CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Sư ơi! Con đã hiểu

Đã gần một tháng nay, sáng nào người ta cũng thấy hình ảnh của một nhà Sư tuổi đã cao, thân mình gầy còm, ôm bình bát đi trì bình khất thực vào mỗi buổi sáng. Đến giờ ngọ thì Sư ngồi dưới gốc cây mà dùng phẩm thực, rồi trở về tịnh thất để an dưỡng.

Hôm nay là ngày chủ nhật. Đúng 8 giờ sáng đã có một số người đứng hai bên đường, để chờ vị Sư già này đi khất thực ngang qua mà dâng lên cúng dường cho Ngài. Bà Chín và chú Hùng, ngày nào cũng thế, nếu không phải là xôi, thì cũng là một ổ bánh mì khô để bỏ bát cho Sư độ ngọ qua ngày mà tiếp tục con đường độ sanh.

Bà Chín là một người Phật tử thuần thành từ khi còn là con gái, nay Bà đã gần 80 tuổi. Từ ngày được người con giao cho một gian hàng bánh mì khô ở một góc chợ để buôn bán, Bà không còn thời gian đến tịnh xá tu tập, công quả và phụ giúp mấy Sư những việc lặt vặt trong tịnh xá. Bởi mỗi khi bán hết bánh, về tới nhà, Bà đã mệt lã, lại phải làm bánh để chuẩn bị đi bán tiếp vào ngày mai, còn đâu thời gian đến tịnh xá tu học!

Khi thấy vị Sư già trì bình khất thực, bà Chín vui lắm vì tuy không đến tịnh xá được, nhưng Bà vẫn có thể gieo duyên với Tam bảo, để tích tạo một ít phước lành khi tuổi đã xế chiều, lỡ mai có qua đời thì cũng nhờ những duyên lành này mà sanh về cõi nào an vui hơn, bớt khổ hơn. Bà nghĩ thế rồi tự mỉm cười với lòng mình một cách tự đắc.

Hùng ơi! Sư đến rồi kìa! Đó là giọng nói quen thuộc của bà Chín mỗi buổi sáng. Nghe tiếng bà Chín gọi, Hùng lật đật mua một ít xôi, chạy đến nắm tay bà Chín để dắt qua đường dâng lên cúng dường cho Sư.

Sau nhiều lần tò mò, bà Chín mới được chú Hùng kể cho Bà nghe về lai lịch của Sư: “Nghe đâu Sư là một vị trụ trì của một ngôi tịnh xá lớn lắm. Đệ tử của Ngài đến mấy chục người. Nhưng sau khi xây cất ngôi tịnh xá xong, và nuôi dưỡng đệ tử thành tài – trở thành những vị Giảng sư nổi tiếng, thì Sư đã giao lại toàn bộ tịnh xá cho đệ tử kế thừa. Rồi với ba y, một bát, Sư tiến về phía chân núi mà lập một cái thất nhỏ đơn sơ để tịnh tu, mỗi sáng trì bình khất thực để nối tiếp hạnh nguyện của ba đời chư Phật”.

Nhưng… mấy ngày nay, sáng nào cũng có một tốp người chuẩn bị thức ăn cúng dường, rồi lại mang về vì không thấy Sư đâu. Cái không gian của một góc chợ quê đã toát lên một nét u buồn, tĩnh mịch, với những vẻ mặt thất vọng và ngóng chờ. Cái không khí náo nhiệt, vui tươi dường như đã tan mất. Hình ảnh của một nhà Sư khất sĩ, khoác trên mình tấm y vàng, từng bước khoan thai, nhẹ nhàng đầy hỷ lạc ôm bình bát đâu rồi? Nhất là bà Chín và chú Hùng, hai người hộ pháp thuần thành nhất đã buồn rười rượi. Có khi bà Chín đã bật khóc, vì Sư là điểm dựa tâm linh của đời Bà, mong sao Sư xuất hiện để Bà gieo trồng một ít phước đức ở cuối đời.

Mấy ngày nay, thay hình ảnh vị Sư già, có khoảng 3 đến 4 người cũng mặc đồ của nhà Sư, ôm bát đi ngang qua quán và nhận tiền, dáng đi thô tháo và khó coi vô cùng. Bà Chín thắc mắc tự hỏi: “Không biết những người này từ đâu đến? Sao lại có người còn mặc áo dài vàng, đi vào các gian hàng mà xin tiền với những chiêu thức như: Giấy kêu gọi cúng dường xây dựng chùa có đóng dấu, xin tiền nuôi chúng Tăng ăn học, bán bùa may mắn trong làm ăn…?”. Sau một hồi suy nghĩ, càng nhìn bà Chín càng thấy đau lòng. Bà nhớ đến vị Sư già hiền lành hồi trước, với vẻ mặt khiêm từ hoan hỷ, toát lên một nét từ bi vô lượng, để khi nhìn Ngài là Bà đủ cảm thấy hạnh phúc và an lạc lắm rồi.

Năn nỉ mãi, bà Chín mới nhờ được chú Hùng chạy xe vào phía chân núi để tìm Sư, tìm hiểu nguyên nhân tại sao Sư không còn trì bình khất thực? Đến xế chiều, khi màn đêm đã bắt đầu buông xuống, Hùng mới tìm được chỗ Sư ở. Nhìn thấy Sư đang tọa thiền, Hùng nhè nhẹ ngồi dưới gốc cây đợi. Sư biết có người đến, nên đã xả thiền để tiếp. Hùng vọt miệng hỏi liền: Bạch Sư, sao mấy ngày nay Sư không trì bình khất thực? Trong xóm chợ ai cũng mong chờ Sư, nhất là bà Chín bán bánh mì khô, do nhớ Sư, Bà đã khóc rất nhiều.

Sư bình thản trả lời: Mô Phật, nhà Sư xin thành tâm cảm niệm tình thương và sự quan tâm của mọi người đã dành cho Sư. Nhưng tín chủ có biết gần đây hiện tượng Sư giả tràn lan, lợi dụng lòng tin của mọi người để mưu lợi cá nhân, họ không hề sợ tội lỗi về sau? Do thế mà Trung ương Giáo Hội đã tha thiết kêu gọi quý Tăng Ni nên hạn chế thực hành hạnh trì bình khất thực, để tạo điều kiện cho Giáo Hội và chính quyền địa phương giải quyết tệ nạn này, tệ nạn gây tổn hại đến nét đẹp của Phật giáo trong lòng người dân.

Sư tâm sự: Mấy ngày nay Sư cũng muốn đi trì bình khất thực trở lại, để gieo duyên cúng dường bố thí cho mọi người, để diệt trừ tâm ích kỷ và hơn thua. Và đó cũng chính là hạnh nguyện của Tổ Thầy, mà Sư là người phải có nhiệm vụ tiếp nối và truyền thừa, đem hình ảnh của nhà Du Tăng Khất Sĩ để đánh thức mọi người phải biết buông bỏ sự hơn thua, tật đố, tranh giành và chiếm lĩnh. Buông bỏ mọi sở chấp mà thức tỉnh nhân tâm, sống đời bình dị, nhận chân được cuộc đời chỉ là ảo mộng phù du, như giọt sương gá tạm cành cây của buổi sớm mai, rồi sẽ tan mất…

Sau cuộc trò chuyện, Sư nói lời tạm biệt, và lặng lẽ âm thầm tiến về phía núi, cho đến khi khuất bóng. Nhìn Sư, Hùng dường như chợt tỉnh một điều gì đó trong tâm hồn mình, mà đã lâu lắm rồi Hùng đã lãng quên. Trở về, Hùng kể hết mọi chuyện cho bà Chín nghe. Hai bà cháu ôm nhau khóc nức nở vì thương Sư, và thương cho chính mình, đã để cho thời gian trôi qua một cách lãng phí. Nay bà Chín đã già, cái chết đã đến gần, không còn sống bao lâu nữa trên cuộc đời này. Bà đã thấu hiểu và nuối tiếc. Trong nước mắt nghẹn ngào, bà Chín đã thốt lên: “Sư ơi! Con đã hiểu”.

Sau một thời gian, giờ đây chú Hùng cũng đã trở thành một người xuất gia theo Sư học đạo, để tiếp tục nối tiếp hạnh nguyện của Ngài, làm người du Tăng khất sĩ, khất thực trì bình, hóa độ nhân sinh.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan