CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Thầy và trò

Đã mấy lần đọc đi đọc lại cuộc đời của một vị hành giả Du-già danh tiếng Tây Tạng – Milarepa, con người siêu việt, người đọc vẫn không sao nén được niềm xúc động dâng trào. Thầy và trò, một sợi dây vô hình nhưng họ đã tìm gặp nhau, trong truyền thống truyền thừa, trong giáo lý tự độ - độ tha, họ đã làm rúng động không ít những trái tim khát khao và ngưỡng cầu giáo pháp, chân lý của sự giác ngộ tối thượng.

Như một quy luật tất yếu cho những ai muốn bước vào ngưỡng cửa để tìm cầu giáo pháp, trước tiên là phải biết sống thật, thật đến mức ngoài việc tìm kiếm chân lý giải thoát thì không còn mục đích nào khác hơn. Milarepa, người đã sống như vậy. Sự đau khổ và dằn vặn mỗi ngày giằng xé tâm can Ngài đến tận cùng, tột đỉnh, có lẽ chính là việc làm sai trái của việc thực hành huyền thuật giết đi rất nhiều mạng người, làm cho cuộc sống ở quê hương của Ngài trở nên điêu tàn; có lẽ cái khổ cùng cực bị áp bức khi cha Ngài qua đời, được hun đúc bằng sự hận thù của người mẹ; có lẽ vì sớm xa quê hương để trả mối thù cho gia đình v.v… Tất cả là sự dồn nén, nỗi ức chế đến mức không còn lối thoát nào hơn ngoài sự mong muốn giác ngộ tâm linh mới giải phóng hết tất cả những khổ đau bi luỵ ấy.

Trò thì như thế. Còn thầy? Thầy ra sao? Thầy biết, thầy hiểu và cảm thông tất cả. Thương trò như chính bản thân mình nhưng phải ra tay quở phạt, mắng trách, thậm chí cả đánh đập và đuổi xua. Thầy không còn cách nào khác để làm giảm bớt những ác nghiệp của trò.

Ban đầu, thầy bắt trò làm một căn nhà hình tròn trên ngọn núi phía đông, được nửa chừng thầy đổi ý bảo trò phải làm ngôi nhà hình mặt trăng lưỡi liềm hướng về phía tây, nhưng sau đó thầy lại bắt làm ngôi nhà khác hình tam giác hướng về phía bắc. Mỗi lần phá bỏ là mỗi lần phải di dời tất cả những viên đá trở về vị trí ban đầu của nó. Cuối cùng, là ngôi nhà chín tầng. Milarepa cũng được bạn bè giúp sức đẩy viên đá thật to làm móng, nhưng khi thầy trông thấy thì ông bắt Ngài phải dời viên đá lại chỗ cũ, chỉ một mình trò làm mà không có bất kỳ ai giúp đỡ, trong khi trò đã xây được hai tầng, lấy tảng đá là sụp đổ hoàn toàn ngôi nhà. Cứ thế, bao sự mong đợi, hy vọng được truyền thụ giáo lý mà trò vẫn nhẫn nại với tất cả mệnh lệnh của thầy dù thầy thay đổi ý kiến liên tục. Ngôi nhà hoàn thành nhưng đến lúc nhập chúng để được truyền pháp lại bị thầy nắm tóc đuổi ra cùng những lời mắng nhiếc thậm tệ. Ngôi nhà thứ hai to hơn gồm một thiền đường và một chánh điện được thầy hứa chắc chắn sau khi xây xong sẽ truyền pháp. Đến khi sắp hoàn thành, trò xin thầy dạy pháp, thầy nổi cơn thịnh nộ… Trong sự hoàn toàn sụp đổ tinh thần, trò kể lại như sau: “Rồi ông đá tôi bay ra khỏi phòng bằng những cú đá trời giáng, đến nỗi tôi cảm thấy như lún xuống nền nhà. Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ tìm lý do tại sao tôi phải chịu tất cả sự đối xử tàn nhẫn như thế. Có phải tôi đang trả nghiệp cho những hành vi tàn ác trong việc dùng những trận bão đá giết chết quá nhiều người và phá hoại mùa màng phì nhiêu không? Hay là thấy tôi không xứng thọ lãnh và tu tập giáo lý? Hay ông ghét bỏ tôi? Dù sao, nếu không có cuộc sống tôn giáo để sống cho xứng đáng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử”. Và những lần tương tự như thế, trò kể: “…tôi nán lại với hy vọng rằng ông có thể thương xót và bớt nghiêm khắc với tôi. Song, tôi chỉ làm kích động tính khí của ông bừng dậy thôi; vì thình lình vừa chửi mắng tôi với những lời tôi đã từng nghe nhiều lần trước kia, ông nện vào đầu tôi một cú làm tôi ngã nhào xuống; rồi ông lôi tôi đứng dậy và xô tôi ngã ngửa ra, cuối cùng ông lấy gậy đánh tôi không ngừng. Nhưng Ngogdun, người dự thí chính trong buổi lễ, đã nhảy vào dùng sức mạnh can ông ra; trong khi quá kinh hãi, tôi co giò phóng qua cửa sổ, việc này ngấm ngầm đe dọa ông. Tôi ngã xuống đất, thân thể không bị đau nhưng tinh thần lại mang một vết thương sâu thẳm, và lúc đó tôi muốn tự tử để giải quyết đời tôi[1].

Người đọc lại một lần nữa nghẹn ngào vì sự tàn bạo của thầy và nỗi khổ đau cùng cực của trò có lẽ đã đẩy lên kịch tính. Những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần: “Và như thế tôi tiếp tục việc xây cất cho đến khi một vết thương nữa xuất hiện trên lưng tôi, máu và mủ từ ba vết thương chảy ra nhầy nhụa. Toàn thể cái lưng của tôi đã biến thành một vết thương to lớn. Bây giờ tôi phải bày lưng ra cho người đàn bà tốt bụng với tôi biết, nhờ bà nhắc chồng bà nhớ những lời hứa của ông và yêu cầu dùng uy thế của bà để bắt ông dạy giáo lý cho tôi. Nhìn thấy tấm lưng đau đớn của tôi, bà khóc và lập tức chạy đến nói với thầy tôi:

Thân thể của thằng Đại Phù thủy đang ở trong tình trạng trầm trọng lắm, tất cả do việc xây nhà gây nên; chân tay nó bị nứt nẻ, tím bầm và lưng nó mang ba vết thương lớn hành hạ. Trước giờ tôi nghe người ta nói lừa ngựa bị lở da lưng vì yên cương chứ không bao giờ nghe nói người bị lở da lưng vì yên cương. Nếu thiên hạ nghe được chuyện này họ sẽ chê cười ông cho ông xem, ông Lạt-ma tôn kính, ông phải ý thức sự tàn ác của ông, ông phải có một chút tình cảm chứ.”

Thầy dường như rơi nước mắt, không, chính xác là thầy cũng đã nhiều lần thực sự khóc, nhưng vẫn không thay đổi ý định cho đến khi nào thầy phải hoàn thành nhiệm vụ “rửa sạch cái chuỳ kim cang dính đầy bụi bám bằng nước của chánh pháp”, nếu rửa sạch sẽ là một điềm lành, một sự đại hoàn hảo cho tất cả mọi thế giới. Nhiệm vụ cao cả ấy sao thầy quên được, thầy làm với tất cả sự cống hiến sau này của trò cho sự lưu truyền giáo pháp. Sau những lần đánh đập và chửi mắng thậm tệ, thầy lại gọi trò vào và hỏi: “Lòng tin của con đối với thầy có lung lay không, tình thương của con dành cho thầy có trở thành oán ghét không?”. Trò đáp: “Bạch thầy, không! Bởi vì đó chỉ là ác nghiệp quá khứ của con quá sâu dày đã ngăn cản lễ Điểm Đạo Truyền Pháp của con và lòng con đầy hối hận về những việc ác con đã làm”, và trò bật khóc, khiến thầy lại nổi giận đùng đùng làm cho trò chẳng biết đâu là thực, đâu là hư. Rồi tự hỏi, rốt cuộc không biết thầy có chịu truyền pháp cho mình hay không?

Sự quyết tâm cao độ trong việc tìm cầu chân lý của trò thật không ai sánh nổi. Chỉ có bậc đại trượng phu mới có khả năng chịu đựng trong sự vùi dập đớn đau về thể xác và tinh thần đến mức không thể nghĩ bàn như thế. Có lẽ chưa một câu chuyện nào lại thấm đượm tinh thần khát khao chân lý đến tột độ như câu chuyện về Ngài Milarepa. Và cũng có lẽ rằng chưa ai nếm mùi trần gian đầy nước mắt như Ngài. Mùi của khổ đau mà Đức Phật đã dạy bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như về Tứ Thánh Đế, chân lý đầu tiên được nhắc đến là Khổ đế. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy khổ chính là một thực tại. Người cần cầu đạo lý phải thấy được và kinh nghiệm được sự khổ. Nếu thấy rõ cái khổ, hiểu rõ cái khổ thì sự mong muốn thoát ly khỏi khổ đau, mới thật sự là chất liệu xúc tác to lớn trên bước đường tu tập giải thoát. Ngược lại, nếu chỉ hiểu sơ qua về cái khổ, chưa kinh nghiệm được cái khổ, hay còn thấy trần gian này còn có gì đó đáng vui sướng, đáng hưởng thụ thì ắt hẳn người ấy vẫn chưa đủ dũng lực quyết tâm thoát ly sanh tử. Khổ mà Ngài Milarepa kinh nghiệm là sự khổ tột cùng, vì thế mà đối với Ngài, nếu không được học giáo pháp thì Ngài cũng không còn thiết sống nữa. Nước mắt đã rơi trong nhiều đêm ròng rã, thân thể đã suy mòn vì sự đoạ đày, cõi lòng đã nát tan vì hối hận những nghiệp xấu ác mà mình gây ra, đau đớn tột cùng vì thầy không truyền pháp mà chỉ la hét và đánh đập tàn nhẫn. Tất cả những điều ấy chính là chất liệu un đúc, dùi mài cho một tinh thần kiên định về sau, cho sự thực hành rốt ráo sau cùng của Ngài. Rõ ràng là xứng đáng, xứng đáng với tầm rèn luyện và khắt khe của thầy để cống hiến cho vạn loại sanh linh một vị Thánh tăng mang lại nhiều phúc lạc cho đời. Người ta bảo rằng, nơi nào đất đai khô cằn nhất thì chính nơi ấy lại mọc lên những cây thẳng nhất và cao nhất. Qua suy nghiệm thực tiễn đều thấy rằng đúng như thế, cuộc đời luôn có hai mặt, bề mặt càng lớn thì bề trái càng rộng. Dường như sự thật ấy có vẻ mâu thuẫn, đối nghịch nhưng rốt cuộc lại là sự bổ sung hoàn chỉnh cho nhau trong một chỉnh thể hợp nhất.

Nghĩ lại chuyện tu hành của chúng ta ngày nay quả thật là đáng hổ thẹn. Chuyện khó một chút chúng ta nản lòng, thầy quở rầy một chút chúng ta giận hờn, trách móc, nỡ bỏ thầy mà đi. Sự yếu đuối và bạc nhược của chúng ta có lẽ không thể mong cầu sự tiến bộ nào hơn trên con đường Thánh đạo. Quá trình gột rửa nghiệp phàm phu để hướng đến Thánh quả đối với chúng ta thật khó mong cầu. Tấm gương của các vị thiền sư, những bậc thầy đi trước, dù gặp bất kỳ hoàn cảnh trái nghịch nào vẫn một lòng kiên định và quyết tâm mong cầu sự giác ngộ mãi mãi là bài học, là động lực thúc đẩy chưa bao giờ vơi cạn cho tất cả những ai đã và đang trên bước đường học Phật dù ở bất kỳ tông phái nào. Tấm gương ấy cũng cần được lan rộng, lan xa để mỗi người con Phật khi đọc đến như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin bền vững, để mạnh dạn bước đi, không ngần ngại tiến về phía trước bằng tất cả thân, khẩu, ý cúng dường lên mười phương chư Phật.

Như một mặt trời toả rạng trong xứ sở lạnh lẽo đầy tuyết phủ, chiếu sáng bóng đêm dày đặc, soi thấu vạn loại sanh linh, là nguồn suối pháp chảy mãi trong truyền thống tâm linh qua bao thế kỷ. Quyển sách đã được gấp lại mà người đọc vẫn còn mường tượng từng lời của người viết về tiếng hát của một Thánh giả du-già, “vừa trầm hùng như loài sư tử, vừa thánh thót như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, vừa rạt rào như lời cây tiếng lá,… cao thâm qua các triền núi u huyền của dãy Hi-mã-lạp sơn,… Tiếng hát lời ca này phát nguồn từ một giai tầng trí tuệ và nghệ thuật viên dung siêu việt của một bậc thánh tăng Bồ-tát Tây Tạng với mảnh vải che thân mong manh rách rưới và chiếc tích trượng nhỏ bé nhưng rắn chắc vô biên, nện vang từng tiếng rõ ràng theo nhịp chân leo lên từng phiến đá tuyết trắng ngần sau hơn mười năm tu luyện các năng lực thượng thừa và tu tập thiền định”. Lời ca ấy như còn đọng lại những lời giáo huấn thâm sâu của Ngài:

“…Nếu không buông bỏ những mục tiêu thế tục

Có ích gì thiền định theo những giáo huấn chỉ bày

Nếu thân, ngữ, tâm không tương ưng với pháp tánh

Tốt đẹp gì những buổi lễ thức nghi?

 

Nếu như nhục mạ không như gió thổi trong không

Tốt đẹp gì khi thiền định về nhẫn nhục?

Nếu không vượt qua tham luyến và ghét bỏ

Có ích gì những dâng cúng, hy sinh?

Nếu không nhổ tận gốc chấp ngã

Tốt đẹp gì bố thí nọ kia?

Nếu không nhìn tất cả chúng sanh như cha mẹ

Tốt đẹp gì cai quản một tu viện thênh thang?

 

Nếu đức tin không lớn lên trong tâm thức

Có ích gì xây những tháp bên ngoài?

 

Nếu không ghê sợ sanh tử và cấp bách giải thoát

Tốt đẹp gì đức hạnh xuất gia?

Nếu không học cách thương yêu những người khác hơn bản thân

Tốt đẹp gì những lời ngọt ngào thương xót?

Nếu không nhổ sạch gốc mê lầm và tham muốn

Lợi lạc gì khi phụng sự Lama

 

Hãy vất bỏ mọi hành động vô ích

Chẳng lợi lạc gì mà chỉ hại các con

Một ẩn sĩ đã hoàn thành mục đích

Ta không cần một việc gì thêm.”[2]


[1] Retchung, Đỗ Đình Đồng dịch, Milarepa, con người siêu việt, Nxb Tôn giáo, 2012.

[2] Lobsang P.Lhalungpa, The Life of Milarepa, Thiện Tri Thức dịch, 2000, tr. 293.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan