CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tiếng trống trường ngày thi

tiengtrongtruongKhông hiểu sao nhỏ lại yêu tiếng trống đến vậy. Tiếng trống giục giã như tiếng trống của trường nhỏ ngày ấy. Tiếng trống làm vỡ ào bao cảm xúc tuổi thơ thanh thiếu ngồi thẫn thờ bên ghế đá dưới gốc phượng xanh ngắt một góc trời. Tiếng trống lại vang lên làm đàn ong như vỡ tổ ùa ra, tung vẫy vang dội một khoảng không đang yên lặng… Kí ức ấy theo tiếng trống đi xa và trải qua hơn mười mấy năm rồi nhỉ!...

Rời xa cây bàng rợp nghiêng

Rời xa tấm bảng, bạn hiền đùa nô

Rời xa chiếc áo học trò

Rời xa cô giáo chăm lo tinh thần

Rời xa tiếng trống vang rền

Theo chân vào lớp, thác ghềnh vượt qua…

Hôm nay, sau thời gian bôn ba với kiếp nhân sinh trồi hụp kiếm tìm sự sống, nhỏ với hình hài là một tu sĩ, lại cùng sách vở trong tay đang trong tâm trạng hồi hộp lẫn âu lo với ba môn thi thử thách cho một hành trình bước vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tăng Ni sinh quần tụ thành từng nhóm như muốn kết nối với những hồi ức năm xưa. Bao câu chuyện đạo xếp lại, thay vào đó là những trăn trở, băn khoăn, luận giải cơ hồ các môn thi sắp đến… Nét mặt uy nghiêm, tĩnh tại bao lâu nay đã thay bằng một gương mặt trầm tư, lo lắng. Ai cũng đang trong tư thế sẵn sàng cho “bút họa nên vần”.

Giờ khai mạc kì thi tuyển sinh vào Phật Học viện khóa X đã đến. Tiếng trống được đại diện chư Tôn Giáo phẩm chứng minh khởi lên ba hồi. Tiếng trống nhỏ yêu ngày nào – tiếng trống hào hùng, ngân vang, thu thúc, dậy lòng, khởi niềm hỷ lạc mênh mang. Tiếng trống như hấp thụ khí thiêng trời đất 4.000 năm in dấu sử thi, lặng thầm, hiển nhiên len lỏi vào tâm can, nhiệt huyết và tiềm thức con người, gọi bạn lầm lỗi quay về… Tiếng trống bay cao bay xa, vọng về nghìn thu dậy hồn cha anh, sông núi, tiếp sức mạnh vô biên trên đôi bàn chân dân tộc Việt hôm nay, đạp bằng nguy nan, dấn bước hành trình, hàn gắn xóa tan oán ghét hận thù, nối liền tình Linh Sơn pháp lữ, tình láng giềng quanh ta và nghĩa thâm ân đồng loại. Tiếng trống nghiêm từ, trang tướng uy nghiêm, vẽ hình Bát Nhã, họa cảnh chư Thiên, kêu vọng vô hữu phi nhơn tựu hội, nghe linh thiêng bầu trời cảm xúc muôn ngàn….

Hơn mười năm lẻ, nhỏ lại có được cảm xúc này. Những đôi bàn chân trẻ tung tăng như những chú chim non một thời lầm lỡ làm phiền lòng Thầy Cô. Bài học dở dang vì Cô bỗng ngất đi trong tiết học cuối thu… Còn đây trang nhật trình Thầy viết về cuộc đời làm sinh viên nghèo bao năm dài vượt khó, phải đổi đôi bàn tay chai sần của Mẹ để có tấm bằng hạng ưu làm Thầy buốt con tim,… Nhiều lắm những kí ức ùa về làm nhỏ tê lòng. Dẫu biết rằng, trong chúng ta ai cũng đã và từng đi qua một vùng trời tuổi thơ dưới mái trường hay ở một giảng đường đại học nào đó, nhưng mỗi kỉ niệm là những dòng sông nhỏ cứ lặng thầm nhè nhẹ chảy sâu trong tim mỗi người.

Mỗi Tăng Ni sinh trẻ hôm nay, bước vào cuộc hành trình luôn tự nhủ cố gắng để chuyển hóa tự thân bằng con đường chinh phục, hay chúng ta vay mượn? Câu hỏi lớn mà nhỏ dường như còn mơ hồ. Liệu chăng ta đang cố “nhào nặn” ra kết quả một lớp kế thừa mạng mạch Phật, Tổ Thầy tương lai? Đến đây nhỏ bỗng nhớ câu chuyện về một tăng sinh trẻ đang luyện thi với nhỏ hôm ấy: Thầy của nhỏ bước vào lớp. Sau vài câu giao lưu với tăng ni hôm ấy, bất giác một tăng sinh trẻ đã vô lễ trả lời những câu hỏi mà cả Thầy và nhỏ không thể nào nghĩ đến. Nhưng rồi nhỏ chợt nghĩ lại: Âu đó cũng là sự thật về một nền giáo dục ở Việt Nam nói chung? Hãy chấp nhận để vượt qua và bước tiếp. Sự sám hối của vị tăng sinh trẻ ngay hôm ấy và những ngày sau cũng đồng thời là tiếng lòng cho nhiều lớp tăng sinh trẻ hôm nay và mai sau cần suy gẫm. Nền giáo dục Phật học chúng ta có thể kém kiến thức thế gian một chút nhưng đạo hạnh oai nghi và lòng từ bi, chúng ta không thể thiếu. Có nên chăng cần phải “xây dựng” đúng nghĩa một thế hệ hậu lai cho Phật pháp hơn là “nhào nặn”? Nếu thiếu những chất liệu ấy thì quả là chúng ta đang dẫm lên dấu chân hành trình giáo dục thế tục, và nền đạo đức trong nhà Phật đến lúc cũng phải cần xem lại sao?

Những suy nghĩ bỗng lạc nhịp trong nhỏ. Nhưng nhỏ hiểu mỗi cung bậc cảm xúc ấy chẳng khác nào hồi trống ngân lên tự sâu thẳm tâm hồn, báo hiệu những phập phồng âu lo. Thế hệ tăng ni sinh trẻ hôm nay cần gì ở cha anh đi trước trong ngôi nhà giáo pháp? Những bậc Thầy vững chãi về tuệ đức, tâm đức, giàu lòng vị tha, “thấy việc đáng khen nên khen liền, thấy việc đáng trách chớ vội trách ngay” (Lời cố HT. Giác Dũng) chính là liều thuốc bổ cần thiết nhất trong mọi hoàn cảnh và thời đại mà thế hệ mai hậu luôn cần và xem như là kho báu suy tôn giáo pháp Như Lai. Quả thật chỉ có tình yêu thương thật sự mới làm tan chảy những trái tim băng giá và ngược lại, những quả tim thô ráp ấy do nhiều nghiệp duyên tạo nên, bị tan chảy chỉ khi nó được hấp thụ bởi một tình yêu thương thật sự. Đức Phật cũng từng khuyên đệ tử: “Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của mình, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác”.

Từ đó nhỏ bỗng thấy trân quý biết nhường nào những giờ phút huynh đệ bên nhau để ôn luyện miệt mài, đến nhận phiếu báo danh, bên nhau trước giờ trống điểm vào phòng thi,… bên túi thức ăn mà đàn na chắc chiu dâng cúng khi tan giờ thi từng môn,… mỗi giây phút qua đi làm nhỏ và chư huynh đệ được sống thật với chính mình – tuổi học trò thanh trong! Chính từ những thi vị cuộc sống thường tình ấy đã nung nấu thêm ý chí, tha lực cho chư huynh đệ thêm nghị lực để vượt qua mọi trở ngại trong đời sống tu học. Nó như âm vang tiếng trống luôn thúc giục tăng ni sinh trẻ tấn tới trên đạo lộ chánh hạnh của tam vô lậu học. Để rồi ta đi qua mọi sự thấy - nghe - biết trong đời sống thường ngày mà không chút gợn lòng. “Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh” (Lời Phật dạy) nhằm thực hiện sứ mạng “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

Nhỏ bỗng nhớ lời của một nhà triết học trên thế giới: “Hãy nhường cho tôi tuổi trẻ của bạn nếu bạn không biết dùng nó vào việc gì”. Câu nói chí ít cũng đánh thức được tâm thụ động của hàng triệu tăng ni sinh trẻ hiện nay trong các giảng đường Phật học, cũng như mong rằng tiếng trống hôm nay – trong ngày khai mạc kì thi tuyển sinh Phật học khóa X sẽ gióng lên như hồi trống thức tỉnh, để chúng ta không phải xoay vòng trong tam giới, vô minh che phủ, tham ái cuồng loạn và chịu sự chi phối của tam độc. Tiếng trống ấy vang lên vẫn như ngày nào, từ cái thuở ê a đi vào huyền thoại, nhưng dường như nó theo nhỏ đi vào miền nhớ không nguôi và vẽ nên bao hoài bão trong tâm trí nhỏ, thôi thúc kêu gọi và động viên cho một hành trình phía trước hôm nay và mai sau.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan