CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Cảm niệm về chuyến chiêm bái thắng tích Phật giáo miền Bắc của Khoa Đào Tạo Từ Xa

Hòa thượng đương kim Viện trưởng Học viện thường khuyên học trò chúng con về mục đích và ý nghĩa của việc hành hương. Ngài dạy đi hành hương bằng chơn tâm hơn là bằng đôi chân để không có chướng ngại nào nơi thân và hoàn cảnh có thể chi phối nhiễm tâm, làm tâm vọng động. Hành hương chiêm bái không chỉ để trải nghiệm thực tế, mở mang tri thức, mà ý nghĩa của nó là hướng về cội nguồn hay đi tìm đức Phật trong chính nội tâm. Trước khi đi, chúng con nôn nao, vui sướng như sắp nhận được phần thưởng hiếm có trong cuộc đời mình. Tư lương được gói gém với tâm quy ngưỡng trọn lành nơi Tam Bảo, chính nhờ ân đức của Tam Bảo mà tất cả Phật tử chúng con được hộ trì an ổn, thời tiết thuận hòa, các nơi chào đón bằng tình thân ấm áp xuyên suốt cuộc hành trình.

Đảnh lễ Tam Bảo tại chánh điện Tịnh xá Linh Sơn - Thanh Hóa 

Cúng Ngọ trưa

Chuyến đi 4 ngày, từ ngày 31/12/2020 - 03/1/2021. Điểm đến ấn tượng đầu tiên là Tịnh xá Linh Sơn tại chân núi Nưa. Ngôi già lam đơn sơ, thanh tịnh, u nhã trên vùng đất linh thiêng sẽ được Thượng tọa Trưởng khoa chính thức đặt đá xây dựng vào tháng Giêng năm Tân Sửu. Như lời của Ni sư Phó khoa, “Linh Sơn hàm nghĩa tình Linh Sơn cốt nhục”. Chúng con từ ba miền đất nước hội tụ về đây, phải chăng từ vô thủy kiếp đã từng cùng nhau được dự hội Pháp Hoa trên đỉnh Linh Thứu nơi đức Thế Tôn thuyết pháp?! Hình ảnh Thượng tọa Trưởng khoa và Ni sư Phó khoa là đôi pháp lữ, tương trợ và hành đạo cùng nhau hơn hai thập kỷ qua, là tấm gương sáng cho chúng con noi theo. Tình cốt nhục trong đạo pháp thậm thâm sâu sắc, cảm như vậy để nhắc nhở chúng con biết trân quý, dìu dắt nhau tu học không những cho cuộc đời này mà muôn kiếp sau, đến khi tất cả chúng con được cùng về đảnh lễ dưới chân của đức Thế Tôn nơi chốn Linh Sơn thiêng liêng ấy.

Thượng tọa trụ trì thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng chia sẻ pháp thoại cùng đoàn  

Đêm hoa đăng cầu nguyện

Một đêm tĩnh lặng nhất là tối ngày 31 tháng 12 ở Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Thay vì theo niềm vui ở thế gian với tụ hội tiệc mừng, reo hò, pháo hoa ở thời khắc giao giữa năm cũ và năm mới, chúng con có cơ hội được nghe Pháp thoại từ Ni sư Phó khoa và được hướng dẫn thực tập thiền tâm từ (metta-bhavana) từ Thượng tọa Trưởng khoa và Thượng tọa Trụ trì. Năng lượng từ bi của quý chư Tôn đức và cả hội chúng đã nâng đỡ chúng con trải nghiệm tứ vô lượng tâm với niềm an lạc vô biên và trở thành nguồn năng lượng kéo dài, bảo hộ cho hành trình hành hương các ngày kế tiếp.

Ni trưởng Viện chủ chứng minh cho chư Ni và Phật tử đảnh lễ

Đêm chia sẻ giao lưu tại Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm 

Ngày đầu năm mới, ngày 1 tháng 1, trước khi chiêm bái núi thiêng Yên Tử, đoàn dừng chân ở Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Cái Bầu). Những nét kiến trúc và lối bố trí chuẩn mực, tinh tế, trang nghiêm rất đặc trưng của Thiền viện Trúc Lâm miền Nam vẫn được lưu giữ nơi đây. Đặc biệt ngôi Thiền viện nằm trong khung cảnh núi đồi hướng ra mặt vịnh, một bên rừng cây bạt ngàn, phía trước sóng nước hữu tình càng làm cho thiền môn thêm tịch tĩnh như cõi thiên thai. Hơn hết, đoàn được diện kiến đảnh lễ Sư bà Viện chủ, Người có công lao cải tạo vùng đất cằn cỏi, sình lầy với mái am tranh suốt hơn 12 năm ròng để kiến thiết nên cảnh Thiền cùng Ni đoàn thanh tịnh, đã để lại cho chúng con bài học vô giá về nỗ lực cải tạo mảnh đất tâm của chính mình. “Tu hành cần phải dụng công – lục căn thanh tịnh, lục thông hiển bày". Chúng con không sao quên được dung mạo từ nghiêm của Sư bà và lời giáo huấn về việc “học từ xa” nhưng chất lượng không thua kém hệ chính quy, học phải thật tâm, thật lòng để mai này trở thành những người hữu dụng cho xã hội và đạo pháp, đó mới gọi là thật học.

Tham quan núi Yên tử

Tụng kinh và nhiễu quanh tôn tượng Phật hoàng tại Yên Tử

Tụng kinh trên đỉnh Chùa Đồng

Ngày thứ 3, đoàn chiêm bái theo bước chân an lạc của Thượng tọa Trưởng khoa đã đến cái nôi của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Linh khí nơi đây tạo nên năng lượng sung mãn, thôi thúc chúng con leo lên đỉnh Yên Tử - chùa Đồng như được về với cội nguồn chơn tâm. Giữa không gian thiêng liêng, tĩnh lặng, khí hậu trong mát thuần hòa, chúng con năm vóc sát đất đảnh lễ mười phương chư Phật, niệm ân đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, trong giây phút ấy, tâm hồn chúng con như bay vút lên tận trời xanh. Nương theo nguyện lực của lịch đại Tổ sư và chư Tôn Thiền Đức, chúng con phát đại nguyện: đời đời quy ngưỡng ngôi Tam Bảo, đời đời gìn giữ Bồ-đề tâm kiên cố, đời đời tiến tu cho đến khi đạo quả viên thành.

Tham quan chùa Dâu

Buổi chiều cùng ngày, chúng con được ghé thăm thành cổ Luy Lâu – trung tâm Phật giáo Việt Nam cổ xưa nhất. Ngoài kế hoạch của đoàn, trước khi đến di tích chùa Dâu, nhân duyên đưa đoàn đến thăm Phi Tướng đại thiền tự, nằm ngay phía nam trung tâm thành Luy Lâu. Chúng con thầm nghĩ có phải ý Phật, Tổ dẫn đoàn đến đây, “Phi Tướng” nghĩa là không hình tướng, “Phật pháp thậm thâm vi diệu” không thể thấy bằng mắt thường, đi tới lui tìm kiếm không thể đặng ra, mà chỉ có thể lắng nghe âm thanh (Lôi âm) nơi nội tâm mình. Buổi sáng đã về với chơn tâm, buổi chiều cùng đừng quên về với chơn tâm, tất cả các thời đều về với chơn tâm.

Tham quan Chùa Tam Chúc

Tụng kinh đảnh lễ Tam Bảo tại Điện Tam Thế - Chùa Tam Chúc

 

Đảnh lễ Tam Bảo tại Chùa Viên Minh

 

Ngày cuối cùng, đoàn hành hương về chiêm bái Tam Chúc – nơi đã diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 thành công tuyệt diệu. Cảnh quan non nước hùng vĩ, điện Phật nguy nga, đây là tín hiệu đáng mừng cho vị thế của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế. Song, chúng con không được ngủ quên trên phước báu, không quá tự hào với những ngôi chùa vật chất tráng lệ này mà quên đi ngôi đền tâm linh của chính mình. Chùa trong tâm mới tạo nên Phật cảnh, hàng hậu học chúng con phải luôn tinh chuyên, tỉnh thức, tiếp thu thời đại mới nhưng vẫn gìn giữ nếp đạo muôn đời của Tổ tông. Ngược với cảnh chùa cao Phật lớn, điểm đến tiếp theo là Tổ đình Viên Minh - ngôi già lam với mái rêu phong, hồ phẳng lặng, tháp Tổ cổ kính. Dù đoàn chưa đủ duyên được diện kiến đảnh lễ bậc lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, chúng con được bái vọng nơi phương trượng của Ngài. Nhìn chiếc giường mà Ngài nghỉ ngơi và những vật dụng đơn sơ trong phòng mà chúng con nghẹn lòng đến rơi lệ, khuất phục trước đức hạnh thanh cao và trí tuệ sáng ngời của bậc Tổ sư. Trước khi rời chùa Viên Minh, chúng con rất ấn tượng cổng tam quan Tổ đình với hai mặt trong ngoài đề hai câu đối: “Nâng cao tỉnh thức, tiến tới yên vui”, nhắc lại bài pháp Niệm Xứ của đức Phật - Chánh niệm là căn bản - như lời khuyến tấn của đức Pháp chủ cho chúng con trên bước đường tu học. Dù tu tập theo bất kỳ pháp môn hay bộ phái nào, chỉ có tỉnh thức, chánh niệm là con đường duy nhất đưa đến an vui, Niết bàn tịch diệt.

Nhục thân xá-lợi của thiền sư Vũ Khắc Trường 

Nhục thân xá-lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh

Điểm chiêm bái cuối cùng là chùa Đậu, nơi đây lưu giữ xá lợi toàn thân của hai Thiền sư đắc đạo: Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Đảnh lễ chư Phật và xá lợi của chư Tổ một lần nữa nhắc nhở chúng con phải có trách nhiệm truyền thừa và gìn giữ mạch đạo. Nương thân tứ đại nhơ nhớp giả hợp này để có được Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Người tu theo Phật đạo, chính là người cung kính, tôn thờ xá lợi Như Lai. Người có được Pháp thân, chính là người gìn giữ được xá lợi Như Lai vậy. 

Mỗi ngôi tự viện đi qua để lại mỗi dấu ấn tâm linh sâu lắng cho hàng hậu học chúng con. Sau chuyến đi này, lòng tín tâm nơi Tam Bảo thêm thuần khiết, niềm an lạc thêm sung mãn. Ngoài chiêm nghiệm nơi đất thiêng chốn Tổ, chúng con còn có duyên lành được chú tâm quan sát từ các bậc Thầy đến các pháp lữ gần gũi đồng hành để rút ra những bài học về pháp tu cho bản thân:

Pháp vô nhiễm: Mặc dù Thượng tọa Trưởng khoa luôn bận rộn trong các hoạt động chỉ đạo, điều phối và dẫn đầu đoàn trong suốt hành trình, nhưng Sư luôn toát lên sự an lạc nơi thần thái và trong bốn oai nghi, đó là năng lực của định hay vô nhiễm.

Pháp tuệ quán: Ni sư Phó khoa chỉ có một ngày cùng chúng con ở Thanh Hóa nhưng đem lại niềm hỷ lạc và năng lượng tích cực cho chúng con. Mỗi khi Sư ban đạo từ hay phát biểu một điều gì đó, Sư nói ngắn gọn nhưng thâu nhiếp tâm tư của cả hội chúng, đó là năng lực của tuệ.

Pháp kham nhẫn, nhu hòa: Ni sư Trụ trì Thiền viện Giác Tâm không những xúc chạm đến tâm thức chúng con qua chia sẻ về kinh nghiệm cách đây 10 năm vừa cần cù đèn sách “học từ xa”, vừa công phu tu tập, vừa chấp tác xây dựng chùa trong quãng thời gian đầy khó khăn thử thách; mà còn ở những cử chỉ ân cần, mộc mạc của Sư. Hình ảnh không thể phai mờ khi Sư đón mừng đoàn chúng con tận cửa xe buýt; Sư đi dạo cùng chúng con, giới thiệu khuôn viên và lịch sử tự viện; Sư chăm lo từng bữa ăn thật chu đáo. Khuya đến, Sư lại lặng lẽ đến thăm từng khu phòng xem Phật tử chúng con có đủ nệm chăn ấm và an giấc. Chúng con cảm nhận Giác Tâm như ngôi nhà bình yên, được gặp Sư và Ni chúng nơi đây như những người thân thương từ thuở nào. Chúng con tự hổ thẹn khi xét bản thân khó thực hành hạnh kham nhẫn và nhu hòa.

Pháp khiêm cung, từ tốn: Đại đức thị giả đức Pháp chủ chỉ có đôi lời giới thiệu sơ lược về lịch sử Tổ đình Viên Minh, Tổ sư khai lập ngôi Tam bảo và đức Pháp chủ đương Viện chủ, nhưng cốt cách của Sư thật khiêm cung, giản dị, từ tốn và bao dung, có lẽ đức hạnh của Sư được ảnh hưởng và huân tập khi luôn hầu cận bên đức Pháp chủ. Chúng con phải nên trân quý phước báu mà mình đang có trong môi trường học Phật tại Học viện. Thời gian bốn năm sẽ trôi qua thật nhanh, giờ phút nào được thân cận nơi các bậc cao minh, chúng con không những tiếp thu tri thức, mà phải tranh thủ học hỏi, huân tập từ đức hạnh của quý Ngài để hoàn thiện đức hạnh tự thân. 

Pháp trực tâm, thâm tâm: Tất cả chúng con đều cảm phục thầy giáo Nguyễn Trọng Hạnh. Thầy là một đảng viên, không nhận mình là người có tôn giáo nhưng Thầy luôn toát lên vẻ của người Phật tử thuần tín. Thầy là người trực tâm, tôn trọng sự thật và luôn nói thật. Dù nói về phương diện chính trị lịch sử, văn hóa hay nhân sinh, dù nói về học thuật hay đời thường, Thầy chỉ đặt mình ở những khía cạnh chân thật nhất. Thầy là người thâm tâm, chúng con không thể hình dung Thầy đã là người lính sắt đá xông pha chiến trận khi xưa, mà giờ đây người Thầy với lòng từ ái, hết mực thương mến hàng hậu học, kỳ vọng nhiều ở thế hệ học Phật mai sau. Thầy xúc động tại Thiền viện Giác Tâm khi biết học trò là những nữ nhi, nhưng nghị lực mạnh mẽ phi thường. Thầy lại xúc động lần nữa trên đỉnh thiêng Yên Tử, nơi chùa Đồng hội chúng tụng kinh vang khắp núi rừng, Thầy mong ước Phật Pháp mãi trường tồn để đất Việt thái bình, nhân dân an lạc. Càng gần gũi học tập nơi Thầy, chúng con càng thêm yêu mến quê hương, Tổ quốc.

Pháp tinh tấn: Chúng con còn tích góp được những bài học quý giá từ các Phật tử đồng hành với những địa vị xã hội và hoàn cảnh sống khác nhau, mỗi người mỗi nghị lực, tinh tấn đến với Phật đạo. Điển hình miền Bắc có gia đình pháp lữ Đức Điền. Anh chị là những Phật tử thuần thành, hằng tâm, hằng sản phụng sự ngôi Tam Bảo, nhưng ấn tượng nhất anh chị là hình mẫu Phật hóa gia đình, Phật hóa nơi công xưởng. Điều này gợi nhắc Phật tử tại gia chúng con nên làm tròn bổn phận của mình, không những phải giữ mối đạo cho bản thân, mà cần lưu truyền Phật pháp cho con cháu và thân hữu trong muôn một. Phật hóa gia đình, Phật hóa công sở, Phật hóa xã hội không còn là “tùy duyên”, mà ở ngay hạnh tinh tấn và sự nỗ lực tu tập của mình hằng ngày.

Pháp bất khinh: Hữu duyên di chuyển cùng xe số 2, chúng con đồng hành với pháp lữ Phương Tuệ, chị không ngồi mà hay đứng làm “lơ xe” và nhận mình là “cu ly”, chị thức khuya, dậy sớm, đi trước, ngồi sau. Chị ít bộc lộ và khiêm nhường, âm thầm hỗ trợ, sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ cho toàn đoàn; chúng con học được tính chu toàn cho tập thể nhưng lặng lẽ từ chị hay đúng hơn là hạnh bất khinh.  

Pháp anh nhi: Chúng con được dịp quan sát một cháu bé Phật tử (Khánh Ngân, 8 tuổi) đi cùng đoàn, em đặc biệt luôn được Thượng tọa Trưởng khoa dạy dỗ, dắt tay mỗi khi đi bộ cùng Tăng đoàn và đại chúng. Chính trái tim trong sáng như pha lê đã gieo duyên cho em được gần bên các bậc Tôn túc. Cầu mong đây là hạt giống lành mà em đang trồng ở hiện tại sẽ lớn lên cùng em trong suốt cuộc đời này. Hình ảnh của em thức tỉnh chúng con nhớ đến Hạnh anh nhi. Sự hồn nhiên, trong trắng phá tan bao phiền não, lo toan, vọng niệm đan xen tạp nhiễm; kéo tâm trí chúng con trở về với thực tại, không buồn, không giận, không lo, an nhiên như trẻ thơ.

Thật không sao kể hết những khoảnh khắc an lành, cũng như những thành viên thân thương trong đoàn hành hương. Mỗi người mỗi hạnh nguyện, là những đóa hoa tươi đẹp trong vườn hoa muôn sắc của Khoa Đào tạo từ xa; nguyện giữ gìn và hiến dâng hương sắc của đức hạnh cao thượng cho đời. Mặc dù có hay không hiện diện trong chuyến hành hương này, Khoa Đào tạo từ xa chúng con luôn khắc ghi lời nguyện cầu của Thượng tọa Trưởng khoa trước ngôi Phạm vũ Tổ đình Viên Minh: “Chúng con xin là những học trò ngoan hiền, nối dài cánh tay của chư Tôn thiền đức để hoằng truyền Chánh Pháp, lợi lạc nhân thiên”.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan