Vô thường
- Liên Khang
- | Thứ Tư, 21:51 16-04-2014
- | Lượt xem: 8102
Định luật tuần hoàn của vũ trụ luôn xoay vần biến đổi, hết xuân đến hạ, hết hạ qua thu, rồi lại sang đông,… không có gì tồn tại vĩnh cửu. Đức Phật đã dạy thế gian vô thường, khổ, không, vô ngã, thời gian luôn luôn sanh diệt, không gian thì cứ đổi dời.
Quán xem muôn pháp ở đời,
Dường như mộng huyễn héo rồi lại tan.
Kìa xem nhân loại thế gian,
Khác chi bọt nước sương tàn ban mai.
Hữu sinh hữu diệt trần ai,
Đây là định luật không sai vô thường.
Vô là không, thường là còn. Vô thường là không thường còn. Tất cả vạn pháp trên thế gian đều mang tính chất thay đổi, lưu chuyển không ngừng. “Hữu hình là hữu hoại”, nghĩa là vật nào có hình tướng, sắc thân đều phải bị hoại diệt. Một nhà triết học từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, nghĩa là dòng nước trôi đi trong từng giây phút, ngày nay ta có trở lại dòng sông ấy thì nước cũng đã khác rồi.
Vô thường mau lẹ sớm hồi đầu,
Thân tứ đại này có chắc đâu.
Buổi sáng lợi danh chiều nhắm mắt,
Vô thường biến chuyển thoáng qua mau.
Ấy vậy mà người ở thế gian cứ tưởng thân này là quý giá, là đẹp đẽ, nên hằng nâng niu, trau chuốc. Họ sống một cách vô tư, đâu ngờ rằng nó đã suy tàn, đã già, đã chết trong từng giây, từng phút. Thân này là giả tạm do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Mỗi tế bào trong thân khi hoại sẽ bị đẩy ra ngoài và được thay thế bởi tế bào mới. Sự thay đổi này giúp trẻ em trưởng thành và dần dần già chết. Cái chết vi tế này diễn ra từng giây từng phút trong thân, khi đủ duyên thì bất thình lình quỷ vô thường đến bằng một cơn đau tim hay một làn gió độc… sẽ kết thúc mạng sống. Sự sinh diệt qua các thời kỳ đã và đang làm chủ xác thân ngũ uẩn này của ta, không một ai có thể cưỡng lại hay mong cầu một xác thân như ý. Thân buổi sớm không phải là thân của buổi chiều, thân hôm nay không phải là thân của ngày mai.
Một ngày đã qua,
Mạng sống giảm dần.
Như cá cạn nước,
Thử hỏi gì vui.
Đức Lão Tử cũng đã thấy thân này là nguồn tội lỗi, là gốc khổ đau triền miên:
Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân
Nhược ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?
(Ta có cái khổ lớn là vì ta có thân,
Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì).
Đức Phật dạy quán thân bất tịnh để chúng ta xa lìa, nhàm chán, không chấp thân mà ra sức công phu tu tập giác ngộ. Thiền sư Viên Chiếu đã nhận chân được lý vô thường, sống tuỳ thuận theo quy luật:
Thân như tường vách đã lung lay,
Ai chẳng đau buồn trước đổi thay.
Nếu đạt tâm không không sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay.
Thiền sư trụ tâm không trước cảnh vô thường của thế gian, không để duyên theo ngoại cảnh, Ngài không bị lôi cuốn theo dòng sanh diệt của tâm thức. Còn chúng ta nếu gặp cảnh thuận thì thích chí vừa lòng, gặp cảnh nghịch thì chán nản, thối chí. Như vậy là chúng ta đang bị phàm tâm chi phối, tâm trí loạn động như dòng thác tuôn chảy. Hôm nay ta tinh tấn tu hành, ngày mai đã ưu phiền thối chuyển. Đức Phật dụ tâm người như ngựa hoang, như vượn chuyền cành. Lục căn luôn duyên theo cảnh trần bên ngoài là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cũng vì lòng tham đắm, chấp ngã, chấp pháp mà chúng sanh cứ mãi trầm mình trong biển khổ sanh tử. Nếu tâm nghĩ thánh thiện thì cảnh giới Phật hiện ra, tâm nghĩ sái quấy thì cảnh giới phàm phu xuất hiện, tâm Phật hay phàm phu đều chỉ trong mỗi sát na. Cái tâm là vô thường, là tạm bợ như thế mà chúng ta không hay biết, cứ mãi bám víu vào nó, tham lam vơ vét tài sản, lợi danh chung quanh.
Tục ngữ có câu: “Vật đổi sao dời” hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm vinh nhục, thạnh suy, sang hèn. Bao nhiêu người trước thì giàu sang, quyền thế, dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, thế mà sau một cơn binh lửa, sự nghiệp tiêu tan như mây khói. Bao nhiêu người quyền cao chức trọng, hống hách nghinh ngang, thế mà sau một phút sa cơ thất thế đã trở thành kẻ thân bại danh liệt, đi tha phương cầu thực, chiếu đất màn trời hay vướng cảnh tù đày khốn khổ.
Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Vạn pháp đều có thể bị năm thứ giặc cướp mất. Đức Phật gọi là giặc của năm nhà, gồm có:
1. Nước trôi.
2. Lửa đốt cháy.
3. Giặc đánh cướp.
4. Vua quan tịch thu.
5. Con cái hư hỏng phá huỷ.
Những gì mà chúng ta ôm ấp, nâng niu giữ gìn như một bảo vật có thể là một nguồn đau khổ trong khoảnh khắc kế tiếp:
Các pháp từ duyên sanh,
Rồi cũng từ duyên diệt.
Phật là bậc Sa-môn,
Thường dạy đúng như vậy.
Nhận thấy cõi đời này là vô thường thì chúng ta hãy bình tĩnh, lặng tâm trước những sự biến đổi vô thường ấy và cũng đừng chấp chặt những gì là của ta.
Có rồi thì sẽ mất,
Giàu sang sẽ nghèo hèn.
Tụ hội sẽ phân ly,
Mạnh khoẻ rồi đau chết.
Nói tóm lại, chúng ta biết được thân, tâm, hoàn cảnh vô thường, nhưng chúng ta đừng chán nản buồn đau trước cảnh vô thường ấy, mà hãy vui lên. Vì trong kinh, Đức Phật có dạy rằng: “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, nghĩa là: thân người khó được, Phật pháp khó nghe, mà nay chúng ta lại có được thân tâm toàn diện như thế này và nghe được giáo pháp của Phật dạy, đó là một điều hạnh phúc lớn lao của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải biết chuyển thân này, tức là lo tu tập để làm lợi ích cho mình và mọi người.
Ví như, chúng ta muốn qua được bên kia sông, tất nhiên phải nhờ chiếc ghe để có thể qua sông được, khi tới bờ rồi thì chiếc ghe ấy để lại ở dòng sông, không đem theo được. Thân chúng ta cũng vậy, muốn qua được bờ giải thoát thì chúng ta phải nhờ tạm xác thân này, không nên vướng bận nhiều, vì nó cũng không theo ta mãi được. Nếu chúng ta cố gắng tu tập, rèn luyện thân tâm cho được thuần thục, toàn thiện, khi bỏ xác thân này thì tâm linh ta được nhẹ nhàng, an vui và giải thoát, còn xác thân này xin được bỏ lại nơi cõi trần gian cũng giống như chiếc ghe kia vậy.
Hãy sử dụng thời giờ xứng đáng,
Kiếp sống còn rất ngắn ai ơi.
Thực hành đạo pháp độ đời,
Cho quê hương được nguồn vui thanh bình.
(Kệ trích lục – Đệ nhất Ni trưởng)
(Phú Cường – Pleiku – Gia Lai)
Các bài viết liên quan
- Niềm tin và trí tuệ - Thứ Ba, 15:07 22-01-2019 - xem: 7886 lần
- Phát triển lòng từ - Chủ Nhật, 14:07 20-01-2019 - xem: 7146 lần
- Sống với chữ "Tùy duyên" - Thứ Bảy, 10:06 19-01-2019 - xem: 7485 lần
- Nguồn mạch tâm linh - Thứ Năm, 07:05 10-01-2019 - xem: 6882 lần
- Sám hối thế nào cho đúng - Thứ Tư, 14:23 02-01-2019 - xem: 7811 lần
- Lợi ích của tri túc - Thứ Hai, 08:23 31-12-2018 - xem: 7712 lần
- Tu hiền niệm Phật - Thứ Tư, 12:17 26-12-2018 - xem: 5536 lần
- Vượt qua mê tín - Thứ Năm, 21:44 15-02-2018 - xem: 8713 lần
- Khi chúng tôi yêu thích thiền hành - Chủ Nhật, 08:54 19-11-2017 - xem: 8479 lần
- Trí tuệ cho hôm nay - Thứ Sáu, 08:16 06-10-2017 - xem: 6476 lần
- Sống tỉnh thức - Chủ Nhật, 09:51 07-05-2017 - xem: 7894 lần
- Vai trò của tri thức và sáng tạo trong quá trình thành đạo của Đức Phật - Thứ Năm, 00:32 30-03-2017 - xem: 7882 lần