phòng hộ tâm bình

Nhờ khéo phòng hộ, giữ mình yên vui.

(PC.36)

Tâm tánh phàm phu của chúng sanh luôn dao động mạnh, không an trú ngay giờ phút hiện tại nhưng người trí khéo chế ngự, nhiếp phục, phòng hộ được tâm bằng cách “Chánh niệm tỉnh giác” nên cuộc sống sẽ được an vui, hạnh phúc. Điều này, Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi, Phẩm Không điều phục: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ. Tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn”.

3.4. Tâm suy nghĩ điều thiện, từ đó hành động và lời nói thiện

* Tâm tà tư duy sẽ chuốc lấy khổ đau

“Trái oan hại kẻ trái oan

Hận thù – thù hận muôn ngàn tai ương!

Không bằng ác nghiệp vấn vương

Tâm niệm hành động… mình thường tự gây” (PC.42)

Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, Tỷ kheo ấy, khi đang nghĩ ban ngày, khởi lên những tư duy ác, bất thiện như dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy.

Rồi vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót, vì muốn lợi ích, muốn cảnh giác liền đi đến nói lên bài kệ cho Tỷ kheo:

“Ông tác ý bất chánh/ Nên say đắm tư duy

Hãy từ bỏ bất chánh/ Hãy tư duy chơn chánh

Nương tựa Phật Pháp Tăng/ Giữ giới, không thối chuyển

Ông chắc chắn chứng đạt/ Hân hoan và hỷ lạc/

Với hân hoan sung mãn/ Ông chấm dứt khổ đau”.

Tỷ kheo ấy, sau khi được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

(Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Bất chánh tư duy)

* Đặt tâm đúng hướng sẽ vượt thoát phiền não, thành tựu giải thoát

“Cha mẹ, bà con… những ai

Cũng không bằng chính tâm này làm nên

Thân khẩu ý… hành động hiền

Tăng trưởng cao thượng phước duyên để đời”. (PC.43)

Này các Tỷ kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.

(Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng)

3.5. Thực tập thiền bằng cách quán niệm hơi thở - phương pháp quay về nguồn tâm, chuyển hóa mọi phiền não, sầu muộn bất an

Kinh Quán niệm hơi thở, HT. Thích Nhất Hạnh dịch

"Này đây, quý vị khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.

Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.

Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.

Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.

Bài giảng khóa tu Một ngày An lạc, ngày 08/01/2017 (nhằm ngày 11/12/Bính Thân)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: